Đại Mạc Thương Lang

Chương 6: Chia nhóm


Chương trước Chương tiếp

Lúc đó, đội thăm dò có tất cả hai mươi ba người, cứ bốn người thành một nhóm, vì có bốn hướng nên sẽ chọn ra bốn nhóm, những người còn lại làm hậu bị chi viện, mỗi nhóm thăm dò sẽ đi cùng với một nửa tiểu đội công binh gồm năm chiến sĩ, làm công tác yểm trợ và mang vác trang thiết bị cho nhóm đó.

Hồi đó, cách phân chia số người trong một tiểu đội thường không cố định.

Đến đây tôi lại phải giải thích thêm một chút, thực ra đội cán bộ kĩ thuật khảo sát trực thuộc binh chủng kĩ thuật đặc biệt, thuộc công trình khai thác địa chất, còn lính công binh lại thuộc binh chủng lục quân, hai đối tượng này được quản lí theo hai hệ thống riêng biệt. So với lính công binh, chúng tôi hiển nhiên được thoải mái hơn, bình thường chúng tôi không phải chịu những quy chế nghiêm ngặt, hà khắc của quân đội, mà lại vẫn có quân hàm quân hiệu đàng hoàng.

Binh chủng kĩ thuật khi đó vẫn thuộc biên chế chính thức. Khi chúng tôi nhập ngũ cũng phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt. Tuy là được rèn luyện như thế, nhưng trải qua bao năm làm việc với cường độ cao, chúng tôi hầu như không còn giữ được thể chất như khi mới làm nghề, cho nên việc có tiểu đội công binh ở bên cạnh hỗ trợ quả là cần thiết, đặc biệt là với việc khảo sát kiểu hang ống thế này. Dây thừng mang theo rất nhiều và nặng, đường vào lại có nhiều vách đá cheo leo hoặc các khe nứt nguy hiểm, chắc chắn sẽ rất tốn sức, nên có thêm vài người mang đỡ các vật dụng, chúng tôi càng có khả năng đi vào sâu hơn.

Ngoài dây thừng ra, họ còn phải mag thêm một số đồ dùng vật dụng khác. Trước đây, khi tập luyện họ thường phải đeo khoảng hai mươi ki lô gam đồ và hành quân trên đoạn đường ba mươi cây số, cho nên, dù bây giờ không biết họ đang đeo những thứ gì ở trên lưng, nhưng xem cách thể hiện của họ thì xem ra vẫn nhẹ nhàng hơn chúng tôi.

Lúc đó tôi mải suy nghĩ về những gì anh Miêu nói, nên rất muốn gia nhập vào đội chi viện để đi, mục đích là lén xem tình hình thế nào, nhưng tiếc là người ta dựa vào tuổi tác để phân chia chúng tôi vào các nhóm. Trong đoàn, tôi thuộc diện ít tuổi nhất nên được phân vào nhóm thứ hai, cùng nhóm với Vương Tứ Xuyên và hai người đến từ Thiểm Tây, một người tên là Bùi Thanh, người kia tên là Trần Lạc Hộ.

Hai người này thực ra tôi cũng không lạ. Hồi trước, chúng tôi từng là đại biểu Đại hội về dầu mỏ Karamay[1], sau này cũng thường xuyên gặp nhau, có điều tôi không biết đơn vị của họ vì lần nào gặp cũng vội vã, họ đến thì tôi lại đi, cho nên ngoài việc chào nhau thì tôi không có ấn tượng gì với họ. Lần này được xem như là dịp để chúng tôi giao lưu kĩ hơn.

[1] Karamay: Một thành phố thuộc khu tự trị Tân Cương, phía bắc Trung Quốc.

Bùi Thanh là một thanh niên tóc bạc sớm, nhìn mặt cậu ta thì rõ ràng còn rất trẻ, nhưng tóc trên đầu thì đã bạc gần hết, dáng vẻ vừa già dặn vừa khổ sở. Cậu ta cũng khá kiêu ngạo, nghe nói cậu ta có học vấn rất cao, được coi là cán bộ cốt cán của đơn vị. Bình thường, cậu ta rất ít nói, nghe đâu cậu ta còn là một tay sát gái nữa.

Trần Lạc Hộ lại có bề ngoài đối lập với Bùi Thanh, mới nhìn đã thấy dáng vẻ của một người cấp dưới. Cậu ta nói tiếng phổ thông còn chưa sõi, có lúc chúng tôi kể chuyện cười với nhau, mà cậu ta đần mặt ra không cười, cả ngày chỉ “ừa, tui hỉu rồi” “ủa ra là thía” “bùn cười thiệt” v.v.. nghe rất ngộ. Tiếc là người này có chút gian gian, nhìn qua đã thấy lòng dạ hẹp hòi, cần phải đề phòng, đây là kiểu tiểu nhân mà cơ quan nào cũng có, nên chúng tôi cũng không thèm chấp cậu ta.

Hồi đó, năm người bên tiểu đội công binh giống chúng tôi ở chỗ tất cả cùng thuộc tiểu đội 4, đại đội 6, binh đoàn quân sự Nội Mông Cổ. Đội phó hình như có tên là Kháng Mỹ thì phải, bốn cậu lính còn lại đều là những người lạ mặt, vẻ ngoài còn rất trẻ, hồi đó chúng tôi cũng không giới thiệu với nhau nhiều, khi gặp nhau thì chỉ gật đầu một cái, nhận mặt cho quen là được rồi.

Về phần vũ khí, đội phó đeo khẩu K56, bốn người khác đeo khẩu K54, dây đạn đeo đầy quanh ngực. Vương Tứ Xuyên khoác lác với bọn họ là khả năng phía nam của động có thể có thú dữ, còn chỗ này, nhiều nhất vẫn là dơi. Nhiệt độ trong động rất thấp, nên những loại động vật máu lạnh cũng không chọn nơi này để trú chân, những loài như gấu cũng không thể trèo nổi vào chỗ này. Điều cần phải lo lắng nhất là giữ được nhiệt độ và có không khí để thở, song về phương diện này, mấy anh lính công binh chẳng hề tỏ ra lo lắng gì

Dĩ nhiên, có thể những cậu lính kia không tin lời chúng tôi. Mọi người trong nhóm của tôi đều từ chối mang súng, chỉ đeo những túi vũ trang. Các vật dụng được chia thành từng phần, mỗi người mang một thứ, tôi được phân công mang xẻng và rìu khai thác chuyên dụng. Tôi thấy thật may, vì những vật dụng này đều có thể dùng để phòng thân, lại khá nhẹ. Vương Tứ Xuyên thì phải đeo trên người những vật dụng cho nhà bếp, nhất cử nhất động của cậu lại kéo theo một loạt tiếng lẻng xẻng, nên cậu ta có phần bất mãn với tổ chức.

Sau khi đã chuẩn bị xong vật dụng, từng người chúng tôi được ngồi lên ròng rọc để thả xuống đáy động. Sự việc này đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in, hơn hai trăm mét ngồi ròng rọc, cứ hạ dần từng chút từng chút một, ngồi trên đó giống như ngồi xích đu vậy, cảm giác như mình có thể thình lình mất mạng bất cứ lúc nào. Tôi thì cho rằng nếu dùng dây thừng để tụt xuống dưới, như vậy sẽ tiện hơn ngồi ròng rọc rất nhiều vì việc leo trèo vách đá hay xuống hang động đối với chúng tôi thường xuyên như ăn cơm bữa, hơn hai trăm mét xem ra cũng không phải là sâu, hồi còn ở Sơn Tây, chúng tôi còn leo trèo trong địa hình gian khổ hơn nhiều ấy chứ.

Vì nơi này thế động phức tạp, có chỗ khúc khuỷu, có chỗ bị uốn cong, nên ban đầu còn có ánh sáng, xuống khoảng ba mươi mét thì đã tối hơn, hướng đi cũng thay đổi, đi xuống tiếp khoảng năm sáu mươi mét nữa thì rơi vào trạng thái đen như mực, thêm một đoạn nữa thì lại có thể nhìn thấy ánh đèn ở bên dưới phản chiếu lên.

Ngồi trên ròng rọc, tôi cố gắng quan sát thật kĩ vách động xung quanh, những dấu vết trên động rõ ràng cho thấy hang động này được hình thành từ kỉ Cambri[2] và kỉ Ordovic[3], rõ ràng đây là một hang động kép, chắc chắn có đặc điểm cấu tạo động của loại hang ống dung nham[4].

[2] Kỉ Cambri: là một đơn vị phân chia chính trong niên đại địa chất, bắt đầu vào khoảng 542 triệu năm trước, vào cuối thời kì liên đại Nguyên Sinh và kết thúc vào khoảng 488,3 triệu năm trước, với sự khởi đầu của kỉ Ordovic.

[3] Kỉ Ordovic: là kỉ thứ hai trong số sáu kỉ (tại Bắc Mỹ là bảy kỉ) của đại Cổ Sinh. Nó diễn ra sau kỉ Cambri và ngay sau nó là kỉ Silur. Kỉ Ordovic, được đặt tên theo tên gọi của một bộ lạc người đã từng sinh sống tại vùng đất thuộc xứ Wales. Ngày nay, có tên gọi là Ordovices.

[4] Hang ống dung nham: là loại hang được hình thành do dung nham của núi lửa khi phun trào bao phủ lên mặt đất, có những chỗ địa hình không bằng phẳng, hay bao phủ lên những dòng suối, sông, sau đó dung nham nguội đi tạo nên những khoảng trống trong lòng nó.

Cuối cùng, tôi đã xuống được vị trí có thể nhìn ngắm được toàn cảnh động. Đáy động rộng ngang một sân vận động tiêu chuẩn, dưới đó toàn là nước, nước chảy lững lờ, đây rõ ràng là một dòng sông ngầm, song những cảnh bên dưới động cũng không mấy xa lạ nên tôi cũng không có cảm giác kinh ngạc gì.

Tôi còn thấy bên dưới có nhiều giá sắt vừa ghép lại, không biết đó là của người Nhật bỏ lại hay của đội chúng tôi mang xuống, ngoài ra còn có mấy cái đèn bão rất to và những vật dụng vừa được chuyển xuống, tất cả đều chất đống trên các giá. Các kĩ sư đang lấy những vật dụng vừa mang xuống ra, đó là những chiếc xuồng cao su chuyên dụng đã được gấp cẩn thận. Mấy chiếc vẫn còn không khí bên trong, vừa mở ra đã nổi dập dềnh trên mặt nước.

Nước có vẻ không sâu, rất nhiều người đi ủng đang đứng giữa dòng nước, Vương Tứ Xuyên xuống trước tôi, cậu ta đã kịp châm thuốc lá lên hút, vừa hút vừa cầm đèn pin soi bốn bề vách động.

Tôi đáp xuống chỗ cái giá sắt ở đáy động một cách ổn thỏa, theo thói quen nghề nghiệp, tôi lập tức bị hấp dẫn bởi những bí ẩn của hang động này, nên liền bật đèn pin cùng xem xét vách động xung quanh với những đồng nghiệp khác.

Mấy năm trước, khi mới vào nghề, tôi luôn cảm thấy hang động có sức hấp dẫn vô cùng đặc biệt với mình, đặc biệt là cảm giác thần bí, cần khám phá. Mỗi lần khám phá một hang động, tôi cảm thấy như mình đang được đứng ở một chốn bên ngoài cõi nhân gian vậy. Người làm nghề khảo sát như chúng tôi thường coi hang động là huyết quản của các dãy núi, xuyên qua những hang động đó, bạn sẽ có cảm giác như mình đang được hít thở trong một bầu không khí đặc biệt khác lạ, và rồi bỗng nhiên bạn nhận ra rằng núi non cũng giống một cơ thể sống.

Nhưng bây giờ tôi chỉ quan sát địa hình nơi đây như một vị bác sĩ phụ khoa khám bệnh cho bệnh nhân, chỉ để ý những chỗ cần thiết mà thôi.

Trước đây khi ở Sơn Tây, tôi cũng từng gặp kiểu hang động này một lần, rất nhiều người gọi kiểu hang động này là “hố địa ngục”. Họ nói những hang này do thiên nhiên tạo thành nên đa số đều rất sâu, nhưng hang động này thậm chí còn phức tạp hơn rất nhiều những “hố địa ngục” thường gặp khác.

Động dung nham kép được hình thành bởi tác động đồng thời của địa chất và nước chảy ăn mòn, bởi vậy, cấu tạo của nó vô cùng phức tạp. Nó vừa có vô số các khe suối, khe đá nứt, vô số những nhũ đá, những mũ đá gồ ghề, lại có rất nhiều hang nhánh chằng chịt. Với những hang động đơn giản thì nước ở trong động chảy tương đối ổn định, nếu ngồi trên xuồng để xuôi theo dòng nước xuống hạ lưu thì cũng không xảy ra vấn đề gì nguy hiểm. Tuy nhiên, với cấu tạo địa chất của loại hang động này, rất có khả năng sẽ khác nhiều với các vùng địa tầng phổ thông khác. Nếu cứ để xuồng trôi xuôi theo dòng nước có thể bạn sẽ tới một thác nước cao trăm mét dốc thẳng từ trên xuống, lúc đó thì coi như xong đời, chẳng còn mảy may một hi vọng để sống sót trở về nào cho bạn. Vì vậy, khi thám hiểm loại hang động này, chúng tôi thường tránh việc đi vào sâu trong hang.

Nhưng lần này muốn tránh cũng không được, tôi quay lại định lên tiếng nhắc mấy cậu lính hãy buộc thêm đá vào đầu mỏ neo để tăng thêm trọng lượng thì đã thấy Trần Lạc Hộ đang làm việc đó.

Tôi lội xuống suối, nước ngập tới đầu gối, lạnh thấu xương, hai bên bờ có vô số những hang hốc nhỏ, nước từ bên này tuôn ra rồi lại chảy vào phía bên kia, tôi cứ nhìn mãi, rồi lại gần chỗ Vương Tứ Xuyên, thấy cậu ta đang chăm chú xem xét một vách đá bên bờ suối ngầm.

Vương Tứ Xuyên thấy tôi tới gần thì chỉ tay, ra hiệu cho tôi nhìn về phía đó, tôi cầm đèn pin chiếu tới chỗ cậu ta chỉ thì phát hiện vách đá mà Vương Tứ Xuyên đang quan sát nhẵn bóng, dường như nó bị phủ bởi một lớp sáp.

Tiếp đó, Vương Tứ Xuyên lấy đèn pin soi tới vài chỗ khác cho tôi xem, chỗ nào cũng có dấu vết tương tự như vậy. Tôi cảm thấy vô cùng kì lạ, quay sang hoang mang liếc nhìn cậu ta, ý hỏi dò: “Cậu thấy thế nào?”

Vương Tứ Xuyên thì thầm: “Đây là hiện thượng thủy tinh hóa nham thạch, có thể thấy cái động này đã từng trải qua một trận nổ hoặc cháy lớn”.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...