Để Hôn Em Lần Nữa
Chương 54
Một nhân viên đến gần Đăng, vươn tay vặn công tắc trên tường. Ánh đèn halogen vốn đã yếu ớt lại trầm xuống thêm chút nữa. Tiếng nhạc thay đổi hẳn, to hơn, dồn dập hơn. Từng tốp khách kéo nhau vào quán mang theo thứ mùi hỗn hợp của nước hoa, thuốc lá và khói bụi trên đường phố. Chiếc bàn dài nơi anh ngồi cũng có thêm vài người khách lẻ khác. Chưa có ai ra nhảy nhưng hệ thống đèn màu đã bắt đầu chớp động ngoằn ngoèo. Không khí trong phòng dần nóng và ngột ngạt hơn. Đăng rút điện thoại nhìn giờ, tự nhiên nhếch mép cười chính mình. Mới ngồi đây hai tiếng và uống một chai bia mà anh đã thấy đau đầu, buồn ngủ. Có lẽ anh không còn chịu được những chỗ như thế này. Đăng nghĩ trong lúc rảo bước về phía cửa.
Ở đoạn sảnh ngắn nối lớp cửa thứ nhất và lớp cửa thứ hai, một vị khách nữ đang đứng nghe điện thoại. Theo đúng phép lịch sự, Đăng khẽ thốt ra câu “xin lỗi” rồi mới cúi đầu lách qua. Vừa chạm tay vào lớp kính lạnh lạnh, anh chợt thấy người đó lên tiếng, giọng nhỏ và khô đanh, vô cùng quen thuộc:
- Hold on!
Đăng quay lại, hơi nheo mắt để xác định rõ người đối diện và sau đó là để giấu sự sửng sốt. Giữa không gian eo hẹp, tranh tối tranh sáng, Điệp đứng đó, mặc chiếc váy liền áo ngắn đến mức khó thể ngắn hơn, gương mặt phủ kín mỹ phẩm nghênh nghênh như một câu đố, ánh đèn xanh tím từ biển hiệu trên cao đổ xuống xuyên qua mái tóc phá cách (vẫn thường được miêu tả “chải mãi mới đủ rối”) tạo nên những bóng khuất trên trán, hốc mắt và rìa má, thoạt nhìn có vẻ xa lạ, hư ảo. Chị úp điện thoại vào ngực, kéo anh đứng nép vào một bên tường để không cản trở lối đi rồi mới hỏi, câu hỏi nghe thân thiết như thể hai người nãy giờ vẫn đi cùng nhau:
- Sao Đăng về sớm thế?
Đăng trả lời Điệp bằng một nụ cười bàng bạc. Anh khoát tay ra hiệu rằng mình sẽ đợi ở phía ngoài rồi mở cửa, bước nhanh xuống vỉa hè. Âm thanh huyên náo không theo nhịp điệu nào cùng hơi nóng ẩm ướt vừa phải của đường phố xua bớt cơn nhức đầu và buồn ngủ nhưng Đăng vẫn không cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đôi lúc, anh thực sự khâm phục cái cách cư xử thản nhiên như chưa hề có cuộc chia ly của Điệp.
Hai năm trước, anh gặp lại Điệp khi chị đến HDA xin tài trợ cho một cuộc thi viết. Lúc đó, anh vừa kết thúc một dự án ở tận Cà Mau, trở về Hà Nội với nước da đen cháy và tâm trạng không mấy lạc quan. Dự án kéo dài thêm gần ba tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng kết quả thu được lại không như kỳ vọng, sức khoẻ của anh sau một thời gian xa nhà, sinh hoạt ăn uống tạm bợ, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, văn phòng thì xáo trộn về nhân sự do trưởng đại diện bị bệnh đột ngột, phải về nước trước thời hạn, Đăng bắt đầu có ý định nhảy việc. Và Điệp xuất hiện thật đúng lúc.
Bằng lối cư xử thản nhiên, chủ động, có khi còn sấn sổ lấn át một cách dịu dàng, khôn khéo, Điệp đã khiến Đăng có cảm giác bốn năm chia tay, ba năm không gặp mà chỉ như vài tuần, thậm chí vài ngày tạm xa cách. Chị thường mượn lý do công việc để hẹn anh, sau đó nhân lễ trao giải cuộc thi viết, giới thiệu anh với ban biên tập của Quan Sát. Mặc dù Đăng quyết định về Quan Sát phần lớn vì ông phó tổng biên tập thường trực bất ngờ đề nghị và vì thực sự hứng thú với công việc này sau hai năm vắt kiệt mình ở HDA, anh cũng không thể phủ nhận vai trò “môi giới” của Điệp.