Cờ Rồng Tay Máu
Chương 67: Dụng tâm rất thống khổ
- Xin Trại chủ cứ yên tâm, thể nào tiểu bối cũng tới bái kiến.
Nói tới đó chàng quay lại bảo Song sát rằng :
- Tuy bọn ma đầu đã đi khỏi nhưng chúng vẫn chưa cam tâm đâu, Vật Tà và Vật Ác phải ở lại thêm ít bữa nghe lời sai bảo của Lão trại chủ, nếu hai mươi tám trại này có gì suy suyển thì hai người phải chịu hết trách nhiệm đấy.
Song sát vội cung kính vái chào đáp :
- Xin tuân lệnh dụ của tiểu chủ nhân. Dù có phải vãi máu ngay tại chỗ anh em Vật Tà không bao giờ làm nhục sứ mạng của tiểu chủ nhân giao cho đâu.
Quần hào nghe nói đều kính phục, cha con Gia Cát Ngọc lại càng cảm động hơn, nhất thời khí huyết rạo rực không biết nên nói như thế nào mới phải.
Phi Quỳnh chăm chú nhìn vào mặt chàng gật đầu khen ngợi thầm.
Tĩnh Nhân lại chắp tay vái chào mọi người và nói tiếp :
- Tĩnh Nhân xin kính chào quý vị.
Nói xong chàng đi trên mặt sóng mà quay người đi luôn.
Quần hào đều chắp tay vái và đồng thanh nói :
- Cung kính tiễn hiệp giá của thiếu hiệp.
Tiếng chào của mọi người làm trấn động cả hồ Động Đình.
Đột nhiên có tiếng niệm Phật hiệu nổi lên và có tiếng nói vọng theo rất lớn rằng :
- A di đà Phật! Thí chủ hãy khoan đi đã.
Quần hào nghe nói đều ngạc nhiên khôn tả, vội quay đầu nhìn về phía ấy đã thấy Tuệ Thanh đại sư của phái Thiếu Lâm với Thái Hư đạo trưởng của phái Võ Đang đứng đầu, đằng sau là các cao thủ của các đại môn phái cùng xếp hàng ngang đứng ở trên bờ hồ.
Các người không hiểu các cao thủ này tới từ lúc nào, tới để làm chi, tại sao lại gọi Tĩnh Nhân đứng lại như thế? Phi Quỳnh cau mày lại có vẻ bực mình.
Tĩnh Nhân bỗng ngừng chân từ từ quay đầu lại hỏi :
- Vị nào gọi tại hạ thế?
Tuệ Thanh đại sư chắp tay vái chào lớn tiếng đáp :
- Bần tăng Thiếu Lâm Tuệ Thanh.
Tĩnh Nhân kêu ồ một tiếng, chắp tay vái chào và hỏi tiếp :
- Thế ra chủ trì Đạt Ma viện của phái Thiếu Lâm, lãnh tụ võ lâm, được chiêm ngưỡng cao tăng ở nơi đây tại hạ còn gì hân hạnh bằng. Không biết đại sư gọi tại hạ lại có việc gì chỉ giáo thế?
Thấy chàng ta hỏi như vậy, Tuệ Thanh đại sư có vẻ do dự và nghĩ bụng :
“Không biết lời nói của hai lão già áo gấm ấy thực hay là hư? Nếu thực thì không sao, mà hư thì có phải là các môn phái đã gây một cường địch lớn có khác gì dùng lửa thiêu đốt bản thân đây không?”
Tuy ý do dự như vậy nhưng vật báu trấn sơn vẫn quan trọng lắm, nên y đàn nghiến răng mím môi, chắp tay vái chào và nói :
- Bần tăng tuy là chủ trì một viện của Thiếu Lâm nhưng ở trước mặt cao nhân như Phạm thí chủ thì bần tăng đâu dám nhận là cao cả. Bần tăng có một việc muốn thỉnh giáo thí chủ và mong thí chủ hãy khoan hồng cho trước, không biết thí chủ có thể di giá tới tệ chùa giây lát không?
Lão hòa thượng này rất khôn ngoan, y biết nếu ở đây mà nói tới việc lấy trộm vật báu thì thể nào cũng bị quần hào phẫn nộ, nhất là người của nhị thập bát trại. Tuy y không sợ gì Gia Cát Ngọc với các người nhưng còn Bích Mục song sát với Vi Hiểu Lam có phải là tay vừa đâu nên y mới định mời Tĩnh Nhân tới chùa Thiếu Lâm là thế.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười và đáp :
- Việc này tại hạ không thể tuân lệnh được, vừa rồi tại hạ đã nói có việc cần, không thể ở lại đây lâu được. Đại sư muốn thỉnh giáo gì xin cứ việc nói thẳng ra ở nơi đây cũng được?
Tuệ Thanh còn do dự, chưa dám nói thì Thái Hư đạo trưởng đã lên tiếng :
- Việc này quan trọng lắm, Phạm thí chủ đã cho phép thì tại sao đại sư hà tất phải do dự làm chi?
Tuệ Thanh giật mình đến thót một cái, khẽ niệm một câu A di đà Phật rồi mới nghiêm nghị chắp tay lên trước ngực và nói tiếp :
- Nếu Phạm thí chủ đã cho phép, bần tăng xin táo gan nói ngay.
Nói tới đó, y nhìn thẳng vào mặt Tĩnh Nhân và nói tiếp :
- Thí chủ đã là người trong võ lâm thì tất nhiên phải biết rõ chuyện các đại môn phái bị mất vật báu trấn sơn.
Quần hùng nghe nói đều ngẩn người ra, nhưng Tĩnh Nhân đã gật đầu mỉm cười đáp :
- Phải, tại hạ có nghe thấy người ta nói đến chuyện ấy.
Tuệ Thanh đại sư lại nói tiếp :
- Thế thí chủ có biết hiện giờ các đại môn phái đang cho người đi dò la tìm kiếm không?
Tĩnh Nhân vẫn mỉm cười gật đầu đáp :
- Có, chắc quý vị hạ sơn cũng vì việc ấy. Thế sao quý vị không tìm kiếm người lấy trộm vật báu mà ở đây gọi tại hạ ở lại làm chi? Hay là nghi tại hạ có dính líu vào việc đó?
Người của các đại môn phái nghe nói đều ngạc nhiên, không ngờ đối phương lại hỏi đến mình trước.
Tuệ Thanh đại sư nghiến răng ngầm, gật đầu một cái rồi nghiêm nghị đáp :
- Vâng, vừa rồi bần tăng mới được tin vật báu của các môn phái đang ở trong tay thí chủ...
- Lão giặc sói đầu kia, ngươi táo gan thực!
Song sát bỗng thét lớn một tiếng, bốn mắt trợn tròn xoe, định nhảy xổ lại tấn công.
Tuy Tuệ Thanh đại sư là cao thủ hữu hạng của phái Thiếu Lâm nhưng đối với Bích Mục song sát vẫn phải khiếp sợ phần nào, nên cả kinh vội giơ song chưởng lên.
Tĩnh Nhân khẽ quát bảo Song sát rằng :
- Hai ngươi không được lệnh của ta, không được vô lễ như thế.
Song sát giật mình đến thót một cái, vội cung kính vái một lạy và lui ngay về phía sau.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười nhìn Tuệ Thanh nói tiếp :
- Tại hạ không muốn nói nhiều cũng vô ích thôi. Tại hạ chỉ muốn biết ai đã cho đại sư biết tin tức không chính xác ấy?
Tuệ Thanh đại sư kinh hãi thầm và vội đỡ lời :
- Vì giữ an ninh cho người đó, bần tăng không thể nào nói cho thí chủ biết được.
Tĩnh Nhân bỗng lớn tiếng cười ha hả, hai mắt tia ra hai luồng ánh sáng chói lọi và quát hỏi :
- Đại sư coi Phạm Tĩnh Nhân này là hạng người như thế nào? Đại sư không có nhân chứng, vật chứng mà sao lại dám nhận định Phạm Tĩnh Nhân này là người lấy trộm vật báu?
Tuệ Thanh đại sư thấy đôi mắt của chàng ta sáng như điện đã hoảng sợ, và cũng không biết trả lời như thế nào cho phải, thì Thái Hư đạo trưởng đã lạnh lùng quát bảo :
- Đưa nhân chứng lại đây.
Tuệ Thanh nghe nói giật mình đến thót một cái vội nói :
- Đại hữu không nên làm như thế, chả lẽ..
Thái Hư lão đạo lạnh lùng đáp :
- Sao lại không được? Mất vật báu quan trọng như thế bần đạo không thể nào lo ngại quá nhiều như thế được.
Tuệ Thanh đại sư cũng nhận thấy việc mất vật báu còn quan trọng hơn đạo nghĩa nên ông ta không nói năng gì nữa.
Tĩnh Nhân cười khì một tiếng và nói :
- Dù sao đạo trưởng của Võ Đang vẫn cương quyết hơn.
Thanh Hư đạo nhân nghe nói mặt đỏ bừng, giả bộ như không nghe thấy gì, liền ra lệnh cho Võ Đang Thất Tử đi tìm kiếm hai người nọ. Nhưng lúc ấy quần hào của thiên hạ đã giải tán hết, chỉ trừ có các đại môn phái thôi, còn trên bờ hồ đã vắng tanh, không còn một người nào nữa. Bọn đạo sĩ với hòa thượng đều ngượng vô cùng.
Tĩnh Nhân mỉm cười nói tiếp :
- Không có nhân chứng, không có vật chứng, xin thứ lỗi quý vị, tại hạ có việc bận phải đi ngay.
Nói xong chàng từ từ quay người thẳng thắng đi ở trên sóng. Đã không có nhân chứng và cũng không có vật chứng thì buộc tội người ta sao được, các hòa thượng và đạo sĩ đành phải để yên cho chàng bỏ đi.
- Hãy khoan!
Thái Hư lại bỗng lên tiếng quát bảo như vậy. Tĩnh Nhân nghe nói quay người lại chưa kịp trả lời thì Gia Cát Ngọc đã trợn ngược đôi lông mày kiếm lên giận dữ quát lớn :
- Đạo trưởng thực khi người quá nỗi, không có nhân chứng và cũng không có vật chứng, đường dột hỏi người ta như thế đã là không nên không phải rồi. Phạm thiếu hiệp là người rộng lượng mới để yên cho các người thì đạo trưởng phải nên biết tiến thoái mới phải chứ? Không ngờ đạo trưởng vẫn không biết điều, lại còn muốn giở trò gì ra nữa, chả lẽ khinh Động Đình nhị thập bát trại này không có người hay sao?
Thái Hư biến sắc mặt cười khẩy đáp :
- Không dám, vẫn biết Động Đình nhị thập bát trại danh trấn võ lâm, có rất nhiều cao thủ võ lâm không ai dám khinh thị, nhưng bần đạo thiết nghĩ phái Động Đình không nên hỏi tới việc này thì hơn.
Gia Cát Ngọc đang định trả lời thì Tĩnh Nhân đã giơ tay lên vái chào và nói :
- Xin Lão trại chủ hãy nghe một lời của tiểu bối đã.
Gia Cát Ngọc vội đáp lễ và trả lời :
Thiếu hiệp chớ nên như thế, có việc gì xin thiếu hiệp cứ chỉ bảo, Gia Cát Ngọc xin rửa tay cung kính nghe.
Tĩnh Nhân trịnh trọng đỡ lời :
- Không dám, tiểu bối chỉ xin Lão trại chủ đừng dây dưa vào chuyện này, vì chuyện này tiểu bối còn có một việc sau này cần phải kiếm các đại môn phái để dứt khoát và không muốn người nào nhúng tay vào cả.
Hiển nhiên là chàng không muốn Động Đình nhị thập bát trại dây dưa vào việc này, nhưng Gia Cát Ngọc đã đội ơn chàng thì dù có tan xương nát thịt cũng phải báo đền, dù trại tan người chết cũng không tiếc. Tuy vậy, lời nói của ân nhân không nghe theo cũng không được, vì thế ông ta mới hơi thần thừ rồi gật đầu đáp :
- Lão xin tuân lệnh.
Tĩnh Nhân lại cảm ơn Lão trại chủ rồi nhìn thẳng vào mặt Thái Hư và nói :
- Không làm việc gì trái với lương tâm thì không sợ ma gõ cửa, miệng mũi là của cha mẹ đẻ ra, đại trượng phu sao lại phải che lấp đi như thế? Thí chủ có giỏi hãy lột cái mặt nạ da người ra?
Thấy Thái Hư nói như vậy, quần hào đều nghĩ bụng :
“Thì ra là chàng ta đeo mặt nạ da người. Bằng không một nhân vật phong thái như thần tiên thế này khi nào lại có bộ mặt vàng khè như thế?”
Phi Quỳnh nghe tới đây liền cau mày lại nói :
- Lão đạo sĩ làm gì có đôi mắt sắc bén như thế, rõ ràng là có người ở trong bóng tối phá bĩnh.
Tư Đồ Sương ngẩn người ra giây lát, và hỏi lại Phi Quỳnh rằng :
- Chàng đeo mặt nạ da người thực ư?
Phi Quỳnh đáp :
- Hiền muội không tin lão đạo sĩ, chả lẽ không tin cả ngu tỷ hay sao?
Tư Đồ Sương đã coi người chị kết nghĩa này như là người trời vậy, tất nhiên là phải tin tưởng ở nàng rồi, liền cau mày lại nói tiếp :
- Sao bỗng dưng lại đeo cái trò quỷ ấy lên trên mặt làm chi?
Phi Quỳnh vừa cười vừa đáp :
- Điều này ngu tỷ không thể nào trả lời được, nhưng ngu tỷ thiết tưởng đó là lý do tất nhiên.
Tư Đồ Sương gật đầu nói tiếp :
- Với công lực của chàng ta, quả thực muốn lấy trộm vật báu thì dễ như trở bàn tay, nhưng...
Lúc ấy Tĩnh Nhân lại cười khì và đáp :
- Đôi mắt của đạo trưởng sắc bén lắm, cao minh lắm, kính phục thực, kính phục thực! Muốn tại hạ bỏ cái mặt nạ xuống không khó lắm, nhưng với công lực của đạo trưởng mà lấy được chiếc mặt nạ của tại hạ xuống thì thực là người si ngốc nói chuyện mơ và tự mang cái nhục vào người. Tuy vậy ở trước mặt bao nhiêu nhân sĩ có tên tuổi của võ lâm tại hạ lười biếng, không muốn cởi mặt nạ ra, mà muốn phiền đạo trưởng cởi xuống hộ. Không biết đạo trưởng có đủ sức cởi không?
Thấy chàng ta nói như vậy, Thái Hư lão đạo cảm thấy khó xử hết sức. Y cũng tự biết với công lực của y mà muốn cởi được mặt nạ của đối phương thì quả thực là khó hơn bắt thang lên trời và chỉ có mang cái nhục vào thân thôi, nhưng trước mặt nhân sĩ của võ lâm đông đảo như vậy, y không dám lộ vẻ hèn kém, vì lộ vẻ như thế không những mình mất hết tên tuổi mà từ giờ trở đi phái Võ Đang cũng đừng có hòng ngóc đầu lên được nữa.
Y đang cảm thấy ngượng nghịu, nhất là những tầm mắt của quần hào nhìn vào mặt y không khác gì những lưỡi dao sắc bén, đâm thẳng vào mặt y. Y định đánh liều xông lại lật mặt nạ của đối phương ra nhưng đôi bên chỉ cách nhau hai mươi trượng, đối phương lại đứng ở trên mặt nước như thế, liệu mình có đủ tài ba đi tới gần được đối phương không?
Lúc ấy mặt của lão đạo sĩ lúc đỏ lúc trắng, lúc tức giận lúc hổ thẹn rồi cứ đứng ngẩn người ra tại đó chẳng nói chẳng rằng!
Quần hào thấy thế khoái chí vô cùng, Gia Cát Quỳnh Anh đang định lên tiếng nói mỉa y vài câu, thì Tĩnh Nhân đã cười khì và nói tiếp :
- Nếu đạo trưởng tiếc công như vậy thì để tại hạ tự cởi lấy vậy, nhưng tại hạ xin nói trước, điều thứ nhất, các vị phải nên cẩn thận, đừng có kinh hãi đến vỡ mất mặt hổ. Thứ hai, tại hạ có một tính nết rất quái dị, hễ ai trông thấy mặt mũi thực của tại hạ thì tại hạ sẽ như âm hồn đi theo người đó hoài chứ không bao giờ chịu buông tha đâu. Đây tại hạ đã nói hết lời rồi, vị nào muốn xem thì cứ việc xem đi?
Nói xong chàng từ từ giơ tay phải lên trên mặt.
Ai mà chả muốn được trông thấy mặt của vị thiếu hiệp cái thế này cho nên mặt của mọi người đều tập trung cả vào một điểm.
Đột nhiên Tĩnh Nhân nhanh như điện chớp, cởi cái mặt nạ da người ra. Tất cả mọi người đều giật mình đến thót một cái, lúc thì tỏ vẻ thất vọng, lúc lại tỏ vẻ luyến tiếc.
Nếu không nhanh tay che kín lấy hai mắt thì suýt tý nữa Quỳnh Anh đã thất thanh kêu la. Nhưng nàng vẫn phải lui về phía sau một bước, mặt đã thất sắc.
Thì ra sau cái mặt nạ da người, bộ mặt thực của chàng ta lại còn xấu xí kinh tởm hơn bộ mặt bên ngoài nhiều.
Trên mặt của chàng đầy những vết sẹo dăm dăm, không có một nơi nào nguyên lành cả, trông không khác gì một con quỷ dạ xoa. Quả thực đã có nhiều người hoảng sợ đến mất hết hồn vía.
Mọi người đều im lặng không nói năng gì hết, chỉ có Phi Quỳnh không sao nhịn được, liền buột miệng nói :
- Khôn ngoan thực! Thế này mới là thông minh chứ...
Tư Đồ Sương ngẩn người ra hỏi :
- Cái gì thế?
Phi Quỳnh mới biết là mình lỡ lời, giật mình đến thót một cái rồi mỉm cười đáp :
- Không có gì cả!
Tư Đồ Sương cau mày lại nói tiếp :
- Quỳnh tỷ!
Phi Quỳnh biết nghĩa muội của mình rất thông minh, mình đã chót lỡ lời, không nói cho nàng hay thì không khi nào nàng chịu để yên cho, nên trầm ngâm giây lát, đành phải gượng cười đáp :
- Sao Sương muội không để ý ngẫm nghĩ thêm một chút. Chàng có thể đeo được một cái mặt nạ, chả lẽ không đeo được hai cái hay sao?
Lúc này Tư Đồ Sương mới vỡ lẽ, nhưng dù sao nàng vẫn không thoát được tính trẻ con, trong lúc mừng rỡ, quên cả mọi lẽ, liền thất thanh la lớn một tiếng.
Người của các đại môn phái cũng phát giác thấy vị động chủ của Mân Tây bát động luôn.
- A di đà Phật! Bần tăng các người đang đi khắp mọi nơi tìm kiếm Động chủ, không ngờ lại được gặp ở đây, thực là Phật tổ linh thiên có khác! Thiện tai, thiện tai!
Tuệ Thanh đại sư vừa nói dứt, Hiểu Lam đã tiến lên trước, chàng mới được gặp người ngọc, quên cả việc các đại môn phái đang kiếm mình tầm thù.
Tĩnh Nhân cũng giật mình đến thót một cái, vội đeo ngay mặt nạ da người lên.
Tư Đồ Sương vừa lo âu, vừa hổ thẹn, cuống cả lên, vội quay lại kiếm chị kết nghĩa để xem có cách gì đối phó không? Ngờ đâu nàng vừa quay đầu lại đã ngẩn người ra luôn.
Thì ra chỉ thoáng cái đã không thấy tung tích của Phi Quỳnh đâu cả. Nàng là người có võ công cao siêu như thế mà Phi Quỳnh bỏ đi lúc nào cũng không hay? Thế là nàng càng cuống quít và lo âu thêm, không khác gì một đứa trẻ mồ côi bị lạc mất người mẹ vậy. Nàng bàng hoàng vô cùng, cuống lên, suýt tí nữa thì khóc lên tiếng, há miệng ra lại định kêu gọi.
Đột nhiên tai nàng nghe có tiếng nói hí hửng của Phi Quỳnh vọng tới rằng :
- Ai bảo Sương muội gây nên tai họa làm chi, phải chịu lấy.
Nghe thấy tiếng nói ấy, Tư Đồ Sương mới đỡ lo âu vì biết Phi Quỳnh vẫn ở quanh mình chứ chưa đi đâu cả. Tuy vậy nàng vẫn dở khóc dở cười, định dùng nghĩ ngữ truyền thanh kêu gọi Phi Quỳnh thì tai lại nghe thấy tiếng nói của Phi Quỳnh vọng tới tiếp :
- Sương muội chớ nên lo ngại như thế, phải trấn tĩnh, phải thản nhiên, thận trọng, chỉ đi sai một nước là cả bàn cờ sẽ hỏng hết. Ngu tỷ hiện đang ở trong khoang thuyền, lúc này không tiện lộ diện. Sương muội cứ yên trí mà ứng phó, mọi sự đã có ngu tỷ chống chế ngầm cho.
Tư Đồ Sương hổ thẹn thầm và nghĩ bụng :
“Trước kia ta vẫn đi một mình, có chuyện gì xảy ra đâu?”
Nghĩ tới đó nàng mới bình tĩnh nhìn Hiểu Lam mỉm cười và từ từ đi ra đằng mũi thuyền tủm tỉm cười và hỏi :
- Tư Đồ Sương tôi đâu dám cảm phiền quí phái tìm kiếm thế? Chả hay đại sư có vấn đề gì muốn chỉ giáo thế?
Tuệ Thanh đại sư nghe nói liền nghĩ bụng :
“Người đã biết lại còn cố ý giả bộ hỏi như vậy?”
Y liền niệm một tiếng Phật hiệu và chắp tay lên trước ngực đáp :
- Không dám! Sở dĩ bần tăng các người đi khắp nơi tìm kiếm phương giá là vì bổn môn tôn giả với hai vị đạo hữu của phái Võ Đang muốn yêu cầu Động chủ làm chứng cho một việc này đấy.
Tư Đồ Sương kêu ồ một tiếng rồi hỏi lại :
- Có phải vì việc mấy đệ tử của Thiếu Lâm với Võ Đang bị người ta giết hại đấy không?
Quần hào nghe nói đều giật mình đến thót một cái.
Tuệ Thanh đại sư nghiêm nghị đáp :
- Vâng! Vi trang chủ cứ chối cãi không chịu nhìn nhận nên bần tăng mới phải yêu cầu Động chủ chứng minh hộ.
Thấy lão hòa thượng nói như vậy quần hào mới vỡ lẽ, vừa kinh ngạc vừa hãi sợ, đều nhìn cả vào mặt Hiểu Lam.
Hiểu Lam cảm thấy rất hổ thẹn, chỉ mong bên dưới có cái lỗ để cho mình chui xuống cho đỡ thẹn thôi nhưng bề ngoài chàng vẫn làm ra vẻ trấn tĩnh như thường.
Tĩnh Nhân đưa mắt nhìn Hiểu Lam một hồi, lại nhìn các người.
Tư Đồ Sương tủm tỉm cười và trả lời :
- Xin hỏi đại sư, ai đã nói cho đại sư biết việc ấy là do tay của Vi trang chủ đã làm?
Tuệ Thanh đại sư nghe nói vừa kinh hãi vừa tức giận, trợn ngược đôi lông mày lên nói :
- Thập Bộ Thôi Tâm chưởng là pho chưởng độc đáo, trong vũ nội này ngoài Vi trang chủ ra không có người thứ hai sở trường, chính Tư Đồ động chủ cũng chỉ nhận như vậy, chả lẽ...
Tư Đồ Sương cười khẩy một tiếng và vội đỡ lời :
- Phải! Thập bộ thôi tâm chưởng là pho chưởng độc đáo và trong vũ nội này ngoài Vi trang chủ không có người thứ hai nào sỡ trường thực nhưng xin đại sư nhớ rõ Tư Đồ Sương tôi chỉ bảo hơi giống thôi chứ đâu dám cả quyết như thế. Đại sư không tin thử hỏi lại bốn vị tôn giả của quí phái xem có phải tôi nói như thế không?
Tuệ Thanh đại sư kêu gọi :
- Tứ tôn giả ra đây đối thoại.
Tuệ Quả đại sư chắp tay lên ngực nói :
- A di đà Phật, người tu hành không bao giờ ăn gian nói dối, quả thực Tư Đồ động chủ có nói như thế.
Biết rõ việc này do ai gây nên, vả lại kẻ thù đứng ở trước mặt nhưng không đủ chứng cớ, Tuệ Thanh đại sư chỉ trợn to đôi mắt lên nhìn Hiểu Lam thôi chứ không làm gì được chàng ta.
Thái Hư đạo sĩ bỗng cười khẩy một tiếng, hai mắt nhìn thẳng vào mặt Hiểu Lam lớn tiếng :
- Vi trang chủ, việc này do ai hạ độc thủ chỉ có trời biết, đất biết, Trang chủ biết thôi. Khốn nỗi không có đủ bằng chứng, không làm gì được Trang chủ. Nhưng bần đạo thiết nghĩ bị lương tâm khiển trách còn đau đớn hơn là bị người giết chết. Cái chết chỉ trong nháy mắt là xong, còn lương tâm cắn rứt thì như bóng theo hình, suốt đời chịu đựng, chém không dứt, đẩy không ra...
Y nói không sai tí nào. Quả thực mấy ngày hôm nay Hiểu Lam rất đau khổ, ăn ngũ không yên chỉ vì người khác, vì thiên hạ võ lâm mà cứ phải nghiến răng chịu nhịn, trái tim như bị rắn rết cấu xé vậy.
Lúc này chàng đã khó chịu khôn tả, mặt lúc đỏ lúc xanh, mồ hôi lạnh toát ra như tắm, nhưng chàng cứ nhắm nghiền hai mắt lại chả nói chả rằng.
Tư Đồ Sương thấy thế rất cảm động, và không nhẫn tâm chút nào, vội tiến lại gần khẽ kêu gọi :
- Vi trang chủ!
Hiểu Lam giật mình đến thót một cái, vẻ mặt tươi tỉnh ngay, vội cười và đáp :
- Đa tạ cô nương, tôi còn chịu nhịn được, quí hồ cô nương...
Tĩnh Nhân thấy thế đôi ngươi bỗng sáng ngời, nhưng Gia Cát Ngọc lớn tiếng xen lời nói :
- Đạo trưởng là cao nhân trong vũ nội, đắc đạo toàn chân, sao lại nói như thế được? Vi trang chủ là một vị anh hùng cái thế, có khi nào dám làm mà không dám nhận như vậy? Thiên hạ võ lâm ai mà chả kính ngưỡng và tôn trọng Vi trang chủ?
Đạo trưởng nói như vậy là thiếu suy xét một chút.
Lời nói của Lão trại chủ thốt tự trong đáy lòng, nhưng khi lọt vào tai Hiểu Lam không khác gì những mũi kim sắc bén đâm vào trái tim chàng. Nhưng chàng cảm động bao nhiêu lại càng hổ thẹn và đau khổ bấy nhiêu, hai mắt cứ nhìn thẳng về phía đằng trước, thớ thịt trên mặt hơi rung động và với giọng run run nói :
- Đa tạ Lão trại chủ! Đa tạ thiên hạ võ lâm! Nhưng...
Đột nhiên có một tiếng cười nghe rất chua chát ở trên không vọng tới.
Quần hào giật mình đến thót một cái, thì tiếng cười ấy đã mất ngay, mặt của Hiểu Lam nhợt nhạt như không có sắc máu và chàng cắn môi đến vải máu. Bỗng dưng chàng quay mặt về phía đạo sĩ Thái Hư, đang định không quản ngại gì hết, nhìn nhận tội lỗi luôn.
Đột nhiên Tĩnh Nhân khẽ phất tay áo một cái, Hiểu Lam đã ngã lăn ra. Tư Đồ Sương đứng cạnh đó vội giơ tay ra đỡ.
Tĩnh Nhân lộ vẻ rất khó mô tả và thở dài một tiếng, nói :
- Vi trang chủ tức giận quá, hơi giận công tâm bất đắc dĩ Tĩnh Nhân tôi phải táo bạo ra tay. Xin Tư Đồ động chủ trông nom hộ Trang chủ.
Người khác không biết nhưng Tư Đồ Sương biết rõ lắm, nên nàng đưa mắt nhìn Tĩnh Nhân một cách rất cảm động và trả lời rằng :
- Đa tạ Phạm thiếu hiệp đã kịp thời ra tay. Tư Đồ Sương tôi xin tuân lệnh.
Quần hào với các cao thủ của đại môn phái lại được trông thấy rõ một lần nữa thần công của Tĩnh Nhân, ai nấy đều kinh ngạc và kính phục.
Quần hào vội vàng quây quần xung quanh Hiểu Lam. Tuệ Thanh đại sư đột nhiên thở dài một tiếng và nói :
- Thiện tai! Thiện tai!
Y định dẫn các người quay mình đi luôn.
- Các vị hãy tạm ngưng bước.
Tĩnh Nhân đột nhiên cười khì và kêu gọi các người ngừng bước.
Bọn Tuệ Thanh đại sư các người đều ngạc nhiên, ngừng bước. Quần hào cũng quay người lại xem.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười nói tiếp :
- Việc này chưa có kết quả mà các vị đã bỏ đi ngay như vậy người ở dưới chín suối yên tâm sao được. Bây giờ tại hạ có thể cho các vị hay, đệ tử của quí phái bị giết chết thảm khốc như thế không phải Vi trang chủ ra tay đâu. Chưởng lực giống như Thôi Tâm chưởng trên thiên hạ này có nhiều lắm, các vị chả cần phải đi đâu tìm kiếm hung thủ, việc này chính là tại hạ đã ra tay.
Thấy chàng nói như thế, quần hào đều giật mình đến thót một cái. Tư Đồ Sương buột miệng kêu gọi :
- Phạm thiếu hiệp, sao?
Phi Quỳnh ẩn núp ở trong khoang thuyền lại càng kinh hoảng hơn ai hết. Nàng không ngờ Tĩnh Nhân lại tự nhận như vậy. Nếu thế có phải là bao nhiêu công việc làm của mình xưa kia sẽ tiêu tan hết nên nàng nghiến răng kêu cồm cộp, dậm chân lia lịa, nhưng lại không tiện lộ hiện.
Tĩnh Nhân khẽ phất tay một cái, tủm tỉm cười và nói tiếp :
- Quí vị khỏi phải kinh ngạc, khỏi cần phải hỏi lý do. Việc này đã do tại hạ ra tay thì không liên can đến một người nào hết. Các vị khỏi cần phải nóng lòng tầm thù như vậy vội. Hiện giờ tại hạ còn có một việc nữa phải làm, chờ khi nào hai việc đó ghép thành một, lúc ấy tại hạ sẽ đến tận cửa. Nhưng bây giờ tại hạ không muốn nói nhiều. Đêm trung thu tới này, khi mặt trăng mọc lên tới đỉnh đầu, tại hạ thể nào cũng lên Tung Sơn, lúc ấy xin mời các đại môn phái tề tập ở chùa Thiếu Lâm, tại hạ sẽ trả lại công đạo cho quý vị. Nhưng tại hạ phải nói trước, từ nay trở đi các đại môn phái không được xâm phạm Mân Tây bát động, Đái Vân sơn trang và cả Động Đình nhị thập bát trại. Bằng không đừng có trách tại hạ không biết điều, máu sẽ rửa Tung Sơn cho mà coi. Tại hạ đã nói xong rồi, mời quý vị lên đường cho.
Hiển nhiên chàng đã ôm hết mọi việc vào người.
Lời nói của Tĩnh Nhân khiến quần hào cảm động khôn tả và đều ngẩn người ra nhìn vào mặt chàng, không nói được nửa lời.
Phi Quỳnh lại càng cuống thêm, nhưng nhất thời không làm gì được.
Người của các đại môn phái đều biến sắc mặt. Tuệ Thanh đại sư trầm giọng nói :
- Nếu vậy bọn bần tăng các người xin cáo lui ngay. Tết Trung Thu cách bây giờ chỉ còn hơn tháng thôi. Thí chủ là người trọng chữ tín, đến lúc ấy...
Tĩnh Nhân lớn tiếng cười và đỡ lời :
- Xin đại sư cứ yên tâm. Tuy Tĩnh Nhân tôi chỉ là một hậu bối mạt học nhưng cũng biết một lời hứa nặng hơn núi Thái Sơn.
Tuệ Thanh ngắm nhìn chàng một hồi rồi bỗng lớn tiếng niệm một câu Phật hiệu mới dẫn người đi ngay.
Tư Đồ Sương chờ cho người của các đại môn phái đi mất dạng rồi mới quay người lại, vội hỏi Tĩnh Nhân rằng :
- Phạm thiếu hiệp hà tất phải chịu nhận như thế.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười đáp :
- Hà tất phải ư? Mọi người vì tôi thì tôi cũng phải vì mọi người. Nhân quả ở bên trong, một vài lời không sao nói xiết được. Xin Động chủ đừng có hỏi nhiều, hãy mau cứu cho Vi trang chủ lai tỉnh đã.
Bất đắc dĩ Tư Đồ Sương đành phải vỗ vào lưng Hiểu Lam một cái. Tĩnh Nhân thấy thế vội quát bảo :
- Động chủ chớ nên như thế, mau biến thành điểm, chỉ được dùng ba phần chỉ lực điểm vào nơi Thiên Trụ.
Tư Đồ Sương giật mình và mới vỡ lẽ đó là một thủ pháp độc đáo, liền nghĩ bụng :
“Sao người không ra tay mà lại để ta mất sĩ diện như thế...”
Nàng dùng ngón tay ngọc khẽ điểm một cái, Hiểu Lam đã tỉnh táo lại ngay.
Tĩnh Nhân đứng ở trên mặt nước vừa cười vừa nói tiếp :
- Đáng lẽ không dám phiền đến tay ngọc của Động chủ nhưng tính của Tĩnh Nhân tôi lười biếng quen đi rồi, xin Động chủ lượng thứ cho.
Giở khóc giở cười, Tư Đồ Sương chỉ có cau mày lại mỉm cười đáp :
- Thiếu hiệp nói quá lời đấy thôi chứ Tư Đồ Sương tôi đâu dám.
Tĩnh Nhân mỉm cười đưa đôi mắt nhìn người ngọc vừa cười vừa nói tiếp :
- Mọi việc ở đây đã xong rồi, Tĩnh Nhân tôi xin cáo lui. Nhưng trước khi bái biệt có một việc này muốn phiền Vi trang chủ giở toàn lực ra hiệp trợ Tư Đồ động chủ tái kiến lập Bát động, trùng chấn thanh oai, chắc Vi trang chủ không cự tuyệt đâu.
Hiểu Lam chỉ mong có dịp may được gần người ngọc nên vội đáp.
- Hiểu Lam tôi xin tuân lệnh.
Trong thâm tâm của chàng rất lấy làm cảm động, dù Tư Đồ Sương không muốn nhưng việc đã như thế nàng còn biết nói năng ra làm sao, chỉ nghĩ bụng rằng :
“Anh chàng này đa sự thật”
Nàng hậm hực lườm Tĩnh Nhân một cái.
Tĩnh Nhân rất hớn hở, lớn tiếng ha hả, chắp tay vái chào mọi người rồi vội vàng đi ngay. Chỉ trong nháy mắt đã đi mất dạng, quần hào đứng đờ người ra nhìn theo, người nào người ấy đều lộ vẻ hâm mộ và kính mến.
Lúc này Hiểu Lam cũng đã biết rõ hết thảy. Chàng cũng ngưỡng mộ và cảm động vô cùng nhưng khi nào chàng chịu để cho người khác nhận thay mối thù đó cho mình nên chàng đã ngấm ngầm quyết định. Sự quyết định ấy khiến chàng cương quyết bỏ lỡ dịp may nghìn năm một thuở được gần gũi người ngọc.
Chàng ngắm nhìn Tư Đồ Sương một hồi rồi nói :
- Cô nương trở về Mân Tây ngay bây giờ không?
Tư Đồ Sương ngẩn người ra giây lát rồi đáp :
- Không, tôi còn bận việc khác, chưa về Mân Tây vội.
Sở dĩ nàng trả lời như thế là muốn tránh Hiểu Lam. Ngờ đâu Hiểu Lam lại thở nhẹ một tiếng rồi đáp :
- Hay lắm! Vì tại hạ đang cảm thấy không thể về ngay giúp cô nương tái thiết Bát động mà cảm thấy không yên. Nếu cô nương không vội về Mân Tây ngay thì Hiểu Lam tôi muốn nhân lúc này làm xong một việc này đã. Thôi, xin chào cô nương, tôi phải đi trước đây.
Chàng quay lại chắp tay chào Gia Cát Ngọc và các người rồi phi thân lên trên bờ luôn.
Sự biến hóa đột ngột ấy không những khiến quần hào rất ngạc nhiên mà cả Tư Đồ Sương còn ngạc nhiên thêm. Nàng đang thắc mắc thì bên tai đã có tiếng người khẽ nói :
- Sương muội, chúng ta cũng nên đi thôi.
Tư Đồ Sương thấy Phi Quỳnh cười một cách rất miễn cưỡng, liền cau mày lại, chưa kịp trả lời thì Quỳnh Anh đã lộ vẻ rất lo âu, vội chạy lại nắm tay hai nàng và nói :
- Hai vị tỷ tỷ có thể ở lại đây thêm vài ngày, tiểu muội cũng...
Phi Quỳnh tủm tỉm cười, đỡ lời :
- Anh cô nương, chúng ta ý hợp tâm đầu, tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng đã rất hợp ý nhau. Nếu không có việc cần thì chúng tôi cũng muốn ở lại quấy nhiễu thêm vài ngày, một mặt có thể lãnh giáo thêm Lão trại chủ, mặt nữa chúng ta ba người được gần gũi nhau thêm. Mong cô nương hãy giữ gìn sức khỏe, ngày còn dài, chờ mọi việc xong xuôi chúng tôi sẽ trở lại thỉnh an Lão trang chủ với chăm non hiền muội ngay.
Nói xong nàng với Tư Đồ Sương vội vái chào cha con Gia Cát Ngọc với quần hào.
Biết không thể giữ hai nàng ở lại được, mọi người vội đáp lễ nhưng vẫn có vẻ quyến luyến, không nỡ dứt nhau ngay.
Dưới ánh trăng sáng trên một ngọn núi nọ có hai bóng người mảnh khảnh đang đi.
Một người lên tiếng nói :
- Sương muội, biết tại sao hồi nãy ngu tỷ lại bỗng dưng lánh mặt như thế không?
Và Sương muội có biết tại sao Phạm Tĩnh Nhân lại phải đeo mặt nạ da người không?
Tại sao chàng lại nhận hết mọi tội lỗi vào mình không? Tại sao chàng lại bảo Hiểu Lam giúp Sương muội tái thiết Bát động không?
Những câu hỏi ấy quả thật là khó trả lời. Huống hồ Phi Quỳnh lại hỏi một cách đột ngột như vậy nên nhất thời Tư Đồ Sương không sao trả lời được.
Phi Quỳnh thấy thế, thở dài một tiếng rồi nói tiếp :
- Sương muội, những vấn đề này giản dị lắm. Quý hồ hiền muội cứ suy nghĩ một chút là vỡ lẽ ngay. Tất cả đều do bổn thân của Phạm Tĩnh Nhân mà ra. Phạm Tĩnh Nhân! Sương muội thử nghiền ngẫm xem...
Bỗng hớn hở tươi cười, Tư Đồ Sương la lớn :
- Thế mà Quỳnh tỷ cứ giấu tiểu muội mãi. Tiểu muội đã hiểu rồi...
- Phải không? Có lẽ Sương muội cũng chưa hiểu rõ tại sao chàng lại chỉ nhờ có một mình Hiểu Lam giúp Sương muội tái kiến thiết Bát động?
- Quỳnh tỷ! Chàng tưởng làm như thế là phải, nhưng... hừ, đời này y đừng có hòng...
- Sương muội nói phải. Nhưng chớ nên quên chúng ta tiến thoái có nhau. Chàng làm như thế chỉ có mang khổ vào thân thôi. Nhưng Sương muội cũng phải...
- Quỳnh tỷ nói nữa đi. Phải cái gì?
- Sương muội có biết tại sao Hiểu Lam lại bỗng thay đổi ý kiến mà cam tâm bỏ lỡ dịp may được gần gũi người ngọc mà đột nhiên đi ngay như thế không?
- Quỳnh tỷ, tiểu muội đã rối trí lắm rồi. Quỳnh tỷ đừng có bắt tiểu muội phải nghĩ ngợi nữa, mau mau nói cho tiểu muội hay đi.
- Hà! Chữ tình thật rất vĩ đại. Sương muội cứ thế này mãi chỉ e...
- Quỳnh tỷ...
- Thôi, không nói nữa. Nếu ngu tỷ đoán không sai thì cử chỉ này của Hiểu Lam rất đáng kính. Nhưng làm như thế không khác gì tưới dầu lên lửa thôi.