Chuyến Tàu 16 Giờ 50
Chương 6
Lucy ngồi vào sau tay lái, hết sức thận trọng nổ máy, cho xe chạy mỗi lúc một nhanh thêm về phía cổng vòm ra chỗ đường ray. Cô quặt xe theo lối men tường nhà máy. Đến góc phố nhỏ, cô ra khỏi xe, chạy đến chỗ đặt máy điện thoại, quay số điện của bà Marple :
Người nhấc máy là bà Florence. Cô nhờ bà mời “cụ” Marple ra cầm máy để cô nói chuyện. Thấy bà giúp việc cũ phản đối, Lucy ra lệnh:
- Bà làm ngay điều tôi yêu cầu. Mau lên!
Bà Florence thuộc loại phụ nữ khi thấy ai kiên quyết là nhượng bộ ngay.
Lát sau tiếng bà Marple ở đầu dây bên kia.
- Lucy đấy phải không? Thế nào?
Lucy thấy cổ họng nghẹn lại:
- Vậy là bà đoán đúng. Tôi đã tìm thấy...
- Xác một phụ nữ?
- Vâng! Một phụ nữ, trên phủ tấm lông thú. Xác chết được giấu trong quan tài thời cổ, trong một ngôi nhà kiểu như nhà kho, chất đủ thứ đồ cổ. Vậy tôi phải làm gì bây giờ, thưa bà? Báo cảnh sát chứ?
- Đúng thế. Báo ngay!
- Khoan đã, nhưng thế nào cảnh sát họ cũng hỏi tại sao tôi lại muốn mở nắp cái quan tại bằng đá nặng nề ấy, tôi sẽ phải bịa ra một lý do nào chứ? Lý do thì tôi nghĩ ra được ngay thôi, chỉ cần bà cho biết có cần không?
- Không cần, bà Marple vẫn nói bằng giọng dịu dàng quen thuộc. Tốt nhất, cô hãy nói sự thật, toàn bộ sự thật, không giấu giếm một chi tiết nào hết. Cô nghĩ sao, Lucy?
- Nói hết sự thật, cả chuyện về bà?
- Chứ sao nữa? Nói hết.
Lucy mỉm cười và khuôn mặt cô đã bắt đầu hồi trở lại.
- Nói thì dễ, nhưng tôi e họ khó mà tin được điều tôi sẽ nói.
Tuy nhiên, cô chào bà Marple, rồi quay số gọi đến đồn cảnh sát:
- Tôi vừa phát hiện một tử thi trong cỗ quan tại cổ bằng đá, tại một ngôi nhà cũ kỹ trong dinh cơ Rutherford Hall.
- Cái gì? - một giọng hoài nghi thốt lên ở đầu dây bên kia.
Lucy nhắc lại câu nói lúc nãy, rồi để tránh những câu hỏi hoài nghi tiếp theo, cô nói luôn tên và địa chỉ của cô. Sau đó cô đặt máy, bước lên ô tô, cho xe quay trở lại Rutherford Hall.
Về đến gian tiền sảnh, cô đứng lại suy nghĩ. Hẳn cô quyết đoán rất nhanh, bởi liền sau đó, cô đi về phía phòng đọc sách. Cửa phòng hé mở. Bên trong, Emma đang ngồi giúp cụ Crackenthorpe giải ô chữ trên tờ báo Times.
- Tôi muốn thưa chuyện riêng với cô chủ, được không ạ?
Emma hơi giật mình ngoái đầu lại, lo lắng nhìn Lucy. Tuy nhiên, cô vẫn nghĩ là điều Lucy muốn nói liên quan đến công việc nội trợ trong gia đình.
Cụ Crackenthorpe đã bắt đầu quát:
- Nói gì nói thì luôn ở đây đi!
Lucy vẫn hướng về phía con gái cụ, nói tiếp:
- Tôi muốn nói riêng với một mình cô chủ.
- Vớ vẩn! - cụ già lại quát - Định nói gì thì nói luôn ở đây!
- Yên đã, cha! - Tiểu thư Emma nói.
Trong lúc con gái đi ra phía cửa, ông cụ vẫn hét:
- Toàn chuyện vớ vẩn hết. Lúc này quan trọng nhất là bài toán ô chữ! Mọi thứ khác để sau.
Lucy lạnh lùng nói:
- Tôi e rằng những thứ khác đều không thể để sau được.
- Hỗn! - Ông cụ gầm lên.
Nhưng Emma đã ra đến hành lang.
- Chuyện gì thế? - cô hỏi - Nếu như vì cháu tôi và đứa bạn nó bắt chị phải làm thêm nhiều việc thì tôi sẽ giúp chị một tay và...
- Cô chủ lầm rồi. Lý do khiến tôi không muốn nói trước mặt cụ chủ vì nghĩ đến tình trạng bệnh tật của cụ. Tôi sợ cụ chủ bị choáng. Tiểu thư thì có thể hiểu được dễ dàng hơn: tôi phát hiện xác một phụ nữ bị bóp cổ trong cỗ quan tại thời cổ mà chắc chắn tiểu thư đã biết.
Kinh hoàng, Emma đăm đăm nhìn cô người làm, mắt không chớp.
- Một phụ nữ bị bóp cổ... trong cỗ quan tại đồ cổ? Vô lý! Không thể có chuyện ấy được!
- Đáng buồn là chuyện đó lại có thật. Tôi vừa gọi điện báo cảnh sát, họ sắp đến đây.
2 má Emma bừng đỏ tía.
- Lẽ ra chị phải xin ý kiến tôi đã chứ!
Cô đưa mắt nhìn máy điện thoại đặt ngoài hành lang.
- Sao tôi không nghe thấy gì?
- Tôi dùng máy ngoài đường.
- Sao lại phải thế? Sao chị không gọi bằng máy này?
- Tôi không muốn 2 cậu Alexander và Stoddard nghe thấy.
- Tôi hiểu. Nghĩa là họ sắp đến đây... Ý tôi nói là cảnh sát ấy?
- Họ đến rồi - Lucy nói vì cô vừa nghe thấy bánh xe ô tô lăn trên sỏi lạo xạo.
Chuông cũ kỹ đã kêu rè rè ngoài cửa.
- Tôi rất tiếc phải yêu cầu tiểu thư dự cuộc thẩm vấn - thanh tra Bacon vừa đỡ Emma bước ra khỏi “bảo tàng”, vừa nói.
Tuy toàn thân mềm oặt chỉ chực ngã xuống, nhưng Emma vẫn cố giữ dáng vẻ đĩnh đạc.
Giọng cô khản đặc:
- Tôi cam đoan chưa bao giờ nhìn thấy người phụ nữ đó.
- Hãy tạm thế đã - viên thanh tra cảnh sát nói.
- Lúc này tiểu thư cần đi nghỉ.
- Tôi phải vào xem cha tôi thế nào đã. Lúc nãy tôi gọi điện cho bác sĩ Quimper. Bác sĩ đã đến, hiện đang ở bên cạnh cha tôi.
Viên bác sĩ trong phòng bước ra đúng lúc thanh tra Bacon và Emma đi ngang qua ngoài hành lang. Cao lớn, vẻ mặt dễ mến, bác sĩ Quimper giữ thái độ bình thản khiến mọi người yên tâm.
Viên thanh tra nói:
- Tiểu thư Crackenthorpe vừa phải làm một việc hết sức đau lòng và tỏ ra quả cảm.
- Điều đó tôi không lấy làm lạ.
- Viên bác sĩ âu yếm sờ vào má Emma.
Quay về phía cô, ông ta nói:
- Tôi biết tiểu thư rất quả cảm. Cụ đã tỉnh táo lại hoàn toàn. Tiểu thư vào trò chuyện với cụ đôi chút rồi xuống phòng ăn, nhấp một ly rượu brandy. Đấy là thứ thuốc tốt nhất đối với tiểu thư lúc này.
Emma gật đầu rồi bước vào phòng chà.
Bác sĩ Quimper nói với thanh tra Bacon:
- Một phụ nữ tuyệt vời. Rất tiếc cô ấy không lấy chồng, chứ nếu lấy chồng, cô ấy sẽ là một người vợ tận tuỵ, một người mẹ tận tình. Chắc cô ấy chưa lấy vì là người phụ nữ duy nhất trong cái gia đình đông đúc này. Bà chị cô ấy lấy chồng từ năm mười bảy tuổi và đã mất.
- Có vẻ tiểu thư Emma gắn bó với cụ thân sinh đến mù quáng?
- Vâng, đúng thế. Không đến nỗi “mù quáng” như cách người ta thường hiểu, nhưng Emma có một phẩm chất ít người có, đó là luôn đem hạnh phúc đến cho những người đàn ông sống gần cô ấy. Chính vì vậy mà cô ấy không hề thấy khó chịu, khi cụ Crackenthorpe làm ra vẻ cụ là người tàn phế. Emma làm cho ông cụ tưởng cô tin điều cụ muốn làm ra vẻ. Đối với các anh em trai, cô ấy cũng có thái độ đáng quý như vậy. Cả với ông Cedric, người tưởng rằng mình là một hoạ sĩ đại tài, lẫn với ông Harold, người đinh ninh rằng những lời tư vấn của ông ta là vàng ngọc. Emma biết cách vừa giữ thái độ đúng đắn, vừa không phá đi những ảo tưởng của 2 ông anh. Cô ấy biết cả cách giấu đi những nỗi lo lắng của cô ấy khi nghe ông Alfred bộc lộ với chị các ý nghĩ mà ông ấy tự cho là khôn ngoan. Thưa ông thanh tra, tôi cam đoan cô Emma hoàn toàn không có một chút “mù quáng” nào. Nhưng ông có cần tôi làm gì thêm không? Bác sĩ pháp y Johnstone đã khám nghiệm thi thể nạn nhân rồi, vậy ông có muốn tôi ngó qua thêm nữa không?
- Nếu được thế thì tốt quá. Chúng tôi đang muốn biết lai lịch nạn nhân. Biết đâu ông bác sĩ có thể giúp chúng tôi phát hiện được điều gì. Chúng tôi không thể nhờ cụ Crackenthorpe, vì tôi e cụ “sụp” mất.
- Sụp? Đâu có chuyện! Thậm chí ông cụ sẽ không tha thứ cho ông đâu, nếu ông không để cụ ngó qua tử thi. Bởi đấy sẽ là cảnh tượng gây ấn tượng mạnh nhất cho cụ trong suốt 15 năm qua, thậm chí nhiều hơn nữa ấy chứ. Được hưởng một ấn tượng mạnh mà không phải chi ra một xu!
- Tôi tưởng cụ đang ốm nặng?
- Bệnh già, chỉ là thế thôi. Cụ năm nay 62 tuổi rồi. Tất nhiên cụ có chứng đau khớp, nhưng ai vào tuổi ấy mà không mắc các chứng xương khớp? Để cụ vui lòng, tôi quy cho việc đau khớp ấy là bệnh viêm đa khớp. Còn sau bữa ăn, tim cụ đập mạnh, thì tôi quy cho là bệnh suy tim, cốt để cụ vừa lòng. Nhưng ta không bàn đến chuyện nữa. Tóm lại, cụ Crackenthorpe chỉ là một thứ bệnh tưởng, hơi một chút là gọi tôi đến ngay! Ông biết không, chính những người ốm nặng thật sự lại luôn tỏ ra họ khoẻ mạnh. Nhưng thôi, ta sang xem cái tử thi kỳ quái ấy nào.
Viên bác sĩ xem xét rất lâu.
- Tôi không giúp gì được các ông rồi - cuối cùng bác sĩ Quimper nói. - Tôi hoàn toàn không biết người phụ nữ này. Chuyện quá lạ đấy.
Viên thanh tra cảnh sát gật đầu:
- Ta ra thôi - sau một lát ông ta nói.
- Trong này ngột ngạt quá.
Ra đến cửa, bác sĩ Quimper ngoái lại liếc nhìn “bảo tàng”, rồi gọi viên thanh tra cảnh sát:
- Quang cảnh gian nhà này ảm đạm quá. Mà ai là người đã phát hiện ra cái xác chết ấy?
- Cô Lucy Eyelesbarrow.
- Phải rồi, đó là chị gia nhân mới đến làm. Nhưng chị ta vào chỗ này làm gì? Mà sao chị ta lại nảy ý định mở nắp cỗ quan tại thời cổ này?
- Tôi cũng đang định hỏi cô Lucy Eyelesbarrow điều ấy. Nhưng ta cho mời cụ Crackenthorpe đã.
- Ông thanh tra cứ tin ở tôi.
Đầu quấn khăn kín, cụ Crackenthorpe đi đến.
- Phi lý! Quả là phi lý! Các ông biết không, tôi mua cỗ quan tại cổ này ở Italia, tại thành phố Florence, từ năm 1909, mà có thể là năm 1910...
- Xin cụ bình tĩnh cho - viên bác sĩ nói. - Cảnh tượng cụ sắp nhìn thấy tôi e sẽ làm cụ kinh tởm.
- Không sao! Tôi phải làm tròn phận sự chứ.
Cụ vào rồi ra ngay, dáng đi vội vã làm thanh tra Bacon thầm bật cười.
- Tôi không biết người phụ nữ đó là ai - cụ già làu bàu.
- Mà thế nghĩa là sao nhỉ? Tôi nhớ ra rồi, không phải Florence mà Naples. Một thứ đồ cổ rất hiếm đấy. Chẳng lẽ lại là một phụ nữ ngu xuẩn nào đó đến đây rồi chui vào đó tự tử?
Đột nhiên ông cụ nắm chặt vạt áo măng tô:
- Ôi, quá sức chịu đựng của tôi!... Tim tôi... Emma đâu rồi?
Viên bác sĩ đỡ cánh tay cụ.
- Cụ đừng lo! Về nhà cụ nhấp một chút rượu mạnh là hết ngay thôi, một ly cognac chẳng hạn.
3 người đi về phía toà nhà lớn.
- Ông cảnh sát... ông cảnh sát...
Thanh tra Bacon ngoái đầu nhìn, thấy Alexander và bạn cậu ta đang chăm chú nhìn ông, cặp mắt lộ vẻ thèm thuồng.
- Ông cho hai chúng cháu vào xem xác người chết nhé? - Alexander hỏi.
- Không được! - nhân viên thanh tra trả lời dứt khoát.
Nhưng cậu thiếu niên năn nỉ:
- Biết đâu chúng cháu nhận ra được đấy là ai. Vậy thì sao ông không cho chúng cháu nhìn một cái?
- Các cậu là ai? - Thanh tra Bacon hỏi.
- Cháu tên là Alexander Eastley, còn bạn cháu là James Stoddard West.
- 2 cậu có tình cờ nhìn thấy một phụ nữ nào lởn vởn trong khu vực này thời gian vừa qua không? Một phụ nữ tóc vòng, mặc áo măng tô lông thú ấy?
Alexander láu lỉnh đáp:
- Cháu chỉ nhớ lờ mờ. Cháu phải nhìn thấy mới có thể nhớ ra được.
- Thôi được - Viên thanh tra quay sang người trợ lý. - Dẫn 2 cậu này vào, Sander. Còn bây giờ, tôi muốn gặp riêng cô, thưa tiểu thư Eyelessbarrow.