Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 41: Bố ơi, hãy bỏ roi vọt xuống!


Chương trước Chương tiếp

Sở Sở, nữ, 16 tuổi, học sinh cấp ba

Bố mẹ tôi thuộc vào thế hệ những người phải học hành dở dang do cuộc Cách mạng văn hóa thời đó. Lúc đó, bố mẹ tôi còn trẻ nhưng đã phải gia nhập vào đội sản xuất và được đưa về các vùng nông thôn. Mẹ thường nhắc đến chuyện về nông thôn sản xuất, lúc đó mẹ cũng chỉ bằng tuổi tôi, mới mười sáu tuổi. Tôi không thể tưởng tượng được nếu mình phải xa gia đình đến một vùng quê nghèo thì cuộc sống sẽ ra sao? Tôi hiểu vì sao mẹ lại đem chuyện này ra kể cho tôi nghe. Mẹ muốn tôi biết trân trọng điều kiện học tập của tôi bây giờ.

Thời đó, bố mẹ tôi chỉ được học hết cấp hai, trình độ văn hóa không cao, thế nên khi quay về tỉnh cũng chỉ có thể làm công nhân phổ thông mà thôi. Lúc đó công xưởng làm ăn khá tốt, tôi được sống trong một căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Tôi rất thích xem ti vi màu, nhưng bố chỉ cho tôi xem nửa tiếng phim hoạt hình, thời gian còn lại bố tiến hành “phát triển trí tuệ” cho tôi. Bố lấy ra đủ các loại tranh ảnh, hình vẽ và bắt tôi phải phân biệt các con vật. Lớn hơn một chút, các trường mầm non đã bắt đầu dạy phiên âm tiếng Hán và một vài phép tính đơn giản. Nhưng không hiểu sao tôi không tài nào học được. Cô giáo nói với bố tôi chuyện này, kết quả là ngày nào bố cũng kèm tôi học bài. Tôi lại không được thông minh cho lắm, ngay cả phép toán đơn giản một cộng một bằng hai tôi cũng không biết làm. Bố dạy tôi nhiều lần rồi hỏi lại: một cộng một bằng mấy, thế nhưng tôi vẫn trả lời sai bét, lúc thì nói bằng ba, lúc lại nói bằng bốn. Cuối cùng, bố tôi đã không thể kiên nhẫn được nữa, thế là bố bạt tai tôi một cái đau điếng. Tôi cảm thấy má mình tê dại, đó là lần đầu tiên bố đánh tôi. Kể từ đó, những trận đòn của bố cứ thi nhau giáng xuống đầu tôi.

Thực ra những phép toán và phiên âm mà tôi từng coi là khó nhằn này đến năm tôi lên lớp một cũng trở nên đơn giản hơn. Thế nhưng, tôi thường xuyên viết sai chữ. Trong bài kiểm tra, lúc nào tôi cũng bị cô giáo sửa lại, lúc thì thiếu nét, lúc lại thừa nét. Toán học cũng dần dần trở thành môn học mà tôi khó tiếp thu. Chính vì thế mà kết quả học tập của tôi không bao giờ được như mong muốn của bố mẹ. Bố tôi cầm bài kiểm tra của tôi và bắt tôi ngồi lại làm cho đúng. Mỗi lần sửa đến một chỗ sai là bố lại lấy đầu nhọn của bút chọc vào tay tôi, còn nói “để cho nhớ”. Tôi giống như một con thỏ nhút nhát, tim lúc nào cũng đập thình thịch. Tôi rất căm ghét chuyện học tập, thi cử. Nó làm cho bố tôi thay đổi, trở nên thật tàn nhẫn.

Nhưng sự hy sinh của bố mẹ đối với tôi vẫn làm cho tôi vô cùng cảm động. Mấy năm trước, công xưởng sản xuất làm ăn xuống dốc, mẹ tôi bị mất việc đầu tiên. Bố tôi dựa vào tay nghề kỹ thuật của mình, chạy đôn chạy đáo làm thêm để nuôi gia đình. Tiền kiếm được bố không nỡ tiêu một đồng nào mà đều gửi vào ngân hàng, nói là dành nuôi tôi ăn học. Để đảm bảo tôi có sức mà học tập, mỗi sáng bố mẹ tôi đều bắt tôi uống một cốc sữa và ăn một quả trứng gà. Còn buổi sáng bố mẹ tôi chỉ ăn một chút cháo loãng với dưa muối. Tình yêu thương mà bố mẹ dành cho tôi đã khiến tôi phải gánh trên vai một áp lực vô cùng nặng nề. Vì vậy tôi vô cùng thận trọng trong việc học tập.

Đánh tiếc là từ khi lên cấp hai, mặc dù tôi học hành chăm chỉ, cần cù hơn nhưng thành tích của tôi vẫn không như ý muốn. Bố tôi còn lo lắng hơn cả tôi; bố mua cho tôi rất nhiều sách giới thiệu phương pháp học tập như: Cách mạng học tập, Đợi em ở Đại học Bắc Kinh rồi bảo tôi lúc nào học mệt rồi thì giở ra đọc. Tôi biết những quyển sách này đều rất đắt, bố chắc đã tốn không ít tiền để mua chúng. Điều này càng làm cho tôi cảm thấy bất an và tự trách bản thân mình. Nhìn bạn bè trong lớp học hành nhẹ nhàng, không chăm chỉ bằng tôi mà vẫn học giỏi, tôi bắt đầu nghi ngờ, không biết do tôi ngu dốt bẩm sinh hay là do tôi bị bố gõ vào đầu nhiều quá nên não của tôi có vấn đề rồi? Nhà khoa học Edison đã từng nói: “Thiên tài là một phần trăm cản hứng và chín mươi chín phần trăm mồ hôi và nước mắt”, tại sao những chân lí này không đúng với hoàn cảnh của tôi hiện giờ?

Kết quả kiểm tra đã có, tôi run run tìm tên mình trong danh sách rồi gióng sang cột xếp hạng. Tôi xếp thứ 38. Bố yêu cầu tôi phải lọt vào tốp 20 người dẫn đầu lớp, vậy là tôi đứng sau 18 người so với yêu cầu đó. Cô giáo yêu cầu chúng tôi ngày hôm sau phải mang bảng điểm nộp lại cho cô, kèm theo cả ý kiến và chữ ký của bố mẹ nữa. Lúc bỏ bảng điểm vào trong cặp, tôi lại như nhìn thấy cái bạt tai và những trận đòn của bố. Tôi cảm thấy người mình bỗng nhiên đau nhức…

Về nhà, mẹ tôi đang dọn ra những món ăn còn nóng hôi hổi. Trên bàn ăn còn có một con cá sốt cà chua thơm ngon. Bố nhìn tôi âu yếm rồi gắp cá vào bát cho tôi. Tôi cắm mặt vào bát cơm, không dám ngẩng đầu lên nhìn bố nữa. Ăn xong cơm, tôi rụt rè nói với bố: “Kết quả kiểm tra của bọn con có rồi bố ạ, cô giáo yêu cầu phải xin chữ kí và ý kiến của bố mẹ!”.

Bố lập tức trở nên nghiêm nghị: “Bảng điểm đâu? Mang cho bố xem nào!”. Tôi mang tâm trạng của một kẻ chuẩn bị bước lên đoạn đầu đài, run run đưa bảng điểm cho bố xem. Bố tôi cầm lấy tờ bảng điểm đọc: “Ngữ văn 80, Toán học 64, Vật lí 73…”. Càng đọc, giọng điệu của bố càng trầm xuống. Mặc dù tôi đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, nhưng khi nghe thấy tiếng bố quát, tim tôi vẫn như muốn nhảy ra ngoài: “Bố đã nói với con bao nhiêu lần rồi, môn toán rất quan trọng, tại sao con không chịu nghe? Nhìn xem, thi kiểu gì mà được có 64 điểm, suýt chút nữa là dưới trung bình rồi… Bố phải cho con một trận…”. Sau đó tôi bị một trận đòn bằng cán chổi. Trong cơn hoảng loạn, tôi chỉ biết ôm lấy mặt và đầu của mình, bởi đó đều là những bộ phận không thể để cho bố đánh được. Tay, mông, và chân của tôi đều bị bố đánh cho thâm tím, đau nhức. Lúc đó, đầu óc tôi đã trở nên mụ mẫm…

Cuối cùng vẫn là mẹ cứu tôi thoát khỏi cơn ác mộng. Lúc đó, tôi đã bị đánh cho tê dại, không thể đứng lên nổi nữa. Mẹ rớt nước mắt, nói rằng bố đã đánh tôi quá nặng tay. Bố hầm hừ nói: “Cái đồ vô dụng, đánh chết thì thôi!”. Tôi giống hệt như một con ngốc, không rên la thành tiếng dù toàn thân đã bị bố đánh đến bầm dập. Tôi thầm nghĩ, thà tôi chết đi còn hơn! Sống không bằng chết, đúng là sống không bằng chết!

Tối hôm đó, tôi được đưa vào bệnh viện, xương chân của tôi bị đánh gãy. Bác sĩ kinh ngạc hỏi tôi đã có chuyện gì xảy ra. Bố tôi ấp úng nói là tôi bị một bạn học cùng lớp bắt nạt. Lúc bác sĩ kiểm tra vết thương của tôi, lắc đầu thốt lên rằng: “Người gì mà ác thế, nỡ đánh người ta đến mức này!”. Bố tôi đứng bên cạnh, nghe thấy thế liền òa khóc.

Chân tôi phải bó bột, không đi lại được. Hằng ngày mấy bạn cùng lớp đến nhà giảng bài cho tôi. Nghe nói bố đã nhờ cô giáo làm như vậy. Trong số các bạn đến giảng bài cho tôi có một người là bạn thân của tôi. Bạn ấy biết tôi thường xuyên bị ăn đòn; lần này thấy tôi bị đánh như vậy, cũng hiểu rõ nguyên cớ vì sao. Có người khuyên tôi nên ra tòa kiện bố tôi, còn nói bố tôi làm như vậy là phạm pháp. Mặc dù trong lòng tôi rất căm hận bố, nhưng cũng rất thương bố. Kiện bố ư? Tôi có thể làm như vậy sao?

Chat room

Xét về mặt luật pháp, bố của Sở Sở là người đã vi phạm pháp luật; xét về mặt giáo dục con cái, hành vi của bố Sở Sở là hành vi cực kì tàn nhẫn; còn nếu xét về quan hệ cha con, roi vọt của bố Sở Sở khiến cho người ta cảm thấy đau lòng!

Tôi tin rằng không gì bao la bằng tình yêu thương của cha mẹ, bố của Sở Sở cho rằng mình làm thế chỉ vì tốt cho con cái. Vì thế bố của Sở Sở đã thẳng tay “ngược đãi” con gái mình. Thế nhưng, tôi nghĩ bố Sở Sở ngoài việc hy vọng con gái mình sau này có thể kiếm được một công việc tốt còn hy vọng bản thân mình được thơm lây lúc về già. Tôi biết tình cảm của cha mẹ đối với con cái là hết sức vĩ đại, thế nhưng cũng có khi, tình cảm cha mẹ có phần hơi ích kỉ, mang tính lợi ích cá nhân. Đây vốn không phải là một chuyện gì xấu xa, chỉ sợ có một số người làm cha làm mẹ đã lợi dụng danh nghĩa của tình “yêu thương” để cướp đi sự tự do, vui vẻ thậm chí là an toàn và sức khỏe của con cái mình. Đây chính là một hành vi trái pháp luật.

Nếu như bố của Sở Sở không rút ra được bài học sau chuyện này, vậy thì tôi tán thành việc Sở Sở nhờ đến pháp luật để bảo vệ chính bản thân mình.
...


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...