Cô Gái Mãn Châu
Chương 62: Theo bạn chọn tình
- Đa tạ Mông lão, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, không nghe lời cha mẹ là bất hiếu, nếu quả thật gia phụ muốn gả tiểu nữ cho một tên nào trong bọn Lý Tự Thành thì vì chữ hiếu, tiểu nữ cũng gật đầu mà không bao giờ do dự.
Tổ Tài Thần vụt ngời ánh mắt và Mông Bất Danh gật gật đầu :
- Cô bé, cô quả là một hiếu tử, cũng mong lòng hiếu của cô sẽ động đến trời cao.
Tổ Thiên Hương cúi mình :
- Đa tạ Mông lão bá.
Mông Bất Danh đưa tay :
- Thôi, theo cha đi cô bé, ta không đưa...
Tổ Thiên Hương nói :
- Không dám, Mông lão bá, lão bá là ân nhân xin nhận tiểu nữ một lạy này...
Nàng giật khỏi tay Tổ Tài Thần bước lên hai bước xụp lạy Mông Bất Danh và nói nhỏ :
- Đi thật nhanh...
Mông Bất Danh lật đật vòng tay :
- Cô bé, đứng dậy đi...
Tổ Thiên Hương đứng lên lùi lại nói với Tổ Tài Thần :
- Đi cha.
Tổ Tài Thần lừ mắt vào mặt Mông Bất Danh, tia mắt đầy sát khí...
Mông Bất Danh cười :
- Tổ lão, đừng có như vậy chớ, ta là con người tuyệt tự mà ta còn phải giữ đức, lão tài phú có đứa con hiếu đạo như thế, thì nên vì con mà suy nghĩ chớ.
Tổ Tài Thần xạm mặt, nhưng không nói một lời, ông ta kéo tay Thiên Hương bỏ đi ra...
Mông Bất Danh nói với :
- Cô bé, rán mà bảo trọng.
Thiên Hương nghiêng mặt lại :
- Đa tạ, lão bá cũng bảo trọng và xin chiếu cố Triệu cô nương.
* * * * *
Đám họ Tổ đến thật nhanh mà kéo đi cũng thật nhanh.
Chỉ trong nháy mắt, trước sân Tấn Từ chỉ còn lại một mình Mông Bất Danh, ông ta đứng sững sờ như kẻ mất hồn...
Khóe mắt nhăn nheo của lão già chưa từng bộc lệ tình trước mặt ai, bỗng nhiên hai giọt nước mắt lăn dài trên má...
Trước sân đề không khí như đọng lại, khung cảnh vắng lặng đến thảm thương.
Mẫn Tuệ nhè nhẹ bước ra lên tiếng :
- Mông lão gia...
Mông Bất Danh nói mà không quay lại :
- Tổ Thiên Hương bảo ta đi thật nhanh.
Mẫn Tuệ nói :
- Tôi thấy, tôi thấy nàng nói với lão gia.
Mông Bất Danh nói :
- Biết cha, không ai bằng con. Xem tình hình này chắc Tổ Tài Thần không khi nào biết tỉnh ngộ.
Mẫn Tuệ nói :
- Ông ta đã đối không phải với con.
Mông Bất Danh nói :
- Hắn không phải là một người cha.
Mẫn Tuệ băn khoăn :
- Mông lão gia, không biết Thiên Hương thư thư...
Mông Bất Danh nói :
- Không có gì chắc cả, nhưng ta biết cô bé sẽ tìm cách trở lại với chúng ta trong một ngày nào đó...
Mẫn Tuệ buồn buồn :
- Tôi tức vì lỡ sanh con gái của một đại quan của triều đình, nếu không tôi sẽ ra mặt trận cho thỏa lòng căm tức.
Mông Bất Danh nói :
- Ta có thể lắm, nhưng khi có mặt Thiên Hương ta không đành lòng...
Mẫn Tuệ hình như muốn nói một việc gì, nhưng rồi nàng lại mím miệng làm thinh...
Nghê Thường từ trước đến sau cứ cúi mặt, âm thầm không nói một tiếng nào...
Mông Bất Danh nói :
- Đi, nàng để cho ta đi nhanh khỏi nơi này, ta đừng phụ lòng cô bé.
* * * * *
Cỗ xe lại lao vào đêm tối.
Đêm thật vắng, nhưng tiếng chân ngựa, tiếng bánh xe không khua lớn vì Mông Bất Danh đã rẽ ngựa vào đồng cỏ, tránh không chạy ngoài đường.
Ông ta không sợ phiền phức, ông ta chỉ sợ khó khăn cho Mẫn Tuệ, người mà Thiên Hương quyết hy sinh bảo vệ.
Ông ta không muốn làm cho sự hy sinh của nàng vô ích.
Phải yên ổn lìa khỏi nơi đây cho Thiên Hương được thỏa lòng.
Trong xe, không khí thật nặng nề, mặc dù bây giờ họ đã vén cả rèm lên, hay ít nhất là vì không khí bên ngoài không sáng sủa...
- Không biết chị Thiên Hương bây giờ ra sao...
Có tiếng nho nhỏ của Mẫn Tuệ, hình như nàng hỏi mà cũng hình như nàng tự nói với mình.
Cũng như không khí bên ngoài và cả trong xe, Mông Bất Danh nghe tâm tình nặng nề khó thở, lần thứ nhất trong đời ngang dọc, không lụy vì ai, không để phiền ai, lão già khó tính bỗng nghe lòng mình ray rứt...
Cho dầu Thiên Hương là con gái Tổ Tài Thần nhưng nàng không giống cha một chút nào, nàng là người con gái rất khó tìm nhất là trong thời loạn lạc, người con gái như nàng thật xứng đáng được gọi là “kỳ nữ tử”.
Đã trên khoảng đường dài cùng nhau chia bớt lo âu, chia sớt nhọc nhằn, phước cùng hưởng, họa cùng chia, bây giờ thì hai ngả trái nghịch nhau, kẻ xuôi người ngược.
Là một lão già bên ngoài xem như chẳng có gì đáng làm cho ông ta lưu ý, con người luôn luôn có vẻ ngạo nghễ, trào lộng với mọi người và luôn cả chính mình, con người như không có gì có thể làm xao động thế nhưng Mông Bất Danh chính là con người nhiều nhiệt huyết, nhiều tình cảm hơn ai hết...
Nhất là trong chuyến đi này, lão đã xem ba cô gái như con ruột mình, bây giờ bỗng mất đi một đưa, bảo sao lòng lão không thê thảm.
Mông lão vun vút ngọn roi và nói lẩm nhẩm như để trả lời cho Mẫn Tuệ mà cũng như để trấn an chính lòng mình :
- Không sao, chắc không sao, hổ dữ cũng không nỡ ăn thịt con mà...
Mẫn Tuệ nói :
- Tổ Tài Thần có thể không làm gì con ông nhưng bọn giặc cướp hung hăng dâm loạn ấy chắc gì để yên được cho nàng...
Mông Bất Danh thở ra :
- Biết làm sao bây giờ...
Mẫn Tuệ nói :
- Tổ Tài Thần lại là một con người chỉ biết có lợi, có danh, ngày trước vì để cấu kết với Mãn Châu, ông ta ép gả con gái mình, bây giờ đầu về với Lý Tự Thành, biết đâu lại không dụng nhan sắc con mình để làm vui, để mua lòng bọn giặc...
Mông Bất Danh nói :
- Nếu hắn còn chút nhân tính thì lòng hiếu của Tổ Thiên Hương may ra sẽ làm cho hắn cảm động...
Mẫn Tuệ hỏi :
- Mông lão thấy có thể thế không?
Mông Bất Danh nói :
- Đúng ra thì như thế, vì con người làm gì cũng phải có chút ít nhân tính nhất là lão chỉ có một đứa con gái, đứa con lại chí hiếu, ta không muốn tin Tổ Tài Thần lại đem quăng hết nhân tính của mình...
Mẫn Tuệ nói :
- Mong rằng được như vậy...
Nàng ngưng lại và bỗng hớt hải kêu lên :
- Mông lão gia, Nghê Thường...
Như linh tính có chuyện bất thường, Mông Bất Danh hỏi nhanh :
- Cái gì? Nghê Thường sao?
Mẫn Tuệ run giọng :
- Nghê Thường muội muội đâu rồi?
Mông Bất Danh hoảng hốt quay đầu nhìn lại, trong xe chỉ có mỗi một mình Mẫn Tuệ, còn Nghê Thường thì không thấy.
Mông Bất Danh ghì cương ngựa dừng lại, ông ta nhìn bốn phía...
Bóng tối trầm trầm, sương mù dầy đặc, không có một tiếng động, không có một bóng người.
Mông Bất Danh dậm chân thiếu điều gẫy gọng xe :
- Nó sợ Thiên Hương lâm nạn... nhưng tại sao đi lại không chịu nói một lời... Hừ, con ơi là con!
Nước mắt lão lại ứa ra.
Mẫn Tuệ kinh nghi :
- Nhưng tại sao mới ngồi với tôi đây mà...
Mông Bất Danh cười méo xẹo :
- Cô nương quên rồi, nó ra từ Bạch Liên giáo, không nhớ nó làm cho Nam Cung Nguyệt xính vính đó hay sao?
Mẫn Tuệ thật thà :
- Nhưng cô ấy đã bảo là không dùng nữa cơ mà!
Đang buồn nhưng Mông Bất Danh cũng bật cười :
- Đã nói không làm cái chuyện ấy để hại người, chớ khi mà nó đem ra có lợi cho người lành thì tại sao lại không?
Ông ta lại thở ra :
- Đầu đuôi có bốn người, bây giờ chỉ còn lại hai, thật không biết bao giờ cho hết cái chuyện tang thương...
Mẫn Tuệ cau mày :
- Mông lão gia, chúng ta theo kiếm...
Mông Bất Danh hỏi lại :
- Kiếm ai? La Hán hay Đức Uy?
Mẫn Tuệ nói :
- Nghê Thường muội muội còn không đi tìm La Hán trong lúc này thì làm sao tôi lại phải đi kiếm Đức Uy?
Mông Bất Danh nói :
- Ai cũng được cả, ai cũng có thể xông vào hang ổ giặc để giết cho sướng tay, nhưng chỉ riêng cô là không được.
Mẫn Tuệ nói :
- Sao lại không? Cha tôi đã bị hại rồi, không còn ai có thể bức bách ai được nữa, mà cho dầu cha tôi còn tại thế, chúng cũng không dễ gì mang tôi ra để bức bách được người đâu.
Mông Bất Danh nói :
- Nhưng còn triều đình...
Mẫn Tuệ lắc đầu :
- Không, chúng không thể đem tôi ra để bức bách triều đình, giá như cứ đem con gái của một đại thần ra bức bách được triều đình thì chúng đâu có phải tốn sức công thành đoạt quách.
Mông Bất Danh thở ra :
- Ta muốn nói tránh đi nhưng cô lại cứ buộc ta phải nói, chúng đem cô ra để bức bách Đức Uy, chúng không thể bức Đức Uy hàng nhưng chúng sẽ đưa Đức Uy vào hiểm địa. Cô có nhớ hắn đã mấy lần suýt chết khi đi tìm Dương đô đốc không?
Mẫn Tuệ cúi đầu, thật lâu nàng nói :
- Đã đành có thể, nhưng tôi nghĩ Đức Uy sẽ phân biệt được đâu là tình riêng, đâu là chuyện quan hệ triều đình...
Mông Bất Danh nói :
- Hắn không vì riêng hay chung gì cả, hắn chỉ đặt vấn đề cứu người và giết giặc nhất là nếu cô ở trong tay giặc, sự chiến đấu của hắ? sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Mẫn Tuệ trầm ngâm :
- Mông lão, nhưng tại sao lại cứ phải sợ tôi lọt vào tay giặc, mình không biết chiến đầu hay sao?
Mông Bất Danh nói :
- Bất cứ một vấn đề nào, chúng ta cũng đều phải đề phòng.
Mẫn Tuệ tặc lưỡi :
- Tại sao phải như vậy? Tại sao? Không lẽ bây giờ tôi cứ ngồi một chỗ, không lẽ không nghĩ đến ai hết hay sao? Tôi thấy làm như thế thật không ích gì cả, cũng không bằng một cái chết.
Mông Bất Danh khoát tay :
- Thôi thôi... được rồi, ta sẽ đem cái mạng già này mà giữ lấy cô. Đi cứ đi.
Ngọn roi vút tron trót, cỗ xe lao tới như bay.
Mẫn Tuệ thở dài, nàng muốn nói nhưng rồi lại làm thinh...
* * * * *
Trời mới vào xuân, hơi hám mùa đông như chưa tan hẳn.
Mặt trời lên cao nhưng khí lạnh hãy còn tê người.
Đức Uy chấp tay sau đít đi bách bộ, không ai làm sao có thể đoán được gì trong lòng hắn, hình như bao nhiêu năm ẩn trong thảo lư với người nghĩa phụ, hắn đã luyện được một phong thái trầm tĩnh đến lạ lùng.
Tay phải chồng lên bàn tay trái và cũng thói quen, hắn vo vo cây quạt.
Một gã hành khất trung niên đi xăm xăm lại gần cúi mình :
- Thiếu hiệp, Tổng đường đã có thư, cho hay rằng Tào Hóa Thuần luôn ở trong kinh thành không hề đi đâu cả.
Đức Uy liếc nhanh và gật đầu :
- Đa tạ.
Tên trung niên hành khất quay đi, Đức Uy cứ đi về đằng trước.
Một chập sau, lại một trung niên hành khất đi lại vòng tay :
- Thiếu hiệp, Sấm Vương Lý Tự Thành không nghe tin tức, chỉ biết một tên kiện tướng của hắn hiện cách đây trong vòng trăm dặm với một lực lượng khá đông.
Đức Uy nhướng mắt :
- Chủ lực của Sấm tặc ở đâu?
Gã trung niên hành khất đáp :
- Chủ lực của hắn vốn ngược lên hướng bắc, nhưng không hiểu sao lại thình lình chuyển sang tây.
Đức Uy nói :
- Có thể dương Đông kích Tây đó, hắn quyết định đầu tháng này sẽ công hãm Kinh sư.
Tên trung niên hành khất nói :
- Hắn nói là nói, làm được hay không là chuyện khác, các tướng trấn thủ yếu khẩu của triều đình cũng đâu phải là hạng bất tài.
Đức Uy gật đầu :
- Điều đó tôi biết, thế nhưng không thể không phòng và nhất là trước khi hết tháng hai này phải tìm cho được hắn.
Gã hành khất nói :
- Thiếu hiệp, Sấm tặc tưởng chắc cũng biết điều đó lắm, tả hữu của hắn có nhiều mưu sỹ và tự nhiên trong khu chủ lực của hắn không nhất định là có hắn.
Đức Uy mím miệng gật đầu :
- Đó là cao kiến, đa tạ. Bây giờ trừ được tên nào cứ trừ, chúng đóng quân nơi nào, phải đi về hướng nào là gặp?
Gã hành khất nói :
- Thiếu hiệp đi về hướng Đông, trong vòng mười dặm sẽ có người thông báo.
Đức Uy gật đầu :
- Đa tạ.
Hắn quay mình về hướng Đông.
Hắn gia tăng cước lực, dáng cách tuy vẫn ung dung, nhưng bây giờ hắn bước khá nhanh.
Chỉ đi một hơi, hắn đã nuốt khoảng đường hơn sáu dặm và chợt có bóng người xăm xăm đi tới khá nhanh.
Một tên thanh nhiên hành khất bước nhanh lên trước hắn, cúi mình :
- Thiếu hiệp, rẽ về Đông Bắc khoảng năm mươi dặm, trong một tòa trang viện rộng lớn, Trương Tam Dõng, tên thuộc hạ đắc lực của Sấm tặc đóng quân ở đó.
Đức Uy hỏi :
- Bố trí ra sao?
Gã kia nói :
- Chức phận hắn khá cao, chung quanh trong vòng ba dặm khó đến gần.
Đức Uy gật đầu :
- Đa tạ.
Tên hành khất cúi mình phi thân đi thẳng.
* * * * *
Một gian phòng thanh khiết, khoáng thoát.
Bàn ghế tuy không rộng nhưng được làm từ danh mộc, trên bàn một ngọn đèn lưu ly ánh sáng dịu dàng.
Không giống phòng ngủ, cũng không giống phòng khách, hình như đó là một thư phòng. Tổ Thiên Hương đang ngồi trong thư phòng đó.
Nàng ngồi trước án thư, một tay chống bên má, nàng nhìn ánh đèn, đôi mắt nàng sáng long lanh, đôi mắt ướt u buồn cùng gian phòng quạnh hiu.
Gian phòng thanh khiết đến lạ lùng, không khí có thể thay đổi, nếu con người ở trong một tâm tình khác hẳn.
Gian phòng trở thành hiu quạnh, Thiên Hương chỉ có một mình, một mình mang tâm trạng gần như nát tan, chết lặng.
Thời gian ở đây chậm quá, ít ra đối với Thiên Hương thời gian thật nặng nề, nàng không biết nàng ngồi như thế đã bao lâu và còn đến bao lâu.
Hình như nàng không nghe không thấy gì cả, bất luận bên ngoài có tiếng động, tiếng động đó là tiếng ngựa phi, tiếng quát tháo, bất luận là tiếng động gì, nàng đều không nghe thấy. Nàng chỉ có mỗi việc đó là tiếng động của tâm tư.
Tâm tư ray rứt nặng nề.
Tuy nàng lật từng trang sách, không ai biết được nàng có đọc hay không, chính nàng cũng không biết nàng lật sách để làm gì.
Nhưng thình lình, tay nàng ngưng lật, quyển sách trải ra trước mắt bất động, tay nàng bất động.
Mắt nàng đăm đăm vào trang sách nhưng nàng không đọc sách, nàng đang nhìn mảnh hoa tiên gặp trong trang sách cũ.
Không biết mảnh hoa tiên nằm trong đó đã bao lâu, hơi hương hãy còn phảng phất, nét chữ thanh tú, đó là mảnh giấy chép bài phú “Võ Xuân Từ”và dưới bài phú có hai chữ “Tích Hương”.
Nét chữ vốn là của con gái, nét chữ thật mạnh dạng, nhưng cái tên, tên hay là bút hiệu?
Nét chữ như còn tươm dấu mực, trong thơ phòng này chỉ có một mình nàng, trừ người của Tổ gia ra, bên ngoài toàn là bọn giặc cướp Lý Tự Thành mà Tổ gia thì cũng chỉ có mỗi một mình nàng là gái, bây giờ trên dọc đường hành quân, nàng đâu còn có nữ tỳ như khi ở Trường An?
Vậy thì ai? Ai viết mảnh giấy này?
Bài phú chép trên mảnh hoa tiên là bài phú cổ, có thể đó chỉ là cái cớ, hai chữ Tích Hương mới đáng kể...
Hai chữ Tích Hương có quá nhiều ý nghĩa.
Thiên Hương nghĩ đến tên mình, đồng thời nhớ lại trong quyển truyện xa xưa có chuyện hẹn hò mà người đề thư ghi là “Tích Việt” tự nhiên, người ta hiểu ngay hai chữ ấy có nghĩa là hẹn hò gặp nhau, rủ nhau đi trốn, còn nàng trong hoàn cảnh hiện tại của nàng có ai muốn gặp nàng không, nếu có thì người ấy là ai?
Người con gái? Nét chữ của người con gái...
Thiên Hương đứng dậy, nàng đi ra bằng dáng cánh khoan thai.
Bên ngoài cửa, có một tên đại hán áo đen.
Hắn đeo đao đứng canh ngoài cửa.
Hắn khom mình xuống khi thấy Thiên Hương bước ra, hắn nói :
- Tham kiến tiểu thư, chẳng hay tiểu thư định đi đâu?
Thiên Hương lạnh lùng :
- Ta định ra ngoài cho khoan khoái.
Tên áo đen lại khom mình :
- Thuộc hạ được lão chủ nhân căn dặn rằng nơi đây đang lúc binh hoang mã loạn nên đừng cho tiểu thư ra ngoài.
Thiên Hương cau mặt :
- Giam ta nơi đây có phải không?
Tên áo đen xanh mặt, hắn cúi đầu :
- Thuộc hạ không dám, đó là lệnh của lão chủ nhân.
Giọng của Thiên Hương hơi dịu lại, khi nàng cảm thấy dáng cách đáng thương của tên thuộc hạ, nàng nói :
- Ta đã về đây thì ta không đi nữa, nhưng lúc ta cần đi thì không ai có thể cản ta.
Ta muốn gặp lão chủ nhân.
Tên áo đen nói :
- Kính thưa tiểu thư, lão chủ nhân hiện đang uống rượu với Trương tướng quân.
Thiên Hương nói :
- Uống rượu không phải là chuyện quan trọng, ngươi hãy đến thưa với lão chủ nhân rằng ta muốn gặp người, thỉnh người đến đây...
Tên áo đen tỏ vẻ khốn đốn :
- Tiểu thư, xin minh giám... không có lệnh của chủ nhân, thuộc hạ không dám lìa bỏ nơi đây...
Thiên Hương nói :
- Ngươi sợ ta chạy mất phải không? Ngươi hãy yên tâm, ta đã về đây thì ta không chạy đâu mà sợ, nhưng nếu thật sự ta muốn đi thì ngươi cũng không thể ngăn chặn được ta và nhất là nếu ta không chịu ở đây thì ta đâu có theo lão chủ nhân đến đây.
Tên áo đen nói :
- Điều đó thuộc hạ biết, chỉ có điều không có lệnh của lão chủ nhân thuộc hạ không dám.
Thiên Hương trầm ngâm :
- Nghĩ vì ngươi là người chỉ biết phụng mạng hành sự, nên ta cũng không trách chi, vậy nếu ở đây còn có người, ngươi hãy cho đi thông báo với lão chủ nhân.
Tên áo đen vòng tay :
- Thuộc hạ xin tuân mạng.
Hắn vừa quay lưng thì Thiên Hương gọi lại :
- Khoan...
Tên áo đen hỏi :
- Tiểu thư còn căn dặn chuyền gì nữa?
Thiên Hương hỏi :
- Ta đến đây mà quên hỏi, chỗ này gọi là gì?
Tên áo đen đáp :
- Thuộc hạ theo chủ nhân đến đây, chỗ này người lạ nên không biết rõ. Chỉ nghe người ta gọi đây là Từ Trang.
Thiên Hương cau mặt :
- Sao lại gọi là Từ Trang? Chủ nhân ở đây là họ Từ sao?
Tên áo đen đáp :
- Điều đó thuộc hạ thật tình không biết.
Thiên Hương nói :
- Ngươi theo lão chủ nhân đến đây thì lúc ấy nơi này có ai không?
Tên áo đen hơi do dự?
- Điều đó... thuộc hạ không biết rõ...
Thiên Hương cau mặt :
- Không biết? Ngươi không phải điếc cũng không phải mù, đến đây hoàn cảnh như thế nào có ngươi hay không biết là sao?
Tên áo đen cúi đầu?
- Bẩm tiểu thư, thuộc hạ quả tình là không biết!
Thiên Hương nhìn hắn bằng đôi mắt khó chịu :
- Không biết thì thôi, đi đi.
Tên áo đen vừa quay đi thì bỗng trở lại ngay, hắn nói :
- May quá, lão chủ nhân đã tới.
Hắn cúi mình và lui trở ra ngoài.
Thiên Hương nghe thấy tiếng bước chân của cha mình.
Sau lưng Tổ Tài Thần là Cung Thần Kim Nguyên Bá.
Kim Nguyên Bá ăn vận vẫn luôn có vẻ sang trọng, trong khi Tổ Tài Thần vẫn cứ với bộ áo vải nhà quê.
Thật không ai biết ông ta tiết kiệm hay là cố giấu cái giàu sang của mình.
Thiên Hương đứng yên một chỗ gần như bất động, mãi đến lúc Tổ Tài Thần đến gần, nàng mới nghiêng mình thi lễ.
Kim Nguyên Bá cung kính vòng tay :
- Tham kiến cô nương.
Thiên Hương làm thinh mà cũng không buồn nhìn vào mặt hắn.
Tổ Tài Thần cười nói với con :
- Sao? Thiên Hương con vẫn chưa ngủ à?
Thiên Hương đáp :
- Thưa cha, hãy còn sớm. Ở đây buồn quá, con định ra ngoài đón gió, xem cảnh sắc về đêm ở đây, vừa ra đến cửa thì bị chặn lại. Nghe nói cha có dặn ở đây loạn lắm, nên không cho con ra ngoài.
Tổ Tài Thần gật đầu :
- Chứ sao con, con không thấy ngay cửa phòng của con cha đã phái người phòng vệ đó sao? Thiên Hương, con nên biết ở đây đã loạn mà lại còn phức tạp lắm, thêm vào đó, chỉ có mỗi mình con là gái, thuộc hạ của Sấm Vương người nào cũng quen tính tự do phóng túng, cho nên cha phải giữ gìn.
Tổ Thiên Hương hỏi :
- Đã thế thì tại sao cha lại đưa con đến đây làm gì?
Tổ Tài Thần ngập ngừng :
- Điều đó... thật thì hãy giữ chỗ nào cũng thế thôi, giờ loạn lắm không chỗ nào được yên.
Thiên Hương nói :
- Nơi nhà mình cũng có thể gọi là chỗ an toàn chứ.
Tổ Tài Thần lắc đầu :
- Nếu an toàn thì cha đâu có đi như thế này.
Nói đến đây thì hai người đã đến trước phòng. Kim Nguyên Bá bước tránh ra ngoài, Tổ Tài Thần đi thẳng vào trong.
Liếc qua khắp nơi và hỏi :
- Con vẫn còn đọc sách đó à?
Thiên Hương đáp :
- Ở không chẳng có chuyện gì, con tìm quyển sách đọc cho vui. Ở đây sách có nhiều, hình như trước kia của vị tiểu thư nào đó phải không cha?
Nàng vừa trả lời vừa hỏi, nàng muốn tìm xem bức hoa tiên chép bài phú cổ có đề hai chữ Tích Hương mà nàng vừa bắt gặp khi nãy.
Không ngờ Tổ Tài Thần hình như không chú ý về chuyện sách ở đây, ông ta lơ đãng ngồi xuống và nói :
- Ngồi đi con, cha nói chuyện cho vui.
Thấy cha mình không chú ý về câu hỏi, Thiên Hương cũng không hỏi lại, nàng khép nép ngồi xuống ghế bên.
Tổ Tài Thần trầm ngâm :
- Thiên Hương, lúc lên ba tuổi thì con đã mất mẹ rồi. Một mình cha lo chiếu cố cho con khôn lớn, phần thì phải lo sự nghiệp của nhà họ Tổ khắp nơi thật khó khăn hết sức.
Thiên Hương nói :
- Cha đã phải chịu cực khổ nuôi dưỡng con khôn lớn điều đó con đã rõ, ân đức của cha, trọn đời con không làm sao báo đáp cho xong.
Tổ Tài Thần cười cười :
- Khắp trong thiên hạ ai lại không có nuôi dưỡng cho con từ đời này sang đời khác cũng đều như thế. Đó là trách nhiêm, là nghĩa vụ, đâu có thể nói đến chuyện ân đức, chuyện báo đáp. Chỉ có điều ngày nay con đã lớn rồi, trong khi loạn lạc không biết đến bao giờ mới được yên, nên lòng cha cảm thấy bồi hồi, tùy tiện mà nói chuyện thế thôi.
Thiên Hương cúi đầu làm thinh...
Hiểu cha không ai bằng con, Thiên Hương biết không phải như cha nàng vừa nói, không phải tùy tiện như thế đâu...
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp