Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 31: Mẹ con đấu chưởng


Chương trước Chương tiếp

Bàn tay của Tâm Đăng vù vù đi tới, chiếu thẳng vào giữa hậu tâm của Vân Cô.

Nhưng bằng một thân pháp dị kỳ, Vân Cô đã uốn mình tránh thoát, thân hình của bà ta đảo nhanh một vòng cực kỳ ngoạn mục, bàn tay trắng muốt của bà thò lên cao, từ trên đánh ép xuống một đòn Ngũ Chỉ Khảm Mai...

Tâm Đăng nghe thấy trên đầu mình gió dậy rào rào, có năm luồng gió mạnh thốc thẳng vào Thiên Linh Cái, thế võ thật là ác độc!

Tâm Đăng chưa kịp định tĩnh tinh thần thì năm ngón tay của Vân Cô đã ép xuống, thế tựa nghìn cân, khá khen cho Tâm Đăng giữa cơn thịnh nộ vẫn kịp thời ứng biến, nhưng chàng không đủ tỉnh táo để phân biệt người đối thủ với mình là ai.

Quát lên một tiếng vang lừng, chờ cho năm ngón tay của Vân Cô còn cách đỉnh đầu mình chừng hai tấc, nhanh như chớp chành đánh thốc từ dưới lên một đòn Tiếp Giá Lai Trì, năm ngón tay của chàng cũng xòe ra mà chọi lại với năm ngón tay của Vân Cô.

Giữa cơn mưa gió tơi bời, hai người đồng cảm thấy dường như trước mặt mình có một bức tường ngăn cách, không thể nào làm cho mình tiến tới thêm được một phân một ly!

Tâm Đăng nghe thấy nội lực của Vân Cô càng lúc càng gia tăng mãnh liệt, không biết đâu là bến là bờ...

Mưa vẫn bay...

Gió vẫn cuốn...

Lưng trời sấm sét nổ liên miên bất tận...

Mồ hôi trán của Tâm Đăng vã ra hoàn lẫn với những giọt nước mưa tầm tã trên đôi má, biết mình không thể thắng được Vân Cô bằng nội lực, chộp lấy một cơ hội, có một tiếng sấm nổ lên long trời, Tâm Đăng kịp thời tung một ngọn cước Phi Sơn chiếu thẳng vào huyệt Hoàn Khiêu của Vân Cô.

Ngọn cước đó bắt buộc đối phương phải đổi cung thay bộ, lợi dụng một chút trở ngại đó, Tâm Đăng thu nội lực trở về bắn lùi một trượng.

Chàng định mở miệng phân trần, nào ngờ Vân Cô đuổi theo sát như bóng với hình, tiếp tục tung ra một đòn lẫm liệt, bắt buộc Tâm Đăng phải tiếp tục chống trả chứ không tài nào trốn tránh được.

Và khi hai người giao chiến với nhau thì những thế võ của Vân Cô nối tiếp nhau mà đổ ra liên hồi bất tận, Tâm Đăng chưa kịp gỡ xong đòn này thì đòn khác đã tràn tới, hai bàn tay của bà ta dệt thành một màng lưới nhốt chặt Tâm Đăng vào giữa, thật là một lối đánh cầm chân quái dị.

Trong tình thế đó, bắt buộc chàng phải sử dụng hết những thế võ chàng đã học được suốt mười mấy năm nay.

Thoạt tiên chàng thừa cơ trổ một thế Thanh Trúc Biên Trì, một thế võ độc đáo nhất trong đường Cô Trúc chưởng.

Miếng Thanh Trúc Biên Trì vừa trổ ra, là Vân Cô kêu lên một tiếng kinh ngạc, bà ta hỏi :

- Thằng già Cô Trúc là chi của mi?

Tâm Đăng không kịp trả lời, bất thình lình vòng sang cánh tả, dang hai cánh tay ra theo hai ngõ lạ lùng bí hiểm, tấn công một loạt trong cái thế Lưỡng Trúc Tầm Mai...

Đây là một thế võ chuyên tấn công vào hai bên hông đối thủ, hai cánh tay của chàng chập chờn như một chiếc càng cua khổng lồ chực kẹp vào hông của đối thủ.

Những tưởng Vân Cô sẽ thối lui để trốn tránh, nào ngờ bà ta thét lên một tiếng, trờ tới thêm hai bước nữa...

Hai bước đó đã đưa thân hình của bà ta lọt vào cái “càng cua” của Tâm Đăng.

Tâm Đăng giật mình đánh thót, không ngờ Vân Cô lại táo bạo và liều lĩnh đến thế, vừa xáp lá cà nhập nội là Vân Cô trổ một đòn Vân Hoành Tần Lĩnh... Thế võ của Vân Cô cực kỳ mạnh bạo và nhanh nhẹn, đi sau mà tới trước, làm cho Tâm Đăng lập tức lọt vào cái thế thụ động, bạt vía kinh hồn, Tâm Đăng vội vàng sử liên tiếp mấy thế Thất Tinh Liên Hoàn bộ để thoát ra ngoài vòng chiến...

May nhờ khinh công của chàng đã luyện tới mức tinh vi nên mới tránh được đòn Vân Hoành Tần Lĩnh trong đường tơ kẽ tóc...

Những tưởng rằng Vân Cô sẽ ngơi tay, nào ngờ bà ta cất lên tiếng hú não nùng bi thảm, rồi bám sát theo Tâm Đăng mà tấn công dữ dội...

Tình thế bắt buộc, Tâm Đăng không thể không dùng hết sức lực của mình để chống trả, biết rằng chỉ sơ sót một chút cũng đủ làm cho mình mất mạng, chàng lập tức sử dụng đường Cô Trúc chưởng ra ứng chiến.

Vân Cô thình lình cảm thấy thân hình của Tâm Đăng biến hóa ra thiên hình vạn trạng, hai bàn tay của Tâm Đăng như muôn muôn nghìn nghìn chiếc lá tre bay lả tả trong cơn gió lộng, hoàn toàn tấn công vào những huyệt quan trọng khắp toàn thân...

Càng chiến đấu chừng nào, trong lòng Vân Cô càng thêm chua xót, bà ta có cảm giác người đang đấu với mình đây chính là Cô Trúc, một người mà tiếng tăm vang danh trong làng võ hồi hai mươi năm về trước, đã cùng với vợ chồng mình cất bước lên đường vào xứ Tây Tạng tìm Tàm Tang khẩu quyết.

Bên ngoài, mưa càng to chừng nào, gió càng lớn chừng nào thì máu nóng của Vân Cô càng sôi sục chừng ấy, bà ta cảm thấy mình phải tìm một tay đối thủ để phát tiết nỗi bực tức trong lòng mình ra, vì vậy mà bao nhiêu sức lực thảy đều dồn hết vào hai cánh tay, chống trả tưng bừng với đường võ lừng danh Cô Trúc chưởng.

Tâm Đăng toát mồ hôi lạnh, chàng thật không ngờ mẹ của mình công lực lại uyên thâm đến thế, những tưởng rằng đường võ Cô Trúc chưởng là một môn võ học vô địch trong thiên hạ, nào ngờ khi chạm trán với Vân Cô, thì chàng cảm thấy rằng những thế võ mà Vân Cô sử dụng ở đây, cái chỗ mầu nhiệm của nó cầm đồng ngang ngửa với Cô Trúc chưởng.

Chỉ một chút lo ra, thì Tâm Đăng bị đưa vào một tình thế cực kỳ khốn đốn, áp lực của Vân Cô càng lúc càng gia tăng mãnh liệt, mặc dầu dưới cơn mưa tầm tã, Tâm Đăng cũng cảm thấy mình mồ hôi toát ra đầm đìa.

Hai bàn tay của Vân Cô giăng mắc bốn phương, chập chờn bốn hướng, chỉ chờ có một cơ hội là đưa Tâm Đăng vào chỗ chết.

Bao nhiêu thế võ mà Tâm Đăng học được của Cô Trúc thảy đều thi thố hết ra để cứu lấy mạng mình, thỉnh thoảng chàng lại tung ra một thế võ của Vạn Giao, rồi thỉnh thoảng lại thêm vào một thế võ của Khúc Tinh, nhờ đó mà gắng gượng chống trả thêm hai mươi hiệp nữa.

Tâm Đăng biết càng kéo dài trận chiến chừng nào càng bất lợi chừng ấy, nên chờ có một cơ hội thuận tiện là lập tức thoát thân...

Thì cơ hội đó đã đến, thừa lúc một tiếng sét long trời nổi lên, Tâm Đăng vội vàng trổ một thế Thám Trảo Mã lòn qua hông bên trái của Vân Cô, để rồi tống một chưởng xéo xéo vào hậu tâm của bà.

Tình thế bắt buộc Vân Cô phải xoay lưng lại để tránh khỏi thế võ lạ lùng, Tâm Đăng chỉ chờ có thế, thấy thân hình của bà ta vừa xê dịch là Tâm Đăng lập tức trờ tới liên tiếp tung ra ba chưởng liên hoàn, không để cho Vân Cô có đủ thời gian ngơi nghỉ...

Ba chưởng liên hoàn này là ba thế võ mãnh liệt nhất của Tâm Đăng, vì vậy mà đẩy lui được Vân Cô trôi về phía sau, cặp mắt của chàng vẫn dán chặt vào Vân Cô chờ xem động tĩnh.

Vừa thấy Vân Cô lại cất mình đuổi theo, Tâm Đăng liền vung tay hữu ra như một người ném ám khí.

Quả thật... Cử chỉ giả tạo của chàng làm cho Vân Cô giật mình mà dừng bước, chỉ một chút cản trở đó, là thân hình của Tâm Đăng đã đi ngược về sau thêm năm trượng nữa và nhanh như một cơn gió lốc, Tâm Đăng lập tức lẫn vào màn mưa mất dạng...

Vân Cô cuống cuồng, đâm đầu đuổi theo thêm một chặng đường là mất dấu Tâm Đăng, bà ta dừng chân đứng giữa trời mưa gió gào lên ầm ĩ, nước mắt quanh tròng...

* * * * *

So qua một trận, Tâm Đăng lấy làm kinh sợ cho công lực của Vân Cô, nên vừa thoát khỏi là chàng lập tức trổ khinh công chạy như bay như biến...

Vượt sang một khu rừng rậm rạp, trước mắt chàng hiện ra một dãy nhà, bất thình lình từ sau mái nhà nhô ra một bóng người. Tâm Đăng cả sợ vội vàng rạp mình trốn tránh, chợt nghe trong gian nhà đá có một tiếng hú dài cất lên...

Giữa đêm mưa gió tơi bời, nghe tiếng hú thật làm cho người nhát gan phải rùng mình rỡn óc...

Tâm Đăng vừa thu hình và bụi rậm, nhìn kỹ thấy bóng người vừa xuất hiện đó là Tần Trường Sơn, hắn đang chạy nhanh về hướng đông nam.

Còn đang lấy làm lạ, thì một bóng người thứ hai lại xuất hiện, như một chim đại bàng chớp cánh, người ấy đuổi theo Tần Trường Sơn bằng một tốc độ kinh hồn...

Cứ theo đó mà suy thì người thứ hai chính là Trác Đặc Ba vậy, Tâm Đăng nghĩ :

- Bọn họ từ trong dãy nhà này đi ra, chắc bên trong có điều chi bí ẩn, sẵn dịp này ta vào xem cho biết...

Nghĩ đoạn, chàng dùng một thế Tang Ứng Mật Thực để bay vù lên mái.

Chính vào lúc bàn chân của chàng vừa chạm vào mái ngói, thì một tiếng “sầm” vang động nổi lên, hai bàn chân của chàng chới với vào khoảng không, để rồi thân hình rơi xuống...

Chỗ Tâm Đăng lọt vào là một gian phòng bằng đá, tứ bề tối om om ngửa bàn tay không trông thấy.

Tâm Đăng biết mình lọt vào chỗ khốn đốn, nên vội vàng ngồi xếp bằng để tập trung nhãn lực của mình.

Độ chừng tàn nén hương, thì Tâm Đăng đã làm xong thành công việc điều khí, vội vàng mở bừng mắt dậy, chàng thấy bốn bề toàn là vách đá trơn tru, trên tường loáng thoáng có những chấm đen nằm rải rác.

Chính giữa phòng có một chiếc bàn con, trên đó có để một bàn cờ và rất nhiều con cờ nằm ngổn ngang, ngoài ra không còn trần thiết vật gì khác nữa.

Tâm Đăng là một người trầm tĩnh nhưng bất giác hãi kinh, vì rằng chàng thấy bốn bề kín đáo, không có một kẽ hở, thò tay ra vỗ thử trên vách thấy cứng rắn như sắt thép, càng làm cho chàng thêm lo âu.

Để hết tâm thần tìm lối ra mà không có một chỗ nào có thể căn cứ. Tâm Đăng ngồi lâu suy nghĩ, giây lâu trong trí của chú vụt nảy ra một ý nghĩ, hay là những chấm đen trên tường đó ngầm chứa một điều chi bí ẩn.

Nghĩ đoạn, chú dùng một thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn nhảy lên sờ mó từng chấm đen, rốt cuộc chú cũng chẳng nghe điều chi lạ, duy chỉ có điều chú đếm tất cả là một trăm mười một chấm.

Những chấm đen này nằm rải rác vô trật tự, điều này gợi chú nhớ đến khi xưa chú học môn Phi Châm Tú Chưởng với Khúc Tinh, vội vàng mang ra nghiền ngẫm, nhưng suy đi nghĩ lại vẫn chưa tìm ra manh mối.

Bực tức, chàng đứng dậy và vô tình làm đổ bàn cờ, những quân cờ rơi loảng xoảng dưới đất gợi lên cho chú một ý nghĩ, hay là những quân cờ này có dính líu tới những chấm đen kia, đếm thử, chàng mừng rỡ vì rằng những quân cờ đó tổng số cũng là như những chấm đen kia.

Chàng chộp lấy một quân cờ, nhắm vào một chấm đen trên tận cùng phía hữu ném vù lên, bất ngờ sau cái ném trên tường có tiếng sè sè vang lên.

Và trước mặt chàng bỗng lộ ra một cái lỗ to tròn bằng hai đầu người, Tâm Đăng nửa mừng nửa sợ không biết là phúc hay là họa đây?

Nhìn vào bên trong, Tâm Đăng thoáng thấy một vật xanh rờn hiện lên rồi tắt hẳn, chú không biết vật đó là vật chi, định nhóng cổ nhìn vào chợt từ trong lỗ tròn đó túa ra một làn khói đen tanh nồng nặc...

Tâm Đăng vừa định nín thở thì làn hơi độc đã đã xâm nhập vào cơ thể và chàng ngã ra hôn mê bất tỉnh...

Chính vào lúc hơi thở của Tâm Đăng bắt đầu thoi thóp, xem trên trần nhà có tiếng rầm rầm vang động, trần nhà bằng đá lộ ra một lỗ tròn, mưa gió bên ngoài lập tức tạt vào.

Và một chiếc bóng mờ từ bên trên nhảy xuống nhanh hơn một cơn gió lốc, chiếc bóng này lướt đến gần Tâm Đăng, ôm chàng vào lòng rồi bay vù trở lên bằng một tốc độ kinh hồn...

Chính vào lúc chiếc bóng đen này bay ra khỏi lỗ hổng thì một tiếng sầm kinh rợn vang lên, gian nhà bằng đá khép kín lại.

Và trong cơn mưa gió tơi bời, chiếc bóng đen đó kẹp chặt lấy Tâm Đăng phi hành vùn vụt, thoát khỏi ngôi nhà chứa đầy bí mật của Trác Đặc Ba!

* * * * *

Khi Tâm Đăng giật mình tỉnh giấc thì phát giác ra mình đang nằm trong gian phòng của Đa Nhĩ Mẫu Cung, bên giường ngồi hai lão già đó là Cô Trúc và Khúc Tinh.

Chàng trỗi dậy kêu lên :

- Sư phụ...

Cô Trúc ấn chàng nằm xuống, bảo rằng :

- Con trúng độc rất nặng, phải nằm yên nghỉ...

Tâm Đăng hỏi gấp rút :

- Ai đã cứu con về đây?

- Đó là... Sư tổ của mi.

Tâm Đăng rú lên một tiếng thất thanh :

- Trời...

Thì ra sư tổ của Tâm Đăng ở đây là thầy của Cô Trúc mà chàng thường nghe sư phụ mình nhắc nhở.

Tên của sư tổ là Tiêu Lộ Tây, vốn là một tay giang hồ quái kiệt, tiếng tăm lừng lẫy, nhưng hiềm vì tính quái đản, rày đây mai đó, trôi nổi bềnh bồng, không biết đâu là nhà, ông ta thường cười mà nói với thiên hạ rằng :

- Tứ hải vi gia (Bốn bể là nhà)!

Tâm Đăng nói :

- Vậy thì sư tổ đã có mặt tại hồ Tuấn Mã.

Tâm Đăng lại tường thuật những điều trông thấy trong ngôi nhà đá, và Cô Trúc cùng Khúc Tinh đều cho rằng những vật sáng hiện lên trong lỗ nhỏ mà Tâm Đăng nhìn thấy, có lẽ là tín vật của Lư Ẩu, Lục Cốt châm đó.

Câu chuyện của Tâm Đăng vừa dứt, bên ngoài có tiếng gõ cửa, Cô Trúc truyền lệnh :

- Cứ vào!


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...