Làn khói xám nhanh chóng lan tỏa vào trong qua cánh cửa chưa đóng, với tốc độ đều đều, tạo cảm giác như thể nó rất ung dung tự tại. Do điều kiện thiếu ánh sáng, nên tôi không thể nhìn rõ mọi thứ. Chúng tôi giúp cậu lính đặt đội phó xuống, đến khi quay đầu lại nhìn, thấy cả phòng chờ đã tràn ngập làn khí đen kịt, ánh sáng trong phòng cũng bị thứ khói mù mịt kia làm cho tối sầm lại.
May mà, cánh cửa kín hơi phía trong đã chặn được đám sương mù lại. Thiết kế của cánh cửa “ba chống” cũ kĩ này ưu việt vượt xa sức tưởng tượng của chúng tôi, tuy vậy tôi vẫn ý thức cần tránh xa cánh cửa kia, chỉ sợ lỡ đâu đám khói chui qua khe cửa lọt vào thì nguy.
Tôi sợ cứng cả lưỡi, bụng nghĩ thầm nếu giờ này mình vẫn còn ở bên ngoài thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Có khi đã giống xác chết mà lúc trước chúng tôi tìm được dưới hố rồi.
Trần Lạc Hộ đứng bên cạnh gọi tôi đến giúp đỡ, chúng tôi dìu đội phó về phía bàn, đầu đội phó dính đầy máu, cậu lính thở hổn hển, chân tay luống ca luống cuống kiểm tra vết thương cho anh ấy.
Tôi hỏi cậu lính đã tìm thấy đội phó ở đâu? Cậu ta bảo tìm thấy ở đoạn dưới một chút, nơi lối thoát nước ngay giữa đập, phía trên chỗ ấy có các thanh giảm va chạm bằng xi măng, chúng có tác dụng ngăn không để người ngã xuống đập. Đội phó không may mắn như tôi, anh trượt mãi xuống dưới, cho đến khi bị mắc vào thanh ma sát mới dừng lại được. Lúc được tìm thấy, anh đã ngất đi. Từ phòng kĩ thuật có thể trượt xuống dưới đó, cậu lính cứ thế trượt xuôi, khi ấy lớp sương mù đã mấp mé ngay dưới chân, cũng may đội phó vẫn giữ chắc đèn pin trong tay, nên cậu lính mơi dễ dàng phát hiện ra anh, cậu ta vội vàng cõng anh lên đây. Lớp sương mù như thể bám theo chân họ bò vào tận phòng, cậu ta vội quá nên không kịp đóng cửa lại.
Chúng tôi đều là những người có chút kinh nghiệm cấp cứu, bởi công việc khảo sát bên ngoài rừng núi thường xuyên gặp phải tai nạn, đặc biệt là tai nạn rơi xuống núi. Lúc đó tay của tôi vẫn còn rất đau, dường như không nhấc lên được, nhưng tôi cắn răng nén đau cố gắng giúp đội phó cởi áo ra.
Kiểm tra sơ bộ, tôi thấy tim đội phó vẫn đập, mũi vẫn còn thở, nhưng người thì mê man bất tỉnh, toàn thân đã mềm nhũn, trên đầu có vết thương, có thể là do cú va chạm cuối cùng đã gây hôn mê. Vấn đề này xem ra cũng bình thường, tôi đã từng thấy có người ngã từ trên cây cao, bị đập đầu xuống máu chảy đầy đầu, thế mà ngày hôm sau băng bó xong xuôi lại leo cây như thường, nhưng tôi cũng thấy có người đi hái quả óc chó, bị ngã đập đầu vào hòn đá chỉ to bằng nắm tay thôi nhưng vẫn chết. Cậu lính xem ra rất nhanh nhẹn, thấy đội phó hôn mê như thế, cậu ta cứ nghẹn ngào. Tôi vỗ vai cậu ấy bảo đừng quá lo lắng, lúc đó mới thấy cánh tay của mình đau buốt tận xương.
Tôi giơ tay mình lên kiểm tra, có thể xác định là không bị gãy xương, hoặc không gãy nặng lắm, nhưng cổ tay bị sưng lên một cục, đau chết đi được, khả năng là bị trật khớp. Có điều bây giờ cũng không biết xử lý thế nào, đành cắn răng chịu đựng vậy.
Chúng tôi cầm máu cho đội phó, rồi để anh nằm nghỉ. Tôi hỏi thăm cậu lính xem mọi người đã đến đây như thế nào, làm sao mọi người tìm được căn phòng “ba chống” này.
Mặt cậu ta bỗng trở nên ngơ ngác không hiểu, cậu bảo không phải do cậu tìm ra mà là Viên Hỷ Lạc đã đưa họ tới đây.
Cậu kể: chiếc xuồng cứ thế bị nước đây đi, đi mãi tới tận con đập; họ tìm nơi bám để trèo lên, vừa mới leo lên tới nơi thì Viên Hỷ Lạc bỗng chạy đi như điên, cậu ta và Trần Lạc Hộ vội vã đuổi theo, cứ thế đuổi đến nơi này, đến được đây thì Viên Hỷ Lạc bỗng nhiên chui tọt vào góc kia, ngồi không động đậy gì nữa.
Tôi im lặng, kết cấu kiến trúc bên trong đập nước này rất phức tạp, phức tạp không phải ở chỗ có bao nhiêu phòng mà là cách sử dụng của nó không giống những căn phòng bình thường hay gặp. Chỗ này không hề có đường đi lối lại như trong các kiến trúc dành cho người bình thường ở. Đó cũng là nguyên nhân vì sao chúng tôi không bao giờ tự ý đi sâu thăm dò những kiến trúc bỏ hoang mà mình gặp trong những lần đi khảo sát khoáng sản. Ví như kiến trúc của xưởng hóa chất, bạn có muốn chạy nhanh ở trong đó, e rằng cũng chỉ chạy được chừng năm bước thì phải dừng lại, bởi vì có những chỗ bạn tưởng có đường để đi, thế nhưng thực tế nó không phải là đường. Kiến trúc của trạm thủy điện lại càng khác biệt, kết cấu của nó được thiết kế hoàn toàn để phục vụ cho khả năng chịu áp lực và máy phát điện. Vậy mà, Viên Hỷ Lạc có thể chạy một mạch qua từng ấy lối đi ngoằn ngoèo phức tạp, để chui vào căn phòng này. Điều này chứng minh, chắc chắn cô đã từng tới nơi này, không những vậy còn vô cùng quen thuộc đường đi lối lại ở đây.
Nghĩ tới đây tôi chợt thấy đau lòng, nếu đúng là như vậy thì hẳn cô ấy đã phải tốn rất nhiều công sức mới đến được nơi chúng tôi phát hiện thấy cô ấy, thế mà lũ chết giẫm bọn tôi lại mang cô ấy quay trở lại điểm xuất phát. Nếu không phải thần kinh cô ấy đang có vấn đề thì có lẽ cô đã bóp chết chúng tôi rồi.
Cậu lính còn kể, sương mù dâng lên lần này đã là lần thứ hai, lần trước tuy sương mù tràn ra cũng nhiều nhưng không bốc lên cao như bây giờ. Khi nghe tiếng còi cảnh báo, Viên Hỷ Lạc như phát điên, cô ấy vội vàng đóng ngay cửa lại. Cậu lính vốn là bộ đội công trình, kiến thức về khí độc và phương diện “ba dự phòng” tương đối phong phú, lúc đó chắc cậu ta cũng ý thức được loại sương mù này có chứa chất độc.
Tôi hỏi, theo lý giải của cậu thì tất cả những chuyện này là thế nào?
Cậu ta bảo, theo góc độ công trình thì nơi này chắc chắn phải có một thiết bị cảm ứng tự đo mực nước, khi mực nước trong đập dâng đến một độ cao nhất định thì thiết bị đó sẽ tự động bật áp[1] để xả nước, có thể thiết bị này được cài đặt tự động và hoạt động đúng quy luật ấy đã hơn hai chục năm nay rồi, hoặc có thể nó mới được khởi động trở lại cách đây không lâu.
[1] Áp: tức Aptomat.
Vực sâu phía dưới con đập này trông hun hút đến vậy. Cậu ta đoán, tầng sươmg mù dày đặc ở dưới đáy vực bị dòng thác chảy xuống với tốc độ cao đập bắn lên, sau dỡ từ chiếc tàu ngầm bị vứt bỏ. Nó được công nhân gia công rồi lắp đặt trong căn phòng này, dường như nhằm đối phó với hiện tượng địa chất đặc biệt ở đây.
Lúc đó, cũng chẳng có ai bàn bạc nghĩ cách cùng tôi, tôi đành một mình suy đoán xem rốt cuộc nơi đây đã từng xảy ra chuyện gì.
Viên Hỷ Lạc rõ ràng đã quen thuộc nơi này như thế thì những người cùng đội với cô ấy chắc chắn cũng đã ở đây trong suốt một thời gian dài. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với họ nhưng nếu họ đã gặp phải thì chúng tôi cũng có khả năng sẽ gặp phải. Những gì tôi biết được lúc này là tâm trí của Viên Hỷ Lạc đã trở nên không bình thường và một người khác có khả năng là thành viên cùng đội khảo sát với cô đã trúng độc và chết trên đường đi mà chúng tôi đã gặp. Từ đó có thể khẳng định: những sự việc phát sinh ở nơi này đều không hề tốt đẹp.
Những người còn lại đã đi đâu? Theo lời Mã Tại Hải nói thì Viên Hỷ Lạc vô cùng kích động và khiếp sợ khi nhìn thấy đám sương mù bay lên, phải chăng những người còn lại đều đã hi sinh hết rồi? Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng khác là quân Nhật từng muốn làm gì ở đây?
Mọi vấn đề đều đi vào ngõ cụt, không có chút manh mối nào. Nhưng đúng lúc đó, một hình ảnh bỗng xẹt ngang đầu tôi: chiếc máy bay Shinzan, hình ảnh cái xác máy bay và đám mây ma quỷ khiến đầu tôi căng như dây đàn. Tất cả chỉ có từng ấy đầu mối, nghĩ đi nghĩ lại mãi mà vẫn không thêm được chút nào.
Chúng tôi ngồi trăn trở tìm lời giải đáp thêm ba giờ đồng hồ nữa, nhưng lớp sương mù vẫn chưa chịu tản đi. Tôi vừa khổ sở bất lực lại vừa vô vọng. Đầu óc quanh quẩn, hết nghĩ tới việc anh Miêu và Vương Tứ Xuyên không biết lúc này đang ở nơi đâu, còn sống hay đã chết, lại nghĩ đến việc chúng tôi phải làm cách nào mới có thể quay trở về được? Trong tình trạng suy nghĩ hỗn độn bùng nhùng và cơ thể mỏi mệt, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Lúc đó, tôi không hề biết rằng đó là giấc ngủ cuối cùng của tôi trong hang động này. Sau những cơn ác mộng chập chờn đến trong lúc ngủ, cơn ác mộng thực sự bắt đầu đến với tôi.
Khi tỉnh lại, tôi tiếp tục cố gắng thử bắt chuyện với Viên Hỷ Lạc một lần nữa, nhưng cuối cùng cũng phái đầu hàng. Nỗi sợ hãi ở người phụ nữ đáng thương này dường như dâng lên tới đỉnh điểm, cô ấy không nghe được gì, chỉ cần thấy tôi đang cố nói chuyện với mình, cô ấy lại càng co rúm lại, cố hết sức cúi đầu xuống tránh cái nhìn của tôi.
Tôi đành bỏ cuộc, bắt đầu bàn bạc với đội phó và Mã Tại Hải tìm cách thoát ra khỏi chỗ này.
Cũng may là theo lời Mã Tại Hải thì chiếc xuồng cao su của chúng tôi hãy còn neo đậu ở bên ngoài, nếu như dòng nước không quá xiết thì chúng tôi có thế bơi ngược dòng để trở lại. Thế nhưng, bây giờ tôi cũng không biết chúng tôi nên bơi ngược dòng theo con sông chính hay đi tìm cái động nơi chúng tôi bị rơi xuống lúc trước, và quay trở lại địa điểm chia tay với đội anh Miêu.
Con đường tốt nhất chính là con đường Viên Hỷ Lạc đã đi, chỉ có điều tôi không biết cô ấy đi theo đường nào? Giá như bây giờ cô ấy tỉnh táo, thì chúng tôi đã có hành trình cụ thể.
Đội phó nói, nếu tìm được tấm bản đồ hay bảng chỉ dẫn thì tốt quá, nơi đây chắc phải có những thứ đó. Nếu tìm thấy thì chúng tôi sẽ biết được kế hoạch trước đây của quân Nhật, nhờ đó có thể tìm ra con đường an toàn và ngắn nhất để quay ra, nơi này có khá nhiều trang thiết bị đã bị mục nát rồi. Nếu cứ nhắm mắt mà liều xông ra ngoài để tìm đường trở về thì e rằng khó thành công được.
Tôi cũng gật đầu đồng ý với ý kiến của đội phó. Việc này chỉ căn nhìn bản đồ là có thể hiểu ra nhiều vấn đề, có điều những tấm bản đồ như vậy chắc đã bị tiêu hủy trước lúc quân Nhật rời đi.
Mấy người chúng tôi bàn đi tính lại, đầu óc cũng sáng ra một chút. Lúc này, tôi cũng bớt căng thẳng hơn, bởi bất luận thế nào, lần quay trở về này chúng tôi đã biết đích đến có những gì, tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn một lựa chọn khác, đó là đi sâu tiếp vào bên trong. Song dù thế nào đi nữa, được phép lựa chọn đã là niềm hạnh phúc rồi. Ấy chính là chân lý mà mãi sau này tôi mới rút ra.
Có điều lúc đó, chúng tôi đã không ý thức được một vấn đề vô cùng quan trọng, vấn đề không nằm trong hành trình trở về của chúng tôi mà nó đang hiện diện ngay trước mắt.
Trong cả mười tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi đã thống nhất được kế hoạch, cũng thống kê lại được lượng lương thực và nhiên liệu mang theo. Nhìn ra bên ngoài cửa sổ, chúng tôi vẫn thấy lớp mây mù mịt bao quanh ở đó. Bỗng nhiên tôi nghĩ tới vấn đề then chốt nhất.
Đám mây kia sẽ còn bao vây phía ngoài đến bao giờ? Trời ạ! Một ngày hay một tháng?
Trước khi tôi nói vấn đề này ra, thì chưa ai nghĩ tới nó, trong đầu mọi người vẫn đinh ninh rằng đám mây mù kia sẽ nhanh chóng tan đi, ngay cả sau khi tôi đã nói ra, họ vẫn chưa ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, mọi người chỉ hơi lo lắng một chút và hi vọng rằng những dự đoán của tôi sẽ không thành sự thật. Mã Tại Hải nói với tôi rằng lần trước đám mây không dâng lên cao như lúc này, và nó tan đi rất nhanh. Cậu ta chắc chắn chỉ khoảng vài tiếng nữa, đám mây sẽ tan đi hết, nếu không những cơn gió mạnh ngoài kia cũng thổi tan nó ngay thôi.
Đương nhiên là tôi cũng mong như thế, bởi trong tình trạng này tìm một lý do khiến mình thấy yên tâm còn đễ chịu hơn cứ để mình phải lo lắng. Lúc ấy, cả hội đều quên khuấy phán đoán ban đầu của tôi.
Đám sương mù quỷ quái này bị dòng thác dài bất tận đánh bật lên lên từ độ sâu muôn trượng. Bây giờ, dòng nước đó vẫn không ngừng chảy, đương nhiên đám sương mù sẽ không thế ngừng cuộn dâng lên cao, có mà đợi đến sang tiểu sành mới mong mây sương tan đi được. Bởi vậy, rất nhanh sau đó, chúng tôi liền nhận ra suy luận của Mã Tại Hải không thể đứng vững.
Chúng tôi im lặng, tiếp tục chờ đợi năm sáu tiếng nữa trong cảm giác thấp thỏm không yên; còn đám sương mù vẫn phủ đây quanh ô cửa sổ, không hề thấy dấu hiệu suy giảm.
Lúc này, nỗi lo sợ mơ hồ lúc trước dần trở thành hiện thực, chúng tôi đành chấp nhận thực tế rằng rất có thể đám mây kia sẽ không thể tan đi trong một khoảng thời gian ngắn.
Có thể nói thế này, chấp nhận thực tế lúc đó với chúng tôi chẳng khác gì phải đối diện một nỗi thống khổ, điều đó có nghĩa là trong chốc lát kế hoạch rời đi của chúng tôi đã bị kéo dài vô thời hạn, và tôi hiểu rằng sự chờ đợi vô nghĩa lúc này của chúng tôi chẳng khác gì hình ảnh con đà điểu giấu đầu trong cát để trốn kẻ thù.
Lúc này, chúng tôi phải tính toán lại, những bàn bạc, kế hoạch hăng hái khi nãy giờ nhìn lại sao thấy giống trò cười, cảnh ngộ này cũng khá ngại ngùng.
Đội phó và Mã Tại Hải an ủi tôi cần phải kiên nhẫn, lúc này mà lo nghĩ thì chỉ tổ càng rối thêm. Nhưng tôi đáp lại bọn họ, cho rằng lúc này chúng ta cần phải đối diện với hiện thực, nếu cửa xả lũ không đóng lại, đám sương mù sẽ càng dâng cao, không thể tản đi được. Giờ đây, chúng tôi sẽ buộc phải chọn lựa: một là chúng tôi phải chia lương thực và nước uống ra, rồi cố mà cầm cự qua ngày, chờ đợi tới lúc đám mây kia tan đi; hai là phải nhanh chóng nghĩ ra cách thoát thân. Đặc biệt là với biện pháp thứ nhất, cho dù một tiếng sau sương mù có khả năng sẽ tan, nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị trước tâm lý rằng một tháng sau nó mới tan.
Nghe tôi nói xong, sắc mặt của Mã Tại Hải trở nên rất khó coi. Cậu ta bảo, thực ra vấn đề lương thực không cần quá lo lắng, trước khi đến đây họ mang theo mấy bao lương thực, đủ cả lương khô và rau xanh sấy khô, trong lúc vội vã đi cứu chúng tôi, họ đã vứt hết những vật dụng khác, chỉ mang chỗ lương thực ấy theo. Bây giờ vấn đề chủ yếu là nước, cậu ta và Trần Lạc Hộ, mỗi người chỉ có một bi đông nước,-mà một cái đã không còn đầy nước nữa.
Tôi nghe mà lặng cả người, bỗng chốc cổ họng cảm thấy khát ghê gớm. Lúc mới hành quân vào trong động một đoạn, tôi đã nghĩ tới chuyện nếu hết nước mang theo thì đành phải uống nước tiểu, nghĩ tới đó bỗng chốc người tôi cảm giác ngột ngạt khó chịu. Tôi thầm nghĩ, mẹ nó chứ, mình đúng là đồ thối mồm, bây giờ thì sự thực báo ứng rồi đây.
Lúc này, ống quần của chúng tôi cũng đã khô queo, bằng không cũng cố mà vắt ra ít nước. Trong đầu tôi liên tục nảy ra bao nhiêu ý tưởng, nhưng rốt cuộc chẳng có tác đụng gì. Chỉ lát sau, tôi đã thấy tuyệt vọng.
Trong kí ức của mình, những lần nguy nan như thế này trên đường công tác không nhiều, lần nguy hiểm nhất là vào năm 1959 ở đông Tứ Xuyên, hồi đó tôi mới tham gia công tác, tôi được phân đi khảo sát trong một hang động, chúng tôi bị nước lũ nhốt trong động mất ba ngày hai đêm, may mà cuối cùng nước lũ cũng rút đi. Khi đó, đội chúng tôi có mười mấy người, lương thực và nước uống đều không thiếu, chỉ thiếu mỗi kinh nghiệm, cho nên cả lũ đều khóc lóc sợ hãi, còn bây giờ thì hay rồi, kinh nghiệm phong phú, chỉ thiếu mỗi nước, tình hình lúc này còn khóc dở mếu dở hơn trước nhiều.
Mã Tại Hải nói, nếu cứ ngồi trong cái hộp sắt này mà đợi sương tan, e rằng vận may phải lớn lắm mới cầu được ước thấy. Còn nếu đi chỗ khác, biết đâu lại tìm được cơ may đổi vận, ví như tìm được đường dẫn nước hay ống thông hơi nưóc cũ kỹ nào đó, có thể bên trong vẫn còn nước cũng nên. Tại sao ta lại không thử?
Tôi nghĩ thầm: nơi này tìm đâu ra đường dẫn nước. Tôi thấy cậu ta ngồi xổm xuống, tay chỉ vào lỗ thông khí dưới chân tường, cậu ta nói lỗ thông khí này chắc chắn thông với thiết bị lọc khí, đây là kĩ thuật mà người Đức đã sử dụng trong thế chiến thứ hai, sau này người Liên Xô học lỏm được. Trong các công trình ngầm dưới đất của nước ta hiện nay, đại bộ phận là những trang thiết bị tương tự thế này nhưng đã được cải tiến, vì vậy ở đây chắc cũng có ống thông khí.
Nghe cậu ta nói, tôi như thể lại tìm thấy tia hi vọng sống, thế nhưng cái ống thông khí bé thế này, chỉ chui lọt được đầu vào, chứ làm sao có thể chui được cả người qua.
Mã Tại Hải nói, người cậu ấy nhỏ, có lẽ không thành vấn đề, nói xong liền bước tới tháo tấm lưới chắn chuột ra, sau đó thò người vào thử xem có chui lọt không.
Tôi cũng ngồi xuống, vừa nhìn đã biết không thể chui qua được, kích cỡ của miệng ống nhỏ hơn so với vai của Mã Tại Hải, dù sao cậu ta cũng là đàn ông, vóc dáng của một quân nhân, làm sao có thể chui qua được. Hơn nữa xem đi xét lại thì có cố nhét cũng không nhét nổi một người qua cái ống này được.
Mã Tại Hải nghiêng đi nghiêng lại, cố gắng lách người chui vào nhưng dường như không thể nhích được tí nào, cuối cùng cậu ta bị vẹo cổ, đành phải chui ra.
Những người khác chắc chắn cũng không thể chui lọt. Trần Lạc Hộ có cái đầu rất to, thân hình của tôi vốn đã cao lớn, đội phó lại đang bị thương ở đầu, còn Viên Hỷ Lạc thì khỏi phải bàn, kế hoạch này coi như phá sản.
Tôi ngồi phệt xuống đất, buồn bã. Chúng tôi không ai nói với ai câu gì. Anh chàng Trần Lạc Hộ ngồi kế bên lại càng dở hơi, cứ ôm khư khư lấy cái bi đông nước vào lòng, như thể sợ chúng tôi giằng mất.
Tôi chẳng buồn đếm xỉa đến cậu ta, đầu óc tôi trống. Đúng lúc đó, bỗng có tiếng động vang lên, đúng là họa vô đơn chí, đèn báo khẩn cấp trong khoang kín tự nhiên phụt tắt. Chúng tôi ngửi thấy mùi khét lẹt, chắc đường dây điện cũ quá nên bị cháy đứt.