Dấu Chân Của Chúa

Chương 1


Chương tiếp

Tôi là bác sĩ David Tennant. Tôi là giáo sư y đức tại trường y, Đại học Virginia, và nếu bạn đang xem cuốn băng này, có nghĩa là tôi đã chết."

Tôi lấy hơi và tự chủ lại. Tôi không muốn cường điệu. Tôi lắp máy ghi hình Sony trên giá ba chân và xoay màn hình tinh thể lỏng để có thể nhìn thấy mình trong khi nói. Mấy tuần qua tôi đã sút cân. Mắt tôi đỏ ngầu vì mệt mỏi, viền mắt thâm quầng và bóng lên. Trông tôi giống một tên tội phạm bị săn lùng hơn là một người bạn đau buồn.

"Tôi thật không biết bắt đầu từ đâu. Tôi cứ hình dung ra thi thể Andrew nằm dưới nền nhà. Và tôi biết ông đã bị giết. Nhưng... tôi hấp tấp rồi. Các vị cần các dữ kiện. Tôi sinh năm 1961 ở Los Alamos, bang New Mexico. Cha tôi là James Howard Tennant, nhà vật lý hạt nhân. Mẹ tôi là Ann Tennant, bác sĩ nhi khoa. Tôi ghi hình cuốn băng này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn tỉnh táo. Và ngay khi làm xong, tôi sẽ gửi cho luật sư của mình, với điều kiện nó phải được mở ra nếu tôi chết vì bất kỳ nguyên nhân nào."

"Cách đây sáu giờ, người ta phát hiện một đồng nghiệp của tôi - tiến sĩ Andrew Fielding - chết bên bàn làm việc của ông vì một cơn đột quỵ triệu chứng rõ ràng. Tuy không chứng minh được, nhưng tôi tin là Fielding bị giết. Trong hai năm qua, ông và tôi tham gia một nhóm khoa học được NSA 1 và DARPA 2 tài trợ. Dưới cấp bảo mật cao nhất, đội ngũ khoa học và công trình của họ được gọi là Dự án Trinity 3 ".

Tôi liếc xuống khẩu Smith & Wesson 38 ly nòng ngắn đặt trên đùi. Tôi đã cố không để khẩu súng lộ ra trước camera, nhưng có nó trong tầm tay khiến tôi thấy yên tâm. Trấn tĩnh lại, tôi lại căng mắt nhìn vào ánh sáng đỏ rực.

"Cách nay hai năm, Peter Godin, người sáng lập tập đoàn Siêu máy tính Godin, đột nhiên nảy ra một ý tưởng, khá giống thời khắc huyền thoại khi quả táo rơi trúng đầu Isaac Newton. Nó diễn ra trong một giấc mơ. Người đàn ông bảy mươi tuổi ấy dường như không dựa trên một cơ sở nào, đã hình dung ra một khả năng đột phá trong lịch sử khoa học. Khi thức dậy, Godin gọi điện cho John Skow, phó giám đốc của NSA ở căn cứ quân sự Meade, Maryland. Sáu giờ sáng, hai người đã soạn thảo và gửi một bức thư cho tổng thống Hoa Kỳ. Bức thư làm chấn động Nhà Trắng đến tận nền móng. Tôi biết điều này vì tổng thống vốn là bạn thân của anh tôi từ ngày còn ngồi trên ghế trường đại học. Anh tôi chết cánh đây ba năm, nhưng nhờ có anh mà tổng thống biết đến công việc của tôi, chính công việc ấy đã đặt tôi vào trung tâm những sự kiện sẽ tiếp nối sau này.

Tôi xoa xoa nòng thép mát lạnh của khẩu 38 ly, tự hỏi không biết nên nói ra những gì và bỏ qua gì. Trong đầu tôi vang lên một giọng nói: Không bỏ qua gì cả. Giọng nói của ba tôi. Cách đây năm mươi năm, ông đóng một vai trò riêng trong lịch sử bí mật của nước Mỹ, và gánh nặng đó đã rút ngắn cuộc đời ông. Ba tôi mất năm 1988, một con người bị ám ảnh, tin chắc rằng cuộc Chiến tranh Lạnh mà ông đã tiêu phí cả sức lực tuổi trẻ để duy trì sẽ kết thúc với một nền văn minh bị hủy hoại, vì việc này quá dễ dàng. Không bỏ qua gì cả...

"Thông điệp của Godin" tôi tiếp tục, "có tác động như bức thư của Albert Einstein gửi tổng thống Roosevelt vào đầu Thế chiến II, phác họa về tiềm lực chế tạo bom nguyên tử và khả năng Đức Quốc xã có thể đã chế tạo một quả. Bức thư của Einstein đã kích hoạt Dự án Manhattan, cuộc nghiên cứu bí mật nhằm đảm bảo rằng Mỹ phải là nước đầu tiên có vũ khí hạt nhân. Bức thư của Godin làm xuất hiện một dự án có quy mô tương tự nhưng tham vọng là vô bờ bến. Dự án Trinity khởi động sau những bức tường của một cơ quan bình phong cho NSA trong Công viên Tam giác Nghiên cứu Bắc Carolina. Chỉ có sáu người trên hành tinh được biết đầy đủ về Trinity, và bây giờ khi Andrew Fielding đã chết, chỉ còn lại năm. Tôi là một. Bốn người kia là Peter Godin, John Skow, Ravi Nara..."

Tôi ngồi chôn chân với khẩu súng 38 ly trong tay. Có tiếng gõ cửa. Qua tấm rèm thưa, tôi thấy một chiếc xe tải nhẹ của Federal Express đậu sát vỉa hè. Khoảng trống ngay trước cửa ra vào thì tôi không nhìn thấy được.

"Ai đấy?" tôi hỏi.

"FedEx," một giọng đàn ông nghèn nghẹt. "Tôi cần ông ký vào đây."

Tôi không chờ đợi thư từ nào cả. "Là thư hay bưu phẩm?"

"Thư."

"Ai gửi?"

"Ờ... Lewis Carroll."

Tôi rùng mình. Một bưu phẩm từ một người đã chết? Chỉ có một người duy nhất có thể gửi cho tôi bưu phẩm dưới tên tác giả "Alice ở xứ thần tiên". Andrew Fielding. Ông gửi cho tôi thứ gì vào cái ngày trước khi chết? Mấy tuần nay Fielding luôn lục lọi như bị ma ám trong các phòng thí nghiệm của Trinity, máy tính cũng như những chỗ khác. Cõ lẽ ông đã phát hiện được điều gì. Mà có lẽ dù là gì đi nữa thì nó cũng đã dẫn đến cái chết của ông. Tôi cảm thấy có nét là lạ trong cung cách của Fielding ngày hôm qua - không dễ gì nhận ra điều đó ở một người nổi tiếng lập dị như ông - nhưng đến sáng nay dường như ông đã trở lại bình thường.

"Ông có muốn nhận hay không?" người đưa thư hỏi.

Tôi lên đạn khẩu súng và nhích dần ra phía cửa. Tôi thường khóa xích cửa sau khi về nhà. Tôi mở cửa bằng tay trái và kéo ra hết khoảng căng của xích. Qua khe mở, tôi thấy khuôn mặt của một thanh niên cỡ ngoài hai mươi tuổi, mặc đồng phục, tóc buộc kiểu đuôi ngựa ngắn.

"Đưa bảng giấy qua đây cùng với gói hàng. Tôi sẽ ký rồi trả lại anh."

"Không được, vì đây là bảng kỹ thuật số."

"Thế thì lấy tay mà giữ."

"Hoang tưởng," hắn làu bàu, nhưng vẫn đưa một tấm bảng dày màu vàng cam qua khe cửa.

Tôi cầm lấy bút từ treo ở đầu sợi dây, ký tháu tên mình lên màn hình cảm ứng.

"OK."

Tấm bảng điện tử biến mất và một phong bì FedEx được tuồn qua. Tôi cầm lấy nó quăng lên sofa, rồi đóng cửa lại đợi đến khi tiếng xe mất hẳn.

Tôi nhặt phong bì lên và liếc qua nhãn. Chữ "Lewis Caroll" được ký bằng bàn tay nghều ngoào của Fielding. Khi tôi rút tờ giấy ra khỏi phong bì, một chất bột màu trắng trơn bóng tràn lên ngón tay tôi. Khoảnh khắc mắt tôi nhận ra màu trắng, một phần não tôi lóe lên ý nghĩ, bệnh than. Khả năng này tuy thấp nhưng người bạn thân nhất của tôi vừa mới chết trong hoàn cảnh mờ ám. Có hoang tưởng đôi chút thì cũng hợp lý thôi.

Tôi chạy vội vào bếp cọ rửa ngón tay bằng nước rửa chén và nước. Rồi tôi lấy từ tủ ra một túi cứu thương màu đen. Trong đó có đủ các thứ thuốc quen thuộc trong nhà một bác sĩ y khoa: thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc gây nôn, kem steroid. Tôi tìm thấy thứ mình cần trong một ngăn có khóa bấm: một vỉ Cipro, loại kháng sinh mạnh đa năng. Tôi nuốt một viên với nước ở vòi, rồi lấy đôi găng tay mổ trong túi đeo vào. Một động tác phòng ngừa cuối cùng: tôi lấy một chiếc áo thun bẩn từ giỏ mây ra buộc quanh mũi và mồm. Tôi nhét chiếc phong bì FedEx và bức thư vào một túi Ziploc riêng, niêm kín lại rồi ném lên quầy.

Dù rất nóng lòng muốn đọc bức thư, một phần trong tôi vẫn cố cưỡng lại. Fielding có thể đã bị giết vì những gì được viết trong đó. Và dù nếu không phải như thế thì việc đọc nó cũng chẳng mang lại điều gì tốt lành.

Tôi cẩn thận dùng máy hút bụi hút hết chất bột trắng dây ra thảm ở phòng ngoài, tự hỏi liệu tôi có lầm khi cho là Fielding bị giết không? Tôi với ông đã lâm vào trạng thái hoài nghi suốt mấy tuần qua, nhưng khi đó chúng tôi có lý do để nghi ngờ. Mà thời gian thì quá kẹt. Đáng lẽ cất máy hút bụi vào tủ chứa đồ, tôi lại ra cửa sau và quẳng nó ra xa tận ngoài sân. Mua cái mới lúc nào chẳng được.

Tôi vẫn còn bị ám ảnh lạ lùng về bức thư nằm trên quầy bếp. Tôi thấy mình giống như vợ người lính không dám mở một bức điện. Nhưng tôi biết rõ bạn tôi đã chết. Vậy tôi còn sợ gì?

Sợ cái lý do, một tiếng nói trong đầu tôi trả lời. Fielding nói. Anh muốn rúc đầu vào cát. Trò chơi dân tộc của Mỹ đấy...

Cáu kỉnh vì phát hiện ra rằng chết cũng phiền hà như sống, tôi nhặt cái túi Ziploc chứa thư lên, mang ra phòng ngoài. Thư ngắn và viết tay.

David,

Chúng ta cần phải gặp lại nhau. Cuối cùng tôi đã đem những nghi ngờ của mình đến đối chất với Godin. Phản ứng của hắn làm tôi kinh hoàng. Tôi không muốn viết cụ thể ra giấy, nhưng tôi biết mình đúng. Đêm thứ Bảy, tôi với Lu Li sẽ chạy xe ra chỗ nhà xanh. Hãy đến đấy với chúng tôi. Chỗ ấy gần, nhưng kín đáo. Có thể sẽ có thời gian cho anh tiếp xúc với người bạn cũ của anh trai anh, tuy rằng tôi tự hỏi ngay cả ông ta liệu làm được gì vào lúc này. Những sự việc như thế này có sức mạnh vượt mọi cá nhân. Thậm chí vượt cả loài người, tôi e vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, đừng quên cái vật nhỏ bằng vàng hồi trước tôi nhờ anh giữ giùm. Thời gian gấp lắm, bạn ạ. Hẹn gặp tối thứ Bảy.

Không có chữ ký, nhưng dưới các dòng chữ là bức tranh vui vẽ tay hình đầu một con thỏ và một mặt đồng hồ. Thỏ Trắng, cái biệt danh dễ thương ấy là của các sinh viên vật lý ở trường Cambridge dành tặng cho Fielding. Fielding luôn mang theo một chiếc đồng hồ vàng bỏ túi, đó chính là "cái vật nhỏ bằng vàng" hồi trước ông nhờ tôi giữ hộ.

Hôm ấy, lúc đi ngang qua tôi trong hành lang, ông dúi chiếc đồng hồ treo trên sợi dây chuyền vào tay tôi. "Giữ hộ một giờ, được không anh bạn?" ông thì thầm."Được thôi". Rồi ông đi. Một giờ sau, ông dừng trước phòng tôi để nhận lại đồ, bảo rằng ông không muốn mang nó vào phòng thí nghiệm MRI 4 , ở đó nó có thể bị văng vỡ tung tóe vào máy MRI vì từ trường cực mạnh của máy móc. Nhưng trước đó, Fielding luôn đến phòng thí nghiệm MRI mà chưa bao giờ gửi tôi chiếc đồng hồ bỏ túi ấy. Và cũng không bao giờ gửi lại lần nữa. Chắc nó phải ở trong túi ông khi ông chết. Vậy thì ngày hôm ấy ông gặp chuyện gì?

Tôi đọc lại bức thư. Đêm thứ bảy, tôi với Lu Li sẽ chạy xe ra chỗ nhà xanh. Lu Li là bà vợ mới người Trung Quốc của Fielding. "Nhà xanh" chắc là mật danh của một căn nhà nhỏ ven biển ở Nags Head, Bãi Ngoài, Bắc Carolina. Cách đây ba tháng, khi ông nhờ tôi gợi ý địa điểm cho tuần trăng mật, tôi gợi ý căn nhà nhỏ Nags Head, chỉ mất độ vài tiếng lái xe. Vợ chồng Fielding rất thích chỗ đó, và ông bạn người Anh này rõ ràng đã chọn nó làm địa điểm an toàn để bàn về nỗi lo sợ của mình.

Bàn tay tôi run lên. Người viết những dòng này giờ đây đang lạnh như cái bàn đặt tử thi của ông, tất nhiên nếu ông nằm trong nhà xác. Không ai có thể - hoặc muốn - nói cho tôi biết chính xác bạn tôi được đưa đi đâu. Và bây giờ đến thứ bột trắng! Chẳng lẽ Fielding đã bỏ bột trắng vào phong bì mà không đả động gì đến nó trong thư? Nếu không phải ông thì ai làm? Ai, nếu không phải chính kẻ đã giết ông?

Tôi đặt bức thư lên sofa, tháo đôi găng tay phẫu thuật, tua lại băng hình về điểm tôi bước ra khỏi khuôn hình. Tôi quyết định ghi hình lại vì tôi sợ bị giết trước khi có thể nói với tổng thống những điều mình biết. Bức thư của Fielding không thay đổi được gì cả. Thế nhưng, khi chăm chú nhìn vào ống kính, đầu óc tôi lại suy nghĩ mông lung. Tôi đã gọi cho "người bạn của ông anh quá cố" của tôi trước Fielding. Lúc nhìn thấy thi thể Fielding nằm trên sàn phòng làm việc của ông, tôi biết mình phải gọi cho tổng thống. Nhưng tổng thống đang ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay khi rời khỏi phòng thí nghiệm Trinity, tôi lại gọi đến Nhà Trắng từ một máy điện thoại trả tiền ở nhà hàng Shoney, một máy điện thoại "an toàn" mà Fielding từng kể với tôi. Bọn theo dõi ngồi trong xe không nhìn thấy nó, và cấu trúc bên trong của nhà hàng khiến việc nghe trộm từ xa bằng microphone parabol rất khó thực hiện.

Khi tôi nói "Dự án Trinity", tổng đài Nhà Trắng nối máy cho tôi tiếp chuyện với một giọng đàn ông cộc cằn bảo tôi nói rõ sự việc. Tôi xin gặp ông Evan McCaskell, chánh văn phòng của tổng thống, người tôi đã gặp trong lần đến Phòng Bầu dục. Evan McCaskell đang ở Trung Quốc với tổng thống. Tôi yêu cầu thông báo cho tổng thống rằng David Tennant cần nói chuyện gấp với tổng thống về Dự án Trinity, và không một ai khác liên quan đến Trinity được biết chuyện này. Người đàn ông nói yêu cầu của tôi sẽ được chuyển, rồi ngắt máy.

Carolina cách Bắc Kinh mười ba múi giờ. Tức là bây giờ ở Bắc Kinh đang buổi sáng. Ban ngày. Thế mà đã bốn giờ trôi qua từ lúc tôi gọi điện, vẫn chưa có tin tức gì. Phải chăng thông tin của tôi tới Bắc Kinh trễ do tầm quan trọng của cuộc gặp cấp cao? Không cách gì biết được. Tôi chắc rằng nếu một ai đó ở Trinity nghe được cuộc gọi của tôi trước, tôi sẽ bị thanh toán như Fielding trước khi tôi có thể nói chuyện với tổng thống.

Tôi nhấn nút START trên điều khiển từ xa, và lại nói vào máy quay.

"Trong vòng sáu tháng qua, tôi đã đi từ cảm giác được tham gia vào những cố gắng khoa học cao quý đến chỗ tự hỏi có phải tôi đang sống trên đất Mỹ đây không? Tôi đã thấy những người đoạt giải Nobel vứt bỏ tất cả các nguyên tắc chỉ để tìm kiếm..."

Tôi im lặng. Một bóng người vụt qua cửa sổ trước. Một khuôn mặt. Rất gần, dòm vào trong. Tuy chỉ thấy nó qua tấm rèm mỏng nhưng tôi chắc chắn. Một khuôn mặt ôm gọn trong mái tóc dài chấm vai. Tôi có cảm giác đó là nét mặt phụ nữ, nhưng...

Tôi định bật dậy nhưng lại ngồi phịch xuống. Răng tôi rung lên như điện giật, tựa hồ có lá nhôm chèn vào trong lúc trám răng. Mí mắt tôi nặng trĩu không mở ra được. Không phải bây giờ, tôi nghĩ, thọc tay vào túi lấy lọ thuốc kê sẵn theo đơn. Chúa ơi, không phải bây giờ. Trong sáu tháng, tất cả các thành viên của nội bộ Trinity đều bị hội chứng thần kinh khủng khiếp. Không ai giống ai. Tôi bị chứng ngủ rũ hành hạ. Ngủ rũ và mộng mị. Ở nhà, tôi thường đầu hàng chứng ngủ như hôn mê kia. Nhưng khi tôi cần đánh lui cơn mê đó - ở Trinity, hay khi lái xe - chỉ có amphetamine mới làm ngưng những đợt sóng trào dữ dội.

Tôi rút chai thuốc ra lắc. Rỗng. Tôi đã nuốt viên cuối cùng hôm qua. Tôi thường lấy amphetamin từ Ravi Nara, bác sĩ tâm thần của Trinity, nhưng Nara và tôi đã không còn nói chuyện với nhau nữa. Tôi cố đứng dậy, định bụng sẽ gọi cho một hiệu thuốc và tự kê đơn cho mình, nhưng chuyện đó thật lố bịch. Tôi thậm chí không đứng lên được. Chân tay tôi nặng như chì. Mặt tôi nóng rực và mí mắt bắt đầu sụp xuống.

Kẻ rình mò lại xuất hiện bên cửa sổ. Tôi tưởng tượng mình giơ súng nhằm mục tiêu, nhưng rồi tôi thấy súng rơi xuống đùi. Ngay cả bản năng sinh tồn cũng không đủ sức làm tan màn sương mù tràn ngập óc tôi. Tôi nhìn ra cửa sổ. Khuôn mặt biến mất. Một khuôn mặt đàn bà. Chắc chắn thế. Chẳng lẽ chúng phái đàn bà đến giết tôi? Tất nhiên. Chúng là lũ thực dụng. Chúng sử dụng bất cứ thứ gì miễn là được việc.

Có cái gì đó cọ vào tay nắm cửa. Qua lớp sương mù dày đặc, tôi cố sức chĩa súng ra phía cửa. Lại có tiếng gõ sầm sập lên cửa gỗ. Tôi đặt ngón tay lên cò súng nhưng khi trí óc bồng bềnh của tôi truyền lệnh bóp cò, cơn buồn ngủ sụp xuống xóa tan ý thức giống như những ngón tay phẩy tắt ngọn nến.

Andrey Fielding ngồi một mình bên bàn làm việc, điên tiết rít thuốc lá. Bàn tay ông run lên sau cuộc đối đầu với Godin. Chuyện xảy ra từ hôm trước, nhưng Fielding có thói quen tái hiện những cảnh như vậy trong tâm trí để tự dằn vặt về việc ông đã trình bày trường hợp của mình một cách kém hiệu quả ra sao, lẩm nhẩm những lý lẽ quật lại mà lẽ ra ông phải nói ra nhưng đã không nói.

Cuộc cãi vã là kết quả của mấy tuần thất vọng. Fielding không thích tranh luận, không phải những cuộc tranh luận ngoài phạm vi vật lý. Ông trì hoãn cuộc gặp cho đến phút cuối. Ông đủng đỉnh đi quanh phòng làm việc, nghĩ mông lung về một trong những vấn đề hóc búa trọng tâm của vật lý lượng tử: tại sao hai hạt được bắn ra đồng thời từ cùng một nguồn có thể đến cùng một đích tại cùng một thời điểm, trong khi một hạt phải chuyển động xa hơn mười lần so với hạt kia? Giống như hai chiếc Boing 747 bay từ New York đến Los Angeles - một chiếc bay thẳng, chiếc kia phải bay về hướng Nam đến Miami trước khi bay sang hướng Tây đến Los Angeles, thế mà cả hai lại hạ cánh ở sân bay L.A. cùng thời điểm. Chiếc 747 thứ nhất bay với tốc độ ánh sáng, vậy mà chiếc còn lại bay vòng qua Miami vẫn đáp xuống sân bay L.A cùng lúc. Có nghĩa là chiếc thứ hai phải bay nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Có nghĩa là Thuyết tương đối hẹp của Einstein còn thiếu sót. Có thể lắm chứ. Fielding đã bỏ ra rất nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề này.

Ông đốt điếu thuốc khác và nghĩ về bức thư đã gửi theo đường chuyển phát nhanh cho David Tennant. Nó không đầy đủ. Gần như không nói được gì. Nhưng nó phải nói lên được gì đó trước khi họ gặp nhau ở Nags Head. Có thể lúc nhận thư Tennant đang làm việc cả chiều trên cùng một hành lang, chỉ cách chỗ ông vài bước chân, nhưng cũng có thể anh ta đang ở Fiji. Không một mét vuông nào không có bóng bọn theo dõi và các thiết bị ghi âm. Tennant có thể nhận được bức thư vào chiều nay, nếu nó không bị ai chặn lại. Để tránh chuyện đó, Fielding đã hướng dẫn vợ bỏ thư vào thùng thư chuyển phát nhanh FedEx bên trong bưu điện Durham, ngoài tầm nhìn của bất kỳ kẻ nào theo dõi bà từ xa. Các bà vợ luôn bị như vậy - bị theo dõi ngẫu nhiên từ trong xe mà không hề hay biết.

Tennant là hy vọng duy nhất của Fielding. Tennant quen biết tổng thống. Dù sao anh ta cũng đã từng dự tiệc tại Nhà Trắng. Fielding đã nhận giải Nobel năm 1998, nhưng ông chưa hề được mời đến số 10 phố Downing 5 . Sẽ không bao giờ, chắc chắn đến chín mươi phần trăm. Ông đã có lần bắt tay thủ tướng trong một buổi tiếp tân, nhưng đó lại là chuyện khác. Hoàn toàn khác.

Ông rít một hơi thuốc và nhìn xuống bàn. Một phương trình nằm đó, một hàm sóng suy sập không giải được nếu dùng toán học hiện tại. Ngay cả các siêu máy tính mạnh nhất thế giới cũng không giải nổi một hàm sóng suy sập. Có một cỗ máy trên trái đất có thể đạt được tiến bộ trong việc giải bài toán này - ít nhất ông tin rằng có cỗ máy như thế - và nếu ông đúng thì thuật ngữ siêu máy tính chẳng mấy chốc sẽ trở thành đồ cổ lỗ như cái bàn tính. Nhưng chiếc máy có thể giải hàm sóng suy sập phải có nhiều khả năng hơn là chỉ biết tính toán. Có lẽ đó là tất cả những gì Peter Godin đã hứa với các quan chức chính phủ ở Washington và còn hơn thế nữa. Cái "hơn" ấy làm Fielding sợ. Vì không ai có thể nói trước các hậu quả không mong muốn khi biến một chuyện như thế thành sự thật. Đúng thực là "Trinity".

Ông đang định về sớm thì có gì đó bỗng lóe lên trong mắt trái. Không thấy đau. Rồi tầm nhìn của con mắt ấy xoắn lại thành một vệt mờ, hình như có tiếng nổ trong thùy não trái trước trán. Đột quỵ, ông dửng dưng nghĩ. Mình đang bị đột quỵ. Bình tĩnh lạ lùng, ông với điện thoại để gọi số 911, rồi nhớ ra rằng bác sĩ tâm thần giỏi nhất thế giới đang làm việc cách ông có bốn phòng.

Gọi điện chắc nhanh hơn đi. Ông với tay cầm ống nghe, nhưng cái hiện tượng đang diễn ra trong hộp sọ ông bỗng bùng ra với tất cả sức tàn phá của nó. Cục máu đông, hay mạch máu bị vỡ, và mắt trái ông trở nên đen ngòm. Một cơn đau như dao cắt xuyên vào gốc não, trung khu của những chức năng trợ giúp sự sống. Ngã vật xuống sàn, Fielding lại nghĩ về các hạt khó nắm bắt chuyển động với tốc độ nhanh hơn ánh sáng, các hạt đã chứng tỏ Einstein sai bằng cách vượt qua không gian như thể nó không tồn tại. Ông nêu ra một ý tưởng thử nghiệm: Nếu Andrew Fielding có thể chuyển động nhanh bằng hạt kia, liệu ông có kịp đến gặp Ravi Nara để được cứu?

Trả lời: Không. Không gì có thể cứu được ông lúc này.

Ý nghĩ mạch lạc cuối cùng của ông là một lời cầu nguyện, một hy vọng thầm lặng rằng trong thế giới lượng tử không có trên bản đồ, ý thức tồn tại bên ngoài cái mà con người gọi là sự chết. Đối với Fielding, tôn giáo là một ảo tưởng, nhưng trong buổi bình minh của thế kỷ hai mốt, Dự án Trinity đã mở ra hy vọng về một sự bất tử mới. Và đó không phải là một quái vật Rube Goldberg 6 mà họ đang giả vờ tạo ra cách phòng làm việc của ông có một trăm mét.

Tác động của nền nhà giống như nước.

Tôi giật mình tỉnh dậy và nắm chặt khẩu súng. Ai đó đang dộng ầm ầm lên cửa trước làm căng sợi dây xích an toàn. Tôi cố đứng dậy nhưng cơn mơ đã làm tôi mất phương hướng. Sự rõ ràng của nó vượt xa tất cả những gì tôi đã trải nghiệm cho đến lúc này. Tôi thật sự cảm thấy mình đã chết, tôi đã là Andrew Fielding vào thời điểm ông chết...

"Bác sĩ Tennant?" một giọng phụ nữ hét lên. "David, anh có trong ấy không?"

Bác sĩ tâm thần của mình? Tôi đặt tay lên trán và cố vùng vẫy để trở về với thực tại: "Bác sĩ Weiss? Rachel? Cô đấy à?"

"Vâng! Anh tháo xích đi!"

"Tôi đến đây," tôi lẩm bẩm. "Cô đi một mình à?"

"Vâng! Anh mở cửa đi!"

Tôi nhét khẩu súng xuống dưới đệm đi văng, loạng choạng đi ra cửa. Khi chạm đến móc khóa xích, tôi mới giật mình nghĩ ra tôi chưa bao giờ nói cho bác sĩ tâm thần biết chỗ ở của mình.

--- ------ ------ ------ -------

1 Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency).

2 Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến của Bộ Quốc phòng (Defense Advanced Research Projects Agency).

3 Chúa ba ngôi.

4 Máy tạo hình ảnh bằng cộng hưởng từ (Magnetic resonance imaging).

5 Phó thủ tướng Anh.

6 Rube Goldberg (1883-1970) là một họa sĩ tranh biếm họa người Mỹ, nổi tiếng với loạt tranh tranh vui vẽ những máy móc phức tạp nhưng chỉ thực hiện những nhiệm vụ đơn giản, được gọi là máy Rube Goldberg.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...