Chuyện Quái Dị Ở Trường Học

Chương 8: Lớp sương mù thứ hai (4)


Chương trước Chương tiếp

Đợi màn hình sáng lên, tôi đã hiểu được người bố cầu xin gì ở người con gái. Người con gái phải kết hôn, đối tượng là do bố cô ta quyết định.
Hôn lễ trong thôn rất truyền thống, người con gái mặc đồ màu đỏ, ngồi trong một căn phòng nhỏ hẹp và chờ đợi. Sau khi say bí tỉ, tân lang đẩy cửa vào, tôi ngạc nhiên đến mức không cử động được. Tân lang không phải là ai khác mà chính là người thanh niên tầm thường ở trên đường ban nãy đã vô lễ với cô gái!
Hắn ta ngồi bên giường, định cởi áo quần của cô gái. Cô quay người lại và chạy trốn. Người con trai vội vàng mắng chửi, văng cho cô gái một cái tát căm hận, sau đó đè lên người cô.
Cô gái chống cự kịch liệt, người con trai vẫn tiếp tục chửi rủa cô, nét mặt thể hiện sự hung ác. Không hiểu hắn ta nói gì. Có thể là nhắc lại những gì mà cô gái không muốn nhớ lại. Điều này đã kích thích cô rất nhiều. Cô đánh vào hắn như phát điên, rồi thuận tay với lấy chiếc đồng hồ đã cũ ở bên giường đập vào trán hắn.
Người con trai khẽ kêu một tiếng rồi ngã xuống. Người con gái càng trở nên sợ hãi. Cô nhanh chóng đứng dậy, nhìn sang hai phía, hoàn toàn không biết làm thế nào. Tiếp đó, cô đột nhiên cười lên, cười như là khóc vậy. Trong bộ quần áo cưới đó, trông càng khiếp sợ hơn.
Cô đi loạng choạng ra cửa, xông thẳng vào đêm tối. Tôi đi theo cô gái chạy đến một nút đường, cô ấy vẫn không dừng lại, vẫn chạy như bay, giống như một con thiêu thân lao mình vào đống lửa.
Chỗ nút đường đó tôi thấy hơi quen, hình như đã nhìn thấy ở đâu rồi. Trong đầu đột nhiên lóe lên một cảnh tượng, tôi kinh hoàng nắm chặt bàn tay lại. Vừa nhớ ra cái nút đường đó thì tôi nhìn thấy chiếc xe tải chạy ngang qua, đâm mạnh vào người con gái ấy.
Cảnh quay trở nên chậm, tôi tận mắt nhìn thấy toàn bộ quá trình cô ấy bị nghiền nát. Mái tóc dài bay tung ra, khuôn mặt trắng bệch trong giây lát, hai con ngươi đột nhiên thu nhỏ lại để lộ ra đôi mắt trắng dã, ngón tay cái đâm sâu vào lòng bàn tay... Đó là toàn bộ quá trình từ một người biến thành một con quỷ!
Một tiếng chạm đất lớn dao động trong tim tôi, mặc dù không có âm thanh gì truyền tới.
Máu bắn tung tóe! Bắn vào khắp cả màn hình, gây lóe cả mắt. Hình ảnh bắt đầu trở sang màu đen trắng, một con đường nhỏ có trải một chất dịch tối màu, đó chính là avatar trên MSN của Tiểu Thanh!
Tôi nhìn màn hình một lúc lâu và đờ người ra, nói không ra câu nào. Sau khi tỉnh lại, tôi thử đứng dậy và rồi lại đâm vào tủ đựng tài liệu trên chiếc bàn. Chiếc tủ bằng nhựa đó là của chị Lư, nhìn thấy sách vở, giấy tờ bên trong rơi tung tóe xuống nền nhà, tôi vội vàng ngồi xổm xuống nhặt chúng lên. Trong vô ý, tay tôi cầm lấy một cuốn an bum, tôi nhớ ra đó là cuốn an bum mà chị Lư đã ngậm ngùi nước mắt trong khi xem.
Tôi mở cuốn an bum ra, khi giở đến giữa cuốn, toàn thân tôi cứng đờ lại, cảm giác lạnh sinh ra từ trong tim. Trong tập ảnh cũ đó, ngoài chị Lư ra, tôi nhìn thấy một gương mặt quen, đó là gương mặt trong đĩa DVD ban nãy! Thế là tôi quyết định đi tìm chị Lư.
Nhà người dì của chị Lư là một căn nhà có cửa bằng đá. ở nơi này, có lẽ tâm trạng chị sẽ khá hơn. Sau khi mời tôi ngồi xuống, chị Lư hỏi:
- Sao lại có thời gian đến thăm chị thế này, tìm được việc rồi à?
Chẳng có chút khách khí nào, tôi vào đề luôn:
- Chị Lư này, em muốn hỏi chị về chuyện năm năm trước, chuyện người nữ sinh bị đuổi học do mang thai đấy. Năm đấy chị học năm thứ nhất, chắc chị vẫn nhớ.
Nụ cười của chị Lư sau khi nghe xong đoạn vừa rồi đã bị chặn lại. Chị không nhìn tôi mà liếc sang chỗ khác nói:
- Xin lỗi, chị không biết.
Lời từ chối như trong dự đoán khiến tôi lo lắng, tôi nói:
- Chị Lư, em đang viết một bài phỏng vấn. Một người phụ nữ tên Tiểu Thanh tự động liên lạc với em, cô ấy nói cô ấy chưa có chồng mà đã có con. Cô ấy không biết bố đứa trẻ là ai, em nghi ngờ...
- Thôi đủ rồi!
Chị Lư cắt ngang lời tôi, hỏi rằng:
- Em viết chuyện đi được không? Lại còn viết cả bài phỏng vấn làm gì nữa chứ? Muốn làm nữ hiệp về tin tức à?
- Bây giờ không phải là lúc để hỏi xem em viết cái gì. Chị có biết không, học viện lại có một người chết, là Trương Na phòng 308!
Tôi nói có đôi chút kích động, nhìn thấy gương mặt chị Lư như là khó tin, tôi ổn định lại tinh thần rồi nói tiếp:
- Chị Lư, chị từng là một quân nhân. Em biết chị không hề muốn né tránh tất cả mọi chuyện. Thông báo cho các phương tiện truyền thông về chuyện của năm năm trước, xóa bỏ căm phẫn giúp người con gái đó, người làm những việc này sẽ là chị chứ?
Mắt của chị Lư mọng nước, chị lắc đầu nói rằng:
- Không có ích gì đâu, mối hận đó sâu lắm, không chỉ bắt nguồn từ một mình cô ấy đâu...
Tôi đỡ đôi vai của chị Lư lên và hỏi:
- Cô ấy là ai?
Chị Lư nhìn tôi, một hồi lâu không nói. Cuối cùng chỉ thở một hơi dài, khẽ nói:
- Cô ấy là Từ Lệ Thanh, là bạn cùng học đại học năm thứ nhất của chị. Bị cưỡng bức sau đó mang thai, rồi trường đuổi học. Sau khi về quê không lâu, cô ấy bị một tai nạn ô tô cướp đi sinh mạng.
Từ lúc tôi xem đoạn DVD đó, xem tập ảnh của chị Lư xong thì cái chết của Tiểu Thanh đã nằm trong dự đoán của tôi. Tôi muốn an ủi chị Lư song chẳng tìm ra từ nào cả, không biết nên nói gì cả.
Đối diện với chiếc ghế ngồi có đặt một chiếc bàn trang điểm kiểu cũ, một tấm gương thật to chiếu thẳng vào tôi. Tôi nhìn vào chiếc gương, trong phút chốc, chén trà trong tay tôi đột nhiên rơi xuống. Chỉ bởi vì trong gương xuất hiện một gương mặt kì lạ ngồi ở chỗ tôi, nhưng không phải là tôi. Cái ánh mắt căm hận, sầu não đó rõ ràng là của Tiểu Thanh!
- Chị Lư... gương gương...
Tôi nói lung tung và chỉ tay vào chiếc bàn trang điểm mà gọi lớn. Cùng lúc đó, tấm gương "rắc" một tiếng, từ phần giữa nứt ra một khe hở, khảm sâu vào giá gương, giống như một nỗi hận thù không hóa giải nổi.
Chị Lư nhìn vào gương, như đang nói chuyện với một người khác trong không gian vậy:
- Lệ Thanh, nhìn thoáng hơn đi, mọi chuyện đều là quá khứ rồi.
Lần này chiếc gương vỡ luôn ra, giống như đang trả lời một cách dứt khoát. Nhìn thấy cảnh này, chị Lư ứa nước mắt, khuyên tôi rằng:
- Em đi về đi, cô ấy không bỏ qua chuyện đó đâu.
- Việc gì mà em đã quyết định làm, kể cả có thất bại em cũng phải thử.
Câu nói đó tôi nói khi tôi nắm bàn tay lại và nhìn vào những mảnh thủy tinh vỡ trên nền nhà.
Nhìn thấy tôi kiên quyết như vậy, chị Lư đuổi tôi về. Tôi không chịu bỏ qua mà đứng ở trong ngõ, hét lớn lên:
- Chị Lư, em không đi đâu, em ở dưới nhà đợi đến khi chị chịu nói mới thôi.
Lúc trời nhá nhem tối thì có mưa. Để tránh lỡ chuyện với chị Lư, tôi đã đưa cho một đứa trẻ một ít tiền, nhờ nó đi đến quầy ăn sẵn mua hộ cho ít lương khô, còn mình vẫn tiếp tục đợi.
Cuối cùng, cửa sổ nhà chị Lư cũng đã mở ra, nhìn thấy tôi vẫn đứng dưới cửa, chị quay người đi xuống dưới nhà.
- Vào đây đi, nếu em đã muốn đi sâu vào chuyện này thì chị nghĩ Lệ Thanh cũng sẽ không để bụng việc em biết nhiều hơn.
Quay lại phòng của chị Lư, những mảnh vỡ trên mặt đất đã được quét dọn sạch sẽ. Chị bảo tôi thay bộ quần áo ướt ra rồi nói:
- Ban đầu khi sự việc xảy ra, em cũng đã biết. Thực ra từ sau khi bị cưỡng bức, cuộc sống của Lệ Thanh không hề tốt đẹp. Khoa xóa bỏ chức vụ trong hội sinh viên của cô, tên cô trở thành một chủ đề nóng. Cho dù là trong giảng đường, nhà ăn, phòng tắm đều có sinh viên chỉ vào mặt cô ấy, thì thầm với nhau rằng, đó là Từ Tiểu Thanh - người bị cưỡng dâm đấy.
Tôi im lặng nghe chị Lư kể lại. Tôi như được bay về khoảng thời gian năm năm trước.
So với việc chèn ép của các sinh viên thì việc học viện khai trừ thân phận đã đánh đòn chí mạng vào Lệ Thanh. Cô ấy đã từng khóc lóc cầu xin chủ nhiệm khoa giúp đỡ, nhưng cái mà cô nhận được lại là sự lạnh nhạt.
Từ Lệ Thanh đến từ thôn nhỏ không có tên, bị bịt kín, lạc hậu. Từ một nơi nghèo khổ như vậy mà được bước vào học ở một trường nằm trong một thành phố cao chọc trời, đó là thứ mà cô theo đuổi cả trong mơ. Nhưng cho tới ngày hôm nay, thành phố ấy đã gạt bỏ cô đi. Chị Lư đã từng hỏi cô ấy, có cần một khoản tiền không để bỏ đứa trẻ đi. Từ Lệ Thanh không đáp, lòng bàn tay nắm chặt tới mức bị ngón cái đâm tới chảy máu.
Từ Lệ Thanh sau khi bị đuổi học không hề về nhà mà vẫn tiếp tục ở lại Thượng Hải, trở thành một phần tử trong số vô số những người lang thang trong thành phố không có ban đêm này. Một ngày hơn nửa năm sau đó, cô quay lại trường vào ban đêm, tay xách một chiếc bao tải nặng nề, đi vào trong nhà vệ sinh nữ trên tầng ba...
Sau khi chuyện đó kết thúc, trong thư của Từ Lệ Thanh viết cho chị Lư có nói rằng cô vô cùng hối hận. Cô ấy nói rằng, mình đã vứt đi đứa con trai do chính mình sinh ra. Nếu không phải do đứa trẻ đó thì cô cũng không bị khai trừ. Từ Lệ Thanh không còn một cái gì nữa. Sau khi suy nghĩ, cô càng cảm thấy căm hận Học viện Ngoại thương hơn, căm hận thành phố không có tình người này. Cô ấy lựa chọn việc vứt đứa con vừa mới sinh vào phòng vệ sinh trong kí túc khi xưa, khiến cho trường này mang tiếng ác, từ đó báo thù cho mình.
Trước khi cho đứa trẻ vào trong bao tải, cô đã giết nó trước. Nhìn đứa con còn dính đầy máu, Từ Lệ Thanh đau đớn không muốn sống. Cô đã không còn là người nữa, cô đã trở thành một con quỷ sát nhân.
Xác đứa trẻ được phát hiện. Sau khi cơ quan công an vào nhập cuộc, họ chỉ coi vụ này như một vụ vứt con bình thường. Những sinh viên biết được chân tướng vụ việc đều được gọi lên khoa, tiến hành đả thông tư tưởng, từ đó không ai nhắc tới vụ này nữa. Trong số đó có cả chị Lư.
Từ Lệ Thanh viết rất nhiều thư cho chị Lư. Cô ấy nói rằng mình mất ngủ cả đêm, vừa chợp mắt thì lại nghĩ tới đứa con đã chết. Thằng bé người đầy máu, vẫn còn mang cuống rốn nhìn cô ấy với ánh mắt căm hận. Nó còn trèo lên bú sữa của chị, hỏi chị rằng tại sao lại vứt nó đi.
Thư trả lời lại của chị Lư đã không dập tắt được nỗi sợ hãi của Từ Lệ Thanh. Cô ấy không thể sống ở Thượng Hải nữa, ở đây có quá nhiều những kí ức làm cô sụp đổ. Từ Lệ Thanh quay về thôn nhỏ. Việc đột ngột quay lại ấy cùng với tình trạng sức khỏe của cô đã khiến người dân trong thôn nghi ngờ.
Việc quay về của cô ấy, cuối cùng cũng đã bị lộ. Người dân trong thôn cười nhạo chế giễu cô, mấy thanh niên từng theo đuổi cô đã không thấy bóng dáng. Từ Lệ Thanh lại viết thư cho chị Lư, nói rằng bố cô bắt cô lấy một người đàn ông lười biếng. Vì rằng lúc ấy trong thôn chỉ còn mỗi người ấy muốn loại phụ nữ không còn sạch sẽ như cô.
- Chị chính thức biết Từ Lệ Thanh xảy ra chuyện là trước khi chị nhập ngũ. - Chị Lư khẽ nói -Lúc đó bọn chị lâu lắm rồi không viết thư cho nhau. Trước khi chị vào bộ đội, chị đã đi đến quê cô ấy một lần, mới phát hiện... - Chị Lư nghẹn ngào không nói nên lời.
Tôi nghe xong, có một chút gì đó căm hận vì không thể trách cứ việc Từ Lệ Thanh bỏ đi đứa con, suy cho cùng cô ấy cũng đã chết thảm, đã phải trả giá. Tôi kéo tay chị Lệ, nói:
- Em muốn được cùng chị đưa chuyện bất công của Từ Lệ Thanh ra ánh sáng có được không?
Chị Lư rút tay ra, nói một cách bất lực:
- Chị đã làm những gì nên làm rồi.
Mối hận của Từ Lệ Thanh sâu như vậy, chị Lư có đưa ra quyết định đó thì cũng là chuyện thường tình. Tôi không hề trách móc chị.
Sau khi ra khỏi cửa đá, tôi lập tức về phòng ngủ và viết bài thâu đêm. Tôi đem chuyện Từ Lệ Thanh bị cưỡng ép rồi mang thai, sau đó lại bị đuổi học, chuyện trường giấu kín mọi chuyện với bên ngoài, viết thành một bản tin.
Đương nhiên, tôi biết thân phận trước mắt của mình là một phóng viên, những thứ viết ra phải có độ tin cậy. Do vậy, những chuyện kì lạ không thể giải thích được kia đều không được xuất hiện trong bài viết.
Động cơ của tôi là trả lại cho Từ Lệ Thanh một con đường công lý.
Ngày thứ hai, tôi gửi bài viết của mình lên ban biên tập. Người tiếp tôi là tổng biên tập tờ "Thân báo". Bởi vì trước đó, tôi đã nói với người bạn làm biên tập của tôi rằng, tin tức lần này gửi đến nhất định phải do tổng biên tập đích thân kiểm tra.
Tổng biên tập là một người tuổi gần năm mươi. Rất may là, dưới sự yêu cầu của tôi, ông ấy không hề đặt ra những câu hỏi hóc búa. Sau khi đọc xong bài viết của tôi, ông nói:
- Tiểu Đào à, một tin chuyên đề có được đăng hay không buộc phải xem tính chân thực và khả năng ảnh hưởng tới xã hội của nó. Tin của cháu có đáng tin không? Tại sao nó lại bị giấu kín lâu như vậy?
- Dạ! Thưa Tổng biên tập, chính vì bị giấu kín lâu ngày như vậy nên mới có mong muốn được đào lên. Từ Lệ Thanh tuy đã chết nhưng hiện tại đại đa số những sinh viên nữ chưa chồng mà chửa vẫn còn giữ thái độ cứng nhắc. Muốn kêu gọi sự quan tâm của tất cả mọi người thì câu chuyện của Học viện Ngoại thương là điểm tiếp cận tốt nhất.
Câu nói của tôi đã làm xúc động ông tổng biên tập. Một tuần sau, trên bản tin xã hội của "Thân báo" có đăng về cảnh ngộ của người đã chết Từ Lệ Thanh. Báo vừa được đăng, các phương tiện truyền thông lần trước một lần nữa lại đến học viện. Rất nhiều các máy ảnh đã chiếu thẳng vào những thầy cô giáo năm xưa đã xử cho Từ Lệ Thanh.
Chuyên đề của "Thân báo" vẫn được tiếp tục, dưới ánh đèn sáng chói, những bức ảnh ngôi trường che giấu tội ác đã được chụp. Không lựa chọn bút danh nào, dòng ghi tên người viết vẫn in đúng họ tên của tôi. Cũng vì vậy, chủ nhiệm khoa đã tìm tôi nói chuyện. Ông ấy nói với tôi, Đào Tử đã học năm thứ tư rồi, không đơn giản đâu! Hơi đâu mà đi lo chuyện của người khác thế? Biết viết văn, chẳng có gì là tài giỏi cả. Vấn đề là ở chỗ, phải biết chuyện nào nên viết, chuyện nào nên che mắt bàng quan.
Tôi không nói một câu nào, rời khỏi văn phòng chủ nhiệm. Đối với bộ mặt của trường, tôi không có gì để nói.
Độc giả gửi rất nhiều thư đến, có người muốn biết tình hình gần đây của bố Từ Lệ Thanh. Tòa soạn báo đã chi cho tôi tiền công tác phí để cử tôi đến quê của Từ Lệ Thanh, thu thập một số tư liệu. Lại một lần nữa tôi tìm đến chị Lư, có thể nhận thấy, chị vẫn còn để tâm tới cái chết của người bạn, nên đã đồng ý đi cùng tôi về quê Từ Lệ Thanh.
Xuống tàu hỏa, chúng tôi lại ngồi trên chiếc xe buýt, lắc lư gần được hai tiếng đồng hồ. Chị Lư đưa tôi vào trong thôn. Những cảnh tượng đập vào mắt đều đã được xem trong DVD, tôi không cảm thấy lạ lẫm. Chúng tôi dừng lại trước một căn nhà đất màu vàng chật hẹp, một người già khắc khổ bước từ trong ra, tôi nhận được ra đó là bố của Tiểu Thanh.
Thời gian trôi qua và cảnh vật đã thay đổi, ông nhất thời không nhận ra được chị Lư, ông hỏi:
- Các cháu tìm ai thế?
Tôi bước lên trước nói rằng:
- Chào bác ạ, chúng cháu đến từ Thượng Hải, là bạn cùng trường với con gái bác. Chuyện của chị ấy đã được sửa lại, hiện nay rất nhiều người trong thành phố quan tâm tới cuộc sống của bác ạ.
Tôi luôn mồm nhắc tới Thượng Hải, mà người già sống trong nơi nghèo khó, hẻo lánh thế này sẽ hơi có một chút ngưỡng mộ. Họ không biết rằng, con gái của họ đang thoi thóp hơi tàn trong thành phố, bị đối xử không công bằng, không có tình người.
Ông lão than một hơi dài:
- Nó đã đi được lâu thế rồi còn nhắc tới chuyện đó làm gì? Chỉ trách bác, là bác bắt nó kết hôn...
Khi nói câu trên, mắt ông chứa đầy những giọt lệ vẩn **c.
Sau khi nghe chị Lư trình bày lại mục đích của lần đến này, ông lão dường như đã nhận được ra chị. Ông đưa chúng tôi đến chỗ mộ của Từ Lệ Thanh.
Sau khi dâng hương xong, quay trở về, đi qua một nút đường, đó là cảnh cuối cùng trong đĩa DVD được lặp lại trong giây lát. Tôi lặng lẽ bước ra chính giữa nút đường đó, ngồi người xuống, vuốt ve chỗ mặt đất lồi lõm ấy:
- Chính tại chỗ này, Tiểu Thanh đã chết ở chỗ này.
Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn cảm nhận được đất ở đây còn nhuộm một màu đỏ nhạt. Gió to đột nhiên thổi lên, cỏ trên núi nhảy múa, hồn người trẻ tuổi khó ra đi. Di động của tôi bỗng nhiên reo chuông, vang dội giữa khe suối, nghe rất khó chịu.
- Alô!
Cùng với tiếng gió, tôi cố gắng nói to, đột nhiên nghe thấy Trần Thần đang ở đầu bên kia khóc không thành tiếng. Trong lòng tôi lạnh hẳn đi, vội vàng hỏi:
- Xảy ra chuyện gì thế?
- Thịnh Tịnh Khiết xảy ra chuyện rồi, cô ấy cũng bị xác đứa trẻ quấy nhiễu.
Chỉ một câu ngắn thế thôi, nhưng suýt nữa khiến tôi ngã xuống, may có chị Lư đi tới đỡ tôi dậy.
Tôi đờ người tắt điện thoại đi, nhìn chằm chằm vào chị Lư:
- Vẫn chưa hết à? Cô ta muốn thế nào? Tại sao vẫn có người xảy ra chuyện?
Chị Lư cười đau khổ, không đáp lại gì. Còn tôi đột nhiên nhớ ra chị đã từng nói một câu, một câu nói chí mạng mà cũng quan trọng: Mối hận đó sâu quá, không chỉ xuất phát từ cô ấy đâu!
Thịnh Tịnh Khiết sống trong một ngôi biệt thự ở Thượng Hải vô cùng xa hoa, nhưng do nỗi cô độc của cô nên nó trở nên trống trải, tẻ nhạt. Tôi cùng với Trần Thần bước qua chỗ bể bơi được thiết kế ngoài trời rồi bước vào phòng chính. Tôi hỏi:
- Một căn nhà to thế này mà chỉ mỗi mình Thịnh Tịnh Khiết ở thôi sao?
Trần Thần vừa đi vừa than thở:
- Trước đây thì thế, nhưng bây giờ người ta ra hạn cho cô ấy phải chuyển đi trước tháng sau.
Tôi đã từng đọc một bài văn, nó miêu tả sự chờ đợi của ba loại người phụ nữ. Thứ nhất là phi tần trong cung đợi Thiên tử đến, đợi đến bạc đầu. Thứ hai là những người phụ nữ trong thời chiến tranh thủ tiết đợi chồng, chỉ vì câu nói "anh sẽ quay về" mà ngày ngóng đêm trông. Thứ ba là những người tình trong thành phố, họ không nhìn thấy được ánh sáng, chỉ chờ đợi trong bóng đêm sự xuất hiện lần tiếp theo của người đàn ông. Mà Thịnh Tịnh Khiết thuộc vào loại thứ ba.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...