Đạo Ma Nhị Đế

Chương 115: Chín một nối kế


Chương trước Chương tiếp

Triệu Sĩ Nguyên nhận ra người đó chính là Nguyễn Lý Cư Sĩ Văn Công Đạo, tay lão còn bế Lý Thiếu Lân, bất giác tiếng, không thể vung tay đánh bạt lão qua một bên, đành nương theo thế Lý Ngư Vượt Long Man, vút mình lên cao ba trượng, bay ngang qua đầu lão.

Chàng định chạy luôn vào trận đuổi theo Tào Duy Ngã, nhưng Văn Công Đạo hoành thân đảo bộ, chận trước mặt chàng.

Triệu Sĩ Nguyên lấy làm lạ, cau mày hỏi:

- Lão tiền bối chưa nhận định tư cách làm người của lệnh sư huynh hay sao mà còn ngăn chận tại hạ? Lão tiền bối không vì đại nghĩa của giang hồ à?

- Lão phu đâu dám phủ nhận đại nghĩa, chỉ xin Thiếu lệnh chủ nghe lão phu nói một lời.

- Đuổi theo địch là việc gấp, lão tiền bối có thể chậm lại một chút chăng?

- Thiếu lệnh chủ không cần phải vội. Nếu bây giờ Thiếu lệnh chủ vào trận thì con người bất nghĩa đó sẽ chạy thoát.

- Lão tiền bối nói thế là có ý tứ gì?

- Lão phu căm hận vị sư huynh bất lương, nên đã bế tỏa các sanh môn thành tử môn cả rồi.

Trong âm thanh ẩn ước có niềm hối hận đồng môn tương tàn.

Triệu Sĩ Nguyên hỏi gấp:

- Tiền bối cho rằng Tào Duy Ngã không thể ra khỏi trận pháp?

- Về trận pháp, Tào sư huynh còn kém lão phu một bậc, bởi biết mình kém nên lão ta mới đến đây tìm lão phu. Lão phu tin chắc Tào sư huynh không thể phá được công cuộc bố trí của lão phu. Nếu Thiếu lệnh chủ vào trận, lão phu bắt buộc phải mở sanh môn và Tào sư huynh sẽ nương theo đó mà thoát đi. Dù sao lão phu cũng phải thẹn vì tình đồng môn...

- Người ta vì nghĩa có thể diệt thân. Lão tiền bối có bạn đồng môn làm bại hoại thanh danh sư môn, cái nghĩa bắt buộc tiền bối phải làm cuộc chỉnh lý, cứu vãn môn phong, đó là một điều hay, sao lại cho là việc thẹn?

- Thiếu lệnh chủ nói lên câu đó lão phu không còn ái ngại vì tình riêng. Lão phu cảm thấy được an ủi vô cùng.

- Lão tiền bối làm một điều đại công đức, giang hồ sẽ tri ân, nào chỉ cái tâm được an ủi mà thôi!

- Vậy thì...

Tuy nhiên lão còn thương hại Tào Duy Ngã, chưa nỡ dứt khoát.

Triệu Sĩ Nguyên thở dài, còn biết nói gì hơn? Bỗng có tiếng gào thét thê thảm vang lên.

Liễu Tánh thiền sư cố chịu đau một lúc, bây giờ cơn đau hành hạ cực độ lão phải gào lên.

Văn Công Đạo nhìn cảnh trạng của Liễu Tánh, bất quá căm hờn Tào Duy Ngã quá tàn độc, bao nhiêu niềm riêng vụt tan biến mất, lão nghiến răng thốt:

- Thiếu lệnh chủ cứ vào!

- Tiền bối vì đại nghĩa võ lâm, tại hạ hết sức khâm phục, song Tào Duy Ngã không thể thoát đi thì tại hạ nghĩ chẳng cần gì vào trận vội. Tại hạ xin cứu Liễu Tánh thiền sư trước.

Chàng bước nhanh đến Liễu Tánh, điểm vào mười ba huyệt đạo, lão không còn lồng lộn như trước nữa. Niềm thống khổ cũng giảm dần dần. Lão chẳng còn kêu la ầm ĩ nữa, chỉ rên ư hử thôi.

Triệu Sĩ Nguyên soát qua các thương tích của thiền sư, buột miệng mắng:

- Thủ đoạn tàn độc thật! Tào tặc quả không còn một điểm nhân tánh! Nếu không gặp tại hạ, thiền sư chỉ còn chờ chết, chứ không mong gì một ai cứu nổi.

Văn Công Đạo thẹn lây với hày vi vô nhân của Tào Duy Ngã, ấp úng:

- Chẳng hay tệ sư huynh dùng thủ pháp gì thế?

- Thất độc thiên hình! Độc tánh không quá mạnh đến đổi giết mạng người, bởi Tào Duy Ngã không muốn nạn nhân chết gấp. Lão ta bắt nạn nhân phải chịu đau đớn suốt bảy ngày đêm, khô héo dần dần, cuối cùng mới chết được, cho nên chất độc chuyên về héo mòn hơn.

- Lệnh chủ có phương pháp cứu giải chứ?

- Tại hạ cố gắng xem sao!

Chàng dùng ngón tay trỏ, bấm vào huyệt đơn điền của Liễu Tánh, nơi cuốn tay có chất nước hóa độc tiêu tảo, chàng cho một chút nước vào chỗ bầm, chữa đúng bịnh, bịnh phải dứt nhanh, từ cái vết thương của Liễu Tánh, máu đen trào ra. Khi máu đen dứt trào, Liễu Tánh không còn nghe đau đớn nữa. Bất quá lão bị hành hạ vậy thôi, chứ không đến đổi quá tổn thương, nên lão bình phục nhanh chóng. Lão tỉnh lại rồi nhìn Triệu Sĩ Nguyên điểm một nụ cười:

- Trong cảnh khổ, bần tăng đã giác ngộ những lỗi lầm, bây giờ mới biết là lệnh tôn có dạ nhân từ, dấu cái ác, tuyên dương cái thiện của con người. Đáng kính phục vô cùng!

Triệu Sĩ Nguyên cười lớn:

- Việc xa xưa, nhắc lại làm gì?

- Thoát chết rồi lại tỉnh ngộ luôn, bần tăng còn cố kỵ gì mà chẳng dám nói sự thật? Bây giờ Thiếu lệnh chủ có thể cho bần tăng biết một việc được chăng? Việc cuối cùng, giúp bần tăng chứng quả đại đạo!

- Tiền bối cứ nói!

- Lệnh tôn bảo như thế nào lúc sai Thiếu lệnh chủ mang ba hạt xá lợi đến Thiếu Lâm tự?

Triệu Sĩ Nguyên tường thuật sự tình.

Liễu Tánh thốt:

- Bây giờ bần tăng có thể trở về bổn tự.

Triệu Sĩ Nguyên tán đồng ý niệm đó:

- Tiền bối hồi đầu hướng thiện, phản lĩnh quy nguyên như thế thì đúng là một đại hạnh cho quý phái!

Liễu Tánh bật cười ha hả:

- Cái vinh quang còn tồn tại cho phái Thiếu Lâm ngày nay, toàn bằng hiền phụ tử Thiếu lệnh chủ ban cho! Năm mươi năm qua bần tăng đắm chìm trong huỳnh lương! Tỉnh mộng rồi bần tăng cần trở về chùa gấp.

Lão quay mình, chạy vào Vạn Sanh Đại Trận.

Văn Công Đạo gọi gấp:

- Khoan đi, đại sư!

- Thí chủ còn điều chi phân phó?

- Tệ sư huynh bị hãm trong trận đó, tạm thời chúng ta không nên xông pha vào trận!

- Bần tăng cũng biết ít nhiều về Kỳ môn trận pháp, hôm nay đã thức ngộ rồi, thì không còn vọng động như ngày nào nừa đâu, giả như có gập lệnh sư huynh, bần tăng sẽ tránh ra.

Lão ngầm cho biết là trận pháp đó không ngăn chận lão nổi, bởi Văn Công Đạo gián tiếp cho rằng lão không vượt qua trận được.

Văn Công Đạo cười khổ, không biết nói gì hơn.

Nhưng Triệu Sĩ Nguyên lo ngại thiền sư sơ thất, vội giải thích:

- Văn tiền bối đã bí tử các sanh môn rồi, xin thiền sư đừng mạo hiểm.

Liễu Tánh bật cười vang, vòng tay chữ thập, thốt:

- Bần tăng lỗ mãng quá, nếu không nhờ hai vị cảnh cáo, hẳn phải nguy rồi.

Tự nhiên lão bỏ ý định vào trận.

Văn Công Đạo mời thiền sư và Triệu Sĩ Nguyên về nhà, an trí Lý Thiếu Lân xong, lấy ra một tờ giấy trải lên bàn, vẻ lại trận pháp Vạn Sanh.

Lão chỉ điểm phương pháp bế tử các sanh môn cho Triệu Sĩ Nguyên và Liễu Tánh thiền sư biết, cả hai nhận ra về kỳ môn biến hóa họ còn kém Văn Công Đạo một bậc.

Biết qua phương pháp bế, để hiểu luôn phương pháp giải. Thấu triệt hai phương pháp bế và giải rồi, mới có thể vào trận được.

Vào trận rồi, còn phải biết cách phá trận. Có hai phương pháp phá trận. Phương pháp thứ nhất là giải tỏa các tử môn, trả về tình trạng sanh môn, nhưng phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và công lực.

Phương pháp tứ hai là đánh ngã mấy cây to lớn, mở một con đường thông suốt, gọi là sanh lộ, nhưng phương pháp này có chỗ bất lợi là người bị hãm trong trận sẽ nhân cơ hội mà thoát đi. Muốn được chắc chắn, chỉ còn có cách áp dụng phương pháp thứ nhất, địch sẽ không bao giờ thoát ly trận thế nổi. Cho nên phá trận cứu người, thì nên dùng phương pháp thứ hai, còn phá trận bắt người thì phải dùng phương pháp thứ nhất.

Nhưng Triệu Sĩ Nguyên có cái cảm nghĩ khác thường. Chàng cho rằng dù sao thì Văn Công Đạo cũng chưa dứt khoát hẳn tình đồng môn đối với Tào Duy Ngã, nếu chàng dùng phương pháp thứ nhất, dù có giết được Tào Duy Ngã đi nữa, Văn Công Đạo rất có thể nóng lòng vì tình đồng môn, sẽ biến hóa trận thế, sanh cầm chàng, báo hận. Như vậy chàng hạ được Tào Duy Ngã, chính chàng lại bị hãm như thường. Trong thâm tâm, chàng muốn có một cuộc ác chiến đường hoàng với Tào Duy Ngã, chàng có giết lão ta, chẳng một ai trách cứ chàng được, nhất là Tào Tú Nga là người có ơn với chàng, nếu chàng hạ thủ mờ ám, trừ diệt lão ác ma, nàng sẽ phê phán chàng không quân tử.

Khi nào chàng chịu như vậy? Cho nên chàng chọn phương pháp thứ hai.

Liễu Tánh thiền sư kinh hãi, vội thốt:

- Bần tăng xin khuyên Thiếu lệnh chủ một điều là nên dùng cái dũng đúng chỗ. Bởi cái dũng dễ đưa đến thất bại, chi bằng nên dùng mưu là hơn. Đành rằng có mưu là có mờ ám, nhưng cần gì điều đó, chúng ta chỉ nhắm vào cứu cánh của hành động, cốt làm sao có kết quả là được.

Triệu Sĩ Nguyên mỉm cười, không giải thích làm sao cả. Chàng đâu có thể cho thiền sư biết là vì tránh sự trách cứ của Tào Tú Nga mà chàng chọn giải pháp thứ hai? Chàng đâu có sính tài sính dũng như thiền sư đã nghĩ lầm?

Nhưng Văn Công Đạo biết dụng ý của chàng. Chàng chọn giải pháp đó một phần cũng vì muốn tránh cho Văn Công Đạo cái tiếp trợ người ngoài, sát hại bạn đồng môn. Lão thốt với niềm xúc cảm vô biên:

- Lão phu đa tạ cao nghĩa của Thiếu lệnh chủ.

Đoạn cả ba đưa nhau đến trước trận Vạn Sanh.

Triệu Sĩ Nguyên vận dụng công phu, phát ra hai đạo hồng quang từ lòng hai bàn tay cuốn đi không gây một tiếng động nào trong không gian.

Hai đạo hồng quang đi đến đâu, cây ngã đổ tới đó. Trong khoảnh khắc, chàng tạo thành một con đường thông suốt thẳng đến Sanh Tử Giới.

Liễu Tánh kêu lên:

- Thiên Linh Chưởng! Tại sao Thiếu lệnh chủ không dùng Thiên Linh Chưởng hạ sát Tào Duy Ngã? Hạ lão ma sớm thì thái bình trở lại giang hồ sớm, có phải là hay hơn kéo dài tình thế đến hôm nay chăng?

Văn Công Đạo nhìn sửng Triệu Sĩ Nguyên, không nói gì song qua thần sắc của lão, Triệu Sĩ Nguyên biết là lão đồng cảm nghĩ với Liễu Tánh.

Chàng bật cười ha hả:

- Tại hạ không thuộc hạng người lấy tài học mà uy hiếp thiên hạ, tại hạ chỉ muốn bất cứ ai bị tại hạ đánh bại phải khẩu phục, tâm phục, dù kẻ đó có chết cũng chẳng oán hận tại hạ.

Cho nên tại hạ hết sức vất vả, dụng lực luôn luôn trong việc bảo vệ chánh nghĩa giang hồ.

Chứ nếu dùng tuyệt kỷ cứ gặp người là hạ sát, thì sao xứng danh xưng nhân nghĩa?

Liễu Tánh tán:

- Đáng phục! Phàm hành sự cần phải tỏ lộ tác phong anh hùng, có như thế mới thu phục được nhân tâm.

Văn Công Đạo gật đầu, thở dài.

Vừa lúc đó từ nơi đầu thông lộ, sáu bóng người xuất hiện.

Sáu người đó là Triệu Sĩ Mẫn, Thư Tiếu Thiên và Tứ Khuyết:

Mã Hoằng, Kim Lập, Trương Phàm và Từ Kiệt. Triệu Sĩ Nguyên vội bước ra, chận đầu họ, sợ họ chạy luôn vào Sanh Tử giới rồi bị Tào Duy Ngã ám toán.

Chàng nghĩ Tào Duy Ngã muốn thoát hiểm cũng phải do từ Sanh Tử Giới mà thoát đi.

Đứng bên ngoài vùng Sanh Tử giới, Triệu Sĩ Nguyên chờ một lúc lâu mà chẳng thấy Tào Duy Ngã xuất hiện.

Chàng hỏi Văn Công Đạo:

- Trận thế đã phá rồi, ngoài con đường này, còn lối thoát nào khác chăng?

Văn Công Đạo lắc đầu.

Triệu Sĩ Nguyên cau mày:

- Thế tại sao...

Liễu Tánh thiền sư cao giọng:

- Tào lão quỷ giảo quyệt lắm đấy, đề phòng lão có chủ ý gì ác độc, gây tai hại cho chúng ta.

Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:

- Tiền bối nói đúng! Giả như... Chàng bỏ lửng câu nói, thầm nghĩ Thiên Linh Chưởng của chàng đã phá vỡ hai khoảng sanh tử giới, hiện tại Tào Duy Ngã không dám xuất hiện bởi chàng đang chực chờ lão. Giả như chàng do theo chỗ khuyết bên kia mà tìm lão thì lão sẽ nhân cơ hội thoát qua lối này, mà trong các người hiện diện chẳng một ai đủ sức ngăn chận lão ta. Nghĩ là nghĩ vậy, chàng không dám nói ra, sợ chạm tự ái của họ.

Tuy nhiên Văn Công Đạo đã đoán được ý niệm của chàng, bảo chàng cứ vào Sanh Tử giới quan sát, còn nơi đây thì lào sẽ lập thành một trận thế nhỏ, ngăn chận Tào Duy Ngã thoát qua theo con đường chàng mới mở.

Lão bẻ cành cây, đủ số cắm dọc con lộ thông thương đó, như trận pháp đã vây hãm bọn Tứ Khuyết tại nhà lao, và bọn Tam Ma vừa rồi. Trận thế vừa thành lập bỗng Liễu Tánh kêu lên:

- Các vị xem kìa! Tào lão quỷ xuất hiện đó.

Đúng vậy, với dáng ủ rủ, thần sắc tiều tụy, bước đi trầm trọng, từ từ tiến tới, trong tay có ôm một người.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...