Đạt Ma Kinh
Chương 8: Giang hồ xảo trá đầy nguy hiểm - Ngơ ngơ ngác ngác giữa vòng đời
Cùng với hoàng hôn buông xuống, một tiếng quát cực kỳ phẫn nộ của ai đó ở phía sau Dư Hải Bằng chợt vang lên.
Đã kinh hoảng còn kinh hoảng hơn khi Dư Hải Bằng vừa quay người trở lại, liền nhận ra chủ nhân của tiếng quát phẫn nộ đó chính là người có thanh âm the thé mà chàng dù chết cũng vẫn nhận ra! Y Thần lão họ Kha, một trong Võ lâm Tứ thần, ngang hàng với Túy Cái!
“Là lão ư? Phen này ta chắc chết!”
Trong tay lão già tuổi ngoài lúc tuần còn đang nắm cứng một gã, rõ ra là gã giáo đồ U Minh giáo vừa bị Dư Hải Bằng đánh cho tơi tả cùng với Sát Nhân Đồ Thủ Liêu Đằng Cát! Đây có lẽ là lão họ Kha trên đường truy đuổi chàng đã gặp phải bọn bại trướng, và lão họ Kha bèn cấp lấy một tên làm kẻ hướng đạo hầu kịp đuổi theo chàng!
Dù Dư Hải Bằng chưa biết bản lãnh của Y Thần ra sao về võ học, nhưng chàng cũng biết thừa rằng so với lão họ Kha, chàng chỉ là một hạt cát nhỏ trong biển cát mênh mông mà thôi!
Vừa chạm phải ánh mắt thập phần độc ác của lão họ Kha, động chân, Dư Hải Bằng bèn lạng người thật nhanh, quay đầu bỏ chạy!
Vút!
- Chạy đâu cho thoát tay lão phu!
Đúng là quỷ khốc thần sầu! Lão họ Kha không hiểu đã hành động ra sao nhưng bây giờ thì lão đang đứng ngay phía trước Dư Hải Bằng với khoảng cách vừa đúng tầm tay của lão! Và hữu thủ của lão thì đang treo trên đầu vai của Dư Hải Bằng!
Nhưng, khi lão họ Kha đinh ninh rằng chỉ trong nửa nháy mắt thì Dư Hải Bằng sẽ là con mồi nằm gọn trong móng vuốt của lão thì lão bật lên tiếng kêu kinh ngạc :
- Hay lắm! Lão phu quên rằng tiểu tử ngươi còn biết Túy Tiên bộ pháp của Túy lão cẩu nữa! Hừ! Xem đây!
Choang!
Cái vồ hụt của lão họ Kha lúc nãy thay vì chộp vào đầu vai của Dư Hải Bằng, nhưng do Dư Hải Bằng thi triển Túy Tiên bộ pháp nên lão ta lại chộp phải đốc kiếm trên vai của Dư Hải Bằng! Sau khi nói xong câu châm chọc, lão họ Kha trước khi đảo người quyết bắt giữ cho được Dư Hải Bằng thì lão đã kịp thời vất bỏ thanh trường kiếm của chàng xuống đất, tạo thành tiếng động khô khan!
Vù! Vút!
Vút! Vút!
Liên tiếp mấy lần chộp nữa, lão họ Kha đều gặp phải tình trạng y như lúc ban đầu! Nghĩa là lão vẫn không làm sao khắc chế được bộ pháp Túy Tiên để bắt giữ được Dư Hải Bằng!
Âm thanh the thé đầy giận dữ của lão họ Kha liền tuôn ra không ngớt :
- Hay cho tiểu tử! Ngươi định hí lộng lão phu à? Này!
- Đúng là cuồng đồ vô tri! Ngươi tưởng lão phu không làm gì được ngươi sao? Xem đây!
- Á...! Nhục cẩu! Ngươi đừng nghĩ lão phu không muốn giết ngươi mà ngươi giở trò với lão phu! Ngươi muốn nếm thử Xuyên Tâm chỉ của lão phu không? Hừ!
Lão họ Kha muốn nói gì thì nói, Dư Hải Bằng cũng chỉ biết tận lực bình sinh để chăm chú vào Túy Tiên bộ pháp mà thôi! Cũng may bộ pháp Túy Tiên là do lão Túy Cái chân truyền, mà lão Túy Cái và lão họ Kha thì không ai hơn ai, cũng không ai kém ai! Nên nhờ đó mà Dư Hải Bằng vẫn chưa bị lão họ Kha chộp phải! Bởi thế, nếu Dư Hải Bằng lo đối đáp với lão họ Kha thì chàng không sao tránh khỏi sự phân tâm! Và chỉ cần một chút sơ sẩy thôi thì Dư Hải Bằng sẽ không sao thoát được tay lão họ Kha là nhân vật có bản lãnh cao minh hơn Dư Hải Bằng nhiều!
Biết thân biết phận, Dư Hải Bằng nào dám hơ hỏng, nếu không muốn đánh đu với số phận! Nhưng khi chàng nghe lão họ Kha hăm dọa sẽ dùng tuyệt kỷ thành danh của lão là Xuyên Tâm chỉ thì chàng không khỏi bấn loạn tinh thần!
Và chỉ cần một chút rối loạn như thế thôi thì Dư Hải Bằng đã bị lão họ Kha chộp cứng!
Đắc ý, lão họ Kha cười lên the thé :
- Hé... Hé... Hé...! Phải vậy thôi, tiểu tử ngươi đừng làm hỏng tâm huyết của lão phu chứ? Hé... Hé... Hé... Ngươi... Hự!
Hồn bất phụ thể, Dư Hải Bằng toàn bằng vào bản năng, đã nhanh nhẹn rút thanh đoản đao là vật bất khả ly thân của chàng từ trong người ra! Và xuất kỳ bất ý Dư Hải Bằng đã nhanh như chớp đâm ngược đoản đao ra phía sau, lòn qua kẽ hở giữa tả thủ và thân người, cắm ngay vào lồng ngực bên hữu của lão họ Kha một nhát thật mạnh!
Rồi trong lúc lão họ Kha sửng sốt vì bất ngờ, Dư Hải Bằng đạp mạnh song cước xuống mặt đất một cái, bắn mạnh toàn thân về phía trước, kéo luôn thanh đoản đao từ trong người lão họ Kha trở ra! Đoạn bất chấp rằng trời đang tối, không cần biết lão họ Kha bây giờ đã ra sao, Dư Hải Bằng cắm đầu chạy thục mạng vào trong rừng sâu thăm thẳm!
Chạy một mạch không ngừng nghỉ, Dư Hải Bằng chỉ buông phịch người nằm lẫn vào những chỗ tối tăm, không lê bước được nữa!
Phải một lúc thật lâu, Dư Hải Bằng mới định thần lại được!
Vẫn trong cơn khiếp hãi, Dư Hải Bằng càng nghĩ càng tức cho bản thân! Với công phu non kém là vậy thì biết khi nào chàng mới báo được gia thù?
Nghiến răng đến bật cả máu rơi, Dư Hải Bằng vung loạn cả song thủ đến suýt nữa chàng đã quên rằng thanh đoản đao vẫn còn được chàng nắm chặt cứng trong lòng bàn tay! Và chỉ suýt nữa thì Dư Hải Bằng đã tự gây thương tích cho chàng bằng chính thanh đoản đao của chàng!
Nở nụ cười khổ não, Dư Hải Bằng thu đoản đao và cất vào trong người! Nhờ đó, Dư Hải Bằng mới bình tâm hẳn lại!
Vẫn nằm như thế, Dư Hải Bằng liền tự vận công điều tức theo tâm pháp thượng thừa Đạt Ma kinh!
Đêm tàn ngày rạng, Dư Hải Bằng nào dám xuất đầu lộ diện, e chạm mặt Y Thần thì khốn! Chàng đổi lại cung cách đi đường: đêm đi, ngày nghỉ! Để giết thời gian, Dư Hải Bằng ôn luyện lại Uyên Ương kiếm phổ, ngẫm nghĩ lại những chiêu những thức mà chàng đã cùng bọn U Minh giáo đồ giao chiến có đến ba lần.
Vậy mà khi màn đêm chực buông xuống đến nơi, Dư Hải Bằng vẫn không dám men trở ra bìa rừng để đi tiếp về Hán Dương thành! Chàng chỉ dám đi dọc theo sơn đạo, vẫn ở sâu trong rừng mà đi dần tới!
Đêm đi ngày nghỉ, cứ như thế Dư Hải Bằng đã qua được mười ngày mà không hề gặp bọn giáo đồ U Minh giáo!
Và đường dẫn về Hán Dương thành đã ở phía trước!
* * * * *
- Thức thời vụ mới là tuấn kiệt! Nếu Tư Mã thúc thúc không giao hoàn lại vật đó cho điệt nữ thì đừng trách điệt nữ thẳng tay đối phó với thúc thúc đó!
- Tiểu liễu đầu! Ngươi không được ngậm máu phun người! Bằng cớ đâu mà ngươi nói ta chiếm đoạt Đạt Ma kinh chứ?
Do không còn bao xa nữa là đến được Hán Dương thành, lại trải qua nhiều ngày đường không đụng phải một ai nên Dư Hải Bằng kiêm trình đi luôn trong ngày, mong đến được Hán Dương thành trước khi màn đêm lại buông phủ!
Khác với chốn thâm sơn cùng cốc, nếu Dư Hải Bằng đợi đến đêm mới nhập thành Hán Dương thì hành vi cử chỉ của chàng đâu khác gì bọn trộm đạo chuyên sống về đêm!
Thế nhưng, những tiếng quát tháo gắt gỏng từ một cánh rừng nhỏ nằm đó bên cạnh đường dẫn vào thành Hán Dương vừa lọt vào tai Dư Hải Bằng đã khiến Dư Hải Bằng phải chấn động!
“Đạt Ma kinh? Là giọng nói của ai, nghe giống như giọng nói của Tư Không Huệ vậy? Nếu đúng là nàng thì vị Tư Mã thúc thúc kia liệu có phải là Phủ Việt Tàn Hồn không?”
Kinh nghi, Dư Hải Bằng quên phứt đi việc phải nhập thành Hán Dương, chàng cũng quên đi rằng tánh mạng của chàng đang luôn luôn nguy ngập nếu gặp phải bọn U Minh giáo. Chàng nhẹ nhàng và nấp lén tìm cách tiến vào cánh rừng nhỏ đó để mong tìm hiểu thực hư!
Những câu đối đáp căng thẳng của đôi bên vẫn tiếp tục vang ra, càng khiến cho Dư Hải Bằng hồ nghi hơn.
- Tư Mã thúc thúc! Vậy là Tư Mã thúc thúc vẫn khăng khăng chối, không nhận là Tư Mã thúc thúc đã phỗng tay trên quyển Đạt Ma kinh của điệt nữ sao?
- Ta đã nói với ngươi bao nhiêu lần rồi, mà sao ngươi lại không tin chứ? Hừ! Nếu không nể tình phụ thân ngươi có giao tình thâm hậu với Tư Mã Giám ta thì ta không thể không giáo huấn ngươi!
- Tư Mã thúc thúc nói hay lắm! Cũng chính vì giao tình giữa Thanh Vân và Thiên Địa nhị bảo nên điệt nữ vẫn còn giữ lễ độ với Tư Mã thúc thúc! Bằng không thì...
- Bằng không thì sao hử? Tư Không Huệ, ngươi nên biết rằng bổn Bảo chủ đã hết sức nhẫn nại rồi! Chí ít, bổn Bảo chủ tin rằng trong chuyện này, hẳn còn có sự lầm lẫn nào đó nhưng ta vẫn không chấp nhận thái độ hỗn ngược của ngươi! Ngươi đừng tưởng là có bao nhiêu người đây là đủ hăm dọa bổn Bảo chủ mà lầm đó!
- Điệt nữ cũng biết Tư Mã thúc thúc là Bảo chủ Thanh Vân bảo, công phu đã đạt thập thành nên điệt nữ nào dám xem thường Tư Mã thúc thúc! Bởi thế cho nên, nếu hôm nay mọi việc không được làm rõ thì Tư Mã thúc thúc đừng hòng thoát khỏi Thiên Cương trận với tam thập lục thiên tướng của Thiên Địa bảo!
Do tình thế càng lúc càng khẩn trương cấp bách nên bọn người khá đông đang đứng ở một khoảng trống giữa rừng. Không ai nhận ra hành động của Dư Hải Bằng!
Nhờ đó, Dư Hải Bằng đã tiến đến đủ gần để nhận ra giữa một vòng người khá đông là một nhân vật có vóc dáng cao to như một hộ pháp đang tua tủa vểnh lên những sợi râu rồng để đôi co với một nữ nhân tuyệt sắc tuổi xấp xỉ đôi mươi! Nữ nhân đó nào xa lạ gì với Dư Hải Bằng! Nàng ta chính là Tư Không Huệ, vị thiên kim ái nữ của Bảo chủ Thiên Địa bảo!
Và qua những gì chàng vừa nghe được thì Dư Hải Bằng biết rằng vị lão niên râu rồng kia chính là Tư Mã Giám, Bảo chủ Thanh Vân bảo! Cùng với Tư Đồ Quang là Bảo chủ Hồng Hạc bảo đã xuất hiện cùng đàm đạo thương lượng với Y Thần lão họ Kha thì kể ra Dư Hải Bằng đã lần lượt biết qua tam bảo trên giang hồ là Thiên Địa, Hồng Hạc và Thanh Vân!
Chỉ có điều mà Dư Hải Bằng chưa rõ là giữa Tư Đồ Quang cùng Tư Mã Giám, ai là nhân vật có ngoại hiệu là Phủ Việt Tàn Hồn? Vì bằng vào sự việc bây giờ, Tư Không Huệ đòi Đạt Ma kinh ở Tư Mã Giám thì có lẽ Tư Mã Giám chính là nhân vật có danh xưng là Phủ Việt Tàn Hồn. Lão bằng hành vi đê tiện hạ thủ lén lút Dư Hải Bằng và đoạt lấy Đạt Ma kinh!
Nhưng nếu nghĩ thêm về việc Tư Đồ Quang, Bảo chủ Hồng Hạc bảo đã biết qua về Tam Ma tử kiếm lệnh thì có lẽ chính Tư Đồ Quang đã đắc thủ luôn Tam Ma tử kiếm lệnh và Đạt Ma kinh mới đúng!
Đối với Dư Hải Bằng, chàng chỉ cần biết ai là Phủ Việt Tàn Hồn thì đã đủ cho chàng minh định hung thủ đã đoạt Đạt Ma kinh ngay!
Do đó, khi bọn thiên tướng gì đó của Thiên Địa bảo đang hùng hùng hổ hổ vây kín vị lão niên râu rồng nọ thì Dư Hải Bằng lại mững rỡ và chờ xem liệu lão Tư Mã Giám có phải là Phủ Việt Tàn Hồn hay không?
Thế nhưng, trong lúc Dư Hải Bằng đang nôn nao chờ đợi trận huyết chiến sắp sửa xảy ra để qua đó chàng xác định lại đúng hay sai trong nhận định của chàng thì...
- A di đà Phật! Gặp được Tư Không cô nương ở đây thật là may quá!
Cùng với tiếng niệm Phật hiệu, nhiều bóng người rõ ràng đều là tăng nhân Thiếu Lâm phái từ những chỗ ẩn khuất gần đó hiện thân!
Tuy nhân số của các vị tăng nhân không nhiều hơn so với bọn thiên tướng của Thiên Địa bảo, nhưng cũng vừa đủ số để cứ một vị tăng nhân, đứng ngay phía sau lưng một vị thiên tướng! Nghĩa là đủ số ba mươi sáu vị tăng nhân!
Đối với Dư Hải Bằng mà nói thì con số ba mươi sáu vị tăng nhân Thiếu Lâm phái hoàn toàn không có là nghĩa gì. Nhưng thoạt nhìn qua số lượng đó, Tư Không Huệ, Tư Mã Giám cùng ba mươi sáu vị thiên tướng đều tái mặt lại lo sợ!
Tư Không Huệ sợ đến nỗi líu cả lưỡi lại! Phải một lúc lâu, nàng mới lên tiếng nói được với vị tăng nhân cao niên đang đứng giữa vòng người với nàng và Tư Mã Giám, tạo thành thế chân vạc :
- Là... là Phương Thanh đại sư? Tiện nữ... tiện nữ Tư Không Huệ, xin bái kiến đại sư!
Tuy chậm hơn, nhưng vị lão niên râu rồng nọ cũng kịp lên tiếng chào hỏi :
- May quá! Giám viện đại sư đến thật đúng lúc! Mong đại sư chủ trì cho công đạo! Tại sao Đạt Ma kinh của Thiếu Lâm mà tiểu nha đầu kia lại hỏi ở lão phu vậy? Từ lúc nào Phủ Việt Tàn Hồn Tư Mã Giám có được Đạt Ma kinh vậy, Phương Thanh đại sư?
Rúng động thần tình, Dư Hải Bằng tuy chưa biết mặt Phương Thanh đại sư là sư huynh của Phương Giác phương trượng Thiếu Lâm phái, nhưng những lời bên vực thấu tình đạt lý của Phương Thanh đại sư giành cho chàng tại Thiếu Lâm phái thì chàng không thể không nhớ đến! Chàng nhấp nhỏm mấy phen định xuất hiện vạch mặt sự trá ngụy của Phủ Việt Tàn Hồn Tư Mã Giám khi chàng nghe lão nói lão không biết chút gì về Đạt Ma kinh. Nhưng cũng may cho chàng, chàng không cần phải xuất hiện nữa!
Vì Tư Không Huệ đã nhanh nhảu lên tiếng :
- Đại sư chớ nghe những lời dối trá của lão! Lần trước do có sự lầm lẫn nên người của quý phái là Phương Tịnh đại sư cứ hỏi Đạt Ma kinh ở chỗ tiện nữ! Mọi chuyện xảy ra thế nào thì chắc đại sư đã rõ! Sau đó, tiện nữ quay lại thì tiện nữ nhìn thấy gã sơn nhân nọ tuy đã hôn mê bất tỉnh nhưng miệng vẫn còn lảm nhảm nói: “Đạt Ma kinh, Phủ Việt Tàn Hồn!” Vì thanh danh của bổn bảo nên tiện nữ không thể không hỏi lại Đạt Ma kinh ở lão Tư Mã này! Mong đại sư minh xét!
Những lời này lọt vào tai Dư Hải Bằng khiến chàng phải ngượng đến chín cả người! Vì Tư Không Huệ đã sổ sàng gọi chàng là gã sơn nhân. Do ngượng là vậy nên chàng không để tâm đến những lời đơm đặt của Tư Không Huệ khi nàng nói nàng vì thanh danh của Thiên Địa bảo nên phải hỏi lại Đạt Ma kinh cho phái Thiếu Lâm!
Nhưng Phủ Việt Tàn Hồn Tư Mã Giám thì nghe rất rõ! Do đó, lão bèn cười gằn một tiếng :
- Hừ! Lão phu không còn hiểu ra sao nữa! Khi người của phái Thiếu Lâm chưa xuất hiện thì ngươi cứ một hai bảo lão phu đã phổng tay trên Đạt Ma kinh của ngươi! Còn bây giờ thì ngươi lại bảo là ngươi đòi thay cho Thiếu Lâm phái! Điều nào đúng điều nào sai đây?
Khác với lần đụng độ trước đó mà Dư Hải Bằng đã thấy, chỉ một mình Tư Không Huệ và lão xa phu họ Chu mà nàng còn dám ngông nghênh đối đáp! Còn lần này, dưới trướng nàng là ba mươi sáu vị thiên tướng, nhân số đông là vậy mà Tư Không Huệ xem ra kiêng dè một phép trước Phương Thanh đại sư và ba mươi sáu vị tăng nhân đi theo! Vì nàng vừa hé miệng ra chực lên tiếng đối đáp tiếp với Tư Mã Giám thì nàng đành ngậm miệng lại khi Phương Thanh đại sư cất lời :
- A di đà Phật! Tư Không cô nương biết giữ gìn thanh danh cho Thiên Địa bảo, điều này quả là tốt! Mọi chuyện sẽ còn tốt đẹp hơn nếu Tư Không cô nương chịu chỉ rõ cho bần tăng hay Đạt Ma kinh hiện đang ở đâu? Mong Tư Không cô nương nể tình cho!
- Đại sư...! Tiện nữ vừa nói gì đại sư không nghe sao? Nếu đại sư muốn thu hồi Đạt Ma kinh thì cứ hỏi ở Bảo chủ Thanh Vân bảo vậy!
- Câm ngay! Tư Không Huệ, giữa ta và Tư Không lão bảo chủ tuy không ưa gì nhau, nhưng tình giao hảo vẫn còn nguyên vẹn đó! Ai đã xúi bẫy ngươi mà ngươi lại đổ vạ cho ta?
- Hừ! Lão...
- A di đà Phật! Xin Tư Mã lão thí chủ khoan tâm cho! Bần tăng có đôi điều muốn hỏi lão thí chủ đây!
Bằng vào ngữ điệu của Phương Thanh đại sư, Dư Hải Bằng lấy làm hả dạ khi biết rốt cuộc rồi Phương Thanh đại sư cũng nghi ngờ lão Tư Mã Giám! Và chàng tin chắc rằng không sớm thì muộn lão Tư Mã Giám cũng phải giao hoàn cho Phương Thanh đại sư quyển Đạt Ma kinh mà lão đã chiếm đoạt trên tay chàng độ nào!
Quả vậy! Vì Phương Thanh đại sư đã lên tiếng :
- Tư Mã lão thí chủ! Trong thời gian gần đây hẳn lão thí chủ có nghe việc tệ phái mất Đạt Ma kinh rồi chứ?
Bừng bừng tức giận, Tư Mã Giám đáp :
- Mười ngày gần đây, không ngày nào mà lão phu lại không nghe đến điều này! Nhưng lão phu lại ngỡ rằng Đạt Ma kinh là vật sở hữu của Thiên Địa bảo, chứ không còn là của Thiếu Lâm phái nữa!
Lời nói cạnh khóe của Tư Mã Giám là nhằm ý gì, Tư Không Huệ làm sao lại không hiểu! Do đó, Tư Không Huệ cũng chanh chua không kém khi đối đáp lại :
- Sao Tư Mã thúc thúc chỉ nói có mười ngày mà thôi? Không phải thúc thúc đã đoạt được Đạt Ma kinh từ trước đó nữa sao?
- Tiểu liễu đầu! Ngươi phải...
Một lần nữa, Phương Thanh đại sư lại xen vào, và lần này là cắt ngang lời nạt nộ của Tư Mã Giám đang nói với Tư Không Huệ.
- A di đà Phật! Lời nói vu vơ khó có thể làm bằng! Tư Mã lão thí chủ cứ bình tâm cho! Điều thứ hai bần tăng muốn hỏi là thời gian gần đây Tư Mã lão thí chủ đã đi đâu, ở đâu, và có ai tỏ tường mọi hành vi của lão thí chủ không?
Râu rồng của Tư Mã Giám cơ hồ đều vểnh ngược cả lên khi lão cười lạnh một tiếng :
- Hừ! Đại sư hàm ý gì khi hỏi lão phu điều này? Không lẽ đại sư tin lời tiểu nha đầu kia mà cho rằng lão phu đã thủ đắc Đạt Ma kinh sao?
- A di đà Phật! Nếu bần tăng đã tin thì bần tăng đâu có hỏi như vậy? Và nếu thời gian gần đây lão thí chủ không có hành vi gì mờ ám thì tại sao lão thí chủ không đáp cho bần tăng một lời? Mong lão thí chủ tác thành cho, bần tăng rất là cảm kích!
- Ha... Ha... Ha...! Tư Mã Giám ta từ lâu đã nổi danh là người trượng nghĩa! Những việc lão phu đã làm trên không thẹn với trời, dưới không hổ với đất thì làm gì có chuyện mờ ám chứ? Phương Thanh đại sư, sĩ khả sát bất khả nhục! Lão phu không việc gì phải cáo giác hành tung của lão phu! Lão phu chỉ nói chắc một điều là lão phu chưa hề nhìn thấy Đạt Ma kinh gì cả! Tin hay không là tùy ở đại sư! Lão phu phải đi đây! Cáo biệt!
- Tư Mã Giám! Đứng lại! Lão...
- A di đà Phật! Tư Mã lão thí chủ nói như vậy chẳng hóa ra xem thường bần tăng sao? Và không lẽ lão thí chủ cũng không xem La Hán trận của tệ phái ra gì sao?
Cùng với tiếng quát rất ư là trịnh thượng của Tư Không Huệ, thì Dư Hải Bằng còn nghe Phương Thanh đại sư nói lên như thế. Qua đó, Dư Hải Bằng mới biết vòng người bao phía ngoài của ba mươi sáu vị tăng nhân kia chính là La Hán trận của Thiếu Lâm phái!
Đây là lần thứ hai Dư Hải Bằng nghe nói đến danh xưng này! Và chàng không sao hiểu nổi uy lực của La Hán trận ra sao mà trước đây Tư Không Huệ cùng lão xa phu họ Chu phải sợ, và bây giờ lão Tư Mã Giám, Bảo chủ Thanh Vân bảo cũng phải tỏ ra kiêng dè?
Cũng như chàng không tài nào hiểu được tại sao khi trước, với chín vị tăng nhân thì cũng gọi là La Hán trận và như bây giờ với ba mươi sáu vị tăng nhân? Không có gì khác biệt bởi nhân số sao?
Còn đang băn khoăn nghĩ ngợi, Dư Hải Bằng chợt tỏ lộ sự căm hờn khi nghe lão Tư Mã Giám nói :
- Phương Thanh đại sư! Đại sư đừng mong dùng La Hán trận uy hiếp lão phu và bắt lão phu phải nhận những điều mà lão phu chưa từng làm! Sao đại sư không nghĩ rằng gã sơn nhân nào đó đã toa rập với tiểu liễu đầu kia cùng chia nhau Đạt Ma kinh rồi lại lập mưu trút tội lên đầu lão phu?
Do căm phẫn quá độ nên Dư Hải Bằng bèn hiên ngang xuất đầu lộ diện!
Và chàng do quá nhanh nhẩu nên chàng không kịp dừng lại khi nghe Phương Thanh đại sư nói với Tư Mã Giám :
- A di đà Phật! Dù có là như vậy đi nữa thì gã sơn nhân nọ cũng không còn phúc để hưởng trước hành vi sát nhân diệt khẩu của hung thủ!
Vừa chen vội qua vòng người, Dư Hải Bằng vừa vội vàng lên tiếng :
- Tư Mã lão thất phu! Lão không những đã đoạt Đạt Ma kinh trên tay ta mà còn định giết ta nữa. Sao lão lại bảo ta toa rập với Tư Không cô nương đổ tội cho lão chứ?
- Ngươi là ai? Chuyện có liên quan gì đến ngươi mà ngươi xen vào? Ai đã định giết ngươi? Và ai đã đoạt Đạt Ma kinh?
Trước nhiều câu hỏi dồn dập của Tư Mã Giám với dáng vẻ sừng sộ như muốn ăn tươi nuốt sống chàng, Dư Hải Bằng vẫn bình chân như vại khi vòng tay thi lễ với Phương Thanh đại sư :
- Vãn bốn Dư Hải Bằng chính nhờ Hồi Nguyên đan của quý phái mà vãn bối đã bình an vô sự. Xin bái kiến đại sư!
Nói xong, chàng thản nhiên đưa tay trỏ vào Tư Mã Giám mà nói lời đoan chắc :
- Hôm đó, tuy vãn bối không biết rõ là ai đã đoạt Đạt Ma kinh và đả thương vãn bối. Nhưng trước khi ngất đi, vãn bối có nghe kẻ đó xưng danh là Phủ Việt Tàn Hồn!
- Ngươi là môn nhân của ai? Có oán thù gì với lão phu mà ngươi gán cho lão phu tội danh ghê tởm đó?
Sự xuất hiện và những lời cáo buộc của Dư Hải Bằng đã sinh ra phản ứng ngược lại mà Dư Hải Bằng không thể nào biết được.
Đầu tiên là Tư Không Huệ tỏ ra bán tín bán nghi :
- Các hạ là ai? Sao lại biết rõ việc Đạt Ma kinh như thế?
Nhoẻn miệng cười lạt, Dư Hải Bằng giải thích :
- Tư Không cô nương không nhận ra tại hạ là phải. Vì hôm đó tại hạ vận y phục bằng da thú. Hà! Hôm đó cô nương quả là thâm mưu viễn lự. Đến khi cô nương đã bỏ đi thì tại hạ mới nghĩ ra, hóa ra cô nương đã vùi dưới đất không những một mà là...
- Là ngươi đây sao? Tàn huyệt sinh cơ của ngươi đã bị điểm thì làm sao...
Dư Hải Bằng hoàn toàn hiểu được sự thất sắc của Tư Không Huệ. Nàng ta không muốn chàng nói lộ ra việc nàng đúng là đã trộm lấy Đạt Ma kinh từ Thiếu Lâm phái.
Nhưng đến lượt Dư Hải Bằng thất sắc khi nghe đột nhiên Tư Không Huệ nhắc đến việc Tàn huyệt sinh cơ của chàng bị điểm phải. Chàng giật mình kêu lên :
- Là cô nương đã điểm vào Tàn huyệt sinh cơ của tại hạ ư?
Nhưng khi Tư Không Huệ còn đang luống cuống chưa biết giải thích như thế nào trước lời cật vấn gần như là oán trách của Dư Hải Bằng thì lại đến lượt Phương Thanh đại sư tỏ ra nghi ngại hỏi :
- A di đà Phật! Bây giờ thì bần tăng đã tin rằng thí chủ đây chính là người hôm nọ đã được tệ sư đệ Phương Tịnh đưa về sơn môn tệ phái. Nhưng thí chủ giải thích làm sao đây khi bây giờ thí chủ đã khôi phục lại nguyên tạng?
Một mực kính trọng Phương Thanh đại sư, nên Dư Hải Bằng tạm gác việc Tàn huyệt sinh cơ lại đó, lo giải thích với Phương Thanh đại sư.
Chàng đáp :
- Thì vãn bối đã nói rồi đó thôi. Nếu không nhờ Hồi Nguyên đan của quý phái thì làm gì vãn bối được như thế này?
Lắc đầu, Phương Thanh đại sư tỏ vẻ buồn khi lên tiếng :
- A di đà Phật! Bần tăng tưởng đâu thí chủ là người lòng ngay dạ thẳng nên đã hết lời nói với tệ Phương trượng để người ban cho thí chủ Hồi Nguyên đan. Không ngờ thí chủ lại là kẻ có tâm cơ, bần tăng thất vọng quá!
Dư Hải Bằng bối rối :
- Đại sư nói như thế là có ý gì? Sao đại sư lại đề quyết là vãn bối là người có bụng dạ bất minh, tâm cơ xảo trá?
- Bần tăng vốn không muốn nặng lời như thế, nhưng thí chủ đã tự miệng nói ra thì bần tăng cũng không muốn nói khác đi!
- Nhưng là nguyên do gì chứ?
- A di đà Phật! Hồi Nguyên đan chỉ chữa được nội thương cho thí chủ mà thôi, còn Tàn huyệt sinh cơ đã bị điểm, kinh mạch bị đứt ở ba nơi, thí chủ không thể nào hồi phục được nếu không luyện qua tâm pháp thượng thừa của bản phái. Thí chủ định giải thích ra sao về hiện tượng này?
Giật mình, Dư Hải Bằng cứ như người ngậm phải hột thị. Chàng quả là không biết giải thích như thế nào bây giờ. Nếu không nói rõ sự thật là nhờ tâm pháp thượng thừa trong Đạt Ma kinh mà lại bảo là không biết vì nguyên cớ nào thì Dư Hải Bằng khó lòng qua được mắt của Phương Thanh đại sư là bậc cao tăng, đại cao thủ. Còn như chàng cứ nói y sự thật thì chàng biện minh làm sao về sự thất tung Đạt Ma kinh? Liệu Phương Thanh đại sư có chịu tin lời chàng giải thích rằng chàng chỉ đọc qua Đạt Ma kinh có một lượt mà nhớ rõ kinh văn khẩu quyết của chân kinh không? Hay đại sư sẽ cho rằng chàng đã thủ đắc Đạt Ma kinh, sau lại dụng kế khổ nhục, đánh tuột mọi nghi ngờ của phái Thiếu Lâm để phái Thiếu Lâm không biết việc chàng đã chiếm đoạt Đạt Ma kinh của phái Thiếu Lâm làm sở hữu của chàng?
Thần tình chàng vẫn luôn biến đối, khiến cho Phương Thanh đại sư tin chắc hơn vào điều phỏng đoán của đại sư.
Rồi trong khi Dư Hải Bằng bối rối không một lời giải thích, thì Phương Thanh đại sư lại hỏi tiếp :
- Còn nữa! Thí chủ có thể cho bần tăng biết là nhân vật nào đã đưa thí chủ rời khỏi sơn môn tệ phái không?
Vẫn trong lúc hoang mang, Dư Hải Bằng không biết hết được ẩn ý trong câu hỏi của Phương Thanh đại sư nên chàng có thế nào nói ra thế ấy :
- Là Y Thần...
- Y Thần! A di đà Phật! Tội quá! Tội quá!
- Đại sư bảo sao?
- A di đà Phật! Lâu nay bần tăng vẫn khâm phục y đạo xuất chúng của Y Thần. Và lần này bần tăng càng thêm ngưỡng mộ hơn. Hóa ra thí chủ đã cùng Y Thần sắp xếp và cho bọn bần tăng vào tròng. Đáng phục! Đáng phục thật!
- Đại sư hiểu sai ý của vãn bối rồi. Chính Y Thần đã đánh cắp vãn bối lúc còn đang hôn mê bất động và đưa khỏi Thiếu Lâm. Y Thần còn định từ vãn bối mà thu hồi...
- Hay lắm! Vậy là thí chủ đã tự thú nhận hành động của thí chủ rồi, bần tăng đành phải khuất tất thí chủ vậy. Giữ được thí chủ rồi thì lo gì Y Thần không trả lại Đạt Ma kinh. Thí chủ hãy ngoan ngoãn cùng theo bần tăng về Thiếu Lâm tự vậy.
Biết Phương Thanh đại sư càng lúc càng hiểu lầm, Dư Hải Bằng cả kinh vội kêu lên :
- Đại sư hãy nghe vãn bối nói đã. Đây là...
Nhưng Dư Hải Bằng chỉ kịp nói đến đây thì bỗng giọng nói của Phủ Việt Tàn Hồn Tư Mã Giám chợt xen vào, cắt ngang mất lời nói của chàng :
- Vậy là mọi việc đã rõ. Phương Thanh đại sư, lão phu đi được rồi chứ?
- A di đà Phật! Bần tăng đã quấy rầy Tư Mã lão thí chủ. Nếu có gì thất lễ, mong lão thí chủ bỏ qua cho. Miễn cho bần tăng khỏi tiễn chân.
Nhưng Dư Hải Bằng nào dễ dàng buông tha cho lão Phủ Việt Tàn Hồn. Chàng nhanh nhẹn tràn người qua một bên vừa chận bước tiến của Tư Mã Giám, vừa nôn nóng kêu lên :
- Lão thất phu chớ vội mừng! Nếu lão không chịu giao hoàn lại cho Phương Thanh đại sư quyển Đạt Ma kinh thì lão đừng hòng rời khỏi nơi này nửa bước.
Nhưng, Tư Mã Giám không cần phải lên tiếng đối đáp, và cũng không cần phải cất tay hay động chân. Vì lúc đó Phương Thanh đại sư đã kịp thời hành động thay cho lão rồi.
Phương Thanh đại sư còn nói :
- Dư thí chủ! Hành vi gắp lửa bỏ tay người lần này của Dư thí chủ chỉ là công cốc mà thôi. Nếu thí chủ còn ngang bướng thì đừng trách bần tăng sao lại nặng tay đó.
Vút! Vút!
Vút! Vút!
Không cam tâm để Phương Thanh đại sư bắt giữ và giải về Thiếu Lâm, Dư Hải Bằng đã vận dụng đến độ chót sự biến ảo của Túy Tiên bộ pháp và đã lần lượt tránh được đòn cầm nã của Phương Thanh đại sư đang thi triển.
Do lo tránh né thủ pháp của Phương Thanh đại sư nên Dư Hải Bằng đành phải lấy mắt mà nhìn Phủ Việt Tàn Hồn Tư Mã Giám an nhiên đi khỏi vòng người mà không gặp cản trở gì. Thấy thế, Tư Không Huệ cũng vội vàng vừa chuyển thân vừa đánh tiếng nói với Phương Thanh đại sư :
- Phần tiện nữ đến đây cũng đã xong. Tiện nữ đi được rồi chứ, đại sư?
Nói đến đây thì Tư Không Huệ chỉ còn độ hai trượng nữa là đã thoát ra khỏi vòng người. Nào ngờ, Tư Không Huệ chợt biến sắc khi nghe Phương Thanh đại sư bảo :
Thủy chung việc thất lạc Đạt Ma kinh cũng là do Tư Không cô nương gây ra. Và vì bần tăng chưa thu hồi được Đạt Ma kinh nên bần tăng cũng có ý mời Tư Không cô nương cùng đến Thiếu Lâm một chuyến vậy. Mong Tư Không cô nương nể tình cho!
Tư Không Huệ không nể tình hay muốn làm cách khác cũng không được. Vì tuy chưa có lệnh của Phương Thanh đại sư lộ liễu nói ra, nhưng La Hán trận cũng đang được vòng tăng nhân phát động rồi.
Mặt hoa chợt cau lại, Tư Không Huệ lanh lảnh kêu lên :
- Sao lại thế này, đại sư? Nếu là việc Đạt Ma kinh thì đại sư cứ gã họ Dư kia mà hỏi. Hay là đại sư có ý gì khác khi muốn lưu tiện nữ lại Thiếu Lâm?
Có lẽ do Phương Thanh đại sư đã từng nghe biết đến tài miệng lưỡi của Tư Không Huệ cùng những lời ngụ ý dung tục của nàng qua Phương Tịnh và Giới Nộ đại sư, nên Phương Thanh đại sư vẫn đủ trầm tĩnh để lờ đi một ý nghĩa khác trong lời nói vừa rồi của Tư Không Huệ. Đại sư trầm giọng bảo :
- Thiên Địa bảo là chốn rồng nằm cọp nấp, bần tăng nào dám coi thường hoặc xem rẻ. Do đó, bần tăng chỉ có ý mời Tư Không cô nương đến Thiếu Lâm mà thôi, chứ không dám nói đến việc bắt giữ hoặc câu lưu. Không phải Tư Không cô nương là người mến mộ Phật pháp đấy sao?
Gừng càng già càng cay. Lời nói của Phương Thanh đại sư đã đặt Tư Không Huệ vào tình thế nan giải. Nhưng Tư Không Huệ vẫn nói cứng :
- Những hành vi lúc này của đại sư không thể nói là không đụng chạm đến bổn bảo. Nếu đại sư vẫn giữ ý định đưa tiện nữ về Thiếu Lâm thì tiện nữ phải thẳng tay đối phó với đại sư đó.
Song thủ vẫn vờn và chộp vào bóng nhân ảnh thoạt ẩn thoạt hiện của Dư Hải Bằng, Phương Thanh đại sư chỉ tủm tỉm cười, không màng đến chuyện đôi co với Tư Không Huệ.
Bừng bừng sắc giận, Tư Không Huệ hậm hực quát lên :
- Được lắm! Đại sư đừng tưởng rằng tiện nữ không có biện pháp phá được La Hán trận. Nếu là La Hán đại trận thì tiện nữ còn chịu bó tay đằng này chỉ là... Chư vị thiên tướng đâu! Cứ một bám lấy một thật sát vào. Còn thì cứ để mặc ta.
Quát xong hổ lệnh, Tư Không Huệ đùng đùng lao vào trận, giữa Dư Hải Bằng và Phương Thanh đại sư. Vừa phát chưởng vào Phương Thanh đại sư, Tư Không Huệ vừa lên tiếng bảo :
- Muốn đánh rắn phải đánh đàng đầu. Dư các hạ, để ta cùng các hạ bắt giữ lão trọc này làm con tin, lo gì không thoát được chứ. Đỡ!
Trí trá và mưu mẹo cua Tư Không Huệ quả là sâu cay hiểm độc. Nhưng đối với Phương Thanh đại sư mà nói thì đại sư đâu xem sự liên tay của cả hai ra gì. Chỉ có lo là đại sư lo cho La Hán trận ba mươi sáu người sẽ bị rối loạn do ba mươi sáu vị thiên tướng của Thiên Địa bảo do Tư Không Huệ chủ sử.
Tuy nhiên, khi Phương Thanh đại sư đảo mắt nhìn một vòng thì đại sư liền an tâm ngay. Vì địch nhân tuy có nhân số bằng đúng số môn nhân đệ tử của đại sư, nhưng một bên thì đấu pháp rõ ràng theo La Hán trận pháp, còn một bên thì ở thế bị động không biết rõ sự biến hóa của trận thế, nên nội việc cố chạy bám theo từng bộ vị một cũng đủ làm cho hàng ngũ của đối phương rối loạn rồi. Do đó, Phương Thanh đại sư một mặt thì phát chưởng đỡ lấy chưởng kình của Tư Không Huệ đánh tới, một mặt thì cố gắng dùng tuyệt kỹ bản phái quyết bắt giữ cho được Dư Hải Bằng. Còn miệng thì Phương Thanh đại sư nói lời tự tin :
- Đối phó với bần tăng là một việc tương đối dễ đấy. Nhưng nếu Tư Không cô nương muốn bằng vào biện pháp này chế ngự được La Hán trận thì không được đâu.
Tư Không Huệ không giấu được một nụ cười đầy ẩn ý khi lên tiếng nói :
- Thì tiện nữ đã nói rồi đó thôi. Tiện nữ đâu dám vọng tưởng đến việc phá La Hán trận. Đón chưởng của tiện nữ này!
Ầm! Ầm...
Vù! Vù...
Vút!
- Các hạ không dám phát chưởng sao? Cứ lẩn quẩn tránh như các hạ mãi, sao đáng mặt anh hùng?
Lời chê trách của Tư Không Huệ nhằm vào Dư Hải Bằng là đúng lắm. Vì nếu Dư Hải Bằng tận dụng mọi cơ hội khi Phương Thanh đại sư vung chưởng đối chưởng với Tư Không Huệ mà ra tay thì mới mong làm xoay chuyển tình thế. Còn hiện tại thì cứ mỗi lần Phương Thanh đại sư giao thủ với Tư Không Huệ thì Dư Hải Bằng vẫn không làm gì khác hơn là tiếp tục di chuyển thân hình theo Túy Tiên bộ pháp, chứ không hề có ý nghĩ cùng liên tay với Tư Không Huệ.
Thái độ của Dư Hải Bằng chỉ có chàng tự hiểu lấy. Riêng Phương Thanh đại sư thì suy diễn theo ý riêng của đại sư khi đại sư biểu lộ cảm nghĩ của đại sư :
- Dư thí chủ không ra tay cũng là điều hay!
- Sao lại hay chứ?
Để đáp lại câu hỏi này của Tư Không Huệ, Phương Thanh đại sư không khỏi ngạo mạn khi nói ra sự thật :
- Vì Dư thí chủ là người biết tự lượng được sức của mình, chứ không như Tư Không cô nương.
- Tiện nữ thì sao nào?
- Bần tăng không ngại gì khi nói ra điều này. Dù Dư thí chủ có chịu liên tay với Tư Không cô nương đi nữa, nếu bần tăng thẳng tay hơn thì nhị vị khó lòng qua được mười chiêu.
- Đại sư đoan chắc vào điều này lắm sao?
- Sự thật là sự thật! Không lẽ Tư Không cô nương không tự mình đoán được sao?
- Như lời đại sư vừa nói thì bọn tiện nữ không là đối thủ của đại sư?
- Đúng vậy! Vì từ nãy đến giờ bần tăng vẫn đánh cầm chừng là mong nhị vị tự biết khó mà liệu đường thoái lui. Bằng không...
- Và cũng như đại sư nói thì việc đối phó với La Hán trận thì bọn tiện nữ còn khó có hy vọng hơn, phải không?
- Đương nhiên là như thế rồi!
- Vậy đại sư có dám cùng tiện nữ đánh cuộc không?
- Đánh cuộc? Tư Không cô nương lại có mưu đồ gì đây?
- Đại sư yên tâm đi! Bọn tiện nữ lúc này đâu khác gì cá đang nằm trên thớt. Dù có mưu đồ gì đi nữa, thì làm sao qua mắt đại sư?
- Đúng là như thế rồi!
- Vậy thì tại sao đại sư không chịu đánh cuộc cùng tiện nữ?
Biết chắc là bại trận mà Tư Không Huệ vẫn nằng nặc đòi Phương Thanh đại sư cùng nàng đánh cuộc. Tuy không rõ nàng muốn đánh cuộc về vấn đề gì, nhưng cứ theo lời nói khi tung khi hứng của Tư Không Huệ thì Phương Thanh đại sư không tránh được hùng tâm phất khởi khi đại sư vọt miệng hỏi :
- Tư Không cô nương định đánh cuộc về việc gì?
- Là hạn định mười chiêu mà đại sư vừa nói đó!
- Tư Không cô nương cho rằng bần tăng không thực hiện đúng như lời bần tăng nói ư?
- Đại sư chớ hiểu lầm! Tiện nữ không có ý nói đại sư khoa trương đâu. Nhưng tiện nữ vẫn cảm thấy hứng thú khi muốn đánh cuộc với đại sư về điều ngược lại.
- Là điều gì?
Song phương tuy đối thoại nhưng trận giao chiến của cả hai vẫn diễn ra với sự góp mặt góp sức vô thưởng vô phạt của Dư Hải Bằng. Vô hình chung, do Dư Hải Bằng mãi lo nghe lời đối đáp của cả hai nên chàng không lưu tâm đến cước bộ của chàng nữa, tuy rằng chàng vẫn tiếp tục di chuyển theo Túy Tiên bộ pháp. Và đây là điều ảo diệu phi thường của bộ pháp Túy Tiên mà Dư Hải Bằng đến lúc này vẫn chưa ngộ ra.
Bao giờ cũng vậy, trước lần này, mỗi khi Dư Hải Bằng thi triển bộ pháp Túy Tiên thì chàng luôn chuyên tâm chuyên ý đến từng bộ vị một, dù là của chàng hay của đối phương. Chàng cứ tùy theo chiêu thức của đối phương mà di chuyển theo bộ vị nên đôi lúc cũng dễ có sự phân tâm gây điều lầm lẫn tai hại. Đó là nói về việc đối phương có bản lãnh cao minh hơn chàng như là Y Thần trước đó và Phương Thanh đại sư bây giờ.
Còn đối với địch nhân có bản lãnh thấp kém hơn chàng thì chàng do an tâm nên rất thư thái khi vừa di chuyển vừa ra chiêu công địch.
Sự khác biệt này Dư Hải Bằng không nhìn thấy nên không nhận ra sự ảo diệu của Túy Tiên bộ pháp.
Túy Tiên bộ pháp càng thi triển với tâm trạng thư thái thì càng làm cho đối phương loạn nhãn hơn. Rất tiếc là Dư Hải Bằng vẫn không thấu triệt được điểm đó.
Bằng cớ là từ khi chàng để tâm theo dõi những lời đối đáp của Tư Không Huệ và Phương Thanh đại sư, không chú trọng đến bộ pháp nữa thì tình hình đã đổi khác. Lúc nãy thì Phương Thanh đại sư còn mơ hồ nhận định được phương vị của chàng mà ra chiêu cầm nã, còn bây giờ thì tuy Phương Thanh đại sư vẫn tiếp tục ra chiêu nhưng có đôi lần đại sư chộp vào một chỗ còn cách bóng nhân ảnh của Dư Hải Bằng khá xa, gần như là không chuẩn xác nữa.
Phần Dư Hải Bằng thì như thế, còn Tư Không Huệ và Phương Thanh đại sư vì mải lo đối đáp nên không ai nhận ra tình huống khác biệt này.
Huống chi Phương Thanh đại sư còn đang kinh ngạc hơn trước lời nói của Tư Không Huệ :
- Nếu trong vòng mười chiêu mà bọn tiện nữ thắng được đại sư hoặc thoát ra được La Hán trận thì sao?
Giữ được mười chiêu không cho Phương Thanh đại sư chiếm được tiện nghi đã là điều khó thì còn nói gì đến ý nghĩ ngông cuồng của Tư Không Huệ như nàng vừa nói.
Cho nên, Phương Thanh đại sư phải cố nén lắm mới không cười lên khi đại sư đáp :
- Nếu Tư Không cô nương thực hiện được điều đó thì đương nhiên bần tăng sẽ không khó dễ đến nhị vị nữa.
Băn khoăn, Dư Hải Bằng thầm hỏi :
“Tại sao nàng lại khinh xuất đến như vậy? Đúng ra nàng chỉ cần trong vòng mười chiêu, ngăn không cho Phương Thanh đại sư thắng thế như lời đại sư đã nói là đủ lắm rồi. Đâu cần phải thắng ngược lại đại sư chứ? Đây không phải là điều vọng tưởng hay sao?”
Thế nhưng, trái với sự băn khoăn của chàng, Tư Không Huệ vẫn ngang nhiên nói :
- Đó là đại sư tự nói đấy nha! Chúng ta bắt đầu được chưa?
Được đảo ngược ngôi vị chủ khách, Phương Thanh đại sư cho rằng đại sư chỉ cần giữ mình trong vòng mười chiêu thì cũng đủ khuất phục được cả hai mà không cần phải nặng tay. Do đó, Phương Thanh đại sư hớn hở đáp :
- Được rồi đó! Tư Không cô nương và Dư thí chủ cứ tận lực bình sinh cho!
Quả nhiên, khi được Phương Thanh đại sư thuận lời thì Tư Không Huệ liền ra chiêu tới tấp. Nàng không hiểu là vô tình hay hữu ý vẫn bỏ mặc Dư Hải Bằng muốn làm gì thì làm. Nàng không bảo Dư Hải Bằng cùng liên thủ với nàng, cũng không bảo Dư Hải Bằng để mặc nàng đối phó.
Nàng đánh sát sáu, bảy chiêu nhưng vẫn thản nhiên như không, tuy Phương Thanh đại sư vẫn tỏ ra ung dung đối phó.
Mười chiêu hạn định đã sắp hết, Phương Thanh đại sư hoàn toàn không lưu tâm đến thái độ không hề lo lắng của Tư Không Huệ. Và tuy liền sau chiêu thứ bảy, Tư Không Huệ đột nhiên lanh lảnh quát lên một câu, nhưng Phương Thanh đại sư vẫn cho điều đó là bình thường nên cứ ngấm ngầm đắc ý chờ cho Tư Không Huệ và Dư Hải Bằng sẽ đến lúc thua cuộc.
- Càn khôn xoay chuyển, thiên hôn địa ám, điên đảo thần hồn! Đánh!
Mỗi một lời của Tư Không Huệ là một chiêu, nên khi Tư Không Huệ vừa nói đến chữ cuối cùng là chữ “đánh” thì đã là chiêu thứ mười, là hạn định đã hết.
Và khi Tư Không Huệ chưa kịp dừng tay chì Phương Thanh đại sư liền đắc ý bảo :
- Mười chiêu đã xong, không hiểu Tư Không cô nương có giữ chữ tín không?
Dừng tay lại, Tư Không Huệ đưa ngọc thủ lên vén mái tóc lòa xòa che gương mặt kiều diễm. Nàng hỏi lại :
- Tiện nữ thì giữ lời rồi đó. Còn đại sư thì sao?
Vẫn không nhận ra xung quanh đang có điều khác lạ, Phương Thanh đại sư đưa tay ra ý mời nàng và Dư Hải Bằng :
- Vậy thì tốt quá! Mời nhị vị đi theo...
Phương Thanh đại sư nói đến đây liền dừng lời và thay đổi sắc mặt.
Phịch! Phịch! Phịch...
Vì tuần tự lần lượt có đủ ba muơi sáu tiếng thân người gieo nặng nề xuống đất. Và đó chính là ba mươi sáu vị tăng nhân khi không lại ngã lăn ra.
Tư Không Huệ bật cười lên giòn giã :
- Ha ha ha... La Hán trận đã bị phá. Bọn tiện nữ đi được rồi chứ, đại sư? Đa tạ đại sư đã nhân nhượng. Cáo biệt! Ha ha ha...
Vút!
Lao người đến chận trước mặt Tư Không Huệ, Dư Hải Bằng hầm hầm sắc mặt :
- Cô nương thủ đoạn quả là cay độc. Hạ thủ một lúc bao nhiêu người mà cô nương còn cười cợt được sao?
- Các hạ sao vậy? Ta giúp các hạ một tay thoát khỏi bọn trọc đó, các hạ không cảm kích mà lại trách là trách làm sao đây?
- Nguyên lai tại hạ không cần cô nương giúp đỡ nên tại hạ không việc gì phải cảm kích cả. Bây giờ cứ theo công đạo, tại hạ đành phải đòi ở cô nương thôi.
- Công đạo gì? Các hạ đòi là đòi cho ai?
- Cho Thiếu Lâm phái. Được chưa?
- Sao lạ vậy? Các hạ là đệ tử Thiếu Lâm phái ư?
- Không là đệ tử Thiếu Lâm phái thì tại hạ không đòi được sao?
- Các hạ quả là ngang bướng! Các hạ muốn gì ở ta nào?
- Đền mạng cho những vị tăng nhân này!
- Đền mạng? Ha ha ha... Họ có chết đâu mà bảo ta phải đền mạng chứ?
- Không chết? Có thật không?
Thần tình tỏ ra ngơ ngẩn, Dư Hải Bằng bèn quay đầu liền chạm phải ánh mắt ngờ vực của Phương Thanh đại sư đang nhìn chằm chặp vào mặt chàng.
Tuy không hiểu nguyên do thật sự khiến cho Dư Hải Bằng phải có thái độ này, nhưng Phương Thanh đại sư buộc lòng phải lên tiếng đánh tan nghi ngờ của chàng :
- A di đà Phật! Dù Dư thí chủ chỉ giả vờ xót thương đi nữa thì bần tăng cũng xin cảm kích sự quan tâm này của thí chủ. Thí chủ đi được rồi đó, bần tăng không muốn làm người bội tín.
Nghi hoặc, Dư Hải Bằng hỏi :
- Thế nhưng... bọn họ tại sao lại...
- Đi thôi, chàng ngốc tử! Họ chỉ bị mê hồn hương làm cho ngất đi một lúc thôi! Chứ ta làm sao đủ năng lực để diệt một lúc từng ấy người.
Càng ngơ ngác hơn trước, qua nhiều thủ đoạn của bọn giang hồ, Dư Hải Bằng lắp bắp :
- Mê... mê hồn hương ư? Là hương gì thế?
- Ha ha ha...
Mặc cho Dư Hải Bằng cứ đứng đó mà ngơ ngác. Tư Không Huệ và bọn thiên tướng vừa cười vừa bỏ đi.
Người của Thiếu Lâm phái cũng vậy. Khi bọn tăng nhân lục tục hồi tỉnh, cũng lặng lẽ bỏ đi, không ai đoái hoài đến Dư Hải Bằng đang ngơ ngác thật sự hay chỉ giả ngây giả ngô!
Tuy vậy vẫn còn một nhân vật đang quan tâm đến chàng. Vì khi chàng sực tỉnh định bỏ đi, thì có tiếng kêu đột ngột vang lên.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp