Chúa Có Đó Không? Là Con, Margaret

Chương 3


Chương trước Chương tiếp

Ngày hôm sau, chúng tôi đến cửa hàng ngũ kim để mua một cái máy xén cỏ loại xịn. Tối đó, sau bữa tối đầu-tiên-tại-nhà-ở-New-Jersey (có bánh sandwich gà tây mua ở nhà hàng ẩm thực trong vùng), bố ra vườn, dùng cái máy mới mua bắt đầu xén cỏ. Ở sân trước, bố làm rất tốt, nhưng khi vòng ra sân sau để xén tiếp, bố phải xem túi đựng cỏ của máy đã đầy chưa. Việc đó thì không khó khăn gì. Chủ cửa hàng ngũ kim cũng đã làm mẫu cho bố xem. Chỉ có điều là trước khi thò tay vào trong thì phải tắt máy, nhưng bố quên khuấy mất.

Tôi nghe thấy tiếng bố hét, “Barbara... anh cắt vào tay rồi!” Rồi bố lao vào trong nhà, chộp lấy cái khăn, quấn quanh ngón tay trước khi tôi kịp nhìn xem nó thế nào. Sau đó, bố ngồi phịch xuống sàn, mặt tái hẳn đi.

“Ôi Chúa ơi!” mẹ tôi kêu lên khi nhìn thấy máu thấm qua lớp khăn dày. “Có bị rời hẳn ra không anh?”

Vừa nghe thế, tôi vội lao ra ngoài tìm mẩu tay của bố. Không biết mẹ đang nói đến một ngón hay cả bàn tay, nhưng tôi từng đọc được là khi bộ phận nào trên người bị cắt rời thì phải nhanh chóng tìm lại vì bác sĩ có thể nối lại được. Tôi nghĩ mình thật có ích khi biết lo lắng những việc như thế. Nhưng tôi không tài nào tìm được một bàn tay hay ngón tay nào trong vườn, và khi tôi trở vào trong nhà thì cảnh sát đã đến. Mẹ tôi bấy giờ cũng ngồi trên sàn, ôm bố vào lòng.

Vì không còn ai khác ở nhà, tôi được đưa lên xe cảnh sát đi cùng bố mẹ. Trên đường tới bệnh viện, tôi bí mật nói chuyện với Chúa. Tôi chỉ nói trong đầu, nên không ai biết.

Chúa có đó không? Là con, Margaret. Bố con vừa gặp phải một tai nạn khủng khiếp. Xin Người giúp bố con. Bố hiền và tốt lắm. Mặc dù không yêu Chúa như cách con yêu Người, nhưng bố là một người bố tốt. Và bố đang cần Người lắm. Vì thế, xin Chúa giúp bố con bình an. Nếu Người chịu giúp, con sẽ làm mọi việc theo ý Người. Tạ ơn Chúa.

Hóa ra là bố tôi không bị rời cái gì ra hết, nhưng cũng phải khâu tám mũi để nối liền ngón tay lại. Bác sĩ khâu cho bố tôi tên là Potter. Sau khi chăm sóc bố, ông ra ngoài nói chuyện với chúng tôi. Vừa nhìn thấy tôi, ông nói, “Chú có một cô con gái bằng tuổi cháu.”

Tôi thấy thích khi mọi người tưởng là biết tuổi của tôi, rồi sau đó tôi mới nói thật tuổi của mình!

“Cháu sắp mười hai tuổi rồi,” tôi trả lời.

“Gretchen cũng gần mười hai tuổi,” bác sĩ nói.

À, hóa ra bác sĩ đoán đúng tuổi của tôi thật.

“Nó sắp lên lớp sáu trường Delano.”

“Con cũng thế đấy, Margaret,” mẹ nhắc tôi. Cứ như thể tôi quên không bằng.

“Chú sẽ bảo Gretchen làm quen với cháu nhé,” chú Potter nói.

“Vâng ạ,” tôi trả lời.

Ngay khi vừa từ bệnh viện về nhà, bố tôi bảo mẹ tìm tên Moose Freed trong danh bạ điện thoại để nhờ cậu cắt cỏ vườn mỗi tuần một lần.

Sáng ngày Lao động, tôi dậy rất sớm, định bụng dọn dẹp lại bàn học trong phòng trước năm học mới. Tôi sẽ mua thêm một xấp giấy, mấy cái bút chì, tẩy, cặp tài liệu và cả kẹp giấy nữa. Trước tháng Mười, bao giờ tôi cũng gọn gàng. Đang làm dở công việc thì bỗng nhiên có tiếng ồn. Nghe như ai đó đang gõ cửa. Tôi chưa xuống vội, chờ xem bố mẹ có dậy không. Tôi rón rén xuống phòng họ, thấy cửa vẫn đóng, bên trong lại yên tĩnh lắm, chứng tỏ họ còn đang ngủ.

Tiếng gõ cửa lại vang lên, tôi đi xuống lầu dò xét.

Tôi không hề sợ vì biết nếu đó là kẻ trộm hay kẻ bắt cóc, chỉ cần gào to một tiếng là bố sẽ xuống cứu ngay.

Tiếng gõ vọng ra từ cửa trước. Không thể là Nancy được vì nhỏ đang đi nghỉ. Nhưng ngoài nhỏ ra, gia đình tôi có quen biết ai khác đâu.

“Ai đấy?” tôi vừa áp tai vào cửa vừa hỏi.

“Bà đây, Margaret. Mở cửa ra.”

Tôi tháo xích, mở hai chiếc khóa, rồi đẩy toang cánh cửa. “Bà! Ôi thật không thể tin được. Đúng là bà rồi!”

“Ngạc nhiên chưa!” bà cũng reo lên.

Tôi chặn ngón trỏ lên môi, ra hiệu là bố mẹ tôi vẫn còn đang ngủ.

Bà đang còng người xuống vì các túi đồ nặng trĩu mua ở trung tâm thương mại Bloomingdale. Nhưng khi bước qua cửa rồi, bà liền xếp túi thành hàng trong nhà đoạn quay sang ôm hôn tôi thật lâu.

“Ôi Margaret của bà!” bà thốt lên, nở nụ cười chỉ riêng bà có. Khi cười như thế, bà lộ nguyên cả hàm răng trên. Đó là răng giả. Bà gọi nó là cái cầu. Nếu muốn, bà có thể lôi ra cả bộ bốn cái răng gắn liền nhau. Ngày tôi còn bé, bà vẫn làm thế để chọc tôi cười. Dĩ nhiên là tôi chẳng bao giờ kể chuyện đó cho bố mẹ. Khi cười mà không có răng ở hàm trên trông bà giống như phù thủy vậy. Còn khi có răng, trông bà đẹp lắm.

“Nào Margaret. Mang mấy cái túi này vào trong bếp đi cháu.”

Tôi nhấc một cái túi lên. “Bà ơi, sao mà nặng thế! Cái gì trong này thế ạ?”

“Bánh mì xúc xích, salad khoai tây, rau cải trộn dầu, thịt bò muối, bánh mì đen...”

Tôi cười phá lên, “Nghĩa là đồ ăn ấy ạ?”

“Chứ còn gì nữa.”

“Nhưng ở New Jersey cũng có đồ ăn mà bà.”

“Không phải những món này.”

“Có mà,” tôi nói, “kể cả đồ ẩm thực cao cấp.”

Tôi chẳng tranh cãi với bà làm gì. Lúc nào bà cũng khư khư theo quan điểm của mình.

Sau khi chúng tôi đã mang tất cả đống túi vào trong bếp, bà rửa tay ở bồn xong bèn cho hết đồ vào trong tủ lạnh.

Đợi cho bà xong xuôi, tôi hỏi: “Bà đi gì tới đây thế ạ?”

Bà lại cười nhưng chẳng nói gì cả. Bà đang rót cà phê vào ấm. Một khi bà đã không muốn nói thì đố ai khiến bà hé nửa lời.

Cuối cùng khi đã yên vị bên bàn bếp, bà mới vò tóc rồi bảo: “Bà đi taxi.”

“Suốt từ New York tới đây ạ?”

“Không, từ trung tâm Farbrook.”

“Nhưng bà đi xe gì đến trung tâm Farbrook thế ạ?”

“Tàu hỏa.”

“Ôi bà ơi... thật thế ạ?”

“Ừ, đúng thế.”

“Nhưng bà vẫn bảo là tàu hỏa bẩn lắm mà!”

“Bẩn một tí thì sao? Bà tắm là hết mà!”

Cả hai chúng tôi đều cười khi bà thay giày. Bà có mang thêm một đôi để trong túi đồ mua sắm cùng với đồ đan len của mình.

“Nào, đưa bà dạo quanh nhà một vòng xem nào,” bà bảo.

Tôi đưa bà đi khắp các phòng trừ trên lầu. Tôi chỉ cho bà xem mấy cái tủ, phòng tắm dưới nhà, máy giặt và máy sấy mới của mẹ, rồi cả bàn ghế ngồi xem ti vi nữa.

Sau khi xem hết một lượt, bà lắc đầu nói: “Không hiểu sao tự nhiên bố mẹ cháu lại chuyển về nông thôn thế này.”

“Đây không hẳn là nông thôn, bà à,” tôi chữa lại. “Làm gì có con bò nào ở đây đâu.”

“Với bà, thế này là nông thôn rồi!” Bà kết luận.

Vừa lúc đó, tôi nghe thấy tiếng nước chảy trên lầu. “Chắc bố mẹ cháu dậy rồi đấy. Cháu lên xem nhé?”

“Tức là cháu lên báo với bố mẹ cháu là bà đến thăm à?”

“Vâng, được không ạ?”

“Tất nhiên là được rồi,” bà trả lời.

Tôi chạy lên lầu, vào phòng bố mẹ. Bố đang đi tất còn mẹ đang đánh răng trong phòng tắm.

“Bố mẹ thử đoán xem ai đang ở đây nào?” tôi reo lên với bố.

Nhưng bố chẳng nói gì, chỉ ngáp dài.

“Nào, bố có đoán không nào?”

“Đoán gì?” bố hỏi lại.

“Đoán xem ai đang ở dưới lầu ngay lúc này?”

“Mong rằng không có ai, chỉ có mỗi chúng ta thôi,” bố nói.

“Sai bét!” tôi nhảy nhót quanh phòng.

“Margaret,” bố nói bằng cái giọng bố-khó-chịu-rồi đấy. “Muốn nói gì thì nói hẳn ra xem nào!”

“Bà đang ở đây ạ!”

“Làm gì có chuyện đấy,” bố gạt đi.

“Con nói thật đấy, bố. Bà đang ở dưới nhà pha cà phê cho bố kìa.”

“Barbara...”. Bố đi vào phòng tắm rồi tắt vòi nước. Tôi chạy theo. Mồm mẹ toàn bọt kem đánh răng.

“Em chưa xong, Herb,” mẹ bảo rồi mở vòi nước trở lại.

Bố lại tắt đi, đoạn hỏi: “Đoán xem ai đang ở đây nào?”

“Ai đang ở đây nghĩa là sao?” mẹ hỏi lại.

“Mẹ Sylvia! Mẹ Sylvia đang ở đây!”. Sau đó bố bật vòi nước để mẹ đánh răng nốt.

Nhưng mẹ lại tắt đi, rồi theo bố ra phòng ngủ. Tôi cũng theo sau. Hay thật! Tôi đoán hẳn mẹ phải nuốt hết kem đánh răng vào bụng rồi.

“Sylvia nghĩa là sao cơ?” mẹ hỏi thêm lần nữa.

“Là mẹ anh ấy!” bố giải thích.

Mẹ tôi cười ầm lên. “Làm gì có chuyện đấy, Herb. Làm sao mà mẹ đến đây được?”

Bố chỉ vào tôi, nói: “Hỏi Margaret ấy. Có vẻ con bé biết hết.”

“Đi taxi ạ,” tôi bảo.

Họ chẳng nói câu nào.

“Và tàu hỏa,” tôi bổ sung.

Vẫn không ai nói gì.

“Cuối cùng thì tàu hỏa cũng không bẩn lắm.”

Mười phút sau, bố mẹ tôi xuống dưới nhà gặp bà, lúc đó bàn ăn đã gọn gàng và bữa sáng đã xong hết. Thật khó mà giận bà được, nhất là khi bà có một nụ cười dễ mến như thế. Bố mẹ tôi chỉ biết nói “Ngạc nhiên chưa!”. Bà thật thông minh khi biết đi tàu và taxi tới ngôi nhà mới này, một nơi mà bà chưa đặt chân tới bao giờ.

Sau bữa sáng, tôi lên lầu thay quần áo. Bà đi cùng để xem phòng mới của tôi.

“Rộng hơn phòng cũ của cháu nhiều,” tôi nói.

“Ừ, rộng hơn,” bà đồng ý. “Cháu mua thêm ga trải giường với rèm mới đi. Hôm nọ, bà nhìn thấy mấy kiểu đẹp lắm, sọc đỏ hồng. Sau đó, trải một cái thảm đỏ nữa cho đồng bộ, và thêm một cái...” Đến đây, bà thở dài. “Nhưng chắc mẹ cháu muốn sắp xếp theo ý mình.”

“Chắc là thế,” tôi đồng tình.

Bà ngồi xuống giường. “Margaret cháu yêu,” bà dịu dàng nói, “bà muốn chắc chắn rằng chúng ta vẫn thân thiết như xưa.”

“Tất nhiên rồi bà ạ!” tôi đáp lại.

“Vài dặm chẳng đáng là gì,” bà tiếp tục. “Bà không đến đón cháu sau giờ tan học không có nghĩa là bà không nghĩ đến cháu hằng ngày.”

“Cháu biết, bà ạ.”

“Bà bảo này… bà sẽ gọi điện vào lúc bảy rưỡi mỗi tối nhé. Cháu thấy thế nào?”

“Không cần phải tối nào cũng gọi đâu bà ạ,” tôi nói.

“Bà muốn thế! Đó là quyết định của bà mà,” bà cười lớn. “Như thế cháu có thể kể với bà mọi chuyện ở đây, và bà sẽ làm cho cháu thạo tin như chưa hề rời New York. OK?”

“Vâng được rồi ạ.”

“Nhưng Margaret này...”

“Sao ạ?”

“Cháu nhớ nhấc máy đấy. Chắc là bố mẹ cháu không thích bà gọi nhiều thế đâu. Chỉ bà cháu mình biết với nhau thôi, được không?”

“Vâng ạ. Cháu thích nghe điện thoại lắm mà.”

Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi ngồi chơi trong vườn. Bà đan cho tôi một cái áo mới, mẹ trồng mấy loại hoa mùa thu còn bố ngồi đọc sách. Trong lúc đó thì tôi tắm nắng. Mở đầu năm học với một làn da rám nắng thật là thích!

Buổi tối, chúng tôi ăn đồ bà mang tới và cứ mỗi lần cắt dưa chuột muối, bà lại xuýt xoa, “Mmm... không gì bằng đồ thật!”

Khi trời còn sáng, chúng tôi lái xe đưa bà về nhà ga Farbrook. Bà không thích đi bộ vào buổi tối ở New York vì cứ bị ám ảnh là sẽ bị cướp. Trước khi ra khỏi xe, bà hôn tạm biệt tôi rồi nói với bố mẹ tôi, “Cứ yên tâm. Mẹ hứa chỉ đến mỗi tháng một lần thôi. À... có khi hai. Không phải để thăm con, Herb. Hay con, Barbara. Mẹ phải để mắt đến Margaret của mẹ... chỉ thế thôi!” Bà nháy mắt với tôi.

Thế rồi bà với lấy cái túi đựng giày và bọc đồ len, bước đi được một đoạn thì quay lại vẫy tay chào chúng tôi cho đến lúc tôi không nhìn thấy bà đâu nữa.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...