Đấu Trường Sinh Tử
Chương 3
Vào bên trong, tôi được người ta sắp xếp cho một mình một phòng. Đó là nơi nguy nga nhất tôi từng thấy, với những tấm thảm dày và rộng, ghế cùng một chiếc đi văng bọc nhung. Tôi biết đó là nhung bởi mẹ tôi có mặc một chiếc đầm với cổ áo làm bằng chất liệu ấy. Ngồi lên đi văng, tôi không ngừng vuốt ve mặt vải. Điều đó giúp tôi bình tĩnh lại trước khi chuẩn bị cho giờ phút tiếp theo để nói lời từ biệt với người thân. Tôi không thể tỏ ra bối rối, rời khỏi căn phòng này với đôi mắt sưng húp và chiếc mũi đỏ lựng. Tôi không được khóc. Ở ga xe lửa sẽ còn nhiều máy quay hơn.
Mẹ và em tôi đến trước. Tôi dang tay về phía Prim và nó ôm chầm lấy tôi, tay quàng quanh cổ tôi, đầu tựa lên vai tôi, như cách nó vẫn làm khi còn là đứa trẻ tập đi. Mẹ ngồi cạnh tôi và khoác tay lên vai hai đứa. Chúng tôi im lặng trong vài phút. Rồi tôi bắt đầu nhắc hai người tất cả những thứ phải lưu ý vì giờ đây tôi sẽ không còn ở nhà để lo cho gia đình nữa.
Prim sẽ không đi lấy bất cứ một tê-ra nào nữa. Cả gia đình có thể kiếm sống bằng cách bán sữa và pho mát từ chú dê của Prim và bằng công việc bào chế dược phẩm mà mẹ tôi hiện làm cho những người ở khu Vỉa than. Gale sẽ đi hái những loài thảo dược mà mẹ không tự trồng được, nhưng bà phải rất cẩn thận khi mô tả chúng vì anh không biết nhiều về lá thuốc như tôi. Anh cũng sẽ mang thú săn về cho họ - anh và tôi đã giao kèo về điều này khoảng một năm về trước - và tuy có lẽ Gale sẽ không đòi hỏi gì nhưng họ nên cám ơn anh bằng cách biếu lại vài thứ, như sữa hay thuốc.
Tôi không định bắt Prim học săn bắn. Tôi đã thử dạy nó một vài lần và thật thảm hại. Rừng cây làm nó sợ, và mỗi khi tôi bắn con thú nào đấy, nó lại khóc mà bảo liệu chúng tôi có thể đưa nó về nhà kịp để chạy chữa không. Có điều Prim lại nuôi dê khá thuần thục, vậy nên tôi không nghĩ nhiều nữa.
Sau khi đã nhắc mọi người về việc dùng chất đốt, việc buôn bán và chuyện ở trường, tôi quay sang mẹ, nắm lấy tay bà, siết chặt. “Hãy lắng nghe con. Mẹ có nghe con nói không?” Cảm nhận được cái siết tay của tôi, bà gật đầu. Bà hẳn phải biết chuyện gì đang xảy ra. “Mẹ không thể dửng dưng với bọn con một lần nữa,” tôi nói.
Mẹ tôi đưa mắt xuống nền nhà. “Mẹ biết. Mẹ sẽ không như thế. Lúc đó mẹ đã không chịu đựng được việc…”
“Mẹ à, lần này thì mẹ phải chịu đựng được. Mẹ không thể làm ngơ và để Prim một mình. Bây giờ sẽ không có con để nuôi sống hai người nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra không quan trọng. Việc mẹ nhìn thấy gì trên màn hình không quan trọng. Mẹ phải hứa với con mẹ sẽ cố gắng hết sức để vượt qua!” Giọng tôi gằn lên như quát. Ẩn bên trong đó là tất cả giận dữ và sợ hãi đã nung nấu trong tôi khi bà bỏ mặc hai đứa.
Mẹ rụt tay lại, lúc này chính bà tỏ ra giận dữ. “Mẹ bị bệnh. Mẹ đã có thể tự chạy chữa nếu có những thứ thuốc như bây giờ.”
Việc bà bị bệnh có thể là đúng. Tôi từng thấy bà trả lại những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm bại liệt. Có lẽ đó là một căn bệnh, nhưng chúng tôi không thể chạy chữa.
“Tùy mẹ thôi. Nhưng mẹ hãy chăm sóc em!” tôi nói.
“Em sẽ ổn thôi mà, chị Katniss,” Prim nói, áp tay vào má tôi. “Nhưng chị cũng phải cẩn thận đấy. Chị nhanh nhẹn và dũng cảm. Chị có thể thắng.”
Tôi không thể thắng. Prim hẳn biết điều đó từ đáy lòng. Cuộc chiến này quá khả năng của tôi. Bọn trẻ từ những quận giàu có nhất, nơi chiến thắng là một vinh dự lớn lao, đã được huấn luyện cả đời cho những cuộc đấu như thế này. Những đứa con trai to gấp hai ba lần tôi. Những đứa con gái biết hai chục cách khác nhau để giết người bằng một con dao. Phải, cũng sẽ có những đứa giống như tôi, những đứa bị loại ngay từ trước khi cuộc vui bắt đầu.
“Có thể,” tôi nói, bởi tôi khó có thể khuyên mẹ cố gắng khi mà bản thân mình ngay từ đầu đã đầu hàng. Hơn nữa, bỏ cuộc trước khi ra trận không phải là tính cách của tôi, ngay cả khi mọi chuyện dường như không thể vượt qua. “Rồi chúng ta sẽ giàu có như Haymitch.”
“Em không cần chúng ta giàu có. Em chỉ muốn chị trở về nhà. Chị sẽ gắng chứ, đúng không? Cố gắng, cố gắng hết sức nhé?” Prim hỏi.
“Cố gắng, cố gắng hết sức. Chị hứa,” tôi nói. Và tôi biết, vì Prim, tôi sẽ cố gắng hết sức.
Đội Trị an đứng trước cửa, ra dấu cho chúng tôi là thời gian đã hết. Chúng tôi ôm siết lấy nhau và, tất cả những gì tôi nói chỉ là “Con yêu mọi người. Con yêu mẹ và em.” Cả hai đều nói yêu tôi, cho đến khi Đội Trị an yêu cầu họ ra ngoài và đóng cửa lại. Tôi vùi đầu xuống cái gối nhung như thể làm như vậy có thể phủi đi tất cả mọi thứ.
Ai đó bước vào phòng và khi ngước lên, tôi ngạc nhiên khi thấy đó là chủ tiệm bánh mì, cha của Peeta Mellark. Không thể tin được là ông đến thăm tôi. Trước sau gì tôi cũng sẽ tìm cách giết con trai ông. Nhưng chúng tôi có biết nhau một chút, hơn nữa ông còn biết Prim rõ hơn. Khi nó bán pho mát dê ở chợ Hob, nó đưa cho ông hai miếng pho mát và ông trả lại mấy ổ bánh mì đầy hào phóng. Chúng tôi luôn đợi để bán hàng cho ông khi bà vợ không ở bên cạnh vì ông dễ mến hơn nhiều. Tôi chắc chắn là ông sẽ không bao giờ đánh con trai mình vì ổ bánh mì cháy như bà vợ đã làm. Nhưng tại sao ông lại đến gặp tôi?
Ông chủ tiệm bánh mì lúng túng ngồi xuống mép một chiếc ghế nhung. Đó là một người đàn ông to lớn, vai rộng với những vết sẹo bỏng sau nhiều năm làm ở lò bánh. Hẳn là ông vừa nói lời chia tay với đứa con trai.
Ông ta lấy một gói bọc giấy trắng từ túi áo khoác ra đưa cho tôi. Tôi mở ra và thấy những chiếc bánh quy. Một thứ thức ăn xa xỉ mà nhà tôi chưa bao giờ có tiền mua.
“Cám ơn bác,” tôi nói. Vào những lúc bình thường nhất, ông chủ tiệm bánh đã vốn không phải là người nói nhiều, nhưng hôm nay thì ông chẳng nói gì cả. “Sáng nay cháu có ăn mấy ổ bánh mì của bác. Gale bạn cháu đổi cho bác một con sóc.” Ông gật đầu, như thể nhớ về con sóc. “Không phải vụ trao đổi hời nhất của bác,” tôi nói. Ông nhún vai như thể không màng đến chuyện đó.
Rồi tôi không thể nghĩ ra chuyện gì khác nữa, chúng tôi ngồi trong im lặng cho đến khi một người trong Đội Trị an gọi ông ra. Ông đứng dậy và hắng giọng: “Bác sẽ để mắt đến em cháu. Đảm bảo cho cô bé có đủ cái ăn.”
Tôi cảm thấy lồng ngực mình nhẹ đi khi nghe ông nói vậy. Mọi người bán chác với tôi, nhưng Prim thì ai cũng thật lòng yêu mến. Có lẽ nó sẽ có đủ tình thương để giúp nó sống sót.
Vị khách tiếp theo của tôi cũng ngoài dự kiến. Madge bước thẳng đến chỗ tôi. Nó không khóc hay tránh mặt tôi. Thay vào đó, giọng nài nỉ của con nhỏ làm tôi ngạc nhiên. “Cậu sẽ được mang đến đấu trường một thứ từ quận chúng ta, một thứ sẽ giúp cậu nhớ về quê nhà. Cậu sẽ mang nó chứ?” Nó đưa cho tôi chiếc ghim tròn bằng vàng trên áo của nó trước đó. Lúc nãy thì không để ý lắm, nhưng bây giờ tôi thấy ghim có hình một con chim nhỏ đang bay.
“Chiếc ghim của cậu à?” tôi nói. Tôi nghĩ đến việc sẽ mang một thứ biểu tượng của quận mình.
“Mình gắn nó vào áo cậu được chứ?” Madge không đợi câu trả lời, cúi người gắn nó vào áo tôi. “Hãy hứa rằng cậu sẽ mang nó đến đấu trường nhé, Katniss?” Nó hỏi. “Hứa nhé?”
“Tớ hứa,” tôi nói. Những cái bánh quy. Chiếc ghim băng. Tôi đã nhận được đủ thứ quà trong ngày hôm nay. Madge lại mang đến cho tôi một thứ nữa. Một chiếc hôn lên má. Khi Madge đi khỏi, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ trước giờ nó đã thực sự là bạn tôi.
Cuối cùng là Gale, và có lẽ cũng chẳng có gì lãng mạn giữa chúng tôi, nhưng khi anh dang tay tôi không ngại ngần ngả vào lòng anh. Cơ thể anh đã trở nên quen thuộc với tôi - từ cách di chuyển, cơ thể ám mùi cây rừng đến cả nhịp tim đập của anh mà tôi để ý trong những khoảng lặng của chuyến đi săn - nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được một điều, đó là cơ thể tuy gầy nhưng chắc nịch của anh khi ôm tôi.
“Nghe này,” anh nói. “Kiếm một con dao thì dễ thôi, nhưng em phải có trong tay một cây cung. Đó là cơ hội tốt nhất của em.”
“Không phải lúc nào họ cũng có cung,” tôi nói, nghĩ về cái năm người ta chỉ đưa những cây chùy gai cho các đấu thủ để các vật tế nện nhau đến chết.
“Vậy thì hãy làm một cái,” Gale nói. “Một cây cung yếu còn hơn là không có cái nào.”
Tôi đã thử làm lại những cây cung của cha nhưng không thành. Không dễ chút nào. Thậm chí thỉnh thoảng cha tôi còn không làm được.
“Em thậm chí còn không biết liệu có rừng cây ở đó không?” tôi nói. Một năm khác, họ tống tất cả vào một nơi chẳng có gì ngoài đá cuội, đất cát và những bụi cây lếch thếch. Tôi đặc biệt ghét cái năm đó. Nhiều đấu thủ bị rắn độc cắn hoặc phát điên vì khát.
“Chắc chắn phải có một vài khúc cây,” Gale nói. “Bởi năm đó một nửa số họ đã chết vì lạnh. Như thế thì chẳng có gì hào hứng.”
Đúng vậy. Năm đó chúng tôi chứng kiến nhiều đấu thủ chết cóng vào ban đêm. Rất khó nhìn ra họ bởi tất cả chỉ nằm cuộn tròn trong khi chẳng có củi đốt hay đuốc hay bất kỳ thứ gì. Lần đó cực kỳ gây thất vọng ở Capitol, với những cái chết lặng lẽ và tê dại. Kể từ đó, năm nào cũng phải có củi để nhóm lửa.
“Chính xác, sẽ luôn phải có củi,” tôi nói.
“Katniss à, chỉ là một cuộc đi săn thôi. Em là thợ săn giỏi nhất mà anh biết,” Gale nói.
“Đó không chỉ là đi săn. Tất cả đều có chuẩn bị. Tất cả đều biết suy tính,” tôi nói.
“Vậy thì em cũng thế. Hơn nữa em được tập luyện nhiều hơn. Tập luyện thật sự,” anh nói. “Em biết cách lấy mạng con mồi.”
“Nhưng không phải mạng người,” tôi nói.
“Có gì khác nhau chứ?” Gale nói dứt khoát.
Thật đáng sợ bởi nếu tôi quên đó là mạng người thì đúng là không có gì khác nhau cả.
Đội Trị an quay trở lại quá sớm trong khi Gale muốn có thêm thời gian, nhưng họ đưa anh đi và tôi bắt đầu sợ hãi. “Đừng để mẹ và Prim phải đói!” Tôi gào lên, níu lấy tay anh.
“Không đâu. Em biết anh sẽ không để như thế mà! Katniss, nhớ là anh…” anh nói, nhưng họ giằng chúng tôi khỏi nhau, đóng sập cửa lại. Tôi sẽ không bao giờ được biết anh muốn tôi ghi nhớ điều gì.
Quãng đường từ Tòa Tư pháp đến trạm xe lửa khá ngắn. Tôi chưa bao giờ ngồi lên xe hơi trước đó. Rất hiếm khi được ngồi lên xe ngựa. Ở khu Vỉa than, chúng tôi chỉ đi bộ.
Tôi đã đúng khi không khóc. Nhà ga đông nghẹt phóng viên với những chiếc máy quay nhỏ xíu chĩa thẳng vào mặt tôi. Nhưng tôi đã nhiều lần tập cho mình có một gương mặt vô cảm và bây giờ tôi đang làm thế. Thoáng thấy mình trên màn hình ti vi trên tường đang tường thuật trực tiếp, tôi thấy hài lòng vì mình không có gì nổi bật.
Peeta Mellark thì ngược lại. Rõ là cậu đã khóc, hơn nữa cậu cũng không có vẻ gì là muốn che đậy. Ngay lập tức tôi tự hỏi liệu đây có phải là chiến thuật của cậu không. Xuất hiện với vẻ yếu đuối và sợ hãi để những đấu thủ khác cho rằng cậu không muốn tranh đua rồi lờ đi. Cách đó tỏ ra hiệu quả với một cô gái Quận 7, Johanna Mason, cách đây vài năm. Cô ta trông khờ khạo, yếu đuối và nhút nhát khiến không ai để tâm cho đến khi chỉ còn lại vài đấu thủ. Lúc đó người ta mới biết cô ta giết người thật hiểm độc. Rất khôn ngoan, đó là cách chơi của cô ta. Nhưng chiến thuật này có vẻ kỳ quặc với Peeta Mellark, con trai một chủ tiệm bánh. Ngần ấy năm ăn uống đầy đủ và lôi khay bánh mì khỏi lò khiến cậu ta có đôi vai rộng và chắc nịch. Rõ là tốn nước bọt nếu muốn thuyết phục ai đó xem thường cậu ta.
Sau khi đứng chờ vài phút trước chiếc xe lửa để người ta chụp ảnh lia lịa, chúng tôi được phép vào trong, bỏ lại cánh cửa từ từ đóng sau lưng. Con tàu bắt đầu lăn bánh.
Ban đầu tốc độ của con tàu làm tôi nín thở. Tất nhiên tôi chưa bao giờ ngồi trên xe lửa, vì việc qua lại giữa các quận bị cấm, ngoại trừ những việc công cán được phê chuẩn. Với chúng tôi, tàu chủ yếu là để chở than. Nhưng con tàu này không dành để chở than. Nó là một trong những tàu cao tốc của Capitol với tốc độ trung bình 250 dặm một giờ. Hành trình của chúng tôi đến Capitol sẽ kéo dài chưa đến một ngày.
Ở trường chúng tôi được dạy rằng Capitol được xây dựng ở một nơi gọi là Rookies. Quận 12 ở một vùng có tên là Appalachia. Thậm chí hàng trăm năm trước, người ta đã khai thác than ở đây. Điều đó giải thích tại sao bây giờ thợ mỏ của chúng tôi phải đào sâu đến thế.
Ở trường học, có nói gì người ta cũng quay về than. Bên cạnh môn đọc hiểu và toán căn bản, hầu hết bài học của chúng tôi liên quan đến than. Ngoại trừ giờ học hàng tuần trên giảng đường về lịch sử của Panem, hầu như toàn là một mớ giáo điều về những gì chúng tôi nợ Capitol. Tôi biết phải có điều gì hơn thế, sự thật về cuộc nổi loạn chẳng hạn. Nhưng tôi chẳng dại tốn thời gian nghĩ về chuyện đó. Dù sự thật là thế nào, tôi cũng không thấy nó có ích gì trong việc kiếm thêm thức ăn.
Con tàu chở vật tế còn lộng lẫy hơn cả phòng ốc trong Tòa Tư pháp. Chúng tôi ở mỗi người một khoang, có phòng ngủ, phòng thay đồ và một phòng tắm riêng với vòi nóng lạnh. Ở nhà chúng tôi không có vòi nước nóng mà phải đun nước sôi.
Các ngăn kéo chất đầy quần áo đẹp, và Effie Trinket nói tôi có thể làm bất cứ gì tôi muốn, mặc bất cứ gì tôi thích, mọi thứ tùy ý. Chỉ cần sẵn sàng cho bữa ăn khuya trong một tiếng nữa. Tôi cởi bộ đồ xanh của mẹ và tắm nước nóng. Tôi chưa từng tắm vòi hoa sen bao giờ. Nó giống như tắm dưới cơn mưa mùa hè, chỉ khác là ấm hơn. Tắm xong, tôi mặc áo màu xanh đậm và quần dài.
Bất chợt tôi nhớ đến chiếc ghim nhỏ bằng vàng của Madge. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ nó. Cứ như thể có ai đó nặn một con chim nhỏ bằng vàng và làm một chiếc vòng bao quanh vậy. Con chim được gắn vào chiếc vòng chỉ bằng mấu nối ở cánh. Tôi chợt nhận ra nó. Một con chim húng nhại[6].
Ngoài việc là loài chim ngộ nghĩnh, có vẻ chúng còn là một cái tát vào mặt đám người Capitol. Trong cuộc nổi loạn, Capitol đã tạo ra một loạt những con vật biến đổi gien như một thứ vũ khí. Người ta gọi chung chúng là mút-tai-to[7], hay gọi ngắn gọn là bọn mút[8]. Trong số đó có một loài đặc biệt là con chim húng nhây[9], có khả năng ghi nhớ và lặp lại toàn bộ cuộc đối thoại của con người. Chúng là loài chim đưa tin, chỉ có giống đực, được thả đến những vùng mà kẻ thù của Capitol đang ẩn náu. Sau khi những con chim này thu được tiếng, chúng bay trở lại trung tâm để được ghi âm lại. Phải một thời gian sau người ta mới nhận ra điều gì đang thực sự diễn ra ở các quận, và phiến quân đã truyền tin bí mật như thế nào. Và tất nhiên, những gì phiến quân dành cho Capitol chỉ là nói gạt, và người ta lấy chuyện này ra làm trò đùa. Kết quả, những trung tâm đó bị đóng cửa và loài chim này bị bỏ rơi cho đến chết ở nơi hoang vu.
Nhưng chúng không chết. Thay vào đó, loài húng nhây này kết bạn với chim nhại mái[10], sinh ra một loài mới có thể nhại cả tiếng chim hót lẫn tiếng người. Chúng mất đi khả năng phát âm từng từ nhưng vẫn có thể nhại các giọng khác nhau của con người, từ giọng cao thánh thót của trẻ con đến giọng trầm của đàn ông. Chúng còn có thể hát lại những bài hát. Không chỉ một vài nốt mà là cả bài với những đoạn điệp khúc, nếu bạn đủ kiên nhẫn hát cho chúng nghe và chúng thích giọng hát của bạn.
Cha tôi đặc biệt thích loài chim húng nhại ấy. Khi chúng tôi đi săn, ông thường huýt gió hoặc hát cho chúng nghe những bài dài để rồi sau khi ngưng một lúc, chúng luôn hót đáp lại. Không phải ai cũng nhận được sự ưu ái đó. Bất cứ khi nào cha tôi hát, tất cả chim ở đó đều im bặt và lắng nghe. Giọng ông thật ngọt ngào, cao vút, trong veo đầy sức sống khiến người ta cảm thấy xốn xang khôn tả. Sau khi cha mất, tôi chưa bao giờ thử tập hát lại. Tuy nhiên, loài chim này vẫn mang lại cho tôi chút gì đó an ủi. Nó như mang theo sợi dây liên lạc giữa cha và tôi, bảo vệ tôi. Tôi cài chiếc ghim vào áo, và trên nền vải xanh đậm, con chim trông như đang bay qua lùm cây.
Effie Trinket đến đưa tôi đi ăn khuya. Tôi đi theo bà qua một hành lang hẹp trên toa tàu lắc lư, vào phòng ăn với những bức tường ốp sáng sủa. Bàn ăn bày bát đĩa bóng loáng. Peeta Mellart ngồi đợi chúng tôi đến, chiếc ghế bên cạnh không ai ngồi.
“Ông Haymitch đâu rồi nhỉ?” Effie Trinket hào hứng hỏi.
“Lần cuối cùng cháu thấy, ông ấy nói định chợp mắt một lát,” Peeta nói.
“Ừ, đúng là một ngày mệt đứ đừ,” Effie Trinket nói. Tôi nghĩ bà đang nhẹ người bởi sự vắng mặt của Haymitch, mà cũng đúng thôi.
Mọi người ăn vào bữa khuya. Xúp cà rốt sền sệt, xa lát, sườn cừu và khoai tây chiên, pho mát và trái cây, thêm một chiếc bánh sô cô la. Suốt bữa, Effie Trinket luôn miệng nhắc chúng tôi cứ từ từ thôi, bởi thức ăn sẽ còn ra nhiều nữa. Nhưng tôi ngấu nghiến thật lực bởi chưa bao giờ được thưởng thức những món thế này, quá nhiều và quá ngon, và bởi dường như điều tốt nhất tôi có thể làm từ giờ tới khi bước vào Cuộc đấu là tăng thêm vài cân.
“Ít nhất hai đứa cũng phải tỏ ra đúng mực một chút,” Effie nói khi chúng tôi ăn xong bữa chính. “Cặp đấu năm ngoái ăn hùng hục như hai con hổ đói. Thật không thể nào chịu được.”
Đến từ khu Vỉa than, hai đứa trẻ được chọn năm ngoái chưa một ngày nào trong đời có được bữa ăn no. Khi có đồ ăn, trong đầu chúng chỉ nghĩ đến việc đánh chén. Peeta là con trai chủ tiệm bánh. Tôi và Prim thì đã được mẹ dạy ăn uống phải từ tốn, vậy nên tôi còn biết dùng cả dao và nĩa nữa. Nhưng do thậm ghét câu xét nét của Effie Trinket, tôi cố ý ăn bốc cho đến khi bữa ăn kết thúc. Rồi tôi lau tay vào khăn trải bàn. Thấy thế, bà mím chặt môi.
Cuối bữa, tôi cố gắng ngăn cơn buồn nôn. Tôi ngó qua Peeta, thấy cậu cũng đang ngồi xả hơi. Chưa đứa nào được ăn một bữa no nê thế này. Nhưng vì đã từng chịu đựng được món ăn tự chế của bà Greasy Sea gồm thịt chuột, lòng heo và vỏ cây - đặc sản của mùa đông - lần này tôi quyết tâm kìm lại.
Chúng tôi sang một gian phòng khác để xem tổng hợp buổi chiêu quân trên khắp Panem. Họ sắp xếp các buổi chiêu quân xen kẽ trong ngày để một người có thể xem trực tiếp ở các quận khác, nhưng thật ra chỉ có người ở Capitol mới xem được vì không ai trong số họ phải tham dự các cuộc chiêu quân.
Chúng tôi xem lần lượt ở các quận khác, cũng những cái tên được xướng lên, cũng những người tình nguyện bước lên phía trước nhưng thường thì không. Chúng tôi nhìn mặt những người sẽ là đối thủ của mình. Một số làm tôi ấn tượng. Một gã khổng lồ nhào lên tình nguyện ở Quận 2. Một con bé có khuôn mặt cáo và mái tóc đỏ mượt đến từ Quận 5. Thằng bé có chân bị tật ở Quận 10. Ám ảnh tôi nhất là con bé mười hai tuổi ở Quận 11. Con bé có làn da và đôi mắt màu nâu thẫm, nhưng hơn cả là vóc dáng và điệu bộ của nó rất giống Prim.
Cuối cùng, họ chiếu Quận 12. Prim được gọi tên, tôi xung phong làm người tình nguyện. Không thể không nhận ra sự tuyệt vọng trong giọng nói của tôi khi đẩy Prim ra đằng sau, như thể tôi sợ không ai nghe thấy và họ sẽ mang Prim đi mất. Nhưng tất nhiên là họ nghe. Tôi thấy Gale kéo nó ra khỏi tôi và nhìn tôi bước lên sân khấu.
Đám người bình luận trên truyền hình không biết phải nói gì khi đám đông từ chối hoan hô. Họ chào mừng bằng im lặng. Một người nói rằng tuy Quận 12 luôn kém hơn một chút, nhưng cái thông lệ địa phương này thật đáng mến. Oạch một cái, Haymitch ngã khỏi sân khấu và khán giả xuýt xoa một cách mỉa mai. Tên Peeta được bốc, và cậu lặng lẽ tiến lên chỗ của mình. Chúng tôi bắt tay. Họ lại cắt đến đoạn hát quốc ca, chương trình kết thúc.
Effie Trinket rất bực mình về mái tóc giả của bà. “Người hướng dẫn[11] của các cháu còn phải học nhiều về cách xuất hiện đấy. Học nhiều về cách ứng xử khi lên truyền hình.”
Peeta bật cười. “Ông ta say mà,” Peeta nói. “Năm nào ông ta cũng say.”
“Hàng ngày ấy chứ,” tôi thêm vào. Tôi cũng không thể không cười được. Effie Trinket làm như thể chỉ cần vài lời khuyên nho nhỏ của bà là có thể sửa được mớ hành động lỗ mãng của Haymitch không bằng.
“Vậy à,” Effie Trinket rít lên. “Làm thế nào hai đứa lại thấy chuyện này đáng cười được. Các cháu nên biết người hướng dẫn soi đường chỉ lối cho các cháu đến Đấu trường. Là người khuyên răn các cháu, kêu gọi nhà tài trợ và chuyển quà tài trợ đến các cháu. Haymitch có thể quyết định sự sống và cái chết của các cháu.”
Ngay sau đó Haymitch lảo đảo bước vào phòng. “Tôi bỏ lỡ bữa ăn khuya rồi à?” ông ta khề khà. Rồi ông ta nôn lên khắp tấm thảm đắt tiền và ngã xuống đống bầy nhầy.
“Cứ cười tiếp đi!” Effie Trinket nói. Bà nhảy qua bãi mửa với đôi giày nhọn hoắt và bước ra khỏi phòng.