Cửu Trọng Tử
Chương 161: Trâm gỗ
Kỷ Linh Tắc khẽ hỏi cô ruột: “Quan hệ của Đậu biểu muội với mẹ kế kém lắm ạ?”
Kỷ thị đưa Kỷ Linh Tắc đến Chân Định tham gia lễ cập kê của Đậu Chiêu còn có dụng ý khác.
Kỷ Linh Tắc đã đính ước với Lục công tử Hàn thị ở Hồ Châu. Người này đang học hành ở kinh thành. Hôn lễ của Kỷ Linh Tắc sẽ tổ chức vào tháng mười năm nay, đó là lý do thứ nhất Kỷ Linh Tắc tới kinh thành trước.
Sau khi xuất giá, Kỷ Linh Tắc sẽ ở lại kinh thành cùng Lục công tử Hàn gia. Tháng bảy sang năm Ngụy gia mãn tang, lúc ấy chắc chắn sẽ mau chóng định ra hôn kỳ với Đậu gia. Đậu Chiêu lên kinh rồi cũng có Kỷ Linh Tắc bầu bạn, đó là lý do thứ hai.
Bên cạnh đó, Kỷ Linh Tắc trí tuệ hơn người, từ nhỏ đã học tập, đọc sách với Kỷ thị, một người có học thức uyên bác và biết chăm lo cho gia đình, vậy nên nàng đối nhân xử thế vừa tự nhiên thoải mái vừa thông minh lanh lợi.
Hàn gia cũng là một gia đình có gốc gác làm quan, hiện có hai vị lão gia đang tại chức, một là Huyện lệnh ở Hồ Quảng, một là Lang Trung ở Ti Thanh Lại thuộc Bộ Công, quản lý việc trị thủy của cả nước.
Đậu Chiêu kết bạn với Kỷ Linh Tắc chỉ có lợi mà không có hại.
Kỷ thị thấy Kỷ Linh Tắc không hiểu rõ chuyện của Đậu Chiêu, không mong con bé vì việc này mà hiểu lầm rằng Đậu Chiêu bất hiếu, liền kể nhỏ với Kỷ Linh Tắc mọi ân oán năm nào.
Kỷ Linh Tắc nghe xong thì trợn mắt há mồm, mãi lâu sao mới thở than: “Nếu là cháu thì chắc cũng khó mà hòa thuận được.”
“Thì đó.” Kỷ thị thở dài, “Vậy nên, có một số việc không thể trách Thọ Cô được.” Lại nói, “Xem ra, tốt nhất là sang năm cô về đây mấy ngày, giúp Thọ Cô chuẩn bị các thủ tục cần thiết trước khi xuất giá.”
Kỷ Linh Tắc cười nói: “Cô thật tốt với Đậu biểu muội.”
“Tất nhiên rồi.” Kỷ thị cười tươi roi rói, “Cô đã chứng kiến Đậu Chiêu từ một cô bé con trở thành một thiếu nữ như bây giờ, chẳng khác gì con gái ruột thịt cả. Từ nhỏ nó đã một thân một mình, sau này cháu nhớ đối đãi với Đậu Chiêu như biểu muội thân thiết nhé.”
“Cháu biết rồi ạ.” Kỷ Linh Tắc khoác tay Kỷ thị, trêu chọc cô mình: “Người cũng thiên vị quá, để Kiến Minh nhận nàng làm biểu muội vẫn chưa đủ mà còn bảo cháu nhận nàng nữa. Đấy là Mạnh Xuân không ở đây chứ không chắc người cũng định để huynh ấy nhận Đậu Chiêu làm biểu muội rồi chứ gì?”
Kỷ Mạnh Xuân, tên là Kỷ Dương, là đường huynh của Kỷ Vịnh. Tuy không nổi danh bằng Kỷ Vịnh nhưng tính tình thì hòa ái dễ gần hơn, làm việc cũng cẩn trọng. Trong đám tiểu bối ở Kỷ gia, Kỷ Dương có uy vọng cao hơn cả Kỷ Vịnh.
Kỷ thị cho là hợp lẽ, đáp: “Đương nhiên là vậy.”
Kỷ Linh Tắc không nhịn được cười, nói: “Thế người có biết không, Kiến Minh viết hai chữ “Đậu Tứ” lên giấy để trên bàn sách trong thư phòng, ngày nào cũng phải ngắm nghía, lẩm nhẩm hai chữ ấy vài bận mới bắt đầu đọc sách đấy ạ.”
Kỷ thị giật thót, hỏi: “Đã xảy ra chuyện gì?”
“Thập tam thúc bắt gặp lúc tới thăm Kiến Minh.” – Kỷ Linh Tắc nói – “Thập tam thúc không dám hỏi Kiến Minh nên đi hỏi Tử Thượng và Tử Tức,” Nàng nói rất nghiêm túc, “Tử Thượng và Tử Tức không giấu diếm gì, bảo là Kiến Minh hạ quyết tâm đi thi là vì bị Đậu biểu muội chê cười, còn kể, Kiến Minh chưa từng bị ai làm nhục lại hết lần này đến lần khác bị Đậu biểu muội chế giễu. Thập tam thúc nghe nói cháu tới Chân Định còn nhờ cháu nghe ngóng xem Kiến Minh và Đậu biểu muội rốt cuộc là có chuyện gì cơ mà. Sợ Kiến Minh nhất thời sơ xuất, trêu chọc Đậu biểu muội khiến thân thích trở nên xa cách, gây bất lợi cho người ở Đậu gia.”
“Còn có chuyện ấy sao?” Kỷ thị nhíu mày.
Kỷ thị về tới kinh thành, việc đầu tiên là hỏi chuyện hai anh em Đậu Chính Xương và Đậu Đức Xương.
Đậu Chính Xương vừa nghe liền sốt sắng: “Việc này có cần nói với cha không ạ? Với tính tình của Kiến Minh thì chưa chắc là do Tứ muội chọc hắn trước.”
Đậu Đức Xương không tán thành, cười nói: “Nếu Kỷ biểu ca chiếm được thượng phong thì cớ gì lại có vẻ nghiến răng nghiến lợi như thế? Theo con thì chúng ta tạm thời coi như không biết gì. Dù gì mấy hôm nay bọn con cũng học ở phủ Thuận Thiên, chỉ cần để ý thì hễ y có động tĩnh là biết ngay. Sắp thi rồi, nếu vì việc này mà làm Kỷ biểu ca gặp rắc rối thì chính là lỗi ở chúng ta.”
Kỷ thị thấy thứ tử nói có lý, gật đầu nhẹ rồi dặn lại hai con: “Các con nhớ lưu tâm đấy, đợi Kiến Minh thi Hội xong lại nói tiếp. Khúc mắc này được tháo gỡ là tốt nhất, nếu không thì phải nhờ tới ngoại tổ phụ của các con.”
Hai người đồng ý, ngày ngày âm thầm quan sát Kỷ Vịnh thật tỉ mỉ.
Kỷ Vịnh lại như không biết gì, ngày nào cũng chăm chỉ học hành, từ sớm tinh mơ gà gáy đã dậy mà khuya lơ khuya lắc mới ngủ, đọc qua hết một lượt những bài vở trong năm năm nay. Đến mùng chín tháng hai, còn chưa bái tế tổ tiên Kỷ gia, Tử Thượng và Tử Tức đã chọn ra một rổ những bài đã làm, mang theo cả giấy bút nghiên mực thường dùng và một chút thức ăn cùng nhau vào trường thi. Khi người của Kỷ Kỳ đuổi theo đã không thấy bóng dáng Kỷ Vịnh đâu.
Kỷ Kỳ bực bội dậm chân, trách Tử Thượng và Tử Tức không hiểu chuyện.
Tử Thượng, Tử Tức chịu không biết bao nhiêu oan ức vì gánh tội cho Kỷ Vịnh, run rẩy quỳ xin được tha thứ, nhưng trong lòng lại không biết sợ là gì bởi họ biết chỉ cần Kỷ Vịnh không đồng ý thì trừ phi là chọc giận lão thái gia, còn không ai cũng sẽ bỏ qua cho họ.
Quả nhiên, Kỷ Kỳ chỉ thở dài mấy cái rồi cho họ đứng dậy.
Sau ba vòng thi, Kỷ Kỳ không dám hỏi Kỷ Vịnh thi có tốt không, nếu thấy tốt mà kết quả lại là trượt thì con nó mất mặt với cha, e là sau này không bao giờ muốn gặp mình nữa; nếu thấy không tốt thì suốt thời gian qua Kỷ Vịnh bỏ công sức học hành chẳng phải đều phí hoài sao, nó cũng sẽ cảm thấy không còn mặt mũi nào đối diện với mình… Tốt nhất không nhắc đến chuyện đó, chỉ báo cho mẫu thân Kỷ Vịnh là Hàn thị biết con đã thi xong, bà ấy chủ động đi từ Nghi Hưng tới đây, đích thân xuống bếp nấu mấy món con trai thích ăn, ở nhà chờ nó về.
Kỷ Vịnh nghĩ ngợi gì đó, cùng Kỷ Kỳ về ngõ Ngọc Kiều.
Kỷ Kỳ thở phào.
Từ khi sinh ra, Kỷ Vịnh đã được Kỷ lão thái thái nuôi nấng, lớn lên một chút thì đi theo Kỷ lão thái gia, số lần Hàn thi gặp con trai còn ít hơn mấy tên sai vặt đi theo Kỷ Vịnh, tình cảm của nàng với con trai thực rất tế nhị.
Nàng rất tự hào về Kỷ Vịnh, nhưng có lúc lại thấy đứa con trai mình sinh ra này không thuộc về mình mà thuộc về Kỷ gia, chỉ là mượn bụng nàng sinh con mà thôi, đôi lúc có cảm giác “nếu con trai không thông minh như thế này thì tốt biết mấy”. Nhưng nàng trước giờ không dám nói với bất kỳ ai suy nghĩ đó, lại càng không tiện hỏi chuyện của Kỷ Vịnh, chỉ kéo tay hắn hỏi dăm câu ba điều về sinh hoạt thường ngày thôi.
Hai người làm cha mẹ còn kín miệng như vậy, những người khác trong nhà càng không hé lời chuốc nhục, tất cả đều coi như Kỷ Vịnh vừa đi đâu đó về nhà, hỏi thăm này nọ nhưng tuyệt không nhắc tới chuyện khoa cử.
Thực ra, Kỷ Vịnh cảm thấy mình thi khá được, kiểu gì cũng có thể lọt vào năm người đầu bảng, rất muốn bàn luận với ai đó, nhưng người khác không hỏi, hắn làm sao có thể chủ động nhắc đến đây? Cái chính là dù hắn có nhắc đến, họ cũng chỉ cười cười nói cho có mấy câu như “Chắc chắn cậu sẽ đề tên bảng vàng”.
Giá mà có Đậu Chiêu ở đây. Chắc hẳn nàng sẽ hỏi hắn đề thi thế nào, hắn trả lời ra làm sao, biết đâu còn hỏi hắn vì sao lại trả lời như vậy.
Nghĩ thế, hắn liền nhớ tới đôi mắt hạnh sáng lấp lánh của Đậu Chiêu. Đôi mắt ấy bất kể lúc nào cũng toát ra vẻ phấn chấn, không bao giờ tỏ ra mệt mỏi.
Mẫu thân hỏi han thận trọng chợt khiến Kỷ Vịnh cảm thấy rất ngại ngùng và vô cùng bất lực.
Hắn không phải người quanh co cầu toàn, dứt khoát đứng dậy, sốt ruột nói một câu “Con về phòng đây” rồi đi thẳng.
Hàn thị thở dài. Đứa con trai này thật sự không có gì để nói.
Kỷ Vịnh nằm trên giường, nghĩ tới chiếc hộp gỗ long não nhỏ đặt trong thư phòng của căn nhà ở phủ Thuận Thiên. Hắn dặn Tử Thượng: “Ngươi đi lấy chiếc hộp đó lại đây.”
Tử Thượng đáp lời rồi đi, lúc về thì gặp Hàn thị.
Hàn thị khó chịu trong lòng nên gọi Kỷ Linh Tắc tới nói chuyện, thấy Tử thượng đã muộn còn ra ngoài liền hỏi.
Tử Thượng được Kỷ Vịnh coi trọng bởi hắn không phải người không biết nặng nhẹ, nghe Hàn thị hỏi thì kính cẩn đáp lại.
Hàn thị thấy lạ nhưng không hỏi thêm.
Sáng sớm hôm sau, nàng tới phòng Kỷ Vịnh định giúp con dọn dẹp đồ đạc thì hắn đã tới căn nhà bên phủ Thuận Thiên.
“Sao đi sớm vậy?” Hàn thị rất thất vọng.
Nha hoàn hầu hạ trong phòng Kỷ Vịnh vội đáp: “Phu nhân, thiếu gia nói bên phủ Thuận Thiên còn để nhiều sách vở, đều là Tứ thư Ngũ kinh, thời văn chế nghệ, dù gì thiếu gia cũng không dùng đến nữa nên muốn đem tặng cho hai thiếu gia bên nhà cô, hẹn họ tới lấy sách, chứ không phải định ở lại phủ Thuận Thiên đâu ạ.”
Hàn thị nghe vậy thì mặt mày vui vẻ hơn, hỏi tiếp: “Nói vậy thì thiếu gia thi tốt phải không?”
Nha hoàn sao dám đáp lời, đành nói tránh: “Nô tì cũng không biết ạ. Đêm qua thiếu gia về phòng liền đi đi lại lại trong phòng mãi tới khi Tử Thượng quay về mới đi nghỉ.”
Hàn thị sửng sốt, ánh mắt tự nhiên liếc qua chiếc gối xanh ở đầu giường Kỷ Vịnh, phát hiện dưới gối có một chiếc hộp gỗ long não lộ ra một góc. Nàng bất giác đi qua đó, rút hẳn chiếc hộp và mở ra. Bên trong là một cây trâm gỗ long não.
Chiếc trâm có hình thù đơn giản, khắc đủ kiểu loại hoa trà, có bông vừa chớm nở, có nụ còn e ấp, có đóa đã nở bung. Công phu không hẳn tinh xảo, nguyên liệu cũng không hẳn cầu kỳ, nhưng trông vô cùng mới mẻ. Không những thế, đồ dùng khắc gỗ toát ra phong thái mộc mạc tự nhiên, nhưng trên cây trâm lại khắc hoa chi chít, mang vẻ tranh nhau đua nở sợ thua kém, khiến người ta có cảm giác kỳ cục.
Thủ nghệ của người khắc cây trâm này bình thường, mà họa kỹ của người thiết kế lại cao siêu! Hàn thị chợt nảy ra phán đoán như vậy… rồi lại nhớ ra cảnh mới đây Kỷ Vịnh cưa chân một chiếc ghế đẩu, nhoài người trên bàn vẽ trong lương đình hoa viên để vẽ tranh hoa trà trong vườn nhà…
Nàng không khỏi hoảng hốt, đóng chiếc hộp “cạch” một tiếng, vội hỏi lại nha hoàn: “Đây là…”
Nha hoàn cười trả lời: “Tối qua Tử Thượng đã mang chiếc hộp này tới ạ.” Nói xong mắt lộ vẻ hoang mang, “Rõ ràng tối qua con đã thấy thiếu gia cất hộp này vào hòm hành lý, sao lại để ở dưới gối thế này…”
Đầu Hàn thi ong ong, nảy sinh cảm giác sợ hãi không giải thích được. Nàng cất lại chiếc hộp rồi cuống quýt dặn dò nha hoàn đó: “Đừng để thiếu gia phát hiện có người đụng vào đồ của nó.” Nói xong thì vội vàng về phòng, sai bảo Hàn ma ma, vú nuôi của nàng: “Ngươi ra đợi trước cửa thùy hoa đi, khi nào thiếu gia về liền tới báo cho ta.”