Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

Chương 26: Tôi không thể tha thứ cho thời gian đã qua


Chương trước Chương tiếp

Nhất Hạ

8X, nhân viên pháp luật tốt nghiệp trường cảnh sát, sắp ra mắt tuyển tập “Trầm tội thất”.

Thời gian trôi đi, mái tóc của bố đã điểm đầy hoa râm, nếp nhăn khóe mắt mẹ lại thêm mấy đường, mỗi khi chú ý đến tôi lại cảm thấy lo lắng. Tôi bắt đầu mua nhiều mĩ phẩm cho mẹ, muốn lưu giữ vẻ đẹp của mẹ; tôi bắt đầu đi bộ cùng bố, muốn loại bỏ những lo lắng phiền muộn trong cuộc sống của ông.

Nhưng thời gian tôi có thể ở bên họ ngày càng ít đi, thứ tôi có thể thay đổi đã ít lại càng ít hơn.

So với thời gian, sức mạnh của con người luôn quá nhỏ bé.

Người đàn ông tôi yêu nhất trên thế gian này.

Tôi và ông ấy thường đối đầu gay gắt, tranh cãi vô số lần, mỗi lần đều đẩy mâu thuẫn lên mức độ căng thẳng nhất.

Tư tưởng của ông rất phong kiến, kiên trì kí thuyết dưới ngọn roi dạy con có hiếu, dưới nòng súng là có chính quyền. tôi cứ cãi lại là ông bắt đầu cầm cây gậy trúc rộng bằng lòng bàn tay ra.

Tôi thật sự rất hận ông.

Mỗi lần bị đánh xong tôi đều có ý nghĩ như vậy, luôn mong chờ mình mau chóng trưởng thành rồi sẽ rời khỏi căn nhà này không bao giờ gặp ông nữa.

Khi ấy với tôi mà nói, chẳng có gì chậm chạp hơn thời gian.

Lí do chúng tôi cãi nhau rất phong phú đa dạng, tầng tầng lớp lớp, thường xuyên là bất cứ chuyện gì liên quan tới việc học. tôi không phải là một học sinh giỏi, nói cách khác từ trong xương cốt tôi đã ghét hoạt động học tập như một cỗ máy vì ứng phó thi cử mà tồn tại này.

Bố không nghĩ thế, ông sinh ra ở một thị trấn nhỏ ở phương Bắc, vì đỗ đại học nên ông mới có thể thoát li ra khỏi cái thị trấn đến giờ vẫn còn nghèo nàn lạc hậu ấy. Vì thế ông luôn cho rằng tôi cũng nên cần cù học tập như ông, nên có tinh thần miệt mài đèn sách*, cho đến khi nổi trội hơn người, không phải lo cái ăn cái mặc.

*điển cố “tạc bích đá quang” : Khuôn Hành đời Tây Hán ham học, đã đục lỗ trên tường để mượn ánh sáng phòng bên chiếu vào để đọc sách. Sau dùng để chỉ sự miệt mài đèn sách, ham học hỏi.

Tôi cười nhạt, lẽ nào chỉ có thể từng bước học tập, thi đại học, đó mới là con đường sống duy nhất hay sao?

Mỗi khi bố nói đúng vậy, tôi liền cãi lại, nêu gương một người thân nào đó trong gia đình không hề học hành mà làm ăn giỏi, bây giờ vẫn sống tốt.

Ông nghe xong liền bắt đầu mắng tôi, mắng tôi không tiến bộ, nhân tiện hạn chế tự do của tôi, bắt tôi chép bài văn, nếu không đến giờ đi ngủ thì không cho phép ngủ.

Tôi thực sự vô cùng ghét ông. Ghét tính cách nếu ăn nói không thuận tai là có xu hướng bạo lực. bởi so với những nỗi đau trên cơ thể, tôi cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương nhiều hơn.

Những vết máu bầm tím trên cánh tay và chân khiến tôi không thể thoải mái trước mặt các bạn học.

Tôi thực sự rất ghét ông.

Tôi lén lút lấy máy ảnh của gia đình chụp lại những vết thương trên đùi, trên người, sau khi rửa ra định bụng mang tới đồn công an tố cáo ông, kết quả bị ông phát hiện. ông rất để ý tới hành vi của tôi, xé ảnh xong ông cất máy ảnh đi rồi lại phạt tôi chép bài.

Tôi vừa chép bài vừa khóc, nước mắt rơi xuống những trang vở, chữ viết ra đều bị lấm lem, tôi lấy tay quệt quệt liên hồi.

Người sai là bố, rõ ràng là bố.

Trên tivi nói bạo lực gia đình cũng là phạm pháp.

Càng nghĩ càng đau lòng, càng nghĩ càng tức giận. tức tới mức lấy bút vẽ một nét nặng nề trên nền giấy ẩm ướt.

Chừng mười trang giấy bị tôi rạch nát, đầu ngòi bút cũng vẹo sang một bên.

Tôi dừng ở đó, nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng.

Quả nhiên ông đã nhìn thấy, bước tới, giật lấy cuốn vở trong tay tôi rồi chăm chú nhìn sau đó ném trả vào mặt tôi.

Ông nói: “Mày có gì giỏi giang sao?”, trong lời nói là sự khinh bỉ.

Tôi nhìn ông, hét lên: “liên quan gì tới bố. Con không cần giỏi giang, con không cần bố quản lí, con muốn tố cáo bố, để bố bị bắt, đợi bố ngồi tù rồi sẽ chẳng còn ai đánh con nữa”.

Đương nhiên ông nổi trận lôi đình, quay người cầm gậy trúc đánh tôi.

Tôi đau không chịu nổi bắt đầu cầu xin: “Bố ơi con sai rồi”, “bố ơi lần sau con không thế nữa”, “Bố ơi con sẽ chăm chỉ học hành, đừng đánh nữa...”.

Đây không phải là tôi nhận sai, chỉ vì không muốn tiếp tục bị đánh nên tôi thỏa hiệp thôi, bởi từ trong đáy lòng tôi không cảm thấy mình sai gì cả.

Tôi lớn tiếng gào thét, khóc như tâm thần. cuối cùng ông cũng dừng tay, sau đó bắt tôi dán lại vở và tiếp tục chép bài.

Làm sao tôi có thể không hận ông cơ chứ, chiếc bút máy đó ông sửa xong lại đưa cho tôi, ông nói muốn tôi nhớ rõ, nhớ những lời mình đã từng nói, nhớ những lỗi mình đã từng mắc phải.

Đương nhiên tôi sẽ nhớ, nhớ mình bị đánh thế nào, nhớ bộ dạng đáng thương cầu xin tha thứ của mình ra sao.

Sẽ có một ngày, tôi sẽ rời xa ông thôi.

Mỗi lần nhìn theo bóng bố, tôi luôn âm thầm thề rằng, đợi khi tôi lớn lên sẽ đi thật xa, xa tới nơi ông không mắng được, không đánh được. xa tới nơi ông không nhìn được tôi nữa thì thôi.

Vì thế sau đó có một ngày, tôi bỏ nhà ra đi.

Thực ra những ngày trước khi bỏ nhà ra đi tôi không mắc lỗi nào cũng không có bất cứ xung đột gì với ông, đó có lẽ là quãng thời gian ít ỏi trong cả thời niên thiếu của tôi, tôi với ông sống hòa bình với nhau.

Khi ấy ông nội ở quê mới mất. Ông nội bị xuất huyết não cấp cứu không kịp nên mất rất đột ngột.

Tôi không có nhiều tình cảm với ông nội, mười lăm năm mới gặp một lần. hôm ông nội mất, bố về quê, ông dẫn tôi và mẹ lên đường về quê lần thứ hai.

Sau này tôi nghĩ lại, chuyện tàn nhẫn nhất tôi làm với ông cũng chỉ đến thế. Khi bố của ông mất, khi trong lòng ông đầy đau đớn, khi ông cảm thấy tuyệt vọng và bất lực nhất, tôi còn bỏ nhà ra đi, khiến ông đau càng thêm đau.

Có điều, khi ấy tôi làm gì nghĩ được như thế? Tôi chỉ muốn bỏ đi, chỉ muốn mau chóng giành được tự do.

Trước khi về quê, tôi tìm hết tiền mừng tuổi để dành bao năm nay của mình ra. Đây là một chuyện may mắn, từ nhỏ tới lớn ông không bao giờ hạn chế tự do của tôi về mặt tiền bạc, vì thế nó cũng giúp đỡ tôi rất lớn về mặt vật chất trong cuộc tháo chạy này. Tôi thu dọn cặp sách, rất ít đồ đạc, tôi biết càng ít đồ càng không thu hút sự chú ý của người khác.

Tôi giả vờ như bình thường, xách cặp đi học. Ông không cho tôi đi, nói sẽ xin phép cho tôi. Tôi từ chối, lí do là đi tàu buổi tối vẫn có thể học nửa ngày.

Có lẽ ông không còn tâm sức để suy xét hành vi của tôi nữa, ông vẫy tay đồng ý để tôi đi.

Tôi đã ra khỏi nhà như thế, tôi tưởng mình đã thành công, không còn gì bận tâm, vào lúc ương bướng và phản nghịch nhất, tôi mua vé ô tô muốn rời khỏi đây, vừa làm thêm vừa phiêu bạt.

Khi ấy tôi đọc qua nhiều tiểu thuyết, quá nhiều thể loại du kí, cứ tưởng rằng mọi thứ trên thế giới này đều tươi đẹp và thiện ý như trong sách miêu tả, mà không biết khoảng cách giữa lí tưởng và hiện thực.

Bảy ngày bỏ nhà ra đi, tôi ở nhà nghỉ, không tìm được chỗ làm thêm, ngay cả rửa bát cũng chẳng ai cần tôi. Tôi không ý thức được cuộc sống gian nan, chỉ hiểu sự bất lực khi ở một mình. Đó là một ngày nắng gay gắt, tôi bị tiêu chảy tới mức đầu nặng trĩu còn người nhẹ bẫng, một chị ở cùng phòng thấy không nỡ liền đưa tôi đi bệnh viện, tôi nằm truyền nước trong phòng bệnh, vừa tỉnh dậy liền mượn điện thoại gọi điện về cho gia đình.

Qua điện thoại tôi có thể nghe thấy vẻ lo lắng của mẹ, dường như mẹ không nghĩ rằng tôi sẽ gọi điện về, vừa nghe thấy giọng của tôi mẹ liền hét lên.

Mẹ hỏi: “Con đang ở đâu?”.

Tôi nói địa chỉ xong liền bật khóc, cơn đau tê liệt khắp người khiến tôi không thể tiếp tục ngoan cường hay tiếp tục dũng cảm nữa. Tôi sợ cái chết và đau đớn, cũng không muốn một mình cô đơn ở bệnh viện thế này.

Khi bố mẹ tới bệnh viện đã là nửa đêm, tôi nằm trong bệnh viện, vì cả ngày không ăn cơm nên cả người mất nước rất nhiều, mẹ tôi vừa bước tới mắt đã đỏ hoe.

Tôi ôm mẹ khóc, mẹ mắng tôi không ngừng, nói tôi khiến bố mẹ lo lắng, nói mấy ngày mấy đêm bố mẹ ngủ không ngon, mấy ngày mấy đêm tìm tôi trên đường, tưởng tôi bị bọn buôn người bắt mất.

Mẹ nói bố tôi lo lắng tới mức sắp phát điên, thấy ai cũng hỏi có nhìn thấy con gái mình không. Tôi ngẩng đầu, thấy ông đứng trước cửa phòng bệnh, châm một điếu thuốc, ánh mắt tối sầm, gương mặt xanh xao, cả người dường như đã già đi cả chục tuổi chỉ sau một đêm.

Tôi thừa nhận, trong một khoảnh khắc nào đó tôi đã có khoái cảm mạnh mẽ khi báo thù được. bây giờ ông lo lắng rồi chứ, biết căng thẳng rồi chứ, biết tôi cũng có thể phản kháng rồi chứ. Bạn thấy tôi trẻ con đến mức nào rồi đấy, tôi thậm chí không ý thức được sự lo lắng và căng thẳng của ông thực ra vì quan tâm và yêu thương tôi, tôi chỉ cảm thấy vui mừng khi ông bị người khác công kích.

Hôm ấy, khi về nhà tôi không còn sức, không đi nổi, ông lặng lẽ cõng tôi. Tôi cảm thấy bất an nhưng cũng không dám chủ động lên tiếng nói gì.

Hồi bé ông thường cõng tôi như thế này, từ khi tôi còn chưa đi học, còn chưa ương bướng chưa ngỗ nghịch thế này, ông rất chiều tôi. Vào cuối tuần ông dẫn tôi đi công viên thả diều ngắm cảnh, sẽ dẫn tôi đi ngắm hội đèn, sẽ dẫn tôi ra biển, nhặt cho tôi vỏ ốc biết hát, nhặt cho tôi tôm to biết cắp người. có rất nhiều lúc ông đặt tôi lên vai, len qua dòng người đưa tôi về nhà, giống như hôm nay. Tôi luôn cảm thấy ông là người tôi hận nhất trên thế giới này, nhưng bây giờ khi tôi gục mặt trên vai ông, tôi mới chợt nhận ra: Chỉ có người tôi hận nhất này mới khiến tôi an lòng, khiến tôi cảm nhận được sự bảo vệ.

Tôi cảm thấy mâu thuẫn, một mặt tôi muốn báo thù người đàn ông này, mặt khác tôi lại muốn ông bảo vệ tôi, nguyện vọng hai phía giằng co khiến tôi không biết phải làm sao, rốt cuộc đâu mới là thứ mình muốn.

Cũng may khi đó tôi không có đủ thời gian để phân biệt rạch ròi thứ tình cảm phức tạp này, bởi ba hôm sau tôi về quê của bố. Khi ấy đã qua tuần đầu của ông nội. bố được ông nội nuôi nấng trưởng thành, tiền học hành, kết hôn của ông đều do ông nội cho.

Người đàn ông cặm cụi làm việc cả đời dùng máu và nước mắt để nuôi nấng một người con học đại học. nhưng trước khi chết ông không được thấy người con trai này. Ngay cả khi hạ huyệt, người con trai này của ông nội cũng không có mặt ở đó.

Bác trai và cô đều mắng mỏ bố tôi. Những người sống ở quê, tính tình chất phác, ăn nói thẳng thắn, những lời họ chỉ trích bố tôi rất khó nghe, cũng rất gay gắt.

“Bố chỉ chăm cho một mình mày, ông chết mày cũng kiếm cớ không về, mày đúng là không bằng loài súc vật...”.

“Mày là người có học hành, có văn hóa rồi là mất gốc...”.

“Tôi biết bây giờ cậu tài giỏi rồi, coi thường chúng tôi, bao năm qua cậu về quê được mấy lần, thăm bố cậu được mấy lần?”.

“Cậu về mà hiếu kính nhà vợ cậu đi, nhà vợ cậu có chuyện gì thì cậu đi nhanh lắm, bố cậu hạ huyệt cậu cũng không về đậy nắp ván, lương tâm bị chó ăn hết rồi à! Hay là sợ chúng tôi bắt cậu bỏ tiền, một chút tiền mai táng mà chúng tôi đã nhìn rõ con người cậu...”.

“Cậu không sợ bố cậu chết không nhắm mắt hả?”.

Khi nghe thấy vậy cả người tôi run rẩy, tôi gào thét trong lòng: Không phải như vậy, không phải như mọi người nói, bố cháu vì tìm cháu, vì đi tìm đứa con gái bỏ nhà ra đi này nên mới không về kịp. Tôi lao tới cùng bố quỳ trước di ảnh của ông nội, định lên tiếng giải thích với bác và cô, bố tôi liền bịt miệng tôi lại.

“Đừng làm ồn, chỗ người lớn nói chuyện làm gì có việc cho trẻ con chõ miệng vào”. Ông khẽ nói xong liền ấn đầu tôi xuống, ra hiệu cho mẹ dẫn tôi đi.

Tôi biết mình đã phạm sai lầm lớn, ông không trách móc cũng không cần tôi giải thích cho ông, cứ như chưa từng có chuyện gì. Như thế này quá yên bình, không giống tính cách của ông, tôi luôn cảm thấy bất an.

Bất an nghĩ rằng phải xảy ra chuyện gì đó.

Đúng thế, đúng thực đã xảy ra. Đêm đó, ông ngồi cả đêm trước căn nhà cũ, đến nửa đêm một mình ông rời khỏi linh đường. Vì cảm thấy tội lỗi nên cả đêm tôi không ngủ, nghe thấy tiếng động liền tỉnh ngay lập tức. tôi lặng lẽ đi theo sau ông, gió đêm rất mạnh, nhiệt độ trên núi cũng thấp, tôi vừa bước đi vừa thấy sợ hãi. Đường trên núi mọc đầy cỏ dại, còn cả những con côn trùng không rõ tên và ếch đang kêu khe khẽ, không khí vắng lặng khiến tôi không thể nào khống chế được nỗi sợ hãi và hoảng loạn trong lòng.

Tôi bước nhanh mấy bước, âm thanh phát ra lớn nên bị bố tôi phát hiện, lúc quay lại nhìn thấy tôi ông cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ thấy ông khẽ thở dài. Sau đó từ từ dắt tay tôi, cùng bước lên núi.

Suốt dọc đường chúng tôi không nói gì, ông đã quen đường ở đây, dẫn tôi tới một gốc cây, tôi thấy lạ, đang định hỏi thì đột nhiên ông quỳ xuống trước một bia mộ. Tôi đột nhiên hiểu ra, đó là phần mộ của ông nội. bố quỳ xuống xong liền nhìn tôi một cái, tôi liền quỳ xuống theo. Lúc này bố mới lấy hương nến tiền vàng mang theo bên người ra, bảo tôi cùng đốt trước mộ ông nội.

“Cả đời ông nội con chẳng được hưởng phúc, ông nội thích yên tĩnh, nghe bác cả con nói mảnh đất này là ông nội con chọn...”. bố tôi vuốt mặt một cái: “Khi bố đi học cấp ba ở thị trấn bên cạnh, ông nội đứng dưới gốc cây này tiễn bố, bố đi xa rồi khi quay lại vẫn có thể nhìn thấy ông...”.

Bố tôi không nói thêm nữa, dường như ông đang chìm trong hồi ức, ánh mắt vô thần, nhìn vào mông lung. Lửa đốt tiền vàng phừng lên khiến mặt tôi nóng bừng, tôi quệt một cái mới phát hiện ra trên mặt mình có nước.

Khi còn sống ông nội không được gặp bố tôi, ông nội chọn nơi đặt mộ phần ở chỗ này là muốn đợi sau khi con trai mình trở về thắp hương xong mình vẫn có thể nhìn theo bóng con ra đi...

Tôi sai rồi, tôi không cố ý nhưng hành vi ích kỉ của mình đã gây ra nỗi nuối tiếc của bố, là tôi đã làm lỡ việc của ông. Sinh li tử biệt, ông lại không được gặp ông nội lần cuối, không đưa ông nội xuống huyệt, còn không thể đắp cho ông nội nắm đất.

Tôi biết bố rất buồn, khi thấy ông bị bác cả mắng, trong lòng tôi cũng vô cùng buồn bã.

Tôi liên tục nhận lỗi, mấy năm qua mỗi khi bị đánh tôi đều năn nỉ nhận lỗi, nhưng tuyệt đối chưa lần nào chân thành như thế này.

Bố ơi, con sai rồi.

Bố ơi, con xin lỗi.

Người bị bác cả, bị cô mắng là con mới đúng.

Bố nghe tôi nói xong chỉ vỗ vai tôi bảo tôi đừng để tâm. Ông nói, ông là bố, vì thế thay tôi chịu đựng điều gì cũng là việc đương nhiên, bất kể tôi làm sai chuyện gì ông cũng sẽ tha thứ cho tôi.

Bởi vì ông là bố tôi.

Tôi không thể nào kiềm chế được nỗi xúc động đang trào dâng trong lòng, quãng thời gian ấy chỉ cần nhìn thấy bộ dạng bơ phờ, trống rỗng của bố tôi liền cảm thấy như có ai đang cầm dao đâm mạnh vào tim tôi, tôi tưởng mình hận ông nhưng không hề biết mình cũng yêu thương ông sâu sắc.

Thứ tình cảm cốt nhục liên tâm lớn lên thật nhanh. Tôi khóc không kiềm chế nổi, những cảm xúc trẻ con, sự bất mãn dành cho ông, và trước lòng biết ơn, những tâm tư báo thù đều trở nên nhỏ bé.

Tôi nghĩ khi ấy tôi ngưỡng mộ ông, bởi ông thật cao lớn, bởi ông dùng hết sức mình bảo về tôi, cũng bởi vì ông nâng cả bầu trời cho tôi.

Bố khiến tôi cảm thấy, có bố ở bên, tương lai của tôi sẽ có ánh sáng.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...