Cuộc Đời Của Pi
Chương 31
Có thể nhảy xuống biển và bơi đi, nhưng cơ thể tôi không chịu nhúc nhích. Tôi đang cách đất liền hàng trăm dặm, có khi hàng nghìn dặm cũng nên. Tôi không thể bơi xa như vậy, có phao cũng thế thôi. Rồi ăn gì, uống gì? Làm sao ngăn cá mập? Làm sao cho khỏi rét mướt? Mà biết bơi theo hướng nào? Không thể nghi ngờ một tí gì nữa: Rời khỏi xuồng có nghĩa là chết. Nhưng ở lại xuồng thì sao? Nó sẽ mò sang tôi như một con mèo điển hình, không một tiếng động. Chưa kịp biết thì nó đã ngoạm chặt lấy gáy hoặc cổ họng và tôi sẽ bị xuyên thủng với những lỗ răng nanh. Tôi sẽ không kịp nói gì hết. Dòng sinh huyết sẽ rời bỏ thân thể tôi không một lần trăng trối. Hoặc giả nó sẽ dùng móng vuốt ấy để quật chết tôi, bẻ gẫy cổ tôi.
“Ta chết mất thôi”. Tôi lắp bắp, môi run bắn.
Biết mình sắp chết đã đủ khủng khiếp rồi. Nhưng khủng khiếp hơn là biết mình sắp chết mà lại còn thời gian để thấy rõ những hạnh phúc mình đã có và có thể đã có. Ta thấy tất cả những gì mà ta đang mất, rõ mồn một. Những hình ảnh đó dìm ta vào một nỗi đau đớn mà không có một cỗ xe nào sắp đâm chết ta hoặc một làn nước nào sắp dìm chết ta có thể so sành được. Cái cảm giác ấy thật sự không thể chịu nổi. Những từ Cha, Mẹ, Ravi, Ấn Độ, Winnipeg đâm vào tôi buốt nhói đến xé lòng.
Tôi đang định đầu hàng. Và chắc chắn đã đầu hàng rồi, nếu không có một tiếng nói bỗng vọng lên trong đầu tôi. Tiếng ấy nói: “Ta sẽ không chết. Ta không chấp nhận cái chết. Ta sẽ qua được cơn ác mộng này. Ta sẽ chiến thắng mọi rủi ro, cho dù chúng lớn đến mấy. Ta đã sống được cho đến bây giờ, một cách thần kỳ. Ta sẽ biến điều thần kỳ ấy thành lệ thường. Điều không thể tin được sẽ đến với ta hàng ngày. Ta sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Đúng vậy, chừng nào Thượng Đế còn ở bên ta, ta sẽ không chết. Amen.”
Tôi làm mặt nghiêm nghị và cương quyết. Tôi không dám nói ngoa, nhưng quả thực vào lúc đó tôi mới phát hiện ra rằng mình có một ý chí sống thật mãnh liệt. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy đó không phải là một điều hiển nhiên. Có nhiều người trong số/ chúng ta chịu bỏ cuộc chỉ với một tiếng thở dài. Những người khác đã chiến đấu chút đỉnh, rồi mất hy vọng. Nhưng một số khác nữa, trong đó có tôi, thì không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu. Chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những gì thất bại phải chịu, bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến tận cùng. Đó không phải là vấn đề can đảm. Nó là một cái gì đó thuộc về bản chất, một tình trạng không có khả năng đầu hàng. Có thể cũng chỉ là sự ngu ngốc của lòng ham sống mà thôi.
Richard Parker bắt đầu gầm gừ vào đúng thời điểm tôi nghĩ đến cái đó, cứ như thể nó đã đợi cho đến lúc thấy tôi đã thành một đối thủ xứng đáng. Tôi thắt ngực lại vì sợ.
“Mau lên, nào, chóng lên”, tôi thì thào trong bụng. Tôi phải thu xếp việc sống còn của mình. Không thể phí một giây. Tôi cần nơi ẩn náu và cần ngay lập tức. Tôi nghĩ đến cái mái chèo mà tôi đã cắm vào mũi xuồng. Nhưng bây giờ tấm bạt đã cuộn lên ở đó, chẳng có gì giữ được mái chèo nữa. Hơn nữa, làm sao có thể an toàn bằng cách treo người trên một cái mái chèo như vậy được? Richard Parker sẽ dễ dàng tóm được tôi. Phải tìm cách khác. Đầu óc tôi quay như chong chóng.
Phải làm một cái bè. Những cái chèo, nếu ta còn nhớ, không bị chìm. Và tôi còn đống áo phao với một cái phao cứu nạn trắc nịch.
Cố thở thật nhẹ, tôi đóng cái tủ với xuống bên dưới tấm bạt để nhặt những cái chèo ở trên hai cái ghế bên xuồng. Richard Parker để ý. Tôi nhìn thấy nó qua các khe hở ở tấm áo phao. Khi tôi rút từng cái chèo lên – cẩn thận vô cùng, nó có phản ứng động đậy đôi chút, nhưng không quay người lại. Tôi lấy lên được ba cái chèo. Cái thứ ta đã nằm ngang trên tấm bạt. Tôi nhấc cái nắp đậy để chặn khoảng hở thong sang chỗ nằm của Richard Parker.
Tôi đã có bốn cái phao không chìm. Tôi xếp chúng trên tấm bạt, xung quanh cái phao tròn, làm thành một hình vuông. Cái bè của tôi giống như một ô cờ caroo với một chữ O vừa mới vẽ cho nước cờ đầu tiên.
Phần nguy hiểm bắt đầu. Tôi phải lấy được các tấm áo phao. Tiếng gầm gừ của Richard Parkẻ lúc ấy đã thành một âm thanh trầm và rền, rung cả không khí. Con linh cẩu đáp lại bằng một tiếng ư ử the thé và run rẩy. Chắc chắn sắp có chuyện.
Tôi không có lựa chọn nào khác. Phải hành động thôi. Tôi lại hạ thấp nắp xuống. Đống áo phao nằm trong tầm tay với của tôi. Một số chúng chạm hẳn vào người Richard Parker. Con linh cẩu đột nhiên kêu thé lên.
Tôi với đến cái áo gần nhất. Khó khăn mới túm được nó vì tay tôi run bắn lên. Tôi kéo cái áo đó ra. Có vẻ Richard Parker không chú ý gì. Tôi kéo một cái áo nữa. Một cái nữa. Tôi gần muốn ngất vì sợ. Rất khó thở. Tôi tự nhủ, nếu cần thì mình có thể nhảy xuống biển với đống áo phao. Tôi lại kéo ra được một cái nữa. Thế là có bốn cái tất cả.
Tôi luồn các mái chèo qua các lỗ tay của từng cái áo phao ở bốn góc phà, buộc chắc chúng lại với nhau, rồi giật dây bơm căng chúng lên. Tôi lấy một cuộn dây không chìm, dùng dao cắt thành bốn đoạn, rồi buộc thật chặt những đoạn hai mái chèo gác vào nhau. Nhờ trời, tôi đã được học và tập buộc các loại nút rất chu đáo. Tôi thắt mười nút trên một góc phà mà vẫn còn lo các mái chèo có thể sẽ bị lỏng và rời nhau ra. Tôi làm như lên cơn sốt, luôn mình tự rủa mình ngu ngốc. Một con hổ trên xuồng mà tôi lại đợi ba ngày ba đêm rồi mới tính chuyện tự vệ bản thân.
Tôi cắt thêm bốn đoạn dây không chìm nữa và buộc chặt cái phao cứu nạn vào bốn cạnh của cái phà vuông. Tôi luồn dây từ cái phao qua các áo phao, quanh các mái chèo, chạy ra chạy vào quanh cái áo phao và vòng qua phà. Cũng là một biện pháp đề phòng vỡ phà.
Con linh cẩu bắt đầu kêu thét hết cỡ.
Vẫn còn một việc cuối cùng phải làm. “Lạy Chúa, xin cho con một lát nữa” tôi cầu khẩn. Tôi túm lấy phần còn lại của cái dây không chìm. Có một cái lỗ xuyên qua gần đỉnh của thanh nhọn mũi xuồng. Tôi luồn sợi dây qua cái lỗ ấy và thắt nút. Chỉ cần buộc chặt đầu dây kia vào bè là tôi có thể thoát.
Con linh cẩu lại lặng im. Tim tôi ngừng bặt, rồi đập trở lại nhanh gấp ba lần. Tôi quay lại.
“Lạy Chúa Jesus, Đức mẹ Mary, Thánh Muhammad và Thần Vishnu!”
Những gì hiển hiện trước mắt tôi lúc ấy sẽ hằn lại trong tôi cho đến chết. Richard Parker đã trỗi dậy và xuất đầu lộ diện. Nó cách tôi chưa đầy năm mét. Ôi, nó mới to lớn làm sao! Con linh cẩu tận số đến nơi rồi, và cả tôi nữa. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, tê liệt hoàn toàn, hãi hung chứng kiến những gì đang diễn ra trước mắt. Đã từng thấy hai con thú hoang bỏ xổng trên xuồng quan hệ với nhau ra sao, tôi đã tưởng cuộc đổ máu sẽ phải ầm ĩ và đầy vật lộn. Nhưng nó xảy ra thực sự im lìm. Con linh cầu chết không một tiếng rên la, và Richard Parker giết con linh cẩu một cách im phăng phắc. Con thú ăn thịt màu lửa ấy chồi dậy từ phía dưới tấm bạt và bước tới chỗ con linh cẩu. Con này đang đứng dựa vào chiếc ghế đuôi xuồng, đằng sau xác con ngựa vằn, như bị đóng đanh vào đó. Nó không chống cự. Nó khuỵu xuống sàn, giơ một chân trước lên trong một dáng điệu tự vệ tuyệt vọng. Vẻ mặt nó là hình ảnh của sự hãi hùng. Mòng vuốt khổng lồ của con hổ bổ xuống vai nó. Richard Parker ngoạm vào cổ nó, cặp mắt như tráng men ướt chừng to hẳn ra. Tiếng thịt xương rau ráu khi thanh quản và dây sống bị nghiền nát. Con linh cẩu giãy một cái. Mắt nó đờ ra. Thế là xong.
Richard Parker nhả mồi và cất tiếng gầm gừ. Một tiếng gầm gừ gần như chán nản và không hề muốn ai nghe thấy. Nó thở dốc, lưỡi thè lè. Nó liếm mép. Nó lắc đầu. Nó hít ngửi con linh cẩu đã chết. Nó ngẩng cao đầu và đón ngửi không khí. Nó chống cả hai chân trước lên mặt ghế băng và rướn lên. Hai chân nó dang rộng. Cái xuồng lắc lư, mặc dù rất nhẹ, rõ rang đang làm nó khó chịu. Nó nhìn quanh mạn xuồng ra phía biển khơi. Nó cất một tiếng gằn trầm đặc và cáu kỉnh. Nó lại ngửi không khí. Nó từ từ quay đầu. Nó quay, quay, quay hẳn lại đằng sau, cho đến lúc nhìn thẳng vào tôi.
Ước gì tôi có thể mô tả lại những gì xảy ra sau đó, không phải những cái tôi nhìn thấy, điều đó còn có thể tả được, mà là những gì tôi đã trải qua trong cảm giác của mình. Tôi nhìn Richard từ một góc độ thấy hết vẻ đẹp ghê gớm của nó, nghĩa là từ sau lưng, khi nó vươn người lên và quay đầu lại. Dáng điệu ấy có vẻ như cố tình làm mẫu, thậm chí hơi quá, để phô trương nghệ thuật của sức mạnh. Sự hiện diện của nó thật choáng ngợp và áp đảo, mà vể uyển chuyển thì thật duyên dáng. Người nó đầy cơ bắp, nhưng các khớp nhô ra lại gầy nhỏ và bộ da bóng bẩy như đang treo lỏng lẻo trên khung xương của nó. Thân thể nó, màu da cam sáng có sắc nâu với những vạch đứng đen tuyền, đẹp không thể so sánh với cái gì được, và thật hài hòa với mầu trắng tinh khiết của bộ ngực và dưới hai bên sườn cũng như những vòng đen chạy suốt bộ đuôi dài. Khổ đầu nó to và tròn, phô trương một bộ râu quai nón đáng kính nể, một chòm râu quai cằm sành điệu, và những sợi râu mép đẹp nhất trong thế giới hổ báo – dầy, dài và trắng tinh. Trên đỉnh đầu là đôi tai nhỏ sinh động có hình dáng của những mái vòm tuyệt hảo. Bộ mặt màu da cam cà – rốt có một sống mũi rộng, một chỏm mũi màu hồng, và được thiết kế rất phóng khoáng táo bạo. Các chấm đen hình sóng chạy vòng quanh gương mặt theo một kiểu vừa nổi bật vừa tinh tế, vì chúng thu hút sự chú ý vào chúng thì ít mà vào cái phần không có chúng thì nhiều, tức là phần sống mũi sáng sủa đến mức gần như rỡ rang. Các mảng trắng phía trên mắt, hai bên má và xung quanh miệng nổi bật lên như những nét trang điểm cuối cùng xứng đáng với một vũ nữ Kathakali. Kết quả là một gương mặt trông giống như một đôi cánh bướm và mang một vẻ gì đó hơi già nua và Trung Quốc. Nhưng khi cặp mắt màu hoàng ngọc của Richard Parker gặp mắt tôi, cái nhìn chằm chằm của nó thật căng thẳng, lạnh lùng và không nhượng bộ, không dễ dãi hoặc thân thiện chút nào, biểu lộ thái độ tự chủ đến độ giận dữ sắp nổ tung ra được. Hai tai nó vẫy vẫy rồi quay vòng. Một môi bắt đầu vén lên hạ xuống, để lộ chiếc nanh vàng khè dài phải bằng ngón tay dài nhất của tôi.
Lông tóc trên người tôi dựng đứng hết cả, ngộp thở vì sợ hãi.
Đúng lúc đó thì con chuột xuất hiện. Không biết từ đâu, một con chuột nâu xơ xác hiện hình trên mặt ghế bên cạnh xuồng, hốt hoảng, hết hơi. Richard Parker cũng có vẻ kinh ngạc như tôi. Con chuột nhảy vọt lên tấm bạt và chạy về phía tôi. Thấy thế, vừa choáng, vừa ngạc nhiên, hai chân tôi khuỵu xuống và toi gần như ngã vào trong cái tủ bên dưới. Trước cặp mắt kinh hoàng của tôi con chuột nhảy thoăn thoắt qua các phần của bè, vọt lên người tôi và trèo luôn lên đỉnh đầu. Những cái móng bé tí xíu của nó bám chặt xuống da đầu tôi, khư khư níu lấy sự sống.
Cặp mắt của Richard Parker dã dõi theo con chuột. Bây giờ thì chúng nhìn chằm chằm vào đầu tôi.
Nó không quay đầu them nữa mà từ từ xoay người đồng thời đưa hai chân trước dọc theo ghế cạnh xuồng. Nó uyển chuyển và nhẹ nhàng nhẩy xuống sàn xuồng. Tôi có thể thấy đỉnh đầu, cái lưng và cái đuôi dài uốn cong lên của nó. Hai tai nó ép xuống sọ. Chỉ ba bước nó đã về đến giữa xuồng. Cũng nhẹ nhàng như không, nó đứng hẳn nửa thân trước lên và vịn chân vào mép tấm bạt đã cuộn lên.
Nó chỉ cách tôi chừng hai mét. Đầu nó, ngực nó, chân nó – to quá! To quá! Hàm răng nó như cả một tiểu đoàn bộ binh. Nó đang sửa soạn nhảy lên tấm bạt. Tôi sắp chết rồi.
Nhưng tấm bạt bập bung làm nó khó chịu. Nó ấn thử chân xuống chỗ này chỗ kia. Nó ngẩng lên có vẻ lo lắng – hình như khó chịu vì có quá nhiều ánh sáng và quá mênh mông ở xung quanh. Cái xuồng liên tục lắc lư cũng tiếp tục làm nó không yên. Trong giây lát, Richard Parker lưỡng lự.
Tôi túm con chuột và ném về phía con hổ. Tôi vẫn còn thấy nó trong kí ức khi nó bay vọt qua trong không gian – chân duỗi hết ra và cái đuôi dựng đứng, cái bìu dái dài nhỏ xíu và cái lỗ đít như lỗ châm kim. Richard Parker ngoác miệng ra và con chuột đang kêu chí chóe biến mất vào đó như một quả bóng chày chui tọt vào găng tay người bắt bóng. Cái đuôi trùi thùi lụi của nó biến đi như một sợi mì ống bị mút chụt vào mồm.
Con hổ có vẻ hài lòng vì món quà. Nó lùi lại và quay về chỗ ở bên dưới tấm bạt. Chân tôi lập tức sinh động trở lại. Tôi nhầy lên và mở cái nắp tủ để bịt khoảng trống giữa mặt ghế dài mũi xuồng và cái mui bạt.
Tôi nghe tiếng hít ngửi ầm ĩ và tiếng thịt nặng bị lôi kéo trên sàn. Thân thể nó dịch chuyển khiến xuồng chòng chành. Tôi bắt đầu nghe tiếng ăn nhóp nhép. Tôi liếc xuống bên dưới tấm bạt. Nó đang ở giữa xuồng. Nó đang ăn con linh cẩu với từng miếng lớn, nhai nuốt liên tục. Không thể để lỡ cơ hội duy nhất này. Tôi với xuống và lấy lên được những chiếc áo phao còn lại – sáu chiếc tất cả – và cả cái chèo cuối cùng. Chúng sẽ củng cố thêm cho cái bè. Tôi để ý thấy mùi gì. Không phải sặc sụa như mùi nước đái hổ. Mà là mùi nôn. Và tôi thấy cả một bãi nôn dưới sàn. Chắc hẳn là Richard Parker thật. Như vậy là nó bị say sóng thật.
Tôi buộc cái day dài vào bè. Bây giờ thì bè đã được nối vào xuồng. Tiếp đó, tôi buộc thêm bốn chiếc áo phao vào bốn cạnh bè, ở phía dưới. Một chiếc áo phao nữa thì tôi buộc trải ngang qua cái phao để làm thành một cái ghế ngồi. Tôi biến cái chèo cuối cùng thành cái để gác chân, chằng vào một cạnh bè, cách cái phao chừng sáu mươi phân, rồi buộc nốt chiếc áo phao còn lại vào đó. Những ngón tay tôi run bắn, tôi hụt hơi và khó thở. Tôi kiểm tra đi, kiểm tra lại các nút buộc.
Tôi nhìn ra xung quanh. Chỉ thấy những đợt sóng dài và nhẹ. Không có sóng bạc đầu. Gió thổi nhẹ và đều. Tôi nhìn xuống nước. Có nhiều cá – cá to với bộ trán dô và các vây lựng rất dài, tôi chưa từng thấy bao giờ, và các loại cá nhỏ hơn nữa – rồi thấy cả cá mập.
Tôi nhẹ nhàng thả cái bè ra khỏi xuồng. Nếu vì lí do nào đó mà nó không nổi thì tôi chỉ có chắc chết mà thôi. Nó xuống nước thật đẹp. Thực tế là các áo phao nổi mạnh đến nỗi chúng nhấc cả cái phao và các mái chèo lên hẳn mặt nước. Nhưng lòng tôi nặng trĩu. Vừa khi cái bè chạm nước, các bầy cá tản ngay ra, chỉ trừ bọn cá mập. Chúng ở lại. Ba hoặc bốn con. Một con bơi qua ngay dưới bè. Richard Parker hắng giọng.
Tôi thấy mình giống như một người bị tù bọn cướp biển bắt phải nhẩy xuống biển.
Tôi kéo cái bè vào gần, cho đến khi các đầu mái chèo chạm hẳn và xuồng. Tôi nghiêng xuống đặt tay lên cái phao. Qua các kẽ hở trên mặt bè – gọi chúng là những khe hở toang hoác thì đúng hơn – tôi nhìn thẳng xuống những tầng sâu thăm thẳm của biển cả. Tôi nghe lại thấy tiếng Richard Parker. Tôi trườn úp bụng xuống bè. Tôi nằm bẹp gí, dang hết chân tay và không dám cựa một ngón tay nào. Cái bè có thể lật bất kỳ lúc nào. Hoặc một con cá mập sẽ lao lên cắn thủng qua các áo phao mái chèo. Nhưng không có gì xảy ra. Cái bè chìm xuống một chút, bập bềnh và tròng trành, các đầu chèo chúi xuống dưới mặt nước, nhưng nó nổi một cách chắc chắn. Lũ cá mập đến gần, song không động chạm gì hết.
Tôi cảm thấy một cái giật dây nhẹ. Cái bè xoay một vòng. Tôi ngẩng đầu. Xuồng và bè đã cách xa nhau bằng hết đoạn dây, chừng mươi hai mười ba thước. Sợi dây căng thẳng, bật lên khỏi mặt nước và run rẩy trong không khí. Thật là một cảnh tượng đáng ghét. Tôi đã rời xuồng để cứu mạng mình. Và bây giờ thì lại muốn quay lại xuồng. Cái bè thật là một giải pháp chất chưởng. Chỉ cần một con cá mập cắn đứt dây, hoặc một cái nút bị tuột, hoặc một con cá sóng lớn ào xuống đầu tôi, thế là đi đứt. So với cái bè, chiếc xuồng bây giờ dường như là một chốn cư ngụ thật tiện nghi và an toàn.
Tôi lập cập trở mình. Tôi ngồi dậy. Cho đến lúc ấy, cái bè có vẻ khá ổn định. Cái để chân của tôi rất có tác dụng. Nhưng cái gì cũng quá nhỏ. Chỉ đủ chỗ để ngồi lên thôi, không hơn. Cái bè đồ chơi, cái bè mini, cái bè micro này có thể dùng để chu du trong một cái ao, không thể đi qua Thái Bình Dương được. Tôi núm lấy sợi dây và kéo. Càng gần xuồng, tôi kéo càng chậm lại. Khi vào đến cạnh xuồng, tôi lại nghe tiếng Richard Parker. Nó vẫn đang ăn.
Tôi lưỡng lự nhiều phút dài.
Tôi ngồi nguyên dưới bè. Không biết có thể làm gì khác hơn thế. Các lựa chọn của tôi chỉ là vắt vẻo trên một con hổ hoặc lửng lơ trên bọn cá mập mà thôi. Tôi đã biết quá rõ Richard Parker nguy hiểm như thế nào. Còn cá mập thì tôi chưa thấy chúng nguy hiểm ra sao. Tôi kiểm tra các nút buộc của sợi dây vào xuồng vào bè. Tôi thả dây ra cho đến khi cách xuồng chừng mười mét, cái khoảng cách có vẻ cân bằng hai cái sợ của tôi: quá gần Richard Parker và quá xa chiếc xuồng. Đoạn dây còn lại, khoảng ba mét gì đó, tôi cuốn vòng xung quanh cái chèo để chân. Nếu cần, tôi có thể dễ dàng thả đoạn dây đó ra.
Ngày đang tàn. Mưa bắt đầu rơi. Trời đã nặng mây và ấm áp suốt ngày. Bây giờ thì nhiệt độ hạ hẳn xuống, mưa tầm tã và lạnh. Khắp xung quanh tôi, những giọt nước ngọt nặng trĩu rơi rào rào và phí phạm xuống biển, làm nhăn nheo mặt sóng. Tôi lại kéo sợi dây. Vào sát mũi xuồng, tôi quỳ lên và ôm lấy chỗ thanh nhô. Tôi đu người lên và thận trọng nhìn qua mạn xuồng. Không thấy nó đâu.
Tôi vội vàng mò vào tủ. Tôi vớ một cái hứng nước mưa, một túi nhựa năm mươi lít, một cái chăn và cuốn cẩm nang. Tôi đập cái nắp tủ xuống. Tôi không định làm thế, tuy cũng lo mưa vào tướt hết những của quý của tôi, nhưng cái nắp tuột khỏi bàn tay ướt nhoẹt của tôi. Đó là một sai lầm tệ hại. Hạ cái nắp xuống đã là hành động để lộ mình cho Richard Parker nhìn thấy rồi, mà lại còn làm đến rầm một cái để gọi nó nữa! Đang phủ phục trên con linh cẩu, nó lập tức quay đầu lại. Nhiều con thú rất ghét bị quấy rầy lúc đang ăn. Richard Parker gầm lên. Móng vuốt nó giương ra. Chỏm đuôi nó vẫy qua vẫy lại như có động cơ điện. Tôi nhẩy ào xuống bè. Chắc chắn là sợ hãi đã khiến tôi nhanh đến thế. Và cùng với gió và nước dòng, chỉ nhoáng một cái là tôi đã ra xa xuồng. Tôi thả hết dây. Nhất định Richard Parker sẽ lao ra khỏi xuồng, vọt qua không trung, nhe nanh giương vuốt vồ lấy tôi. Tôi không rời mắt khỏi chiếc xuồng. Càng nhìn càng hãi.
Nó không xuất hiện.
Đến khi mở được cái hứng mưa ra trên đầu và buộc chân vào trong cái túi nylon, người tôi đã ướt hết cả. Nhưng tôi vẫn quấn nó quanh người.
Đêm đến. Xung quanh tôi chỉ còn là bóng tối đầy đặc. Chỉ chờ vào những cú kéo giật đều đặn của sợi dây mà tôi biết mình vẫn còn nối với xuồng. Biên, chỉ ở bên dưới tôi độ chục phân mà mắt tôi không thể thấy, im lặng nâng đỡ cái bè. Những ngón tay nước vụng trộm thò lên qua các khe hở và quệt ướt hết cả đít tôi.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp