Đấu Trường Sinh Tử
Chương 11
Chúng tôi đứng trên một khu đất bằng phẳng và rộng rãi, dưới chân là lớp đất nện cứng. Đằng sau những đấu thủ ở phía đối diện, tôi không thấy gì cả, chứng tỏ hướng đó phải có một vạt dốc hoặc thậm chí là vực thẳm. Phía bên phải tôi là một cái hồ. Bên trái và đằng sau là hàng thông thưa thớt. Đó là nơi Haymitch muốn tôi đến. Ngay lập tức.
Lời dặn của ông văng vẳng trong đầu tôi. “Chỉ cần nhớ kỹ, giữ khoảng cách xa nhất có thể với những đấu thủ khác, và đi tìm nguồn nước.”
Nhưng những đồ dùng nằm ở đằng kia thật cám dỗ, quá cám dỗ. Tôi biết nếu mình không lấy chúng, người khác sẽ lấy. Có thể là bọn Nhà nghề, những kẻ còn lại sau cuộc tắm máu ở Cornucopia sẽ chia chác đống chiến lợi phẩm thiết yếu ấy. Tôi nhìn thấy một thứ gì đó. Kia rồi, nằm trên chiếc chăn được cuộn lại là một bao tên bạc và cây cung đã căng dây sẵn, chỉ chờ được bắn mà thôi. Nó là của mình, tôi nghĩ bụng. Nó được dành cho mình.
Tôi có tốc độ. Tôi có thể chạy nước rút nhanh hơn bất kỳ đứa con gái nào trong trường, dù nếu chạy đường dài thì một vài đứa có thể thắng tôi. Nhưng đây là khoảng cách bốn mươi mét, khoảng cách dành cho tôi. Tôi biết mình có thể lấy được nó, tôi biết mình có thể đến đó đầu tiên, nhưng vấn đề là, liệu tôi có đủ nhanh để chạy khỏi chỗ ấy? Trong lúc tôi lao đến và chộp lấy bộ cung, những người khác đã tiến vào được chiếc sừng. Tôi có thể hạ được một hay hai đứa đấy, nhưng chúng có đến hàng tá, và ở cự ly gần như vậy chúng sẽ hạ gục tôi bằng lao hay dùi cui. Hay bằng những quả đấm thép.
Dù sao, tôi cũng không phải là mục tiêu duy nhất. Tôi dám cá nhiều đấu thủ khác sẽ bỏ qua một đứa con gái nhỏ, cho dù vừa được mười một điểm tập luyện chăng nữa để giải quyết những kẻ thù hung tợn hơn.
Haymitch chưa bao giờ nhìn thấy tôi chạy. Nếu có thì ông hẳn sẽ nói tôi lấy cây cung. Nhặt lấy vũ khí. Bởi đó là thứ vũ khí duy nhất có thể cứu sống tôi. Nó là cây cung duy nhất ở đây mà tôi thấy. Tôi biết một phút sắp hết và đã đến lúc phải quyết định mình sẽ làm gì. Chân tôi đã sẵn sàng chạy, không phải về hướng rừng mà là tới món đồ vô giá kia, tới cây cung. Bất chợt tôi nhận ra Peeta. Tuy cậu đứng cách tôi năm đấu thủ nữa về phía tay phải, một khoảng cách khá xa, tôi vẫn thấy như Peeta đang nhìn tôi, và có lẽ còn lắc đầu. Nhưng ánh mặt trời làm tôi lóa mắt và trong lúc tôi còn đang bối rối thì tiếng cồng vang lên.
Thế là tôi đã bỏ lỡ! Tôi đã bỏ lỡ cơ hội của mình! Vài giây mất tập trung đó đủ để khiến tôi quyết định xông vào hay không. Phân vân không biết chọn hướng nào, tôi đứng bần thần một lúc, nhưng rồi tôi lao về phía trước, nhặt lấy tấm bạt và một ổ bánh mì. Những thứ nhặt được quá khiêm tốn khiến tôi cảm thấy thật sự bực bội với Peeta vì cậu đã làm tôi sao nhãng, rồi tôi bứt tốc chạy thêm hai mét, nhặt lấy chiếc ba lô màu cam có thể đựng bất cứ thứ gì, bởi tôi không cam tâm bỏ đi mà gần như tay trắng.
Một thằng, hình như đến từ Quận 9, xông tới chiếc túi cùng lúc với tôi và ngay lập tức chúng tôi giành lấy nó. Đột nhiên hắn ộc lên một tiếng, máu từ miệng bắn lên mặt tôi. Thứ chất lỏng âm ấm, nhơn nhớt ấy làm tôi loạng choạng lùi lại. Rồi hắn đổ gục xuống đất. Khi đó tôi mới phát hiện ra một con dao găm lút cán sau lưng hắn. Các vật tế khác đã tới Cornucopia và bắt đầu tản ra chiến đấu. Đúng vậy, con nhỏ Quận 2 đang chạy về phía tôi từ khoảng cách mười mét, tay đang nắm cả nửa tá dao găm. Tôi đã nhìn thấy nó ném trong lúc luyện tập. Nó chưa bao giờ ném trật. Và tôi sẽ là mục tiêu kế tiếp.
Lúc này toàn bộ nỗi sợ của tôi đều hướng về con bé ấy, một con thú ăn thịt sắp lấy mạng tôi trong chốc lát. Một luồng adrenaline chạy qua người, tôi khoác chiếc ba lô và chạy hết tốc lực vào rừng. Nghe tiếng gió cắt vun vút ập tới, bằng vô thức tôi kéo chiếc túi lên che đầu. Một lưỡi dao đâm lút cán vào túi. Quàng dây đai túi lên hai vai, tôi tiến nhanh vào rừng. Không hiểu sao tôi biết con bé sẽ không đuổi theo nữa. Cô ta sẽ phải quay trở lại Cornucopia trước khi tất cả món ngon bị lấy mất. Tôi nở một nụ cười. Cảm ơn vì con dao, tôi nghĩ.
Tôi đứng ở rìa khu rừng một lúc để bao quát địa hình. Khoảng một tá đấu thủ đang thanh toán lẫn nhau ở chiếc sừng. Một số đã nằm bỏ mạng. Số khác quyết định đánh bài chuồn từ trước thì đã biến mất vào khu rừng hoặc khoảng trống đối diện nơi tôi đứng. Tôi tiếp tục chạy cho đến khi bóng hình khuất trong cánh rừng, thoát hẳn khỏi tầm mắt của những vật tế khác thì bước chậm lại, tôi nghĩ mình đã cách chúng được một khoảng. Vài giờ tiếp theo, tôi chạy và đi bộ luân phiên, giữ khoảng cách càng xa đối thủ càng tốt. Ổ bánh mì đã mất trong lúc vật lộn với thằng cha Quận 9, nhưng tấm bạt nhựa vẫn còn do đã được tôi nhồi vào tay áo từ trước, vậy nên tôi vừa đi vừa gấp nó lại cẩn thận và bỏ vào túi. Tôi rút con dao - khá tốt với lưỡi sắc và dài, gần cán còn có răng cưa giúp cứa đồ vật dễ dàng - gài vào thắt lưng. Tôi vẫn chưa dám dừng lại để kiểm đồ bên trong túi. Tôi tiếp tục đi, nếu có ngừng lại thì cũng chỉ để xem có ai đuổi theo hay không.
Tôi có thể đi trong thời gian dài. Tôi có được khả năng đó sau những ngày săn bắn trong rừng. Nhưng tôi không thể thiếu nước. Đó là lời dặn dò thứ nhì của Haymitch, và vì có vẻ đã làm hỏng việc đầu tiên, tôi căng mắt tìm dấu hiệu của nguồn nước. Không có hy vọng gì.
Khu rừng bắt đầu rậm rạp, xen lẫn đám thông là nhiều loài cây khác, một số tôi nhận biết được, một số hoàn toàn lạ lẫm. Bất chợt, tôi nghe thấy tiếng động và rút dao ra để tự vệ, nhưng rồi tôi chỉ làm giật mình một con thỏ. “Thật may mắn khi gặp mày,” tôi nói khẽ. Nếu có một con, hẳn còn có hàng trăm con khác để tôi đặt bẫy.
Mặt đất dốc xuống. Tôi không thích địa hình này lắm. Đi dốc xuống những thung lũng làm tôi có cảm giác như đang vào bẫy. Tôi muốn ở trên cao, như trên những ngọn đồi ở Quận 12, để có thể thấy những kẻ thù của mình đang tiến đến. Tuy nhiên, tôi không còn cách nào ngoài việc tiếp tục đi.
Mặc dù vậy, điều buồn cười là tôi không thấy mệt lắm. Những ngày ăn rỗi đã phát huy tác dụng. Dù thiếu ngủ nhưng tôi vẫn còn khỏe. Đi vào rừng làm tôi như trẻ lại. Tôi thấy dễ chịu với sự cô độc, dù đó chỉ là ảo tưởng, bởi có thể lúc này tôi đang xuất hiện trên truyền hình. Không thường xuyên thì cũng thỉnh thoảng. Có quá nhiều cái chết trong ngày đầu tiên nên việc một vật tế lặn lội trong rừng sẽ không được lưu tâm lắm. Nhưng họ cũng sẽ chú ý đến tôi, dù để khán giả biết rằng tôi vẫn còn sống, không bị thương và đang di chuyển. Ngày mở màn là một trong những ngày cá cược sôi nổi nhất, khi xuất hiện những thương vong đầu tiên. Nhưng đó chưa là gì so với lúc cuộc chiến chỉ còn lại vài đấu thủ.
Lúc tôi nghe thấy tiếng pháo hiệu thì trời đã gần tối. Mỗi tiếng bắn tượng trưng cho một đấu thủ thiệt mạng. Trận chiến ở Cornucopia hẳn đã kết thúc. Họ sẽ không thu gom xác chết cho đến khi những kẻ sống sót bỏ đi. Thậm chí trong ngày mở màn người ta còn không bắn thần công cho đến khi trận xáp lá cà kết thúc vì thật khó để biết được số thương vong nếu bắn ngay. Tự cho phép mình dừng lại nghỉ, tôi vừa thở dốc vừa đếm số phát súng. Một… hai… ba… cứ như thế cho đến mười một. Mười một người bỏ mạng tất cả. Còn lại mười ba. Tôi lấy ngón tay cạo những vệt máu khô mà vật tế Quận 9 đã ộc lên mặt tôi. Hẳn là hắn đã chết. Tôi tự hỏi về số phận của Peeta. Liệu lúc này cậu còn sống sót không? Tôi sẽ biết điều ấy trong vài giờ nữa. Họ sẽ chiếu hình ảnh của những nạn nhân lên trời để đám người sống sót thấy.
Bỗng nhiên, tôi ngập trong ý nghĩ rằng Peeta đã bỏ mạng, mất máu đến trắng bệch, được đưa lên phi thuyền chuyển về Capitol để rửa ráy, thay quần áo, cho vào một chiếc hộp gỗ đơn giản gửi về Quận 12. Không còn ở đây nữa. Trở về nhà. Tôi cố gắng nhớ lại lần cuối nhìn thấy cậu trước khi cuộc chiến bắt đầu. Nhưng hình ảnh duy nhất hiện ra trong tâm trí tôi là lúc Peeta lắc đầu, khi tiếng cồng vang lên.
Có thể như vậy sẽ tốt hơn, trong trường hợp Peeta đã ra đi. Cậu không có một chút nào tự tin vào việc mình sẽ chiến thắng. Và tôi sẽ không phải đối mặt với một nhiệm vụ không dễ chịu chút nào, đó là giết cậu. Có thể sẽ tốt hơn nếu như cậu không còn trong cuộc đấu này.
Tôi ngồi sụp bên chiếc túi, kiệt sức. Nhưng kiểu gì thì tôi vẫn phải xem xét nó trước khi trời tối. Xem nào. Trong lúc kéo khóa, tôi cảm thấy chiếc túi khá chắc chắn, dù màu của nó thật tệ. Thực tế, màu cam rất dễ bị phát hiện trong đêm. Việc đầu tiên phải làm vào ngày mai chắc chắn phải là ngụy trang chiếc túi này.
Tôi mở nắp túi. Thứ tôi muốn nhất, ngay lúc này đây, là nước. Lời dặn của Haymitch rằng phải tìm ngay nguồn nước quả không thừa. Tôi sẽ không thể trụ được lâu nếu thiếu nước. Dù có cầm cự được với những triệu chứng mất nước khó chịu trong vài ngày đầu, thì rồi sớm muộn tôi cũng sẽ trở nên bất lực và bỏ mạng trong chưa đầy một tuần.
Tôi cẩn thận bày các thứ ra. Một chiếc túi ngủ màu đen mỏng có thể giữ ấm thân nhiệt. Một thỏi bánh quy. Một vỉ khô bò. Một chai i-ốt. Một hộp diêm. Một cuộn dây kẽm nhỏ. Một chiếc kính râm. Và một chai nhựa hai lít không có chút nước nào.
Không có chút nước nào. Việc đổ nước vào chai khó khăn với họ lắm sao? Tôi bắt đầu thấy miệng và cổ họng đang khô rang, đôi môi nứt nẻ. Tôi đã đi cả ngày rồi. Trời nóng và mồ hôi chảy đầm đìa. Ở nhà tôi cũng từng đi như thế này, nhưng lúc nào cũng có thể tìm thấy nước ở các dòng suối, hay băng tuyết tan chảy.
Khi dọn đồ vào túi tôi chợt có một ý nghĩ táo bạo. Cái hồ. Cái hồ mà tôi thấy khi chờ tiếng cồng vang lên. Liệu có khi nào đó là nguồn nước duy nhất ở Đấu trường? Bằng cách này họ có thể quây chúng tôi lại một chỗ. Từ nơi tôi ngồi đến chỗ cái hồ dài bằng cả một ngày đi bộ, và chuyến trở về còn vất vả hơn nhiều khi không có nước uống. Ngay cả nếu đến được đó, chắc chắn tôi cũng sẽ lọt vào vòng vây của lũ Nhà nghề. Tôi bắt đầu hoảng sợ thì chợt nhớ đến con thỏ mà tôi bắt gặp sáng nay. Nó cũng phải uống nước. Tôi chỉ phải tìm nguồn nước đó ở đâu.
Trời bắt đầu nhá nhem và tôi đâm ra hoang mang. Rừng cây quá thưa, không thể trú ẩn. Tiếng chân tôi đạp lên lá thông xào xạc cũng khiến việc truy lùng lũ thỏ hoang khó khăn hơn khi cần bám theo chúng để tìm nguồn nước. Và tôi vẫn đang đi xuống dốc, càng lúc càng dấn sâu vào một thung lũng dường như dài vô tận.
Tôi cũng thấy đói, nhưng chưa dám đụng vào phần bánh quy và thịt bò quý giá. Thay vào đó, tôi lấy dao và bắt đầu cắt lớp vỏ ngoài của một cây thông rồi cạo một mảnh vỏ mềm hơn bên trong. Vừa đi tôi vừa nhấm nháp vỏ cây. Sau một tuần ăn cao lương mỹ vị, tôi nhai khá là trệu trạo. Nhưng tôi đã từng ăn không biết bao nhiêu vỏ thông trong đời rồi. Tôi sẽ chóng quen thôi.
Một giờ sau đó, tôi biết cần phải tìm chỗ nghỉ chân. Những con thú ăn đêm sẽ xuất hiện. Tôi có thể nghe thấy tiếng cú kêu hay tiếng sói tru loáng thoáng, dấu hiệu đầu tiên cho thấy tôi sẽ phải giành giật lũ thỏ với đám thú hoang ăn thịt. Còn chuyện tôi có được xem là con mồi của chúng hay không thì vẫn còn quá sớm để biết. Biết đâu đang có vài con thú đang len lén theo tôi.
Nhưng ngay bây giờ, tôi quyết định lưu tâm đến những vật tế nhiều hơn. Tôi chắc chắn nhiều kẻ sẽ tiếp tục đi săn trong đêm. Những kẻ chiến thắng ở Cornucopia sẽ có nào là thức ăn, nước uống thừa mứa từ hồ nước gần đó, đuốc hoặc đèn pin, và cả những thứ vũ khí mà chúng nóng lòng muốn dùng đến. Tôi chỉ hy vọng là đã đi đủ nhanh và đủ xa khỏi tầm nguy hiểm.
Trước khi nghỉ chân, tôi lấy dây kẽm, tạo hai chiếc bẫy bung-sập và giấu chúng trong bụi cây. Tôi biết việc đặt bẫy khá mạo hiểm, nhưng nếu không đặt sớm thì sẽ không có thức ăn. Vả lại cũng không thể đặt bẫy trong khi đang chạy trốn được. Tuy vậy tôi vẫn đi thêm năm phút trước khi nghỉ chân.
Tôi cẩn thận chọn lấy một cái cây. Một cây liễu, không cao lắm nhưng nằm giữa những cây liễu khác, với những tán cây dài và bay phơ phất là một nơi trú ẩn lý tưởng. Tôi trèo lên, bám vào những cành chắc chắn trên thân cây và tìm một chạc vững chãi làm chỗ nằm. Cần phải sửa sang lại một chút. Tôi xếp chiếc túi ngủ vào một chỗ tương đối thoải mái. Tôi đặt chiếc ba lô ở cuối túi ngủ rồi chui vào. Để đề phòng, tôi tháo thắt lưng, vòng nó xung quanh cành cây và túi ngủ, rồi gài chặt nó vào hông. Giờ thì dù có lỡ xoay người trong lúc ngủ, tôi cũng không ngã nhào xuống đất. Vì tôi khá thấp bé nên có thể chui hết cả đầu vào trong túi ngủ, nhưng tôi vẫn trùm thêm mũ liền áo lên đầu. Khi đêm đến, nhiệt độ hạ xuống nhanh chóng. Dù suýt mất mạng để lấy cái ba lô, tôi biết đó là lựa chọn đúng đắn. Chiếc túi ngủ giúp chống bức xạ và giữ thân nhiệt quả là vô giá. Tôi chắc chắn rằng vào lúc này; nỗi lo lắng lớn nhất của nhiều đấu thủ là làm thế nào để giữ ấm, trong khi tôi đã có thể chợp mắt được vài giờ đồng hồ. Miễn là tôi không quá khát.
Khi màn đêm buông xuống, tôi nghe thấy tiếng quốc ca cử lên trước khi họ thông báo những người đã chết. Qua tán cây tôi có thể thấy con dấu của Capitol đang lơ lửng trên bầu trời. Nó được chiếu trên màn hình khổng lồ của một chiếc phi thuyền vô hình. Quốc ca kết thúc và màn hình bị cắt xoẹt khiến bầu trời sầm tối trong một lúc. Nếu như đang ở nhà, chúng tôi đã có thể xem đầy đủ từng pha chém giết, nhưng ở đây thì không thể, vì như vậy sẽ tạo ra sự bất công giữa các đấu thủ còn sót lại. Chẳng hạn, nếu thấy tôi cầm lấy cây cung và hạ một đứa nào đó, những đứa khác sẽ biết hết bí mật của tôi. Lúc này, ngay tại Đấu trường, xuất hiện trên bầu trời khuôn mặt của từng người giống như những gì họ chiếu trong lúc thông báo điểm luyện tập. Chỉ là những tấm chân dung. Chỉ khác là họ thay số điểm bằng số quận. Tôi hít một hơi sâu khi khuôn mặt của mười một kẻ xấu số xuất hiện và dùng ngón tay đếm từng người một.
Xuất hiện đầu tiên là con nhỏ Quận 3. Như vậy nghĩa là bọn Nhà nghề từ Quận 1 và 2 đều sống sót. Không có gì ngạc nhiên. Rồi đến thằng Quận 4. Tôi không nghĩ hắn lại có kết cục như vậy, bọn Nhà nghề bao giờ cũng vượt qua được ngày đầu tiên. Thằng Quận 5... Tôi đoán là con bé mặt cáo đã giết hắn. Cả hai cặp từ Quận 6 và 7. Thằng Quận 8. Bộ đôi từ Quận 9. Trong đó có gã đã đánh nhau với tôi để giành chiếc ba lô. Tôi đếm các ngón tay, chỉ còn một người nữa. Peeta chăng? Không, đó là con nhỏ Quận 10. Thế là hết. Con dấu của Capitol xuất hiện trở lại trong đoạn nhạc dạo kết thúc. Sau đó là sự trở lại của bóng tối và âm thanh tĩnh mịch của khu rừng.
Tôi thấy nhẹ nhõm khi biết Peeta còn sống. Tôi lại tự nhủ rằng nếu mình bị giết, chỉ có chiến thắng của cậu là có lợi cho mẹ tôi và Prim. Đó là những gì tôi dặn lòng để giải thích những khối cảm xúc mâu thuẫn nhau mỗi khi nghĩ đến Peeta. Sự biết ơn vì cậu đã mang lại lợi thế cho tôi bằng cách bày tỏ tình yêu trong buổi phỏng vấn. Sự giận dữ trước lòng cao thượng của cậu khi ở trên mái. Nỗi lo sợ rằng chúng tôi có thể đối mặt nhau bất cứ lúc nào trong Đấu trường.
Mười một người chết, không có ai từ Quận 12. Tôi điểm những người sống sót. Năm Vật tế Nhà nghề. Con bé mặt cáo. Thresh và Rue. Rue… vậy là cuối cùng nó cũng vượt qua được ngày đầu tiên. Tôi không kìm được niềm vui. Như vậy là mười người. Ba người còn lại tôi sẽ được biết vào ngày mai. Còn bây giờ, khi trời đã tối, khi đã đi được một quãng xa và tìm được chỗ trú ở trên cành cây cao, tôi phải cố mà ngủ.
Hai ngày rồi tôi không được ngủ tử tế, hôm nay thì lại còn phải trải qua một cuộc hành trình dài ở Đấu trường. Tôi chậm rãi để các thớ cơ thả lỏng. Mắt nhắm lại. Thật may là tôi không ngáy. Đó là điều cuối cùng tôi nghĩ…
Tách! Tiếng cành cây gãy đánh thức tôi. Tôi đã ngủ bao lâu rồi nhỉ? Bốn tiếng? Năm tiếng? Đầu mũi tôi lạnh cóng. Tách! Tách! Chuyện gì vậy? Đó không phải tiếng do chân người đạp lên, mà là tiếng gãy rất ngọt từ một cái cây nào đó. Tách! Tách! Tôi đoán chừng nó phát ra từ khoảng vài trăm mét bên phải tôi. Chậm rãi, nhẹ nhàng hết mức có thể, tôi xoay người về nơi phát ra tiếng động. Trong vài phút sau đó, không có gì xảy ra ngoài bóng đêm và tiếng lạo xạo. Rồi một tia lửa lóe lên và ngọn lửa nhỏ bắt đầu cháy. Ngoài một đôi tay đang hơ trước ngọn lửa, tôi không thể thấy gì thêm.
Tôi phải bặm môi lại để không phải thốt lên những điều rủa xả cái kẻ đã châm lửa. Nó đang nghĩ gì thế? Đốt lửa vào lúc chập tối còn chấp nhận được. Khi ấy đám vừa chiến đấu ở Cornucopia, với sức mạnh vượt trội và đồ dùng thừa mứa, có thể còn ở quá xa để phát hiện ra ánh lửa. Còn bây giờ có lẽ chúng đang lùng sục khắp khu rừng hàng giờ đồng hồ tìm con mồi, làm thế khác nào phất cờ và hô to, “Lại đây mà bắt tao đi!”
Còn tôi đang ở đây, chỉ cách cái kẻ ngốc nhất cuộc đấu một tầm ném đá. Neo người trên cây. Không dám bỏ trốn vì địa điểm xung quanh nơi tôi trú ẩn đã không còn an toàn nữa. Ý tôi là, ngoài trời lạnh lẽo và không phải ai cũng có túi ngủ. Chẳng lẽ tự dưng bạn phải chịu cảnh răng va lập cập và quai hàm đơ cứng tới tận bình minh?
Vài giờ sau đó, tôi cứ nằm trằn trọc trong túi ngủ, cứ nghĩ hoài về việc nếu xuống khỏi cành cây này bây giờ thì tôi sẽ hạ được tay hàng xóm mới này dễ như bỡn. Bản năng của tôi là chạy trốn, không phải chiến đấu. Nhưng rõ ràng kẻ kia là một mối đe dọa. Những đứa ngớ ngẩn thường nguy hiểm. Ngoài ra, có lẽ hắn cũng không có nhiều vũ khí, trong khi tôi có một con dao tuyệt vời.
Bầu trời vẫn tối, nhưng tôi có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên của bình minh đang đến. Tôi bắt đầu nghĩ có khi nào chúng tôi - nghĩa là tính luôn kẻ mà tôi đang suy tính có nên hạ không - sẽ mất mạng lúc nào không hay. Rồi tôi nghe thấy tiếng động. Tiếng vài đôi chân vụt chạy đến. Kẻ châm lửa hẳn đã ngủ quên. Chúng tóm được cô nhỏ trước khi nó kịp chạy thoát. Giờ thì tôi đã biết đó là một đứa con gái, qua tiếng van lơn, tiếng kêu la thảm thiết sau đó. Sau đó là tiếng cười cùng tiếng hoan hô. Ai đó hét toáng lên, “Mười hai mạng đã xong và còn mười một đứa nữa!” và nhận được một tràng huýt sáo tán thưởng.
Vậy là chúng chiến đấu theo đội. Tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm. Phe phái thường xuất hiện vào giai đoạn đầu của Đấu trường. Kẻ mạnh hợp lại để săn kẻ yếu; sau đó, khi căng thẳng đủ lớn, chúng quay sang tàn sát lẫn nhau. Tôi không phải đoán nhiều về những kẻ trong đội này. Đó là bọn Nhà nghề còn lại từ Quận 1, 2 và 4. Hai nam và ba nữ. Những kẻ thường ăn trưa cùng nhau.
Tôi nghe thấy tiếng chúng lục lọi đồ dùng của con nhỏ một lúc. Qua tiếng bình phẩm thì chúng chẳng tìm được gì đáng giá. Tôi nghĩ có khi nạn nhân là Rue, nhưng nhanh chóng xua tan ý nghĩ đó. Nó đủ sáng suốt để không nhóm lửa như thế.
“Rút thôi để cái xác được gom trước khi bốc mùi.” Tôi gần như chắc chắn đó là tiếng của gã tàn ác từ Quận 2. Có tiếng xì xào đồng tình, và rồi điều đáng sợ xảy ra, khi tôi nghe thấy chúng đang bước về phía mình. Chúng không biết tôi ở đây. Biết thế nào được? Tôi giấu kín mình trên một chạc cây. Cũng may là mặt trời còn chưa ló dạng, chứ nếu không chiếc túi ngủ màu đen của tôi sẽ bị lộ mất. Nếu cứ tiếp tục đi, chúng sẽ qua chỗ tôi và mất dạng một phút sau đó.
Nhưng bọn Nhà nghề dừng lại để lùng sục cách cái cây tôi nằm khoảng mười mét. Chúng có đèn pin, đuốc sáng. Từ đây, qua các nhành cây, tôi có thể thấy đôi tay, cặp ủng của bọn chúng. Tôi nằm thin thít, thậm chí không dám thở. Chúng tia thấy tôi chưa nhỉ? Chưa, vẫn chưa. Qua lời nói thì chúng đang nghĩ về chuyện khác.
“Lẽ ra chúng ta phải nghe thấy tiếng pháo rồi chứ?”
“Tao cũng nghĩ thế. Đáng lẽ họ phải phát pháo ngay lập tức.”
“Trừ khi con bé chưa chết.”
“Nó chết rồi. Chính tay tao đã đâm nó.”
“Thế thì tiếng pháo đâu?”
“Ai đó nên quay trở lại. Phải giải quyết tận gốc.”
“Đúng đấy, chúng ta không muốn tìm bắt con bé lần thứ hai.”
“Tao nói là nó chết rồi!”
Bọn chúng cứ tranh cãi cho đến khi một đứa ngắt tiếng bọn còn lại. “Chúng ta đang phí thời gian! Tao sẽ lại giải quyết con bé và sau đó đi tiếp!”
Tôi suýt rớt khỏi cây. Giọng nói là của Peeta.