Nhà lập tức rối loạn.
Đại bá mẫu không chịu nổi sự đả kích này nên ốm đau liệt giường, tam bá mẫu quản lý việc bếp núc của Đông Đậu. Tam bá phụ dẫn nhị đường huynh là Đậu Ngọc Xương đến Dương Châu để lo liệu chuyện hậu sự cho đại bá phụ, tứ đường huynh Đậu Vinh Xương cùng Lục bá phụ giải quyết chuyện trong nhà, tổ phụ như già đi chục tuổi, ngày ngày nằm trên ghế túy ông trong thư phòng mà ngẩn người.
Không khí hai bên Đông Đậu, Tây Đậu đều rất nặng nề.
Những chuyện này lại không ảnh hưởng gì đến Đậu Chiêu, nàng vẫn ngày ngày thấy thích cái gì là lại tha về phòng mình. Đậu Thế Anh cười nàng:
- Không tới thăm muội muội?
- Vương di nương không thích con đến chơi với muội muội.
Đậu Chiêu bĩu môi, vẻ mặt lơ đễnh nhưng trong mắt lại thoáng có sự đau lòng.
Tim Đậu Thế Anh thót lên, không nói gì thêm, chỉ nhẹ nhàng vuốt vuốt mái tóc đen nhánh của Đậu Chiêu, thấp giọng nói:
- Cũng được, phụ thân dạy con viết chữ.
Đậu Chiêu hỏi Đậu Thế Anh:
- Bao giờ tổ mẫu mới đến?
Cũng đã sắp đến Trung thu, nàng hi vọng tết Trung thu có thể được gặp tổ mẫu.
Đậu Thế Anh nhíu mày nói:
- Ai bảo con gọi Thôi di thái thái là “tổ mẫu”?
Đậu Chiêu thầm kêu khổ.
Hẳn đến khi Đậu Hiểu ra đời thì tổ mẫu mới được gọi là “Tổ mẫu”, kiếp trước nàng sống với tổ mẫu từ nhỏ, trong trí nhớ vẫn luôn gọi bà là “tổ mẫu” nên nàng quên mất điều này.
Nàng đành hàm hồ hỏi lại:
- Không gọi tổ mẫu thì gọi là gì?
- Phải gọi Thôi di thái thái!
Đậu Thế Anh kiên nhẫn dạy nữ nhi:
- Đại bá phụ con bị bệnh mà qua đời, tâm tình mọi người cũng không tốt, Trung thu năm nay chỉ sợ sẽ không tổ chức lớn, chắc Thôi di thái thái phải ở lại điền trang qua Trung thu rồi.
Lại hỏi nàng:
- Vì sao con muốn gặp Thôi di thái thái?
Đậu Chiêu nói:
- Bọn họ nói Thôi di thái thái biết làm ruộng!
Đậu Thế Anh cười lớn:
- Không sai, Thôi di thái thái của con đúng là biết làm ruộng, trồng hoa màu, điền trang của bà vẫn là nơi thu hoạch tốt nhất.
Nói tới đây, ánh mắt hắn có chút mơ hồ.
Có lẽ, đây là nỗi bi ai khi là con của thiếp thất.
Đậu Chiêu không nói tiếp chuyện này nữa, kéo phụ thân vào thư phòng luyện chữ.
15 tháng tám năm ấy, mọi người chỉ cùng nhau ăn bánh trung thu, so với mọi năm hết ngắm trăng rồi lại chơi đèn thì quả thực là lạnh lùng hơn rất nhiều.
Bọn nha hoàn đều lén bàn tán: “Chẳng biết bao giờ hết thời gian chịu tang”.
Đến cuối tháng chín, quan tài của đại bá phụ được đưa về huyện Thực Định.
Đậu gia mặc áo xô để tang, nửa huyện Thực Định đều chìm trong màu trắng.
Huyện lệnh huyện Thực Định và lục bá phụ, phụ thân tự mình ra cửa thành nghênh đón quan tài của đại bá phụ. Tổ phụ và nhị thái phu nhân là trưởng bối, không tham gia tang lễ. Việc tang ma đều do tam bá phụ lo liệu.
Đậu Chiêu gặp được cửu đường huynh Đậu Hoàn Xương, người có nhũ danh Lan Nhi.
Năm nay hắn 16 tuổi, gầy yếu, mặt mày tái nhợt, run rẩy dập đầu lạy tạ mọi người đến phúng viếng trước linh đường của đại bá phụ rồi xoay người nhào vào lòng tổ phụ khóc lớn:
- Phụ thân đã hộc máu rất nhiều…
Mắt tổ phụ lập tức rơm rớm, ôm vai hắn, nhẹ giọng an ủi:
- Con ngoan, về sau đi theo thúc tổ phụ (ông trẻ) đọc sách.
Đậu Hoàn Xương gật đầu, nhìn tổ phụ bằng ánh mắt đầy vẻ quấn quýt như gặp cha mẹ mình.
Đậu Chiêu cười lạnh.
Tổ phụ dạy phụ thân đi nhầm đường, giờ lại gây họa cho đại bá phụ.
Khó trách Đậu Hoàn Xương thi tiến sĩ 20 năm cũng chẳng đỗ nổi!
Ngày nào nàng cũng nghiến răng kiên trì luyện ba trăm chữ.
Đậu Hoàn Xương lại vô cùng tốt với Đậu Chiêu – trong nhà cũng chỉ có hai người bọn họ là mặc đồ tang.
Hắn thường chia đồ ăn của đại bá mẫu làm cho hắn cho Đậu Chiêu ăn cùng, thái độ của Đậu Chiêu với hắn cũng dần dần tốt hơn nhiều.
Rất nhanh đã lại sang tháng Chạp, đã đến lúc giỗ đầu cho mẫu thân Đậu Chiêu.
Phụ thân đã đoạn tang nhưng Đậu Chiêu vẫn phải mặc đồ tang thêm 15 tháng nữa.
Tam bá mẫu tới cửa, thương lượng chuyện tái giá cho phụ thân với tổ phụ.
Từ sau khi đại bá phụ qua đời, đại bá mẫu không còn là dâu cả lo chuyện cho Đậu gia nữa, theo lý là nhị bá mẫu phải lo liệu việc bếp núc nhưng nhị bá mẫu đi theo nhị bá phụ nhậm chức, phải lo liệu xong người chăm lo cho nhị bá phụ thì mới có thể theo con cái hồi hương, chuyện trong nhà tạm thời đều do tam bá mẫu lo liệu.
Tổ phụ hỏi tam bá mẫu:
- Ngươi nhắm vào gia đình nào?
Tam bá mẫu đáp:
- Đại tẩu có một vị đường muội muội, lúc trước cũng thường đến nhà chúng ta, nhân phẩm, tướng mạo đều tốt, đại tẩu cũng có ý này. Lại có cả ngũ tiểu thư của Chư cử nhân ở phía đông thành, cũng chính là cháu gái của Trần đại nhân ở thôn Nam Lâu. Chư tiểu thư tính tình dịu dàng, cũng theo các ca ca đi học vài năm, cầm kì thi họa đều biết, như vậy hẳn sẽ hòa hợp được với thất thúc rồi. Trần đại nhân từng làm tri phủ Tùng Giang, làm mai cho vị tiểu thư này, người thì con chưa từng gặp nhưng cũng có tiếng hiền lương. Những nhà khác không phải gia thế kém hơn thì cũng là xuất thân không tốt, là con thiếp, con cảm thấy không cần xem thêm nữa.
Tổ phụ gật đầu, vô cùng tán thưởng năng lực của tam bá mẫu:
- Con suy nghĩ rất chu đáo. Vạn Nguyên đã là con thiếp, vạn lần cũng không thể lấy thứ nữ được nữa. Ta thấy cứ quyết định vị tiểu thư họ Chư này đi! Là người nhà mẹ đẻ của cháu dâu cả, gần gũi quá chưa chắc đã là chuyện tốt. Trần đại nhân luôn cảm thấy mình là người đọc sách, làm việc chắc có chút hủ lậu, người như vậy thường sẽ dạy dỗ ra những vị tiểu thư tính cách có chút khô khan.
Tam bá mẫu cười đứng dậy:
- Vậy con sẽ qua nói với người nhà họ Chư, người xem, bên này phái ai đi qua đó xem tướng mạo thì ổn thỏa?
Từ sau khi Đinh di thái thái bị làm nhục thì đều cáo ốm không ra ngoài, việc của tổ phụ đều do đại nha hoàn Thu Phân của Đinh di thái thái lo liệu.
Tổ phụ cũng có chút khó xử, nghĩ nửa ngày rồi mới nói:
- Con cứ quyết định là được.
Tam bá mẫu cười khanh khách rồi đi.
Lúc nghe được tin này, Đậu Chiêu đang nằm bò trên bàn gỗ hoa lê của mình mà viết chữ.
Giờ rất nhanh thôi sẽ nghênh đón tân chủ mẫu, nàng cũng sẽ phải chuyển ra khỏi chính phòng.
Về sau, hơi thở của mẫu thân sẽ càng ngàng càng mờ nhạt trong cuộc sống của nàng.
Nghĩ vậy, lòng nàng có chút ngẩn ngơ.
Chỉ là không biết phụ thân sẽ thu xếp cho nàng ở đâu.
Đợi lát nữa về sai Thỏa Nương chuẩn bị thu dọn đồ đi thôi!
Giờ Tây Đậu đang thiếu chủ mẫu lo toan việc nhà, hôn sự một khi đã được định đoạt thì Chư tiểu thư hẳn sẽ nhanh chóng gả vào đây.
Đậu Chiêu buông bút, khẽ xoa xoa cổ tay đã nhức mỏi.
Phụ thân lại cau mày đi tới chỗ tổ phụ.
- Con không muốn tái giá.
Hắn nhìn thẳng vào tổ phụ, trong mắt tràn đầy sự kiên quyết:
- Con muốn thủ tang ba năm cho Cốc Thu.
- Hoang đường!
Tổ phụ giận dữ:
- Con đã bao nhiêu tuổi rồi mà còn không hiểu chuyện như vậy! Con là con trai độc nhất trong nhà, không nghĩ cách mau chóng khai chi tán diệp cho Đậu gia lại còn học đòi những kẻ phong lưu chịu tang cho thê tử… Rốt cuộc con có biết cái gì là trách nhiệm không?
Tổ phụ giận đến chòm râu cũng dựng ngược lên:
- Chuyện này không thương lượng gì cả! Ta sẽ nhanh chóng bảo tam tẩu con đến Chư gia định ngày thành hôn, con chỉ việc chờ là được!
Đậu Chiêu đứng ở cửa nghe lén suýt thì té ngửa.
Tháng năm sang năm, Vương Hành Nghi sẽ lại quay về.
Về sau Vương gia sẽ lăn lộn trong quan trường, tuyệt đối sẽ không để nữ nhi nhà mình đi làm tiểu thiếp.
Nếu phụ thân tái giá trước tháng năm năm sau, Vương gia hoặc là sẽ để Đậu Minh ở lại Đậu gia, đón Vương Ánh Tuyết về hoặc là sẽ cho Vương Ánh Tuyết ba thước lụa trắng, bức Vương Ánh Tuyết tự tử, hoặc là đưa Vương Ánh Tuyết đến am ni cô, sống cuộc sống thanh đăng cổ Phật cả đời.
Nếu phụ thân không tái giá trước tháng năm năm sau…
Kiếp trước, Vương Hành Nghi vẫn luôn cảm thấy mình nợ thê tử, nợ con cái rất nhiều, sau khi được phú quý vẫn chỉ sống cùng thê tử, không dính dáng đến nữ sắc, cũng vô cùng trân trọng con cái, luôn cố hết sức thỏa mãn yêu cầu của mình. Đặc biệt là với Vương Ánh Tuyết, không chỉ bị vị hôn phu từ hôn mà còn phải ra ngoài lo liệu cuộc sống trong nhà, làm lỡ hôn sự của chính mình nên ông lại càng chiều chuộng Đậu Minh, Đậu Hiểu hơn cả cháu nội.
Nếu nàng đoán không sai, Vương Hành Nghi chắc chắn sẽ nghĩ cách để Đậu gia phù chính Vương Ánh Tuyết.
Thế thì Vương Ánh Tuyết chẳng phải lại thành kế mẫu của nàng!
Không được, không được!
Tuyệt đối không thể để chuyện này xảy ra được!
Phụ thân phải tái giá trước tháng năm năm sau.
Để cho Vương Ánh Tuyết cút đi!
Thái độ của phụ thân lại vô cùng kiên định:
- Phụ thân, nếu người không sợ trở mặt với Chư gia thì cứ định ngày với họ đi. Dù sao đến ngày đó con cũng không đi bái đường, Chư gia tiểu thư có gả đến con cũng mặc kệ nàng!
- Ngươi định làm phản!
Mặt tổ phụ tím lại. “Xoảng” một tiếng, ném chung trà trong tay xuống đất:
- Cần gì ngươi xuất hiện, cứ xem xem tiểu thư Chư gia có vào cửa hay không!
- Phụ thân!
Đột nhiên phụ thân lại quỳ gối xuống trước mặt tổ phụ, nức nở nói:
- Về sau chuyện gì con cũng nghe phụ thân, phụ thân đồng ý với con chuyện này đi! Con biết con là độc đinh, qua 40 tuổi người mới sinh ra con, luôn mong có cháu bế, gia nghiệp có người kế thừa, phụ thân để con tùy hứng nốt một lần đi! Từ nay về sau, con nhất định sẽ sống có khuôn phép, ngoan ngoãn đọc sách, thi đỗ công danh, làm cho Đậu gia được rạng rỡ, sẽ sinh con đẻ cái cho Đậu gia. Phụ thân, người đồng ý với con lần này đi.
Phụ thân dập đầu binh binh với tổ phụ.
Tiếng động đó như nện vào tim Đậu Chiêu khiến lòng nàng cứng lại, thoáng bủn rủn?
Tại sao lại là bây giờ?
Sớm không giữ gìn vì mẫu thân, muộn chẳng giữ gìn mà lại chọn đúng lúc Vương Hành Nghi sắp trở lại!
Kiếp trước chẳng phải ngươi chỉ đợi mẫu thân tròn trăm ngày đã vội vàng lấy Vương Ánh Tuyết sao? Sao kiếp này lại muốn làm người tốt?
Nếu biết có hôm nay, sao lúc trước còn làm vậy!
Giờ mọi chuyện nàng đều đã sắp xếp ổn thỏa thì phụ thân lại nhảy ra ngáng đường!
Thế này là sao?
Đậu Chiêu vừa vội vừa tức.
Bên tai truyền đến giọng nói thoáng chần chừ của tổ phụ:
- Con đã giữ tang cho nàng một năm… cũng coi như là đã hết lòng rồi…
- Phụ thân, phụ thân.
Phụ thân lại dập đầu, giọng nói lại càng vang dội:
- Con chỉ xin phụ thân một chuyện này, con chỉ xin phụ thân một chuyện này!
Đậu Đạc nhìn trán con tím bầm thở dài:
- Con muốn giữ thì cứ giữ đi! Nhưng sang năm thi Hương phải đỗ mới được…
- Đa tạ phụ thân, đa tạ phụ thân!
Vẻ mặt Đậu Thế Anh rất vui mừng.
Mặt Đậu Chiêu lại lạnh như băng, sờ lên thấy cả tay đều là nước.
※※※※※
Vài ngày sau, Chư gia cho người mang thư cho tam bá mẫu, nói ngũ tiểu thư thấy phụ thân là người trọng tình trọng nghĩa, đồng ý chờ phụ thân ba năm.
Tổ phụ mừng rỡ, tự mình vào nhà kho chọn lấy mấy tập giấy tốt, hai chiếc nghiên mực Đoan Khê, một chiếc bút lông Hồ Châu rồi sai quản sự đưa tặng Chư cử nhân, cũng khen ngợi tam bá mẫu nhìn người chuẩn xác.
Tam bá mẫu mím miệng cười, hỏi phụ thân:
- Bát tự này có đúng không?
Phụ thân không lên tiếng, thần sắc căng thẳng lại hòa hoãn lại.
Tam bá mẫu mang canh thiếp ghi ngày sinh tháng đẻ của phụ thân đưa cho Chư gia.