Cô Nàng Mộ Bên

Chương 39: Désirée


Chương trước Chương tiếp

Có một điều mà tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta. Bỏ đi một mình với đứa con đang thập tử nhất sinh của tôi mà thậm chí không buồn hỏi xem tôi có muốn đi cùng hay không. Khi nhìn thấy anh ta nhảy lên xe hơi, ý nghĩ đầu tiên của tôi là anh ta bỏ đi để mặc tôi giải quyết mọi chuyện. Nhưng rồi tôi hiểu anh ta tự mình đưa Arvid đến bệnh viện. Tôi chạy ra ngoài và kêu lên, nhưng anh ta không dừng xe lại mà cứ thế phóng đi như ma đuổi.

Tôi quay vào nhà gọi điện đến hãng taxi và nghẹn ngào tới nỗi người ta khó khăn lắm mới hiểu được lời tôi nói. Sau đó, tôi bế thằng Nils đang ngủ say lên, thằng bé bắt đầu mếu máo khi tôi mặc quần áo và quấn chăn cho nó bằng bàn tay run lẩy bẩy. Hãng taxi gọi đến vì họ không tìm được đường. Quả thực, đường sá trong làng không được đặt tên, nên tôi phải chỉ đường qua điện thoại cho tài xế.

Cái mũ trùm đầu của Arvid đang nằm dưới đất, ngay trên ngưỡng cửa. Đôi ủng của thằng bé không có ở đó. Nó rất tự hào vì tự mặc được bộ áo liền quần dù chỉ mới có hai tuổi rưỡi. Tôi đoán thằng bé đã tỉnh dậy và đi vào phòng ngủ của chúng tôi, ở đó tôi đang ngủ như chết sau khi đã thức gần như cả đêm. Tôi lờ mờ nhớ là thằng bé đã kéo tay mình và bảo là nó muốn ăn. Nhưng trước khi kịp trả lời con thì tôi đã lại ngủ thiếp đi.

Không nghi ngờ gì nữa, thằng bé đã xuống cầu thang và kéo được bộ áo liền quần treo trên móc của mình. Nó mặc bộ đồ vào người, rồi xỏ chân và đôi ủng bé xíu. Sau đó nó ra ngoài đi tìm bố. Lúc nào cũng bố. Với Arvid, bố nó là nhất. Nó thế đấy. Từng như thế. Luôn như thế.

Cuối cùng chiếc taxi cũng chạy đến nơi. Tôi nhảy vào trong xe và hét lên: “Chở tôi đến bệnh viện gấp!”. Người tài xế muốn tỏ ra lịch sự, anh ta khen cái sân được dọn tuyết sạch sẽ, nhưng câu nói đó chỉ khiến tôi khóc thêm lần nữa. Nils cũng khóc theo. Ông tài xế hỏi thăm thằng bé và tôi khó chịu đáp rằng nó bị đau tai. Thế là ông ta bắt đầu huyên thuyên rằng cứ ba đứa trẻ con thì cả ba đều bị viêm tai, rằng chỉ vì thế thì không cần phải đưa thằng bé đi bệnh viện cấp cứu. Tôi quát lên bảo ông ta im miệng, sau đó tôi bình tĩnh lại, và giải thích chuyện đã xảy ra. Ông ta không nói gì nữa.

Lúc đến phòng cấp cứu, tôi lao bổ vào trong cùng với thằng Nils trên tay. Nghe thấy tiếng “Ơ này!” sau lưng, tôi nhận ra mình quên trả tiền, nhưng trong người không có đồng nào. Giữa lúc bấn loạn, tôi quay gót và chìa thằng Nils quấn trong chăn cho người tài xế. Không hiểu sao tôi lại nghĩ phải đưa thằng bé ra như một vật thế chấp để bảo đảm tôi sẽ quay lại.

Tại quầy tiếp tân, có một cô gái bị cảm cúm đang ngủ gà gật. Cô ta trông rất trẻ, như thể chỉ mới mười lăm tuổi. Bảng tên trên ngực cô ta đề chữ Cecilia.

- Nó đâu rồi? – Tôi hét lên. – Thằng bé bị xe cán đâu?

- Thằng bé nào? Con bé chứ? – Cô gái quát lại. – Nó chỉ bị bong gân mắt cá thôi mà! Chị vui lòng lấy số rồi ngồi đợi. Khi nào đến lượt tôi sẽ gọi.

- Đợi đến lượt á! Trò gì thế này? Ở đây chỉ có mình tôi thôi mà!

Cô ta hất đầu về phía bác tài vẫn đang đứng ngây người vì ngạc nhiên, trên tay bế thằng Nils.

Tôi ngồi xuống và giải thích tình hình với ông tài xế taxi. Ông ta rất nhã nhặn, chắc ông ta cũng hiểu không thể đòi tiền được một mụ đàn bà khoác mỗi chiếc váy ngủ trên người. Sau đó, tôi quay sang tấn công Cecilia. Cô ta vừa mới vào ca trực và không biết gì cả, ngoài hồ sơ của con bé mà cô ta vừa làm. Bế lấy thằng Nils, tôi bắt đầu chạy quáng quàng trong hành lang và lần lượt mở cửa các phòng bệnh. Không có người. Tiếng phản đối của Cecilia vang lên lồng lộng phía sau lưng tôi.

Tôi tìm thấy Benny ở trong căn phòng thứ ba. Một y tá đang ngồi cạnh và đặt đặt bàn tay lên cánh tay anh ta. Benny đang nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt và có vẻ trơ ra trước mọi hình thức tiếp xúc.

- Thằng bé đâu rồi? – Tôi gào lên. – Arvid đâu? Con tôi còn sống không? – Đột nhiên tôi chửi luôn. – Đồ khốn! – Tôi tiến đến và thúc cùi trỏ vào Benny khiến anh ta suýt ngã nhào khỏi ghế. Khi anh ta nhìn tôi, đôi mắt anh ta thâm hẳn lại.

Bà y tá nhanh chóng đứng dậy và chen vào giũa hai chúng tôi.

- Thằng bé hiện đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. – Bà ta nói. – Nó đang được cứu chữa bởi những chuyên gia có kinh nghiệm. Sau khi truyền dịch xong và có kết quả chụp X-quang, nó sẽ được phẫu thuật ngay.

Nếu tình cảnh của chúng tôi không kinh khủng đến thế thì chắc nó sẽ rất buồn cười, ít nhất là trong con mắt của người ngoài cuộc. Trên phim ảnh, người ta thường thấy những người thân chờ đợi trong sự lo lắng, nắm chặt tay nhau, hoặc đi mua đồ ăn thức uống cho nhau. Còn Benny và tôi thì chỉ chực lao vào ẩu đả. Anh ta đẩy tôi, tôi giật mũ anh ta, anh ta kéo tóc tôi. Suốt đời tôi sẽ không quên chuyện này.

Bà y tá đưa được tôi ra khỏi phòng nhờ một thế khóa có lẽ đã được học trong môn judo. Tôi bị bà ta bẻ quặt tay ra sau lưng. Nhưng tôi không buông thằng Nils.

Trong hành lang, bà ta nghiêm giọng nói với tôi:

- Chồng chị đang bị sốc nặng, chị cũng thế. Giờ không phải là lúc để hai anh chị sửng cồ với nhau. Tôi sẽ đưa chị đến chỗ thằng lớn. Đưa thằng bé cho tôi!

Bà y tá đỡ lấy Nils từ tay tôi. Thằng bé lập tức ngủ ngon lành trong vòng tay bà ta. Tôi được dẫn đến một căn phòng, nơi tôi có thể nhìn thấy Arvid qua một cái cửa sổ. Thằng bé đang nằm ngửa, hai mắt nhắm nghiền. Trông nó bé xíu so với một cái băng ca to đùng. Tay nó được gắn ống truyền dịch. Tôi không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu sự sống nào của thằng bé. Ai đó đã cắt bỏ bộ áo liền quần của Arvid và vứt nó trên sàn. Tôi bất tỉnh nhân sự.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...