Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 51: Tấn kịch đào hoa trong phòng của Hồng Long Nữ


Chương trước Chương tiếp

Tâm Đăng còn đang ngơ ngác, chưa biết phải xử trí ra sao, bỗng thấy Tuyết Sơn Thần Nữ bước tới trước mặt của Thiếu Lâm tam lão nói rằng :

- Chẳng mấy khi được các vị cao tăng dời gót đến miền bắc xa xôi hẻo lánh này, kính xin chư vị đến tệ sơn uống trà đàm đạo.

Thiếu Lâm tam lão đồng nghĩ :

- Nghe đâu chúng ta vừa lấy Linh Chi Thần Thảo của người này, nay theo bà ta trở về sào huyệt thì thật là lành ít dữ nhiều...

Ba người thảy đều bàng hoàng bất quyết, đưa mắt nhìn nhau không biết phải trả lời thế nào cho phải.

Tuyết Sơn Thần Nữ thấy vậy đã biết ngay thâm ý của tam vị cao tăng liền nói :

- Linh Chi Thần Thảo vốn là một thần vật, phàm người có đức thì được hưởng, chúng tôi quả thật chẳng dám chiếm làm một món đồ tư hữu, nay Thiếu Lâm phái đã được trước thì thuộc về Thiếu Lâm phái trọn quyền sử dụng.

Chư vị cao tăng được lời như cởi tấm lòng, Tuệ Thiện nghĩ :

- Nếu bây giờ chúng ta từ chối, thì hóa ra sợ sệt, chi bằng nhân dịp này ghé đó một chuyến, vừa để kết giao thêm một người có tiếng trong làng võ vừa để du ngoạn phong cảnh của Tuyết Sơn.

Nghĩ đoạn trả lời rằng :

- Lão Phương trượng của chúng tôi đang lâm trọng bệnh, lẽ ra chúng tôi phải cấp tốc trở về để lo liệu thuốc men, nhưng niệm tình của thí chủ có thành tâm nên ghé qua sơn động, đồng thời nội nhật ngày mai chúng tôi phải lên đường trở về Thiếu Thất.

Hai mẹ con Tuyết Sơn Thần Nữ nghe qua, thảy đều mừng rỡ, liền hướng dẫn bốn người đi nhanh xuống đồi đoạn nhắm phía một dãy núi tuyết trắng tinh mà đi tới.

Thiếu Lâm tam lão vốn sống lâu ở miền Trung Nguyên trù phú, phong cảnh tuy hữu tình thơ mộng nhưng phần nhiều là cảnh sông con cầu nhỏ.

Bây giờ phương đông đã lần lần rựng sáng, đoàn người trông thấy trước mặt mình là một dãy núi thăm thẳm, những dãy núi này phủ kín một màu trắng xóa, thoáng trông làm cho người ta có một cảm giác vô cùng thoải mái...

Đoàn người dưới sự hướng dẫn của Tuyết Sơn Thần Nữ, đi thẳng một mạch về phía dãy núi trắng tinh bằng một tốc độ kinh hồn.

Ánh thái dương từ từ lên cao và đến đầu giờ Mẹo thì đoàn người đến trước một cửa sơn động vô cùng thanh lịch.

Tuệ Thiện thiền sư cùng với Tâm Đăng đã từng vào chỗ cư ngụ của Y Thánh, hồi ấy thảy đều cho nơi ấy là một chỗ phong cảnh đẹp nhất Trung Nguyên, nào ngờ khi đến trước cửa động này, thì trong lòng càng thêm kinh dị.

Vì lẽ vùng Tuyết Sơn này ít khi thấy bông hoa tươi tốt, vì lẽ khí hậu quá ư lạnh lẽo, nhưng không biết tại sao chỗ này thì trăm hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía.

Thiếu Lâm tam lão bất giác đưa mắt nhìn nhau, trong lòng thảy đều lo lắng, vì lẽ ba người này thảy đều thấy sơn động này có vẻ kín đáo, kiến trúc lại vô cùng kiên cố, trong lòng đồng nghĩ :

- Không ngờ bà ta lại đưa chúng mình vào một chỗ hiểm trở như vầy. Nhưng đã trót hứa lời, bây giờ từ chối thì lại tỏ ra mình là người nhu nhược...

Vì nghĩ vậy nên mỗi người chỉ đưa mắt ra dấu, bảo đề cao tinh thần cảnh giác, rồi cứ thong thả tiến vào.

Vào khỏi cửa sơn động, đi quanh co qua một con đường khá dài, trước mặt của mọi người bỗng mở ra một vùng cảnh trí bao la bát ngát.

Nơi này cũng có núi có non, có cây có cỏ, có ánh thái dương, chung quanh thảy đều là kỳ hoa dị thảo.

Hai mẹ con Tuyết Sơn Thần Nữ hướng dẫn đoàn người đi thẳng đến một ngôi nhà mát, kiến trúc thật tân kỳ diễm lệ.

Ngôi nhà mát xây cất giữa một cái hồ nho nhỏ, từ trên bờ có bắc một cây cầu cong cong đi xuống.

Ngồi trên hồ nhìn ra, tứ bề toàn là núi non trùng điệp, từ ngôi nhà mát đến bờ đất liền ít nhất phải hai mươi trượng.

Tuệ Minh phương trượng ngắm nhìn khoảng cách đó mà trong lòng càng thêm lo ngại, vì lẽ muốn dùng khinh công mà vượt qua đoạn đường đó thật là thiên nan.

Sắc mặt lo âu của Phương trượng, những người đồng hành thảy đều trông thấy rõ, nhưng ai nấy đồng có cảm nghĩ rằng mình hiện nay đang nằm trong cái thế cưỡi cọp, bây giờ muốn xuống cũng khó xuống, chi bằng cứ điềm nhiên mà tiến tới, thảng như có biến sẽ tùy cơ mà ứng biến.

Ai nấy vừa an tọa thì Tuyết Sơn Thần Nữ đã ra lệnh cho những người hầu cấp tốc bày tiệc ra.

Thiếu Lâm tam lão lấy làm lạ, vì những món đồ ăn mà họ mang ra thảy thảy đều thuộc về những món đồ chay mà người xuất gia dùng nhưng khói lên nghi ngút.

Mọi người thảy đều bàng hoàng kinh dị, nếu họ không lầm thì Tuyết Sơn Thần Nữ đã chuẩn bị từ rất lâu thật là chu đáo.

Tiệc đã dọn ra rồi nhưng chưa có một người nào dám cầm đũa, bởi lẽ ai nấy thảy đều ái ngại, bỗng nhiên thấy mẹ con Tuyết Sơn Thần Nữ cầm đũa lên, ăn uống rất nữa là tự nhiên.

Mỗi một món đồ ăn nào bà ta cũng đều gắp trước một đũa, mọi người thấy vậy, trong lòng bớt đi một ít nghi ngờ, vội vàng cầm đũa lên ăn.

Trong ba vị Thiếu Lâm cao tăng đây, chỉ có một mình Tuệ Thiện thiền sư là một người rành về thuốc độc.

Bởi vì ông ta trôi nổi giang hồ, điều thấy biết rất nhiều, phàm những thứ độc dược nào ông nếm sơ qua, thảy đều phát giác ngay.

Vì vậy mọi người cứ trông theo ngọn đũa của ông ta, hễ ông ta gắp món nào thì mọi người gắp theo món đó.

Phần Tuệ Thiện sau khi phân biệt mùi vị các món đồ ăn, quả thật chẳng thấy có mùi vị nào khả nghi nên trong lòng cũng bớt lo đi.

Sau khi tiệc tan, Tuyết Sơn Thần Nữ cho mời bốn thầy trò vào Tiếp Tân sảnh trong một ngôi nhà gần đó để ngơi nghỉ, để chiều nay dạo phong cảnh Tuyết Sơn rồi ngày mai sẽ về.

Lúc bấy giờ nhằm giữa mùa thu, ngoài trời tuyết bay lả tả, khí hậu miền bắc thật là lạnh lẽo vô cùng.

Sau khi vào Tiếp Tân sảnh thì mẹ con Tuyết Sơn Thần Nữ không còn lưu lại đó nữa, mà chỉ còn lại hai tên thư đồng đứng hầu mà thôi.

Vì tuyết rơi càng lúc càng nhiều nên cửa phòng đóng kỹ, trong phòng lúc bấy giờ lại đốt một lò hương trầm để sưởi ấm cho mọi người.

Vì phải trả qua một đêm chiến đấu kinh hoàng, mọi người thảy đều mệt mỏi, bây giờ gặp trời đổ tuyết, khí hậu lạnh lùng nhưng nhờ Tiếp Tân sảnh có đốt lò sưởi, nên mọi người đều cảm thấy ấm áp, đồng ngả ra ngủ mê man giấc điệp.

Ngủ đi không biết bao lâu, bỗng chợt Tâm Đăng nghe thấy trong cổ họng mình có một mùi vị ngọt ngào, và hương thơm thoang thoảng, nhướng mắt nhìn lên, Tâm Đăng lấy làm bàng hoàng kinh dị.

Vì lẽ ban nãy, Tâm Đăng rõ ràng ngủ chung một giường với Tuệ Thiện thiền sư, sao bây giờ bên mình chẳng có ai, và nhìn kỹ chung quanh thì gian phòng ấy chẳng phải gian phòng Tân khách sảnh mà mình nằm ban nãy.

Trong lòng chi xiết bàng hoàng, chàng muốn trở mình ngồi ngay dậy, nhưng tứ chi bải hoải, chẳng còn một chút sức lực nào.

Trong tình cảnh này bắt buộc chàng phải mở to cặp mắt ra để quan sát, vì chỉ có thị giác của chàng là còn cử động một cách tự nhiên mà thôi.

Đảo cặp mắt để nhìn quanh tả hữu, bất giác chàng kinh hoàng thất sắc, vì lẽ cặp mắt chàng đã trông thấy gian phòng này bài trí cực kỳ diễm lệ, trướng rủ màn che một cách kín đáo và tao nhã, nếu chàng không lầm thì đây là khuê phòng của một người con gái.

Trong lòng của Tâm Đăng còn đang hồi hộp, bỗng bên tai của chàng vang lên một câu nói :

- Tâm Đăng, đã tỉnh rồi ư?

Âm thanh của giọng nói này vừa rót vào tai thì Tâm Đăng càng thêm kinh sợ, vì lẽ đây là giọng nói của người đấu chiến với chàng một trận vô cùng khủng khiếp trong tuyệt cốc.

Và chính người này đã bị chàng dùng một thế võ độc đáo đạp té xuống vực sâu muôn trượng: Hồng Long Nữ!

Tâm Đăng nghĩ rằng :

- Người này đã bị mình dùng một thế võ lạ lùng đẩy rơi xuống vực, và mẹ của nàng cũng bị mình đánh tơi bời trên một ngọn đồi, thì chắc lòng uất hận còn sâu, ngày hôm nay ta lạc bước vào đây, thật là lành ít dữ nhiều...

Tâm Đăng thật muốn vùng dậy để chờ đối phó với nàng, nào hay đâu càng cục cựa thì tay chân càng rã rời, không thể nào cục cựa được.

Còn đang vừa sợ vừa giận thì lại nghe giọng nói của Hồng Long Nữ vang lên :

- Chàng đừng mong cử động làm chi cho vô ích, món thuốc mê Tam Nhật Hoàn Hồn của tôi phải đến ba hôm sau mới có thể thật sự hoàn hồn. Chàng nhờ uống được một nửa thuốc giải nên mới có thể tạm thời tỉnh táo đó thôi.

Bốn chữ Tam Nhật Hoàn Hồn vừa lọt vào tai chàng, Tâm Đăng vô cùng kinh khiếp, chàng không ngờ điều mình lo sợ ngày hôm này cũng không tránh được.

Chàng có biết đâu khi Thiếu Lâm tam lão cùng chàng dự tiệc, Tuyết Sơn Thần Nữ đã ngầm bỏ vào đồ ăn những chất độc vô cùng lợi hại.

Chất độc này không mùi vị, không màu sắc đặc biệt nên Tuệ Thiện thiền sư là một người sành thuốc độc đến thế mà vẫn xem không ra.

Đến khi nuốt nó vào trong ruột, Tuệ Thiện thiền sư vận thử nội công cũng chẳng thấy có điều chi khác lạ, vì lẽ loại thuốc này phải phối hợp với hai loại thuốc khác mới sinh ra tác dụng.

Loại hơi độc sau này, Tuyết Sơn Thần Nữ lén sai hai tên thư đồng bỏ vào trong đỉnh hương trầm, ba thứ chất độc này phối hợp với nhau, làm cho cả bọn thầy trò thảy đều bất tỉnh nhân sự.

Tâm Đăng hỏi :

- Tôi với thí chủ không thù không oán, ngày hôm trước trên Tuyết Sơn chỉ vì tình thế bắt buộc nên mới phải xúc phạm đến thí chủ, đó chẳng qua là việc quyền biến nhất thời, xin thí chủ hãy bỏ qua cho...

Câu nói của Tâm Đăng vừa dứt, thì từ trên đầu giường thong thả bước xuống một người, người này là Hồng Long Nữ, nàng nãy giờ đứng trên đầu giường nên Tâm Đăng không trông thấy.

Bây giờ Hồng Long Nữ không còn mặc võ y màu đỏ nữa, mà vận trên mình bằng một bộ quần áo trắng tinh.

Nàng nói :

- Mặc dù ta với mi không thù không oán, nhưng mi là một kẻ xuất gia, cớ sao lại ra tay cay độc, đẩy ta xuống một vực sâu muôn trượng?

Tâm Đăng ấp úng trả lời :

- Điều này tôi đã nói rõ với thí chủ rằng, đó chẳng qua là một việc tình thế bắt buộc mà thôi.

Hồng Long Nữ lên giọng gay gắt :

- Nhưng mi có biết rằng mi đã phạm một điều...đại kỵ của ta?

Tâm Đăng ngơ ngác trả lời :

- Quả thật tôi không biết.

Hồng Long Nữ cau mày :

- Mi là người xuất gia, tất biết nam nữ thọ thọ bất thân?

Tâm Đăng sắc mặt đỏ bừng, vì câu nói này đã làm cho chàng hiểu ngay thâm ý của Hồng Long Nữ.

Trong lòng của Tâm Đăng bắt đầu hồi hộp, vì lẽ từ bé chàng đã là người xuất gia, mặc dù đến tuổi trưởng thành có kết giao với Trì Phật Anh và Mặc Lâm Na nhưng chỉ chuốc thêm lấy điều phiền não.

Như con chim hễ thấy làn cây cong thì sợ, Tâm Đăng nghe thấy những câu nói của Hồng Long Nữ giống như những tiếng sét ngang đầu.

Vả lại chàng cũng đã từng nghe qua câu chuyện tình bi thảm của cha mẹ chàng nên Tâm Đăng lúc nào cũng nhất quyết sau khi công vụ cáo thành, chàng sẽ tìm một nơi danh lam thắng cảnh bậc nhất Trung Nguyên suốt đời vui cảnh nâu sồng. Chàng nghĩ thầm :

- Thì ra người này vì có dạ bất lương nên mẹ nàng mới nương tay với ta trên đỉnh đồi, và tốn nhiều tâm tư đưa ta vào nơi long đàm hổ huyệt này.

Tâm Đăng lo lắng hỏi :

- Chẳng hay tam vị sư phụ của tôi sức khỏe thế nào?

Hồng Long Nữ biết Tâm Đăng muốn đánh trống lảng, nàng không trả lời theo câu hỏi, chỉ nói rằng :

- Nếu nhà ngươi bằng lòng lưu lại nơi này, ta tức khắc tặng mi thuốc giải...

Tâm Đăng thở dài ngao ngán, chàng biết rằng mình không thể ưng thuận lưu lại chỗ này được, nhưng nếu cự tuyệt thì tính mạng của tam vị sư phụ thật là nguy nan.

Chàng biết tuy loại thuốc độc chàng trúng phải đây bề ngoài trông rất tầm thường, không có nổi lên công phạt nhưng nãy giờ chàng vận dụng công lực thấy toàn thân mềm nhũn ra không thể nào cử động được, vậy thì tam vị sư phụ cũng trong tình trạng nan giải như mình.

Chàng còn đang bần dùng bất quyết thì Hồng Long Nữ nói một câu quyết liệt :

- Việc này không thể chần chờ... Bay đâu, đưa đại sư ra đây...

Câu nói của nàng chưa dứt thì bên trong có hai tên tráng đinh kèm một vị Thiếu Lâm cao tăng bước ra.

Hình bóng của vị Thiếu Lâm cao tăng này vừa đập vào mắt của Tâm Đăng thì chàng càng thêm hội hộp.

Vì lẽ người ấy chính là ân sư của chàng khi ở vùng Tây Tạng, và chính ông ta đã đưa chàng về đất Trung Nguyên: Tuệ Thiện thiền sư đó.

Tuệ Thiện thiền sư bây giờ mặt xanh như tàu lá, chắc có lẽ cũng lâm vào tình trạng giống như Tâm Đăng là tứ chi bất hoạt.

Ông ta được hai tên tráng đinh đỡ sát hai bên nách và đặt ngồi giữa một chiếc ghế bành to tướng.

Tuệ Thiện cặp mắt trợn trừng nói :

- Loài yêu nữ, ta đã sa cơ lọt vào động của mi, muốn giết thì giết chứ đừng giở trò mưa rơi...

Câu nói của ông ta thình lình bị cắt đứt, vì ông ta nhác trông thấy Tâm Đăng nằm trên giường, mở mắt thao láo nhìn mình.

Hồng Long Nữ không nói không rằng, tuốt phắt thanh trường kiếm, chĩa mũi thẳng vào giữa ngực Tuệ Thiện thiền sư mà nói một câu nảy lửa :

- Nếu mi vẫn còn ương ngạnh ta sẽ tức khắc lấy mạng lão già này.

Dứt lời, lưỡi gươm trong tay của nàng từ từ tiến thẳng vào giữa ngực của Tuệ Thiện thiền sư.

Tâm Đăng không biết việc này là giả, nhưng thấy thái độ đáng sợ của Hồng Long Nữ, trong lòng chàng thảng thốt kinh hoàng.

Chàng nghĩ :

- Nếu ta chần chờ trong một giây, biết đâu nàng chẳng thật sự hạ độc thủ, lúc đó làm sao cứu được tính mạng của ân sư...?

Thấy lưỡi gươm chỉ còn cách huyệt Phân Thủy của Tuệ Thiện thiền sư chừng ba tấc mà thôi. Tâm Đăng vừa định há mồm, mở lời van lơn Hồng Long Nữ...

Nhưng lời nói của chàng chưa kịp bay ra khỏi cổ họng thì bỗng thình lình từ bên ngoài cửa số có một món ám khí bay vào phòng nhanh như một tia chớp nhoáng...

Mặc dù tay chân rũ liệt nhưng nhãn lực của Tâm Đăng vẫn còn bén nhạy như thường, chàng thấy mũi ám khí tách gió bay vèo vèo vào phòng, và một tiếng “cảng” vang lên, thanh trường kiếm của Hồng Long Nữ trúng phải ám khí, dạt sang phía hữu chừng hai tấc.

Hồng Long Nữ nghe thấy hổ khẩu của mình tê tái, nghĩ răng nội lực của người này thật là thâm hậu.

Nàng tự nói với mình :

- Chỗ này là nơi trọng địa của ta, cớ sao lại có người ngoài lén vào đây được?...

Ý nghĩ vừa thoáng lên chàng vội nhìn ra cửa sổ, thấy từ bên ngoài có hai chiếc bóng mờ thoáng nhanh qua cửa sổ.

Thủ pháp của hai người này thật nhanh không thể tả, chỉ trong một cái chớp mắt, trước mặt nàng vùng hiện ra hai người con gái...

Hai người này dừng chân giữa gian phòng, Tâm Đăng liếc lên nhìn kỹ, thấy đó là hai nàng thiếu nữ mắt trong mày sáng, gương mặt giống hệt như nhau thật khó phân biệt ai là chị ai là em.

Gương mặt của hai người này vừa đập vào mắt của Tâm Đăng, bất giác chàng khẽ kêu lên một tiếng.

Vì lẽ hai nàng này chẳng phải ai xa lạ chính là hai chị em Trì Phật Anh và Trì Phật Minh đó.

Tiếng rú của Tâm Đăng chưa dứt thì Hồng Long Nữ đã quát lên một tiếng rợn người, thét hỏi :

- Bọn tiện tì này từ đâu đến, sao dám xông pha vào chỗ khuê phòng của bản cô nương?

Một trong hai nàng thiếu nữ cất tiếng nói :

- Thì ra trong chỗ khuê phòng của cô nương chỉ chuyên để cho đàn ông lui tới.

Câu nói này vừa thoát ra khỏi cửa họng của nàng thiếu nữ thì Tâm Đăng kêu lên :

- Phật Anh, đối phương phi thường lợi hại, lại biết dùng thuốc mê chớ nên tháo thứ!

Thì ra, Tâm Đăng vốn quen biết với hai người này lâu ngày, nên chỉ thoáng nghe qua giọng nói, chàng liền biết ngay người vừa nói chuyện chính là Phật Anh.

Câu nói của Phật Anh đã làm cho Hồng Long Nữ vô cùng hổ thẹn, hai má nàng đỏ bừng, cặp chân mày dựng ngược, Hồng Long Nữ quát :

- Khôn hồn thì hãy lui ra khỏi chỗ này, chờ ta thu xếp xong công việc rồi sẽ cho mi nếm mùi cay đắng của Tuyết Sơn phái.

Phật Minh bật ra một tiếng cười trong trẻo nói rằng :

- Tại sao chẳng chịu giao ngay trong giờ phút này, mà lại chờ cho xong công việc? Sẵn có nhị vị sư phụ đây chứng kiến, ta cùng mi quyết chiến vài ba mươi hiệp...

Câu nói chưa dứt, thì Trì Phật Minh xông tới chém ra một gươm, lưỡi gươm nầy chém vòng ngang qua cổ của Hồng Long Nữ một đường quái ác, gươm đi nửa chừng, bỗng cánh tay tả của nàng kèm theo một chưởng...

Thế chưởng này từ phía trên bả vai nơi huyệt Giai Tĩnh khởi hành, theo chiều chênh chếch xuống huyệt Đan Điền, bao nhiêu yếu huyệt trong toàn thân thảy đều bị nàng phong tỏa.

Tâm Đăng nằm trên giường trông thấy nàng chỉ trổ sơ ra một đòn, bất giác trong lòng khen thầm, chàng không ngờ chỉ cách trong một rhời gian ngắn mà nàng lại luyện được môn kiếm pháp lợi hại như vậy.

Chỉ thấy bóng gươm của Trì Phật Minh điệp điệp trùng trùng thỉnh thoảng kèm theo một chưởng lực cực kỳ sắc bén, bốn mươi hiệp trôi qua mà đôi bên vẫn cầm đồng ngang ngửa.

Sau khi Phật Minh xáp chiến cùng Hồng Long Nữ, thì Phật Anh cũng tuốt gươm ra, lướt tới bảo vệ Tuệ Thiện thiền sư cùng với Tâm Đăng vì lễ hai người nầy bây giờ đang nhiễm độc không thể cục cựa nổi.

Trong phòng vì không rộng mấy, nên hai người chỉ dùng những thế võ gọn gàng để trao đổi cùng nhau.

Thừa dịp Hồng Long Nữ đang bị Trì Phật Minh cầm chân, Tâm Đăng khẽ gọi Trì Phật Anh hỏi đầu đuôi nguyên cớ.

Phật Anh chỉ nói sơ sơ đủ cho chàng nghe mà thôi :

- Thì ra, hai nàng kể từ khi được Thiếu Lâm cao tăng gửi vào Thanh Liên tự, nhờ Tịnh Tâm sư thái hết lòng chỉ bảo, nên bây giờ nghệ thuật tăng tiến rất nhiều.

Mấy hôm trước, Tịnh Tâm sư thái được đệ tử truyền tin cho hay Tâm Đăng sẽ cùng Thiếu Lâm tam lão lên đường đi về miền bắc để tìm Linh Chi Thần Thảo.

Sư thái nghe qua, trong lòng lo lắng,vì rằng trên đường từ nam ra bắc, mịt mù diệu vợi, một mặt khác, những tay võ lâm cao thủ hiện bây giờ đang hết sức chú ý đến Thiếu Lâm tự, vì lẽ trong chỗ giang hồ, hiện bây giờ đều chú mục về quyển Tàm Tang khẩu quyết.

Lại nữa vùng Tuyết Sơn có một người đàn bà võ công lợi hại là Tuyết Sơn Thần Nữ trấn giữ, người này rất rành cách sử dụng thuốc mê, thuốc độc, nên rủi ro có sơ sẩy, thì thật là tai hại vô cùng.

Vì nghĩ như vậy, nên Tịnh Tâm sư thái tức tốc mang theo hai nàng đệ tử giống nhau như hai giọt nước kia cấp tốc lên đường ra bắc, cố ý muốn ngầm viện trợ cho Thiếu Lâm tam lão.

Quả thật không ngoài sự ước đoán của Tịnh Tâm sư thái, khi vừa lao tới vùng Tuyết Sơn, thì bà ta nghe giang hồ truyền khẩu với nhau rằng, Thiếu Lâm tam lão và Tâm Đăng vào một đêm tối trời, bị Tuyết Sơn Thần Nữ dụ lên một ngọn đồi, và triển khai một trường ác chiến.

Và rồi những tay giang hồ đại đạo, như Hoàng Hà Nhất Sát, vân vân xuất hiện, và Hoàng Hà Nhất Sát bại tẩu, Thiếu Lâm tam lão cùng Tâm Đăng theo chân Tuyết Sơn Thần Nữ, thảy lọt vào tai của Tịnh Tâm sư thái.

Thế là Tịnh Tâm sư thái liền truyền lệnh cho hai vị đệ tử đồng theo mình mà vào Sơn Động của Tuyết Sơn Thần Nữ.

Đến nơi, thì vừa lúc Tâm Đăng cùng Thiếu Lâm tam lão bị đánh thuốc mê ngất đi, Tịnh Tâm sư thái hiện giờ đang xuất đầu lộ diện đấu cùng Tuyết Sơn Thần Nữ, còn Phật Minh và Phật Anh xông vào phòng riêng của Hồng Long Nữ mà triển khai một trận đấu chiến cam go chưa từng thấy.

Số là sau khi Tuyết Sơn Thần Nữ đánh thuốc mê làm cho Tâm Đăng và Thiếu Lâm tam lão thảy đều ngất đi rồi, Hồng Long Nữ thì cứ quanh quẩn bên giường của Tâm Đăng chờ chàng hồi tỉnh, còn Tuyết Sơn Thần Nữ thì trở về phòng của mình để tịnh dưỡng tinh thần.

Bà ta vừa bước vào phòng, khóa trái cửa lại, chưa kịp đặt lưng xuống giường bỗng từ bên ngoài bỗng có một tiếng cười khô khan theo gió lạnh đưa vào.

Tiếng cười vừa đập vào mang tai, bà ta đã biết ngay có biến, nhanh như cắt, bà ta nhón gót bay mình trở ra ngoài.

Nào hay đâu, thân hình của bà ta vừa cất lên chưa đầy hai thước, thì từ bên ngoài cửa sổ tức khắc có một chiếc bóng đen bay vút vào...

Nhác trông thấy thân hình Tuyết Sơn Thần Nữ biết ngay đây là một tay kình địch.

Bà ta cũng có cảm tưởng y như Hồng Long Nữ, bà nghĩ rằng :

- Chỗ này là trọng địa của ta cớ sao lại có người dám ngang nhiên xông vào?

Kịp đến khi người này vừa dùng chân đứng lại giữa gian phòng, trước mặt bà ta xuất hiện một lão cô ni tuổi đã ngoài lục tuần, nhưng tinh thần vẫn còn quắc thước.

Bà ta tự nói với mình :

- Thì ra đây là những người cùng chung một phái với những người đang bị ta sinh cầm.

Bà ta hỏi :

- Chẳng hay lão cô ni đến đây có điều chỉ bảo mà lại xông vào phòng một cách đường đột vậy?

Lời nói phân nửa có vẻ cung kính, phân nửa có vẻ trách móc, làm cho Tịnh Tâm sư thái có vẻ ngập ngừng khó trả lời.

Sư thái cau mày, giọng nói có vẻ uy nghiêm :

- Được tin ba vị sư huynh của ta thâm nhập vào Tuyết Sơn để tìm thuốc cho Phương trượng, vừa rồi có quá bộ sang đây, nên ta đến ra mắt Sơn chủ, xin sơn chủ cho ta được diện kiến tam vị sư huynh, vì trên Thiếu Thất sơn vừa có việc quan hệ xảy ra, cần phải triệu hồi tam vị sư huynh tức khắc...

Thì ra Tịnh Tâm sư thái chỉ bịa chuyện nói cho qua hồi, Tuyết Sơn Thần Nữ nghe nói giật mình đánh thót bà ta không ngờ những việc xảy ra trong tham vọng của mình, mà người ngoài thảy đều hay biết.

Nhưng bà ta cũng gắng gượng tỏ vẻ bình thản nói rằng :

- Quả thật tam vị tiền bối có đến đây đàm đạo, uống trà trong giây lát, rồi lại lên đường ngay...

Bà ta vốn là một người lịch lãm giang hồ, nên tài ứng biến khá nhanh, nhưng Tịnh Tâm sư thái vốn biết rõ nội vụ, bà ta lạnh nhạt nói rằng :

- Quả thật ta có cho người đón tam vị sư huynh, nên chẳng thấy tăm hơi đâu cả nên mới mạo muội vào đến chỗ này, hỏi thăm cho rõ đầu đuôi, dám xin Thần Nữ niệm tình đến Thiếu Lâm đại phái mà trả tam vị sư huynh về.

Tuyết Sơn Thần Nữ thấy Tịnh Tâm sư thái lời lẽ uy nghiêm và lời nói cả quyết, biết rằng việc này không thể giấu diếm được nữa, nên thong thả trả lời rằng :

- Chẳng dám giấu chi sư thái, chỉ vì phen này tam vị Thiếu Lâm trưởng lão thâm nhập Tuyết Sơn, lấy đi một vật báu trấn sơn đó là Linh Chi Thần Thảo, lại nữa thêm chú tiểu tăng kia, lại phạm vào một điều cấm kỵ của tiểu nữ, nên mới xảy ra cớ sự.

Tịnh Tâm sư thái trả lời :

- Việc này xin để cho chúng tôi mang tiểu tăng ấy về dạy dỗ lại... Còn giờ đây dám xin Thần Nữ cho phép chúng tôi trở về Thiếu Thất...

Tuyết Sơn Thần Nữ trong lòng thầm nghĩ :

- Nay ta đã thành thế cưỡi cọp, nếu nhất nhất đều phải nghe theo người này, thành ra thanh danh của Tuyết Sơn hóa ra phải trôi theo dòng nước, nhưng muốn dùng võ lực đối phó với người này thì chẳng phải việc dễ, hay là... hay là... ta hãy dùng kế hoãn binh, để chờ cơ ứng chiến...

Nghĩ đoạn nói rằng :

- Sư thái không nể đường xa vạn dặm, đến đây chắc mệt mỏi lắm, xin hãy bước ra ngoài khách sảnh uống trà giải khát.

Nào hay đâu, Tịnh Tâm sư thái lộ vẻ khó chịu, cau mày nói một câu sắc lạnh :

- Ta không trúng kế hoãn binh của mi đâu, sanh cầm tam vị sư huynh ở chỗ nào, hãy lập tức trả lại tự do...

Sự thể đến nước này, Tuyết Sơn Thần Nữ không thể nào nhịn được nữa, bà ta cũng cau đôi mày liễu, gắt gỏng nói :

- Chẳng phải ai cũng có thể vào Tuyết Sơn mà tự tiện ăn nói lớn lối vậy, hay là sư thái muốn quyết định bằng võ lực?

Hai tiếng võ lực làm cho Tịnh Tâm sư thái cau mày, vì lẽ bà ta là người xuất gia, nên phi trường hợp bất đắc dĩ không bao giờ dùng đến võ lực.

Bà ta lại chau mày nói :

- A di đà Phật, là kẻ xuất gia ta không bao giờ dùng đến võ một cách vô lối, xin thần nữ biết cho.

Thấy bà ta dịu giọng, Tuyết Sơn Thần Nữ lại lên tiếng :

- Nếu vậy, xin sư thái bước ra ngoài khách sảnh uống trà đàm đạo.

Nghe người này cứ gọi mãi mình uống trà, trong dạ đã sinh nghi, thì ra sự nghi ngờ của sư thái đã đúng sự thật, chẳng qua Tuyết Sơn Thần Nữ muốn lợi dụng tình thế để dùng thuốc độc mà thôi.

Tịnh Tâm sư thái nói :

- Xin thần nữ hãy trả tam vị sư huynh về với tự do, rồi sẽ uống trà đàm đạo cũng không muộn.

Thấy vị lão ni này cứ giằng co mãi Tuyết Sơn Thần Nữ cáu tiết nói :

- Muốn tam vị sư huynh của ni cô được về với tự do, trước hết ni cô phải thắng tôi ba đòn trước đã...

Thấy đối phương đã chánh thức khiêu chiến, Tịnh Tâm sư thái buông giọng cười gằn :

- Vậy thì tình thế bất đắc dĩ, Tịnh Tâm lão ni này xin lãnh giáo Tuyết Sơn Thần Nữ vài đường.

Tuyết Sơn Thần Nữ nói :

- Vậy xin lão ni hãy tuốt binh khí ra.

Tịnh Tâm sư thái trả lời :

- A di đà Phật, kẻ xuất gia không quen dùng võ khí!

Tuyết Sơn Thần Nữ là một người đã thành danh nơi đất bắc, chẳng lẽ đi đối phó với người xuất gia bằng binh khí.

Nghe Tịnh Tâm sư thái mở lời như thế, Tuyết Sơn Thần Nữ nạt nên một tiếng thanh tao lảnh lót, đoạn giấy động thân hình, lướt tới tấn công, đòn thứ nhất mở màn chiến cuộc là thế Thủ Huy Tì Bà.

Năm ngón tay của Tuyết Sơn Thần Nữ quét ra chênh chếch, như một người thiếu nữ ôm cây đàn tỳ bà mà gẩy. Bộ điệu của bà ta tuy thanh tao nhưng kỳ trung chứa ngầm hai ba sát thủ kèm theo sau, thế võ thật là cay độc.

Tịnh Tâm sư thái không nói không rằng, chờ cho hai bàn tay của Tuyết Sơn Thần Nữ chỉ còn cách thân hình của mình chừng năm tấc, hai chân của bà ta thình lình dấy động, trong một cái nháy mắt mà đổi ngay ba cái cung bộ.

Những cung bộ mà bà sử dụng thật vô cùng khôn khéo, Tuyết Sơn Thần Nữ được trông thấy đây là lần đầu tiên.

Nhờ thân hình xê dịch một cách nhanh chóng, nên Tịnh Tâm sư thái an nhiên thoát khỏi vòng kềm tảo, để rồi vung bàn tay tả ra điểm vào huyệt Khuyết Bồn trên vai của đối thủ.

Tuyết Sơn Thần Nữ trông thấy đối phương chỉ bước ra vài ba cung bộ là đã tránh thoát được đòn của mình, trong lòng càng thêm kinh dị.

Thân hình của Tuyết Sơn Thần Nữ phải lách sang cánh tả một bước mới giấu được huyệt Khuyết Bồn.

Liền theo đó, bà ta tức tốc biến đòn Thủ Huy Tỳ Bà ra thành Song Giao Đoạt Ngọc, thò nhanh hai ngón tay cái và áp út ra xỉa mạnh vào cặp mắt của Tịnh Tâm sư thái.

Sư thái cười nhạt, nói :

- Đối phó với người xuất gia, hà tất phải dùng đòn cay nghiệt như vậy thế?

Tuyết Sơn Thần Nữ chỉ trả lời bằng một tiếng cười lạnh nhạt, rồi hai bàn tay của bà ta liên tiếp tung ra vô số thế võ lạ, làm cho Tịnh Tâm sư thái cũng phải kiêng dè.

Trong chớp mắt, hai người đã trao đổi cùng nhau hơn ba mươi hiệp, trận chiến càng lúc càng sôi động thêm lên.

Giữa lúc Tuyết Sơn Thần Nữ cùng với Tịnh Tâm sư thái đang triển khai một trận đấu kinh hoàng, thì cặp Phật Anh và Phật Minh đang lần về phía phòng riêng của Hồng Long Nữ, và Trì Phật Minh cũng đang cùng với Hồng Long Nữ quần nhau kịch liệt.

Đây nói về Hồng Long Nữ đã dùng liên tiếp năm thế võ vô cùng hóc hiểm, mà chẳng làm cho đối phương phải núng thế.

Nàng chưa biết hai thiếu nữ này từ đâu đến, mà võ công lại lạ lùng biến ảo như vậy, thêm vào đó có một nàng đang kề sát vào tai của Tâm Đăng nói nho nhỏ, ra chiều thân mật lắm.

Thái độ của hai người này, làm cho Hồng Long Nữ càng thêm căm tức, phàm hễ con người luyện võ, hoặc đang chiến đấu với đối phương, điều đại kỵ là trong lòng lo ra, hễ lo ra là tất phân tâm thì mười phần công lực thì chỉ sử dụng được bảy tám phần mà thôi.

Trì Phật Minh một mặt tấn công đối thủ, một mặt cứ trông chừng cặp mắt của Hồng Long Nữ, thấy nàng ta cứ thỉnh thoảng lại liếc mắt trông sang phía Trì Phật Anh, nàng hiểu ngay người này đang bận lo ra.

Chộp lấy thời cơ, Trì Phật Minh liên tiếp tung ra ba thế liên hoàn kỳ ảo...

Ba thế võ này trồng bề ngoài có vẻ hùng hổ chứ thực ra là ba hư thế, cốt để dồn đối phương vào một ngõ bí mà thôi.

Tâm Đăng mỉm cười nói với Trì Phật Anh :

- Phật Minh cô nương sắp thắng trận...

Câu nói của chàng chưa dứt thì bị cắt ngang bởi một tiếng thét thanh thao của Phật Minh...

Phật Anh cùng với Tâm Đăng thảy đều giật mình ngẩng đầu nhìn lên, thấy bóng gươm của Phật Minh bây giờ nổi lên loang loáng, đầu gươm của nàng chiếu ra tua tủa đâm vào huyệt Phân Thủy của đối phương...

Còn Hồng Long Nữ thì mặt mày tái mét, thối lui liên tục vì từ khi xáp chiến với người này đến giờ, đường gươm này lợi hại và lạ lùng nhất.

Thì ra đây là một thế võ nhưng bao gồm năm miếng liên tiếp nhau vô cùng chặt chẽ, ba thế võ đầu liên tiếp dồn ép và chặn nghẹt hết thảy những lối thoát của đối phương, đoạn dùng thế võ thứ tư để uy hiếp nặng nề huyệt Phân Thủy...

Và đòn cuối cùng, đòn thứ năm mới là đòn quyết định, giữa lúc thanh trường kiếm của Phật Minh chỉ còn cách huyệt đạo chừng hai tấc, bỗng thình lình đường gươm tắt phụt...

Và Phật Minh đến giờ phút này mới tận dụng hết tài bộ khinh công của nàng, nhanh như chớp, nàng dùng hai mũi võ hài của nàng vẽ nhanh vào mặt đất hai vòng...

Hai vòng tròn đó đưa thân hình của nàng bắn vụt ra phía sau lưng đối phương, và bằng một thủ pháp cực kỳ điêu luyện, Phật Minh vươn bàn tay ra vỗ mạnh một cái vào huyệt Thần Đường của Hồng Long Nữ...

Một tiếng rú thất thần vang lên và thân hình của Hồng Long Nữ tức khắc mềm nhũn người ra, ngã sóng soài trên mặt đất.

Không bỏ lỡ một giây phút nào cả, Phật Minh trờ tới thêm một bước, bế xốc lấy thân hình của nàng, Phật Minh vắt gọn Hồng Long Nữ lên vai nói nhanh :

- Tỷ tỷ hãy ở lại đây trông chừng cho nhị vị, tôi đi lấy thuốc giải đây.

Nói dứt lời, thân hình của nàng tức khắc xuyên qua cửa sổ, mang Hồng Long Nữ trở ra phía trước.

Phía trước kia là chỗ phòng riêng của Tuyết Sơn Thần Nữ, và khi Phật Minh vác Hồng Long Nữ vừa đến trước cửa phòng thì bên trong Tịnh Tâm sư thái và Tuyết Sơn Thần Nữ đã trao đổi cùng nhau trên trăm hiệp.

Tịnh Tâm sư thái là một vị đắc đạo lão ni, tuy lâm trận nhưng tâm thần vẫn ung dung hòa nhã, không hề tỏ vẻ gấp rút.

Vì trước khi vào phòng giao chiến với Tuyết Sơn Thần Nữ, bà ta đã có dặn trước nên trong lòng yên ổn lắm.

Một trăm hiệp trôi qua một cách nặng nề kinh khiếp, Tuyết Sơn Thần Nữ không ngờ vị lão ni này lại có công lực cao thâm đến thế, còn Tịnh Tâm sư thái cũng không ngờ Tuyết Sơn Thần Nữ lại có thể kháng cự với mình trên trăm hiệp mà chưa tỏ vẻ nao núng.

Chính vào giữa lúc cả hai người đều muốn thay đổi phương pháp tấn công, dùng tuyệt kỹ của mình để kết thúc trận chiến, thì từ bên ngoài bỗng có một người vượt qua khỏi thành cửa sổ nhảy vào nhẹ nhàng như một cánh hoa rơi.

Người này vừa rơi vào giữa phòng thì Tuyết Sơn Thần Nữ tức khắc rú lên một tiếng, vì lẽ cặp mắt sắc sảo của bà ta đã bắt gặp Hồng Long Nữ đang nằm gọn trên vai của người này.

Lời tục thường nói hễ phân tâm tức loạn, Tuyết Sơn Thần Nữ vừa lo ra một chút, Tịnh Tâm sư thái liên tiếp tung ra hai đòn, dồn bà vào ngay ngõ hiểm.

Trong khi đó bên tai của bà ta bỗng vang lên mấy tiếng :

- Thần nữ, xin hãy dừng tay lại...

Tịnh Tâm sư thái nghe tiếng thét của Phật Minh, biết nàng ắt đã chiếm ưu thế, nên không chờ cho đối phương dừng tay, tức tốc thối lui.

Hai tay cao thủ vừa giải tỏa hết áp lực cho nhau mà lui ra thì Phật Minh tức khắc rút ngay thanh gươm lóng lánh của mình, vắt ngang qua cần cổ của Hồng Long Nữ, thét :

- Thuốc giải đâu, mau trao ra đây, bằng không chớ trách ta vô tình...

Lúc bấy giờ, Hồng Long Nữ đã bị điểm huyệt nằm ngay đơ, không cục cựa, nàng chỉ giương cặp mắt lờ đờ nhìn mẹ mình một cách như van lơn cầu khẩn.

Tuyết Sơn Thần Nữ chớp nhanh cặp mắt, trong trí của bà ta đang nghĩ nhanh mấy vấn đề, bà định xuất kỳ bất ý công kỳ vô bị làm cho đối phương trở tay chẳng kịp, ngõ hầu cứu thoát Hồng Long Nữ ra khỏi hiểm cảnh.

Nào hay đâu chỉ một chút chần chờ của bà, Phật Minh đã nổi giận gắt :

- Mi đừng hòng dùng kế hoãn binh, ta đếm nội trong ba tiếng, mi chẳng đưa thuốc giải ra thì chứ trách sao ta chẳng dung tình.

Dứt lời, nàng trợn mắt đếm rõ từng tiếng một :

- Một... hai...

Chỉ đếm được hai tiếng thì Tuyết Sơn Thần Nữ đã kêu lên :

- Khoan... Thuốc giải đây...

Dứt lời thò tay vào túi móc ra một lọ thuốc đưa ngay vào giữa mặt của Trì Phật Minh.

Lúc bấy giờ Trì Phật Minh một tay gác lấy Hồng Long Nữ, một tay thì cầm bảo kiếm, thấy Tuyết Sơn Thần Nữ đưa thuốc giải cho mình, tay chân luống cuống chưa biết phải dùng tay nào để đón lấy thuốc giải.

Chính vào lúc Phật Minh đang bàng hoàng bất quyết thì Tuyết Sơn Thần Nữ đã phóng tới thêm một bước nữa, và cũng chính vào lúc đó thì có tiếng thét của Tịnh Tâm sư thái vang lên :

- Phật Minh coi chừng!

Chữ “chừng” nói ra chưa trọn thì thân hình của Tuyết Sơn Thần Nữ tức khắc dấy động, và Phật Minh nghe thấy nơi yếu huyệt Tâm Điền của mình áp lực gia tăng lên dữ dội.

Thì ra Tuyết Sơn Thần Nữ đã thừa cơ hội Phật Minh đang bàng hoàng bất quyết, thình lình xuất thủ.

Công lực của bà ta mạnh mẽ biết dường nào, tay trái của bà tung ra một chưởng, ém ngay vào huyệt Tâm Điền, tay hữu lại thò ra như cánh tay một con vượn chộp phắt vào thân hình của Hồng Long Nữ.

Nhưng Tịnh Tâm sư thái nào chịu để cho bà ta đắc kỳ sở nguyện, ban nãy bà thoáng trông qua bộ đứng của Tuyết Sơn Thần Nữ tức khắc hiểu rằng bên trong có điều man trá.

Nên Tịnh Tâm sư thái vội vàng thét bảo Phật Minh để ý, một mặt dấy động thân hình ra tay can thiệp.

Đại huyệt Tâm Điềm nằm giữa tim của Phật Minh vừa bị khống chế, nàng tức khắc nín hơi đề khí, dưới chân của nàng vẽ nhanh hai vòng cốt để lẩn trốn.

Tài bộ của Tuyết Sơn Thần Nữ vốn cao hơn Trì Phật Minh một bậc nhưng hiềm vì Khuyên Khuyên Thần Bộ của Phật Minh quá ư lanh lẹn, nàng chỉ vẽ có hai vòng thì đã thoát ra khỏi tầm áp lực của đối phương.

Nhưng Tuyết Sơn Thần Nữ nào phải một bậc tầm thường, vừa thấy con mồi đã lọt vào trong tay của mình, bây giờ lại sắp sửa mất đi, dưới chân của bà ta chỉ nhón nhẹ một cái thì tức tốc đuổi kịp Phật Minh...

Và lần thứ hai này Tuyết Sơn Thần Nữ tức tốc tung ra một tuyệt kỹ là Du Thiên Hoán Nhật, đây là một thế võ chuyên dùng để đớp lấy một món đồ vật trên vai của đối phương, mỗi khi sử dụng thế võ này thật là bá phát bá trúng, mỗi khi sử dụng đều đắc kỳ sở nguyện.

Nào hay đâu khi bàn tay của bà ta chỉ còn cách thân hình của Hồng Long Nữ chỉ trong năm tấc mà thôi thì sau lưng của bà ta gió dậy vì vèo, hữu chưởng của Tịnh Tâm sư thái đã tới.

Tuyết Sơn Thần Nữ thình lình cảm thấy huyệt Phong Trì sau ót của mình bị một luồng áp lực vô biên xỉa xói vào.

Phong Trì là một đại huyệt thuộc bộ phận đầu não của mình, Tuyết Sơn Thần Nữ nào dám bỏ qua, tình thế bắt buộc bà ta phải thu tay đình bộ, nhờ thế mà thân hình của Hồng Long Nữ vẫn nằm trên vai của Phật Minh.

Và chỉ có một chút chở ngại đó thì Trì Phật Minh đã tiếp tục vẽ ra ba chiếc vòng tròn, và nhanh như một ánh sao sa, Phật Minh đã kịp thối lui trốn sau lưng của Tịnh Tâm sư thái.

Tịnh Tâm sư thái thấy người này chẳng kể quy luật trong võ lâm, nói ra mà còn nuốt lời, bà ta quắc mắt uy nghiêm nhìn Tuyết Sơn Thần Nữ ra chiều trách móc.

Nào hay bà ta chưa kịp có thái độ chi phản ứng, thì Phật Minh đã nghiến răng kèn kẹt, thét :

- Thần Nữ là một vị tôn sư, nói mà chẳng nhớ lời, chớ trách kẻ ngu dốt tại sao chẳng nương tay.

Dứt lời, ướm nhẹ lưỡi gươm vào vai của Hồng Long Nữ, nàng này nãy giờ bị điểm huyệt, thân thể tuy cứng đơ ra, nhưng mồm vẫn có thể nói chuyện.

Lưỡi gươm vào vai, một tia máu dào tức khắc bắn vọt ra, làm cho nàng rú lên một tiếng bi thảm.

Nhưng tiếng rú của nàng bị cắt đứt bởi một tiếng quát của Tuyết Sơn Thần Nữ :

- Khoan!

Tiếng “khoan” của bà ta vừa dứt, thì một lọ thuốc bắn vèo vào giữa mắt của Tịnh Tâm sư thái, bà ta tức khắc bắt lấy.

Vừa định trao cho Phật Minh, nhưng nàng đã gắt gỏng :

- Rượu mời không uống, thích uống rượu phạt, hãy chờ ta giải thuốc cho tam vị sư bá đã...

Nói dứt lời, lặng lẽ trao Hồng Long Nữ cho Tịnh Tâm sư thái, đoạn nhận lấy lọ thuốc.

Hồng Long Nữ đã nằm trong tay của Tịnh Tâm sư thái, thì sự nguy hiểm lại tăng thêm một bội, vì lẽ chân tay của Sư thái phải nhanh nhẹn hơn Phật Minh nhiều.

Tuyết Sơn Thần Nữ còn đang lo lắng, bỗng nghe Tịnh Tâm sư thái nói :

- Mau đưa chúng ta tới gặp chư vị sư huynh, thời gian gấp rút, chúng ta không thể chần chờ nữa.

Tuyết Sơn Thần Nữ phen nầy không dám do dự tìm kế hoãn binh nữa, vội quay lại thét :

- Bây đâu, mau đưa chư vị đại sư ra đây!

Có tiếng dạ vâng, và trong chớp mắt, có bốn tên tráng đinh từ bên trong chầm chậm bước ra, cứ hai tên tráng đinh thì đỡ lấy một nhà sư mặc áo nâu.

Phật Minh bước nhanh tới mặt hai người, mở ngay lọ thuốc, trao cho mỗi người một viên...

Không chờ cho thuốc giải kịp hiệu nghiệm, Phật Minh tức khắc bước ra khỏi phòng, đi nhanh về phía Tâm Đăng.

Chừng độ tàn một nén hương, thì Phật Anh và Phật Minh cùng với Tuệ Thiên thiền sư quay trở lại chỗ mọi người đang tụ họp.

Lúc bấy giờ, thuốc giải cũng làm cho Tuệ Minh và Tuệ Tinh khôi phục lại sức khỏe, vừa thấy Tuệ Thiên và Tâm Đăng xuất hiện yên lành, Tuệ Minh phương trượng vội truyền cho Phật Minh giải huyệt cho Hồng Long Nữ.

Ông ta chấp tay nói với Thần Nữ rằng :

- A di đà Phâ?, cõi hồng trần thật nhiều chông gai nghiệp chướng, chúng ta không thù không oán, hà tất phải kết oán cùng nhau, từ đây xin đổi thù ra bạn, đổi gươm đao ra thành gấm vóc, chúng tôi xin bái biệt về núi, kính chúc Thần Nữ ở lại an khang...

Hai mẹ con Thần nữ thảy đều sa nước mắt, đưa đoàn người ra khỏi cửa sơn động, nhưng cặp mắt của Hồng Long Nữ vẫn không rời Tâm Đăng nửa bước, trong dạ nàng cảm thấy bâng khuâng chua xót, dường như mất đi một vật chi quí báu nhất trần gian...

Hình ảnh của đoàn người trong Thiếu Lâm tự lần lần khuất sau dẫy núi xanh mờ mịt, mà Hồng Long Nữ vẫn còn đứng thẩn thờ như người mất vía...

Chợt nàng giật mình sực tỉnh, vì tai nàng vang lên một câu :

- Long nhi, con chớ đau lòng, việc này mẹ sẽ hết sức chu toàn cho con...

Nàng bàng hoàng quay lại, đôi má ửng hồng, e thẹn nói chẳng ra lời, trong trí của nàng chỉ quay cuồng hình ảnh con gái giống nhau như hai giọt nước.

Trong lúc đó thì Trì Phật Minh và Trì Phật Anh cùng đoàn người kia mải miết trên con đường thiên lý...

Không hẹn mà lên, trong trí của hai nàng thiếu nữ này vẫn cứ quay cuồng hình ảnh của người thiếu nữ có nhan sắc tuyệt trần là Hồng Long Nữ.

Đoàn người mải miết nhằm phương nam trực chỉ, qua ngày hôm sau chỉ còn cách Thiếu Thất sơn chừng một trăm dặm.

Vừa đến một con đường rẽ, Tịnh Tâm sư thái dừng chân lại bái biệt chư huynh đệ cùng với Phật Minh và Phật Anh về chùa.

Thiếu Lâm tam lão cũng bái biệt Tịnh Tâm sư thái tại đây...

Tâm Đăng nghe thấy từ trong Thiếu Lâm tự văng vẳng đưa ra những tiếng chuông chùa trầm lặng.

Tiếng chuông thong thả ngân nga, hòa lẫn trong những giọng kinh lúc trầm lúc bổng, khi khoan khi nhặt, làm cho thần trí của Tâm Đăng lâng lâng nhẹ nhàng như thoát tục, bao nhiêu lo lắng bao nhiêu buồn phiền trong chuyến đi này, đến đây là hết sạch.

Trong đoàn người mới về đây, ngoài Tâm Đăng ra, ai nghe thấy nhịp chuông và tiếng kinh vang lên, trong lòng thảy đều kinh tâm hồi hộp.

Vì lễ Thiếu Lâm tam lão là những bậc kỳ lão trông chùa, nên biết rõ qui lệ, mỗi khi có những giọng chuông trầm trầm giọng kinh bi tráng như vậy, tức là có một vị cao tăng nào đang lâm trọng bệnh, vì vậy mà không ai bảo ai, cả ba người đồng cất bước nhanh về phía trước...

Tâm Đăng thấy vậy cũng vội vã nối gót theo sau, còn cách cửa chùa chừng mười trượng, từ bên trong tức khắc cả mấy vị đồng đạo bước ra.

Những người này vừa trông thấy Thiếu Lâm tam lão cùng Tâm Đăng trở về, trên gương mặt đăm chiêu lo lắng bỗng hiện lên những nét cười tươi.

Họ bước nhanh tới làm lễ ra mắt Tuệ Minh phương trượng, đoạn kể lại phụ chỉ vài câu, Tâm Đăng trông thấy mặt mày của Tuệ Minh phương trượng liền khác sắc.

Còn đang kinh dị thì ông ta quay đầu lại, hối thúc Tâm Đăng đi nhanh vào chùa.

Mọi người vào đến Đại Hùng bảo điện trông thấy trước khoảng sân rộng có hơn hai trăm vị cao tăng bầy giữ thấy toàn mặc sắc phục theo đại lệ, đang quỳ lạy và khấn vái.

Bầu không khí nơi Đại Hùng bảo điện lúc bấy giờ thật là nghiêm trang cổ kính, ngoài tiếng kinh trầm bổng hòa lẫn với tiếng chuông thong thả ngân nga không còn tiếng xì xào nào nữa.

Đoàn người cứ lặng lẽ đi qua Đại Hùng bảo điện, Tâm Đăng hỏi khẽ Tuệ Thiện thiền sư, mới biết rõ nguyên nhân.

Thì ra, kể từ khi Tâm Đăng cùng với Thiếu Lâm tam lão lên đường đi tìm Linh Chi Thần Thảo, thì chứng bịnh của cựu Phương trượng là Độ Phàm đại sư bỗng nhiên trở nặng.

Vì lẽ thời tiết càng thêm giá lạnh, bởi lúc bấy giờ thời tiết đã vào giữa thu, đồng thời sức lực của Độ Phàm lão phương trượng cũng đã kiệt, chống không lại với thời tiết nên khí lực càng lúc càng mòn mỏi.

Mãi đến ngày hôm nay, chứng bịnh càng thêm nguy kịch, đoàn người của Tâm Đăng lại đi biền biệt chẳng thấy về.

Chư vị cao tăng thảy đều kinh sợ, nên mới tụng kinh cầu nguyện.

Trong lúc mọi người đang lo lắng, thì chợt có tin báo Thiếu Lâm tam lão đã trở về Tuệ Thiện thiền sư thối lui đoàn người đi nhanh vào phòng riêng Độ Phàm lão phương trượng tức tốc cấp cứu.

Bộ pháp của những người này dù thư thả, nhưng thực ra vô cùng nhanh nhẹn, không mấy chốc mọi thảy đều bước vào phòng riêng của Độ Phàm.

Tâm Đăng trông thấy cảnh tượng thảm não hồi mấy tháng trước lại hiện ra trước mắt chàng.

Nét mặt của Độ Phàm răn reo, bây giờ càng răn reo hơn, màu da của ông ta càng xanh xao hơn, cặp mắt hoàn toàn mất hết nhãn thần, hơi thở của ông ta mỏng như một đường tơ.

Nhanh nhẹn Tuệ Thiện thò tay lên vai của Tâm Đăng, gỡ chiếc bị có đựng Linh chi thần thảo xuống, ông ta truyền lệnh cho Tâm Đăng phải nhai kỹ hết chỗ thuốc mà chàng tìm được.

Thì ra Linh Chi Thần Thảo là một loại thuốc mộc thảo quí báu, khi uống không thể dùng những loại giao cẩu thuyền tán ra, mà phải nhờ miệng của một người con trai còn thật đồng trinh, nhai nhỏ ra và ướm cho người bệnh, thì mới sinh ra hiệu nghiệm.

Tuệ Minh nghe Tuệ Thiện bảo Tâm Đăng nhai thuốc, ông ta có vẻ không tin, Tuệ Thiện nhìn thấy sắc mặt của Tuệ Minh tỏ vẻ nghi ngờ, liền khoác tay qua vai của Tâm Đăng xé nhanh một đường.

Bàn tay của ông ta vừa đi qua thì chiếc áo của Tâm Đăng bị rách ngang vai, Tuệ Thiện chỉ vào huyệt Khuyết Bồn trên vai của Tâm Đăng, thấy nơi đây có một vết đỏ hồng to bằng miệng chén tổng.

Thì ra vết đỏ đó là một phù hiệu chứng minh người đàn ông còn đồng trinh nguyên vẹn.

Thấy sắc mặt của Tuệ Minh tỏ vẻ vui mừng, Tâm Đăng liền nhai ngấy nghiến lấy chỗ Linh Chi Thần Thảo, thuốc vừa tan trong miệng của chàng, tức khắc có một mùi thơm bát ngát xông lên tận óc.

Tuệ Minh phương trượng nói :

- Con thật là tam sinh hữu hạnh mới có dịp mớm thuốc cho Phương trượng...

Tâm Đăng không hiểu rõ thâm ý của câu nói đó, chàng có biết đâu loại thuốc này, không cần phải uống vào trong ruột, chỉ cần nhai ngấu nghiến ngoài miệng như vậy cũng đủ hưởng sự lợi ích vô biên.

Khi một làn hương thơm xông lên óc chàng, thì Tâm Đăng cũng cảm thấy vô cùng khoan khoái, thần trí phi thường tỉnh táo bao nhiêu sự nhọc mệt trong chuyến đi này, nhờ làn hương thơm đó rũ sạch.

Trong nháy mắt, mảnh cánh Linh Chi Thần Thảo nát tận trong cổ họng của Tâm Đăng, Tuệ Thiện thiền sư mới ra lệnh cho Tâm Đăng mớm thuốc cho lão Phương trượng, cặp mắt của Độ Phàm lúc bấy giờ đã mất hết sự tinh anh, nhưng mà dòng thuốc thánh kia từ trong miệng của Tâm Đăng từ từ chuyển sang cơ thể của ông ta, thì nhãn thần từ từ hồi sinh.

Tâm Đăng liếc nhìn xuống giữa ngực của lão Phương trượng thấy vết tay Đại Thủ Ấn nằm giữa ngực bây giờ biến sắc.

Chàng lấy làm kính phục cho món thuốc quá ư linh nghiệm bằng không cớ sao những người trong Võ Lâm lại ước ao thèm muốn như vậy.

Bây giờ vào khoảng giờ dậu, Độ Phàm phương trượng uống hết Linh chi thần thảo xong liền nằm im thin thít, chỉ có đường thở của ông ta từ từ mạnh mẽ, đem đến cho cả Thiếu Lâm tự một niềm vui không thể tả.

Suốt đêm hôm ấy, tiếng chuông từ trong Đại Hùng bảo điện vẫn vang lên không ngớt, đèn đuốc sáng ngời, chư vị tăng nhân cả chùa thảy đều không thể nào yên giấc, Bởi vì trong thâm tâm của họ thảy đều chứa đựng một liềm vui sướng vô biên, mười mấy năm nay, kể từ ngày Phương trượng ngọa bệnh đến nay, trong lòng mọi người như có một chiếc bóng đen bao trùm, thì đây là một sự kiện đối với Thiếu Lâm tự thật vô cùng nhục nhã.

Mãi đến tờ mờ sáng hôm sau, bệnh tình của Phương trượng đã thấy có nhiều khởi sắc, màu đen của vết Đại Thủ Ấn giữa ngực Phương trượng bây giờ đã ngả sang màu hồng nhạt.

Và bắt bầu từ giờ mẹo trở đi, thì tất cả năm vị trong Thiếu Lâm ngũ lão đồng thay phiên nhau đỡ Độ Phàm phương trượng ngồi theo thế thập định tham thiền, tiếp sức nội lực, làm cho bệnh trạng của Phương trượng hồi phục vô cùng nhanh chóng.

Qua đến ba ngày hôm sau, thì bệnh tình của Độ Phàm phương trượng khởi sắc thật nhiều...

Những tiếng kinh trong Thiếu Lâm tự vẫn còn vang vang không dứt, Tâm Đăng nghe thấy trong giọng kinh và trong tiếng chuông lanh lảnh vang ra, chỉ một niềm vui vô tận.

Vết thương Đại Thủ Ấn trên ngực của Độ Phàm phương trượng đến ngày sáng thứ tư thì hoàn toàn tan biến hẳn, Độ Phàm bắt đầu cử động và ăn uống được như thường lệ.

Cho đến ngày thứ bẩy, thì sắc mặt của ông ta hoàn toàn khôi phục lại hồng hào.

Tiếp kiến chư vị Thiếu Lâm trưởng lão, được biết phen này ông ta sở dĩ lành bệnh, phần chính là nhờ Tâm Đăng dấn thân vào một nơi phi thường lạnh lẽo, tìm món thần dược cho ông ta.

Bây giờ tinh thần tỉnh táo, Độ Phàm phương trượng cho gọi Tâm Đăng vào diện kiến, trong buổi ra mắt Độ Phàm phương trượng, ông này trông thấy Tâm Đăng có một cốt cách phi phàm và nền võ học uyên thâm.

Lại được biết Tâm Đăng được ưu tiên luyện Tàm Tang khẩu quyết, ông ta lấy làm mừng rỡ cho rằng quyết định này của Thiếu Lâm ngũ lão là một quyết định vô cùng sáng suốt.

Nghĩ đến mình mười mấy năm về trước, cũng vì Tàm Tang khẩu quyết mà bị thọ thương, suýt nữa phải vong mạng.

Bây giờ bảo vật của Thiếu Lâm lại trở về với Thiếu Lâm, và pho sách quí báu này đang được một người trẻ tuổi mà thông minh sáng suốt hết lòng rèn luyện.

Trong dạ ông ta lấy làm mừng rỡ, truyền lệnh cho Tâm Đăng đêm đêm vào phòng riêng của ông ta, để ông ta đích thân chỉ dậy những thế võ cao siêu huyền diệu, xuất xứ từ nơi Phật học trong quyển Tam Tàng.

Hơn nửa tháng trời, Tâm Đăng đã quanh quẩn bên cạnh Độ Phàm phương trượng để nghe ông ta luận kinh và dạy võ, đôi bên lấy làm tâm đắc lắm.

Càng nghiên cứu chừng nào, Tâm Đăng càng thấy những thế võ trong Tàm Tang khẩu quyết quả thật uyên bác, mỗi một đường võ đều bao hàm lòng vị tha bác ái, từ bi hỉ xả của đức Phật chí tôn, chứ không phải những sát thủ đẫm máu như thường tình.

Càng nghiền ngẫm chừng nào, trong lòng của Tâm Đăng càng nổi lên tấm lòng sùng kính, có nhiều khi chàng vì mê man mà bỏ ăn bỏ ngủ.

Vào một đêm kia, Tâm Đăng ngồi ở bên phòng kề cạnh với gian phòng của Độ Phàm phương trượng, dưới ánh lửa bập bùng, Tâm Đăng đang miệt mài đọc những trang sách trong Tàm Tang khẩu quyết.

Vì quá say mê, nên vô tình Tâm Đăng đã hoàn toàn quên hẳn bản thân mình, và quên hẳn hoàn cảnh trong hiện tại.

Lúc bấy giờ vào khoảng canh ba, vì dùng trí óc quá độ, nên thình lình Tâm Đăng nghe thấy mình mắt hoa đầu váng, tim đập rộn ràng.

Chàng vội vàng ngửa mặt lên trời hít một hơi thật dài dưỡng khi, rồi từ từ nhắm mắt để dưỡng thần.

Đang lúc tâm tư bình tĩnh, bỗng thoáng bên tai chàng nghe có tiếng gió dậy vì vèo, ngọn nến để trên bàn chao đi như sắp tắt....

Và quyển sách vang danh làng võ, là Tàm Tang khẩu quyết kia, bấy giờ chỉ để cách trước mắt chàng chừng năm tấc, vậy mà nó bị luồng gió mạnh lạnh lùng kia thổi tới, và cuốn đi mất hút bên ngoài cửa sổ.

Việc xảy ra thật là đột ngột, mặc dù Tâm Đăng ứng biến thần tốc, thò tay ra chụp không vào không khí, để thu quyển sách trở về nhưng không tài nào thu được.

Tâm Đăng mặt mày biến sắc, không ngờ quyển sách có dính liền đến việc hưng suy của Thiếu Lâm tự, bây giờ lại đột ngột mất đi trong tay mình, vậy thì tội này lớn đương bao.

Ý nghĩ chưa trọn, thì Tâm Đăng nhún nhẹ hai gót chân để rồi bắn vọt ra ngoài khung cửa, đuổi theo quyển sách mất tích một cách lạ lùng kia.

Chưa ra khỏi cửa, thì chàng hiểu người lấy sách này là một tay cao thủ tuyệt vời, nên chàng vội cất tiếng hô to :

- Chẳng biết cao nhân nào trêu bần đạo như thế?

Khi thân hình của chàng đuổi theo lên mái, thì phát giác bên ngoài mười trượng, dưới bóng nguyệt mông lung huyền ảo, có một chiếc bóng người nhằm hướng đông bắc chạy tới như bay.

Tâm Đăng bàng hoàng tức tối :

- Nếu không trả quyển sách, ta thề quyết chẳng đội trời chung.

Chiếc bóng đen trước mắt chàng bỗng buông ra một tiếng cười lạng lùng đanh ác, nói rằng :

- Ai có công tìm kiếm, ai có tài lấy được, thì quyển sách này thuộc về họ, hà tất nói dài dòng.

Tâm Đăng tức tối, cơ hồ nghẹt thở, chàng thét lên một tiếng rồi cất bước đuổi theo rất gắt, giữa khoảng đêm khuya thanh vắng, tiếng thét của Tâm Đăng làm kinh động hai người từ phía dưới kia có hai chiếc bóng mặc sắc phục Thiếu Lâm trồi lên đầu tường rồi đuổi theo tức tốc.

Tâm Đăng vừa đuổi theo vừa quát :

- Nhị vị quay trở lại, coi chừng điệu hổ ly sơn.

Câu nói của Tâm Đăng làm cho hai người đang đuổi theo sực tỉnh cơn mê quay trở lại.

Thì ra hai người đó chính là hai vị tăng nhận chuyên việc canh chùa, ban nãy hai người đang vận dụng phi hành đi qua lại trên mái, bỗng nghe tiếng thét của Tâm Đăng vội vàng đuổi theo.

Đây nói về Tâm Đăng vẫn cứ mải miết đuổi theo người trước mặt mình.

Không bao lâu, thấy phía trước hiện ra một tòa thành nho nhỏ, thì ra đó là một thị trấn gần Thất Sơn.

Lúc bấy giờ, trong thành im lìm lặng lẽ, chỉ có những ánh đèn khuya mờ nhạt rọi ra, tiếng trống canh trên đầu thành thong thả điểm lên bốn tiếng.

Tâm Đăng giật mình thầm nghĩ :

- Không xong trong thành nhà cửa san sát, nếu tên này ẩn vào một ngôi nhà nào đó, thì thật rắc rối cho ta.

Phép khinh công của người đi phía trước thật là đáng sợ Tâm Đăng đuổi mãi mà không sao đuổi kịp.

Lúc bấy giờ đã quen với bóng tối, Tâm Đăng trông thây lờ mờ người đi phía trước, tức khắc rủ hai ống áo, để rồi bay vụt lên đầu thành như một con đại bàng.

Trong chớp mắt, người ấy đã đứng trên đầu tường nhìn xuống, cười vào giữa mặt của Tâm Đăng một nụ cười lạnh nhạt, sắc mặt vô cùng kinh bỉ.

Tâm Đăng mồ hôi ra ướt áo cũng vội vàng trổ thuật khinh công bay vụt lên đầu thành, nhưng khi thân hình của chàng vừa đến giữa chừng thì người kia liền quay lưng đi mất.

Đến khi Tâm Đăng đứng vững hai chân, thì ba bên bốn bể im phăng phắc, cả một thị trấn đang thiêm thiếp giấc ngủ, chỉ có vài ba tiếng chó sủa văng vẳng đưa ra mà thôi.

Tâm Đăng đứng trên đầu thành, thở dài một hơi não ruột đoạn tay ngưng xuống, lần mò đi vào một đường phố mà dân cư đông đảo.

Nào hay đâu chỉ đi được năm mươi trượng, chợt thấy trong một con đường hẻm, có một lão già đầu tóc bạc đi ra, lão này đi ngang mặt Tâm Đăng, cười nhạt nói :

- Thằng nhỏ này muốn đuổi theo ta, còn phải trở về học khinh công thêm năm mươi năm nữa.

Dứt lời thì thân hình của lão già này lại biến mất trong một khoảng đường phố tối tăm u ám.

Tâm Đăng vội vàng nhón chân đuổi theo, nhưng chỉ đuổi được năm mươi trượng thì lão già này lại xuất hiện, cười đanh ác nói một câu phi thường đắc ý :

- Mi quả thật muốn đuổi theo ta?

Thì ra lão này là một tay giang hồ đại đạo, trong khoảng bốn mươi năm về trước đã gây ra một mối thù vô cùng sâu đậm với Thiếu Lâm tự.

Do đó, Tâm Đăng nghe ông ta nói tiếp rằng :

- Bốn mươi năm về trước, ta còn thiếu Thiếu Lâm tự một gươm chưa trả, mối thù này ta tạc dạ ghi xương, ngày hôm nay lấy đạo của Thiếu Lâm mới thú vị làm sao.

Tâm Đăng nghe qua bàng hoàng ngơ ngác, chàng có biết đâu bốn mươi năm về trước lão già này là một tay giang hồ đại tặc, mà lại mất đi một chân, người đời tặng cho biệt hiệu Độc Cước Long.

Hắn ta tính tình hung tợn, tạo ra không biết bao nhiêu vụ án, giết người vô số kể.

Nhưng võ công của lão ta lại quá cao, một số người tự hào là cao thủ võ lâm, thảy đều không dám chường mặt ra đấu chiến.

Lúc bấy giờ, gặp một dịp Tuệ Minh thiền sư có việc đi ngang qua đó, nghe người Thiếu Lâm tự kể lại trong lòng nổi giận, liền xách kiếm đến tận sào huyệt mà tìm tên ma đầu này.

Hai người này chiến đầu với nhau hơn năm trăm hiệp, Tuệ Minh thiền sư lúc bấy giờ đã là một bậc kỳ hiệp của phái võ lâm, phải mất đi năm sáu trăm hiệp mới thắng Độc Cước Long một đòn.

Độc Cước Long bị Tuệ Minh đâm phải một đòn nhằm bả vai, rất tiếc ông ta không có cơ hội để bồi thêm một kiếm mà trừ mới hại cho lương dân, nên ngày nay mới gieo hại.

Kể từ ngày hôm ấy trở đi Độc Cước Long mai danh ẩn tích trong giang hồ bốn mươi năm không hề chường mặt.

Hồi đó, là một người thanh niên trai tráng, mà bây giờ đã trở lên một lão già tóc bạc đầu râu.

Vì thù hằn Thiếu Lâm tự, nên ông ta sẽ lén theo dõi từ lâu, tình cờ bắt gặp Tâm Đăng mấy hôm nay đang ôm quyển Tàm Tang khẩu quyết mà nghiền ngẫm.

Ông ta mới xuất kỳ bất ý, dùng một món võ công đặc biệt của ông sau khi nghiền ngẫm mấy năm trời là Bích Linh chưởng.

Ông ta dùng đòn Bích Linh chưởng để hút mấy quyển sách ra ngoài cửa sổ, làm cho Tâm Đăng phải kinh hoàng đuổi theo.

Lúc bấy giờ hai người mặt đấu mặt, Tâm Đăng vòng tay làm lễ, dịu dàng hỏi rằng :

- Lão trượng thật là có nhã hứng, nhằm lúc đêm khuya thanh vắng mà thưởng nguyệt...

Bởi vì Tâm Đăng trông thấy lão già này mặt mày hung ác, nhưng trong tay lại cầm thanh gậy, còn tay kia thì lại thò vào lòng không trả lời chàng. Nên lời nói của Tâm Đăng nghẹn lại, bất chợt lão già này bỗng thình lình thối lui hai bộ, quắc mắt nói rằng :

- Thằng khốn kiếp, mi...

Độc Cước Long vào bốn mươi năm về trước đã trao đổi cùng Tuệ Minh thiền sư năm trăm hiệp mà chỉ thua có một đòn, thì đủ biết tài bộ đến mức nào.

Trong một cái chớp mắt, ông ta liền vươn mình trở tới, thò hai ngón tay ra bắt ngang Uyển mạch của Tâm Đăng.

Tâm Đăng nghe hơi gió biết rằng người này tung ra độc, vội vàng hai chân dấy động đẩy người về nửa vòng để trốn đòn.

Cái chộp của Độc Cước Long thật là nhanh như một tia chớp, nhưng mà lại cách cườm tay của của Tâm Đăng chỉ một đường tơ...

Vốn đã vào môn phái Thiếu Lâm, nên môn Cầm Nã Thủ của chàng thật là nhanh không bút mực nào tả nổi.

Vừa tránh khỏi một đòn Tâm Đăng tức khắc tung ra một Tiểu Cầm Nã Thủ bắt lấy cườm tay của lão già kia.

Nào hay đâu, khi bàn tay của chàng vừa tiếp xúc với đối phương thì nghe một luồng nội lực kinh khiếp truyền sang.

Tâm Đăng e ngại bên trong có điều man trá nên không dám tiếp tục tiếp xúc nội lực với người này nữa, chàng vội vàng thu tay trở về để rồi thay cung đổi bộ tiếp tục tấn công, trong chớp mắt, trên con đường phố vắng, hai người đã trao đổi cùng nhau hơn mười hiệp, thảy đều là sát thủ.

Vừa chiến đấu Tâm Đăng vừa nói :

- Tham, Sân, Si là ba điều đại giới của kẻ xuất gia, chúng tôi chẳng muốn tham lam cố giữ lấy Tàm Tang khẩu quyết, nhưng hiềm vì đây là một báu vật trấn tự của bản phái, không thể rơi vào tay người ngoài, xin lão trượng hãy dẹp bỏ lòng tham, trả quyển sách này cho chúng tôi thì thật là vạn hạnh.

Lão già cười đanh ác hỏi :

- Tiểu hòa thượng có biết ta là ai hay chăng đã?

Tâm Đăng nghe hỏi giật mình, vì lẽ nào lão già tuy đang đấu chiến mà vẫn ung dung nói chuyện nhàn nhã, chứng tỏ rằng công lực không thua kém mình bao nhiêu.

Vội trả lời rằng :

- Dám xin lão trượng chỉ giáo cho biết để ngày sau ta còn có dịp gặp lại nhau.

Lão già cười ha hả trả lời :

- Nếu đêm nay mi còn sống sót, hãy trở về hỏi lại Tuệ Minh xem, có biết Độc Cước Long là ai chăng?

Tâm Đăng trong lòng mơ hồ bất quyết, vì hồi nào tới giờ chưa từng nghe danh hiệu này, nhưng cứ theo công lực mà suy, thì đây chắc chắn là một bậc võ lâm tiền bối.

Nhưng tại sao chàng chẳng nghe danh? Còn đang hồ nghi bất quyết, thì Độc Cước Long bỗng thình lình trở tới nhanh như một đường tên...

Sau khi được nghe cái hỗn danh Độc Cước Long, Tâm Đăng mới bắt đầu để ý, quả thật thấy người này chỉ cử động có một chân mà thôi.

Hèn chi mà thanh gậy trong tay của hắn nãy giờ chẳng lìa khỏi tay, hắn chuyên dùng một thanh gậy để chọi dưới đất thay cho một chân để xê dịch.

Tuy dùng gậy để thay cho chân, nhưng mà hắn xê dịch một cách phi thường nhanh chóng, nếu hắn chẳng xưng danh hiệu thì Tâm Đăng khó bề phát giác, chàng nghĩ :

- Nếu người này tay chân lành lặn, thì không biết cử động sẽ nhanh đến mức nào?

Ý nghĩa chỉ vừa thoáng hiện, thì thân hình của hắn đã trờ tới sát trước mặt chàng rồi.

Tâm Đăng không nói không rằng, chân phải bước ra nửa bước để rồi chân tả rút nhanh về phía sau hai bước, dùng tiến làm thối, cái thối nhanh không thể tả.

Sau khi chàng đã biết đối phương chỉ còn một chân, mặc dầu trong lòng thán phục người này có tại xê dịch nhanh chóng, nhưng trong lòng đồng thời nảy sanh một ý định, chàng nghĩ :

- Một người khi đã tay chân không đầy đủ, còn dù có tài hay đến đâu đi chăng nửa, quyết không bằng người có tứ chi đầy đủ toàn vẹn. Nay ta nhất quyết lợi dụng chỗ khuyết điểm của mi mà xuống tay, chỉ cầu làm sao lấy cho được quyển sách trấn tự kia, rồi sẽ phóng sinh cho hắn.

Vì có ý nghĩ như vậy, nên Tâm Đăng vừa đành cầm chừng vừa để ý đến bộ pháp của đối phương, ngỏ hầu chờ cơ hội để hạ thủ.

Thế mười hiệp nữa trôi qua, bất thình lình Tâm Đăng thét lên một tiếng vang lừng, rồi thân hình của chàng đâm sầm vào thẳng trung cung của Độc Cước Long một đòn kinh dị.

Trong tình cảnh này, Độc Cước Long không bao giờ ngờ Tâm Đăng dám dùng một đòn liều lĩnh.

Vì chỉ dùng có một chân để xê dịch nên bất thình lình bị Tâm Đăng dùng một đòn bạo, hắn kinh hoàng thối lui một cách khó khăn, thanh gậy trong tay hắn liên tiếp chạm mười mấy cái trên mặt đất mới thoát được đòn cay.

Nhưng Tâm Đăng nào chịu bỏ qua cơ hội, chàng lại tiếp tục thét lên một tiếng vang rền, dấy động thân hình tiếp tục xử một đòn Trực Nhập Long Môn.

Đây cũng là một đòn lấy cái lẹ, cái nhanh để lấn át đối phương, ý của chàng định lợi dụng triệt để chỗ yếu của đối phương, ngỏ hầu dồn Độc Cước Long vào chỗ bí.

Đòn Trực Nhập Long Môn, dùng hai bàn tay trao đổi với nhau theo thế liên hoàn, chưởng này chưa dứt, thì tiếp tục đến chưởng kia, liên miên bất tuyệt.

Trong khi đó thì hai chân của chàng cứ tiếp tục thay phiên nhau mà lướt tới, như không bao giờ dứt.

Nhờ tay chân của chàng phối hợp với nhau vô cùng chặt chẽ, nên đòn này chưa dứt thì đòn kia đã tới, thật như bão vũ, như cuồng phong.

Dùng thế võ đó, Tâm Đăng quả thật hoàn toàn chiếm hẳn ưu thế, nhưng nào hay đâu chính trong lúc thế công của chàng đang ào ào tràn tới, bỗng vang lên một câu nói vô cùng quen thuộc :

- Là một kẻ xuất gia, con chớ lên lợi dụng chỗ bất tiện của người mà bắt chẹt...

Tâm Đăng vừa nghe nói, trong lòng vừa thẹn vừa vui.

Thẹn vì chàng mang danh là người xuất gia từ thủa nhỏ mà tâm tánh vẫn chưa luyện được đến mức cao siêu tuyệt diệu, lại thừa lúc đối phương của chàng bị mất đi một chân mà dùng thế võ lạ lùng này mà uy hiếp.

Vui là vui trong lúc mình chiến đấu với tay cường thù đại địch, chưa biết thắng bại thế nào thì cứu tinh đã đến, mà vị cứu tinh này Tâm Đăng tin tưởng mười phần sẽ đánh bại được Độc Cước Long như chơi.

Vì người ấy chẳng phải ai xa lạ mà là Độ Phàm phương trượng vậy.

Thì ra khi Tâm Đăng mất sách, chàng kinh hoàng kêu lên, chỗ Tâm Đăng đang nằm chỉ cách phòng riêng của Phương trượng chỉ có một tấm vách mà thôi, với công lực của Độ Phàm sau khi đã uống Linh Chi Thần Thảo, bây giờ đã hoàn toàn khôi phục, thì lẽ tất nhiên phát giác ngay ra tiếng kêu của Tâm Đăng, ông thảy đều trông thấy, nhưng mà chẳng xuất đầu lộ diện, chỉ vì ông thấy chiến cuộc chưa biết thắng bại về ai.

Bây giờ ông thấy Tâm Đăng dùng một thế liều lĩnh như thế, biết rằng chiến cuộc lại bước sang một giai đoạn mới, liền ứng tiếng để can thiệp.

Quả thật không ngoài sự ước đoán của Độ Phàm phương trượng thế võ của Tâm Đăng chỉ có nửa chừng, nghĩa là tất cả trong thế võ này gồm mười tám đá liên hoàn, nhưng chỉ dùng đá thứ chín, thì liền cảm thấy tình thế có lợi cho mình.

Bởi vì khi chàng bắt đầu dùng thế võ này, thì Độc Cước Long liên tiếp thối lui mãi, nhưng lạ lùng thay tuy hắn thối lui, nhưng những thế đá hòa lẫn trong những thế điểm huyệt của Tâm Đăng chẳng hề hấn gì ông ta cả.

Nào hay đâu, thế đá thứ mười chỉ tung ra một nửa, thì bàn tay tả của Tâm Đăng đang điểm một ngón nhanh thần tốc vào huyệt Khuyết Bồn trên vai của ông ta, bỗng thình lình nghe như một gọng kìm sắt thép bắt ngang qua Uyển Mạch của mình, trong khi đó thì tiếng nói của Độ Phàm vang lên trong sương sớm.

Tâm Đăng bạt hồn vía, kể từ ngày chàng đặt bước đến Trung Nguyên đến bây giờ, chưa bao giờ có một đối thủ nào bắt được tay chàng như lão già đầu râu tóc bạc này.

Ba ngón tay của Độc Cước Long vừa bắt ngang qua cườm tay của Tâm Đăng thì tức khắc có một làn nội lực kinh khiếp tràn sang cơ thể, làm cho tứ chi của chàng rũ rượi.

Trong lòng càng thêm kinh sợ, Tâm Đăng vội vàng chuyển vận hết nội lực ra mới có thể kháng cự với hắn một cách cầm đồng ngang ngửa.

Thì ra Độc Cước Long là một con cáo già trong làng võ, sau bốn mươi năm nằm một chỗ để nghiền ngẫm võ công, biết rằng sau khi mình tái xuất giang hồ, thế nào đối phương cũng lợi dụng chỗ nhược của mình chỉ còn một chân mà triệt để lợi dụng để tấn công.

Vì vậy ông ta sẵn sàng sáng chế ra nhiều thế võ cay độc để lừa cho đối phương lọt vào tròng...

Tâm Đăng mặc dầu tài nghệ cao siêu, nhưng vốn tuổi nhỏ làm sao hiểu thấu đến mưu sâu kế dài của đại gian đại ác, vì vậy mà lọt vào cạm bẫy của ông ta.

Tài nghệ của Độc Cước Long ngày hôm nay giá có đấu chiến với Tuệ Minh thì chắc Tuệ Minh cũng khó lòng đối địch, vì sau bốn mươi năm cách biệt quả thật tài nghệ của hắn đã tiến bộ quá nhiều.

Tâm Đăng nghe thấy trong cơ thể ông ta tràn sang cơ thể mình một luồng nội lực liên miên bất tuyệt, bắt buộc mình phải liên tiếp vận nội công chống lại, nên mặc dù chàng định mở lời nói chuyện với Độ Phàm phương trượng, nhưng không sao cất tiếng nói chuyện cho được.

Biết tình trạng này kéo dài sẽ bất lợi cho Tâm Đăng, Độ Phàm phương trượng liền lên tiếng can thiệp :

- Lâm Cảnh Chân, lời Phật có nói: lấy oán báo oán, oán chập chồng, lấy đức trả oán, oán nọ tiêu tan... Việc cũ bốn mươi năm có thể quên... hà tất phải bới lại đống tro tàn...

Tâm Đăng nghe thấy Độc Cước Long vừa nghe qua ba tiếng Lâm Cảnh Chân, bất giác toàn thân rung động...

Nào bỏ qua cơ hội nghìn vàng, Tâm Đăng vội vàng thừa lúc tâm trạng của đối phương đang phân vân, thình lình nạt lên một tiếng, toát hết toàn chân khí ra đối địch.

Thế là trong một cái nháy mắt Tâm Đăng đã dùng ngay một thế Diều Thoát Hồng Trần bàn tay của chàng khoát ra một cái nhanh như điện, thế là vượt ngay khỏi vòng kềm hãm của Độc Cước Long.

Vừa được trở lại với tự do, Tâm Đăng sửa soạn dùng ngay một đòn Đại Cầm Nã Thủ quyết ăn miếng trả miếng kềm chế ngược lại đối phương.

Nào hay đâu, chàng chưa kịp xuống tay, chợt bên tai chàng vang lên một câu nói văng vẳng :

- Lấy oán trả oán, oán oán chập chồng, lấy đức trả oán, oán nọ tiêu tan...

Là một người xuất gia từ thuở nhỏ, câu nói trên là một câu nói nằm lòng, nên Độ Phàm phương trượng chỉ nói ra hai tiếng, thì Tâm Đăng đã hiểu trọn câu.

Vì vậy mà thế võ của Tâm Đăng chỉ dợm tung ra có một phần mười thì ngừng lại...

Trong đầu chàng chợt hiện ra một ý nghĩ :

- Bây giờ ta phải tìm cách để trả cho người này một đức, để làm cho oán nọ được tiêu tan...

Ý nghĩ này chưa trọn thì Độc Cước Long đã dấy động thân hình tấn công chàng bằng hai ngón trỏ một cách phi thường ác liệt vào giữa hai mắt...

Thì ra Độc Cước Long này, tên tộc của hắn chình là Lâm Cảnh Chân, cái tên này phi thường người hiểu thấy đáo đến đời tư của hắn không thể nào biết được.

Trong lúc bấy giờ, hắn bị Độ Phàm phương trượng gọi ngay tên tộc mình, nên giật mình kinh dị, không ngờ vị Thiếu Lâm cao tăng này lại thấu đáo đời tư của mình đến thế.

Và đối thủ của hắn là Tâm Đăng đã kịp lợi dùng thời cơ tự tay tháo cũi sổ lồng cho mình.

Đây nói về hai ngón tay của Độc Cước Long đâm thẳng vào hai mắt của Tâm Đăng một cách thần tốc.

Đã bị người này kiềm chế một lần, Tâm Đăng không dám tháo thử nữa, bất thình lình chàng ngửa mặt lên trời, thái độ thản nhiên như một người ngửa mặt nhìn trăng...

Bộ điệu của chàng thật là thư thả, nhưng tốc độ lại nhanh kinh hồn. Hai ngón tay vốn điểm vào giữa mặt, nhưng vì chàng ngẩng mặt nhìn lên trở thành điểm vào giữa miệng.

Động tác của chàng vô cùng nhanh nhẹn, trong một cái chớp mắt đã há miệng ra cắn chặt hai ngón tay của đối phương...

Vì trong lòng đã sinh ra thảng thốt, không biết Độ Phàm phương trượng vì sao biết được tên tộc của mình, nên vô tình lòng của hắn phân tâm, và hai hàm răng của Tâm Đăng khép chặt lại...

Độc Cước Long nghe thấy từ trong hàm của Tâm Đăng toát ra hai luồng nội lực thật vô cùng mạnh bạo, truyền sang hai ngón tay của mình, làm cho cả một cánh tay rủ riệt ra như không còn xương cốt.

Cũng trong lúc ấy, thì bất thình lình, Tâm Đăng cất một chân, tung ra một đá như mây bay ra như gió...

Kể từ ngày vào đất Trung Nguyên đến nay, Tâm Đăng chưa bao giờ dùng đến thế đá một cách mạnh bạo như thế này.

Độ Phàm phương trượng đứng bên ngoài cũng phải giật mình kêu lại :

- A di đà Phật, chúng ta là người xuất gia...

Trong lúc đó, thì mũi vô hài của Tâm Đăng xé gió đi vì vèo vào yếu huyệt Đan Điền của Độc Cước Long...

Đan Điền là một trong huyệt của những người luyện võ, chỉ chạm sơ qua cũng đủ tàng mạng, chứ đứng nói chi phải bị một tay võ lâm cao thủ như Tâm Đăng đá phải.

Lúc bấy giờ, cả một cánh tay của Độc Cước Long bị Tâm Đăng kiềm chế bằng hai hàm răng, muốn dùng hai tay để đỡ đòn, thật là một điều hết sức khó khăn.

Thêm vào đó Độc Cước Long chỉ có một chân, muốn xê dịch chớp nhoáng để tránh đòn là một điều nan giải.

Bây giờ hắn chỉ còn cách dùng thanh gậy trên tay để đỡ đòn mà thôi.

Điều quan hệ nầy, Độ Phàm phương trượng là một người bàng quan nên trông rõ lắm, ông ta e Tâm Đăng có điều chi sơ suất, nên vội cất tiếng nhắc chừng...

Nhưng cặp môi của ông ta chỉ hé lên, thì ngọn roi trong tay của lão già Độc Cước Long thình lình trút đầu trở xuống,, đánh vào huyệt Ngũ Nhân trên mặt của Tâm Đăng...

Nào hay đâu, Tâm Đăng chỉ đợi có bấy nhiêu đó, vì trước khi sử dụng đòn nầy, cũng đã suy nghĩ đến thanh gậy trên tay của đối thủ.

Chờ cho đầu gậy còn cách huyệt Ngũ Nhân của mình chừng hai tấc, thì bàn chân của chàng dường như là một chiếc thuyền có bánh lái vậy... nhanh như cắt, bàn chân nầy bẻ lại trút đầu trở xuống, tấn công thần tốc vào huyệt Trung Cực dưới Đan Điền chừng ba tấc...

Nơi đó là chỗ hội hiệp tất cả nguồn nội lực của người luyện võ, nếu bị điểm phải, tất phế hết võ công.

Độ Phàm phương trượng tắc lưỡi cau mày, không ngờ Tâm Đăng là một người xuất gia mà lại dùng một đòn độc ác đến thế.

Câu nói nhắc chừng Tâm Đăng ban nãy, giờ đây Độ Phàm định đổi ra thành câu khuyên nhủ, không cho Tâm Đăng dùng thế võ độc ác như thế.

Nào hay đâu, mũi võ hài của Tâm Đăng chỉ gạt nhẹ qua huyệt Trung cực của đối phương trong một cái nháy mắt, rồi thu phắt trở về, làm cho Độ Phàm phương trượng thở phào một cách nhẹ nhõm.

Cũng trong lúc đó, Tâm Đăng tức khắc há miệng ra, và Độc Cước Long cũng thở phào một hơi khoan khoái, dường như một người trút được một gánh nặng nghìn cân.

Độc Cước Long tức khắc dùng một đòn Vân Thủy Thoái Trào bắn lui năm bước...

Bước thứ năm của hắn vừa đứng vững thì lại nghe Độ Phàm phương trượng nói :

- A di đà Phật, xin thí chủ hãy đổi thù ra bạn, đổi gươm đao thành gấm vóc, chẳng tốt đẹp cho đôi bên đó ư?

Thì ra Độ Phàm phương trượng thấy Tâm Đăng chỉ chỉ gọt nhẹ mũi võ hài qua yếu huyệt của đối phương mà không tung ra nội lực, bằng không Tâm Đăng chỉ dùng sức thêm một chút thì sẽ lấy mạng lão già này như chơi.

Như vậy rõ là chàng đã thực hiện câu lấy đức báo oán, Độ Phàm muốn thừa cơ hội này giải thích cho Độc Cước Long hiểu rõ, ngõ hầu làm tiêu tan thù oán giữa đôi bên.

Nhưng bản tính của người này vốn là một tên đại gian đại ác, lại tích trữ oán cừu trong mấy mươi năm, vài ba câu triết lý của Độ Phàm phương trượng làm sao đưa nổi hắn ta ra khỏi bến mê.

Lão ta nhe răng ra cười đanh ác, nói rằng :

- Muốn cho ta quên điều oán hận, trừ phi nào nước Hoàng Hà chảy ngược về tây...


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...