Cô Gái Mãn Châu
Chương 75: Bóng hồng bay bổng
Nàng vẫn ngồi yên, nàng nhìn hắn và cười lên khóe mắt, cái cười ranh mãnh.
Hắn đã mắc mưu nàng, nhưng bây giờ thì không nhắm mắt lại được nữa, hắn vừa giận vì mình vô ý để cho nàng bắt trọn, nhưng cũng vừa tức cười, thật cô gái này quá quắt.
Nhưng mặt của Lý Quỳnh chợt ửng hồng, nàng nghiêng qua phía khác như không muốn cho hắn thấy mặt nàng.
- Xem chừng thì gan Lý huynh cũng không lớn bằng tôi đâu, không có thanh Ngư Trường kiếm ttrong tay anh chưa chắc đã hơn tôi.
Nói đến Ngư Trường kiếm, Lý Đức Uy giật mình :
- Thanh Ngư Trường kiếm của tôi đâu?
Lý Quỳnh nói :
- Tôi thích nó quá, tôi lấy rồi.
Lý Đức Uy hoảng hốt :
- Cô nương...
Lý Quỳnh nói :
- Người còn chưa lo được, thanh kiếm có đáng lắm sao?
Đức Uy khựng lại.
Nàng nói đúng, thân hắn bây giờ chưa biết sẽ ra sao, đừng nói đến Ngư Trường kiếm.
Một lúc thật lâu, Đức Uy hỏi :
- Cô nương định xử trí với tôi làm sao?
Lỳ Quỳnh nói :
- Tôi đã nói rồi, còn phải nói lại bao nhiêu lần nữa?
Nàng đã nói rồi.
Nàng giữ hán lại đây một thời gian, khi Lý Tự Thành nhập Kinh đô lên ngôi Hoàng đế rồi nàng thả hắn.
Đức Uy tháo mồ hôi :
- Cô nương, cô nương bây giờ hãy thả tôi ra, trọn đời tôi cảm kích...
Lý Quỳnh quay lại :
- Lý huynh cầu tôi đó phải không?
Đức Uy cắn răng và bật nói :
- Có thể nói như thế.
Lý Quỳnh ngồi lặng một lúc lâu, nàng nói :
- Tôi yêu anh, Lý huynh, anh không thấy gì cả. Tôi không bao giờ dùng tình để dụ Lý huynh về với anh tôi, chuyện đó làm được hay không, tôi không cần biết, nhưng tôi không làm. Không dụ mà không giết, đối với anh tôi, tôi làm như thế phải lắm sao? Tôi lại không có một mảy may hy vọng gì về chuyện tình giữa tôi và Lý huynh, vậy thì tôi muốn gì?
Nàng gục mặt vào lòng bàn tay thật lâu, rồi ngẩng lên, nàng nhìn Đức Uy bằng con mắt dịu dàng nhưng cương quyết.
- Lý huynh hãy yên lòng, tôi sẽ tha Lý huynh đi, nhưng bây giờ thì chưa được.
Đức Uy cau mặt :
- Cô nương...
Lý Quỳnh lắc đầu :
- Không được đâu, bây giờ tôi không thể thả Lý huynh, bây giờ tôi thả Lý huynh là tôi đã đem mạng tôi mà...
Đức Uy vội nói :
- Cô nương, tôi xin đảm bảo rằng không bao giờ sát hại cô nương.
Lý Quỳnh hé nụ cười có pha nhiều cay đắng :
- Lý huynh hiểu lầm câu nói của tôi... Mà cũng được, cho rằng như vậy đi, và nếu như vậy thì tôi không tin ai cả, ngoài anh tôi ra, tôi không tin ai cả.
Đức Uy nói :
- Có thể cô nương không nên tin ai, nhưng cô nương hãy tin tôi, vì tôi là người lăn mình vào chỗ chết cứu kẻ thiện lương...
Lý Quỳnh nhìn thẳng vào mặt Đức Uy, ánh mắt của nàng thật lạ lùng, hồi lâu, nàng hơi chồm tới giọng nàng cũng thật lạ lùng :
- Lý huynh nè, tôi hỏi thật nghe, trong triều đại nhà Minh còn thanh trị, anh đã làm gì? Anh có thấy được mấy người tham quan ô lại, cường hào ác bá, đàn bà bị hãm hiếp hay không? Vá nếu thấy, thì anh cứu được mấy người?
Đức Uy làm thinh.
Không phải hắn không có lý do để nói, nhưng hắn thấy nói chuyện với cô gái này thật khó...
Hắn biết sự phẫn uất trong lòng nàng, hắn biết sự phẫn uất đó là đúng, nhưng nếu vì phẫn uất mà nổi lên làm giặc, khiến cho nước nhà nghiêng ngửa, khiến cho dân chúng lần than thì hắn không thể tán thành.
Lý Quỳnh vẫn không rời mặt hắn, nàng nói :
- Đô đốc Dương Tông Luân chết vì âm mưu thâm độc của Tào Hóa Thuần, một tên hoạn quan được nhà vua sủng ái, tôi nói, tên Tào Hóa Thuần đâu phải mới hãm hại một Dương Tông Luân, nhưng tại sao đến vụ Dương Tông Luân, Lý huynh mới liều mình đi cứu, còn bao nhiêu người đã chết về tay tên Tào Hóa Thuần, và một trăm, một ngàn, một vạn tên Tào Hóa Thuần khác nữa thì sao? Ai cứu họ? Hay là cứ để cho họ tiếp tục chết hoài?
Đức Uy mới hé môi thì nàng đã đưa tay chận lại :
- Nhứt định Lý huynh sẽ bảo vì Dương Tông Luân là vị đại thần “thác thổ phong cương”, vì ông ta là “rường cột của triều đình” phải không? Được, nếu Lý huynh nói thế thì tốt, vậy thì hãy để cho bọn nào được “thác thổ phong cương”, bọn nào thuộc về rường cột của triều đình ra gánh, đội, vác cái giang sơn của nhà họ Chu, còn tôi, còn những thứ chó ghẻ chết không ai biết này... làm giặc.
Đức Uy làm thinh.
Không phải nàng nói không đúng, đã biết bao nhiêu người đã tán gia bại sản, chết oan chết ức vì bọn tham quan ô lại, càng xa kinh kỳ bao nhiêu, dân lành càng bị hại nhiều và càng không ai lưu ý đến tiếng oán than cũng đã quá nhiều, nhưng hắn không làm sao nuốt nổi lập luận của nàng, mỗi người đều có một mạng sống như nhau, nhưng có một cương vị khác nhau, một vị đại thần không thể như một người dân dã...
Lý Quỳnh càng nhìn sâu vào mắt Đức Uy, nàng cười :
- Nhưng thôi, Lý huynh, vua là vua, giặc là giặc, lời lẽ của anh cuối cùng rồi vẫn đúng, vì lời lẽ của anh đó được nở hoa trên miếng đất “triều đình”, còn lời lẽ của tôi, cuối cùng rồi cũng là lời lẽ của tên giặc cướp, ngày mai, nếu nhà Minh sụp đổ thì từ cái “nền” của triều đình sẽ dựng dậy một câu “thời trời đã khiến”, “ách nước nạn dân”, còn nếu ngày mai mà anh tôi thất bại thì ngàn đời sau, tên giặc Lý Tự Thành sẽ thành “thiên cổ tội nhơn”...
Nàng đứng lên và nhoẻn miệng cười :
- Thôi, đừng nói về chuyện đó nữa, đói quá rồi, Lý huynh cũng đã đói quá rồi, tôi bảo chúng dọn cơm...
Nàng kéo mền đắp cho Đức Uy và đi thẳng ra ngoài.
* * * * *
Bao nhiêu sự việc dồn dập chạy vòng trong óc của Đức Uy, hắn đưa mắt nhìn Lý Quỳnh đi ra mà không nói một lời nào.
Phải làm sao? Hắn phải làm sao?
Không lẽ cứ để cho nàng cầm mãi nơi đây cho đến khi Lý Tự Thành chiếm Kinh sư?
Sau một trận hôn mê, hôn mê đến cả ngày đêm trôi qua cũng không hay biết.
Không hiểu hôm nay là đã mấy rồi, không biết Sấm tặc đã công hãm Kinh sư hay chưa?
Đức Uy nhắm mắt lại, hắn tập trung tất cả sự thông minh để làm một bài toán thoát thân...
Thình lình, hắn giật mình nghiêng tai...
Có tiếng bước chân nhè nhẹ thoáng qua trước cửa và có tiếng bước gấp rút nằng nặng từ xa đi lại, tiếp theo là có giọng trầm trầm :
- Quận chúa, có tin cấp báo.
Tiếng Lý Quỳnh hỏi :
- Chuyện gì?
Tiếng người đàn ông :
- Vương gia đã cho khoái mã trở về...
Không biết do Lý Quỳnh ra hiệu, hay là do cảnh giác, người đàn ông vùng thấp giọng, họ nói rầm rì...
Cũng may, thể lực tuy bị liệt, nhưng thính giác tuyệt cao của Đức Uy chưa hoàn toàn bị mất, hắn cố nghe...
Nhưng không làm sao nghe hết được, vì họ chỉ xầm xì...
Thỉnh thoảng... hắn gnhê được mấy câu: “Cáo cấp”... “Ngô Tam Quế cứu viện”...
“Binh từ quan ngoại đã về”... “thỉnh Quận chúa tăng binh”...
Không cần nghe đủ, bao nhiêu đó cũng đã biết rõ tình hình.
Chuyện thật bất ngờ, “Tổng đốc Tô Liêu” Ngô Tam Quế đã cứu viện Kinh sư, Lý Tự Thành thất lợi, đặc sai khoái mã bay về gọi Lý Quỳnh xua quân tiếp viện... thật rất rõ ràng.
Tim của Đức Uy đập loạn, thật không còn sự vui sướng nào bằng.
Trước đây triều đình đã có ý định gọi Ngô Tam Quế, nhưng vì sự quan trọng ở biên cương nên hoãn lại, bây giờ nếu Ngô Tam Quế kéo binh về, cho dầu Kinh sư bị công hãm, thì trong một thời gian ngắn dã tâm của Lý Tư Thành cũng phải tiêu tan. Chỉ cần một cái tin đó thôi, dân tâm sẽ an định, sĩ khí sẽ đề cao, Đức Uy nằm đây mà cảm nghe nôn nả khôn cùng.
Bây giờ thì không có gì phải gấp nữa rồi.
Công việc chính mà hắn có thể làm được là tề mũi nhọn của địch bằng cách chặt đầu Lý Tự Thành, bây giờ binh giặc đã phạm Kinh, chiến sự đã diễn ra, binh Ngô Tam Quế đã về, sự thất bại của Lý Tự Thành đã nói như chuyện thời gian, chuyện mưu sát hắn không thành vấn đề nữa.
Hắn cố nghe bên ngoài động tịnh, nhưng không nghe thêm gì được nữa, một lúc sau tiếng bước chân lại vội vã đi ra.
* * * * *
Cửa mở.
Lý Quỳnh bước vào.
Đức Uy cố không cho nàng biết mình dò xét, hắn âm thầm nhìn thần sắc của nàng, không thấy vẻ lo âu sợ sệt, chỉ thấy thoáng hiện vẻ bất thường là lạ.
Đủ rồi, đối với cô gái này phải có cái nhìn đặc biệt, sự diễn biến tâm trạng và sắc diện của nàng không giống người thường.
Đó là đặc điểm của Lý Quỳnh.
Chưa bao giờ thấy nàng bộc lộ sắc diện đúng theo tâm trạng.
Nhưng không cần nhiều nữa, chỉ cần thấy một điểm lạ trên mặt nàng là quá đủ rồi.
Một điểm nhỏ lộ phớt qua mặt nàng đủ để báo rằng trong lòng nàng đang... có chuyện.
Kinh nghiệm về cô gái này, cho Đức Uy biết như thế.
Sự xác định đó càng làm cho hắn thêm mừng, hắn cố trấn tĩnh, cố không lộ ra cho nàng bắt gặp.
Lý Quỳnh bước lại bên giường nói :
- Có đói lắm không, cơm sắp dọn lên bây giờ.
Nàng vẫn phớt nụ cười, nhưng Đức Uy biết ngay đó là nụ cười cố gắng.
Và hắn bổng thấy... thương hại cô gái.
Lòng người khi đã vui thì thường tăng thêm phần rộng rãi, chuyện vui đưa đến, lòng tha thứ cũng có rất dễ dàng.
Dầu sao, nàng cũng là gái, một người con gái tầm thường mang nhiều bất mãn với triều đình xuyên qua hành động của bọn tham quan ô lại, qua tâm trạng của nàng bộc bạch và đối với thực tế phủ phàng do bọn chuyên quyền gây ra, nàng không phải là con người đáng trách.
Đức Uy bỗng có một sự so sánh. Hắn may mắn gặp được người nghĩa phụ, hắn được làm y bát truyền nhơn và được chấp chưởng “Ngân Bài lệnh”, thêm vào đó, hắn được một trình độ võ công cao tuyệt, hắn đã làm được nhiều việc cần làm, nhưng giá hắn chỉ là một người tầm thường như bao nhiêu người khác thì hắn sẽ làm sao?
Nhập vào quân ngũ của triều đình để là một tên lính trận, làm một chức quan nho nhỏ, để chịu sự chi phối của đấm nịnh thần, để rập đầu nghe theo chúng, làm theo lịnh chúng? Hay là cãi lại để bị gán cho là “phản loạn” để bị xử hình? Hay là bất mãn rồi ra làm giặc?
Nghĩa sĩ có nhiều, chẳng hạn như anh em “Cùng Gia bang”, nhưng đâu có phải tất cả đều có thể ngang nhiên như hắn? Họ đâu có “Ngân Bài lệnh” để có quyền giết bọn tham quan mãi quốc cầu vinh? Họ đâu có quyền trừ bọn “Đông Xưởng”? Nếu họ làm đúng theo lẽ phải nhưng họ không có Ngân Bài lệnh, họ sẽ bị ghép ngay vào tội “nối tay cho giặc”...
Những ý nghĩ về thực tế thoáng qua, Đức Uy bỗng nghe một sự cảm thông sâu sắc đối với người con gái có nhiều điểm thiện lương này.
Hắn nhận ra nàng không phải là đùa cợt, không, nàng chỉ làm như đùa cợt cho bớt e thẹn sỗ sàng của nàng đối với hắn, chớ lòng nàng thật tình thương hắn, nếu không, hoặc giết, hoặc bỏ xó vào khám lạnh chớ chuyện chi nàng phải cực nhọc như thế này?
Hắn cảm thấy rằng không nên có những lời nói nặng nề, không nên có cử chỉ khinh khi mà tội nghiệp cho nàng.
Đã đành con đường của nàng đi là không đúng, nhưng nàng chỉ là một đứa em sống theo anh từ nhỏ, tất cả đều nương tựa vào anh, nhứt là một người con gái, không, nàng không đáng trách.
Đức Uy dịu giọng :
- Đa tạ cô nương, tôi cũng chưa đói lắm.
Lý Quỳnh nói :
- “Chưa đói lắm” nghĩa là cũng đói, hiện tại Lý huynh ở nơi này, tôi là chủ nhà, để cho Lý huynh không no thì tôi làm sao an lòng được, mà không chừng còn bị người ta gọi là vô nhân đạo.
Đức Uy thở ra :
- Đói một vài ngày đối với tôi không sao cả, ngoài đường biết bao nhiêu người phơi thây đói khát...
Lý Quỳnh ngồi xuống mép giường chắc lưỡi :
- Chúng ta đừng bàn đến những chuyện bên ngoài nữa không được sao?
Không hiểu vì nguyên nhân nào, Đức Uy cảm nghe lời lẽ và giọng điệu của Lý Quỳnh bỗng như nàng đã lớn hẳn lên, nhứt là trong âm hưởng của nàng, hắn nghe như có một cái gì thê thảm...
Nàng đã sợ rồi chăng? Không, Đức Uy rất biết tánh tình của nàng là một cô gái ương ngạnh, không gì làm cho nàng sợ được, vả lại, cứ theo lời cấp báo, có thể có cơ nguy, chớ Lý Tự Thành cũng đâu đã bại binh?
Như vậy tại sao nàng buồn? Phải chăng nàng sắp ra đi? Phải chăng nàng lưu luyến?
Đức Uy lắc đầu nhè nhẹ, hắn không muốn nghĩ về điều đó, hắn là con người thường hay bất nhẫn trước nhiều sự việc, nhứt là đối với nàng hắn cũng đã hơn một lần bất nhẫn...
Lý Quỳnh nhìn gần vào mặt hắn :
- Sao anh lắc đầu?
Đức Uy nhếch môi nhưng hắn không cười, hắn nói :
- Không, tôi muốn nói là tôi cũng không muốn nghĩ gì về bên ngoài cả, nhưng không hiểu sao trong lòng tôi cứ thấy xót xa...
Lý Quỳnh nghiêm mặt :
- Xót xa cho ai? Cho anh hay cho tôi? Có bao giờ Lý huynh bỏ một chút thiện tâm để xót xa cho một đứa con gái bất hạnh như tôi không?
Ngưng một chút, hình như nàng hỏi đê?mà hỏi chớ không phải mong Đức Uy trả lời, vì thế nàng nói tiếp :
- Tôi không tọc mạch, như ngỡ gần anh tôi, tôi vẫn phải nghe biết “đối phương” anh cũng là... đối phương phải không? Vì Lý huynh cũng là đối phương thành ra tôi biết, tôi biết hai vị “hồng phấn tri kỷ” của anh là Dương Mẫn Tuệ và Tổ Thiên Hương, xứng lắm, phải không anh? Hai người đó xứng với anh lắm, một người là con quan đại thần, bạn của Công chúa, một người là tiểu thơ đài các vàng ngọc đầy mình... Tôi chưa biết mặt, nhưng sanh trưởng trong những gia đình như thế, chắc chắn phải là đẹp và thông minh lắm, khôn ngoan lắm... còn tôi, một đứa con gái bần dân mồ côi cha mẹ, sống dưới sự bảo bọc của một người anh, người anh đó lại lận đận trên đường sự nghiệp, đầu quân nơi này, nơi khác, có tài trở thành vô dụng, vì bản sắc ngang tàng nên “quan lớn” không ưa, để cuối cùng trở thành tên giặc cướp, và nay mai sẽ trở thành “thiên cổ tội nhân”...
Đức Uy thở ra nhè nhẹ :
- Thôi, đừng nói những chuyện bên ngoài...
Lý Quỳnh nhoẻn miệng cười :
- Thì tôi đã nói rồi mà Lý huynh không chịu, mình hãy gác những chuyện bên ngoài để sống với nhau ngày nào hay ngày nấy... Lý huynh nè, tại sao không để cho lòng mình thanh thản một đôi ngày, hãy... giả đò làm vợ chồng với nhau một đôi ngày trong khoảng thời gian ngắn ngủn ấy, tôi sẽ tận lực làm cho Lý huynh bớt đi nỗi nhọc mệt vì những chuyện lớn lao, cố làm cho Lý huynh thanh thản, lòng thanh thản nó sẽ giúp cho người tăng thọ đó, Lý huynh biết không?
Đức Uy làm thinh, Lý Quỳnh cũng lặng thinh...
Không khí chợt như nằng nặng.
Gương mặt liến thoắng của một cô gái ranh mãnh bây giờ bỗng biến đi đâu mất, nó nhường lại cho một sự ưu tư...
Mới hồi nãy đây, trông vào mặt nàng người ta như cảm thấy số tuổi tự nhiên sụt hơn nhiều lắm, nàng khoảng chừng mười chín hai mươi gì đó, nhưng chính khi giáp mặt lần đầu cho tới lúc ở đây, Đức Uy mường tượng như nàng là cô gái bé, chỉ chừng đôi mươi thôi nhưng bây giờ khác hẳn rồi, bây giờ trông nàng như một cô gái đã ngoài lứa tuổi đôi mươi.
Cái gì đã làm cho nàng biến đổi... nhanh như thế?
Vì sự bất lợi về quân tình của anh nàng hay là vì gì nữa?
Đức Uy bổng thấy lòng ái ngại...
Hắn e ngại cho nàng, một sự e ngại chừng như vô lý, nhưng hắn cũng không thể phân tích nổi lòng hắn được.
Thật lâu, Lý Quỳnh bỗng cúi mặt thở dài :
- Tôi có việc phải đi...
Nàng lại làm thinh, nhưng chỉ thoáng qua rồi nàng lại ngẩng mặt, đôi mắt nghiêng nghiêng nhìn thẳng vào mặt Đức Uy, nàng nhoẻn miệng cười, nụ cười thật tươi, nhưng không hiểu sao, Đức Uy như cảm thấy trong đó có một nỗi buồn ray rức...
Nàng nói :
- Tôi sẽ bảo tỳ nữ lo lắng cơm nước cho Lý huynh, chúng nó sẽ mang lên và sẽ cẩn thận phụng đãi anh...
Đức Uy chớp mắt :
- Đi xa phải không?
Lý Quỳnh nhìn sâu vào mắt hắn :
- Sao vậy? Lý huynh sẽ nhớ tôi phải không? Có không?
Đức Uy trả lời thật nhẹ, hắn nói mà hình như hắn cũng không kiểm soát được lời nói của mình :
- Cũng có...
Lý Quỳnh mím môi :
- Coi chừng Lý huynh đã bắt đầu có... cảm tình của tôi rồi đó, nhưng có sao mình đã gần gũi nhau, dầu gì mình cũng đã...
Hai má nàng hơi ửng đỏ, giọng nàng trầm nặng :
- Nhớ thương là một chuyện đoạn trường, không chắc Lý huynh sẽ nhớ, vì bên mình Lý huynh... Thôi, à không, riêng tôi thì tôi nhớ, tôi đi rồi tôi về mà... Lý huynh, phải ăn uống nghe, phải ngủ để mai lấy sức, biết không? Phải nghe lời nghe không?
Cử chỉ của nàng, ánh mắt của nàng, giọng nói của nàng, lời lẽ của nàng y hệt như người vợ hiền săn sóc cho chồng, hình như lòng nàng đang ray rức u buồn khi phải đi ra...
Đức Uy làm thinh.
Lý Quỳnh làm thinh.
Mắt nàng vẫn nhìn vào mắt hắn.
Đức Uy bỗng rùng mình, hắn thấy bờ mắt nàng ửng đỏ...
Hắn vội liếc vào trong, không hiểu tại sao hắn lại không dám nhìn nàng...
Nhưng, nhanh như chớp, khi ánh mắt Đức Uy vừa rời khỏi mắt nàng, thân nàng vụt ngã...
Nàng ngã sấp lên mình hắn, vành môi nàng áp vào vành môi hắn, không phải lướt qua như lần trước mà là thật mạnh, hai tay nàng ôm lấy đầu hắn, nàng lắc mạnh, mặt nàng và mặt hắn chà sát vào nhau...
Nhưng, thật nhanh, nàng đã ngồi bật lên, Đức Uy chỉ kịp thấy khóe mắt đẫm ướt của nàng là nàng đã đứng xuống, nàng đã ra đến cửa, nàng đã khuất ngoài cánh cửa...
Nàng đã đi rồi.
Đức Uy biết nàng sẽ điều động cánh quân này đi tiếp viện cho anh nàng đang nguy tại Kinh sư.
Cầu cho nàng thành công hay mong cho nàng thất bại?
Thành công là anh em nàng sẽ ngự tại Kinh sư, thất bại thì...
Đức Uy không dám nghĩ nữa.
Cả hai điều hắn không dám nghĩ tới điều nào cả, hắn đang nghĩ đến thái độ hấp tấp vội vàng của nàng, hắn đang nghĩ tới khuôn mặt của nàng, hắn đang nghĩ tới đôi mắt đẫm ướt của nàng và hắn vụt nghĩ đến người con gái có vóc thân nhỏ thó ấy đang phi ngựa giữa sa trường bụi cuốn máu rơi...
* * * * *
Cánh cửa phòng xịch mở.
Một cô gái áo vàng.
Cô gái lạ hoắc.
Tay nàng bưng một cái mâm nhỏ bằng gỗ đen mun, trên mâm một cái chén sứ Giang Tây, hơi nóng bốc lên miệng chén.
Nàng bước lại bên giường, môi nàng điểm nhẹ nụ cười.
Đặt cái mâm xuống, nàng nhìn Đức Uy nói :
- Lý gia, lúc đi, Quận chúa có dặn phải hầu hạ Lý gia cho chu đáo, Quận chúa nói Lý gia mệt mỏi, không thể ăn chất khô, người bảo nấu canh thịt dâng cho Lý gia dùng.
Đức Uy nói :
- Đa tạ cô nương.
Cô gái áo vàng nói :
- Sao Lý gia lại nói như thế, phụng sự Lý gia là bổn phận của tỳ nữ và xin Lý gia đừng gọi cô nương, tỳ nữ tên Thuý Ngọc.
Đức Uy mỉm cười :
- Thuý Ngọc...
Thuý Ngọc ngồi xuống mép giường, nàng cười :
- Xin Lý gia cứ tự nhiên, tỳ nữ đã vâng mạng của Quận chúa, tỳ nữ có bổn phận hầu hạ Lý gia, cũng như một tỳ nữ hầu hạ chủ nhân...
Cô gái có vẻ ngây thơ mà cũng ra chiều thân thiết, cũng có thể nàng biết thái độ của chủ nhân đối với khách như thế nào rồi, nên nàng vừa lễ phép mà cũng vừa thân thiết.
Đức Uy cười dễ dãi :
- Thuý Ngọc có biết Quận chúa đi đâu không?
Thuý Ngọc chớp chớp mắt :
- Quận chúa không có nói với Lý gia sao?
Đức Uy nói :
- Vì gấp nên nàng chỉ nói phớt thôi.
Thuý Ngọc nói :
- Tỳ nữ cũng không được biết rõ ràng, khi đi, Quận chúa chỉ nói là có việc đi vài ba ngày, dặn tỳ nữ phải hết sức lo lắng cho Lý gia, nếu khi về mà có gì phật ý Lý gia thì tỳ nữ phải quỳ ngoài hiên ba ngày đêm để chịu lỗi...
Đức Uy biết cô nàng không dám nói, hắn cười :
- Có gì mà nghiêm trọng quá vậy?
Thuý Ngọc nhướng mắt :
- Lý gia không biết đó, Quận chúa nghiêm lắm, nghiêm còn hơn Vương gia nữa, nhiều thuộc hạ sợ Quận chúa hơn Vương gia nữa, những lỗi lầm bên ngoài, Quận chúa biết được là chết.
Đức Uy nói :
- Cô nương an tâm, bao giờ Quận chúa về, tôi sẽ nói ở nhà cô nương lo lắng cho tôi chu đáo lắm.
Thuý Ngọc nói nhanh :
- Đa tạ Lý gia... Lý gia tốt quá, tỳ nữ trọn đời ghi nhớ...
Và nàng vụt giựt mình, nàng nói :
- Trời ơi, mãi nói chuyện mà quên, canh nguội rồi còn gì, để tỳ nữ đỡ Lý gia ngồi dậy.
Không biết đó là thứ thuốc gì, nói độc dược thì không đúng, vì ngoài chuyện không cử động được, Đức Uy hoàn toàn không nghe trong mình khó chịu gì cả, cảm giác cũng như lúc bình thường, trí tuệ vẫn sáng suốt, hắn định hỏi Lý Quỳnh nhưng chưa kịp hỏi.
Bây giờ thì Thuý Ngọc phải đỡ hắn ngồi lên, hắn ngồi dựa vào lòng nàng, một tay nàng vòng qua ngực hắn, một tay nàng cầm muỗng đút canh cho hắn.
Bây giờ hắn thấy rõ không phải chén mà là tô, tô lớn quá và canh đầy ăm ắp.
Mùi thật thơm, vị thật ngọt, nhưng Đức Uy không có thì giờ thưởng thức mùi vị của tô canh, hắn đang bị... bâng khuâng.
Nàng là tỳ nữ, nhưng nàng vẫn là cô gái mơn mởn đào tơ, hắn dựa như thế là đã dựa hẳn vào lòng nàng, hơi thở của nàng nóng bên mang tai hắn, hình như người con gái nào cũng có hơi hương làm động lòng người.
Là một thanh niên đã được hưởng một nền giáo dục nghiêm minh, cuộc sống nặng nề nghĩa vụ hơn là tình cảm, sự giao du tiếp xúc cũng trên đà đó.
Đức Uy tuy đã hứa hôn với Thiên Hương và Mẫn Tuệ, nhưng chưa bao giờ có chuyện gần gũi với nhau, lần thứ nhất trong đời, hắn va chạm gần như đầy tánh cách vợ chồng với Lý Quỳnh và lần thứ nhất hắn được một nàng con gái nâng đỡ gần như ôm ấp...
Hắn nghe rõ tiếng tim của Thuý Ngọc, có thể nàng giữ đúng thân phận nữ tỳ, có thể nàng có tà tâm, nhưng dầu gì nàng vẫn là con gái.
Hắn nghe hơi thở nóng của nàng, hắn thấy cánh tay vịn hắn và bàn tay cầm muỗng của nàng hơi run.
Hắn cố trấn áp và nói lảng ra :
- Thuý Ngọc, canh nhiều quá vậy?
Thuý Ngọc như giựt mình, không hiểu nãy giờ đang nghĩ chuyện gì, nàng nói lắp bắp :
- Quận chúa... bảo phải hầu Lý gia như thế... Quận chúa dặn Lý gia phải ăn cho nhiều, ăn hết tô canh này thì Lý gia sẽ khỏe ngay.
Đức Uy không còn tâm trí để nói chuyện gì khác, hắn đang trấn áp về sự đụng chạm, miệng hắn bây giờ như cái máy, hắn ăn hết tô canh mà hắn vẫn chưa hay...
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp