Chuỗi Án Mạng A.B.C
Chương 33: Alexander bonaparte cust
Tuy nhiên, ông kể cho tôi chi tiết sự việc diễn ra giữa họ nên tôi có thể tự tin viết xuống rành rọt như thể tôi đã có mặt ở đó.
Ông Cust co rúm người lại khiến lưng càng khòm xuống nhiều hơn. Mấy ngón tay ông cứ vô thức búng búng vào áo khoác mình.
Tôi tưởng tượng ra Poirot ngồi im lặng và nhìn người đàn ông ngồi đối diện một hồi lâu.
Không khí đã trở nên yên bình, dễ chịu, và thư thả hơn...
Hẳn đó là khoảnh khắc đầy kịch tính khi hai đối thủ gặp nhau trong một vở kịch dài dằng dặc. Nếu tôi là Poirot, có lẽ tôi sẽ thấy rất hồi hộp kịch tính.
Tuy nhiên, Poirot không thế, ông rất thản nhiên. Ông chú tâm tạo một chút ảnh hưởng lên người đàn ông đối diện.
Cuối cùng ông nhỏ nhẹ nói:
“Ông có biết tôi là ai không?”
Người kia chỉ lắc đầu.
“Không, không, chắc là tôi không biết. Hay ông là người của ông Lucas? - Họ gọi là gì nhỉ? - Cấp dưới. Hay có thể ông Maynard cử ông đến?”
(Maynard và Cole là các luật sư biện hộ).
Giọng ông Cust lịch sự nhưng không hào hứng lắm. Dường như ông ta đang mải mê với cái thế giới trừu tượng bên trong con người mình.
“Tôi là Hercule Poirot...”
Poirot nói ra những từ ấy rất nhẹ nhàng... và đợi đối phương phản ứng.
Ông Cust hơi ngẩng đầu lên.
“Ồ, vậy à?”
Ông ta nói câu đó tự nhiên theo kiểu thanh tra Crome hay nói - nhưng không hề có chút gì là hợm hĩnh cả.
Rồi vài phút sau, ông ấy lặp lại câu đó.
“Ồ, vậy à?” ông nói, và lần này giọng khác hẳn - có chút gì đó quan tâm và tỉnh táo hơn. Ông ta ngẩng đầu lên nhìn Poirot.
Hercule Poirot cũng nhìn lại và gật đầu một hai lần gì đó.
Ông nói: “Đúng thế. Tôi là người mà ông đã viết thư đây”.
Ngay lập tức ông Cust không nhìn Poirot nữa. Ông ta cụp mắt xuống và nói với vẻ bực mình cáu kỉnh.
“Tôi chưa bao giờ viết thư cho ông cả. Những lá thư đó không phải do tôi viết. Tôi đã nói đi nói lại mấy lần rồi mà”.
Poirot đáp: “Tôi biết chứ. Nhưng nếu ông không viết thì ai viết?”
“Kẻ thù. Chắc tôi có kẻ thù. Họ đều hại tôi. Cảnh sát... tất cả mọi người... đều chống lại tôi. Đó là một âm mưu rất lớn”.
Poirot không nói gì.
Ông Cust nói tiếp:
“Mọi người đều chống lại tôi... lúc nào cũng thế”.
“Ngay cả khi ông còn nhỏ ư?”
Ông Cust có vẻ như đang cân nhắc câu trả lời.
“Không... không phải... hồi đó thì không. Mẹ tôi rất yêu quý tôi. Nhưng bà tham vọng lắm... cực kỳ tham vọng. Đó là lý do vì sao mẹ đặt cho tôi cái tên kỳ quặc ấy. Mẹ có một ý nghĩ buồn cười là sau này tôi sẽ trở thành một nhân vật tầm cỡ thế giới. Mẹ luôn giục tôi phải khẳng định mình - nói về ý chí... mẹ bảo ai cũng có thể làm chủ số phận của mình... mẹ bảo tôi có thể làm bất kỳ điều gì!”
Ông ta im lặng một chốc.
“Đương nhiên mẹ tôi hoàn toàn sai. Tôi tự nhận ra điều đó khá sớm. Tôi không phải là loại người có thể thăng tiến trong cuộc sống. Tôi luôn làm những điều ngu ngốc - tôi cư xử kỳ quặc. Và tôi rất nhút nhát - tôi sợ con người. Ở trường tôi rất khổ sở- bọn con trai biết được tên của tôi và trêu tôi suốt... Ở trường tôi rất tệ - cả trong các hoạt động vui chơi cho đến học tập và mọi thứ khác”.
Ông ta lắc đầu.
“May mà mẹ tôi đã qua đời. Lúc nào bà cũng thất vọng... Ngay từ hồi học ở trường Cao đẳng Thương mại tôi học rất ngu - tôi mất thời gian nhiều hơn người khác khi học đánh máy và tốc ký. Tuy thế tôi không hề thấy mình ngu - ông hiểu ý tôi chứ”.
Ông ta đưa mắt nhìn Poirot với vẻ van lơn.
“Tôi hiểu ý ông mà. Ông cứ kể tiếp đi”. Poirot đáp.
“Chỉ là tôi có cảm giác mọi người nghĩ tôi ngu. Điều đó khiến tôi như tê liệt đi. Sau đó khi đi làm tôi cũng bị thế”.
Poirot nhắc: “Và sau đó ra chiến trường ông vẫn bị thế à?”
Bỗng dưng mặt ông Cust sáng bừng lên.
Ông ta nói: “Ông biết không, tôi thích chiến trường lắm. Những gì tôi trải nghiệm ở đó, tôi rất thích. Lần đầu tiên tôi có cảm giác mình cũng như bao nhiêu người khác. Chúng tôi đều như nhau. Tôi có thua kém gì ai đâu”.
Nụ cười trên môi ông ta dần tắt.
“Và rồi tôi bị thương vào đầu. Bị nhẹ thôi. Nhưng họ phát hiện ra tôi hay bị kích động... Đương nhiên tôi biết có những lần tôi không ý thức được mình đang làm gì nữa. Bị đãng trí ấy mà. Và đương nhiên, một vài lần tôi còn bị ngã. Nhưng tôi nghĩ chắc không phải vì thế mà họ cho tôi giải ngũ. Không, tôi không nghĩ thế”.
Poirot hỏi: “Rồi sau đó thì sao?”
“Tôi kiếm được một chân làm thư ký. Đương nhiên, hồi đó tôi cũng kiếm được kha khá tiền. Và sau khi giải ngũ tôi sống cũng không đến nỗi tệ. Dĩ nhiên là lương tiền ít hơn bây giờ... Và... tôi không được thăng tiến gì. Tôi thường bỏ lỡ những cơ hội lên chức. Tôi chưa cố gắng nhiều. Càng ngày càng khó khăn hơn... khó khăn hơn... Đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế. Nói thật với ông, lúc đó tôi kiếm không đủ tiền mà sống (và làm thư ký thì vẻ bề ngoài cũng phải coi cho được) thì tôi được công ty chuyên sản xuất bít tất nhận vào làm. Tôi vừa có lương vừa có tiền hoa hồng!”
Poirot nhẹ nhàng hỏi:
“Nhưng ông có biết là cái công ty mà ông bảo ông làm việc cho họ nói rằng họ không hề thuê ông không?”
Ông Cust lại bị kích động.
“Đó là vì họ có âm mưu - hẳn là họ đang có mưu đồ gì đó”.
Ông ta nói tiếp:
“Tôi có chứng cứ viết tay - chứng cứ viết tay hẳn hoi. Tôi còn giữ những bức thư họ gửi để hướng dẫn tôi những nơi cần đến và danh sách những người tôi phải chào hàng”.
“Thật ra không phải là chứng cứ viết tay mà là chứng cứ đánh máy”.
“Cũng như nhau cả thôi. Đương nhiên một công ty sản xuất hàng bán si lớn như thế thì phải đánh máy thư từ chứ”.
“Ông Cust, ông không biết là máy đánh chữ có thể nhận dạng được sao? Tất cả các lá thư đó đều được đánh từ một chiếc máy đấy”.
“Thì sao chứ?”
“Mà cái máy đó là của ông - cái máy tìm thấy trong phòng của ông đấy”.
“Cái máy đó công ty gửi cho tôi khi tôi mới được nhận vào làm mà”.
“Vâng, nhưng những lá thư này được nhận sau đó. Vì thế có vẻ như ông đã tự mình đánh máy chúng và gửi đi đúng không?”
“Không, không phải! Đó chỉ là mưu đồ hãm hại tôi thôi!”
Đột nhiên ông nói thêm:
“Ngoài ra, những lá thư của họ cũng được đánh bằng một loại máy giống thế”.
“Giống loại máy nhưng không phải là cùng một máy”.
Ông Cust khăng khăng lặp lại:
“Đó là một âm mưu!”
“Và mấy quyển thông tin đường sắt A B C cũng được tìm thấy trong tủ của ông mà?”
“Tôi chẳng biết gì về mấy quyển đó cả. Tôi tưởng mấy thùng họ gửi chỉ toàn bít tất”.
“Sao ông lại đánh dấu tên bà Ascher trong danh sách đầu tiên ở Andover?”
“Bởi vì tôi quyết định bắt đầu từ nhà bà ấy. Người ta phải bắt đầu từ đâu đó chứ”.
“Vâng, đúng thế. Người ta phải bắt đầu từ đâu đó chứ”.
Ông Cust nói: “Ý tôi không phải thế! Ý tôi không giống như ý ông đang ám chỉ đâu!”
“Ông biết tôi đang ám chỉ điều gì à?”
Ông Cust không nói gì. Ông đang run lẩy bẩy.
Ông nói: “Tôi không làm chuyện đó! Tôi hoàn toàn vô tội! Tất cả đều là sự nhầm lẫn. Ờ, ví dụ vụ án thứ hai - cái vụ ở Bexhill nhé. Lúc đó tôi đang chơi domino ở Eastbourne. Ông phải thừa nhận điều đó chứ!”
Giọng Cust có vẻ đắc thắng.
Poirot nói, giọng ông đăm chiêu nhưng ngọt xớt: “Vâng. Nhưng việc ghi sai một ngày thì quá dễ nhỉ? Và nếu ông cũng ương bướng cứng đầu như anh chàng Strange, thì ông chẳng bao giờ nghĩ có khả năng ông sẽ mắc lỗi cả. Những gì ông đã nói thì ông cứ bám riết nó thôi... Anh ta là loại người thế đấy. Còn về sổ đăng ký lưu trú khách sạn người ta rất dễ ghi nhầm ngày khi họ ký tên - có thể lúc ấy chẳng ai để ý điều đó”.
“Tối đó tôi đang chơi domino mà!”
“Hình như ông chơi bài domino rất giỏi nhỉ”.
Câu đó khiến Cust khá bối rối.
“Tôi... tôi, ờ, tôi cũng nghĩ vậy”.
“Trò này hấp dẫn và đòi hỏi nhiều kỹ thuật chơi đúng không?”
“Ồ, có nhiều cách chơi lắm, nhiều lắm! Hồi trước chúng tôi hay chơi trong thành phố vào giờ ăn trưa. Ông sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những người hoàn toàn xa lạ tụ tập lại với nhau để chơi domino”.
Ông cười khúc khích.
“Tôi nhớ một anh nọ - anh này tôi không thể quên được vì những gì anh ta nói với tôi - chúng tôi vừa uống cà phê vừa nói chuyện và chúng tôi chơi domino. Ờ, chỉ sau 20 phút tôi thấy như tôi đã hiểu anh ta từ lâu lắm rồi”.
Poirot hỏi: “Anh ta đã nói với ông điều gì thế?”
Mặt ông Cust tối sầm lại.
“Những lời anh đó nói khiến tôi sợ - sợ hãi khủng khiếp. Anh ta bảo số phận của con người được viết trong lòng bàn tay của họ. Rồi anh ta đưa tôi xem bàn tay của anh ta và mấy đường chỉ tay chỉ ra rằng anh ta đã từng hai lần suýt chết đuối - và anh ta đã suýt chết hai lần thật. Rồi anh ta nhìn chỉ tay của tôi và phán những câu hết sức kỳ lạ. Anh ta nói tôi sẽ trở thành một trong những người nổi tiếng nhất nước Anh trước khi tôi qua đời. Và nói là cả nước sẽ bàn tán về tôi. Nhưng anh cũng nói... anh ta nói...”
Ông Cust trở nên suy sụp... ông ấp úng...
“Nói sao?”
Cái nhìn của Poirot đầy sức hút. Ông Cust nhìn ông rồi quay đi rồi nhìn lại như một con thỏ đang sợ hãi.
“Anh ấy nói... nói rằng... có vẻ tôi sẽ chết bất đắc kỳ tử - anh ta cười rồi nói: ‘Có vẻ như ông sẽ bị tử hình’, rồi anh ta cười bảo là anh chỉ nói đùa thôi...”
Bỗng dưng ông Cust trở nên im lặng, ông không nhìn Poirot nữa - mắt ông liếc qua liếc lại...
“Đầu tôi... Tôi bị đau đầu ghê gớm... chứng đau đầu đôi khi là một căn bệnh dã man. Và có những lúc tôi không biết - tôi không biết...”
Ông ta suy sụp.
Poirot chồm tới trước. Ông nói rất khẽ nhưng rất quả quyết.
“Nhưng ông biết ông đã gây ra án mạng đúng không?”
Ông Cust nhìn lên. Cái nhìn bình thường và trực diện. Tất cả những sự chống cự đều tan biến. Kỳ lạ thay ông ta trông rất bình an.
“Vâng, tôi biết”. Ông nói.
“Nhưng ông không biết tại sao ông lại ra tay? Tôi nói thế có đúng không?”
Cust lắc đầu.
Ông đáp: “Không, tôi không biết”.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp