Dạ Thuyền Xuy Địch Vũ Tiêu Tiêu

Chương 8: Bích đài liên


Chương trước Chương tiếp

Nước thơm phức, màn là rủ thấp, Bạch Loa mắc tấm áo dài trắng bằng vải gai lên bình phong, vắt khô mái tóc dài chấm lưng vừa gội.

Lục đậu, bách diệp, băng phiến, mỗi loại ba tiền; bạch phụ tử, bạch chỉ, bạch đàn hương, tùng hương, mỗi loại năm tiền, tất cả nghiền nhỏ, bọc vải cho vào nước tắm sẽ khiến da trắng trẻo, nõn nà. Ngày mai là ngày mồng sáu tháng sáu, nàng đốt hương tắm gội tiễn Hoa thần.

Trong căn phòng bên ngoài là một vùng hoa cỏ, con bạch anh vũ lim dim đậu trên giá.

Ánh nến lập lòe, một mình nàng lặng lẽ tắm rửa xong xuôi, cầm cây lược sừng trâu chải tóc, chợt thở dài cầm mấy sợi tóc dính vào lược lên ngắm nghía, đoạn lấy tấm gương nhỏ ra soi, chạnh lòng nhìn mấy nếp nhăn nơi khóe mắt.

Tấm gương đồng hình bầu dục bằng rộng không đầy bốn thốn, phía sau khảm hoa sen bằng kim ngân ti, rực rỡ như thật, có lẽ cái tên Hoa Kính xuất phát từ đó. Mép kính chạm hình rồng quấn quanh, nổi bật trên nền mây.

Tấm gương này chắc đã có từ xa xưa, năm tháng hằn dấu qua ánh sáng lạnh lùng. Gương tuy nhỏ nhưng ánh sáng phát ra nhu hòa khôn tả, nhất thời che mờ cả ánh nến trong phòng. Bạch Loa dựa vào tường soi gương, bất giác thảng thốt trước bản sao trong đó.

“Năm năm tháng tháng hoa còn đó

“Tháng tháng năm năm người đổi dời.”

(Bạch đầu ông vịnh – Lưu Hy Di) [Bản dịch thơ của Lãng Xẹt Tử]

Từ khi giáng thế đã bao năm rồi? Nàng mỉm cười với mình, nốt ruồi như giọt lệ chực rơi nơi khóe mắt khiến nụ cười đượm bi ý.

Ánh nến ảm đạm nhưng bạch y nữ tử soi gương thương thân chợt run rẩy, phảng phất nhìn thấy gì đó, chợt quơ tay ra sau lưng. Căn phòng trống trải, ngoài hoa cỏ, chỉ có con bạch anh vũ ngoẹo đầu lim dim.

“Tuyết nhi… Tuyết nhi.” Bạch Loa nhìn con anh vũ một lúc rồi quay lại soi gương, chợt cảm khái vô vàn buột miệng khẽ gọi, chạm tay vào mặt kính.

Trong gương ánh xạ gương mặt nàng dưới ánh nến cùng khung cảnh căn phòng, sau lưng nàng là một tiểu hài tử ôm vai, ngoẹo đầu ngủ gục trong đám hoa cỏ.

Một tiểu hài áo trắng để tóc trái đào.

“Tuyết nhi.” Bạch Loa ngưng thị vào tấm gương khẽ gọi, chợt nước mắt nhỏ xuống.

Sáng sớm, nàng tắm rửa xong xuôi, đóng cửa hiệu, chuẩn bị ra ngoài.

“Vù”, cửa chưa kịp khép, bóng trắng loáng qua khe hở, con bạch anh vũ Tuyết nhi lách qua, Bạch Loa không kịp thu tay về, kẹp phải lông đuôi khiến nó kêu vang.

“Tuyết nhi, không được ra ngoài!” Nàng nhíu mày, buông tay giữ cửa dặn: “Ở lại trông nhà mau.”

Nhưng bạch anh vũ tỏ vẻ bất phục, trừng cặp mắt như hai hạt đậu đen nhìn nàng, dựng đứng đuôi líu lo: “Đi thôi, đi thôi! Tuyết nhi muốn đi!”

“Muốn chết! Mau câm miệng cho ta.” Bạch Loa giật mình, nhìn quanh quất, cũng may trời mới tảng sáng, mấy cửa hiệu quanh đó chưa mở. Nàng tức giận kéo đuôi nó: “Mi còn lắm mồm nữa, coi chừng ta cắt lưỡi. Định dọa chết ta sao, tiểu súc sinh?”

“Tuyết nhi không phải là tiểu súc sinh! Không phải đâu!” Con anh vũ cơ hồ uống nhầm thuốc, tiếp tục khiến người khác kinh ngạc: “Hôm nay là hội tiễn Hoa thần, bao nhiêu là tỷ tỷ sẽ tới.”

“Câm mồm!” Bạch Loa nhận ra ngoài ngõ Thiên Thủy có người tới, vội bịt mỏ nó lại.

Anh vũ tỏ vẻ bất cam, vừa cào vừa mổ, trước mắt nàng chợt hiện lên hình ảnh hài tử ngoẹo đầu ngủ đêm qua, liền mềm lòng, khẽ thở dài, cúi xuống dặn: “Được rồi, được rồi, ta đem mi đi theo. Bất quá, dù mi nhìn thấy gì cũng không được lắm lời, hiểu chưa?”

Bạch anh vũ gật đầu liên tục, nàng thở phào thả lỏng tay.

Ra khỏi ngõ trời đã sáng rõ, các hàng quán lục tục mở cửa. Bình thường nàng không thân cận lắm với hàng xóm, chỉ khẽ gật đầu chào hỏi.

“Gả cho người ta! Lúc nào thì gả cho người ta!” Đột nhiên con anh vũ đang yên tĩnh chợt thốt lên một câu.

Nàng biến sắc, nhưng chưa kịp quát mắng thì Cố đại nương bán điểm tâm sáng vừa mở cửa đã mỉm cười: “Ái chà, con chim này còn lắm mồm hơn mấy bà mối, cả ngày toàn kêu gả cho người ta, không biết học theo ai.”

“Chắc vậy.” Bạch Loa khẽ vỗ về con chim đậu trên vai, Tuyết nhi lách tránh, nhẹ nhẹ nhàng nhàng đáp xuống cạnh gánh đậu tương của Cố đại nương, theo thói quen thò đầu vào, lôi ra một cái đĩa nhỏ.

“Ái chà chà, cô nương xem Tuyết nhi linh lợi quá.” Cố đại nương mỉm cười, vội dốc ống đựng sữa đậu nành, đổ ra một chút: “Anh vũ thích uống nó, đúng là kỳ lạ.”

Bạch Loa ngồi xuống chỗ quen thuộc, giận giữ liếc Tuyết nhi: sớm muộn gì tiểu súc sinh này cũng mua lấy phiền hà.

“Bạch cô nương vẫn dùng một bát sữa đậu nành, một đĩa bánh bao nhân đậu?” Phục vụ khách quen hàng ngày, Cố đại nương dọn đồ rất nhanh, thái độ vô cùng ân cần, đồ ăn bốc hơi nghi ngút lập tức được đưa lên: “Hôm nay đẹp trời, hiếm khi thấy Bạch cô nương muốn ra ngoài, có phải định đến Tây hồ dự hội tiễn Hoa thần?”

Bạch Loa cầm đũa lên, khẽ đầu, Cố đại nương cũng ngồi xuống, bắt đầu gợi chuyện: “Đúng rồi, tháng sáu sẽ tiễn Hoa thần, cô nương là người mở hiệu bán hoa cỏ, lẽ nào không đi cho được?”

Bạch Loa không đáp, cắn một miếng bánh bao nhân đậu, phong cách hết sức thanh nhã.

Trời còn sớm, khách chưa đông lắm, Cố đại nương không chịu im lặng, nhìn bạch y nữ tử tú lệ, thao thao bất tuyệt: “À, cô nương có biết đêm qua trong cung mất một thanh bảo kiếm? Nghe nói Cao Tông hoàng đế sốt ruột, bố trí trọng binh khắp các cửa thành, kiểm tra nghiêm ngặt.”

Bạch Loa ngẩn người, khóe miệng khẽ cười, Trạm Lô… Trạm Lô quả nhiên đã về Doanh Châu, sau này nàng càng phiêu linh giữa cõi đời.

“Bạch cô nương đúng là xinh đẹp, tôi thấy tam tiểu thư của Tăng gia hiệu xưng Lâm An đệ nhất mỹ nhân vị tất so nổi…” Cố đại nương lại quay về chủ đề quen thuộc, Bạch Loa mỉm cười, lắng nghe bà ta thia lia, thủy chung không trả lời.

Bà ta là người lắm lời nhưng lương thiện, chồng thật thà, vợ giữ trọn bổn phận, gia đình hòa thuận, phu thê cử án tề my, con cháu vui vẻ. Hình mẫu gia đình hạnh phúc trên đời đều thế, thành ra theo bản năng, Cố đại nương mới cảm thương cho người cô độc như nàng chăng?

Hóa ra trong mắt họ, nàng không hề hạnh phúc?

Nàng ăn xong, không nghe thấy những lời lải nhải bên tai, mãi đến lúc uống hết một nửa bát sữa đậu nành mới nghe thấy một câu, suýt nữa bị sặc.

“Bạch cô nương, lần trước tôi nhắc đến việc cầu thân, cô nương nói rằng phải viết thư hỏi ý cha mẹ, hiện tại có hồi âm chưa?”

Con bạch anh vũ đang chúi mỏ vào bát sữa cũng dừng uống, ngẩng lên nhìn, con ngươi mắt đen nhánh như hạt đậu đảo đi đảo lại, Bạch Loa tựa hồ thấy trong mắt nó hiện rõ vẻ cười nhạo.

“Quê nhà xa xôi, hiện giờ vẫn chưa có hồi đáp, cha mẹ chưa có ý kiến, Bạch Loa sao dám tự làm chủ.” Chật vật mãi mới uống hết ngụm sữa, gương mặt lạnh lùng của nàng chợt tỏ vẻ ngượng ngùng, đặt bát xuống đáp.

Cố đại nương tỏ vẻ tiếc rẻ, thở dài: “Mấy hôm trước tôi có đến Tằng gia, lão phu nhân hỏi thăm cô nương, nói rằng Bạch cô nương ở ngõ Thiên Thủy tài mạo xuất chúng, trồng được loại hoa hiếm thấy, e rằng cả Tằng gia trừ đại thiếu gia không ai sánh được với cô nương.”

“Tằng lão phu nhân quá khen.” Bạch Loa mỉm cười, cầm khăn lau miệng: “Bách hoa Tằng gia thịnh danh cao vời, có quyền có thế, luận về đạo trồng hoa xứng danh quốc thủ, Bạch Loa chỉ là thảo dân nhỏ nhoi, so thế nào được.”

“Nhưng cô nương trồng được gốc kim liên hoa đó, Tằng lão phu nhân đến giờ còn nhắc mãi.” Cố đại nương chợt tỏ vẻ kích động, tay chân vung vẩy: “Cây sen đó kim quang lấp lánh, cứ như hoa dưới chân Đại la thần tiên.”

Bạch Loa chỉ mỉm cười lắng nghe, nhưng mắt ánh lên tia lạnh lùng, hối hận khi xưa không nên đưa chậu kim liên hoa cho Cố đại nương, kết quả bị người Tằng gia nhìn thấy, phiền hà liền gõ cửa. Tằng gia đó, nghe nói đại thiếu gia còn chưa thành thân, không hiểu sao lại đến phiên nhị thiếu gia muốn lấy vợ?

Hình như cả hai nhi tử của Tằng gia đều không ra gì, đại thiếu gia tựa hồ đầu óc có vấn đề, ngây ngây ngô ngô, nhị công tử tuy bình thường, cũng coi là nhân tài, có điều lúc nào cũng ra vào chốn lầu Tần quán Sở, nổi danh phong lưu chủ nhân của Lâm An thành.

Còn chưa gặp, cũng không biết vuông tròn thế nào, họ đã định kéo nàng về, lẽ nào người một mình như nàng lại e ngại ai đó? Xem ra không thể ở lại Lâm An nữa, sau hai năm cư trú, nàng cũng muốn chuyển đến địa phương khác.

Nàng cất khăn, vẫy tay, bạch anh vũ không đợi nàng gọi, lập tức bay tới, đậu lên vai chủ.

“Bạch cô nương, tôi thấy cô nương gả cho Tằng gia nhị công tử vừa hay xứng đôi, ai nấy đều tài mạo nhất lưu, lại cùng đi chung một con đường, kết hôn rồi cùng trồng hoa ngắm trăng chẳng hay lắm ru?”

Cố đại nương cố khuyên nhủ nhưng Bạch Loa đã mỉm cười đứng dậy, lấy bạc vụn trong túi ra đặt xuống bàn, khẽ xin lỗi: “Đại nương, hôm nay sinh ý chắc tốt lắm, Bạch Loa không dám làm phiền đại nương.”

Ngày mùng sáu tháng sáu. Trồng cỏ gai.

Đó cũng là phong tục của tiết hạ chí, tiễn Hoa thần đi.

“Tây hồ đâu khác nàng Tây Tử,

Trang điểm cùng không, nét vẫn tình”

(Thơ Tô Đông Pha, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

Tây Hồ hôm nay như nàng mỹ nữ khoác áo hoa rực rỡ, đúng lúc chính giữa mùa hạ, “Hoa rụng tàn hồng hạnh xanh nở”, đâu đâu cũng thấy màu xanh màu đỏ đua chen.

Ven hồ, liễu xanh rũ bóng, tàng cây xòa mặt nước, trên cây treo những đóa hoa giả kết từ lụa các màu cùng cờ đuôi nheo bằng tơ viết tên các vị Hoa thần, có điều xuân qua đã lâu, cố níu kéo thế này cũng uổng công.

Nữ tử nhàn du ồn ào, qua lại như thoi đưa, những nhà có tiền đều bao hết đình đài quanh đó làm nơi nghỉ chân, người khác mỏi chân đành rải giấy ngồi nghỉ ngay ven hồ.

“Hoa chủ tường vi họ Trương tên Lệ Hoa.” Lật một sợi dây tơ hồng nhạt lên xem hàng chữ ghi trên đó, Bạch Loa mỉm cười, đoạn ngắm dải hoa tường vi nở bung, đua chen với lá xanh, bất giác ánh mắt nhìn vào một góc cây hoa, không nói gì.

“Tỷ tỷ! Tỷ tỷ!” Chợt con bạch anh vũ đậu trên vai nàng kêu lên, cũng nhìn vào một nơi trên cây hoa.

“Tuyết nhi, im ngay!” Nàng biến sắc khẽ quát, liền đó quay lại nhìn cây hoa, gật đầu cất bước.

Mai hoa Hoa thần Liễu Doanh Mai; hạnh hoa Hoa thần Dương Ngọc Hoàn; tường vi hoa Hoa thần Trương Lệ Hoa… tên các vị Hoa thần phất phới trong gió, tô điểm thêm sắc thái cho Tây Hồ xanh um. Bạch y nữ tử đem theo con anh vũ, chậm rãi rảo bước giữa vùng dây tơ cùng hoa lụa, mục quang chợt chạm vào một cây hoa đang nở đóa sau cùng, ánh lên thần sắc phức tạp, mỉm cười bước tới.

“Đi cả rồi…” Men theo bờ hồ, dần dần đến vùng trông toàn trúc, người thưa hẳn, chỉ còn lại màu xanh trải dài. Dõi mắt nhìn liễu rũ, nàng khẽ buông một câu.

“Bạch cô nương… là Bạch Loa cô nương?” Sau lưng vang lên tiếng chào, Bạch Loa thu lại thần sắc tịch mịch, tựa vào thân cây quay lại nhìn trung niên mỹ phụ vừa chào mình.

Vị phụ nhân ăn mặc theo kiểu người có tiền: váy thêu bách điệp xuyên hoa dát vàng, áo sa màu nguyệt bạch, tay phải thò khỏi áo, cổ tay có một tràng phật châu, ngón đeo nhẫn lam bảo thạch cầm một cây quạt trắng muốt. Thấy nàng quay lại liền tỏ vẻ vui mừng, vội vàng chạy tới: “Là Bạch cô nương! Trời ơi… thật rồi, là thật rồi, tôi lại gặp được cô nương.”

“Phu nhân là…” Bạch Loa tỏ vẻ nghi hoặc.

Mỹ phụ thấy nàng rụt rè, bất giác hơi ngừng lại, tỏ vẻ nóng lòng: “Tôi là Hưng Nương… Bạch cô nương quên rồi ư? Mười tám lăm trước ở Thanh Châu xảy ra lụt, nếu không có Bạch cô nương, cả nhà tôi đã chết đói rồi.” Vừa nói nàng ta vừa vén tay áo trái, cổ tay trống không, tựa hồ bị lợi khí cắt đứt.

“Thanh Châu?” Bạch Loa ngẫm nghĩ, thần sắc chợt giãn ra, mỉm cười: “Hoa ra là phu nhân, hiện giờ đã giàu có rồi.”

Mấy năm nay, Ngô Hưng Nương sống khá an nhàn nên đẫy đà hẳn, nghe Bạch Loa hỏi, mặt hơi đỏ lên: “Nhờ phúc của cô nương, tôi cũng dễ sống. Hơn mười năm rồi, tôi cũng già đi, đâu được trẻ trung như cô nương.” Vừa nói, nàng ta vừa liếc nhìn Bạch Loa, tỏ vẻ kinh ngạc trước nhan sắc hơn mười năm không đổi, nhưng dù gì nàng cũng là đại ân nhân nên không tiện hỏi nhiều.

Mắt nàng ta hơi đỏ lên, cúi đầu hạ giọng: “Bạch cô nương, hiện tại tôi sống ở Thiệu Hưng, hôm nay nhân có hội Hoa thần mới đưa nữ quyến đến Linh Ẩn tự dâng hương, gặp được cô nương đúng là ý trời. Đại ân của cô nương, phu thê Hưng Nương chưa bao giờ dám quên, chỉ sợ đời này không thể đền đáp.”

Bạch Loa mỉm cười, nốt rồi nơi khóe mắt như giọt lệ chực rơi xuống: “Phu nhân sống tốt là Bạch Loa cao hứng rồi, báo ân cái gì, hà tất nhắc lại chuyện xưa.”

Nàng đã gặp, đã hiểu vô số bí ẩn người thường không hiểu, nhưng có bao giờ nghĩ rằng trên đời có nữ tử rũ bỏ được quá khứ đau thương, giải thoát khỏi ác mộng mà sống vui vẻ chăng?

“Hôm nay tiễn xuân, nhà tôi bày yến ở Linh Ẩn thiền tự, Bạch cô nương đến nghỉ chân một chút được chăng?” Hưng Nương tỏ vẻ cảm kích, nhìn Bạch Loa với vẻ tha thiết, nàng ta biết tính tình ân nhân bình đạm, nên không nhắc đến chuyện báo ân nữa, chỉ sợ bạch y nữ tử bỏ đi, bèn cố mời mọc.

Bạch Loa vốn định lắc đầu nhưng thấy tự miếu nằm giữa vùng cây cối cao vút, loáng thoáng có tiếng phạn xướng, chợt nhớ ra một việc. Bạch anh vũ líu lo, cào vai chủ, nàng mỉm cười: “Vậy xin phiền phu nhân.”

Trong Linh Ẩn tự, hôm nay ai nấy đi dự hội Hoa thần nên khách dâng hương không đông, phật điện trang nghiêm khá trống trải. Bạch Loa vào tiểu viện bên hông chính điện uống mấy chén trà, nghe Hưng Nương kể lại gia cảnh, từ chuyện sau trận lụt Thanh Châu làm cách nào cùng chồng về quê cũ Thiệu Hưng, mấy năm nay kiếm tiền ra sao, đến việc con trai cưới vợ, năm nay sẽ lên kinh dự thi thanh y tú tài…

Nàng lặng lẽ lắng nghe, thỉnh thoảng xen ngang một câu, thấy Hưng Nương hiện giờ giàu có, lúc nói chuyện lộ ra vẻ hài lòng với hạnh phúc, khóe môi nàng hiện lên nụ cười. Thật sự đã vén mây thấy trăng, nàng ta không còn khốn đốn như lúc ở thành Thanh Châu.

Quả nhiên… Vậy cũng tốt. Vậy cũng tốt.

Tuy phải trải qua tai họa ly tán nhưng cuối cùng cũng có được ngày nay, sức sống cùng kiên nhẫn của nữ tử này vĩnh viễn không khiến nàng thất vọng, bất giác nàng thấy được an ủi.

Kể được nửa chừng, nghe thấy bên ngoài có tiếng bước chân, tiếng nữ quyến lao xao trò chuyện, đang theo lối rẽ ngoài hành lang đến tiểu viện. Hưng Nương mỉm cười, cầm khay trà lên: “À, Bạch cô nương, con gái và con dâu của tôi đang đến đây, tôi ra gọi chúng vào. Tôi và Đình Chương vẫn bày bài vị trường sinh, luôn kể với tiểu bối ân đức của cô nương, hôm nay tôi bảo chúng vào cúi lạy.”

Không đợi Bạch Loa hồi đáp, nàng ta mở cửa bước ra ngoài, lớn tiếng gọi. cả nhóm nữ tử trẻ tuổi đang hớn hở cười đùa ngắm hoa lụa, thấy phu nhân bước ra liền nghiêm chỉnh lại, cung cung kính kính hành lễ.

Toàn gia tộc, dù là các nam tử, thấy Hưng Nương đều cung kính như thế. Nghe kể lại, trong trận lụt nhiều năm trước, nữ lưu như nàng nhưng bằng vào đại đức đại nghĩa, cứu cả mấy vị trưởng bối trong gia tộc, vì thế đến nay không ai trong tộc không biết đến nhân phẩm của thê tử Đình Chương, luôn giữ ba phần kính sợ với nữ tử cụt tay này.

Mười tám năm trước, trận lụt ở Thanh Châu gần như khiến Ngô thị diệt tộc.

Lúc đó là Kiến Viêm nguyên niên, Kim binh tiến vào Trung Nguyên bắt đi Huy Khâm nhị đế. Cao Tông hoàng đế mới lên ngồi liền hoảng sợ, không dám đối đầu với quân lang hổ, bỏ chạy ra biển, để lại sơn hà ngập trong khói lửa.

Nàng ta gặp Bạch Loa giữa thời loạn lạc đó.

Nàng ta mới mười bảy tuổi, vừa được gả cho tiểu thương Ngô Đình Chương, bất ngờ bị cuốn vào ngôi thành đói khát.

Vì đói, vì lụt, dân Thanh Châu thành mất hết đạo đức lý trí, ăn bất cứ thứ gì để sống sót, tình cảnh lạnh người khi xảy ra nạn đói trong các triều đại trước, sau cùng cũng xuất hiện tại Thanh Châu.

Thái nhân.

Lấy người làm thức ăn.

Ở lò mổ, thường có người công khai bán thịt sống với giá cao hoặc đổi thức ăn khác.

Cả nhà Hưng Nương sắp chết đói, bà bà lớn tuổi nên không chịu nổi, người thân không còn nổi khí lực mang đi chôn, đành để mặc rữa nát trong nhà.

Công công cũng sắp nối gót, con đại bá nhị bá đều chết trong chiến loạn, hai lão nhân đều do hai vợ chồng nàng ta chiếu cố, nhưng lâu ngày không có hạt gạo vào bụng, thậm chí không còn sức nói tròn vành rõ chữ một câu.

Đình Chương tuy nóng ruột nhưng bản thân cũng đói rũ người, không thể tìm cách xóa đi cơn đói cho mấy lão nhân, toàn gia chỉ còn đợi ngày về chầu Diêm Vương. Hưng Nương thầm rơi lệ hạ quyết tâm, nói dối chồng đi tìm thức ăn, đi bán mình làm thái nhân.

Tộc phổ họ Ngô còn ghi một đoạn về nàng ta.

“Kiến Viêm nguyên niên, thiên hạ động loạn, Thanh Châu đói khát đến nỗi ăn cả thịt người, gọi là ‘thái nhân’, cả quan gia không cấm cản nổi. Ngô thị sa vào nguy khốn, không thể quay về. Hưng Nương, vợ Đình Chương tự đi bán thịt mình đổi thức ăn cho già trẻ trong nhà, ai ngờ lúc sắp làm thịt, đồ phu thấy xinh đẹp bèn buông lời khinh bạc, tiết phụ kiên quyết cự tuyệt, thà chết không tuân theo. Đồ tể phẫn hận mới đem Hưng Nương lăng trì, chặt đứt tay trái, tuy đau đớn đến hôn mê nhưng không hề hối hận. Có người khách qua đường thương cảm, bỏ tiền mua lại, rồi giúp cả nhà rời khỏi thành về nam, nhờ đó Ngô thị mới còn đến nay.”

Những lời rướm máu đó khiến cả nhà họ Ngô sau cơn đại nạn luôn kính sợ nữ tử cụt tay.

Lúc Hưng Nương đưa vãn bối vào, trong phòng đã trống không, bạch y nữ tử nào thấy tung tích.

Trung niên mỹ phụ thở dài, không để ý đến ánh mắt dò hỏi của con gái, con dâu. Vị Bạch cô nương này, tình tình và hành tích xưa nay vẫn thế, không biết đến bao giờ mới gặp lại.

Chưa biết chừng lúc đó mình đã già còn nàng ta vẫn trẻ trung như thế. Trẻ trung như mười tám năm trước lúc bản thân nhuộm máu toàn thân nhìn thấy, vị ân nhân này đích xác không phải phàm nhân, mà là thần tiên hạ phàm chăng?

Còn nhớ lúc đó dù bên ngoài binh hoang mã loạn, bạch y nữ tử bình thản cực độ, ghé qua đường nhìn thấy người bị treo cùng bàn tay đứt mà không mảy may biến sắc. Thanh Châu thành động loạn, đói khát nhưng nàng ta vẫn bạch y như tuyết, thần sắc ung dung, phảng phất có bức màn vô hình ngăn cách khỏi bụi bặm trần thế.

Bạch y nữ tử thấy tay trái Hưng Nương bị đồ phu cắt đứt, đưa bàn tay máu me đầm đìa đến trước mặt nàng ta: “Con mụ kia, có chịu nghe không? Để lão từ từng nhát một cắt xuống… xem ngươi còn cứng miệng nữa không?”

Nàng ta đau đớn cực độ, cố nén không hét thành tiếng, tuyệt không cầu xin, giọng lạc đi: “Bán thịt chứ không bán thân.”

Bán thịt chứ không bán thân – đáng cười làm sao! Nhưng nói ra trong tình cảnh đó, lại đẫm mùi máu tanh. Thân thể có thể bán, có thể mặc cho đao cắt thịt, cho người ta đem nấu nướng, nhưng quyết không chịu rũ bỏ tôn nghiêm riêng, nữ tử phải tiết liệt, từ bé nàng ta đã được dạy như thế.

Đao của đồ phu lại ngập vào thân thể, trước khi hôn mê vì cơn đau, nàng ta còn thấy bạch y nữ tử qua đường đó dừng bước, nhìn mình với ánh mắt lạnh nhạt.

Không hiểu sao, nàng ta tựa hồ nhận ra trong ánh mắt không có mảy may ôn độ đó hiện lên nỗi thương cảm đằm sâu.

“Thái nhân này ta mua, giá gấp đôi.”

Lúc nàng ta tỉnh lại thấy mình không còn ở nơi bán thịt, trong phòng đầy hoa cỏ, cổ tay bị đứt tuy còn chảy máu nhưng đã được băng bó, mở mắt ra liền gọi ân nhân. Bạch y nữ tử ngồi cạnh, bưng một bát bách diệp liên tử canh bón cho nàng ta.

Đang đói, nàng ta uống một hơi hết nửa bát, chợt dừng lại không uống nữa.

“Đa tạ ân nhân.. nhưng công công và các vị đại bá mấy ngày liền chưa ăn chút gì…tôi, tôi sao dám ăn no.” Chạm vào ánh mắt dò hỏi của bạch y nữ tử, nàng ta e dè cúi đầu, cơn đau từ vết thương lan lên óc khiến toàn thân run rẩy.

Bạch y nữ tử nhìn nàng, ánh mắt hiện lên nỗi thương cảm thẳm sâu, chợt nàng ta nghe thấy ân nhân thở dài một hơi.

“Vì sao mỗi lần lụt lội loạn động, toàn là kẻ yếu đuối phải chịu hy sinh?” Nỗi đau hiện lên trong mắt bạch y thiếu nữ nhưng Hưng Nương không hiểu, ân nhân lại nhìn ra ngoài song cửa, lẩm bẩm: “Không sai, lúc cả nhà sa vào khó khăn thì lão nhân là trưởng bối, trẻ con là hy vọng, nam nhân là chủ cả nhà, vậy thuận lý thành chương thì nên hy sinh nữ tử chăng?”

Hưng Nương nhìn sang ân nhân cứu mệnh, ngập ngừng hồi lâu: “Kỳ thật tôi chỉ là gánh nặng của Ngô gia, nào có tác dụng gì, tôi không biết trồng trọt, không biết kiếm thức ăn cho gia đình, coi như phí một miệng ăn, chi bằng bán mình làm thái nhân còn cứu được cả nhà.”

Bạch y nữ tử sững sờ, chợt mỉm cười – sắc mặt trắng muốt, nhãn thần lãnh liệt, khóe mắt có một nốt ruồi nhỏ như giọt lệ sắp rơi khiến nụ cười đượm buồn.

“Tấm lòng nữ tử trên đời từ bi hơn hết, vì cả nhà sẵn sàng hy sinh thân mình.” Bạch y thiếu nữ lắc đầu thở dài, giơ ngón tay lên, chợt vù một tiếng, Hưng Nương thấy một con bạch anh vũ bay tới đậu trên vai nàng. “Nhưng cô nương nói không sai, nữ tử không biết canh tác, không thể nuôi sống gia đình nên đến lúc nguy cấp đều bị đem ra làm vật hy sinh.”

“Tôi tự nguyện làm thái nhân cứu cả nhà, Đình Chương không hề bức ép, chàng không biết tôi trốn đến đây.” Hưng Nương tuy không hiểu ý nữ tử nhưng tìm cách bào chữa cho chồng.

“Tôi không nói cô nương…” Bạch y thiếu nữ nhìn nàng ta, bình thản đáp, trong mắt hiện lên ý vị sâu xa: “Triều đại nào cũng thế, mỗi khi chiến loạn, toàn là phụ nữ yếu nhược bị đem ra hy sinh. Ngay cả ở đời Đường, lúc Trương Tuần không giữ nổi thành cũng hạ lệnh giết nữ nhân làm quân lương, cô nương nói xem chả lẽ tính mạng nữ tử rẻ rúng đến thế?”

“A?” Hưng Nương chưa từng đọc sách, không hiểu bạch y thiếu nữ nói gì, bất giác sững người.

Bạch y thiếu nữ vuốt ve con anh vũ, ánh mắt chợt sáng lên lạnh lùng: “Thiên địa bất nhân, thiên địa bất nhân… thế đạo này vốn không công bằng với nữ tử. Bất quá…” Nàng quay phắt lại nhìn bàn tay trái Hưng Nương bị chặt cụt, chậm rãi nói từng chữ: “Cô nương nên nhớ, sinh mệnh không nên coi rẻ.”

“Ân nhân… ân nhân xin cho biết tôn tính đại danh?” Hưng Nương không hiểu lời cô nương áo trắng, đành lên tiếng hỏi khỏa lấp.

“Tôi tên Bạch Loa.” Bạch y nữ tử thản nhiên đáp, con anh vũ trên vai vẫy cánh.

Đó là chuyện từ mười tám năm về trước.

Lúc đó nếu không có thiếu nữ tên Bạch Loa này cứu nàng ta khỏi đồ đao rồi giúp cả nhà thoát khỏi Thanh Châu thành, quay về Giang Nam, chắc chắn cả nhà họ Ngô không ai sống sót đến giờ.

Đưa họ rời khỏi Thanh Châu, bạch y nữ tử thong thả lên đường, hơn mười năm nay chưa từng hiện thân.

Đình Chương đỡ vợ, nhìn theo hướng nữ tử đi xa, cùng cả nhà quỳ xuống lạy tạ. Giờ phút đó, nàng ta từng nghĩ, ân nhân e rằng không phải phàm nhân?

Hơn mười năm sau gặp lại Bạch cô nương, dung mạo vẫn như năm xưa cũng không khiến nàng ta kinh ngạc lắm.

Nhưng tuy thời gian qua lâu rồi, về đến Giang Nam cuộc sống dần ổn định, sinh hoạt dễ chịu hẳn nhưng nỗi sợ lúc bị đao đâm vào thân thể hằn sâu trong tâm lý nàng ta, nhiều đêm nằm mơ thấy mình bị treo lên như súc sinh, từng khối thịt đỏ lòm móc vào thiết câu, chợt tỉnh dậy lúc nửa đêm, toàn thân đẫm mồ hôi lạnh.

Nàng ta thường nghĩ, những sinh linh bị làm thịt đó không hiểu thống khổ đến thế nào?

Từ đó nàng ta quanh năm ăn chay, không động đến thịt.

Hậu sơn Linh Ẩn thiền tự rợp bóng cổ thụ, tiếng chim lách chách liên hồi vang vọng giữa ngọn núi u tĩnh.

Bạch Loa dừng chân thở dài, những người trong quá khứ vốn không định gặp thì cứ để qua luôn, tiếp tục sống thế này là được, nhưng những nữ tử đó đó lại nhớ mãi.

Bàn tay nàng đặt lên tảng đá ven đường, chợt trỗi lên cảm giác kỳ lạ bèn cúi xuống.

Bàn tay trắng nhợt của nàng đặt lên tảng đá đen gần như trong suốt, chất đá vô cùng kỳ dị, không giống đá núi thường thấy ở vùng Giang Chiết, đột ngột nhô lên, hoàn toàn không nhiễm phàm khí, ba khối chụm lại, khối sau cao hơn, tựa vào dốc núi.

Quan sát tảng đá thật kỹ, ánh mắt nàng dần ngưng trọng, chầm chậm đưa tay sờ vào.

Quả nhiên có khắc chữ, hiển nhiên từ lâu lắm rồi nên màu đỏ của hàng chữ bong hết, chỉ còn lại vết khắc đen nhánh.

Là một hàng chữ thẳng tắp.

Bạch Loa hướng ánh mắt nhìn theo, trên tảng đá khắc ba đại tự: Tam sinh thạch.

“Mảnh hồn trong trên Tam sinh thạch,

“Kể gì thưởng nguyệt ngâm phong.

“Thẹn với tình nhân từ xa đến viếng,

“Thân này tuy tan lòng còn mãi.”

Bên dưới ba đại tự còn khắc một bài tuyệt cú, chữ nào cũng to cỡ đồng tiền.

Mắt nàng chợt sáng lên.

Con anh vũ cũng bất an, cào vai nàng, ánh mắt tỏ vẻ phức tạp. Nàng chăm chắm nhìn ba đại tự, rụt cánh tay giơ lên cao về đỡ lấy ngực, tấm Hoa Kính nhỏ xíu trong đó phảng phất dính liền với trái tim khiến nàng lãnh tĩnh cực độ.

Lại quay về trước khối Tam sinh thạch.

Hóa ra nàng phiêu linh lâu đến thế, lần trước đến trước khối đá này ở Thiên Trúc, tính đến nay vừa chẵn sáu mươi năm rồi ư? Vừa hết một vòng luân hồi, bao nhiêu truyền kỳ vẽ thành một vòng tròn, từ điểm kết thúc quay lại điểm khởi đầu.

Vĩnh sinh tịch mịch biết bao, tuế nguyệt tàn khốc vô chừng.

Còn may là nàng vẫn có một người để chờ đợi, sáu mươi năm một vòng luân hồi, cũng đến lúc gặp lại y. Nếu không vì kiên trì đấu tranh, vĩnh viễn không thỏa hiệp, quyết giữ gìn những gì mình theo đuổi, có lẽ sau mấy trăm năm tịch mịch, nàng đã đầu hàng những kẻ an bài số mệnh trên Côn Luân sơn.

Tựa vào tảng đá, vô số sự tình trong những kiếp luân hồi phảng phất như thủy triều dâng lên trong lòng nàng, đã thấy nhiều bi hoan tình cừu, hỉ nộ ai lạc, đã qua bao lần sinh ly tử biệt, nỗi đau xé trời ập tới, nàng chợt thấy không thể chống chọi nổi, bàn tay mềm nhũn, nhắm mắt lại gục xuống tảng đá.

Lại gặp khối Tam sinh thạch này, có phải bánh xe vận mệnh tiếp tục chuyển động chăng?

“Đừng gặp y.” Đột nhiên, giữa đỉnh núi yên lặng khẽ vang bên tai khiến nàng giật nảy người, ngoái lại quan sát, làm gì có bóng ai ngoài con bạch anh vũ yên lặng đậu trên tảng đá, ánh mắt như hai hạt đậu đen nhìn nàng.

Ánh mắt đó, như của con người. Đau lòng xen lẫn tiếc nuối.

Lần này nàng không buộc Tuyết nhi im lặng, mỉm cười mệt mỏi lắc đầu: “Ta vẫn phải đi gặp chàng.”

“Tỷ tỷ lại thương tâm mất thôi.” Tuyết nhi hiển nhiên nóng lòng, nhảy choi choi vẫy cánh, lúc đáp xuống hóa thành một tuyết y nữ hài tóc trái đào, tiến tới kéo áo nàng: “Gặp thì sao? Y là phàm nhân, chỉ sống được mấy chục năm, tỷ tỷ lại trơ mắt thấy y già đi, đau đớn, bệnh tật rồi qua đời mà không làm được gì, tỷ tỷ dù sao cũng bất tử, đã mấy kiếp rồi, lòng tỷ tỷ còn chưa đau đớn đủ ư?”

“Đó là trừng phạt của Thiên đế Vương mẫu. Tuyết nhi.” Nàng lại mỉm cười, vuốt ve Tam sinh thạch: “Muội cũng biết năm đó ta dám gây ra những việc như thế, cũng đã liệu trước kết quả ngày nay, chỉ là không nhiên liên lụy đến muội.”

“Điên thật rồi, cả hai đều điên hết rồi.” Tuy dáng vẻ hài tử nhưng lời lẽ tuyết y nữ hài già dặn vô cùng, ngẩng lên nhìn Bạch Loa, tỏ vẻ không hiểu: “Bạch Loa tỷ tỷ, lúc nào muội cũng đi theo tỷ, đến bất cứ đâu mà không oán hận, nhưng tỷ tỷ yêu y như vậy sao? Thật sự vì y mà bất chấp tất cả.”

“Không hẳn vì yêu chàng. Tất cả những việc ta làm vị tất vì yêu chàng.” Khóe môi Bạch Loa mỉm cười, chợt lắc đầu, nốt ruồi như giọt lệ sắp rơi khẽ động: “Ài, muội mới tu được ba trăm năm, còn nhiều việc chưa hiểu.”

Ánh mắt nàng hướng về chân trời phía tây, nhãn thần đột nhiên trợn tròn xoe hồi lâu mới khẽ thở dài, chùng giọng: “Vì cả hai chúng ta đều là những kẻ phản nghịch mệnh trời.”

Tuyết nhi còn định nói tiếp, nàng chợt lắng nghe, thần sắc trở nên khẩn trương, vỗ nhẹ lên lọn tóc cô bé: “Ồ, có người tới, mau biến hình lại.”

“Ái chà, có phải gặp Tam sinh thạch, liền gặp y ngay không?” Tuyết nhi cả kinh lẩm bẩm, gần đó vang lên tiếng bước chân, cô bé vội phất tay, biến thành con anh vũ trắng muốt, lượn một vòng trên không, đậu xuống vai Bạch Loa.

Quả nhiên có người tới, trên con đường mòn xuất hiện một vị tăng lữ áo thâm mang hài từ Thiên Trúc tự bước đến cạnh ao nước cạnh tảng đá, cúi xuống.

Là y chăng?

Bạch Loa cảm giác con bạch anh vũ trên vai cũng quắp trảo lại, tỏ vẻ bất an, nhưng tăng lữ áo thâm cúi xuống hái sen, nàng không nhìn rõ diện mạo.

Hóa ra phía trước Tam sinh thạch có ao nước, đang độ tháng sáu nên mặt ao xanh rờn lá sen, hoa nở trắng tinh.

Bạch Loa chưa bao giờ tỏ ra bất an đến thế, chăm chú quan sát tăng lữ hái hoa sen, ngón tay vô thức vạch đi vạch lại lên Tam sinh thạch, thủy chung không lên tiếng.

“Huyền Minh!” Đột nhiên một tiếng gọi trong vắt phá tan bầu không khí yên tĩnh.

Nàng cả kinh, quay lại như điện, con bạch anh vũ không nén được, bật lên tiếng gọi cái tên đó “Huyền Minh!”

Tăng nhân bên bờ ao quay lại, tỏ vẻ kinh ngạc, trong núi vắng hóa ra còn có người.

Bạch Loa thở phào một hơi.

Không phải y. Không phải Huyền Minh.

Đôi mắt trần thế kia không phải Huyền Minh, dù mấy chục năm không gặp, nàng vẫn nhận ra.

“Điểu nhi nghịch ngợm làm đại sư giật mình.” Nàng mỉm cười hành lễ, lòng thầm thở phào, xem ra muốn tìm ra y ở chốn trần thế này, chắc còn phải phí công không ít nữa.

Tăng nhân đáp lễ, ôm bó hoa sen vội vàng đi ngay.

Đời Tống này, lễ pháp nghiêm cẩn, tuy là người xuất gia nhưng gặp một nữ tử giữa núi vắng, tăng nhân vẫn sợ rằng chỉ nói một câu cũng sẽ khiến người khác hiềm nghi, Bạch Loa men theo con đường mòn đến cạnh ao sen.

Ao sen này để thờ phật chăng?

Chợt tim nàng đập nhanh, Tuyết nhi trên vai cũng ré lên, ngay lúc nàng cúi nhìn, bao nhiêu hoa sen trong ao đều bừng nở.

“Trời ơi! Bạch Loa tỷ tỷ xem này, là tỷ tỷ.” Tuyết nhi kêu lên, đôi mắt tròn xoe nhìn ao sen không chớp, “loại hoa này sao lại có ở phàm gian? Là ai trồng?”

Bạch Loa cúi đầu nhìn bóng mình in dưới nước, nhưng chỉ có một đóa hoa sen trắng đang phát ra ráng quang cùng khí lành, hương thơm nức. Cánh hoa như ngọc điểm những vết xanh biếc, phảng phất như giọt lệ.

Đó là chân thân của nàng, từ khi xuống phàm trần, mấy trăm năm nay nàng chưa từng thấy lại chân thân.

Nàng cúi xuống hái một bông sen, trên mỗi cánh hoa trắng muốt đều có một điểm xanh biếc, nàng như si dại, buột miệng lẩm bẩm: “Không sai, là Bích đài liên… Bích đài liên. Thật, thật sự là nó chăng?”

“Ai trồng nhỉ? Huyền Minh ư? Y có bản lãnh này?” Tuyết nhi kinh ngạc cực độ bay xuống đậu lên một bông sen, nhìn bóng hoa dưới nước: “Bạch Loa tỷ tỷ, tỷ là Bích đài liên nở trước Tây thiên Đại Hùng bảo điện, tu liền năm ngàn năm mới quy y Phật tổ. Mấy, mấy bông hoa này là phân thân của tỷ tỷ.”

Bạch Loa vẫy ngón tay, đóa hoa nhẹ nhàng đáp xuống nước, vừa khớp với cuống hoa gãy đoạn.

“Đừng kinh ngạc, năm xưa Dao Trì tiên tử Yến Lưu Hà say rượu mất trâm mới tạo thành ngọc trâm hoa - Bích đài liên tuy là tiên hoa trên trời nhưng nếu biết cách trồng, vẫn xuất hiện tại phàm gian như thường.” Nàng mỉm cười, vuốt ve lá sen dưới ao, “hà huống sen là loài không có rễ, sống dựa vào nước mà nơi này lại là phật môn thánh địa.”

Bạch anh vũ nhảy nhót trên lá sen, đáp xuống một bông sen khác, ánh mắt linh động: “A, thú vị lắm… lần này là Huyền Minh tìm tỷ tỷ trước, trồng ra loại hoa này cạnh Tam sinh thạch.”

Bạch Loa lắc đầu cười khổ: “Đâu có đơn giản như thế. Đợi ta hỏi các vị trưởng lão trong Thiên Trúc tự xem ai trồng ra ao sen này là tìm được chàng. Hy vọng lúc đó chàng không xa xôi tận chân trời.”

“Bạch Loa, cố lên.” Tuyết nhi vẫy cánh bay về vai nàng, chợt nói một câu: “Đừng chịu cúi đầu.”

Một thời thần sau, Bạch Loa ra khỏi cửa Thiên Trúc tự, khóe miệng ẩn hiện nụ cười phức tạp khôn tả.

Theo con đường mòn vắng người xuống núi, nụ cười dần bừng nở, hiện rõ niềm vui. Tuyết nhi ở cạnh mấy chục năm cũng chưa bao giờ thấy nàng vui như thế. Xem ra người đó vô cùng trọng yếu, hôm nay sắp gặp y mới khiến nàng hoan hỷ đến thế.

Tuyết nhi nghiêng đầu, đang nhìn đến xuất thần chợt thấy chỗ đậu lay động, vội bay vụt lên.

Hóa ra bốn bề vắng người, Bạch Loa phất tay, yêu kiều múa giữa rừng.

Nữ tử bình thường vẫn nghiêm nghị, đôi tuệ nhãn nhìn thấu hồng trần, trong lúc này phảng phất như nữ hài không hiểu thế sự, múa để giãi bày niềm vui trong lòng. Mái tóc đen dài phất qua gò má, tà áo trắng như tuyết bao quanh nàng tựa sương khói, lấp lánh khác nào cầu vồng, phất phơ vô định.

Là Hàn Yên Thúy.

Anh vũ đậu xuống ngọn cây, lặng lẽ ngắm nhìn, ánh mắt tỏ vẻ thở than, ba trăm năm rồi… Ba trăm năm trước, tại Dao Trì hội nó từng thấy Bạch Loa thiên nữ múa say mê như thế.

Lúc đó Vương mẫu bày yến đãi chúng tiên, Trạm Lô và Bạch Loa cùng rời khỏi bàn, cùng múa điệu Hàn Yên Thúy chúc thọ Tây vương mẫu.

Trạm Lô bạt kiếm, Bạch Loa phơi phới múa, một đen một trắng, một cương một nhu, hào quang hòa nhau khiến chúng tiên đều vỗ tay khen ngợi, cửu thiên tiên nữ cũng rải hoa xuống khiến tam giới nhất thời khẽ chấn động.

Một cái búng tay, đã bao kiếp dâu bể trôi qua…

Đang lúc thân ảnh Bạch Loa như làn khói nhẹ bay múa, anh vũ nhìn đến xuất thần, một cơn gió lùa qua, lưng chừng không rải xuống mưa hoa lấp lánh che kín thân thể bạch y thiếu nữ đang múa say mê.

“Tỷ tỷ xem! Tỷ tỷ xem!” Bạch anh vũ kêu lên, bay về vai Bạch Loa, đôi mắt đen nhìn lên mấy cây hoa cạnh đó, cào vào vai chủ, không che nổi hưng phấn: “Là các tỷ tỷ, các tỷ tỷ đều tới.”

Đang xoay vòng, Bạch Loa chợt dừng lại, ngẩng lên nhìn khu rừng vắng người, mỉm cười hành lễ: “Các vị muội muội hôm nay cứ quay về đi, năm tới sẽ gặp, thay ta hỏi thăm Thanh Đế sư phụ.”

Đỉnh núi vắng vẻ, trên thân cây hoa ven đường treo những đóa hoa giả kết từ lụa các màu cùng cờ đuôi nheo bằng tơ viết tên các vị Hoa thần, tô điểm thêm cho ngày hè xanh om bóng cây, hoa rụng bay phất phới, tiễn xuân qua.

Nhưng giữa không trung vô hình, có hơn mười giai nhân mặc vũ y rực rỡ đứng trên mỗi ngọn cây như mây đùn, nghe Bạch Loa nói liền cùng cúi người chúc phúc: “Tỷ tỷ bảo trọng.”

Hạnh hoa Hoa thần Dương Ngọc Hoàn, tường vi hoa Hoa thần Trương Lệ Hoa, thạch lựu hoa Hoa thần A Thố, những thần tiên xinh đẹp nổi danh hành lễ xong liền ngẩng đầu, cùng giơ tay lên, phảng phất có gió núi thổi tới, những cánh hoa còn lại trên cây theo gió tung bay, phơi phới rơi xuống.

Bạch Loa mỉm cười vung tay, đứng giữa cơn mưa hoa ngũ sắc, nghiêng người múa, hắc phát bạch y tung bay.

“Tuyết nhi, ngày mai chúng ta đi gặp Huyền Minh.” Nàng mỉm cười, khẽ thò tay cho con anh vũ đậu lên ngón tay, dịu giọng nói rồi men theo con đường mòn khuất bóng vào rừng.

Điệu múa vừa rồi tuy không chấn động tam giới cửu thiên như ba trăm năm trước nhưng đủ chấn nhiếp thần hồn một người vô tình chứng kiến.

Mãi đến khi bạch y thiếu nữ khuất bóng, một công tử đứng dưới gốc hoa trà vẫn chưa tỉnh lại, ngây ngô nhìn hoa rải khắp bãi đất trống trong rừng. Chợt sau lưng vang lên tiếng thở hồng hộc của tiểu đồng bẩm cáo rằng vừa lấy ngọc tiêu bỏ quên tại thiền phòng của phương trượng về, y mới giật mình tỉnh lại.

“Nhị công tử, có đến chỗ Tiết cô nương nghe hát chăng?” Thanh y tiểu đồng thấy chủ nhân thảng thốt như vậy liền nhắc: “Mấy hôm rồi công tử không đến Đào Hoa cư, Tiết cô nương chắc giận lắm, lần này đã chuẩn bị xong xuôi, ngàn lần không nên chần chừ nữa.”

“Cái gì mà Đào Hoa cư và Tiết cô nương! Thư Huệ, ngươi nói xem, ban nãy ta gặp được tuyệt sắc nữ tử đó…” Vị công tử vẫn nhìn theo hướng bạch y nữ tử, cấu vào tay thấy đau mới nói tiếp: “… không phải nằm mộng chứ! Trên đời này còn có nữ tử như thế, hai mươi sáu năm nay ta sống uổng phí rồi.”

Thư Huệ không ngờ công tử chuyển tính nhanh thế, nhất thời ngẩn người, cầm ngọc tiêu cười nói: “Ái chà, hôm nay mùng sáu tháng sáu, không phải công tử cơ duyên xảo hợp, gặp được hoa tiên chăng?”

Vị công tử đến chỗ Bạch Loa vừa múa, cúi người nhặt một đóa hoa đưa lên mũi ngửi, cảm giác tâm thần say sưa.

Nghe đồng tử trêu đùa, y lại tưởng là thật, ngây ra hồi lâu mới nói: “Đúng… nữ tử như thế sao là người phàm được, chắc là thần tiên.”

Dưới ánh lê minh, ngõ Thiên Thủy chìm trong lặng lẽ.

Cố đại nương mở cửa, chuẩn bị bán hàng, bất giác cả kinh, không biết từ bao giờ ở cửa có một vị nữ tử bạch y hắc phát đang đứng, mái tóc đẫm sương, xem ra đợi đã lâu.

“Bạch cô nương?” Nhận ra tướng mạo nữ tử, cái xảo trong tay Cố đại nương suýt nữa rớt xuống, vội vàng mở hẳn cánh cửa, tay kia lau vào áo: “Cô nương dậy sớm thế? Đợi một chút, đại nương sẽ mở hàng ngay, nấu đậu cho cô nương uống.”

“Vâng, đại nương không cần vội.” Bạch Loa mỉm cười, ngăn lại: “Bạch Loa có việc muốn bàn với đại nương.”

Cố đại nương kinh ngạc nhìn nữ tử bình thường vẫn lạnh lùng, con bạch anh vũ trên vai nàng tỏ vẻ bất an, lúc lắc chân. Bạch Loa tiếp lời: “Bạch Loa vừa nhận được thư trả lời của phụ mẫu, nói rằng Tằng gia là gia đình gia giáo, hôn sự tùy Bạch Loa làm chủ.”

“À, vậy là đồng ý, đúng không?” Cố đại nương vỗ đùi, mỉm cười mừng ra mặt, vội kéo tay Bạch Loa đến ngồi xuống trường kỷ trong nhà: “Tôi đã nói rồi, tướng mạo nhân phẩm như Bạch cô nương, trừ Tằng gia nhị công tử làm gì còn ai xứng đáng. Hà huống Tằng lão phu nhân lúc nào cũng giục giã, đợi trời sáng tôi sẽ đến báo.”

Bạch Loa mỉm cười, gương mặt bình thản cũng tỏ vẻ hoan hỷ, lời tiếp đó khiến Cố đại nương kinh hãi cơ hồ nhảy bật lên: “Bất quá, đại nương, người Bạch Loa muốn lấy không phải Tằng gia nhị công tử mà là đại công tử Viễn Ca.”

“Hóa, hóa ra Bạch cô nương đã gặp đại công tử?” Cố đại nương cảm giác tim đập như trống trận, thầm nhủ Bạch cô nương chắc đã có tình cảm với người ta, không nén được buột miệng hỏi, Bạch Loa lại mỉm cười lắc đầu: “Chưa, Bạch Loa chỉ thấy một ao hoa sen đại công tử trồng trước Thiên Trúc Tam sinh thạch.”

“Chả trách được, tôi đang tự hỏi sao cô nương lại thích Tằng gia đại công tử…” Cố đại nương thở phào, lại trở nên lo lắng, lắc đầu khuyên: “Không sai, đại công tử trồng được hoa đẹp, cô nương là người yêu hoa nên mến luôn cả người, bất quá không thể gả cho đại công tử được.”

Bạch Loa thấy bà ta tỏ vẻ nghiêm trọng, liền tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao lại không gả được? Lẽ nào công tử là yêu quái mặt xanh tóc đỏ?”

“Không phải yêu quái nhưng con người điên cuồng, bình thường hay nói những lời không ai hiểu nổi, nói cái gì mà từng đến Côn Luân gặp Thiên nữ Vương mẫu, tính tình đại công tử cũng quái dị, chết cũng không chịu lấy vợ, cho rằng mọi nữ tử không yêu mình mà yêu địa vị trưởng tử Bách hoa Tằng gia. Trước đây nhiều nhà trong thành muốn gả con gái, đều bị công tử từ chối thẳng thừng.” Cố đại nương nói một hơi: “Thành ra đắc tội với mấy nhà có máu mặt khiến toàn gia không dám nhắc đến việc lấy vợ với đại công tử nữa, lần này lão phu nhân mới nhờ tôi tìm cho nhị công tử một người hợp tâm hợp ý.”

“À, là vậy ư?” Bạch Loa không kinh ngạc mà mỉm cười, con bạch anh vũ cũng kêu quang quác, hoạt bát nhảy xuống bàn, ngoẹo đầu nhìn chủ nhân.

“Nghe nói nhân phẩm Tằng gia nhị công tử cũng không ra gì.” Bạch Loa mỉm cười, không tỏ vẻ gì.

Cố đại nương ngây người, không ngờ nàng lại nghe được lời đồn, thầm oán Tằng gia không biết dạy con để y trở thành hỗn thế ma vương, ngoài miệng đành phải phân bua: “Bạch cô nương nghe ai nói xằng? Nhị công tử Viễn Kiều cả dáng vẻ nhân phẩm đều nhất lưu, chỉ có điều tính tình hơi phong lưu, nhưng có công tử nào không thế? Công tử lại chưa gặp được nhân vật như cô nương, gặp rồi tất không bao giờ để ý đến chốn phong hoa tuyết nguyệt nữa.”

Bạch Loa khẽ cười lạnh, không nói câu nào khiến Cố đại nương hồi hộp, bà ta biết tính tình Bạch cô nương một khi đã định dù người khác nói thế nào cũng vô dụng, hiện giờ càng thấp thỏm, không hiểu nàng định liệu thế nào.

“Bạch Loa chỉ muốn gả cho Tằng Viễn Ca, những người khác đều không được.” Không đợi Cố đại nương nói thêm câu nào, Bạch Loa ngẩng lên: “Nhờ đại nương nói với Tằng gia.”

Cố đại nương há hốc mồm, Bạch Loa lại ngẫm nghĩ rồi lấy một vật từ ngực áo ra, đặt vào tay bà ta: “Đại nương đừng ngại chuyện đại công tử không chịu lấy vợ, đưa tấm gương này ra tất công tử sẽ biết định liệu.”

Cố đại nương vẫn sửng sốt, nàng mỉm cười lắc đầu, đứng dậy cáo từ.

Ngoài trời đã sáng, Cố đại nương nhìn theo bạch y nữ tử đưa con anh vũ đi ra, lòng kinh hãi mãi không thôi, lòng tay lạnh ngắt, cúi xuống nhìn mới phát giác là một tấm gương nhỏ.

Tấm gương hình bầu dục làm bằng đồng khảm vàng, rộng không đầy bốn thốn, phía sau khảm hoa sen bằng kim ngân ti, rực rỡ như thật, hình như là đổ rất cổ.

“Ta phải ăn nói thế nào với lão phu nhân?” Bà ta nhìn tín vật trong tay, hồi lâu mới tỉnh lại, không cần bán hàng nữa, trừ trừ mãi mới đứng dậy đến Tằng phủ.

“Kính dữ nhân câu khứ,

“Kính quy nhân bất quy.

“Vô phục tiên nga ảnh,

“Không lưu minh nguyệt huy

(Tạm dịch:

Gương theo người đi mãi

Gương về người nơi đâu

Non tiên giờ xa thẳm

Trăng vằng vặc trên đầu.)

Kính quy nhân bất quy… Bạch Loa đứng giữa vùng hoa cỏ, nhìn hàng chữ, phảng phất như chìm vào mộng.

Huyền Minh… Huyền Minh, thiếp tìm thấy chàng rồi.

“Ái chà, không ngờ việc này lại thành ngay.” Cố đại nương ngồi trong đại sảnh, tỏ vẻ không tin nổi: “Quái lạ thật. Đại công tử vốn nói như chém đinh chặt sắt rằng không lấy vợ, Tằng lão phu nhân tuy muốn cưới con gái nhà người ta về nhưng cứ ngần ngừ, sợ đại nhi tử không chịu, tôi mới lấy tấm gương ra, đại công tử cầm lên xem, lật đi lật lại rồi đồng ý, suýt nữa khiến lão phu nhân ngất xỉu.”

Bạch Loa không đáp. Cố đại nương thấy nàng đọc ngấu nghiến tin trả lời của đại công tử, thầm nhủ Bạch cô nương hóa ra nói khoác, hai người chắc có tư tình từ trước nên một người chịu lấy, một người chịu gả. Càng nghĩ càng coi thường, Bạch cô nương bình thưởng tỏ vẻ văn nhã kiên trinh, hóa ra là vì nguyên nhân này.

“À, Bạch Loa đa tạ đại nương.” Hồi lâu nàng mới định thần, lại hỏi: “Nhị công tử thế nào?”

Cố đại nương liếc nàng, mỉm cười: “Nhị công tử không nói gì, thật ra, Viễn Kiều nhị thiếu gia không định lấy vợ, lão phu nhân sợ công tử chơi bời quá độ mới tính lấy vợ cho, lần này không thành tất nhiên công tử càng tiêu dao.”

Bạch Loa gật đầu, lấy ra một phong bạc cảm tạ, Cố đại nương chối từ một lúc rồi cũng nhận, mỉm cười bảo: “Tằng gia nói cô nương một mình ở kinh thành, của hồi môn đơn giản thôi, lấy tấm Hoa Kính là xong. Cô nương yên lòng đợi đến mùng chín tháng chín là ngày hoàng đạo, Bách hoa Tằng gia là nhà có máu mặt ở kinh thành, trưởng tử lấy vợ tự nhiên phải phong phong quang quang, quyết không để cô nương phải thiệt thòi.”

Bạch Loa chỉ mỉm cười, cơ hồ không để ý đến chuyện đó.

“Ồ, Tuyết nhi, lần này ta thật sự gả cho người ta.” Tiễn Cố đại nương xong, Bạch Loa đóng cửa quay vào phòng, chợt thở dài nói với con anh vũ, “sau này mi không cần nhắc lại câu hỏi khi nào ta gả cho người ta.”

Nàng nửa thở dài vừa cười, lại lấy tờ thư ra, tỏ vẻ hoan hỷ: “Là thật rồi, không biết Huyền Minh ở kiếp này thế nào, cao thấp gầy béo ra sao? Hy vọng tuấn tú hơn lạc phách tú tài kiếp trước.”

Thấy nàng mỉm cười lẩm nhảm, bạch anh vũ kêu vang, vẫy vẫy cánh ra vẻ “làm lơ.”

Bạch Loa lại mở tờ thư, đọc bài thơ viết trên đó, dần dần thần sắc trở nên ngưng trọng. Kiếp này mới bắt đầu, con đường sau này không thể liệu trước, tình cảnh phải trơ mắt nhìn Huyền Minh chết từ kiếp trước vẫn như đang diễn ra trước mắt, mỗi lần nhớ lại đều khiến nàng nát cõi lòng.

Nhưng nàng nàng biết mình có đủ dũng khí đối diện với thiên kiếp vạn biến trong tương lai.

“Gương theo người đi mãi

“Gương về người nơi đâu

“Non tiên giờ xa thẳm

“Trăng vằng vặc trên đầu.”

Hiện giờ gương vỡ lại lành, còn tương lai sẽ thế nào?

Tiểu chú:

Hoa sen thường gọi là phù cừ, tên khác là thủy chi, lá màu xanh tròn như cái mâm, tên các giống nhiều vô kể, nhưng loại bình thường đều có màu đỏ hoặc trắng, phàm nơi có đầm nước đều trồng. Bích đài liên, trên cánh trắng có điểm xanh, trong nhụy có lớp cánh nhỏ xanh biếc.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...