Cuộc Đời Của Pi
Chương 22
Tôi nhìn mãi con tàu lúc nó chìm xuống khối nước sủi sùng sục. Những ánh đèn nhập nhoạng rồi tắt ngấm. Tôi cố tìm gia đình tôi, những ai còn sống sót, một cái xuồng cứu nạn khác, bất cứ gì có thể làm tôi hy vọng. Nhưng không có gì cả. Chỉ có mưa, những cơn sóng dữ dội của đại dương đen ngòm và dư vị thảm họa.
Bóng tối đã tan đi trên bầu trời. Mưa đã tạnh.
Tôi không thể ở trong tư thế của mình mãi. Tôi rét. Cổ tôi đau nhừ vì phải giữ cái đầu và phải nghển lên nghển xuống mãi cho đến lúc đó. Lưng cũng đau vì dựa mãi vào cái phao. Và tôi cần phải ở cao hơn nữa mới có thể quan sát xem có cái xuồng cứu nạn nào nữa không.
Tôi dịch xuống dọc cái chèo cho đến lúc hai bàn chân đặc lên được mũi xuồng. Phải rất thận trọng. Tôi đoán Richard Parker đang nằm dưới tấm bạt, quay lưng về phía tôi, quay mặt ra chỗ con ngựa vằn mà chắc chắn là nó đã thịt mất rồi. Trong năm giác quan, hổ dùng nhiều đến mắt nhất. Nhãn lực của chúng mạnh, nhất là phát hiện các chuyển động. Tai chúng cũng thính. Mũi chúng thì thường. Tất nhiên tôi muốn nói là nếu so với các loài vật khác. Bên cạnh Richard Parker thì tôi là thằng điếc, mù và tịt mũi đặc. Nhưng lúc ấy nó không thể nhìn thấy tôi, và tôi ướt sũng như vậy thì nó cũng có thể không ngửi thấy, còn với tiếng gió gào biển thét khi đó, nếu tôi cẩn thận thì chắc nó không thể nghe thấy tôi. Một khi nó còn chưa biết đến tôi thì còn có cơ hội sống. Nếu biết, nó sẽ giết tôi lập tức. Tôi băn khoăn không biết nó có thể vọt lên qua tấm bạt không.
Sợ hãi và lí trí tranh nhau trả lời. Sợ hãi bảo được chứ, nó là một con thú ăn thịt hung dữ và mạnh mẽ, nặng tới hơn hai tạ. Móng nào của nó cũng sắc như dao. Lí trí lại nói không được đâu, tấm bạt rất chắc, không phải là vách giấy Nhật Bản. Tôi đã từ tít trên cao rơi xuống nó. Richard Parker có thể dùng móng cào xé tấm bạt dễ dàng và nhanh chóng, nhưng không thể nhảy chui qua tấm bạt đến bóp một cái như thằng hề trong hộp đồ chơi. Và nó con chưa thấy tôi. Chưa thấy tôi thì nó chẳng có lí do gì phải cào xé tấm bạt để chui qua cả.
Tôi trườn dọc cái chèo. Tôi để cả hai chân sang một phía và đặt chân lên mạn xuồng, cái mép trên của sườn xuồng, hay gọi là cái gọng trên cũng được. Tôi dịch thêm chút nữa cho đến khi hai chân ở trong xuồng. Tôi không rời mắt khỏi cái mép bên kia của tấm bạt. Bất kì giây phút nào Richard Parker cũng có thể trỗi dậy nhào đến tôi. Người tôi phát ra nhưng cơn sợ run bần bật rất nhiều lần. Đúng cái chỗ cần phải im nhất là đôi chân thì tôi lại là chỗ tôi bị run mạnh nhất. Hai chân tôi run đùng đùng như gõ trống trên tấm bạt, đến gõ cửa gọi Richard Parker thì cũng chỉ thế là cùng. Cơn run lan từ chân lên tay và tôi chẳng thể nào cản nổi chúng. Rồi từng cơn run sợ cũng qua đi.
Khi người tôi đã phần lớn vào trong xuồng, tôi gượng đứng dậy. Tôi nhìn sang qua tấm mép bạt, và ngạc nhiên thấy con ngựa vằn vẫn còn sống. Nó nằm gần đuôi xuồng, chỗ nó đã rơi xuống, bất động, nhưng bụng vẫn phập phồng thở dốc và mắt vẫn đáo điên đầy hoảng hốt. Nó nằm nghiêng, quay mặt về phía tôi, đầu và cổ nghẹo trên cái ghế băng bên mạn xuồng một cách vụng về. Một chân sau nó đã gãy thảm hại. Cái góc gập hoàn toàn không tự nhiên. Xương lòi khỏi da và có máu chảy. Chỉ hai chân trước thanh mảnh là có vẻ vẫn còn trong tư thế tự nhiên. Chúng gập lại và thu gọn xuống bên dưới phần thân thể đã vặn vẹo. Thỉnh thoảng, con ngựa vằn lại ngúc ngắc đầu, kêu nấc lên và thở phì phò. Còn thì nó nằm bất động.
Một con vật đáng yêu. Những cái vằn của nó ánh lên, sáng trắng và đen tuyền. Đang cơn khắc khoải chết người, tôi không để ý nhiều, nhưng vẫn kinh ngạc nhận thấy, dù chỉ thoáng qua, cái kiểu dáng thật lạ, thật sạch và thật đẹp, cũng như cái đầu thanh tú của nó. Cái hệ trong lớn hơn đối với tôi là điều hiển nhiên lạ lùng rằng Richard Parker đã không giết nó. Các loài thú ăn thịt chỉ biết: chúng phải giết con mồi. Trong hoàn cảnh lúc ấy, Richard Parker, căng thẳng và sợ hãi đến thế, chắc chắn sẽ càng hung dữ hơn nhiều. Nhẽ ra con ngựa vằn phải bị ăn thịt rồi mới phải.
Nguyên nhân của việc tha chết đó chỉ một lúc sau hiển hiện ra trước mặt tôi. Nó làm máu tôi đông lại, rồi cũng làm cho tôi có một chút yên tâm. Một cái đầu xuất hiện ở cuối tấm bạt. Nó nhìn thẳng vào tôi một cách sợ hãi, thụt xuống, ngẩng lên, lại thụt xuống, lại ngẩng lên, rồi biến hẳn. Một cái đầu hói hao hao giống gấu của một con linh cẩu lông chấm. Vườn thú của chúng tôi có một bộ lạc linh cẩu gồm 6 con, hai con cái chỉ huy và 4 con đực lâu la. Chúng đang trên đường đến Minesota. Con này là một con đực. Tôi nhận ra nó vì cái tai bên phải, bị rách bươm và vết sẹo lởm chởm vẫn làm chứng cho những vụ bạo hành ngày trước của nó. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao Richard Parker đã không giết con ngựa vằn: nó không còn ở trên xuồng nữa. Không thể có một con linh cẩu và một con hổ trong cùng một nơi chật hẹp như vậy. Chắc hẳn nó đã lăn từ tấm bạt xuống dưới biển và chết đuối rồi.
Thế còn tại sao lại có con linh cẩu này ở trên xuồng? Tôi không tin linh cẩu có thể bơi ngoài biển khơi. Chỉ có thể kết luận rằng nó đã ở trên xuồng từ trước, trốn lên tấm bạt, và tôi đã không thấy nó lúc rơi xuống xuồng. Tôi nhận ra một điều nữa: con linh cẩu là lí do những thuỷ thủ kia đã ném tôi xuông xuồng. Không phải họ định cứu tôi. May ra đó chỉ là ý định cuối cùng của họ. Họ muốn dùng tôi làm vật thí mạng. Họ hy vọng con linh cẩu sẽ tấn công tôi và may ra tôi sẽ trừ khử được nó và làm cho cái xuống được an toàn để họ xuống, tôi có chết cũng chẳng sao. Bây giờ thì tôi hiểu họ đã chỉ tay lia lịa vào cái gì dưới xuồng trước khi con ngựa vằn xuất hiện.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng việc mình bị nhốt cùng với một con linh cẩu ở một nơi chật hẹp như thế lại là một tin lành, nhưng biết làm sao được. Mà thực ra tôi có những hai cái tin lành: nếu không có con linh cẩu thì đám thủy thủ đã chẳng ném tôi xuống xuồng và nhất định tôi đã chết chìm theo con tàu; còn việc phải chung cư với một con thú thì thà là với con chó dữ còn hơn là con hổ hung bạo và nhanh như cắt kia. Để cho an toàn, tôi dịch trở lại lên cái chèo. Dạng chân sang hai bên, tôi ngồi lên mép cái phao, bàn chân trái đặt trên mỏm mũi xuồng, chân phải trên mép xuồng. Cũng đủ đễ chịu và cho phép tôi quay mặt vào xuồng.
Tôi nhìn quanh. Chẳng có gì ngoài biển và trời. Giống hệt như khi ta ở trên một đỉnh cao nào đó. Mặt biển thấp thoáng nhai lại các nét đặc trưng của đất liền – những ngọn đồi, những thung lũng, những cánh đồng. Những biến động địa chất được tăng tốc. Vòng quanh thế giới trong 80 ngọn sóng. Nhưng tôi chẳng tìm thấy gia đình tôi ở nơi nào trong cái thế giới ấy. Có những vật nổi bập bềnh trên mặt nước nhưng chẳng có cái nào mang lại chút hy vọng. Tôi không thể tìm thấy một xuồng cứu nạn nào khác.
Thời tiết thay đổi nhanh chóng. Mặt biển, mênh mông là thế, đến mức ngạt cả thở, đang dần dần trở lại ổn định trong một chuyển động đều đặn và mượt mà, với những con sóng đuổi theo nhau. Gió đang dịu lại thành một làn mơn man đầy âm hưởng. Những đám mây trắng lúp xúp tỏa sáng đang bắt đầu sáng lên trên nền xanh nhạt tinh tế của vòm trời vô biên sâu thẳm. Đó là bình minh của một ngày đẹp trời trên Thái Bình Dương. Chiếc áo trên người tôi đã bắt đầu khô. Đêm tối biến đi nhanh chóng chẳng kém gì con tàu.
Tôi bắt đầu chờ đợi. Tâm trí tôi đảo điên. Hết tập trung vào những chi tiết thực tế của việc sống còn trước mắt rồi lại ngây dại trong đau đớn, khóc chẳng ra lời, miệng há, hai tay ôm đầu.