Chó Ngao Độ Hồn
Chương 10: Sói
Phân loại động vật học
Sói thuộc lớp Động vật có vú, họ Ăn thịt, bộ Chó.
Về vấn đề sói và chó có cùng nguồn gốc hay không, từ trước tới nay đã có nhiều tranh luận. Có nhà động vật học cho rằng, chó là do sói tiến hóa mà thành, còn sói là tổ tiên của loài chó. Thời nguyên thủy, sói và chó cùng thuộc một loài động vật. Cách đây khoảng 10.000 năm, trong dòng tộc sói có một chi sở hữu thân hình nhỏ bé, nên thường tranh ăn xương động vật mà người vứt cho, lại dần dần bị người thuần hóa. Xuất phát từ mục đích thẩm mỹ và an toàn, con người đã đào thải những đặc tính hung bạo của loài sói, chọn những con có màu lông ưa nhìn, dần dần biến chúng thành loài động vật gọi là chó. Cơ sở của quan điểm này là, sói và chó có thể giao phối và sinh ra thế hệ sau, điều đó chứng tỏ giữa chúng có một mối quan hệ họ hàng rất gần gũi.
Nhưng còn có một nhóm nhà động vật học khác cho rằng, loài chó mà con người nuôi dưỡng hiện nay được tiến hóa từ một loài dã thú khác trên thảo nguyên, tuy sói và chó có quan hệ họ hàng nhưng lại thuộc hai giống động vật khác nhau. Lý do là: Loài sói từ trước tới nay không có cách nào thuần hóa, tuy sói và chó có thể giao phối và sinh con với nhau, nhưng điều đó không thể chứng minh chúng cùng một tổ tông. Trong những điều kiện nhất định, sư tử và hổ cũng có thể giao phối với nhau và sinh ra thế hệ sau, nhưng sư tử và hổ tuyệt nhiên không thể nào là cùng một loài động vật trong thời cổ đại.
Phân bổ địa lý
Sói là loài động vật có khả năng thích nghi rất tốt, từ núi cao tới bình nguyên, từ sa mạc tới bờ biển, đều có dấu chân của sói. Nhưng khu vực cận xích đạo ít khi phát hiện dấu vết của sói, nguyên nhân là do sói không có mồ hôi mà chỉ có thể làm mát cơ thể qua lưỡi, nếu sống trong môi trường nóng bức, khi săn mồi dễ vì khó khăn trong việc tản nhiệt mà thân nhiệt bị sốt cao.
Trên đồng cỏ savanna[1] của Châu Phi có một loài chó sói đất[2], kích cỡ nhỏ hơn khá nhiều so với loài sói thông thường, màu lông vàng như màu đất, giỏi săn bắt thỏ từ trong hang đất. Nhưng theo giám định của các nhà động vật học, loài động vật này tuy gọi là chó sói, nhưng thực chất không phải là sói mà là một giống chó hoang.
[1] Savanna: đồng cỏ ít cây cối, một loại hình thảo nguyên phổ biến ở Châu Phi.
[2] Chó sói đất: tên khoa học là Proteles cristata.
Châu Úc là thiên đường của các loài động vật có túi, như chuột túi, gấu túi, cáo túi… Mấy năm trước còn phát hiện tiêu bản hóa thạch của sói túi, chứng minh sự tồn tại của sói túi, đáng tiếc là đã tuyệt chủng. Từ góc độ di truyền học, sói túi là một loài phụ của gia đình sói.
Trên khắp lãnh thổ Trung Quốc hầu như đều có sói sinh sống, nơi phân bố nhiều nhất là khu vực Tây Bắc và Nội Mông Cổ. Ở Trung Quốc, sói được chia làm hai loại: sói phương Nam và sói phương Bắc. Sói phương Bắc lông vừa dài vừa dày, hình thể khá lớn; trong khi sói phương Nam lông ngắn và thưa, hình thể khá nhỏ. Sói phương Nam ưa thích lối sống cô độc và kết đôi; còn sói phương Bắc thích sống quần tụ, ngày đông tháng giá thường hợp thành bầy lớn, cùng nhau săn mồi.
Vai trò trong tự nhiên
Sói là loài động vật ăn thịt cỡ trung, tuy kích cỡ chỉ ở mức trung bình, nhưng lại là kẻ thù đáng sợ nhất của các loài động vật ăn cỏ như bò, dê, sơn dương… Đó là bởi vì khi mười con, hoặc mười mấy con sói hình thành bầy đàn, sức mạnh của chúng tăng lên gấp bội, đến hổ cũng phải nhún nhường vài phần, do đó sói được xếp vào tốp đầu của lưới thức ăn trong tự nhiên.
Do thường xuyên săn bắt gia súc gia cầm, từ lâu sói đã bị con người coi là động vật có hại, nên mới dẫn tới chuyện rình bẫy và dồn chúng vào chỗ chết. Nhưng vì con người săn bắt quá mức, số lượng sói trong tự nhiên trên khắp thế giới đều đã giảm đi đáng kể. Thực tế, sói có vai trò đặc thù trong việc giữ vững cân bằng sinh thái.
Những năm 60 của thế kỷ XX, người chăn nuôi ở Canada vô cùng thù hận bọn sói bắt trộm dê, nên đã phát động một phong trào diệt sói rất quyết liệt. Những người nông dân này dùng súng săn hai nòng tiên tiến và huấn luyện thành thạo đàn chó săn tham gia vào những chuyến săn sói. Chỉ trong vài năm, những cánh đồng chăn thả gia súc ở Canada không còn dấu vết của loài sói. Con người đã giành chiến thắng huy hoàng trong cuộc chiến với sói.
Thế nhưng chỉ sau khoảng chục năm, cuộc chiến này đã đi tới kết quả bi đát. Canada có một giống thỏ lông đỏ, trước kia do bị sói săn bắt, loài vật mắn đẻ này đã được khống chế; nhưng khi sói bị tuyệt diệt, mỗi năm chúng lại phát triển nhanh chóng với tần suất sinh ba lần mỗi năm, số lượng không đếm xuể. Thỏ lông đỏ ăn cỏ, lại giỏi gặm nhấm cỏ cây, do vậy cả một tập đoàn thỏ lại trở thành tai hại lớn. Những cánh đồng cỏ lần lượt bị chúng cắn phá, biến thành hoang mạc, ngành chăn nuôi đứng trước thiệt hại chưa từng có trong lịch sử. Người ta rải độc, giăng lưới, săn bắt, tìm mua những loài chó săn thỏ thành thục, huy động mọi sức lực, thế nhưng số lượng của loài thỏ lông đỏ vẫn vượt xa khả năng tiêu diệt của con người. Cuối cùng, chính phủ Canada không còn cách nào khác là nghe theo ý kiến chuyên gia, bỏ ra một khoản tiền lớn để nhập khẩu từ Mỹ 100 con sói hoang, thả chúng về đồng cỏ. Hai năm sau, số lượng của loài thỏ lông đỏ mới được khống chế một cách hiệu quả.
Từ khía cạnh đa dạng sinh học, sói – bản thân nó đã có lý do để sinh tồn, chúng giữ một vai trò quan trọng không thể thay thế trong tự nhiên.
Sói trong con mắt loài người
Trong con mắt loài người, sói là hóa thân của sự hung ác. Trong cuốn Từ điển thành ngữ đều ghi lại những câu: dã tâm sói, lang sói cấu kết, lòng lang dạ sói, sói đội lốt cừu, chó sói gửi chân… đều miêu tả sói là loài dữ tợn, gian tham và hung ác. Trung Quốc cổ đại còn có một truyện ngụ ngôn nổi tiếng là Sói Trung Sơn , miêu tả sói – một kẻ bội tín bội nghĩa. Theo Hán tự, hai chữ “ngân” (nghĩa là hung ác) và “lang” (tức sói) chỉ hơn kém nhau một nét chấm, có nghĩa là chỉ cần hung ác thêm một chút là thành sói. Thế mới thấy sự thù ghét của con người đối với loài sói. Có thể nói, trong văn hóa truyền thống của rất nhiều dân tộc, “sói” chính là danh từ thay thế cho cái ác.
Nhưng cùng với sự phát triển của khoa học, cùng với việc thấm nhuần ý thức bảo vệ môi trường, cách nhìn của mọi người với sói dần dần cũng thay đổi, từ thù hận trở thành khoan dung, từ xung khắc như nước với lửa trở thành hòa hợp. Chẳng hạn như một bài hát nổi tiếng có tên là Sói phương bắc , hay một nhãn hàng quần áo có tên là Bảy con sói . Từ đó có thể thấy, con người bắt đầu nhìn nhận sói một cách khách quan, cảm phục sự dũng cảm và kiên cường của sói.
Đặc trưng hành vi
Sói thân thon chân dài, đuôi thả giữa hai chi sau, răng sắc nhọn. mõm cũng linh hoạt. Mắt sói xếch, tai dựng đứng chứ không cụp. Màu lông sói khác nhau tùy theo nơi sinh sống, thông thường phần bên trên màu vàng xám, ở giữa màu đen, bên dưới màu trắng. Sói thường sống ở vùng đồi núi, thảo nguyên và rừng rậm. Tính hung bạo, thường đơn độc hoặc sống thành đôi, mùa đông thường tập hợp thành bầy, tấn công các sinh vật hoang dã và gia súc.
Khứu giác của sói vô cùng nhạy cảm, tính cách cảnh giác, đa nghi và dữ tợn. Lừa gạt chúng rất khó. Những chiếc bẫy mà con người đặt, cho dù được ngụy trang khéo léo như thế nào cũng khó lừa được chúng.
Sói sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, đôi chân dài giỏi chạy, vừa nhanh vừa bền, một hơi có thể chạy tới hơn 50m. Thêm vào đó chúng còn biết huy động sức mạnh tập thể để bao vây con mồi, cho dù là những loài động vật chạy nhanh như linh dương, dê núi, cuối cùng đều bị sói tóm gọn.
Sói mặc dù tập hợp thành bầy, nhưng giữa đồng loại thường không có tinh thần tương thân tương ái. Trong trường hợp đói khát cực độ, chúng còn có thể tấn công đồng loại của mình. Khi có một con sói trong đàn bị thương, những con khác có thể xông lên, cắn chết và xé xác ăn thịt đồng loại. Có thể thấy, bản tính của sói là ích kỷ và tàn nhẫn.
Sói tuy tàn nhẫn, nhưng chúng lại tràn đầy tình thương đối với con mình. Thông thường, sói cái mỗi lần mang thai sẽ sinh năm đến bảy sói con, sói bố và sói mẹ cùng nhau nuôi dưỡng con cái. Khi sói mẹ sinh nở không thể ra ngoài săn mồi, sói bố sẽ đảm nhận trọng trách mưu sinh cho cả nhà, sau khi săn được mồi, đầu tiên nó sẽ nuốt chửng, sau đó về nhà nhổ ra thức ăn đã được tiêu hóa một nửa, nhẫn nại bón cho sói mẹ và sói con ăn. Trong khoảng trên dưới 25 ngày, sói con sẽ có thể ra ngoài hang chơi đùa. Lúc này, hai bố mẹ sói cùng nhau dạy dỗ con rình mồi và săn mồi. Khi gặp tình huống nguy hiểm, sói bố mẹ càng quan tâm hơn tới con. Chúng cảnh giác quay người chạy đi hướng khác, nhằm đánh lừa tầm mắt, hứng hết nguy hiểm về mình để bảo vệ sói con không bị làm hại. Giai đoạn nuôi con kéo dài khoảng một năm, cho đến khi sói mẹ đến kỳ giao phối mới, sói đực sẽ thẳng thừng đuổi đàn con đi, để chúng bắt đầu cuộc sống độc lập.
Những câu chuyện thú vị
Dưới đây là một câu chuyện về sói hoàn toàn có thực.
Có một đoàn địa chất đến núi Kỳ Liên để khảo sát điều kiện tự nhiên, đã đánh chết một con sói mẹ có ý định vào trong lán trại ăn trộm thức ăn, sau đó lại tìm thấy một hang đá ở gần doanh trại, trong đó có hai chú sói con, một đen một vàng, vừa mới sinh được vài ngày. Các thành viên đoàn địa chất không nhẫn tâm giết chết chúng, hơn nữa việc nuôi hai con sói nhỏ này cũng giúp cuộc sống bớt buồn tẻ, nên đã nuôi chúng bằng cháo. Sau khi lớn lên, chúng biết nghe lời giống như chó, cùng với đoàn địa chất qua sông vượt núi, hình thành một mối quan hệ thân thiết với con người.
Một năm sau, đoàn địa chất hoàn thành nhiệm vụ khảo sát, phải trở lại thành phố. Ban đầu, họ dự định thả hai con sói đã trưởng thành về với tự nhiên, nhưng khi chiếc xe tải của họ khởi động, hai con chó sói cứ chạy theo mãi, cả đoàn đành thay đổi kế hoạch, mang chúng về thành phố, định tặng cho sở thú, như thế ngày nghỉ cuối tuần họ có thể đến thăm chúng.
Ai ngờ, sở thú lại một mực từ chối, vì động vật trong sở thú đều có biên chế và danh sách cả, cơ quan chức năng sẽ dựa vào biên chế và danh sách đó để phát kinh phí, bây giờ nhận hai con sói về, lấy gì nuôi chúng? Họ nói sở thú không phải là cơ quan từ thiện và nơi tiếp nhận động vật hoang dã mà cứ con nào có vấn đề muốn vào là vào được.
Các thành viên trong đoàn không thể mang hai con sói trở về núi Kỳ Liên, để nó ở lại thành phố lại càng không được. Nếu người ta phát hiện trên đường phố đô thị có dấu vết của sói, e rằng sẽ dẫn tới chấn động xã hội. Không còn cách nào khác, họ đành mua một ít thịt về, trước tiên cho chúng ăn no, sau đó đợi khi đêm khuya vắng mang chúng lên chiếc cầu vượt ở đường vành đai rồi đẩy chúng xuống. “Tung! Tung!” Phía dưới cầu vọng lại tiếng động của vật thể rơi xuống đất, liền đó là tiếng kêu thống khổ. Đoàn địa chất chạy xuống cầu, hai con chó sói nằm giữa vũng máu, nhưng vẫn chưa chết, chúng trừng mắt lên nhìn vào bầu trời đen kịt.
Cùng chung sống với nhau hơn một năm, chắc chắn là có nảy sinh tình cảm. Một nhân viên địa chất nữ không chịu nổi sự kích động trước tình cảnh thảm khốc này, liền bật khóc nức nở. Con sói đen thè lưỡi ra liếm giày của cô, còn con sói vàng dùng cái mõm dính đầy máu của nó hôn tay của cô, như thể đang an ủi cô đừng vì chúng mà quá đau buồn, cho đến lúc chúng trút hơi thở cuối cùng…
Những trải nghiệm của tôi
Dê trong làng cứ lần lượt biến mất một cách thần bí, lão thợ săn già Ba Nông Đinh phán đoán là do sói. Tôi theo Ba Nông Đinh và hai con chó săn ra sau núi tìm kiếm, quả nhiên trong một cái hang um tùm đã tìm thấy ổ sói. Sói mẹ không có nhà, chắc đã ra ngoài kiếm ăn, trong hang chỉ có ba con sói nhỏ vẫn còn đang trong kỳ bú mẹ.
Đối phó với sói dữ, chúng tôi không run tay mềm lòng. Tôi cầm một con sói con quăng cho đàn chó săn, chúng phấn khích xông vào, mỗi con một miếng cắn xé con sói thành mấy mảnh. Tiếp đến, tôi lại vứt một con sói con khác, chẳng mấy chốc lại vào bụng chó.
Khi tôi đang chuẩn bị vứt con sói con cuối cùng, Ba Nông Đinh ngăn lại, nói: “Để một con sống đi.” Thấy mặt tôi có vẻ nghi ngại, ông ta giải thích: “Nếu mày giết tất cả lũ sói con, sói mẹ quay về ngửi thấy mùi người và chó, chắc chắn sẽ báo thù điên cuồng. Để một con sống, sói mẹ xót con sẽ không dám đến báo thù, mà sẽ mang sói con đi một nơi thật xa để tránh tai họa.”
Ba Nông Đinh đón con sói nhỏ từ tay tôi, lấy sức bẻ hai cái chân sau của nó, có tiếng “rắc… rắc…”, thế là hai chân sau của con sói đã bị bẻ gãy. Ba Nông Đinh đặt con sói gãy chân trở lại ổ, bảo: “Để cho sói mẹ nuôi dưỡng một con sói con tàn tật vĩnh viễn không thể đứng lên, cả đời sói mẹ sẽ đau đớn, cũng không còn sức lực và dũng cảm đến làng bắt dê nữa.”
Chập tối hôm đó, ở trên đỉnh núi băng đối diện, chúng tôi nhìn thấy từ xa một con sói mẹ cắp một sói con, dưới ánh hoàng hôn, cúi đầu lặng lẽ đi về phía rừng sâu.
Từ đó trở đi, quả nhiên như lời Ba Nông Đinh nói, sói mẹ không còn trở lại nữa.
Hiện trạng sinh tồn
Hiện trạng của loài sói không hề đáng lạc quan. Do con người đã có thành kiến thăm căn cố đế với sói, nên hàng nghìn năm nay, cuộc sống của loài sói không hề dễ dàng. Chúng phải trốn chui trốn lủi để tránh khỏi sự truy sát của con người. Tại Trung Quốc, cách đây khoảng 60 năm, hầu như tỉnh thành nào cũng có sói xuất hiện. Nhưng sang thế kỷ XXI, ngoài khu vực đông bắc, tây bắc và một số tỉnh thành, khu tự trị ở vùng tây nam ra, các nơi khác đã không còn tìm thấy dấu vết của sói. Các chuyên gia ước tính, tổng số cả thể sói hoang dã ở Trung Quốc hiện nay không vượt quá 1000 con. Nếu tình trạng này tiếp diễn, con người chỉ có thể thấy sói trong sở thú mà thôi.
Đôi lời gửi gắm
Sói ăn thịt dê, có khi còn tấn công người, nhưng không chỉ sói mới ăn thịt dê mà người cũng ăn thịt dê. Nếu so sánh với việc tấn công người, thì số lần người tấn công sói chắc chắn nhiều hơn gấp bội.
Sói thực sự là có tính tham lam, nhưng nói một cách công bằng, phàm là thứ mà sói ăn thì người cũng ăn, mà nhiều thứ người ăn nhưng sói lại không ăn, chẳng hạn như thuốc lá, rượu mạnh, heroin… Vậy nên, sói không phải là tội phạm hoàn toàn xấu xa, hãy niệm tình khi ra tay, đừng vội vàng tiêu diệt chúng, hãy cho chúng một con đường sống. Mục đích chỉ là để tự nhiên cân bằng, hài hòa hơn và trở nên thích hợp hơn cho con người sinh sống.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp