Chó Ngao Độ Hồn
Chương 13: Chó Ngao độ hồn
Thấy tôi lại gần, mắt nó ánh lên một cái nhìn hung tợn, từ phía trong cổ họng phát ra những tiếng gầm gừ, rồi hung dữ lao về phía tôi, khiến sợi xích sắt va vào nhau loảng xoảng, Cường Ba vội vã nhặt một cành cây, vừa quát nạt, vừa đánh vào đầu nó.
Nếu là những chú chó thông thường, nghe thấy chủ nhân mắng mỏ như vậy sớm đã cúi đầu, cụp đuôi xin tha, thế nhưng con chó này không hề tỏ ra sợ hãi. Nhìn cành cây đang quật vun vút về phía mình nó không hề né tránh, thậm chí còn dùng hàm răng ngoạm chặt lấy, đồng thời miệng phát ra tiếng rên gầm gừ, dường như muốn nói: Ông còn đánh tôi, tôi sẽ không khách khí mà cắn luôn cả ông.
Một con chó Ngao xuất sắc nhưng không được huấn luyện thì cũng chỉ giống như một con chó hoang mà thôi.
Tôi vội vã vào lều lấy ra hai miếng sườn rán lúc trưa còn thừa quẳng xuống trước mặt nó. Quả thật, nó đang rất đói. Ngay lập tức nó dồn hết sự chú ý của mình vào thức ăn và nhồm nhoàm nhai. Răng của nó giống như một con dao làm bằng thép, khúc xương bị nó nghiền nát mà không hề gặp chút khó khăn nào. Cả xương và thịt, tất cả đều bị nó nuốt trôi vào bụng.
“Nó tên là Man Hoảng, là một chú có Ngao Tây Tạng đã độ hồn mấy lần nhưng đều thất bại. Đã từng cắn chết ba chú cừu non”. Cường Ba nói với tâm trạng đầy lo lắng: “Hy vọng nó sẽ không gây rắc rối cho anh.”
Tôi đã từng nghe đến tục độ hồn cho chó Ngao của người Tây Tạng. Chó Ngao là một loài mãnh khuyển, cao to và rất đặc biệt của vùng đất này, dù chỉ có một mình chúng cũng dám đương đầu cùng bầy sói, còn nếu có hai con chúng có thể hạ gục một con báo đã trưởng thành. Chúng là loài chó săn nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong truyền thuyết của dân tộc Tạng, chó Ngao chính là vị thần chiến tranh ở trên thế giới, nhưng do cắn giết thành thói quen, đã phạm phải luật trời, nên bị đày xuống nhân gian. Thế nên chó Ngao là một loài rất hung hãn, tàn nhẫn, trên mình lúc nào cũng mang nặng sát khí. Do vậy, khi sinh ra nó phải sống chung chuồng cùng một chú cừu vẫn còn đang bú sữa trong suốt 49 ngày. Cừu là một loài vật hiền lành, ôn hòa. 49 ngày cũng là giai đoạn trưởng thành về cả tâm sinh lý của một con chó ngao. Dùng tính cách ôn hòa của cừu để làm giảm bớt bản tính hung dữ sẵn có trong người chó Ngao. Phương pháp đó người ta gọi là độ hồn chó Ngao. Sau 49 ngày, nếu như chó Ngao và cừu vẫn có thể sống hòa hợp với nhau thì việc độ hồn coi như đã thành công, lúc này một chú chó Ngao Tây Tạng sẽ được gọi là Thần Khuyển.
Những chú chó Ngao được độ hồn thành công vừa giữ được sự dũng mãnh, gan dạ lại trang bị thêm được tính nhẫn nại, phục tùng. Đồng thời cũng có được tính tận tụy của một chú chó chăn cừu, hoặc cũng có thể huấn luyện thành một chú chó săn oai phong lẫm liệt.
Thế nhưng, không phải chú chó Ngao nào cũng vượt qua được kỳ sát hạch để trở thành Thần Khuyển. Trên thực tế, chỉ có khoảng 50% độ hồn thành công, nửa còn lại không vượt qua được. Có những con sau khi ở chung chuồng với cừu khắc nhau như nước với lửa, ngày cũng như đêm sủa váng óc, không có lúc nào được lặng im. Thậm chí còn có những con cắn chết cừu ngay trong chuồng. Tất nhiên, như vậy là quá trình độ hồn đã thất bại. Và nó được gọi là chó hoang.
Những chú chó Ngao độ hồn thất bại, tính khí thất thường rất nóng nảy và rất khó để huấn luyện. Chúng có thể tấn công các loại gia súc nuôi trong gia đình như bò, cừu, ngựa… thậm chí có những con còn tấn công cả chủ của mình.
Trước kia đã từng xảy ra một chuyện như thế này: Có người đem hai chú chó Ngao độ hồn thất bại đi chăn cừu và kết quả là chúng lùa đàn cừu mắc kẹt tại núi sâu trong rừng, giống như lũ cừu đó trở thành tài sản riêng của chúng, cứ cách vài ngày chúng lại giết một con ăn thịt. Đến khi chủ nhân của hai chú chó Ngao này tìm được chúng, đàn cừu hơn 60 con chỉ còn lại chừng tám, chín con.
Thậm chí đã từng xuất hiện những chuyện còn khiến người ta run sợ hơn nữa: Một người dân vùng núi dẫn theo một chú chó Ngao độ hồn thất bại vào núi săn bắn, gặp phải bão tuyết và bị mắc kẹt tại một hang sâu trên núi tuyết. Bão tuyết thổi ngày đêm không ngớt. Đến ngày thứ ba, lương khô mang theo cũng đã cạn kiệt, họ bắt đầu phải chịu cảnh đói và lạnh. Con chó Ngao này vì đói nên đã trở nên hung hãn, nó xông vào cắn chủ. Người thợ săn rút dao chống trả. Người và chó quần nhau hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng con chó Ngao gục ngã trên đống máu, còn người thợ săn cũng chịu cảnh thương tích khắp mình.
Tại đây, những con chó Ngao độ hồn thành công được bán với giá rất đắt. Một chú chó Ngao một tuổi như vậy có giá khoảng 5.000 nhân dân tệ. Thế nhưng, những chú chó Ngao độ hồn thất bại lại bị coi rẻ như hàng phế phẩm. Cho dù vẻ ngoài của nó có đẹp đến dường nào nhưng cũng không thể bán với giá cao. Chỉ cần trả vài chục đồng là bạn có thể dắt chó đi. Điều đó đồng nghĩa với việc nó không đắt hơn những chú chó thường là bao.
Tôi là một nhà nghiên cứu động vật học, thường xuyên hoạt động trong môi trường tự nhiên, trạm quan sát của tôi được thiết lập ngay trong vùng khe núi không có một bóng người. Nơi này cách đường biên giới của Trung quốc không xa, ở đây không chỉ thường xuyên có dã thú xuất hiện, mà thỉnh thoảng còn bắt gặp những kẻ cướp của giết người hoặc buôn lậu.
Một lần, một đêm tuyết rơi lạnh lẽo, một chú gấu vượt qua hàng rào và chui vào trong lều tránh rét. Nửa đêm tỉnh dậy, tôi nghe thấy tiếng ngáy to như tiếng sấm, chợt chột dạ. Bật đèn pin lên và soi, một chú gấu dễ chừng phải đến 200kg đang ngủ ngon lành bên bếp lò.
Còn một lần khác, cũng là một đêm nổi gió Bắc, hai tên tù vượt ngục cũng lặng lẽ chui vào lều và lấy hết quần áo cũng như lương thực của tôi và Cường Ba, rồi vứt lại cho chúng tôi hai bộ quần áo tù bẩn thỉu.
Làm việc trong môi trường hoang dã thì an toàn là một vấn đề lớn. Biện pháp tốt nhất chính là nuôi chó, vừa để trông nhà, vừa để đi săn hoặc để theo đuôi những con động vật hoang dã.
Tôi làm công tác nghiên cứu động vật hoang dã tại núi tuyết Nhật Khúc Khả này đã được gần hai năm và từng nuôi bốn chú chó. Con chó đầu tiên là một chú chó thường, tên gọi Tiểu Bạch, nó rất trung thành, từ sáng đến tối đều theo đuôi tôi, bám lấy tôi như hình với bóng. Chỉ tiếc rằng, nó hơi nhát gan, gặp phải con chồn nó cũng không dám đuổi theo, mà trốn ra sau lưng tôi, lấy tôi làm lá chắn. Nuôi nó đúng là chỉ lãng phí cơm gạo. Con chó thứ hai tên gọi Đại Hoàng, là giống chó lai giữa chó và sói. Nó rất dũng cảm, khi phải đối mặt với những chú lợn rừng với những chiếc răng nanh dài nó cũng không hề sợ hãi. Thế nhưng khả năng săn bắn của nó lại vô cùng tệ hại. Ngay trong lần thứ hai đối mặt với lợn rừng đã bị nó cắn đứt cổ. Chú chó thứ ba là một con chó chăn cừu với tên gọi A Hắc, ngoại hình rất đẹp. Thế nhưng không ngờ nó lại mắc chứng bệnh về thần kinh, trời bắt đầu tối là nó sủa loạn lên. Một con cú đêm bay qua nó sủa, chuột chạy qua nó cũng sủa, cành cây bị gió thổi gãy nó cũng sủa. Hơn nữa lại sủa rất to. Nó cứ ở bên ngoài lều và sủa suốt đêm như vậy, tôi không thể nào ngủ được, đành phải bỏ nó đi.
Anh bạn dẫn đường người Tây Tạng đã vài lần nói với tôi rằng: “Anh rất cần một chú chó Ngao đấy. Chó Ngao Tây Tạng là những chú chó xuất sắc nhất trong các loại chó, chắc chắn anh sẽ hài lòng với nó.”
Tất nhiên tôi biết chó Ngao rất tốt. Nhưng chỉ tiếc rằng, tôi là một kẻ làm công ăn lương, lương mỗi tháng được hơn 1000 nhân dân tệ chỉ vừa đủ nuôi cả gia đình. Kinh phí công tác ít ỏi, cuộc sống tằn tiện, làm sao mà mua nổi một chú chó Ngao đã độ hồn thành công, chỉ có thể mua một chú chó Ngao đã độ hồn thất bại.
Chỉ mất vài chục nhân dân tệ là có thể mua ngay được một chú chó Ngao có ngoại hình rất đẹp. Mặc dù đó chỉ là một chú chó đã độ hồn thất bại, thế nhưng tôi cũng rất vui mừng. Thành thật mà nói, tôi không tin tưởng lắm vào cái mà người Tây Tạng gọi là độ hồn. Tôi nghĩ, đó chẳng qua chỉ là một biện pháp để sàng lọc tính cách mà thôi, không nên quá tin tưởng. Chó là loài động vật ăn thịt, là những con dũng mãnh thì đều có phần hung ác, không nên quá lo lắng về điều đó.
Chó Ngao quả không hổ danh là loài chó nổi tiếng trên thế giới, nó còn tuyệt vời hơn cả trong suy nghĩ của tôi.
Nếu lấy tiêu chuẩn của loài chó ra để so sánh, thì trí thông minh của Man Hoảng – con chó thứ tư của tôi được xếp vào hàng vượt trội. Tôi mới chỉ cho nó ăn hai lần, nó đã biết tôi là chủ nhân, chỉ cần gọi tên nó sẽ nhanh chóng chạy ra trước mặt.
Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là dường như nó biết quan sát sắc mặt và giọng điệu của người nói. Chỉ vài ngày sau, mặc dù không ai dạy bảo nhưng nó đã nhận biết được tôi mới là chủ nhân thực sự của túp lều nghiên cứu này và giáng Cường Ba xuống làm chủ nhân thứ hai. Lúc tôi không có mặt, nó sẽ phục tùng sự chỉ huy của Cường Ba, nếu tôi ở đó, nó sẽ nghe lời tôi trước. Tôi đã làm thử vài thí nghiệm, đặt một chùm chìa khóa nằm ở vị trí giữa tôi và Cường Ba, sau đó tôi và Cường Ba cùng một lúc ra lệnh cho nó lấy chùm chìa khóa, mặc cho Cường Ba dọa nạt hay làm cách gì đi chăng nữa, nó vẫn ngoạm lấy chùm chìa khóa và đặt vào tay tôi.
Điều khiến tôi mãn nguyện nhất là ban đêm nó không sủa vẩn vơ bao giờ. Những con cú bắt chuột trong đêm bay ngay trên đầu, nó chỉ nằm im quan sát. Gió thổi cành cây gãy rơi vào đầu, nó cũng chỉ cúp đuôi ra chỗ khác nằm mà không hề lên tiếng. Nhưng khi nó cất tiếng sủa, là chắc chắn nguy hiểm đang đến gần.
Có một đêm, khi tôi vừa vào chăn nằm, chợt nghe thấy tiếng sủa đanh thép của Man Hoảng. Tôi lao ra khỏi lều và quan sát, trong bụi rậm phía bên ngoài hàng rào có một đôi mắt dã thú xanh lét giống như đèn lồng đang di chuyển. Dựa vào kinh nghiệm của mình không khó để phán đoán đó là một con dã thú, không phải là hổ Bengal thì cũng là một con báo tuyết. Cường Ba phải bắn hai phát súng chỉ thiên, con dã thú mới bỏ đi.
Một lần khác, trời tờ mờ sáng, đột nhiên Man Hoảng cũng sủa rất gay gắt. Tôi và Cường Ba lại vội vã lao ra ngoài và hướng về phía Man Hoảng đang chồm tới. Trong màn sương trắng như sữa, chúng tôi phát hiện hai gã đàn ông cao lớn đang tìm cách vượt rào. Cường Ba là một thợ săn, thế nên mắt cậu ấy rất tinh tường, cậu ta phát hiện hai gã đàn ông đó tay đang lăm lăm con dao. Rất dễ để hiểu, họ không phải thổ phỉ thì cũng là đạo tặc, không phải là kẻ trộm thì cũng là kẻ cướp. Nếu như không được Man Hoảng cảnh báo một cách kịp thời, không biết hậu quả sẽ ra sao.
Cường Ba thường đắc ý nói rằng: “Chỉ cần có Man Hoảng thì ngay cả một con nhím cũng đừng mơ lọt được vào lều của chúng tôi”.
Quả đúng là như vậy, từ ngày có Man Hoảng, trạm quan sát tự nhiên của chúng tôi bình yên hơn hẳn. Tôi không còn mất ngủ hàng đêm mà được ngủ một cách ngon lành.
Không chỉ có vậy, Man Hoảng còn là một trợ thủ đắc lực. Tôi đến thảo nguyên Ca Mã Nhĩ để làm khảo sát về loài lạc đà quý hiếm, thế nhưng chúng thường trốn trong những bụi rậm, chỉ cần một làn gió thổi qua là có thể khiến chúng bỏ chạy, thế nên chỉ có thể đứng từ xa mà quan sát cái lưng mấp mô của chúng. Tôi rất muốn chụp được vài tấm ảnh của chúng từ phía trước, tuy nhiên đã mấy tháng trôi qua vẫn chưa được toại nguyện.
Ngày hôm đó, tôi dắt theo Man Hoảng đến vùng đầm đất phèn thuộc khu vực trung bộ của thảo nguyên Ca Mã Nhĩ, đây là nơi lạc đà rất thích đến. Tôi phát hiện ra có mấy bãi phân lạc đà vẫn còn rất mới. Tôi đã để Man Hoảng đánh hơi tung tích của đàn lạc đà, rồi theo đuôi chúng. Nó hưng phấn nhảy nhót, chạy như bay về hướng góc rừng tạp phía đông nam nơi lá phong đang mùa rực rỡ nhất.
Tôi chưa kịp hút xong một điếu thuốc đã nghe thấy tiếng sủa vang của Man Hoảng từ phía trong khu rừng tạp. Sáu chú lạc đà cả lớn cả bé đang hốt hoảng lao ra từ phía khu rừng. Man Hoảng dường như hiểu được ý tôi, nó chạy vòng sang trái rồi lại vòng sang phải, điều chỉnh hướng chạy của đám lạc đà, dồn chúng chạy về phía tôi đang đứng.
Đây là lần đầu tiên tôi quan sát được lũ lạc đà ở cự ly gần đến vậy. Vui đến nỗi quên mất việc cần làm, tôi nhấc máy ảnh và bấm liên tục. Được một lúc mới phát hiện, máy ảnh bên trong trống rỗng, tôi vẫn chưa lắp phim. Đàn lạc đà đã chạy vụt qua mặt tôi, khắp thảo nguyên dậy một lớp cát bụi. Tôi vô cùng hối tiếc, chỉ muốn vả cho mình hai cái thật đau.
Lúc này, Man Hoảng cũng đã chạy lại trước mặt tôi. Nó thở hổn hển, lưỡi thè ra, xem ra đang rất mệt. Tôi ôm lấy nó, một tay chỉ vào cuộn phim trong máy ảnh và lại tiếp tục ra lệnh cho nó đi đuổi đám lạc đà. Không ngờ rằng, nó bật phắt dậy không hề do dự, như một cơn gió tiếp tục đuổi theo đám lạc đà đã bỏ chạy thật xa.
Tốc độ chạy của nó thật đáng kinh ngạc, giống như đang áp người trên những ngọn cỏ và bay. Trong chớp mắt, nó đã đuổi kịp đàn lạc đà. Từ ống nhòm tôi nhìn thấy, nó nhe nanh vuốt ra gầm gừ, để ngăn bước chạy của đàn lạc đà. Nhưng lũ lạc đà đó cậy đông, dùng thân hình to lớn tiếp tục chạy về phía trước. Lúc này, Man Hoảng giống như một con sư tử nổi giận, nó gầm lên một tiếng và vươn cao người nhằm vào con lạc đà đầu đàn. Lạc đà đầu đàn bị buộc phải chuyển hướng chạy, cả đàn lại chạy ngược về phía tôi. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành được ước nguyện của mình, chụp được rất nhiều ảnh rõ nét về đám lạc đà hoang dã từ góc độ chính diện.
Man Hoảng mới chỉ là một chú chó cái một năm tuổi – độ tuổi thanh niên của loài chó. Sức sống của nó đang tràn trề. Khi tôi đi dã ngoại để khảo sát, suốt ngày phải trèo đèo lội suối, đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, có những hôm phải đi bộ đến vài chục cây số, thế nhưng nó vẫn bám sát theo tôi, chưa bao giờ bỏ cuộc.
Dường như nó sinh ra là để làm một chú chó săn thực thụ. Thị giác, thính giác và khứu giác của nó đều hết sức nhanh nhạy. Trong bài nghiên cứu của tôi, có một phần phải vào rừng sâu quan sát hình thái gia đình của loài khỉ lông vàng. Loài khỉ này vốn nhát gan lại vô cùng nhanh nhẹn, thích leo trèo trên những vòm cây rậm rạp, thế nên rất khó để phát hiện ra tung tích của chúng. Tôi dắt theo Man Hoảng đến vườn quốc gia Bangor Lira. Đây là nơi sinh sống của loài khỉ lông vàng, tôi cần đến sự giúp đỡ của Man Hoảng. Trong cánh rừng mênh mông, những tán cây rừng rậm rạp, muốn tìm được tung tích của khỉ lông vàng chẳng khác nào mò kim đáy bể. Thế nhưng nó đã hoàn thành được nhiệm vụ này một cách dễ dàng. Nó nghểnh cao cái mũi đánh hơi, dỏng đôi tai lên nghe, mở to đôi mắt quan sát và rất nhanh, nó đã tìm được tung tích của loài khỉ lông vàng. Nó dẫn tôi xuyên qua cánh rừng rậm, chẳng mấy chốc đã tìm được đến nơi loài khỉ này đang sinh sống. Một lần nữa, tôi lại nhanh chóng hoàn thành được nhiệm vụ.
Đặc điểm nổi bật nhất của Man Hoảng chính là sự dũng cảm.
Một lần, tôi dẫn theo nó đến một thị trấn cách nơi chúng tôi ở hơn 30 kilômét để gửi tư liệu. Trên đường về gặp mưa đá, nên chuyến hành trình bị chậm mất hai tiếng đồng hồ. Khi về đến núi trời bắt đầu tối. Khi cách trạm quan sát khoảng chừng hai kilômét, đột nhiên lông Man Hoảng dựng cả lên, chiếc đuôi dựng thẳng đứng, nó hướng về phía bụi rậm và bắt đầu sủa. Tôi cảnh giác dừng lại, nhặt hai viên đá to bằng nắm tay và ném vào bụi rậm. Người ta gọi phương pháp này là dò đường. Hòn đá này vừa rơi xuống bụi rậm, hai con sói từ trong đó chạy xông ra.
Đây là hai con sói xám. Chúng có lớp lông xám dày, mắt to tròn, lòng trắng nhiều hơn lòng đen, chiếc mõm dài nhe ra hàm răng sắc nhọn. Trong thời khắc tranh tối tranh sáng, tôi nhìn thấy cái bụng chúng lép kẹp. Da bụng dính vào da lưng. Chắc chắn là hai con sói đói.
Tim tôi đập loạn xạ, tôi thừa hiểu rằng một con sói đói dám làm tất cả.
Không khó để đoán được rằng hai con sói này đã nhìn thấy tôi và Man Hoảng từ phía xa và đã mai phục sẵn trong đám bụi rậm để tấn công chúng tôi. May thay, Man Hoảng đã phát hiện kịp thời, nếu không hậu quả không biết sẽ ra sao.
Theo bản năng, tôi rất muốn bỏ chạy. Thế nhưng tôi vẫn đang cố gắng để kiềm chế bản năng của mình. Tôi là một nhà động vật học và tôi biết rằng, chó cậy chủ, bây giờ nếu tôi quay người bỏ chạy, tinh thần chiến đấu của Man Hoảng cũng sẽ mất và nó cũng sẽ bỏ chạy theo tôi. Nếu như tôi càng thể hiện rõ mình đang sợ hãi, muốn tháo chạy; lũ sói kia sẽ càng trở nên hung hãn và muốn xông vào cắn xé chúng tôi hơn. Đường núi mấp mô như thế này, tôi chắc chắn không thể chạy nhanh hơn sói, và cũng không thể chạy nhanh hơn Man Hoảng. Nếu tôi bỏ chạy, chỉ vài phút sau, lũ sói sẽ vồ được vào lưng tôi. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi chỉ còn cách đứng yên đó và tỏ ra mình là một anh chàng dũng cảm. Có như vậy, may ra mới còn hy vọng sống. Tôi nhặt một cành củi, chuẩn bị quyết đấu cùng sói.
Hai con sói thi nhau tru lên từng tiếng, dường như chúng đang thương lượng với nhau sách lược đối phó với tôi. Vài giây sau, hai con sói một con bên trái, một con bên phải cùng xông vào cắn xé Man Hoảng.
Nếu là một chú chó thông thường, gặp phải trường hợp này chắc chắn sẽ cụp đuôi và trốn ra phía sau lưng tôi. Nếu đúng như vậy thì chẳng khác gì dẫn họa về cho tôi. Man Hoảng quả không hổ danh là hào kiệt của loài chó Ngao Tây Tạng, đối mặt với hai con sói hung dữ nhưng nó không hề sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng và dũng mãnh xông lên.
Man Hoảng to hơn con sói một chút, chỉ một lúc sau, nó đã vật ngửa được một con sói. Thế nhưng, nó chưa kịp cắn con này thì con còn lại đã lao vào nó, cắn một miếng vào lưng. Răng sói sắc nhọn, mặc dù trời tối, khả năng quan sát hạn chế, nhưng ở khoảng cách vài mét tôi vẫn thấy được rất rõ, lưng Man Hoảng bị rách một miếng to. Miệng con sói cắn nó bám đầy lông chó. Man Hoảng nhảy dựng lên chống trả, chúng lao vào nhau chiến đấu.
Tôi không dám tham gia vào trận chiến đó. Chỉ sợ trong lúc hỗn loạn sẽ bị sói cắn. Tôi chỉ đứng ngoài, cầm thanh củi và hò hét. Dùng tiếng hò hét đó để hỗ trợ Man Hoảng. Chó cắn sói, sói cắn chó, hai bên đều bị tổn thương. Một mình Man Hoảng thế yếu, khó lòng đối phó được với hai con sói.
Đột nhiên, hai con sói đứng sát bên nhau và đồng thanh kêu lên. Bốn chân của chúng trùng xuống, đuôi căng ngang, lông cổ dựng lên, mồm nhe nanh vuốt, trong tư thế luôn sẵn sàng xông vào cắn xé. Man Hoảng cũng tru lên sẵn sàng ứng chiến.
Thế nhưng hai con sói vẫn không xông lên, chúng giữ nguyên tư thế đó và tru lên những tiếng dài. Tôi hiểu, đây là chiến thuật đe dọa của loài sói. Sói là loài mãnh thú ăn thịt xảo quyệt, khi gặp phải những đối thủ khó đối phó chúng thường sử dụng chiến thuật này.
Tôi đã tận mắt chứng kiến một câu chuyện ngay dưới chân núi tuyết Nhật Khúc Khả: Đó là một cặp vợ chồng sói, đuổi theo một con lợn rừng mẹ và ba con lợn rừng con. Tất nhiên, cặp vợ chồng sói đó rất thèm khát ba chú lợn rừng con, thế nhưng lợn rừng mẹ cũng không phải là một đối thủ dễ đối phó. Da dầy, kèm theo đó là lớp bùn đất lăn lộn từ những đầm lầy, lợn mẹ giống như được khoác lên mình một tấm áo giáp. Hơn nữa, nó có hàm răng sắc nhọn, có thể cắn đứt cả cành cây. Nếu không cẩn thận, con sói nào bị lợn mẹ cắn thì cũng sẽ đứt gân, hở xương, tổn thương nghiêm trọng. Xuất phát từ bản năng tự vệ, lợn mẹ quyết tâm bảo vệ ba đứa con của mình cho dù phải thịt nát xương tan.
Hai vợ chồng nhà sói và lợn mẹ đánh nhau đến ba hiệp, rồi đột nhiên hai bên đều dừng lại. Hai con sói cũng giở tư thế sẵn sàng xông lên trước mặt lợn mẹ, chúng giương to đôi mắt độc ác, thè chiếc lưỡi đỏ như máu, nghiến đôi hàm răng sắc nhọn và tru lên những tiếng kêu hoang dại. Chúng dùng uy lực áp sát, với mong muốn thu hẹp được vòng vây. Chiêu thức này đối với tâm lý lợn mẹ còn có tác dụng hơn cả móng vuốt của hai con sói. Vài phút sau, đôi mắt lợn mẹ toát lên ánh nhìn sợ hãi, ý chí chiến đấu sụp đổ, kêu lên một tiếng ai oán rồi quay lưng bỏ chạy. Ba con lợn rừng con trở thành bữa ăn ngon lành cho cặp vợ chồng sói.
Không cần chiến đấu mà lấy được quân sĩ của kẻ địch được cho là thượng sách. Cũng cùng một đạo lý đó, đối với lũ sói, không cần chiến đấu mà vẫn có thể có được bữa ăn ngon là thượng sách.
Tôi có cảm giác như hai con sói kia cũng đang sử dụng thủ đoạn đe dọa tương tự. Mặc dù chúng chiếm ưu thế về số lượng, tuy nhiên lại không dám mạo hiểm để quyết đấu đến cùng với Man Hoảng. Chúng muốn dọa Man Hoảng bỏ chạy, sau đó nhẹ nhàng biến tôi thành bữa tiệc thịt người. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Nếu ý chí chiến đấu của Man Hoảng sụp đổ, nó cụp đuôi bỏ chạy thật, thì chắc chắn tôi chết không có chỗ chôn.
Man Hoảng và hai con sói đối mặt với nhau, cổ và cổ chân của nó đều đã bị sói cào rách, bị thương mấy chỗ liền, vết máu dính đầy trên người. Vết đau trên cơ thể cũng có thể làm nhụt ý chí chiến đấu. Thế nhưng nó vẫn không hề sợ hãi, tru lên những tiếng dũng mãnh, chiếc đuôi tượng trưng cho tinh thần chiến đấu của chó được dựng thẳng đứng lên, cho thấy nó đang hạ quyết tâm cao độ, không chịu khuất phục. Thậm chí, nó còn chủ động xông về phía hai con sói, răng chó và răng sói va đập vào nhau, phát ra những âm thanh đáng sợ. Chiến thuật đe dọa của sói thất bại, chúng đành phải xông vào chiến đấu với Man Hoảng lần nữa.
Tôi dần định thần, xua bớt đi nỗi sợ hãi. Tôi nghĩ, cuộc chiến giữa chó và sói trước mặt liên quan trực tiếp đến sự an nguy của bản thân, thế nên mình không thể khoanh tay đứng nhìn như vậy được. Không may, nếu như Man Hoảng bị hai con sói kia hạ gục, e rằng tôi cũng không thể thoát được nanh vuốt của bầy sói.
Tôi không dám đối mặt trực tiếp với lũ sói, nhưng có đứng bên ngoài khua chân múa tay, vung vẩy cành cây khô để cổ vũ. Tôi lấy hết can đảm, cầm cành cây khô lại gần phía con sói, vụt một nhát thật mạnh vào mông nó. Con sói bị tấn công đột ngột từ phía sau, mất tập trung, bật lên giống như châu chấu, đồng thời làm động tác quay vòng trên không trung. Sau đó quay lại cắn tôi một cách hung dữ. Tôi không ngờ rằng, sói lại có thể làm một động tác khó – giống như trong xiếc vậy trên không trung, thế nên không kịp đề phòng. Không để tôi kịp lấy thanh củi khô phòng bị, mõm con sói đó đã tiến sát đến ngực tôi, nhằm thẳng yết hầu tôi mà cắt. Mặt tôi và con sói đó áp sát với nhau, tôi ngửi thấy mùi tanh nồng phát ra từ miệng con sói. Tôi muốn lùi lại phía sau để né tránh, thế nhưng vì sợ hãi nên người tôi trở nên cứng như gỗ, không thể nhúc nhích.
Răng con sói sắp sửa chạm được vào yết hầu của tôi, nhưng đột nhiên, đầu của nó bị kéo ngược về phía sau, nó trợn mắt cảm giác như rất khó chịu, rồi phát ra tiếng kêu đến rợn người, ngã xuống nền đất.
Tôi định thần lại, hóa ra Man Hoảng đã cắn chặt đuôi con vật từ phía sau, lôi nó xuống khỏi người tôi. Con sói còn lại thấy đồng loại gặp nạn, lập tức định xông ra trợ giúp, nó lao tới, phi lên người Man Hoảng, há miệng cắn vào đầu con chó. Mặc dù bị một cú tấn công bất ngờ, đau tới mức toàn thân co rút, nhưng Man Hoảng vẫn cắn chặt răng không chịu buông tha con vật.
Thế rồi tiếng đuôi bị cắn đứt phát ra, con sói đau đớn lăn lộn trên nền đất. Tôi như chợt bừng tỉnh, tay cầm thanh củi khô xua hết bên trái rồi lại sang bên phải và xông lên. Con sói đang đu trên mình Man Hoảng thấy tình thế có vẻ bất lợi, trong 36 kế chuồn là thượng sách, nó cúp đuôi chạy thẳng. Con sói bị đứt đuôi thấy thể lực của mình đã giảm sút, nên cũng đành phải cụp chiếc đuôi đang gỉ máu bỏ chạy vào rừng sâu.
Man Hoảng nhả chiếc đuôi sói vừa bị đứt ra, hướng về phía sói bỏ chạy tru lên một hồi dài, giống như đang châm chọc kẻ thua cuộc.
Sau khi về đến trạm quan sát, tôi bắt đầu kiểm tra các vết thương của Man Hoảng. Toàn thân nó có chín vết thương, mặc dù không nằm ở những chỗ đáng lo ngại, thế nhưng máu chảy rất nhiều. Vậy mà nó vẫn rất kiên cường đánh nhau với sói, quả không hổ danh là anh hùng trong thế giới loài chó.
Đáng tiếc rằng, nó không giống như những con chó của những gia đình khác – có thể nũng nịu chủ nhân. Nó chưa bao giờ chạy vào lòng và liếm khuôn mặt tôi, cho dù có phải cách xa nhau vài ngày mới gặp lại. Nó cũng không bao giờ nhảy lên người tôi và hôn hít. Chỉ cần nó nằm im bên cạnh tôi một lúc là đã thể hiện rõ nhất sự thân mật với tôi rồi.
Thế nhưng, điều lạ hơn cả là nó không biết vẫy đuôi. Không không, không phải là nó không biết vẫy đuôi, mà là không biết vẫy đuôi ngoáy tít như một bông hoa giống như những chú chó nhà khác, vẫy đuôi là cách biểu thị sự nghe lời và kính yêu đối với chủ nhân. Trước mặt tôi, cái đuôi của nó giống như một con rắn cứng đơ, hoặc là dựng thẳng lên, hoặc là cụp xuống, vẫy vẫy một cách cứng ngắc, chưa bao giờ nó vẫy mạnh hoặc ngoáy tít. Nó là một con chó Ngao Tây Tạng đã độ hồn thất bại, Cường Ba nói với tôi rằng, tất cả những con chó độ hồn không thành công đuôi đều cứng ngắc như vậy.
Chẳng mấy chốc tôi đã lĩnh hội được thế nào một con chó độ hồn thất bại.
Dũng cảm và dã man, lẽ ra hai phẩm chất đó không thể đồng hành, thế nhưng nó lại tồn tại cả hai ngay trong con người Man Hoảng.
Có một lần, có một cô gái đãi vàng bế theo một đứa trẻ sơ sinh đi ngang qua trạm quan sát. Hôm đó, vừa hay tôi lại có nhà, thế nên cô gái đã vào xin một bát nước. Tại nơi hoang vu hẻo lánh, gặp được nơi có người thì việc dừng chân lại xin nước và nghỉ ngơi là một việc hết sức bình thường. Tôi nhiệt tình mời cô gái vào trong lều. Không ngờ, khi cô gái vừa mới đặt một chân qua hàng rào, Man Hoảng khi đó đang bị xích ngay dưới cây cột trước cổng quắc mắt lên, nhe răng vuốt và phát ra những tiếng gầm gừ.
Tôi liền quát: “Hư nào, không được sủa lung tung.” Thế nhưng nó dường như bỏ ngoài tai những lời tôi nói, vẫn gầm gừ những tiếng khiến người ta phải dựng tóc gáy.
Có lẽ cô gái đào vàng e ngại rằng tiếng chó sủa sẽ làm đứa trẻ trong vòng tay tỉnh giấc, nên khi đi ngang qua cây cột xích Man Hoảng, cô đã ra hiệu cho nó ngừng sủa, còn dậm dậm đôi chân vờ dọa nạt. Hành động này giống như ngọn lửa châm ngòi cho bánh pháo, Man Hoảng sủa lên một tràng dài, giống như một con mãnh thú đang nổi giận, lồng về phía trước. Nó càng nhoài người về phía trước, sợi xích càng thít chặt cổ, tiếng chó sủa bị ngắt quãng giữa chừng. Đôi mắt nó lúc này lồi ra như mắt cá vàng, sự cọ xát của sợi xích khiến cho lông trước cổ nó rụng xuống, thế nhưng dường như nó không biết đau, vẫn nhoài người về phía trước và sủa. Bộ dạng hung dữ lúc này của nó, nếu như không có sợi xích níu kéo lại chắc chắn nó sẽ lao về phía cô gái và cắn xé
“Con chó này còn hung dữ hơn cả báo núi, nhìn đôi mắt nó kìa, lạnh lùng và độc ác, chắc chắn tâm địa của nó rất độc ác.” Cô gái đãi vàng lẩm bẩm, rồi chủ động lùi lại hai bước nép sau lưng tôi, tiến thẳng vào lều.
Chân cô gái vẫn chưa đặt được vào lều, đã nghe thấy một tiếng “roạt”. Cây cột xích Man Hoảng đã bị gẫy gục. Đây là cây cột bằng gỗ lim do chính tay tôi dựng lên, chân cột vùi dưới lòng đất phải sâu đến nửa mét, tôi đã từng tin rằng, cho dù buộc cả một con ngựa dưới chân cây cột này nó vẫn đứng vững, vậy mà nay nó đã bị Man Hoảng quật ngã. Thế mới biết, khi tức giận sức mạnh của nó lớn đến nhường nào.
Nó kéo theo chiếc cột nặng trịch, bổ nhào đến chỗ cô gái đãi vàng như một con ác quỷ. Cô gái sợ đến nỗi mặt cắt không còn giọt máu, ôm chặt đứa con trên tay lùi lại phía tường rào và òa khóc.
Tôi lo sợ Man Hoảng sẽ cắn cô gái, càng lo sợ hơn về việc nó có thể làm tổn thương đứa trẻ trên tay cô ấy. Nếu con chó của tôi hại chết người, chắc chắn tôi không thoát khỏi liên quan, lúc ấy chắc chắn kiện cáo sẽ kéo dài.
Tôi vội vã lao vào tóm lấy sợi dây xích, rồi ngồi phịch xuống cây cột gỗ lim nó đang kéo lê. Sức nặng của cây cột và của tôi mới có thể ngăn cản được Man Hoảng.
“Mau chạy đi, tôi sắp không giữ được nữa rồi!” Tôi vội vã kêu lên.
Cô gái đãi vàng như vừa tỉnh giấc mơ, ôm chặt đứa trẻ và chạy nhanh ra khỏi phía hàng rào. Thế nhưng Man Hoảng vẫn chưa chịu dừng lại, nó vẫn hướng theo phía cô gái vừa bỏ chạy và sủa thật to. Khi bóng cô gái khuất vào những lùm cây ở phía cuối con đường nó mới thôi sủa.
Tôi cảm thấy rất áy náy, người ta đến đây để xin bát nước, ấy vậy mà nước không được uống mà còn bị dọa cho một trận hồn xiêu phách lạc. Tôi thấy áy náy với cô gái vô cùng.
Thường ngày, có những lúc dắt theo Man Hoảng đi khảo sát, đôi khi tôi cũng cảm thấy không tự tại. Dường như nó rất thích săn bắn, mỗi lần phát hiện thấy những động vật ăn cỏ tầm trung như thỏ, dê núi, hay lợn rừng là mắt nó sáng quắc lên, nước dãi nhỏ thành hàng, và tỏ ra rất tham lam.
Có một lý luận cho rằng, những động vật ăn thịt thích săn bắn là do nhu cầu sinh tồn đòi hỏi. Một con thú ăn thịt cho dù hung dữ đến thế nào, nhưng khi đã no bụng sẽ không thích bắt mồi. Tôi nghĩ, lý luận này vận dụng vào Man Hoảng là không đúng. Rất nhiều lần, tôi cho nó ăn thịt bò tươi sống, nó ăn no đến nỗi bụng to tròn như vừa nuốt một quả bưởi, không thể ăn thêm thứ gì được nữa. Nhưng khi tôi dắt theo nó đến bên bờ sông Nạp Hồ, nó phát hiện thấy bờ bên kia có một con linh dương vằn đang gặm cỏ, ánh mắt nó phát ra cái nhìn sắc lạnh đáng sợ, và cơ thể luôn ở trong tư thế sẵn sàng vồ mồi. Nếu như tôi không giữ chặt sợi xích, chắc chắn nó đã vượt sang bên kia sông truy bắt con linh dương.
Mùa xuân, muôn hoa đua nở, cũng là mùa đẻ trứng của loài thiên nga câm. Đây là loài chim nước quý hiếm, mùa thu chúng thường bay về phía Nam tránh rét, mùa xuân lại quay trở lại thảo nguyên Ca Mã Nhĩ để duy trì nòi giống. Văn phòng nghiên cứu động vật của tỉnh có giao cho tôi một nhiệm vụ, đó là điều tra số lượng thiên nga câm.
Đây là một nhiệm vụ khô khan, nhàm chán mà lại rất vất vả. hàng ngày đều phải ra phía đầm lầy, trước tiên phân chia khu vực chúng sinh sống thành nhiều vùng, sau đó đếm tại từng khu vực một. Không có việc gì để làm, nên Man Hoảng thường chạy tung tăng quanh chỗ tôi.
Ngày hôm đó, tôi đang lội xuống hồ nơi nước ngập đến đầu gối, dùng ống nhòm quan sát một gia đình thiên nga, thì đột nhiên vang lên một tiếng kêu đầy sợ hãi của lợn rừng. Tôi quay đầu nhìn lại, ngay sát vùng đất lầy của hồ, Man Hoảng đang truy đuổi một con lợn rừng nhỡ. Một chân trước của con lợn đáng thương này đã bị Man Hoảng cắn gẫy, chiếc chân cong cong như cành lau bị gẫy, tấp tểnh bỏ chạy.
Chuyện này chẳng có gì là lạ cả, tôi đang vùi đầu vào làm việc, Man Hoảng chẳng có việc gì làm nên chạy đi đuổi bắt lợn rừng, đây là một việc hết sức bình thường. Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là, Man Hoảng không giở tư thế của một động vật ăn thịt hung dữ truy bắt con mồi. Hay nói một cách khác, nó như đang chơi một trò chơi hết sức nhẹ nhàng, và cũng không hề sủa, hay tỏ vẻ hung dữ. Nó chạy những bước nhẹ nhàng, bám sát theo đuôi con lợn. Tôi cũng nhìn thấy nó thè chiếc lưỡi dài ra liếm chiếc chân bị thương của con lợn. Do bị thương nên con lợn không thể chạy nhanh, mà cũng không thể né tránh. Mỗi lần bị chiếc lưỡi đỏ của Man Hoảng liếm vào cái chân bị thương, con lợn rừng lại kêu lên những tiếng kêu đau đớn và sợ hãi. Và cơ mặt Man Hoảng lại giãn ra như đang cười sung sướng trước sự đau đớn của con mồi.
Chạy được vài vòng, con lợn đã thấm mệt, miệng sùi bọt trắng, nằm vật ra. Man Hoảng cũng cuộn tròn nằm sát bên con mồi, móng vuốt của nó kéo con mồi vào trong lòng, mắt nhắm hờ như sắp chìm vào một giấc mơ đẹp. Lúc đó, chú lợn rừng không giống như một con mồi đã bị hạ gục, mà giống như một chú chó con đang được mẹ ôm.
Tất nhiên, con lợn không chịu nổi cái vở kịch yêu thương đẫm máu ấy. Nằm trong lòng một con chó săn còn đáng sợ hơn nằm trong lò lửa. Nó thở hổn hển một lúc, lấy lại sức, cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp của con chó, vừa bỏ chạy vừa kêu eng éc. Man Hoảng dường như không nghe thấy tiếng kêu của con lợn bỏ chạy, nó vẫn tiếp tục mơ màng và còn vươn mình lên nữa.
Con lợn rừng thoát chết, lập tức trốn vào đám lau sậy bên đầm lầy, tiếng kêu cũng dần nhỏ đi. Lúc này, đột nhiên Man Hoảng đứng phắt dậy, quay vòng một chỗ, dướng như bừng tỉnh vì đánh mất con lợn. Nó đánh hơi một hồi trên mặt đất, rồi phóng đi như một mũi tên, lao vào phía đám lau sậy, nhanh chóng ngoạm lấy một cái cẳng lợn, rồi lại lôi con lợn lên sát đầm lầy. Dường như nó rất tức giận vì con lợn đã trốn đi và muốn trừng phạt hành vi đó. “Rắc” một tiếng, nó cắn rời tai của con lợn. Con lợn kêu lên ầm ĩ những tiếng kêu đau đớn. Man Hoảng lại nằm xuống, đầu gối lên một cẳng chân, tiếp tục ngủ. Tiếng kêu thảm khốc của con lợn giống như một bài hát ru hữu ích đối với Man Hoảng.
Nửa đầu của con lợn rừng dính đầy máu. Tất nhiên là nó vẫn tìm cách để trốn chạy. Nghỉ ngơi vài giây, nó lại gào khóc và tìm cách thoát khỏi Man Hoảng. Và vở kịch lại tái diễn, Man Hoảng lại vờ như ngủ để con mồi tháo chạy, khi con lợn trốn ra được đến đầm lầy nó lại bừng tỉnh và bắt chú lợn rừng “về quy án”.
Mỗi lần tóm được chú lợn quay trở lại, nó lại cắn một miếng vào người con vật.
Chẳng mấy chốc, chiếc đuôi của con vật tội nghiệp cũng bị cắn đứt. Mũi bị cắn nát, mông bị trầy xước, chân bị cắn đứt, khắp mình nó không có chỗ nào nguyên vẹn, máu chảy đầm đìa, giống như đang phải hứng chịu hình phạt lăng trì.
Tôi chau mày lại, cảm giác ghê rợn đến buồn nôn. Tôi là một nhà nghiên cứu động vật, tất nhiên là tôi hiểu trong thế giới tự nhiên cuộc so găng giữa những con vật hung dữ và nhỏ bé đều có kết cục như vậy, thế nên việc nhìn thấy máu me khắp nơi không còn là chuyện lạ. Ví dụ như các loài động vật thuộc họ mèo như hổ mẹ, báo mẹ hoặc mèo mẹ khi con chúng lớn đến một mức độ nhất định chúng sẽ bắt một con cừu, mọt con thỏ hoặc chuột đồng tha về nhà giống như một món đồ chơi mới để đàn con đùa nghịch và luyện tập săn mồi.
Chuyện đó tất nhiên là rất tàn nhẫn. Những con cừu, con thỏ hoặc chuột đồng đó trước khi chết đã phải chịu rất nhiều sự giày vò về thể xác. Thế nhưng tôi nghĩ rằng việc bắt một loài động vật nhỏ bé phải lăng trì trước khi chết lại có tính chất hoàn toàn khác. Hổ cái, báo cái hay mèo cái làm như vậy là xuất phát từ việc nuôi dạy và kiện toàn kiến thức sống cho đàn con. Đem một con vật bé nhỏ làm đồ chơi cho con mình, mặc dù cũng là hành động tàn sát đẫm máu, tuy nhiên lại có lợi cho chúng, huy động mọi thủ đoạn vì lợi ích mưu sinh cho hậu duệ của mình, điều đó có thể lý giải được.
Thế nhưng trường hợp này của Man Hoảng lại hoàn toàn khác. Nó đã là một con chó Ngao Tây Tạng trưởng thành, kỹ năng săn bắt cũng đã thành thục, không cần phải lấy con lợn rừng đó ra làm công cụ luyện tập. Chơi một trò chơi đẫm máu giống như lăng trì vô hình trung đã kéo dài sự đau đớn của con mồi trước khi chết. Hại người lợi mình, trường hợp này quả là đáng chê trách.
Tôi theo đuổi công tác nghiên cứu về động vật hoang dã đã được mười mấy năm. Và đã tiếp xúc với rất nhiều loại động vật ăn thịt hung dữ. Cho dù là loài động vật được mệnh danh là ác quỷ của rừng sâu – gấu đen cũng không bao giờ hành hạ con mồi đến như vậy. Tôi không thể hiểu vì sao Man Hoảng lại hành động như vậy, chỉ có một cách duy nhất để giải thích nó là một con chó độc ác biến thái, coi thường tính mạng, có sở thích như một tên đồ tể, thích được nhìn thấy sự sợ hãi cũng như đau đớn của con mồi khi bị tước đoạt sự sống, thích hưởng thụ những khoái cảm và sự hồi hộp khi hành hạ con mồi.
Chỉ có loài ác quỷ độc ác nhất mới đem tính mạng ra chơi đùa nghịch ngợm như một trò giải trí hay tiêu khiển.
Tôi không thể tiếp tục đứng nhìn, lập tức lội về phía khu vực bờ đầm, đến trước mặt Man Hoảng, lớn tiếng quát nó: “Mày nghịch ngợm quá mức rồi đấy, một là cắn nó chết đi, hai là thả nó ra, không được tiếp tục nghịch ngợm như vậy nữa!”
Tất nhiên, Man Hoảng nghe không hiểu những gì tôi nói, thế nhưng nó là một con chó thông minh, chắc chắn thông qua ngữ điệu và thái độ phẫn nộ nó phần nào hiểu được ý tôi. Tôi biết, nó không tình nguyện nghe theo lệnh của tôi, nhưng tôi nghĩ, tôi là chủ của nó, cho dù không muốn nhưng xuất phát từ lòng trung thành của chó đối với chủ thì nó phải từ bỏ trò chơi giết chóc dã man đó.
Thế nhưng tôi đã lầm. Tai nó lúc này cứ như bị điếc, bỏ mặc ngoài tai những gì tôi nói, vẫn tiếp tục hành hạ chú lợn rừng toàn thân đầy máu.
Tôi nổi nóng, cầm ngay sợi dây da của ống nhòm quật hai cái vào đầu Man Hoảng. Sau đó lấy chân móc con lợn rừng đang ở trong lòng nó ra. Hãy để con vật tội nghiệp này trốn đi, trò chơi độc ác này đã đến hồi kết thúc.
Man Hoảng nhảy phắt dậy, muốn đuổi theo con lợn đã chạy được một quãng xa. Tôi bật như một mũi tên chặn ngay đường nó, chỉ vào mõm nó và quát: “Mày có nghe thấy gì không? Dừng ngay trò đó lại!”
Nó hết vòng sang trái lại vòng sang phải với mong muốn vượt qua được tôi và đuổi theo con lợn. Tôi cũng phải di chuyển theo nó, giống như một bức tường sống, ngăn chặn nó làm việc ác. Rồi đột nhiên nó dừng lại, ngước mắt nhìn thẳng vào tôi, từ trong cuống họng như phát ra những tiếng kêu ư ử như một lời nguyền độc ác. Râu của nó dựng đứng lên, miệng há ra, để lộ hàm răng nhuốm máu lợn. Chiếc lưỡi liếm vào hàm răng, trông rất tàn bạo.
Tôi nhìn chằm chằm vào mắt nó, đôi mắt sắc lạnh, toát lên một cái nhìn tàn khốc, lạnh lẽo như băng. Đột nhiên tôi chợt cảm thấy sợ hãi, cứ như là tôi đang phải đối mặt với con chó không phải mình nuôi dưỡng, mà đang phải đối mặt với một con sói khát máu. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, tôi cũng bắt đầu thấy sợ.
Man Hoảng từng bước một tiến gần lại chỗ tôi, rồi đột nhiên làm một động tác khiến tôi rất kinh ngạc. Nó dùng mõm, ngoạm một hòn đá cuội to bằng nắm đấm, rồi bắt đầu nghiền nát. Những âm thanh phát ra thật ghê răng, chẳng mấy chốc hòn đá cuội đó đã bị nó nghiền nát. Tôi hiểu, nó đang dùng uy lực hòng đe dọa tôi, ý của nó rất rõ ràng, muốn tôi tránh đường, nếu không cũng sẽ không khách khí.
Đột nhiên tôi chợt nhớ đến câu chuyện Cường Ba đã từng nói với tôi, một chú chó Ngao độ hồn thất bại khi đi săn dưới trời bão tuyết cùng chủ, mắc kẹt trong hang, vì đói khát nên đã xông vào cắn chủ. Tôi chột dạ, nếu như tôi tiếp tục ngăn cản nó hành hạ con lợn rừng kia, ai mà biết được con súc sinh này dám làm chuyện gì. Nếu nó tấn công tôi thực sự, Cường Ba lại không đi cùng, ở nơi rừng sâu núi độc này, một mình tôi tay không vũ khí biết đối phó ra sao?
Chẳng có gì đáng để nghi ngờ nếu như tôi giao đấu với Man Hoảng, cơ hội thắng của tôi là rất nhỏ. Con lợn rừng đó chẳng có quan hệ gì với tôi, vậy cớ gì tôi phải giúp nó hứng chịu những nguy hiểm này? Tôi bèn lùi lại một bước, dẹp sang một bên và nhường đường cho Man Hoảng.
Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ vì sự nhát gan của mình, nhưng cũng cảm thấy bất mãn trước sự hung hăng của Man Hoảng.
Man Hoảng ngẩng cao đầu và bước qua tôi, rồi phóng thẳng về phía bụi rậm sát ven hồ. Một lúc sau, lại ngoạm con lợn rừng đang sống dở chết dở quay trở lại, tiếp tục trò chơi lăng trì tàn nhẫn của nó. Tôi không có gan để ngăn chặn, đành phải để mặc nó nô đùa.
Bốn chân của con lợn đều đã bị hàm răng sắc nhọn cắn đứt. Tai, mũi, và mõm đều bị gặm nham nhở, bụng cũng bị rách một miếng lớn nhìn rõ cả lòng. Khắp người con lợn chỗ nào cũng là máu, tàn nhẫn khiến tôi không dám nhìn. Con lợn thở thoi thóp, chắc nó đang sắp chết, thế nhưng Man Hoảng vẫn không dừng trò chơi tàn nhẫn này lại, nó nằm nghiêng ôm con lợn vào trong lòng, thè lưỡi liếm vào người nó một cách đầy âu yếm.
Khát máu giống như là bản tính của nó vậy, thật đáng kinh tởm.
Hơn nửa tiếng sau, con lợn rừng đã chết trong sự sợ hãi, và giày vò đến tột đỉnh.
Chuyện này để lại cho tôi những ấn tượng thật nặng nề, rất nhiều lần gặp ác mộng tôi đều mơ về con lợn rừng toàn thân nhuốm máu đỏ. Trong tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nuôi dưỡng Man Hoảng chẳng khác gì đang đặt một quả bom hẹn giờ bên mình, thấp thỏm ngày đêm. Quả đúng như vậy, nó cao to dũng mãnh và là một con chó săn xuất sắc, là một trợ thủ đắc lực cho công tác nghiên cứu của tôi. Thế nhưng nó lại rất độc ác, thường khiến tôi phải khiếp sợ. Sự nghiệp của tôi tất nhiên là rất quan trọng, thế nhưng tính mạng của tôi còn quý giá hơn nhiều. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã quyết định phải xử lý Man Hoảng.
Tôi nói với Cường Ba rằng: “Cậu hãy dắt nó đi đi. Nó tàn nhẫn lắm, tôi không muốn nhìn thấy nó nữa.”
“Được thôi”, Cường Ba trả lời, “Nuôi một chú chó Ngao độ hồn thất bại rất nguy hiểm. Chủ nhật tuần sau tôi phải trở về trại để bổ sung lương thực, nhân tiện sẽ đem nó đi luôn. Xem ra, chỉ còn cách đưa nó vào sở thú, để nó phải sống cả đời trong lồng sắt.”
Chiều ngày thứ Bảy, trước ngày đưa Man Hoảng đi một ngày đã xảy ra một chuyện mà không ai ngờ tới và chuyện đó đã làm thay đổi cả cuộc đời nó.
Sáng sớm ngày hôm đó, tôi dắt theo Man Hoảng đến chân núi Nhật Khúc Khả để tìm kiếm tổ của chim ưng vàng trên vách núi đá.
Chim ưng vàng thuộc loại mãnh thú lớn, nó được mệnh danh là con cưng của bầu trời, số lượng còn lại rất ít, thế nên rất có giá trị nghiên cứu. Trạm nghiên cứu động vật giao cho tôi nhiệm vụ, chụp một series ảnh về cuộc sống của loài chim này. Nhiệm vụ này rất khó khăn, tôi đu mình trên vách đá giống như một chú khỉ đến nửa ngày, thế nhưng chẳng thấy bóng dáng của con chim ưng vàng nào cả. Tôi rất thất vọng, ngồi trên một cây thông nhỏ bị nghiêng nghỉ ngơi.
Đúng vào lúc đó, đột nhiên tại vách đá phía bên trái tôi vọng lại tiếng kêu của dê – tiếng kêu thảm thiết, đầy sợ hãi. Tôi liền cầm ống nhòm lên xem, trên một phiến đá hình con cóc, một con dê lông xám hồng đang nghiêng chiếc sừng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trông nó rất căng thẳng. Tôi liền hướng ống nhòm xuống phía dưới, chợt nhìn thấy một con báo tuyết xám trắng đang nhe nanh vuốt chực xông lên.
Tôi lấy làm lạ, một chuỗi câu hỏi hiện lên trong đầu.
Dê núi là món ăn yêu thích của báo tuyết, thế nên báo tuyết rất thích săn bắt chúng, điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Nhưng điều đáng nói là, bản tính của dê núi rất nhu nhược, trong những tình huống thông thường, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của báo tuyết là chúng bỏ chạy.
Nếu xem mặt mà bắt hình dong thì loài dê có màu lông hơi xám hồng này thường sinh sống trên những vách đá. Móng của chúng khác với những loài dê khác. Những con dê khác có bộ móng cấu tạo từ chất sừng rắn chắc, nhưng móng của dê núi xám hồng lại cấu thành từ chất keo có độ ma sát lớn, vừa mềm mại lại vừa có tính đàn hồi. Hơn nữa, khoảng không gian giữa những chiếc móng rất sâu, làm tăng thêm ma sát với mặt đất, đặc biệt rất thích hợp cho việc thường xuyên leo trèo tại những vách núi dốc. Đặc thù lớn nhất của loài dê này là có thể đi lại như bay trên các vách đá để lẩn tránh loại động vật ăn thịt dê.
Mặc dù báo tuyết được mệnh danh là bá chủ của núi tuyết và cũng rất giỏi trong việc săn mồi trên những vách núi, tuy nhiên, nếu chỉ xét đến khía cạnh leo trèo thì nó thua xa so với dê núi. Thế nên nhiều khi báo tuyết thèm đến nhỏ dãi một con dê núi nhưng rất khó để tóm gọn được chúng. Theo một con số thống kê, số lượng báo tuyết trưởng thành săn bắn thành công một con dê núi trưởng thành chỉ chiếm tỷ lệ 5%.
Con dê núi đang trốn trong tầm ngắm của tôi có lớp lông sáng bóng, bốn chân dẻo dai, tiếng kêu rất vang, nhìn cũng đủ biết đó là một chú dê núi trưởng thành khỏe mạnh. Nơi nó đang đứng là nơi đan xen giữa các mỏm đá lởm chởm, hay nói cách khác là địa hình thuận lợi để nó tháo chạy. Nói một cách khách quan, con dê này đang rơi vào tình cảnh nguy hiểm nhưng không phải là bước đường cùng. Chỉ cần nó co chân lên chạy là có thể thoát khỏi mối hiểm nguy. Thế nhưng tại sao nó vẫn không bỏ chạy? Lại còn nghiêng chiếc sừng nhỏ trên đầu với tư thế sẵn sàng chiến đấu? Cuộc chiến giữa dê và báo, cũng giống như trứng chọi với đá, thật không biết lượng sức mình.
Lúc này, Man Hoảng đứng ngay sau tôi cũng phát hiện ra chú dê núi, nó sủa lên đầy hưng phấn. Tôi muốn ngăn nó lại, tuy nhiên nó đâu chịu nghe lời, vẫn lao về phía trước với vẻ đầy sát khí.
Báo tuyết và chó Ngao Tây Tạng, hãy thử hình dung Man Hoảng cũng ở trong trận chiến đó, tức là nó đang đứng trên phiến đá hình con cóc kia. Một con báo nhe răng giễu vuốt, thêm vào đó là một con chó Ngao hung hãn thì chú dê núi cho dù có ba đầu sáu tay cũng không thể thoát khỏi số kiếp bị chết trong giằng xé.
Điều khiến tôi không thể lý giải được là từ ống nhòm, tôi nhận thấy con dê đó đang run lên từng chập, đôi mắt sợ hãi như chực rơi ra ngoài, thể hiện rõ sự căng thẳng thế nhưng tại sao nó vẫn đứng yên trên phiến đá đó, không có ý định bỏ chạy?
Lúc này tuy không có gió nhưng bụi cỏ đuôi chó phía sau con dê đột nhiên chuyển động, xuất hiện một vật gì đó nhiều lông màu quýt. Quan sát kỹ, hóa ra là đầu một con dê con. Con dê lông vẫn còn ướt, hai mắt híp lại như một đường thẳng, run rẩy đứng thẳng lên nhưng không thể đứng vững. Nó mới đứng được mấy giây lại quỵ ngã xuống, lẫn vào đám cỏ đuôi chó. Nhìn kỹ lại con dê mẹ, mấy chiếc vú dưới bụng đang lúc lắc căng tròn như những quả bưởi trên cây. Một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu tôi, mọi thắc mắc đều đã được xóa bỏ: Hóa ra con dê mẹ này vừa mới sinh xong.
Mỗi loài động vật có vú lại có những cách sinh con riêng của mình. Những con dê cái thường tìm đến những vách đá dốc và kín đáo nhất để sinh nở, nhằm tránh mùi tanh của máu khi sinh nở sẽ thu hút được sự chú ý của những loài động vật ăn thịt khác. Vài tiếng đồng hồ trước và sau khi sinh nở là lúc thể trạng dê mẹ yếu ớt và dễ bị tấn công nhất. Trong quá trình sinh nở, dê mẹ mất đi khả năng tháo chạy. Khi một chú dê con be be chào đời, mối nguy hiểm sẽ càng lớn hơn. Trên mình chúng vẫn còn mùi tanh của máu, rất dễ thu hút được khứu giác tinh tường của những loài động vật ăn thịt. Sau khi sinh ra từ 40 phút đến một tiếng, dê con mới có khả năng đứng dậy và đi cùng dê mẹ. Đây cũng là một giai đoạn hết sức nguy hiểm và cũng là giai đoạn yếu đuối nhất trong cuộc đời chúng, bởi nếu gặp phải những động vật ăn thịt chúng không hề có khả năng lẩn trốn, chắc chắn sẽ trở thành một bữa ăn ngon lành cho những kẻ đó.
Con dê núi mẹ này thật bất hạnh. Nó vừa mới đẻ xong, cơ thể vẫn còn rất yếu ớt thì đã rơi ngay vào tầm ngắm của một con báo tuyết đói khát.
Địa hình nơi này có lợi cho dê mẹ, nếu không ngay cả nó và chú dê con vừa mới chào đời đã rơi vào miệng báo.
Đây là một mỏm núi thò ra giữa lưng chừng núi, một nửa treo lơ lửng giữa không trung, một nửa nối liền với vách đá. Địa hình hết sức cheo leo. Con báo ở vị trí bên ngoài của phiến đá, nó buộc phải nhảy lên cao mới có thể nhảy lên phiến đá. Phiến đá lại giống hình con cóc, phía rìa ngoài rất tròn, nghiêng ra phía bên ngoài. Rõ ràng, con báo vẫn chưa vồ lấy chú dê núi này là do nó còn đang đắn đo với cái địa hình hiểm trở này. Nó e ngại rằng nếu như nhảy lên phía trên vẫn chưa kịp đứng vững mà bị dê mẹ húc cho một nhát là có thể rơi xuống vực sâu.
Dê núi rất ngon, tuy nhiên tính mạng của mình còn đáng quý hơn, thế nên phải hết sức cẩn thận.
Con báo tuyết đi đi lại lại dưới phiến đá, tìm góc nhảy và đường tấn công thuận lợi nhất và cũng là để đợi thời cơ thích hợp nhất.
Chiếc bụng của con báo tuyết lép kẹp, rất thích hợp với câu thành ngữ: Da bụng dính vào da lưng. Ánh mắt sáng quắc thể hiện sự đói khát, miệng ứa nước dãi, nhìn cũng biết nó đang thèm muốn đến mức nào. Chắc chắn, con báo này sẽ không dễ dàng từ bỏ một miếng mồi ngon đến vậy.
Tôi biết rằng, việc con báo tấn công chỉ còn là vấn đề thời gian. Mặc dù dê mẹ có lợi thế về địa hình, thế nhưng sự chênh lệch về lực lượng là rất lớn và nó không thể ngăn chặn được con báo. Dê mẹ có hai lựa chọn, một là bỏ lại con mình, hai là cả hai mẹ con cùng bỏ mạng.
Xét về sách lược sinh tồn, từ bỏ dê con là một quyết định thông minh, bởi cho dù dê mẹ có chiến đấu hay bỏ chạy, sống hay chết thì cũng đều rất khó giữ được tính mạng dê con. Vậy tại sao lại lãng phí cả tính mạng mình vào đó. Chỉ cần núi còn thì sợ gì không có củi đốt. Thế nhưng qua ống nhòm, tôi nhìn thấy rất rõ ràng, mũi dê mẹ đang phun phì phì, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu, không một chút do dự hay xáo động.
Vì nó là mẹ, chú dê con mới sinh như tính mạng thứ hai của nó, nó tình nguyện được sống chết cùng chú dê con.
Tôi có mang theo bên mình một khẩu súng săn, chỉ còn cách bắn vào đầu con báo một phát.Tiếng súng đinh tai và mùi thuốc súng xông thẳng vào mũi, chắc chắn có thể dọa con báo bỏ chạy và cứu được mẹ con nhà dê. Thế nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi là một nhà động vật học, nguyên tắc lớn nhất của một nhà khảo sát động vật là không can thiệp vào cuộc sống của động vật hoang dã. Tình yêu vĩ đại kiên cường của dê mẹ tất nhiên khiến người ta phải khâm phục, thế nhưng báo tuyết bắt dê cũng là lẽ thường tình trong tự nhiên, tôi không nên vì tình cảm riêng của mình mà làm thay đổi số phận của chúng.
Trong lúc tôi nghĩ như vậy thì Man Hoảng đã leo lên được phiến đá đó. Nó sủa vang những tiếng đầy dũng mãnh, lông cổ dựng đứng lên giống như một con sư tử. Tất nhiên con báo tuyết cũng không chịu thua kém, nó nhe nanh nhe vuốt, hung hãn tru lên.
Một con chó Ngao và một con báo tuyết, mục đích của chúng đều giống nhau, đều muốn dọa đối phương bỏ chạy, một mình chiếm lấy miếng mồi ngon.
Theo những gì tôi biết, mặc dù chó Ngao có thân hình cao lớn nhưng khi đương đầu với báo tuyết – con vật được mệnh danh là chúa tể của núi cao thì vẫn còn thua kém. Thường thì hai con chó Ngao mới có thể khống chế được một con báo tuyết. Còn nếu một đấu một, chó Ngao rất khó giành lợi thế.
Con báo tuyết sát khí đằng đằng xông lên, cái miệng đỏ như máu nhằm thẳng đầu Man Hoảng mà lao vào. Tôi nghĩ, đối mặt với những đòn tấn công mãnh liệt như con báo tuyết thế này có lẽ Man Hoảng sẽ run sợ và rút lui, cụp đuôi tháo chạy. Thế nhưng tôi đã nhầm, nó là một con chó rất dũng cảm. Không hề tỏ ra sợ hãi, Man Hoảng sẵn sàng nghênh chiến, quần nhau với báo tuyết. Con báo tru lên, chó cũng sủa vang, bụi bay cả một góc núi.
Chó Ngao không phải là đối thủ của báo tuyết, thế nên chỉ sau hai lần giao tranh Man Hoảng đã bị con báo cào cho rách mặt, dọc sống lưng cũng đã rớm máu. Miệng con báo còn bám đầy lông chó. Cuộc chiến càng lúc càng hăng. Man Hoảng đành phải rút ra khỏi vòng chiến, như muốn tránh những đòn tấn công, tuy nhiên con báo vẫn xù đuôi đuổi theo.
Tôi để ý đến một chi tiết, mặc dù quay người bỏ chạy, nhưng chiếc đuôi của Man Hoảng vẫn dựng đứng lên. Cái đuôi là nơi thể hiện tình cảm của loài chó, hưng phấn, phẫn nộ, e ngại, hay khiếp sợ, những trạng thái này đều được thể hiện thông qua chiếc đuôi. Nếu như Man Hoảng khiếp sợ và không dám tiếp tục chiến đấu, chiếc đuôi phải giống như một con rắn chết rủ về một bên. Đuôi của nó vẫn dựng thẳng, cho thấy không phải vì đau đớn mà nó muốn bỏ cuộc mà có thể đó là một đòn nhượng bộ chiến lược. Còn ý chí chiến đấu trong nó vẫn sôi sục.
Con báo đuổi theo mấy bước, liền dừng lại. Vì thấy đường cùng nên không đuổi, đó là một quyết định sáng suốt. Mặc dù nó đang chiếm thế thượng phong, thế nhưng không có nghĩa là chiếm ưu thế hoàn toàn. Nếu cứ quấn lấy nhau và cắn xé, thì rất có thể nó sẽ cắn chết được chú chó Ngao, thế nhưng cũng phải tính đến chuyện có thể bị cắn trọng thương. Con báo không dại gì phải mạo hiểm với điều đó. Chỉ cần đuổi được đối thủ cạnh tranh, một mình hưởng thụ mẹ con nhà dê đã là một thắng lợi lớn.
Con báo nhìn theo lưng Man Hoảng và tru lên vài tiếng rồi quay lưng lại, đột nhiên nhảy phắt lên phiến đá hình con cóc. Vị trí mà nó tung mình lên hết sức thuận lợi, vừa hay ở bên cạnh của dê mẹ. Đợi đến lúc dê mẹ nghe thấy tiếng động, quay chiếc sừng lại phòng vệ thì đã quá muộn, con báo đã lên được phiến đá. Lúc này, dê mẹ vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế về địa hình, con báo tuyết đứng bên bờ của phiến đá. Dê mẹ đứng ở vị trí cao nhất đối mặt với báo.
Dê mẹ cuống quýt định dùng cặp sừng của mình để đối phó với con báo tuyết, nhưng lại không làm sao kiềm chế được nỗi sợ hãi trong lòng, nhăm nhăm muốn xông tới, nhưng lại không dám xông tới thật, đành dậm chân đứng đó.
Báo tuyết tuy đứng ở bên mỏm đá, địa thế hiểm trở, chưa kể đằng sau là vực sâu hàng trăm mét, nhưng nó lại sở hữu những chiếc móng vuốt sắc nhọn và có khả năng thò ra thụt vào linh động, có thể nhảy lên nhảy xuống trên thân cây thẳng đứng, có thể đi trên vách núi như đi giữa đất bằng, đương nhiên cũng có thể đứng vững vàng trên mỏm đá. Báo tuyết liếc cặp mắt tàn ác, cơ thể khom lại, một móng chân trước cào xuống nền đất sạt sạt, khiến người ta có cảm giác như đang mài dao. Tất nhiên là tôi biết, nó sắp mở cuộc tấn công tới con dê mẹ trước mặt.
Loại ống nhòm tôi đang dùng là ống nhòm được dùng trong quân sự, độ rõ nét rất cao. Tôi nhìn thấy đôi mắt tuyệt đẹp của con dê mẹ nhạt nhòa dòng lệ, chứng tỏ nỗi sợ hãi cực độ trong lòng nó. Tôi hoàn toàn có thể dự đoán được vài phút sau sẽ xảy ra chuyện gì, đó là cảnh tượng thường gặp trên núi tuyết đồng hoang: Con báo tuyết sẽ dùng tốc độ nhanh hơn tia chớp của mình lao tới. Con dê núi mẹ sẽ giương cặp sừng màu hổ phách dài khoảng 15 xentimét của mình tấn công con báo một cách vô ích. Con báo dùng móng vuốt tát mạnh vào mặt dê mẹ, con dê mẹ sẽ bị cú tát này làm chóng mặt và ngã xuống đất, con báo sẽ chẳng niệm tình gì mà cắn chặt cổ họng dê mẹ, làm cho nó ngạt thở mà chết. Ngay cả con dê non vẫn còn chưa đứng vững đang nấp trong bụi cỏ cũng trở thành bữa điểm tâm ngon lành mà con báo dễ dàng nuốt chửng.
Cơ thể báo tuyết co lại như sợi dây đàn, trước sau khẽ lắc nhẹ, đôi mắt trừng lên như thể sắp sửa tấn công. Đột nhiên, một sự việc xảy ra ngoài dự đoán nhưng lại rất hợp tình. Man Hoảng như ăn phải gan hùm, cũng chạy lên mỏm đá sau mông con báo, sủa lên giận dữ, thừa cơ con báo chưa kịp quay người, liền cắn một nhát vào mông con báo.
Con báo bỗng nổi cơn thịnh nộ, không thể không quay người đối phó với Man Hoảng. Báo tuyết và chó Ngao Tây Tạng lại bắt đầu cuộc chiến trên mỏm đá.
Đánh nhau trên vách đá dốc, độ nguy hiểm cũng chẳng kém gì nhào lộn trên dây. Hơn một nửa vách đá nhô ra ngoài vực núi, chỉ cần sơ sảy một chút là sẽ rơi tõm xuống vực sâu hàng trăm mét. Khả năng bám víu của móng chó kém xa so với móng báo, đến thân cây xù xì mà chó cũng không leo lên được. Khả năng giữ thăng bằng trên dốc của chó cũng kém xa báo. Hiển nhiên, trong cuộc chiến trên mỏm đá, Man Hoảng nắm phần thua thiệt.
Con báo tuyết từng bước xông tới, ép Man Hoảng lùi về đằng sau. Man Hoảng đã lùi tới rìa mỏm đá, chỉ cần lùi thêm hai, ba bước là có thể rơi xuống vực. Hình như Man Hoảng cũng nhận ra điều này, bất chấp tất cả xông lên phía trước, vần nhau với con báo tuyết. Báo và chó cứ vẫn nhau ở rìa mỏm đá.
Trong lúc báo và sói đánh nhau kịch liệt, dê mẹ giương to cặp mắt chăm chú nhìn theo.
Tương quan sức mạnh rốt cuộc cũng có sự khác biệt, con báo tuyết không hiểu làm sao mà ngoạm chặt được chân Man Hoảng, Man Hoảng vừa kêu vừa liều mạng chiến đấu. Đột nhiên con báo tuyết buông mõm ra khỏi chân chó, đồng thời lấy đầu thúc mạnh vào bụng Man Hoảng. Man Hoảng ngay lập tức bắn ra, lăn hai vòng tới tận rìa mỏm đá, nửa thân vẫn còn ở trên vách núi, nhưng nửa dưới đã ra khỏi vách núi, toàn thân treo trên rìa mỏm đá. Bên dưới nó là vực sâu trăm trượng mịt mù sương khói, là thế giới của tử thần.
Man Hoảng bị thương, nếu không có ai giúp đỡ, phải mất rất nhiều sức mới có thể bò lên mỏm đá.
Cái râu màu trắng của con báo tuyết rung lên, đuôi mắt và khóe miệng nhếch lên cao, tỏ ra vô cùng đắc ý. Nó hùng dũng bước tới chỗ con Man Hoảng đang lâm nguy. Trong trận đấu sinh tử này, nó đã nắm chắc phần thắng, hay có thể nói nó đã giành được thắng lợi mang tính quyết định. Nó chỉ cần bước tới, dùng móng vuốt sắc nhọn của nó mà tát trúng vào mặt con chó, Man Hoảng sẽ rơi xuống vực sâu. Từ vách núi cao như thế này rơi xuống, đừng nói là chó, ngay cả rùa cũng thịt nát xương tan.
Chỉ bằng vài bước, con báo tuyết đã tới trước mặt Man Hoảng, trên mặt lộ vẻ chế nhạo, rồi giơ một chân lên. Vài giây nữa thôi, Man Hoảng sẽ biến mất khỏi cõi đời này. Con báo tuyết tiêu diệt được đối thủ, sẽ chẳng còn chướng ngại nào mà xử lý dê mẹ và con dê con.
Nói thực lòng, tôi không nghĩ tới việc phải đi cứu Man Hoảng. Hoàn cảnh bây giờ của nó, trừ phi tôi nổ súng bắn chết con báo, nếu không sẽ không thể giúp nó chuyển nguy thành an. Báo tuyết thuộc danh sách động vật cần được bảo vệ của quốc gia, tôi quyết không thể vì một con chó mà làm hại một con báo tuyết quý hiếm. Thêm vào đó, đây là một con chó ngao Tây Tạng độ hồn thất bại, tính tình hung dữ, khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm, tôi vốn đã có ý ghét bỏ nó. Tính cách dẫn tới số phận, tàn nhẫn dẫn tới giết chóc, đây là điều nó tự tìm đến, không liên quan gì tới tôi.
Chân của con báo tuyết giơ lên không trung, những móng vuốt đã giương ra như những lưỡi dao sắc bén sáng loáng dưới ánh mặt trời.
Đúng vào khoảnh khắc đó, đột nhiên, đằng sau con báo tuyết lóe lên một hình bóng màu đỏ. Tôi còn chưa kịp nhận ra chuyện gì, vật thể màu đỏ đó đã đâm vào người con báo tuyết. Con báo rống lên một tiếng kinh hoàng, mất thăng bằng chúi về rìa mỏm đá. Lúc này tôi mới nhìn ra, thì ra là dê mẹ dùng cái sừng ngắn của mình đâm vào phần chân của con báo.
Thật khó lý giải làm thế nào dê mẹ lại có thể vượt qua nỗi sợ hãi đã trở thành bản tính của mình, chủ động tấn công từ đằng sau con báo? Có lẽ nó đã nhận thấy con báo tuyết một khi đã xô Man Hoảng xuống vực, sẽ có thể dễ dàng ăn thịt nó và đứa con của mình. Đằng nào cũng chết, chẳng bằng chủ động ra tay tấn công, không chừng còn có thể cứu được mạng sống. Hoặc là nó sinh ra đã là một con dê mẹ đặc biệt dũng cảm, vì đứa con yêu quý của mình mà không ngại quyết chiến với kẻ thù bạo ngược. Hoặc cũng có thể nó cảm thấy báo tuyết chỉ còn cách rìa mỏm đá một bước, nếu mình dùng đủ sức đâm từ phía sau có thể đẩy kẻ thù xuống vực. Cơ hội trời cho, nó đương nhiên không thể bỏ qua.
Có một điều có thể chắc chắn, con dê núi mẹ không vì cứu nguy cho con Man Hoảng mà tấn công báo tuyết.
Cú đâm của dê mẹ vừa chuẩn xác lại khá mạnh, hai chiếc sừng đâm vào phần chân của con báo tuyết, đẩy nó trượt đi khoảng một mét, cả cơ thể con báo tuyết vắt trên rìa mỏm đá, chỉ cần thêm khoảng chục phân nữa, nó sẽ rơi xuống vực sâu. Con dê mẹ vội giơ chân sau lên lấy đà, đương nhiên là muốn một phát thành công, đá con báo tuyết ở rìa vách đá xuống vực núi. Sức mạnh của một con dê đỏ đang nổi giận không hề nhỏ, con báo tuyết quả thực lại bị đẩy ra thêm chục phân.
Nhưng báo tuyết rốt cuộc cũng là báo tuyết, cơ thể uyển chuyển, phản ứng nhanh nhạy. Đúng lúc bị đẩy ra rìa vách đá, nó đột nhiên vặn mình, cơ thể gập lại vuông góc trong không trung, hai chân trước tóm chặt lấy bả vai của dê mẹ, miệng nó kề sát chỉ chực cắn lấy mõm con dê. Đây là động tác bắt dê điển hình của loài báo, miệng báo một khi đã cắn chặt mõm dê thì sẽ nhất quyết không buông tha, làm cho con dê không thể hít thở, cuối cùng tắc thở mà chết.
Trong lúc này, con dê mẹ đang đứng ở rìa vách đá, còn hai chân sau của con báo thì ở bên ngoài vách đá. Điều kỳ lạ là, cái mồm há rộng của con báo đã chạm vào mõm con dê, nhưng nó không hề cắn chặt, mà chỉ thở phì phì vào mồm con dê, đồng thời dùng cái lưỡi thô ráp của mình liếm mõm dê ra vẻ tình cảm.
Tôi không tin trong giờ khắc quyết định sinh tử này mà con báo tuyết lại có thời gian liếm láp, chơi đùa nhàn hạ với con dê mẹ. Là một nhà động vật học, tôi tin vào một định luật như thế này: Bất kỳ hành vi bất thường nào của động vật, mục đích đều là bảo vệ sự sinh tồn. Sở dĩ con báo tuyết chỉ kề chạm và liếm láp mồm con dê, không phải vì từ bi hay khách khí, mà là để cứu vớt tính mạng của chính nó. Nếu như bây giờ nó cắn mõm con dê, con dê cái ngã ra ở vị trí này, rất có khả năng cả dê và báo sẽ cùng nhau rơi xuống vực sâu trăm trượng. Sở dĩ báo tuyết thở phì phì vào mặt con dê, đồng thời dùng lưỡi liếm láp mõm dê, mục đích là muốn dùng hơi thở tanh tưởi của nó để làm loạn trí con dê, dồn ép con dê lùi về phía sau, để nó từ chỗ rìa đá nguy hiểm trở lại vị trí an toàn. Nói một cách khác, báo tuyết đang dùng phương pháp đặc biệt, với ý đồ làm con dê mẹ kéo nó rời khỏi cái nơi mà lúc nào cũng có thể rơi xuống vực sâu tan xác này.
Hành động này thật gian xảo, và cũng rất thông minh, vừa ti tiện lại vừa trí tuệ.
Dê mẹ lùi hai bước về phía sau. Bản tính của động vật ăn cỏ vốn đã thù ghét hơi thở tanh ngòm mùi máu của động vật ăn thịt, bị con báo liên tiếp liếm láp, tất nhiên nó sẽ hồn bay phách lạc, tránh về đằng sau theo bản năng. Hai chân sau của báo tuyết vốn đang ở trong trạng thái treo lơ lửng trên không, lúc này có thể miễn cưỡng đứng trên rìa vách đá. Nếu con dê mẹ lùi thêm ra sau nửa bước, hai chân sau của báo tuyết sẽ có thể đứng vững trên mỏm đá. Một khi báo tuyết loại trừ được nguy cơ rơi xuống vực, không còn nghi ngờ, nó sẽ cắn chết con dê mẹ.
Trong lúc này, con Man Hoảng vẫn treo mình trên vách đá, chăm chú nhìn theo cuộc chiến kịch liệt giữa dê và báo.
Dê núi mẹ thở hồng hộc, tiếp tục giơ chân lên định lùi về phía sau. Con báo tuyết đắc ý cười nhe nhởn, lại càng phun đầy hơi thở tanh tưởi của nó vào mặt và mồm con dê. Bi kịch sắp xảy ra, cuộc tàn sát sắp bắt đầu, mẹ con nhà dê núi kia sắp đi tới chỗ chết, con báo sắp hóa nguy thành an.
Đúng vào giờ khắc then chốt ấy, một sự việc đã xảy ra khiến tôi ngây người nhìn. Chỉ thấy con dê núi mẹ đột nhiên dừng bước, phát ra tiếng kêu vang trời, bốn chân nó chùng xuống, dùng hết sức bình sinh nhảy về phía trước. Mặc dù nó đang bị con báo tuyết to khỏe đàn áp, nhưng lúc khẩn cấp lại nổi lên sức mạnh đáng kinh ngạc. Tôi nhìn thấy đầu con dê mẹ húc vào báo tuyết, cơ thể nảy xa khoảng hơn nửa mét. Mặc dù khoảng cách không gian chỉ là nửa mét, nhưng đó cũng là ranh giới giữa sống và chết. Qua ống nhòm, tôi nhìn thấy một cách rõ ràng, con dê mẹ nhảy ra khỏi vách đá, dừng lại giữa không trung, khuôn mặt con báo tuyết nhăn nhó sợ hãi, hai con mắt trợn trừng lên như thể muốn nhảy ra khỏi hốc mắt. Trong tích tắc, dê núi mẹ và con báo tuyết đã biến mất khỏi tầm nhìn của tôi, rơi thẳng xuống như sao chổi.
Vài giây sau, có tiếng va đập của vật thể từ dưới vực sâu vọng lên.
Không khó để đoán biết động cơ của việc con dê mẹ nhảy xuống núi. Đối mặt với kẻ địch mạnh, không có hy vọng sống sót, chỉ có một cách là cả hai cùng chết.
Lúc đó, con chó Ngao Tây Tạng Man Hoảng cố gắng bò lên từ rìa vách đá. Bộ lông của nó xù lên, khuôn mặt đầy vẻ kinh hãi như vừa thoát chết trở về. Nó đứng trên vách đá mà sủa vang xuống vực sâu. Âm thanh của nó như thể gào xé đến lạc điệu.
Mạng của nó hãy còn lớn, nó còn sống, còn lý do để cảm thấy hạnh phúc.
Phải khó khăn lắm tôi mới trèo lên được vách đá cheo leo đó, định lấy xích để buộc chặt cổ Man Hoảng, dắt nó về trạm quan sát.
Vừa nãy qua ống nhòm tôi còn nhìn thấy Man Hoảng đứng trên rìa vách đá mà sủa một hồi xuống dưới vực, sau đó chui vào đám cỏ rậm đằng sau. Trong đám cỏ đấy là một con dê non vừa mới sinh còn chưa đứng dậy được.
Thật là đúng với câu tục ngữ: Ngao cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi.
Dê núi mẹ và báo tuyết cùng chết dưới vực, đối với con Man Hoảng mà nói, vừa bớt đi một kẻ cạnh tranh, vừa loại đi một chướng ngại vật, đương nhiên là nó được lợi.
Đám cỏ rung lắc làm che khuất tầm nhìn của tôi, không nhìn thấy bên trong đó đang xảy ra chuyện gì. Nhưng theo tôi đoán, Man Hoảng chắc chắn sẽ không chờ đợi gì mà vồ lấy con dê non cắn xé. Sáng sớm nay tôi mới chỉ cho nó ăn hai cái xúc xích, suốt nửa ngày leo núi nhọc nhằn, lại đấu với báo tuyết một trận thập tử nhất sinh, nó sớm đã đói meo bụng. Con dê non vừa sinh da thịt tươi ngon, bắt sống ăn sống, đối với loài chó Ngao Tây Tạng bản tính hung hãn mà nói, rõ ràng là một bữa tiệc thịnh soạn hiếm có.
Cơ hội tốt như vậy, tôi nghĩ, nó sẽ không chịu bỏ qua. Không hiểu vì sao khi nghĩ đến việc Man Hoảng đang đắc ý ăn thịt con dê non đáng thương, lại nghĩ đến việc dê núi mẹ dũng cảm liều chết với con báo tuyết, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm giác thù ghét Man Hoảng. Mặc dù lý trí mách bảo tôi rằng, dê non mất đi sự bảo vệ của dê mẹ sẽ không thể duy trì sự sống giữa núi rừng hoang vắng này, hoặc bị mãnh thú ăn thịt, hoặc là sẽ bị chim ăn xác thối xâu xé khi chết đói, hoàn toàn không có một tia hy vọng sống sót. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy phẫn nộ khi nghĩ đến việc Man Hoảng tấn công con dê non, vô tình mất hết mọi cảm tình tốt đẹp trước kia.
Tôi phải tống cổ con Man Hoảng vào sở thú. Loại dã thú lòng sắt dạ đá dã man như nó, nơi ở tốt nhất là cả đời chôn chân trong lồng sắt của sở thú. Tôi thà nuôi một con chó Pug mặt xệ, chứ quyết không giữ nó bên mình.
Tôi hộc tốc leo lên vách núi, đến gần bụi cỏ rậm, vạch đám lá ra ngó đầu vào nhìn, cảnh tượng diễn ra trước mắt khiến tôi vô cùng kinh ngạc và có lẽ cả đời không thể quên: Con dê non đã chập chững đứng lên, đôi mắt nửa nhắm nửa mở, con Man Hoảng nằm bên cạnh dê non, cái lưỡi dài của nó liếm láp dịch nhầy khắp người con dê non. Tôi chăm chú nhìn vào mặt Man Hoảng, khuôn mặt nó thật hiền hòa, đôi mắt tràn đầy ánh nhìn của người mẹ, như thể đang liếm láp con cún nhỏ mà chính mình sinh ra.
Đột nhiên tỉnh ngộ, lập tức thành Phật? Hay là tình cảm thăng hoa?
Dê non trông có vẻ rất đáng yêu, đôi mắt màu hổ phách, cái miệng như viên ngọc đen, bộ lông vàng óng, ai nhìn cũng thích. Tôi đưa tay vuốt ve khuôn mặt nó, Man Hoảng vội nhảy lên, trong họng phát ra tiếng kêu gừ gừ trầm thấp, nhưng đuôi thì vẫy tít đến hoa cả mắt. Tiếng kêu trầm thấp của nó thì tôi nghe đã quen, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy nó vẫy đuôi rối rít với tôi như vậy. Điều làm tôi thấy kì lạ hơn là, tiếng gầm của loài chó thể hiện sự nổi giận và cảnh cáo, còn động tác vẫy đuôi lại thể hiện sự vui mừng khoan khoái, đây là hai cách biểu hiện tình cảm trái ngược, nhưng lại đồng thời xuất hiện ở Man Hoảng, quả là hiện tượng rất thú vị.
Tôi ôm con dê nhỏ vào lòng, thân mật xoa đầu nó. Tôi chú ý phản ứng của Man Hoảng, nó đang nhìn tôi không chớp mắt, dần dần, tiếng gầm trong họng nó đã dịu xuống, còn cái đuôi thì càng vẫy càng rối rít.
Giờ thì tôi đã hiểu, sở dĩ Man Hoảng đồng thời làm hai động tác hình thể trái ngược là gầm gừ và vẫy đuôi là muốn thể hiện tình cảm phức tạp của nó: vừa muốn cảnh cáo tôi không được làm hại con dê non, vừa muốn khẩn cầu tôi giúp đỡ sinh linh nhỏ bé bất hạnh này.
Tôi ôm con dê non quay về trạm quan sát. Trên đường đi, Man Hoảng chạy trước chạy sau, quanh quẩn bên người tôi. Lúc xuống một con dốc, tôi không cẩn thận trượt chân ngã, Man Hoảng vội kêu lên, ngoạm chặt gấu áo kéo tôi dậy, thể hiện một sự quan tâm chưa từng có. Lúc đi qua dòng suối, một con linh miêu có vẻ ngửi thấy mùi thịt thơm ngon tỏa ra từ trên người con dê non, ngó đầu ra từ bụi cây, nhìn con dê non trong lòng tôi bằng ánh mắt gian hiểm và hung ác. Thấy vậy, Man Hoảng nổi giận sủa một tiếng rồi xông lên, vừa đuổi vừa cắn, cho đến khi con linh miêu bỏ chạy lên cái cây to trên đỉnh núi, nó mới chịu thôi.
Từ lúc này trở đi, Man Hoảng dường như đã thay đổi hoàn toàn. Ánh mắt nó trở nên ôn hòa hiền dịu, đồng thời quen với việc vẫy đuôi, mỗi lần tôi hoặc Cường Ba cho dê non bú sữa, nó lại vẫy đuôi tít mù, cái đuôi vốn bóng bẩy trơn mượt của nó quay tít đến mức trông như một bông hoa cúc nở bung. Lúc rảnh rỗi, nó thích nằm bên con dê nhỏ như một người mẹ, liếm láp bộ lông của dê con, thích thú nhìn dê con chạy nhảy tung tăng trước mặt nó. Buổi sáng tôi dắt Man Hoảng vào núi làm việc, đường nhiên phải để dê con lại trong trại quan sát, nó luôn ngoái lại sau tạm biệt dê con một cách lưu luyến. Chập tối trở về, khi còn cách trạm quan sát còn xa, nó đã cuống quýt chạy thật nhanh, giành phần về trước đoàn tụ với chú dê con trong trạm.
Nó vẫn giữ nguyên tính cách dũng cảm thiện chiến của chó Ngao Tây Tạng, nhưng thêm vào đó là sự phục tùng và hiền lành của chó nhà. Ngoài môi trường hoang dã, đôi khi gặp phải gấu đen hay sói hoang, chỉ cần tôi huýt sáo một tiếng, nó vẫn bất chấp tất cả xông vào chiến đấu. Nhưng nếu trên đường gặp người lạ, hoặc gặp đàn dê chăn thả, tôi chỉ hô một tiếng: “Dừng!”, nó sẽ lập tức ngừng sủa, ngoan ngoãn lui về phía sau tôi.
“Bây giờ nếu cho nó làm chó chăn dê, chắc người chăn dê có thể ngủ say cả ngày cũng nên.” Cường Ba nói, “Nó đã thành một con chó Ngao Tây Tạng độ hồn rồi. Này, có thể lấy nó đổi lấy hai con bò đấy.”
Tôi biết, con dê mẹ dũng cảm đó đã dùng tình mẹ thắm thiết và kiên cường của mình, nhào nặn nên một linh hồn mới cho Man Hoảng.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp