Dám Kháng Chỉ? Chém!
Chương 8: An tiểu lang rất yêu thương cha
Sau khi Thái tử về doanh trại, tâm trạng đã khá hơn.
Ta đứng ngoài trướng soái, chặn Điền Bỉnh Thanh lại, nói bóng nói gió: “Điện hạ có lòng ái mộ nhân tài là tiểu tướng áo trắng ấy à?”
Điền Bỉnh Thanh lườm ta, dáng vẻ cứng rắn khó lay động, lách qua ta bưng thẳng trà nước vào trong.
Ta nghĩ mãi không hiểu nổi, lại tự kiểm điểm gần đây chuyện gì cũng thuận theo Thái tử điện hạ, không hề cố chấp làm theo ý mình hay phản kháng kịch liệt gì cả. Cũng chẳng biết ai trêu chọc cặp chủ tớ tính tình cổ quái này, khiến hai người họ hôm nay cứ lấp lửng với ta.
Vũ Khác dắt chiến mã đi qua trước trướng soái, bị ta nhanh tay nhanh mắt tóm lấy tay áo: “Tướng quân đi đâu đấy?”
Hắn ra sức giằng áo lại từ trong tay ta: “Tắm cho ngựa!” Đầu quay sang một bên, keo kiệt không chịu nhìn ta lấy một cái.
Ta sờ lên mặt mình, thực tình ta quên chưa nhắc, Phượng Triều Văn nói quả không sai, Vũ Khác tướng quân vẻ ngoài rất xinh đẹp, so với tiểu tướng áo trắng của Đại Trần kia còn dịu dàng hơn mấy phần, nhưng bài binh bố trận thì lợi hại vô song, khiến người ta phải cảm thán thốt lên đúng là tạo hóa vô thường.
Năm ngoái ta cậy được Phượng Triều Văn thiên vị, toàn bắt nạt hắn, quan hệ với đồng sự rơi vào bế tắc, quả là không biết nhìn xa trông rộng. Ví dụ khi thượng cấp ghét bạn, bạn rất dễ trở nên cô độc, đến người nghe bạn oán trách thượng cấp tính tình cổ quái khó hầu hạ cũng chẳng có.
Giờ ta ngại ngùng nói với hắn, bởi vì không muốn nhìn thấy vẻ mặt quái gở của chủ tớ Thái tử điện hạ mà không vào trướng soái, bèn cười nói mặc dù hắn đã quay mặt đi: “Vũ tướng quân, ta cũng muốn đi cùng.” Tuy hắn không nhìn thấy, ta vẫn hành xử khá lễ độ.
Vũ Khác lặng thinh dắt chiến mã đi trước, ta theo sát phía sau, thử mở lời mấy lần nhưng vẫn chưa thành công trong việc khơi gợi hứng thú của hắn, bất đắc dĩ phải làm người câm.
Ngoài cung có con sông nhỏ, lúc Vũ Khác tới, ở đó có loạt chiến mã vừa từ chiến trường xuống. Phía xa đôi ba binh sĩ tản mác, dưới sông sáu bảy nam tử cánh tay để trần ra sức làm việc, hạt nước bắn lên chảy dọc xuống từng giọt theo bắp thịt màu bánh mật. Ta đờ đẫn nhìn, Vũ Khác lạnh lùng chế nhạo: “Lau nước miếng đi!”
… Thật ra chẳng qua ta cảm thấy mấy thanh niên để trần cánh tay kia trông hơi quen mà thôi.
Ta vốn rộng lượng không thèm chấp nhặt, khinh thường câu khiêu khích ác ý này của Vũ Khác, cướp lấy dây cương ngựa trong tay hắn, khẽ mỉm cười: “Ta giúp tướng quân đi tắm cho ngựa.” Rồi lội nước lướt qua trước mặt đám người kia.
Bọn họ trông thấy ta, bầu không khí như lắng đọng trong giây lát, ai cũng làm bộ ra sức kì cọ ngựa, trong đó một nam tử trẻ tuổi dáng cao gầy cất lời khó hiểu: “Ô! Ta còn tưởng ai chứ, thì ra là Quảng Vũ tướng quân à. Chả mấy khi tướng quân rảnh rỗi tới đây tắm cho ngựa.”
Ta nghĩ bụng, hôm nay xuất hành chưa xem Hoàng Lịch, hết chủ tớ Thái tử điện hạ, lại đến đám nô bộc chăm ngựa này đều nói chuyện với ta bằng khẩu khí hết sức kì quái.
Bên cạnh có người nhỏ tiếng khuyên nhủ: “Tô Nhân, đừng nhiều lời! Ngươi tưởng đây là Đại Trần chắc?”
Cái tên này chợt nổ tung trong đầu ta, dường như khung cảnh nào đó đang hiện lên sinh động, ta gượng cười: “Cái đó… Quảng Vũ tướng quân là ai?”
Người tên Tô Nhân kia giọng châm biếm: “Quảng Vũ tướng quân An tiểu lang của Đại Trần, ngươi còn giả ngốc ư?” Ý khinh thường thoáng nghe là biết.
Trong nháy mắt, ta cảm thấy máu trào lên, trăm ngàn con ngựa phi rầm rầm trong đầu, vô số suy nghĩ chồng chất hỗn loạn ập đến, toàn thân cứng đờ như rơi vào hố băng, đã có lời giải thích cho những ánh mắt kì quái mà ta phải chịu đựng suốt thời gian qua khi ở trong doanh trại và đông cung Đại Tề. Ngỡ ngàng nhìn quanh, bốn phía lác đác quân lính mặc quân phục nước Tề đang đứng bên bờ cách đó không xa chăm chú quan sát người này làm việc.
Thấy họ dừng lại, một binh sĩ cầm roi từ xa quát: “Làm mau lên! Dám lười hả?”
Vũ Khác sải bước tới gần, trong mắt đầy vẻ kinh hãi: “Các ngươi đã nói gì vậy?” Hắn lập tức nắm chặt cánh tay ta: “An tiểu lang, ngươi sao rồi? Sao mặt trắng bệch như quỷ thế này?”
Người kia nhìn ta mơ hồ không hiểu, ta cảm thấy mình giải thích rõ một chút thì tốt hơn, khó khăn chỉ vào đầu mình: “Đầu óc ta hơi hồ đồ.” Dũng sĩ thật sự là phải dám đối mặt với cuộc đời tăm tối, dám nhìn thẳng vào sự hồ đồ của chính mình.
Tô Nhân không hề lộ vẻ kính phục dũng sĩ, khiến ta rất thất vọng. Trái lại, hắn còn gào lên: “Lẽ nào là tại cú đánh vào đầu trong trận Hoàng Hà cốc?” Lại chỉ sang Vũ Khác: “Đều tại ngươi đánh hắn một gậy… Giờ còn giả làm người tốt hả!”
Ta chưa từng hỏi mình bị ai đánh vào đầu.
Người đánh vào đầu ta, hoặc là quân địch, hoặc là đồng đội.
Bị người khác đánh, nói rõ ta là kẻ vô dụng, tướng bại trận, sao có thể huênh hoang khắp nơi?
Bị người của mình ngấm ngầm hãm hại, chỉ nhấn mạnh thêm rằng ta không được lòng người, ngay cả đồng đội cũng nhân cơ hội bất thình lình đánh ta một gậy.
Chỉ cần không phải Phượng Triều Văn đánh ta làm ta hồ đồ, những người còn lại đều không phải vấn đề to tát.
Hôm nay, thế giới của ta quá hỗn độn.
Buổi tối không thể nào tránh khỏi cơn ác mộng, lúc bừng tỉnh, bên cạnh ta chẳng có ai. Trong trướng rất tối, ánh trăng nhẹ xuyên qua khe hở trên mành trướng, dường như hồi ức xa xăm nào đó đang lặng lẽ thức tỉnh. Ma xui quỷ khiến thế nào ta lại mò thấy một con dao găm dưới gối, như một thói quen, ta đâm nó lên đùi mình, chợt nghe thấy tiếng quát: “Nàng làm gì thế?” Lập tức có người xông tới từ trong bóng tối.
Ta hoảng hốt, dao găm đã đâm xuống rồi, chỉ nghe thấy một tiếng rên nặng trĩu. Ta giật mình sợ hãi, hoàn toàn tỉnh táo, buông dao găm, bật dậy chăm đèn. Đèn sáng, lúc này mới phát hiện lòng bàn tay của Phượng Triều Văn đã bị dao xuyên qua… Ta che mặt, không biết giải thích từ đâu…
Ta đúng là ngủ đến mụ mị đầu óc rồi.
Hắn giận dữ trừng mắt nhìn: “Nàng muốn hành thích bản vương sao? Còn không mau đi lấy thuốc và vải bông đến băng bó!”
Ta cảm thấy từng có một người nổi cáu giống thế, không đánh thì cũng mắng ta, nhưng trong ký ức lại chẳng có chút cảm giác sợ hãi. Ta lặng lẽ cầm bông thuốc, rút dao găm rồi băng bó, ngẩng đầu nhìn gương mặt anh tuấn kiên nghị của Phượng Triều Văn, buột miệng nói một câu: “Điện hạ, lúc người nổi giận thật giống cha ta.”
Thái tử điện hạ trợn trừng mắt, như thể không phải ta đâm dao xuyên tay hắn, mà là xuyên tâm can hắn, máu chảy đầm đìa.
… Quả thực ta không cố ý.
Có điều ta chẳng thể nhớ ra trông cha mình như thế nào.
Mãi sau hắn mới nói: “Nàng nhớ ra tất cả rồi ư?” Giọng điệu không hiểu đang vui hay buồn.
Ta lắc đầu, đứng thẳng dậy định lách qua hắn để đi ngủ, nhưng chợt bị hắn nắm chặt cổ tay: “Đó là cái gì?” Cúi đầu nhìn, trên chiếc quần trong màu trắng thấm nhòe lớp máu. Con dao găm kia thật sắc bén, không những đâm xuyên lòng bàn tay hắn, lại còn đâm rách đùi ta.
Hắn bỗng nổi điên: “Lẽ nào nàng không thấy đau sao?”
Ta nhìn hắn bằng ánh mắt vô tội, không hiểu tại sao hắn đột nhiên giận dữ đến thế.
Hắn càng điên tiết hơn, lập tức kéo quần ta lên, ta vừa la lên một tiếng, đã bị hắn tóm chặt cánh tay, sau đó… Ta ngạc nhiên phát hiện chỗ mình đang bị chảy máu còn có mấy vết sẹo rõ rệt… Nhưng nó xuất hiện từ bao giờ, bị thương ra sao, ta hoàn toàn không nhớ.
Phượng Triều Văn cũng ngẩn người nhìn vết thương trên đùi ta, “Thì ra những vết sẹo trên chân nàng đều do làm vậy mà có?” Hắn ngẩng đầu tha thiết nhìn ta, dường như nỗi băn khoăn suốt bấy lâu đã được giải đáp.
Ta không thể nói rõ thứ ẩn giấu trong ánh mắt ấy, nhưng ta tin chắc từng có người nhìn ta như thế.
Ta chỉ vào mặt hắn, thốt ra một câu: “Điện hạ, người xem người xem, người càng ngày càng giống cha ta…”
Gương mặt anh tuấn của hắn trở nên xám xịt, lấy bông thuốc mạnh tay băng bó cho ta, càng về sau động tác càng nhẹ nhàng hơn nhưng mặt vẫn cứ u ám.
Ta đành an ủi hắn: “Thật ra điện hạ chắc chắn trẻ trung anh tuấn hơn cha ta nhiều…”
Ánh mắt hắn nhìn ta như muốn giết người!
Song, ngày hôm sau ta vẫn bình an vô sự chuồn ra khỏi trướng soái, sống thật không dễ dàng.
Trước kia ta không rõ chân tướng, sau đêm qua đầu óc đã dần sáng tỏ, tuy chưa thể nhớ lại toàn bộ quá khứ, nhưng trơ mắt nhìn nước mất nhà tan cũng chẳng phải việc đáng vui mừng gì. Kỳ thực chuyện giết địch trước trận chiến chẳng liên quan đến tù binh như ta là bao, nhân khi Phượng Triều Văn xuất chinh, ta đã tìm thấy nơi giam nhốt tù nhân.
Lính canh hiển nhiên từng nhìn thấy ta xuất hiện khắp nơi cùng Phượng Triều Văn nên không gây khó dễ cho ta lắm. Lúc vào trong, mười mấy nam tử trẻ tuổi đang cãi nhau ầm ĩ, họ đánh cược xem cuối cùng là Đại Trần hay Đại Tề thắng, sự hào hứng sôi nổi này hoàn toàn không giống với kẻ sắp nước mất nhà tan, ta thấy rất ngạc nhiên.
Sao vẫn có người giống hệt ta, dám trơ mặt vô liêm sỉ sống trên cõi đời này, chỉ quan tâm đến miếng cơm manh áo của mình?
Tô Nhân nhìn thấy ta nhanh nhất, lập tức gào lên: “Triệu Dũng, Triệu Dũng, con khỉ phản quốc của ngươi đến rồi!”
Ta liền bị một nam tử cường tráng kéo qua, rồi bị hắn ấn ngồi xuống bên cạnh.
Hắn quan sát ta một lượt kĩ càng từ trên xuống dưới, cuối cùng thở dài: “Thôi thì vẫn còn sống, khí sắc khá tốt, ngoài việc hơi hồ đồ chẳng biết ai là ai ra thì cũng không có bệnh tật gì.”
Ta chợt nghĩ, vốn dĩ kẻ phản quốc phải vô cùng thấp thỏm không yên, nhưng trông thấy họ đối xử với ta như vậy, ta lại cảm thấy việc không có phẩm hạnh, không có tình yêu nước kia cũng chẳng phải khuyết điểm gì mất mặt.
Làm một kẻ bị đồng loại bài xích, không chịu theo số đông cần có dũng khí to lớn lắm, còn ta chẳng phải kẻ dũng cảm kiểu đó, cứ nên cẩn thận sống trong số đông thì an toàn hơn.
Tô Nhân cười nham hiểm với hắn: “Triệu Dũng, ngươi đương nhiên không nhìn ra căn bệnh nghiêm trọng của con khỉ này rồi, bây giờ hắn mắc bệnh… có thể lên xuống giường của Thái tử Đại tề hằng ngày… khà khà…”
Ta đỏ mặt, ra sức đá hắn một cước, hắn kêu thảm thiết như lợn bị chọc tiết, người đang ngồi cười phá lên.
Triệu Dũng cũng lườm hắn: “An tiểu lang hồ đồ dưỡng thương trong trướng của Tề Thái tử, đó là cái nhân hậu của Tề Thái tử, ngươi đừng có nghĩ chuyện bất chính nữa.” Tô Nhân cười quái dị, lùi hai bước về sau. Triệu Dũng lại nói: “Kể cả An tiểu lang có ý gì đi chăng nữa, những người như Tề Thái tử chắc chắc sẽ không để tiểu lang được như ý muốn… dù tiểu lang có phong lưu anh tuấn gấp mười lần cũng vô dụng.”
Ta lườm Triệu Dũng… Triệu huynh là người Đại Tề đấy à?
Người ngồi trong trướng bỗng đập bàn ghế, cười nắc nẻ như được mùa.
Chắc bởi ta ở trong trướng của Phượng Triều Văn quá lâu, chẳng quan tâm thế sự, nên không biết mất nước cũng có thể mất trong vui sướng thế này.
Bản thân ta trơ tráo đến hết nước hết cái, chẳng có lòng trung quân ái quốc thì thôi, sao ở đây còn có một đám khốn nạn không chút phẩm hạnh thế này?
Ta tổng kết hai chiêu thu phục tù binh của Phượng Triều Văn.
Thứ nhất: “Uy hiếp địch bằng quân đội”, chiêu này không cần dùng lời thừa, thiên hạ đều biết Thái tử điện hạ Đại Tề nắm trong tay mấy vạn kỵ binh tinh nhuệ, càn quét khắp các nước.
Thứ hai: “Tâm lý chiến là thượng sách”, dùng đạo lý cùng tấm chân tình thu phục địch, dùng sự thật để cảm hóa chỉ dẫn địch, dùng hành động giành lấy lòng tin của địch, dùng sự tự do no ấm cám dỗ địch.
Trong trận Hoàng Hà cốc, tuy Hoàng Giới tướng quân bị quân Tề hợp lực vây đánh, đấu không lại bị bắt làm tù binh, nhưng sau đó hắn tuyệt thực kháng nghị, thề không hàng địch, thể hiện trọn vẹn lòng yêu nước đậm sâu, trung quân ái quốc, thà chết chứ không chịu khuất phục. Triệu Dũng, Tô Nhân chẳng hề thua kém Hoàng Giới tướng quân, đều tham gia đấu tranh tuyệt thực kháng nghị lần này, sống giữa hậu phương kẻ địch mà vẫn đấu tranh bất khuất.
Có điều Thái tử Phượng Triều Văn bên địch tấm lòng rộng rãi, bản lĩnh tiết chế số một, chưa từng làm những chuyện như chôn sống tù binh, cũng chưa từng mang tiếng xấu ngược đãi tù binh, mà chỉ khóa chân họ ở tầng lớp thấp để rèn luyện, đến những vùng đất rộng lớn mà nước Tề chiếm lĩnh, xuống vùng nông thôn tiếp nhận giáo dục cải tạo.
Không thể không nói, những hành vi đối xử của Đại Tề với tội phạm chính trị lần này đạt được hiệu quả rõ rệt, thậm chí trong hai trăm năm dựng nước của Đại Tề đều làm theo quốc sách điều họ về nông thôn tiếp nhận giáo dục cải tạo của bần nông và trung nông, cảm nhận sự khó khăn của nhà nước trong việc chăm lo chuyện đồng áng của bách tính, quan với dân như cá với nước.
Một trong số những người từng trải nghiệm là Triệu Dũng xúc động nói, sau khi cải tạo, hắn đã không còn muốn chết, hận không thể mọc cánh bay về quê nhà cày cấy ba mẫu sáu phân đất nhà mình.
Hắn là người chất phác.
Tô Nhân thì khá hà khắc: “Tề thái tử nham hiểm gian xảo, dùng cuộc sống yên ổn ở kiếp này làm dao động lí tưởng chúng ta theo đuổi: Trung quân ái quốc nguyện hy sinh vì điều mình tin tưởng! Hắn đúng là tên tiểu nhân!”
Ta vung một cước đá hắn: “Vậy sao giờ ngươi không đi chết đi?”
Hắn ra vẻ nghiêm túc than thở: “Nghĩ đến nhà họ Tô ta đây tám đời bần nông, chín đời độc đinh, cha già tuổi cao sức yếu, hương hỏa lụi tàn, muốn chết đến đâu cũng phải cưới một thiếu nữ xinh đẹp về sinh con đẻ cái kế thừa hương hỏa rồi mới chết được!”
Ta: “…”
Sao người không thừa nhận rằng mình ham muốn mỹ sắc luôn đi?
Vì Hoàng Giới tướng quân tính tình cương trực, coi danh tiếng là thứ phù phiếm, nên con em bần hàn xưa nay đều thích đầu quân dưới trướng hắn, bởi vậy trong quân đội của hắn phần nhiều là con em dân nghèo do chiến tranh liên miên, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, bèn tham gia quân đội, đặt cược cái đầu mình để đổi một miệng ăn. Trái lại, con em quý tộc không chịu nổi cách trị quân nghiêm khắc, sớm đã tìm cách luồn cúi chuyển đi nơi khác. Vì vậy dù bị bắt làm tù binh nhưng tướng sĩ trong doanh trại vạn người một lòng đánh đổ quân Tề.
Bách tính các nước mà quân Tề từng càn quét hiện nay đều mang họ Tề, an cư lạc nghiệp, hái chè trồng dâu, có ai là không muốn kiếm miếng cơm ổn định chứ?
Buổi tối sau khi tiếp nhận giáo dục cải cách trở về quân doanh Đại Tề, Hoàng Giới tướng quân đã tự sát.
Hắn chỉ để lại duy nhất một câu với những tướng sĩ cùng mình vào sinh ra tử: “Sống cho tốt để trở về quê hương.” Lời nói thấm thía, tình cảm chân thành!
Hoàng Giới tướng quân một đời trung quân ái quốc, chinh chiến nơi sa trường, song đấu tranh bè phái trong quân đội rất kịch liệt, không hề thua kém triều đường. Trên triều Thái hậu thao túng, văn thần võ tướng không ai nhường ai, Tiểu Hoàng đế lại quá hồ đồ. Bách tính nộp thuế nhiều hơn hẳn nước Tề, ăn không đủ no, nhân gian oán thán người cầm quyền, trong vòng hai mươi năm sau, thiên hạ Đại Trần chẳng còn chút hy vọng.
Ông cũng xuất thân bần hàn, nên trung với vua hay hiếu với dân, quả thực tiến thoái lưỡng nan, thà cắt cổ tự sát cho xong, chết là hết.
Cũng không biết Phượng Triều Văn thật lòng kính trọng người như Hoàng Giới tướng quân, hay chỉ vì để những tù binh này không sinh lòng phản trắc mà cử hành tang lễ trọng thể cho ông. Khi đó ta đang mơ hồ dưỡng thương trong trướng soái của Phượng Triều Văn, chẳng được tận mắt chứng kiến, nhưng hàng vạn tù binh từng tham dự tang lễ đã thay đổi hẳn cách nhìn về Phượng Triều Văn, mặc dù chưa từng có ý nghĩ sẽ quay đầu theo địch, song lại an phận làm tạp dịch trong doanh trại, đều một lòng đợi ngày nhất thống thiên hạ, được về quê làm ruộng.
Tề Thái tử đã nói, phàm là người lao dịch trong doanh trại, chỉ cần thiên hạ nhất thống sẽ được phân ruộng cày cấy trồng trọt theo số thành viên trong gia đình, đủ để họ sống no ấm.
Lúc Phượng Triều Văn về đến doanh trại, ta nhắc chuyện Hoàng Giới tướng quân, tò mò tại sao hắn không giết chết những tù binh này, hắn chăm chú xem báo cáo chiến sự, dửng dưng đáp: “Thiên hạ đầy rẫy bại binh đi làm thổ phỉ, những thanh niên tráng kiện này tương lai có thể sẽ là hộ cung cấp lương thực cho Đại Tề chúng ta. Giết họ rồi thì ích gì chứ? Chẳng qua là tăng thêm mấy vạn thi thể mà thôi.”
Ta hết sức đồng tình, lại cảm giác cái chết của Hoàng Giới tướng quân khó tránh khỏi có liên quan đến ta, liền hỏi: “Vậy nếu bắt được Hoàng đế Đại Trần, cũng phải đưa về nông thôn giáo dục cải tạo à?”
Hắn ngẩng đầu rời mắt khỏi báo cáo chiến sự dày cộp, trầm ngâm nhìn ta, ý dò hỏi hiển hiện trong đôi mắt phượng: “Có phải nàng đã nhớ ra gì rồi không?”
Thực tình nói dối hắn có vẻ không hay lắm. Ta lắc đầu: “Nghe bọn họ nói, ta là thư đồng của Hoàng đế Đại Trần, từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau.” Thanh mai trúc mã có lẽ là vậy nhỉ?
Hắn nhìn ta chằm chằm, cuối cùng nhấn mạnh từng chữ: “Ta không muốn dối nàng. Các triều đại xưa và nay không có chuyện tha cho Hoàng đế vong quốc. Dù hắn hoàn toàn không có ý định phục quốc, nhưng những người bên cạnh hắn cũng sẽ không bỏ cuộc. Câu ‘trừ cỏ trừ tận gốc’ chắc chắn nàng đã từng nghe thấy rồi chứ?”
Tim ta đập thình thịch, trong đầu bỗng xuất hiện một gương mặt bụ bẫm, ngập tràn nụ cười vui sướng… Khoảnh khắc đó ta cảm thấy ký ức đang dần dần nổi trên mặt nước, không cách nào chìm xuống dưới biển sâu.
Đêm nay ta ngủ sớm như thường, chẳng chờ Phượng Triều Văn xem xong báo cáo chiến sự đã rúc vào chăn đệm mềm mại.
Lúc ta tỉnh dậy, trong trướng tối om, không có ai bên cạnh. Ban ngày ở trại tù binh ta quá xúc động, quá nhiều lời, làm nửa đêm đang ngủ cũng thấy khô miệng, bèn đi chân đất xuống giường tìm ấm trà trên bàn. Nhưng ấm trà rỗng không, ta đành quay trở lại cạnh giường, khoác áo ra trướng trước tìm nước uống.
Trướng trước tuy thắp nến sáng, nhưng không thấy Phượng Triều Văn, đêm hôm khuya khoắt thế này không biết hắn đã đi đâu. Ta nhấc ấm trà đặt trên bàn của hắn lên, rót một hớp vào miệng, bỗng nghe thấy tiếng thì thầm bên ngoài trướng, hình như là Phượng Triều Văn và Vũ Khác. Đêm không chịu ngủ lại đi chuyện trò dưới trăng sáng, có nhã hứng gớm.
Ta dụi mắt định quay vào ngủ tiếp, nhưng có mấy chữ ngắt quãng lọt vào tai: “… Nói với cha con Yến gia, nội trong ba ngày nhất định phải nghĩ cách mở cổng thành… Không cần thiết phải giết hại người hầu trong cung… Chỉ cần giết hoàng tộc…”
Đến tận khi đã nằm trên giường, đắp tấm chăn dày cộp lên người, dù thời tiết ấm dần nhưng ta vẫn cảm thấy toàn thân lạnh cóng.
Mãi lâu sau, Phượng Triều Văn nhẹ nhàng đi vào, cởi áo bỏ giày, mò mẫm trên giường rồi vén chăn ra, xoa đầu ta: “Trời nóng thế mà cũng đắp chăn dày, mồ hôi nhễ nhại kìa, nàng không sợ nóng sao?”
Ta nhắm mắt ậm ừ hai tiếng, cảm giác có chiếc chăn lụa đang nhẹ nhàng lau trán mình, bỗng ta thấy vô cùng thấu hiểu Hoàng Giới tướng quân.
Chỉ vì Hoàng Giới nghĩ không thông mà thôi.
Ông vừa muốn trung với vua, vừa muốn hiếu với dân. Nhưng với ta, bách tính trong thiên hạ dù sống giữa nước sôi lửa bóng cũng chẳng can hệ đến mình là bao. Tấm lòng “trung quân ái quốc” này quá vĩ đại, cha nói, người như ta không cần theo đuổi thì tốt hơn, tránh bôi nhọ mấy chữ này.
Ông nói chí phải.
Ta chỉ muốn bảo vệ một người, đó là người từ nhỏ lớn lên cùng ta, chẳng khác gì đệ đệ của ta, là quả bóng thịt béo tròn cùng ta trải qua tháng năm niên thiếu.
Hôm nay ta mới tỉnh dậy khỏi giấc mộng kê vàng[1].
[1] “Giấc mộng kê vàng” hay còn gọi “Hoàng lương nhất mộng” bắt nguồn từ truyện “Chẩm trung ký” của Trầm Ký Tế thời Đường. Chuyện kể rằng, có một chàng thư sinh nghèo họ Lư một hôm nhân chuyến đi chơi, anh ta vào nghỉ trong một quán trọ. Lúc chủ quán trọ bắc nấu một nồi kê vàng, thì chàng trai lên giường đi ngủ. Trong giấc ngủ, chàng trai mộng thấy mình lấy vợ sinh con, được làm quan, hưởng phú quý và cuộc sống sung sướng an nhàn ấy kéo dài đến lúc chết. Nhưng khi tỉnh dậy, kê vàng vẫn còn chưa chín. Câu chuyện muốn nói rằng: Đời người như giấc mộng, tất cả sang hèn giàu nghèo đều là ảo mộng hư vô.
Trong mơ nước chưa mất, nhà chưa tan, cha cũng chưa qua đời.
Trong mơ ta từng được người khác sủng ái cưng chiều, dễ dàng hứa hẹn trọn đời trọn kiếp.
Trong mơ hắn cầm tay ta, lau mồ hôi trên trán ta, xua đi cho ta cơn ác mộng, làm tan chảy trái tim lạnh giá của ta bằng cơ thể mình.
Tuy hắn ngang ngược bá đạo, lại thường cau có trách mắng ta, đấu võ mồm với ta chưa từng nhượng bộ, nhưng ta nhớ rõ sự ấm áp nơi đầu ngón tay cùng sự dịu dàng trong đôi mắt hắn…
… Giọt lệ chầm chậm lăn dài, ở nơi mà hắn không nhìn thấy, giọt lệ rơi xuống chiếc gối trúc mà ta và hắn vẫn cùng nằm…
… Coi như trước giờ ta không nhận ra mặt tốt của hắn.
Ta giả bộ như mới tỉnh dậy, mơ hồ duỗi tay ôm chầm lấy cổ hắn, kề sát môi mình chạm lên môi Phượng Triều Văn.
Hắn sững sờ, vội vàng hôn lại, bàn tay chu du sau lưng, ôm chặt ta vào cơ thể đang trần trụi của mình. Dường như trong lồng ngực hắn có một mồi lửa, luồng nhiệt xuyên qua lớp da, sưởi ấm trái tim trong ta.
Ta chủ động cởi áo, thân mật với hắn.
Ngày hôm sau tỉnh dậy, ta liền hiến một kế sách cho Phượng Triều Văn: Để ta vào thành chiêu hàng.
Hắn tuyệt đối không đồng ý, ta lằng nhằng cạnh hắn rất lâu, không tiếc mọi thủ đoạn, cuối cùng dụ được hắn bằng lòng.
“Trong thành toàn là bạn bè với thuộc hạ của phụ thân, có gì đáng sợ?”
Ánh mắt hắn chất đầy lo âu: “Nàng sẽ không một đi chẳng quay về chứ?”
Ta mỉm cười vỗ vai hắn: “Thái tử điện hạ ngốc đấy à? Đại Trần đã bị mười vạn kỵ binh của người bao vây kìm kẹp, nếu ta mà mọc cánh bay đi được thì Hoàng đế Đại Trần đương nhiên cũng có thể?”
Xưa nay hắn rất tin tưởng vào đội kỵ binh của mình, khóe môi hơi cong, nét mặt không còn cau có: “Cũng phải. Hiện giờ có lẽ đến một con ruồi còn không bay ra khỏi Đại Trần được.”
Hắn đích thân chọn một trăm kỵ binh hộ tống ta đến kinh đô Đại Trần.
Ta đứng dưới thành, tâm trạng hỗn loạn, hướng về phía tường bao kêu gọi địch đầu hàng. Vì ta cứ đinh ninh cha con Yến gia chắc chắc sẽ mở cổng thành để mình vào, nên không hề lo lắng hôm nay không gặp được Tiểu Hoàng.
Ngoài trướng, một câu nói khẽ vang lên, giải đáp tất cả sự kỳ lạ của chiến dịch Hoàng Hà cốc.
Ta nhớ lại vẻ mặt của Yến Bình lúc đứng trước ngựa chặn ta xuất chinh tham gia trận Tuy thành.
Hắn là kẻ biết thời biết thế.
Cha con Yến gia đã ngấm ngầm quy hàng Đại Tề, hai bên hô ứng, vậy nên Đại Trần mới thua như ngả rạ. Yến Bình đứng trên thành, đích thân mở cổng nghênh đón ta về nước, ta vẫy tay với trăm kỵ binh tinh nhuệ mà Phượng Triều Văn phái đi theo: “Các vị về đi, nói với Thái tử điện hạ, An Dật nhất định sẽ hoàn thành sứ mệnh!” Ta một mình cưỡi ngựa tiến vào tòa thành đơn độc cuối cùng của Đại Trần.
Yến Bình bước xuống từ lầu trên cổng thành, đứng trước ngựa ta, trông hoan hỉ kèm theo chút ngạc nhiên, ta và hắn ngầm hiểu ý nhau. Ta cười với hắn: “Yến tướng quân, lâu quá không gặp.”
Cấp bậc của hắn chắc cao hơn ta, nhưng ta không định xuống ngựa.
Trong ký ức, ta toàn phải ngẩng mặt nhìn theo hắn đầy hèn mọn, hình bóng ấy không biết từ khi nào đã khắc sâu trong trái tim ta.
Yêu say đắm một người chẳng có gì là sai, sai ở chỗ là ta đã chọn nhầm người, dùng nhầm cách.
Song đến giờ, tất cả những điều này đều không còn quan trọng, yêu hay không yêu thì nước cũng sắp mất, người sắp rời xa, còn có ý nghĩa gì đáng để trân trọng đây?
“An tướng quân, nếu tướng quân đã thân tại doanh Tề, sao còn quay về làm chi?”
Hắn nhất định tưởng ta đã quy hàng phản quốc, là tên giặc bán nước giống mình. Nhưng ta tự vấn lòng, hẳn mình và hắn phải có sự khác biệt chứ?
Ta nhìn quanh, bên cạnh hắn chỉ có một đội vệ binh, có lẽ là vệ binh thân cận của Yến phủ, ta liền cười đáp: “An mỗ phụng mệnh Thái tử Đại Tề đến đây khuyên bệ hạ đầu hàng, nhờ Yến tướng quân giúp ta chuyển lời.”
“Đồ ngốc!” Hắn trừng mắt nhìn ta.
Ờ thì ta cũng biết mình ngốc, có điều giờ không phải lúc bàn cãi.
Ta theo Yến Bình vào cung một cách thuận lợi, gặp được Tiểu Hoàng tại Trùng Hoa điện.
Khi đó nó đang ngủ say như heo, hơn nửa năm không gặp, nhìn béo lên trông thấy. Có thể dễ dàng nhận ra chiến tranh chưa ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống trong cung.
Ta dùng hai tay ra sức nhéo má nó, nó giật mình tỉnh mộng, nhảy xuống khỏi long sàng, đi chân đất trong điện, gào to: “Quân Tề đánh vào cung rồi? Quân Tề đánh vào cung rồi?”
Ta chợt thấy cảm thông với thằng bé mập này.
Dù trời long đất lở, nước mất nhà tan thì có can hệ gì tới một đứa bé?
Có lẽ nó chỉ cần cơm no ba bữa, có thịt ăn, có chỗ ở, được ngủ ngon như trước mà thôi.
Ta cùng Tiểu Hoàng ngồi tại lầu ba của Cẩm Tú các, nghe tiếng cổng thành bị tấn công từng hồi, nước đã rơi vào tay giặc, ngai vàng mà Đại Trần gìn giữ mấy chục năm hôm nay đã đến hồi kết. Quân Tề rất nhanh đánh vào Hoàng thành, kỵ binh hí vang, chắc đã đến cầu đá nhỏ bên kia rừng bích đào rồi.
Bích đào không biết nhân gian sầu muộn, vẫn nhuộm khắp giang sơn màu hồng thắm. Chẳng rõ lúc kỵ binh của Phượng Triều Văn băng qua mảng trời màu ráng mây rực rỡ kia, vó ngựa chinh chiến có từng chậm lại chăng?
Cung nhân dưới lầu đang lục tục xếp củi dưới Cẩm Tú các, nghe thấy tiếng kỵ binh xông vào cung, mặt đất rung chuyển liền thất kinh hồn vía, đâu còn chịu nghe hoàng lệnh, sớm đã chạy trốn tứ phía.
Cẩm Tú các là một tòa lầu nhỏ bằng gỗ, kể cả phía dưới không chất đầy củi, chỉ cần châm một mồi lửa, e rằng cũng khó cứu nổi tòa lầu. Tiểu Hoàng níu chặt tay áo ta, gào thét ầm ĩ: “Tiểu Dật đừng… Ta vẫn chưa muốn chết… Ta vẫn chưa ăn đủ bánh lá sen, bánh hạt sen, bánh hoa cúc trong cung…”
Ta nhón lấy một miếng điểm tâm trong đĩa trên bàn trước cửa sổ, nhét vào miệng nó, chấm dứt tiếng gào vô ích.
“Ngoan ngoãn ngồi đây, một lúc nữa thần đưa bệ hạ đi.”
Nó nhai nhai miếng bánh, cố sức nuốt trôi, tha thiết nhìn ta: “Tiểu Dật không lừa ta chứ? Sẽ không thiêu chết ta chứ?”
Ta đau đầu lườm nó, thấy trên gương mặt béo tròn kia toàn là sự ỷ lại mù quáng. Nước mắt buồn bã còn chưa lau khô, nó đã rưng rưng lệ hoa mỉm cười, vỗ vỗ hai bàn tay béo trắng hết sức vui vẻ: “Chỉ cần Tiểu Dật chịu đưa ta đi là được, ta sắp bị mẫu hậu làm phiền đến chết rồi…”
Hai ngày nay ta ở Trùng Hoa điện cùng Tiểu Hoàng, chuyện nước nhà nguy nan đặt lên hàng đầu nên hình như ta quên mất Thái hậu. Tiểu Hoàng tuy hơi ngốc, nhưng giờ ta cuỗm con trai bà ấy đi mất thì thật có lỗi vô cùng!
Song, Thái hậu sống hay chết đều do bà ấy tự quyết, chẳng liên quan gì tới ta.
Ta châm bó đuốc chuẩn bị sẵn trong tay, xoa xoa mái tóc đen mềm mại trên đầu nó, “Bệ hạ ngoan ngoãn ở đây đợi thần, một lát nữa thần quay lại.” Sau đó chạy xuống lầu đốt đống củi chất cao xung quanh, tiện tay đóng chặt cửa lại rồi nhích từng bước lên lầu ba, Tiểu Hoàng còn đang đợi ta.
Nó thấy ta quay về, thân hình mũm mĩm chạy tới níu chặt tay áo ta, gương mặt hiện lên nụ cười hạnh phúc: “Lần này Tiểu Dật không bỏ mặc ta. ngươi đi mất suốt nửa năm nay làm ta sống thật vất vả.”
Ta cười khanh khách, đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, trêu nó: “Bệ hạ ngày ngày ngồi trên điện Kim Loan ngủ gà ngủ gật, có gì mà vất vả? Người vất vả là thần đây này!”
Nó xắn tay áo lên, trên cánh tay béo trắng có rất nhiều vết cấu, trông như bị cấu bởi móng tay dài của phụ nữ, nhìn thấy mà đau lòng.
“Đây là… Thái hậu…”
Người làm mẹ như Thái hậu có phần nhẫn tâm quá! Dù con trai ngốc ngếch, nhưng tốt xấu gì cũng là đứa con mình mang nặng đẻ đau, bằng không bà ta gây quá nhiều nghiệp chướng, sao còn sinh ra đứa con trai này làm gì?
Tiểu Hoàng lắc đầu, đôi mắt bỗng ươn ướt như sắp khóc đến nơi: “Là Tuệ biểu tỷ làm đó. Tỷ ấy mỗi lần vào cung thỉnh an đều lén véo ta. Cung nữ trong Trùng Hoa điện biết cả, nhưng chẳng ai dám cản, ngay mẫu hậu cũng nói muốn ta nghe lời Tuệ biểu tỷ.”
Ta phục sát đất nàng Tuệ biểu tỷ thần thông dám cấu véo cánh tay béo trắng của Hoàng đế bệ hạ đến nỗi bầm tím kia.
Nàng là cháu bên nhà ngoại của Thái hậu nương nương, nghe nói cậu của Tiểu Hoàng chỉ có một đứa con gái nên yêu thương hết mực. Chỉ là mặc dù lúc bình thường nàng không thích Tiểu Hoàng ngốc nghếch, cũng không đến nỗi ra tay nhẫn tâm như vậy chứ?
Tiểu Hoàng mếu máo: “Mẫu hậu bắt ta lấy tỷ ấy, đưa tỷ ấy vào cung làm Hoàng hậu. Tỷ ấy lần nào cũng mượn cớ thỉnh an vào cung véo ta, còn lén lút mắng ta là thằng ngốc… nhưng bây giờ tốt rồi.” Nó thiết tha nhìn ta: “Sau khi Tiểu Dật đưa ta đi, ta sẽ không cần lấy tỷ ấy nữa, kệ tỷ ấy sau này muốn lấy ai thì lấy, muốn véo ai thì véo!”
… Bệ hạ của thần à, đây chắc không phải chuyện chính mà người quan tâm đấy chứ?
Trong lúc chúng ta trò chuyện, lửa cháy rừng rực, hơi nóng cạnh cửa sổ tạt vào mặt. Ta nắm tay Tiểu Hoàng chuẩn bị xuống lầu dưới, chỉ nghe tiếng vó sắt như sấm rền càng ngày càng gần thêm. Người dẫn đầu áo bào bay phấp phới, vó ngựa đạp lên hoa cỏ, trong nháy mắt đã đến trước Cẩm Tú các. Người đó ngẩng đầu nhìn thấy Tiểu Hoàng đang đứng sát ta bên cửa sổ, gương mặt anh tuấn bỗng tái mét, giọng dứt khoát: “An Dật, nàng trèo lên đó làm gì thế!”
Ta nghĩ, ít nhất thì giây phút này, Thái tử Đại Tề Phượng Triều Văn đã quan tâm đến sự sống chết của ta. Sau màn lửa cháy rừng rực, ta cười vô cùng thoải mái: “Hơn nửa năm nay được Thái tử điện hạ chiếu cố. An Dật cảm kích khôn xiết. Xin đa tạ người, An Dật phải từ biệt tại đây, hãy bảo trọng!”
Lối văn chương kiểu cách này đã lâu ta không dùng tới nên không quen lắm. Thật ra điều ta muốn nói hơn là: “Từ giờ ta và người đường ai nấy đi, đến chết khỏi phải gặp lại! Ngươi đừng tìm đủ mọi cách lừa gạt ta, đừng làm ra vẻ chân thành tình cảm nữa, ngươi lừa ai chứ? Ông đây chẳng phải kẻ chưa từng bị ngươi lừa nhé!” Có điều xét thấy lời này không đường hoàng lắm, trước mặt mấy trăm kỵ binh hộ vệ, ta vẫn phải giữ thể diện nên không tiện hét ra.
Làm tù binh kiểu như ta, đã chẳng giữ được trinh tiết lại còn đi theo địch, cuối cùng còn suýt bị hắn rửa não. Ta lại ở bên cạnh hắn để gây thêm chuyện ngốc nghếch, coi vị Thái tử điện hạ này như đức lang quân sao? Ngộ nhỡ sau này chết bởi đấu đá hậu cung thì oan uổng hay không đây?
Yến Bình bên cạnh hắn nhìn ta trân trân, lúc này ta nhận ra điểm hay ho khi từ trên cao nhìn xuống, gương mặt Yến Bình trắng bệch như gặp phải quỷ, không thốt nổi một câu.
Phượng Triều Văn cuống cuồng hốt hoảng, cưỡi ngựa định xông vào trong biển lửa, ta ngẩn người: Chắc không phải định xông vào thật chứ? Lửa cháy dữ thế này sẽ bị hủy dung đó!
Bao nhiêu thiếu nữ Đại Tề suy tính trăm phương ngàn kế chỉ vì gương mặt này của Thái tử điện hạ… Ta run cầm cập, cảm thấy mình bỗng chốc trở thành tội nhân thiên cổ.
May mà trăm kỵ binh hộ vệ đứng đó sống chết kéo hắn lại, hắn mới không thể xông vào biển lửa.
Yến Bình ngửa cổ nhìn ta mãi, ánh mắt ấy rất kỳ lạ, nhưng giờ đây ta thật tình không muốn biết hắn đang nghĩ gì.
Mắt Tiểu Hoàng đảo qua đảo lại trên người Phượng Triều Văn, rồi quay về bên ta, lại đảo một lượt, khó hiểu nói: “Thái tử Đại Tề này cũng muốn trốn cùng chúng ta ư? Ta chẳng thích hắn, có chết cũng không muốn đi cùng hắn đâu!”
Ta lườm nó không nói gì, chút rung động vừa mới chớm nở trong ta đã bị nó quấy nhiễu làm biến mất không còn dấu vết. Ta quay đầu khuyên nhủ Phượng Triều Văn: “Điện hạ giờ đã chiếm được cung Đại Trần, sau này còn phải thẳng tay loại trừ kẻ xấu, thay đổi chế độ, trả lại cho bách tính thiên hạ một giang sơn thanh bình, sao có thể làm ra những chuyện tự hủy hoại tương lai thế này?”
Hắn bỗng quay đầu lại, rút ra một cây cung từ trên lưng ngựa, gương căng dây cung cong như trăng rằm, thần sắc dữ tợn, lạnh lùng quát: “Nàng có xuống không? Không xuống thì hôm nay ta sẽ bắn chết nàng ngay tại tòa lầu này!”
Yến Bình vượt lên, giữ chặt cánh tay hắn: “Điện hạ… Điện hạ, An Dật tính tình ngang bướng, nên khuyên nhủ thì hơn…” Nhưng bị hắn đạp mạnh một cước: “Cái thứ vô lương tâm này phải bị bản vương bắn một tiễn xuyên tim!”
Ta run lẩy bẩy, Phượng Triều Văn nghiến răng nghiến lợi nói, xem ra không phải hắn giả vờ.
Tiểu Hoàng kéo tay áo ta, sợ hãi kêu gào: “Tiểu Dật Tiểu Dật, hắn thật sự sẽ giết người đó!” Ngũ quan trên gương mặt béo trắng trở nên nhăn nhúm, trông nó sợ đến phát khóc rồi.
Ta xoa đầu Tiểu Hoàng, an ủi nó, còn chưa kịp hạ tay xuống, một tiếng “vút” lướt qua trước mặt, tên nhọn xé rách màn không, bay tới nhanh như sao xẹt, nhắm thẳng khung cửa sổ, cắm xuống mũ vua trên đầu Tiểu Hoàng. Nếu không phải ta nhanh chóng rụt tay lại, e rằng ngay cổ tay cũng đã bị hắn bắn xuyên thủng rồi…
Phượng Triều Văn hai mắt vẫn đỏ, nâng cổ tay giương cung, nổi cơn tam bành: “Nàng có xuống hay không?” Rồi quay đầu đạp lên ống chân của một kỵ binh hộ vệ bên cạnh: “Còn không mau tìm người dập lửa?”
Hộ vệ kia vội quất ngựa chạy đi, lòng ta chợt hoảng hốt, xem ra người này hôm nay chắc chắn định làm thật rồi. Ta ôm đầu xin tha: “Ta xuống… Ta xuống là được chứ gì?” Khói lửa mịt mù bùng lên sặc sụa làm mắt ta cay xè, nước mắt trào ra.
Hắn sai đám hộ vệ giương cung bắc tên, sau đó vứt cung tên của mình xuống chân: “Nàng nhảy ra ngoài, ta đỡ nàng… Bằng không!” Hắn hung dữ nhìn ta, ta cảm giác ánh mắt đỏ như kiếm sắc róc xương, “Bằng không ta sẽ bắn nàng thành con nhím xù, chết rồi cũng khó coi hết sức!”
Tiểu Hoàng nắm chặt tay áo ta: “Tiểu Dật, ngươi phải bỏ ta lại ư?” Nó ôm cánh tay ta, cũng bị khói lửa hun đến đỏ cả hai mắt, lệ rưng rưng khiến người ta thương xót thay.
Trái tim ta chợt trở nên mềm yếu, thì thầm bên tai nó: “Thần giả bộ chuẩn bị nhảy, bệ hạ với thần mỗi người một bên đóng cửa sổ lại, sau đó nhảy xuống lầu một, giờ không đi ngay e thật sự không kịp.”
Cuối cùng lần này nó đã nghe lời, thấy ta nâng người lên, bàn tay mũm mĩm vội hành động, đóng cửa sổ lại trong nháy mắt. Ta nhìn thấy gương mặt Phượng Triều Văn hiện ý cười, hắn phi thân bay lên, vươn đôi tay qua tấm tường lửa một cách vô dụng, áo bào tựa cánh đen to lớn đang căng phồng, như chim ưng oai phong sắp sải cánh…
Hình như ta mơ hồ nghe thấy Yến Bình kêu gào, đó là cái tên chưa từng được thốt ra từ miệng hắn.
“Tiểu Dậttt…”
Ngọn lửa bùng lên, bào trùm Cẩm Tú các. Khi ta và Tiểu Hoàng chạy đến lầu một, cửa sổ bốn phía đã bị thiêu rụi, khói lửa cuộn trào khiến bọn ta không thể hô hấp, Tiểu Hoàng khó khăn níu chặt tay áo ta. Nhiều năm trước kia, cái đêm ta được chọn làm thư đồng, ngủ trong thiên điện cạnh đông cung của Thái tử Đại Trần, chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ rơi vào bước đường lưu vong cùng thiếu niên Thiên tử này.
Ngày trước cha từng lén vẽ bản đồ mật đạo trong cung cho ta, kiên quyết bắt ta ghi nhớ bằng được.
Ông nói, nếu ai bắt nạt con trai ta, thì con phải lén chạy về nhà theo mật đạo, mọi chuyện đã có cha lo!
Ta run rẩy khởi động bộ máy dưới lòng đất, từ vách tường lộ ra một hang nhỏ tối thui chỉ vừa một người chui qua, ta đẩy Tiểu Hoàng nhảy xuống. Nó chui được nửa người vào, nửa người còn lại… mắc kẹt… Quả nhiên, béo quá cũng chết người!
Ta ra sức đạp một phát lên vai nó, nó kêu lên một tiếng thảm thiết, ta đạp tiếp bên vai kia, nó lại thét một tiếng thê lương. Trong tiếng lửa lách tách, ta nghe thấy bên ngoài náo động không thôi, có kỵ binh hộ vệ lớn tiếng gào: “Điện hạ! Không được! Xin điện hạ hãy cân nhắc!”
Tiểu Hoàng lộn vòng lăn xuống cửa mật đạo, ta cũng nhảy xuống theo, cửa hang từ từ đóng lại. Không khí âm u lạnh lẽo ập vào mặt, cách biệt hoàn toàn với mọi thứ trên kia, bỏ lại sau lưng tất cả những ân oán tình thù của ta trong quá khứ, bỏ lại hoàng cung Đại Trần phồn hoa như mộng, bỏ lại những nụ cười, những giọt nước mắt, những khổ đau, tiếc nuối, tuyệt vọng, những chấp niệm thê lương từ tận đáy lòng mà ta từng có nơi này.
Ta cùng Tiểu Hoàng lảo đảo chạy trốn trong mật đạo tối om suốt hai canh giờ. Khi bọn ta trèo ra được đến ngoài, đứng dưới chân núi Thanh Sơn thuộc ngoại ô thành, ngắm ánh sao ngợp trời cùng dải ngân hà rực rỡ, ta nghĩ, ta không còn muốn quay về cung Đại Trần, không muốn quay về thành trì này nữa.
Bầu bạn với Thanh Sơn, ẩn dật nốt quãng đời còn lại, thực ra cũng không tồi.
Thế tử của Ích Vương say rượu phạm lỗi, bị Gián quan vạch tội, Phượng Triều Văn vận bút thần tốc, đưa tên tiểu tử không biết trời cao đất dày này về nông thôn lao động cải tạo. Ba tháng sau, ta vừa hay được tận mắt trông thấy Thế tử của Ích Vương từ nông thôn trở về.
Tên thiếu niên sắc mặt sạm đen quỳ trong Trùng Hoa điện, ra sức dập đầu: “Bệ hạ, thần đệ biết sai rồi, xin người đừng bắt thần tử về nông gia nữa! Ăn thức ăn của chó lợn, làm việc nặng nhọc còn khổ sở hơn cả tạp dịch trong Vương phủ… Hoàng huynh…”
Nga Hoàng nói thầm bên tai ta: “Xem ra lần này Thế tử đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước trông Thế tử xanh xao vàng vọt, hai mắt thất thần, các ma ma trong cung đều nói hắn bị tửu sắc khoét rỗng thân xác…”
Lúc ta mới đến, tiểu cung nữ này rất nhút nhát, nào ngờ sau khi quen thuộc ta mới phát hiện, chuyện lớn nhỏ khắp trong cung chẳng có gì nàng ấy không biết. Nàng chỉ là con nít, trông lại thành thật nhát gan, mọi chuyện đều để trong lòng chứ không lên tiếng mà thôi.
Bọn ta trốn sau bình phong xem trò vui, Ích Vương nước mắt đầm đìa, chỉ vào con trai, tiếc rằng rèn sắt không thành thép: “Đều tại tên nghiệt tử nhà ngươi không chịu học hành tử tế. Bệ hạ trừng trị ngươi còn nhẹ, nhẽ ra phải cho ngươi ở quê cả đời, khắc ghi việc đồng áng bán mặt cho đất bán lưng cho trời!”
Nga Hoàng lại thì thầm với ta: “Đây chỉ là lời giận dữ của Ích Vương thôi. Nghe các ma ma nói, Ích Vương có độc một người con trai, yêu thương con đến nỗi nó đòi sao thì không dám đưa trăng. Trong phủ thê thiếp của hắn chất đống mà còn suốt ngày chạy tới thanh lâu, dẫn theo con em hoàng thân quốc thích nhiễu loạn suốt ngày, làm Vương phi đổ bệnh mấy lần liền, dứt khoát về điền trang niệm Phật, việc trong phủ bỏ lại cho Trắc phi sắp xếp.”
Phượng Triều Văn nghiêm nghị: “Chi bằng cứ làm theo lời Vương thúc, Thế tử lại về quê rèn luyện thêm mấy tháng nữa nhé?”
Cơ thể ục ịch của Ích Vương không nén được, run lên cầm cập. Ta cảm giác ông ta đang đau lòng lắm đây.
Thế tử của Ích Vương cũng khóc lóc om sòm. Phượng Triều Văn day day trán, dáng vẻ bó tay: “Vương thúc mau đứng dậy đi.”
Ích Vương ngoan ngoãn bò dậy, đứng một bên im như thóc.
Nghe đâu Tiên đế Đại Tề có bảy huynh đệ, lúc ban đầu Phượng Triều Văn làm Thái tử, những thúc thúc này đều rất xét nét hắn, chỉ vì hắn bỗng chốc có được thiên hạ, nhận lấy giang sơn từ tay cha mình. Sau khi đăng cơ hắn quay lại tạo một loạt khó dễ cho những người này, khiến họ phải an phận một thời gian. Bách tính đều khen ngơi tân đế, nhưng nhắc đến hắn, hoàng thân quốc thích đều kinh hồn táng đảm.
Nghe nói hắn không chịu nổi một hạt cát trong mắt, thưởng phạt phân minh, dẹp yên bè lũ thần tử đoạt quyền, chẳng có mấy người dám ỷ được sủng hạnh mà kiêu ngạo.
Nét mặt Phượng Triều Văn đã giãn ra một chút, thân thiết hơn nhiều với Ích Vương: “Vương thúc à, con cháu hoàng thất tiền triều ngang tàng, đế vương xa hoa phung phí, vậy mới mất nước. Nay thiên hạ thái bình, hoàng tộc Đại Tề ta phải là tấm gương cho thiên hạ noi theo, trẫm nghe nói thê thiếp trong phủ hoàng đệ so với hậu cung của trẫm còn…”
Trên trán hai cha con lấm tấm mồ hôi, vội dìu nhau xuất cung, một hàng thái giám theo sau bê tặng phẩm ngự ban của Phượng Triều Văn.
Chiêu này của hắn quả là diệu kế, đánh một mà xoa hai.
Đợi cặp cha con này đi khuất bóng, Phượng Triều Văn mới nói: “Xem đủ chưa? Đủ rồi thì ra đây.”
Nga Hoàng nép vào sau người ta, nàng lại trở thành cung nữ thật thà nhát gan, vội cung kính khom lưng: “Cô nương, bệ hạ gọi người kìa.”
Ta lề rề bước ra từ sau tấm bình phong, đến trước mặt Phượng Triều Văn, bỗng bị hắn kéo đến ôm vào lòng, vân vê nốt chai trong lòng bàn tay ta, sắc mặt cảm thông: “Những tháng ngày xa trẫm, nàng phải chịu vất vả rồi…”
Giờ đây ta rất hiểu đạo lý sinh tồn, nếu không phải ta nhanh nhẹn tránh được mũi tên phóng ra ở Cẩm Tú các kia thì sớm đã bị hắn bắn xuyên người rồi. Ta cười híp mắt, gật đầu lia lịa, thẳng thắn thừa nhận: “Cơm không đủ ba bữa, khổ cực lắm thưa bệ hạ!”
Trông hắn rất vừa lòng.
Giúp Hoàng đế bệ hạ vui vẻ là trách nhiệm của thần tử, tù binh như ta cũng không ngoại lệ.
Cuộc sống mới của ta bắt đầu bằng việc lưu vong dưới trời sao, kết thúc bằng một cái đùi gà vô tội, những cực nhọc trong quãng thời gian ấy không cần thiết phải nói, lòng ta chợt bùi ngùi: Những ẩn sĩ là văn nhân tri thức qua các triều đại về quê ở ẩn, chắc chắn tiền bạc dư dả, nhà có tôi tớ, ruộng đất có người chăm lo, còn họ chỉ việc rảnh rang tiêu xài, ăn no cơm rồi mới có sức đả kích chính quyền.
Bằng không, con nhà quan chưa từng nếm cơm, mặc áo nhà nông như ta mà bị mê hoặc bởi thơ từ quy ẩn thơm mùi mực, rồi vui mừng sải cánh giữa thế gian rộng lớn, chưa đói chết là may, tiền đâu mua bút mực?
Cho dù ta có thốt ra mấy câu bất bình, Hoàng đế bệ hạ cũng chẳng nghe thấy, càng không thể truyền xướng thiên hạ.
Bởi vậy, ta cảm kích Hoàng đế bệ hạ Phượng Triều Văn rất nhiều, mặc dù hắn săn bắn bắt nhốt ta vào lồng, nhưng lần đầu tiên trong đời ta nghi ngờ phương châm giáo dục của cha mình có sai sót: Dù gì cha cũng có chút bản lĩnh, không làm tướng quân mà làm tay mổ lợn vẫn có khả năng sống sót qua ngày. Thế mà dạy dỗ con gái là ta đây thành đứa ỷ lại lười nhác, xa rời thực tế, lại còn mơ mộng giúp ta tự lập tự túc giữa đời, có phải là đòi hỏi quá cao không?
Chắc ta cứ nên ngoan ngoãn sống trong cái lồng thôi.
Vào một ngày tháng Sáu, Phượng Triều Văn trở về Trùng Hoa điện, mang theo mấy vị thái y. Sau khi những thái y đó vọng, văn, vấn, thiết ta xong xuôi, liền tránh sang một bên thì thầm to nhỏ. Ta không vừa ý chút nào trước hành vi này của họ, bèn vươn dài cổ nghe lén. Phượng Triều Văn đang ngồi ở giữa chuyện trò cùng thần tử, bỗng quay đầu lại, nghiêm mặt liếc nhìn ta: “Còn nghe nữa trẫm cắt đứt tai!”
Ta che tai theo bản năng, trong số các thái y, có một nam tử trẻ tuổi không nén nổi, bật cười “phì” một tiếng.
Mấy người già hơn một chút đều vê râu giả bộ không thèm đếm xỉa.
Sau khi họ đi khỏi, Nga Hoàng liền sắc thuốc cho ta một ngày ba bữa theo số lần ăn cơm.
Đến nay tâm tính ta rất bình thản độ lượng, đi khắp nơi rồi lại trở về chốn cũ, ngoài chủ tử và tôi tớ trong cung có sự thay đổi ra, cảnh vật vẫn như xưa. Phượng Triều Văn lúc rỗi rãi sẽ cùng ta dạo quanh trong cung, nếu ta nhớ lại những chuyện thú vị hồi nhỏ cũng sẽ kể cho hắn nghe và được chiêm ngưỡng nụ cười của hắn.
Có lần gặp phải Đức phi õng ẹo, nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của Đức phi, ta lắm lời chêm một câu: “Lúc rảnh rỗi bệ hạ cũng đi dạo cùng Đức phi đi!” Làm Phượng Triều Văn nổi giận, lôi tay ta vượt qua Đức phi đang nhìn ta cảm kích, trở về Trùng Hoa điện như nhanh như gió lốc.
Thuốc uống tối ngày hôm ấy đắng vô cùng.
Ta uống một ngụm, suýt phun ra ngoài, cau mày hỏi Nga Hoàng: “Thuốc này đã cho thêm mấy cân Hoàng Liên thế? Sao hôm nay đắng khủng khiếp vậy.”
Chỉ là thuận miệng nói bừa, nào ngờ Nga Hoàng đáp: “Thuốc tối nay do chính tay bệ hạ sắc, Điền tổng quản còn phải chạy qua Thái y viện một phen đó.” Thấy ta có vẻ định đổ đi, nàng quỳ sụp xuống: “Cô nương ơi là cô nương, bệ hạ đặc biệt dặn dò, nô tì nhất định phài nhìn thấy cô nương uống cạn, nếu cô nương làm rơi làm đổ, cái đầu của nô tì chắc khó giữ rồi!”
Ta hậm hực lườm Nga Hoàng: “Cái đầu của ngươi liên quan gì đến ta?”
Nàng ấy ngơ ngác nhìn ta, bộ dáng hết sức đáng thương.
Ta ngửa cổ uống quá nửa bát thuốc, đắng đến nỗi ta sắp run cầm cập. Nàng ấy lên trước định đỡ bát thuốc, ta nhìn ngụm thuốc cuối cùng ở đáy bát, lắc lắc đầu, “Ngươi lui xuống đi, bát thuốc này ta còn phải uống nốt.”
Buổi tối sau khi Phượng Triều Văn trở về điện tắm rửa xong xuôi, ta thấy hắn lên giường, liền len lén ngậm một ngụm thuốc, đến bên giường cọ cọ lên người hắn. Hắn vốn đang sầm mặt, thấy ta gắng sức động chạm lên người mình, biểu cảm bỗng trở nên dịu dàng.
Ta mừng thầm trong lòng, chu môi lên. Hắn không hề do dự lập tức hôn ta, bị ta mớm cho ngụm thuốc, dù Hoàng đế bệ hạ định lực hơn người cũng phải phun ra ngay tại chỗ.
Ta né nhanh như chớp, mặc hắn phun hết thuốc lên chăn nệm màu vàng kim.
“Nàng… Nàng…” Hắn tức đến nỗi không nói nổi một câu hoàn chỉnh.
Ta vội chạy đi rót cốc trà súc miệng: “Đắng chết ta mất rồi!”
Hắn trừng mắt nhìn ta, thấy ta không để ý, đành tự mình trèo xuống giường đi rót trà súc miệng. Sau đó lại quay đầu trừng mắt nhìn chăn đệm bị phun bẩn, lớn giọng gọi Điền Bỉnh Thanh vào thay mới.
Điền Bỉnh Thanh bước vào, trông thấy vệt thuốc trên giường, liền dùng ánh mắt tỏ ý ngưỡng mộ ta, quan sát đám cung nữ thay xong chăn đệm, hắn giũ vai rồi nhẹ nhàng ra ngoài.
Ta nghĩ hắn mà cứ giũ vai kiểu này, chưa đến lúc già thì hai tay cũng sắp rụng.
Ta rất lo cho hắn, bèn bám theo đến tận cửa điện, bỗng một giọng nói lạnh lùng vang lên phía sau lưng: “Muộn thế này rồi còn không ngủ à?”
Điền Bỉnh Thanh quay người cười xấu xa ngay trước mặt ta, “rầm” một tiếng đóng chặt cửa điện lại. Ta dựa lưng vào cửa, khách khí nói: “Bệ hạ nghỉ trước, bệ hạ nghỉ trước đi! Người cả ngày vất vả, chắc hôm nay thần ngủ trưa quá giấc rồi, nên giờ vẫn không buồn ngủ… không buồn ngủ chút nào…”
Cố nhân có nói: Đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên; đánh hai tiếng trống, dũng khí suy giảm; đánh ba tiếng trống, dũng khi mất sạch.
Phượng Triều Văn quét ánh nhìn lạnh lùng qua, bộ dạng định đứng dậy tóm lấy ta. Ta dựng tóc gáy, nhanh chân đi bưng ấm trà rót một chén, ân cần đưa cho hắn: “Bệ hạ khát rồi nhỉ? Uống ngụm trà nào, uống ngụm trà nào.”
Hắn đón lấy chén trà, tiện tay đặt lên chiếc bàn sơn mài nhỏ xinh khắc hoa cạnh giường, rồi vơ lấy ta, giày vò một trận nhớ đời…
Ngày hôm sau, khi ta sống dở chết dở trèo xuống từ trên long sàng, bèn âm thầm thề rằng: Sau này dù ta có mang lòng oán hận Hoàng đế bệ hạ, cũng nhất quyết không được phép báo thù.
Hắn là ví dụ điển hình cho câu “quan phóng hỏa không cho dân đốt đèn”.
Đối với những hành vi không được lòng người của Hoàng đế bệ hạ, bách tính nhỏ bé như ta đây ngoài việc âm thầm cắn răng chịu đựng, lẽ nào còn có cách khác hay sao?
truyen hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp