Lúc đó chúng tôi đều ngây người ra, lẽ nào nơi đây đã là điểm đáy của động, là độ sâu một ngàn hai trăm mét so với mặt đất rồi?
Không thể nào, đồng hồ đo áp suất cho thấy độ sâu của chúng tôi hiện nay cũng chưa thể đạt đến một nửa con số đó, hơn nữa tính đến độ rộng của động này, nếu có chiếc máy bay thần bí nào đó ở dưới nước, vậy thì với chiều dài và độ cao đó, chúng tôi không thể không phát hiện ra điều gì, chiếu đèn xuống dưới, chắc chắn sẽ nhìn thấy bóng của chiếc máy bay. Đằng này, chỉ là một màn nước đen ngòm, chẳng nhìn thấy gì khác.
Vương Tứ Xuyên hỏi đội phó, đội phó liền trả lời đó không phải là loại máy bay thả bom, mà là một chiếc máy bay loại nhỏ, bên dưới còn có đường ray, chiếc máy bay bị giằng cố định vào đó bởi các sợi xích, xem ra nó đã bị tàn phá hư hỏng hoàn toàn rồi.
Mấy người trên xuồng hưng phấn khác thường, chỉ có tôi đang bị thương không thể lặn xuống để xem được, mặc dù trong lòng sốt ruột như lửa đốt, nhưng cũng đành đứng đó mà nhìn từng người một đang tranh nhau xuống, rồi mọi người lần lượt nhảy xuống dưới nước.
Tôi đợi họ phải đến một tiếng, cho đến khi anh Đường đứng trên bờ kêu gọi mọi người lên uống nước, lúc đó họ mới chịu lên, tất cả vừa lau người, vừa kể cho chúng tôi nghe những gì xảy ra bên dưới, người kể hăng nhất trong nhóm là Vương Tứ Xuyên, cậu ta trợn mắt rướn mày mà kể.
Dựa theo những gì họ thuật lại, chúng tôi đã vẽ được hình ảnh của chiếc máy bay. Sau đó, chúng tôi tổng kết lại được sau khi tra tài liệu, mới phát hiện một điều rất đặc biệt về chiếc máy bay đồng hạng với chiếc này. Lúc đó, một người lính vốn là kĩ sư cơ khí động lực học về máy bay trong Học viện chỉ huy không quân nhận định: “Khả năng đây chính là một chiếc máy bay loại Ki102[1], loại máy bay này rất nổi tiếng”, người kĩ sư ấy nói thêm rằng nếu thực sự chúng tôi đã phát hiện ra chiếc máy bay này dưới đó, thì chứng tỏ người Nhật đã coi sự việc này không hề bình thường, bởi vì thời bấy giờ, đây là loại máy bay chiến đấu chỉ về đêm mới xuất hiện.
[1] Máy bay Kawasaki Ki-102: Một kiểu máy bay tiêm kích hạng nặng hai động cơ hai chỗ ngồi của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Có ba phiên bản được dự trù: kiểu Ki-102a tiêm kích bay ngày, kiểu Ki-102b cường kích và kiểu Ki-102c tiêm kích bay đêm. Phe Đồng Minh đặt tên cho nó là Randy. Nó được đưa vào hoạt động từ năm 1944, nhưng chỉ có các hoạt động hạn chế.
Hồi đó, chúng tôi không có nhiều cơ hội để tận mắt nhìn thấy một chiếc máy bay, nên căn bản không thể lý giải được chuyện này, chỉ biết là cái xác máy bay đó đang nằm nghiêng trượt trên đường ray, dây cáp điện có nối đến chỗ đó, có một số máy móc kì lạ đang mắc vào mấy khe đá, chắc là một loại thiết bị đường ray mò khoáng sản. Hai cánh của máy bay đã bị phá hủy hoàn toàn, phần đầu cũng bị đâm bóp méo, chứng tỏ rằng việc hạ cánh khẩn cấp của chiếc máy bay đã thất bại, điều đáng ngạc nhiên là tại sao nó lại xuất hiện ở nơi này?
Khi đó, chúng tôi đã rút ra một định nghĩa về khái niệm “kì quái” là: Tất cả những sự việc được gọi là kì quái có nghĩa là nó xuất hiện ở những nơi không đáng xuất hiện. Bây giờ ngẫm lại vẫn thấy đúng.
Thậm chí Vương Tứ Xuyên còn phân tích rằng phải chăng người Nhật đã xây một kho vũ khí bên dưới lòng đất, rồi đem giấu cái máy bay chưa kịp chuyển đi này nhằm mục đích khi quay trở lại chiến đấu thì đem ra dùng tiếp?
Nhưng tôi thấy tốn bao công sức chỉ để chôn giấu một chiếc máy bay như thế này thì e rằng không hợp lý nên liền phản bác: “Tuy người Nhật thường làm những chuyện ngược đời khác người thật, nhưng họ không phải là kẻ ngốc, cậu đừng có bịa họ giống như trên phim, vẽ rắn thêm chân!”
Những người lúc nãy không lặn xuống nghe mọi người kể vậy lại đâm ra hiếu kì, cũng muốn lặn xuống xem thử, thế nhưng anh Đường sợ xảy ra nguy hiểm nên nghiêm cấm mọi người nhảy xuống. Mấy người đó đành phải túm tụm quanh chỗ Vương Tứ Xuyên, bảo cậu ta tường thuật lại từ đầu. Vương Tứ Xuyên là tay mồm mép, được gãi đúng chỗ ngứa nên cứ tồ tồ kể lại, không quên thêm mắm thêm muối vào.
Anh Đường có vẻ cũng phấn khởi, cùng bàn bạc với anh Miêu, anh ta chắc chắn có dây cáp điện thì đường đi phía trước sẽ dễ đi hơn, bên dưới dòng nước có đường sắt có nghĩa là trước khi nước lụt dâng thì nơi đây mực nước khá nông, và đã có đường sắt có nghĩa là ở khu vực này đất không bị dốc bất thường, địa hình khá ổn định.
Thế là chúng tôi quyết định xuất phát ngay, không nên ngồi đây để phí thời gian thêm nữa. Mọi người nghe hiệu lệnh, lập tức khẩn trương chỉnh đốn tư trang, mặc quân phục vào, tiếp tục lên đường đi sâu vào trong động.
Sự thực đã chứng minh rằng kinh nghiệm dày dặn của anh Đường hoàn toàn đúng, chúng tôi cứ theo dây cáp điện mà đi, dựa vào vách động nhích lên trước từng chút, từng chút một, không lâu sau đã thấy xuất hiện cấp cứu chuyên dụng, rõ ràng đi đến đây đã khám phá ra nhiều điều trong hang động này, nếu nơi này không có địa thế bằng phẳng và đường đi tốt thì không thể làm được điều này.
Rõ ràng là anh Miêu cũng không muốn lãng phí chút thời gian nào,
Sau khi xem xét tình hình anh Đường nói: “Quanh đây nhất định có máy phát điện.”
Quả đúng như dự đoán, chúng tôi di chuyển qua một nhánh rẽ thì thấy một giàn giáo bằng xi măng nối vào vách đá, dưới vách đá là một hốc sâu hun hút, bốn phía quanh nó được rào chắn bởi hàng rào sắt, các sợi dây cáp điện đều kéo xuống cái hố ấy.
Anh Đường nói chắc máy phát điện nằm dưới cái hố này, đây chính là trung tâm phân phối điện, từ trong đó thòi ra mấy sợi dây điện, chắc chắn trong số đó có một sợi dẫn đến điểm cuối của động.
Lúc này, ai tinh mắt cũng có thể quan sát được bên trên giàn giáo có các chòi gác, những tấm lưới sắt, đèn khảo sát chuyên dụng, bên dưới cái giá còn có một cuộn thang được làm sơ sài bằng sợi thép. Bỗng một người kêu lên, chúng tôi nhìn theo phía tay cậu ta chỉ, thấy ở bên dưới giàn giáo có hai túp lều bạt, túi ngủ và ba lô. Nhìn chỗ đồ vật này chúng tôi biết đó không phải là của người Nhật để lại, mà chúng mới ở đó trong thời gian gần đây.
Anh Miêu lập tức đứng dậy bảo anh Đường: “Mau đi sang bên đó!”
Trèo lên trên mặt bê tông, tôi chợt có cảm giác vô cùng quen thuộc, dù đây là những gì do người Nhật làm, một bên giàn giáo có ghi dòng chữ “x Công nghiệp nặng Kawasaki phối hợp với Bộ đội mỏ quặng 076”, bên dưới giàn giáo khá khô ráo, chúng tôi đi xuống dưới, nhìn thấy mấy cái lều bạt đó đều là của quân giải phóng Trung Quốc, đó chắc chắn là một doanh trại mới lập gần đây.
Quả nhiên, đã có một đội khảo sát khác tới trước chúng tôi, thực ra tôi luôn cảm thấy những chuyện này là có thực, bây giờ lại có thêm những chứng cứ rõ ràng, tôi càng chắc chắn vào linh cảm của mình.
Đặc biệt là những chiếc lều bạt, sau lúc nhìn thấy chúng khi mới bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi đã vứt bỏ hết mớ lều bạt đi, nơi này có lều bạt, có nghĩa là trong đoàn khảo sát này có nữ công nhân. Có thể không chỉ có một người. Lúc trước nhóm Viên Hỷ Lạc chắc đã đi qua đây.
Anh Miêu bảo chúng tôi dừng lại ở chỗ này, sau đó ra lệnh cho mọi người đi khảo sát, cả cậu lính đến cùng với anh lúc trước cũng được phân đi thăm dò, mọi người khảo sát toàn bộ chỗ cái giá làm bằng bê tông. Rất nhanh sau đó đã có phát hiện mới, chúng tôi leo cầu thang sắt lên tầng hai, trên đó có một lũy chắn công sự được xây bằng các bao cát, bên trong nó có một phòng nghỉ, chúng tôi ngửi thấy mùi ẩm mốc phát ra từ đó, dưới nền đất lộn xộn, bừa bộn. Chúng tôi nhìn thấy chỗ mắc nối dây điện ở đó, có cả giường, cả bàn làm việc được sơn màu xanh, có một chiếc điện thoại kiểu quay số đặt trên cái giá bên cạnh bàn, thậm chí trên giá súng vẫn còn treo một khẩu súng gắn lưỡi lê.
Nếu như có nhện thì chắc cả động này đã bị phủ đầy tơ nhện rồi, nhưng chắc là không có, hơn nữa cũng không có nhiều bụi, xem ra ở đây chỉ có nhiều mốc, mốc phủ lên hầu hết các vật dụng, tôi cảm thấy khác ngạc nhiên, dường như người Nhật vừa mới rời khỏi nơi này không lâu.
Cậu lính chú ý tìm kiếm ở chỗ cái bàn sơn màu, chúng tôi thấy trên bàn vẫn còn cả những đồ dùng như bát ăn cơm và bi đông nước, chắc rằng người anh Miêu cần tìm đã từng ăn uống ở nơi này.
Những chỗ còn lại không có gì hấp dẫn chúng tôi cả, chúng tôi đi một vòng không còn phát hiện ra thứ đặc biệt khác.
Mấy người chúng tôi bàn bạc, thống nhất lấy nơi này làm trung tâm, bắt đầu khảo sát từ đây, vì nơi này là chỗ để đồ ăn thức uống thì chắc những người kia sẽ không thể đi xa được.
Đang lúc chúng tôi chuẩn bị chui ra khỏi lũy chắn thì một chuỗi âm thanh “reng reng reng” đột ngột vang lên khiến ai nấy đều giật mình thất kinh. Âm thanh đó vang lên giữa chốn hang sâu cùng cốc này cũng ảnh hưởng chẳng khác nào tiếng sấm nổ bên tai.
Tất cả chúng tôi đều dựng tóc gáy, lập tức ngoái đầu lại nhìn, hóa ra chiếc điện thoại cổ để trên giá bỗng nhiên đổ chuông.