Đấu Trường Sinh Tử
Chương 13
Xung quanh dày đặc khói và lửa. Những cành cây cháy bị gãy và rớt xuống bắn tung than lửa dưới chân tôi. Tôi chỉ còn biết chạy theo những con thú, chính xác là bầy thỏ và dê, thậm chí còn có cả một bầy chó hoang vọt qua trong rừng. Tôi tin vào cảm giác hướng đi của chúng bởi bản năng của chúng nhạy bén hơn tôi. Nhưng chúng nhanh hơn nhiều, chạy như tên bắn qua những bụi cây thấp quá dễ dàng trong khi đôi ủng vướng phải những gốc cây và những cành cây to bị gẫy khiến tôi không cách nào bì kịp tốc độ của chúng.
Cái nóng thật khủng khiếp, nhưng khói còn tệ hơn, vì nó có thể làm tôi ngạt thở bất cứ lúc nào. Tôi kéo áo che ngang mũi, may mắn là nó sũng mồ hôi và trở thành một lớp màng bảo vệ. Tôi vừa chạy vừa nín thở, chiếc túi đập vào sau lưng, mặt tôi bị cứa bởi những nhành cây không biết từ đâu xuất hiện sau làn khói xám, nhưng tôi chỉ biết cắm cổ chạy.
Chẳng có đống lửa nào phát cháy do bất cẩn, cũng chẳng có sự cố nào xảy đến bất ngờ. Ngọn lửa vừa trùm lấy tôi có chiều cao rất thiếu tự nhiên, một sự mẫu mực cho thấy chúng do con người tạo ra, máy móc tạo ra, hoặc là Ban Tổ chức tạo ra. Mọi thứ diễn ra trong hôm nay quá yên ắng. Không ai chết, thậm chí không có cuộc đánh nhau nào. Khán giả ở Capitol sẽ cảm thấy chán, cho rằng những Đấu trường thế này đang tiến gần đến bờ trì trệ. Người ta sẽ không để Đấu trường như thế.
Động cơ của Ban Tổ chức không có gì khó hiểu. Đám Nhà nghề và đám bọn tôi còn lại có lẽ đã bị phân tán ra xa và rải rác khắp đấu trường. Ngọn lửa sẽ xua chúng tôi khỏi nơi mình ở và gom những vật tế lại với nhau. Có lẽ đây chưa phải là kế sách độc đáo nhất mà tôi từng thấy, nhưng nó đang rất rất hiệu quả.
Tôi phóng qua một thân cây cháy. Không cao lắm. Phía đuôi áo khoác bắt lửa làm tôi phải dừng lại để cởi nó ra và dập lấy dập để. Nhưng tôi không dám bỏ lại chiếc áo khoác còn sem sém cháy, nên đánh liều nhét nó vào ba lô, hy vọng phần tôi chưa dập sẽ tắt hẳn vì bí hơi. Những thứ trong túi là tất cả những gì tôi có, và tôi không thể thiếu chúng nếu muốn sống sót.
Vài phút sau, cổ họng và mũi tôi nóng như thiêu đốt. Các cơn ho đến ngay sau đó, phổi tôi bắt đầu có cảm giác như bị nấu chín. Sự khó chịu chuyển sang đau đớn khi mỗi lần thở là một lần ngực tôi tức tối. Tôi núp dưới một tảng đá trồi lên và nôn thốc nôn tháo, từ bữa khuya ít ỏi cho đến toàn bộ nước còn lại trong dạ dày. Chống người bằng hai tay và đầu gối, tôi mửa cho đến khi không còn lại thứ gì.
Tuy biết là cần phải đi ngay, nhưng tôi bắt đầu run và chóng mặt, há miệng hổn hển đớp không khí. Tôi cho phép mình hớp một ngụm nước để súc miệng rồi lại uống thêm vài ngụm nữa. Ta có một phút, tôi tự nhắc mình. Một phút để nghỉ. Tôi nhanh chóng sắp lại đồ đạc, vo dúm chiếc túi ngủ, và nhét bừa mọi thứ vào ba lô. Hết một phút. Tôi biết đến lúc phải đi, nhưng đám khói đã làm tôi mụ mẫm. Bầy thú tôi bám theo để tránh lạc đã nhanh chân bỏ rơi tôi lại. Tôi biết là mình chưa từng ở nơi này trước đó. Tôi chưa gặp tảng đá nào lớn như tảng vừa rồi trong những ngày qua. Ban Tổ chức đang đưa tôi đi đâu? Về lại cái hồ chăng? Hay đến một vùng đất hoàn toàn mới với những nguy hiểm mới? Tôi mới chỉ có vài tiếng đồng hồ yên bình ngắn ngủi bên cái ao đó trước khi ngọn lửa này tấn công. Liệu có thể nào tôi đi vòng qua ngọn lửa và tìm cách về lại đó, nơi ít nhất là có nguồn nước? Bức tường lửa rồi sẽ có lúc tắt, nó không thể cháy mãi được. Không phải vì Ban Tổ chức không đủ nhiên liệu để giữ nó mà bởi vì, một lần nữa, việc đó sẽ gợi lên sự chán nản từ phía khán giả. Nếu tôi có thể quay lại đằng sau ngọn lửa, tôi sẽ không phải chạm mặt bọn Nhà nghề. Tôi quyết định sẽ thử vòng về, mặc dù để thoát khỏi cái địa ngục này cũng phải mất vài dặm, rồi chưa kể con đường trở lại cũng khá vòng vèo. Đúng lúc đó thì một quả lựu đạn đập vào tảng đá chỉ cách đầu tôi nửa mét. Tôi thất kinh, nhảy vội ra khỏi hốc đá.
Đấu trường rẽ sang một bước mới. Ngọn lửa ban đầu chỉ dùng để buộc chúng tôi di chuyển, còn bây giờ khán giả sẽ hào hứng thật sự. Nghe thấy tiếng rít tiếp theo, tôi nằm úp xuống mặt đất dù chưa kịp nhìn thấy gì. Quả lựu đạn đốn ngã cái cây bên trái tôi, nhấn chìm nó trong lửa. Ở lại chỉ có nước chết. Tôi vừa đứng dậy thì quả thứ ba bắn xuống mặt đất nơi tôi vừa nằm, làm một cột lửa bùng lên ngay bên cạnh, sống chết chỉ cách nhau trong tích tắc, khi tôi điên loạn né tránh những hòn lửa. Không rõ chúng được phóng ra từ đâu, nhưng chắc là không phải từ phi thuyền. Những góc bắn vẫn chưa đủ hiểm hóc. Có lẽ toàn bộ góc rừng này đã được trang bị những khẩu phóng hỏa chính xác được giấu trên cây hay trong hốc đá. Còn ở đâu đó, trong căn phòng mát lạnh và sạch sẽ, một người trong Ban Tổ chức đang ngồi trước bàn điều khiển, ngón tay sắp sửa kích hoạt những nút bấm có thể sẽ chấm dứt cuộc đời tôi trong tích tắc. Chỉ cần một cú bắn trúng đích.
Trong khi chạy zíc zắc và thụp nhảy liên tục để tránh những hòn lửa, tôi như quên luôn cái ý định dang dở về việc quay lại vũng nước. Mỗi quả lựu đạn chỉ to bằng quả táo, nhưng khi va chạm thì có sức công phá dữ dội. Tất cả những giác quan đều được vận dụng tối đa, khi mà trong tôi chỉ còn bản năng sinh tồn. Không còn thời gian để cân nhắc bước di chuyển có hợp lý hay không. Khi có tiếng rít phía trước, một là nhảy hai là chết.
Dù vậy, có một điều khiến tôi tiếp tục chạy. Từng xem Đấu trường Sinh tử từ bé, tôi biết rằng mỗi cuộc tấn công chỉ nhắm vào những khu vực nhất định của đấu trường. Chỉ cần chạy ra khỏi chỗ này, tôi có thể thoát khỏi tầm bắn của những khẩu phóng lựu. Có thể sau đó tôi sẽ rơi tọt xuống một hang đầy rắn độc, nhưng đó không phải mối bận tâm lúc này.
Tôi không thể nhớ mình đã ngụp lặn bao lâu trong suốt quãng đường đầy lửa đạn, nhưng cuộc tấn công bắt đầu ngớt dần. May mà nó ngớt, vì lúc này tôi lại bị nôn ọe. Một thứ a xít bắt đầu hong chín cổ họng tôi và thông lên mũi. Tôi buộc phải dừng lại. Người run rẩy, tôi cố sức tống khỏi cơ thể thứ chất độc vừa hít phải trong lúc chạy. Tôi đợi tiếng rít tiếp theo để tránh, nhưng nó không đến. Cơn buồn nôn làm tôi trào cả nước mắt. Quần áo tôi ướt sũng mồ hôi. Bằng cách nào đó, qua mùi khói và mùi nôn mửa, tôi lại ngửi thấy mùi tóc cháy sém. Tay sờ lên bím tóc, tôi nhận ra một hòn lửa đã làm cháy sém tóc tôi ít nhất mười lăm xăng ti mét. Trên những ngón tay tôi là một mớ tóc đen xơ xác. Tôi đang đờ đẫn nhìn mớ tóc thì có tiếng rít tiếp theo.
Cơ bắp tôi phản ứng ngay, nhưng lần này thì không kịp. Quả lựu đạn đập xuống mặt đất ngay cạnh tôi, nhưng trước đó nó đã kịp lẹm qua bắp vế phải. Tôi hốt hoảng khi thấy ống quần bắt lửa. Tôi quay ngoắt và nhảy giật ra sau, tay chân vung vẩy, miệng kêu thét, cố thoát khỏi thảm cảnh. Cuối cùng khi đủ bình tĩnh, tôi lăn chân qua lại trên mặt đất nhằm dập được bao nhiêu thì dập. Nhưng rồi không cần suy nghĩ, tôi dùng tay không giật phăng phần vải sót lại.
Tôi ngồi bệt xuống đất, chỉ cách nơi bắt lửa lúc nãy vài mét. Bắp vế tôi sưng vù, đôi tay hằn đỏ những vết phỏng. Người tôi bải hoải lắm rồi. Nếu Ban Tổ chức muốn giải quyết tôi thì bây giờ chính là lúc.
Tôi nghe thấy giọng Cinna, cùng với hình ảnh bộ quần áo tráng lệ đính đá quý. “Katniss, Cô gái Lửa.” Hẳn là đám người Ban Tổ chức đang cười hả hê về điều đó. Biết đâu chính bộ quần áo lộng lẫy của Cinna lại mang đến cho họ cái ý tưởng hành xác tôi thế này. Tôi biết là anh chẳng lường trước được điều này, hẳn là Cinna đang thương xót tôi lắm bởi vì tôi biết anh lo lắng cho tôi. Biết đâu, xuất hiện trần như nhộng trên cỗ xe còn an toàn cho tôi hơn.
Đợt tấn công đã chấm dứt. Ban Tổ chức không muốn tôi chết. Hoặc chưa phải lúc này. Ai cũng biết là họ có thể tiêu diệt tất cả chúng tôi chỉ trong tích tắc ngay sau tiếng cồng khai cuộc. Màn chính của Đấu trường Sinh tử là để các đấu thủ tàn sát lẫn nhau. Cứ thỉnh thoảng họ lại triệt hạ ai đó chỉ để nhắc các đấu thủ rằng họ có thể làm điều đó. Nhưng hầu hết là họ điều khiển để chúng tôi chạm trán lẫn nhau. Điều đó nghĩa là, nếu như tôi không còn bị tấn công thì hẳn có đấu thủ nào khác đang ở gần.
Tôi muốn leo lên cây để ẩn náu ngay nếu có thể, nhưng làn khói vẫn còn dày, đủ để giết bất cứ ai. Tôi đứng dậy, khập khiễng bước xa khỏi bức tường lửa đang thắp sáng cả bầu trời. Có vẻ không còn gì đeo đuổi tôi nữa, ngoại trừ những đám mây đen đặc khét.
Một thứ ánh sáng khác, ánh sáng của ngày mới bắt đầu xuất hiện le lói. Ánh mặt trời chạm vào những cuộn khói. Tầm nhìn của tôi rất kém. Tôi chỉ có thể nhìn xa khoảng mười lăm mét từ mọi hướng. Ai đó cũng có thể ẩn nấp dễ dàng quanh đây. Tôi nên rút dao ra đề phòng, chỉ sợ khó mà cầm nổi một lúc. Nhưng vết thương trên tay chưa là gì so với vết phỏng ở bắp vế. Tôi ghét bị phỏng, luôn luôn những vết phỏng, ngay cả cái vết phỏng nhỏ trong lần lấy chiếc chảo bánh mì ra khỏi lò. Với tôi đó là lần đau đớn nhất, có điều lúc đó tôi chưa gặp phải vết thương cỡ này.
Tôi mệt lử đến mức không để ý là mình đang đứng trong vũng nước cho đến khi nước ngập ngang mắt cá. Nước chảy ra từ một con suối ở đâu đó, len lỏi và sủi bọt qua một khe nứt giữa các tảng đá, và sung sướng thay, dòng nước mát lạnh. Tôi vốc tay xuống vùng nước nông và thấy khoan khoái ngay lập tức. Không phải đó là điều mẹ tôi luôn nói đấy ư? Cách trị phỏng trước tiên chính là dùng nước lạnh. Rằng nó sẽ làm dịu đi cái nóng tấy chăng? Nhưng bà nói đến những vết bỏng nhẹ. Có lẽ bà sẽ khuyên tôi nhúng tay vào nước lạnh chăng? Nhưng còn bắp chân tôi? Mặc dù tôi vẫn chưa đủ can đảm để xem, tôi đoán vết thương này ở một mức độ khác hẳn.
Tôi ngồi bệt xuống vũng nước một lúc, quẫy hai tay vào nước, xem xét những vết rộp trên những ngón tay đang bắt đầu bong ra. Tốt. Tôi dính vào lửa như thế là đủ rồi.
Tôi rửa sạch vết máu và tro bụi trên mặt. Tôi cố nhớ lại những gì tôi biết về cách trị phỏng. Đó là chấn thương thường thấy ở khu Vỉa than, nơi chúng tôi dùng than để nấu ăn và sưởi ấm. Cũng có những vụ tai nạn hầm mỏ... Có lần, người ta mang một chàng trai bị bất tỉnh đến nài nỉ mẹ tôi cứu sống. Ông bác sĩ quận chịu trách nhiệm các ca tai nạn hầm mỏ đã chịu thua trước ca của anh ta, nói gia đình mang nạn nhân về chuẩn bị hậu sự. Nhưng họ không chịu. Anh ta nằm trên chiếc bàn ăn của nhà tôi, vô cảm với những gì xung quanh. Tôi nhìn thoáng qua vết thương trên đùi anh ta, há miệng, thịt sém lại, ăn đến tận xương, rồi tôi chạy ra khỏi nhà. Tôi đã chạy vào rừng và đi săn cả ngày hôm đó, sau khi bị cái chân phỏng kinh khủng ấy ám ảnh, cùng với những ký ức về cái chết của cha. Điều nực cười là Prim, vốn còn sợ cả cái bóng của nó, lại ở đó và giúp mẹ. Mẹ tôi nói khả năng chữa bệnh là trời sinh, chứ không phải do học mà có. Mẹ tôi và Prim đã làm hết khả năng, nhưng anh ta vẫn không qua khỏi, đúng như lời ông bác sĩ.
Chân tôi cần được chăm sóc, nhưng tôi không nhìn nổi nó. Có khi nào nó cũng nặng như của anh chàng đó và tôi có thể nhìn thấy xương mình không? Tôi nhớ lời mẹ vẫn nói rằng nếu vết bỏng quá trầm trọng, nạn nhân còn không cảm nhận được cơn đau vì các dây thần kinh đã bị hủy. Nghĩ thế tôi bỗng thêm hy vọng, ngồi thẳng lên và thử duỗi chân ra phía trước.
Tôi suýt ngất khi nhìn xuống bắp chân. Mảng thịt đỏ ửng với những vết phồng rộp. Tôi cố hít thở thật sâu, chậm rãi, biết chắc có máy quay đang chĩa vào khuôn mặt mình.
Tôi không thể tỏ ra sợ hãi trước vết thương này được. Nếu tôi muốn có sự giúp đỡ. Lòng thương hại không giúp ta nhận được viện trợ. Nhưng lòng ngưỡng mộ trước việc ta từ chối hỗ trợ thì có thể. Tôi xé phần vải thừa nơi đầu gối và xem xét vết thương sát hơn. Phần bỏng to bằng bàn tay tôi.
Không mảng da nào bị cháy đen. Tôi nghĩ là không quá tệ nếu ngâm vào nước. Tôi từ từ duỗi chân xuống vũng nước, chống gót ủng vào một viên đá để phần vải không quá sũng nước và thở phào, vì cơn đau đã dịu đi. Tôi biết có những loài thảo dược có thể trị phỏng nhanh hơn, nếu như tôi tìm được, nhưng tôi không thể nhớ ra. Nước và thời gian sẽ là tất cả mối quan tâm của tôi.
Tôi nên đi chưa nhỉ? Làn khói đã từ từ tỏa đi nhưng tôi vẫn còn khó thở. Nếu như tiếp tục đi xa khỏi đám cháy, liệu tôi có đi thẳng đến mũi dao của bọn Nhà nghề? Hơn nữa, mỗi lần nhấc chân khỏi mặt nước, chân tôi lại nhức nhối đến độ phải duỗi trở lại. Tay thì đỡ hơn. Tôi có thể cầm được những viên sỏi nhỏ dưới vũng nước. Nghĩ vậy tôi từ từ sắp xếp đồ đạc trở lại. Trước tiên tôi đong đầy chai nước, lọc, và khi đã qua thời gian lọc cần thiết, tôi tiếp nước cho cơ thể. Sau đó tôi cố gặm một cái bánh xốp, giúp dạ dày êm lại. Tôi cuộn túi ngủ lại. Ngoại trừ vài vết sém thì nó khá ổn. Một vấn đề nữa là chiếc áo khoác. Bị cháy sém và có mùi khen khét, ít nhất ba mươi phân phía sau đuôi áo là vô phương cứu chữa. Tôi xé phần bị cháy, khiến chiếc áo chỉ còn dài tới mạng sườn. Nhưng chiếc mũ đằng sau vẫn còn nguyên và như thế vẫn khá khẩm hơn là không còn gì.
Dù vẫn còn đau nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy uể oải. Tôi muốn leo lên cây và nghỉ ngơi vì ngồi ở đây quá dễ bị phát hiện. Với lại, tôi không thể bỏ vũng nước để đi nơi khác. Tôi xếp lại đồ đạc gọn gàng, khoác cả ba lô lên vai, nhưng dường như không nhấc nổi chân. Tôi tìm thấy một vài cây mọc dưới nước có rễ ăn được, làm một bữa nho nhỏ với miếng thịt thỏ cuối cùng sót lại. Hớp một ngụm nước. Ngắm nhìn mặt trời vòng qua chậm rãi trên bầu trời. Còn nơi nào an toàn hơn ở đây nữa? Tôi ngả lưng tựa vào ba lô, để cơn buồn ngủ xâm chiếm. Nếu bọn Nhà nghề muốn tóm mình, cứ để chúng tìm, tôi nghĩ trước khi trôi vào mê man. Để chúng tìm mình.
Và chúng tìm tôi thật. May mắn là tôi đã có thể đi được vì khi nghe thấy tiếng bước chân thì chúng chỉ còn cách tôi chưa đầy một phút nữa. Trời bắt đầu tối. Vừa tỉnh giấc, tôi bật dậy và lội qua vũng nước, phi vào bụi rậm. Cái chân bị thương khiến tôi chạy chậm lại, nhưng nghe chừng những kẻ đuổi theo cũng không còn nhanh nhẹn như trước khi hỏa hoạn xảy ra. Tôi nghe thấy chúng ho sù sụ và gọi nhau bằng giọng khàn khàn.
Nhưng chúng vẫn tiếp tục tiến đến như một bầy chó hoang, và tôi làm một việc luôn làm trong những hoàn cảnh như thế này. Tôi chọn lấy một cây cao và bắt đầu trèo. Chạy đã đau, trèo còn khổ hơn, bởi không những phải ráng sức mà tay tôi còn phải bám trực tiếp vào vỏ cây. Dù vậy, tôi trèo khá nhanh nên tới khi bọn chúng áp sát, tôi đã ở trên cao sáu mét. Cả hai bên đều ngừng lại một lúc và quan sát đối phương. Mong là chúng không nghe thấy tiếng tim tôi đang đập thình thịch.
Rồi chuyện này cũng đến, tôi nghĩ. Liệu tôi có cơ hội nào trước chúng? Cả sáu tên đều ở đó, năm đứa Nhà nghề và Peeta, và điều an ủi duy nhất của tôi là chúng cũng tàn tạ lắm rồi. Tuy vậy, nhìn vũ khí của chúng kìa. Bản mặt của chúng, nhăn nhó và gầm gừ nhìn tôi, còn gì khác ngoài muốn ăn tươi nuốt sống nữa. Quả là vô vọng. Nhưng rồi một ý nghĩ khác nảy đến. Chúng đều to và khỏe hơn tôi nhưng cũng nặng hơn tôi, không nghi ngờ gì nữa. Đó là lý do mà tôi chứ không phải Gale luôn hái được những trái trên cao nhất, hay mò trộm được những tổ chim ở xa nhất! Tôi phải nhẹ hơn đứa nhỏ nhất trong bọn Nhà nghề ít nhất là hai hay ba mươi ký lô.
Lúc này thì tôi cười. “Mọi thứ thế nào các cậu?” Tôi gọi xuống hân hoan.
Việc đó khiến chúng ngạc nhiên, nhưng chắc chắn sẽ làm khán giả thích thú.
“Khá tốt,” một thằng từ Quận 2 nói. “Mày thế nào?”
“Ở dưới đấy hơi nóng so với sở thích của tớ,” tôi nói. Tôi như nghe thấy tiếng cười từ phía Capitol. “Không khí trên này dễ chịu hơn. Sao mấy cậu không lên đây?”
“Chắc chắn rồi,” cũng thằng vừa nãy nói.
“Cầm lấy này, Cato,” con bé từ Quận 1 nói, và nó đưa cho thằng kia cây cung bạc và bao đựng tên. Cây cung của tôi! Bao tên của tôi! Tôi tức đến mức muốn hét lên, hét cho bản thân tôi, cho gã phản bội Peeta vì đã làm tôi sao nhãng. Lúc này tôi cố tìm ánh mắt Peeta, nhưng có vẻ cậu ta đang cố lảng đi cái nhìn chằm chằm của tôi, dùng ve áo vuốt bóng con dao của mình.
“Không,” Cato nói, gạt cây cung đi. “Tao sẽ làm tốt hơn với thanh gươm này.” Tôi có thể thấy hắn và thanh đoản kiếm, nặng bên thắt lưng.
Tôi đợi Cato nhấc thân hình bồ tượng của hắn lên cây trước khi leo tiếp. Gale luôn nói tôi làm anh nghĩ đến con sóc bởi cách tôi có thể leo thoăn thoắt lên những cành mảnh mai nhất. Một phần là do tôi nhẹ, nhưng một phần là do luyện tập. Phải biết đặt tay và chân vào đâu. Tôi leo thêm được chín mét thì nghe thấy tiếng rắc và thấy Cato cùng một cành cây rớt xuống. Một cú rơi khá mạnh, và trong khi tôi đang hy vọng hắn bị gãy cổ thì Cato đứng dậy trở lại, miệng chửi rủa như một con quỷ.
Con bé đang cầm những mũi tên, nghe ai gọi nó là Glimmer thì phải - ôi trời, những người ở Quận 1 đặt cho con cái họ những cái tên thật nực cười - mà thôi, con Glimmer ấy cứ ngắm mãi lên cây cho đến khi những cành cây gãy rơi dưới chân. Lúc này tôi đã ở trên cao chừng hai mươi lăm mét. Nó tìm cách bắn tôi nhưng ngay lập tức tự chứng tỏ rằng mình không biết bắn cung. Dù vậy thì một mũi tên cũng cắm vào cái cây bên cạnh tôi. Và tôi có thể với lấy nó. Mũi tên tôi ném bay qua trên đầu nó một cách khiêu khích, như thể tôi chỉ rút mũi tên ra để chọc nó, bởi tôi hoàn toàn có thể ném trúng nó nếu muốn. Tôi có thể bất kỳ đứa nào nếu như cây cung bạc đó nằm trong tay mình.
Bọn Nhà nghề tụ tập lại ở bên dưới. Tôi có thể nghe thấy tiếng chúng xì xầm gì đó rồi cáu tiết do đã bị tôi biến thành trò hề. Có điều, trời đã chạng vạng tối, cũng có nghĩa là cơ hội tấn công của chúng đã hết. Cuối cùng, tôi nghe thấy giọng Peeta gay gắt, “Thôi nào, để con bé ở trên cây đi. Có vẻ nó không thể đi đâu được. Sáng mai chúng ta sẽ xử nó.”
Ừm, cậu ta đúng về một thứ. Tôi chẳng đi đâu được. Sự khoan khoái từ dòng nước mát đã tiêu tan, chỉ còn lại cơn đau từ vết phỏng. Tôi tuột xuống một chạc cây và lóng ngóng chuẩn bị chỗ nằm. Trải chiếc áo khoác lên. Sắp xếp lại túi ngủ. Thắt người vào và cố gắng không kêu rên. Do không thể để cái chân bị thương vào bên trong chiếc túi nóng hổi, tôi rạch một đường trên lớp vải để không khí lọt vào. Tôi phun nước lên vết thương và lên tay.
Tất cả sự can đảm của tôi đã bay mất. Tôi yếu đi nhiều bởi vết thương và cơn đói nhưng vẫn không thể nuốt cái gì vào miệng. Ngay cả nếu tôi cầm cự qua đêm nay, sáng mai điều gì sẽ xảy ra đây? Tôi nhìn chằm chằm vào tán lá, cố ru ngủ bản thân, nhưng mấy vết phỏng không để tôi yên. Bầy chim trở về tổ khi bóng tối phủ xuống, khe khẽ ru đàn chim non. Những loài thú đêm xuất hiện. Một con cú kêu. Mùi chồn hôi tởm lợm khẽ xuyên qua làn khói. Ánh mắt của con vật nào đó đang theo dõi tôi từ cái cây bên cạnh - có lẽ là một con chồn ô-pốt - phản chiếu ánh lửa từ những cây đuốc của bọn Nhà nghề. Bất thình lình, tôi chống cùi chỏ bật dậy. Chẳng có đôi mắt con ô-pốt nào cả; tôi quá biết cái ánh mắt vô hồn của chúng mà. Thực sự là không có mắt bất kỳ con thú nào cả. Qua những tia sáng lờ mờ lay lắt, tôi nhận ra con bé đang quan sát tôi lặng lẽ từ những nhành cây.
Rue.
Con bé đã ở đó từ bao giờ? Có lẽ là ngay từ đầu. Trước những gì xảy ra bên dưới thì nó vẫn ngồi im và không để ai thấy. Có lẽ nó đã leo lên cao hơn trước tôi một chút, khi nghe tiếng chân bọn chúng đến quá gần.
Chúng tôi nhìn chằm chằm vào mắt nhau một lúc. Và rồi, nhẹ nhàng đến nỗi không làm rung một chiếc lá, nó đưa bàn tay nhỏ nhắn ra và chỉ vào thứ gì đó trên đầu tôi.
truyen hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp