Chai Thời Gian
Chương 32
Sự kiện đầu tiên xảy đến khi tôi đã sống ở nhà thầy Wa-thin được khoảng ba tuần. Học kỳ mới bắt đầu và thầy Wa-thin đi dạy nhạc tại ngôi trường mới. Wi tìm được việc ở một tiệm may. Thầy Wa-thin kể với tôi rằng cô đã học những kiến thức may cơ bản ở Bangkok nhưng chưa bao giờ tác nghiệp, hay nói chính xác hơn, cô chỉ quanh quẩn ở nhà, chưa từng đi làm. Lúc ấy, Wi đã có mang hai tháng đứa con đầu lòng. Tôi không biết liệu vì vấn đề tài chính hay bởi cảm xúc rối ren nào đó về chồng và bản thân mà cô khăng khăng tìm việc làm bên ngoài, mặc thầy Wa-thin lo lắng cho cô và đứa con trong bụng. Dù sao chăng nữa, đó cũng là lý do mà vào ban ngày ngôi nhà nhỏ kia chỉ có mình tôi.
Tôi dành hết thời gian nghiền ngẫm những cuốn sổ tay mỹ thuật mà thầy Wa-thin mượn của một thầy giáo khác cho tôi. Tùy vào cảm xúc mà tôi sẽ thử vẽ theo những phong cách mới lạ hay luyện tay bằng cách chép những bức tranh tôi thích.
Tôi vẫn còn nhớ khi ấy tôi phát cuồng với những tác phẩm của Van Gogh, nên tôi đã thả mình vào giai điệu ca khúc “Vincent” của Don McLean trong lúc lật giở cuốn Faisin. Tôi không hẳn đồng tình với ý kiến của một số bạn bè tôi sau này rằng các tác phẩm của Van Gogh lấy cảm húng từ tranh Gauguin và tranh khắc gỗ của một số họa sĩ Nhật Bản. Chả phải tôi say mê Van Gogh thái quá, nhưng tôi tin rằng ông có cái độc đáo của tất cả những nghệ sĩ đích thực Có thể ông đã lấy cảm hứng đầu tiên từ người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là ông tiếp tục thổi vào ngọn lửa đầu tiên ấy suốt cuộc đời: ông hoàn toàn có khả năng châm một ngọn lửa của chính mình như chính ông đã làm, và rồi ngọn lửa ấy lại tiếp tục truyền cảm hứng cho bao thế hệ sau.
Một hôm, thầy Wa-thin về nhà sớm và vừa bước vào cửa đã vội vã gọi tôi. “Nat! Xem cái này đi!” Thầy ném tờ báo trên tay xuống mặt bàn.
“Chuyện gì thế ạ?” Tôi đặt quyển sách đang đọc xuống và đưa tay với tờ báo. Tít chính và tấm ảnh bên dưới khiến tôi phải mở tờ báo ra đọc ngay lập tức.
“XUNG ĐỘT TẠI NHÀ MÁY DỆT:
HÀNG LOẠT SINH VIÊN, CÔNG NHN BỊ THƯƠNG”
“Thầy ơi, đây là Porm à!” Tôi chỉ vào đứa con gái trong bức ảnh bị một cảnh sát mặc đồng phục xốc nách lôi đi. Mặt Porm bết máu và quần áo rách tươm.
“Ừ.” Thầy Wa-thin gật đầu. “Không hiểu con bé bị cái gì nhập vào mà lại kết thân với công nhân nhà máy dệt và giúp họ bãi công như vậy. Ngay khi cảnh sát được điều tới để kiểm soát tình hình và mở đường cho những công nhân khác muốn vào nhà máy làm việc, Porm của chúng ta ngồi chắn giữa cổng. Đám chủ nhà máy cố vào bằng vũ lực, thế nên mới có xung đột lớn. Họ nói hàng loạt người bị thương. Sở cảnh sác chật ních sinh viên bị bắt. Ở đây viết là chúng sẽ không được bảo lãnh...”
“Thế còn Porm thì sao ạ?” Tôi nhìn thầy Wa-thin.
“Trò đó là người chịu nặng nề nhất. Porm bị giẫm đạp và bị đá đến bất tỉnh.”
“Một lũ xấu xa!” Tôi siết chặt nắm tay. Dù gì đi nữa, nó vẫn chỉ là một đưa con gái, còn không hại nổi một con ruồi.
“Thầy không biết nói gì nữa...” Thầy Wa-thin thở dài. “Nhưng bây giờ người ta không thể chịu đựng sinh viên nữa rồi. Họ nói những đứa trẻ ấy làm ra vẻ hiểu biết hết mọi thứ, đẩy đất nước này vào hỗn loạn và nền kinh tế đang tụt dốc không phanh.”
“Dù giới sinh viên có tham gia vào hay không thì rồi cũng sẽ phải có thứ gì đó bùng nổ thôi ạ. Nhiều vấn đề đã nảy sinh từ rất lâu rồi, có điều tất cả những gì chúng ta làm là nhắm mắt bị tai lờ đi với hy vọng chúng sẽ tự biến mất.”
“Còn vẫn còn là một đứa trẻ.” Thầy Wa-thin nhẹ nhàng vỗ vai tôi. “Thầy hiểu những mong ước tốt đẹp của con cho đất nước và xã hội này, nhưng vấn đề là, con và những người như con có lửa mà không có củi để tiếp tục cháy, con có ý tưởng nhưng thiếu trải nghiệm để biến chúng thành sự thực, và khi con thất bại, con cùng bạn bè con lên án chế độ và thế hệ đi trước, mặc dù cái xấu xa vẫn luôn hiện diện. Thầy muốn cảnh báo con: một cơn gió mạnh sẽ sớm tắt và không thể so nổi với một luồng gió nhẹ bền bỉ, và sẽ không thể có công lý ở bất cứ đâu chừng nào còn có nhiều hơn một con người hoặc ngay cả một con thú. Ai cũng muốn giành giật về mình càng nhiều càng tốt.”
“Con muốn đi thăm Porm.” Tôi nhìn thầy Wa-thin. Đây là lần đầu tiên tôi thất rất nhớ và lo lắng cho nó.
“Chưa phải lúc,” thầy Wa-thin lập tức cản. “Tình hình ở Bangkok đang không ổn định. Thế nào con cũng gặp rắc rối như trò đó thôi.”
“Thế thầy muốn con làm gì đây?” Tôi cắn môi, cảm thấy bứt rứt.
“Đôi khi ta chẳng thể làm gì ngoài im lặng ngồi đợi cho đến khi mọi chuyện kết thúc.”
“Nhưng Porm là bạn của con! Thầy biết chúng con đã chơi với nhau ở trường từ những ngày đầu tiên. Nó chuyển đi, nhưng bọn con vẫn là bạn. Tình bạn của chúng con chưa bao giờ thay đổi.”
“Thế còn thầy thì sao?” thầy Wa-thin nhẹ nhàng hỏi. “Thầy đã từng là thầy giáo của trò đó và tình cảm của thầy với học trò cũng chưa hề thay đổi. Thầy vẫn lo lắng cho các con và cố gắng theo dõi những gì đang xảy ra với các con. Tình cảm thầy dành cho học trò của mình sâu sắc hơn con tưởng, bởi thầy luôn nhận thức được rằng chính thầy đã tham gia đưa các con vào xã hội: dù có chuyện gì xảy ra, thầy luôn cảm thấy một phần trách nhiệm thuộc về thầy.”
“Con hiểu rồi.” Tôi gật đầu, cảm thấy cứng họng.
Và từ ngày đó trở đi, thầy Wa-thin luôn canh chừng tôi như thể sợ rằng tôi sẽ bỏ đi gặp Porm.
Vài ngày sau đó, thầy đưa tôi một tờ báo khác. Lần này, đó là một mẩu tin nhỏ ở cột Xã hội, nhưng những gì được viết ở đó khiến tôi như hóa đá.
“Nội chiến trong gia đình nhà tài phiệt Withoon Thamrongrueang-wa-nit vốn âm ỉ bấy lâu nay đã bùng nổ khi nhà nhỏ sáp nhập với nhà lớn và cô con gái của nhà lớn không chấp nhận nổi sự việc ấy, đã dùng đến súng để giải quyết vấn đề. Rất may là vụ việc không lên trang nhất, nhưng có tin đồn rằng mọi chuyện được ẻm đi nhờ vài trăm nghìn bạc mà ông chủ đứng giữa chi cho nhà nhỏ...”
“Là Jom, phải không?” thầy Wa-thin hỏi giọng đều đều.
“Vâng,” tôi trả lời cụt lủn.
“Thầy không nghĩ là mọi chuyện sẽ đi xa đến vậy. Thầy không gặp lại con bé từ khi nó đi du học.”
“Con vừa gặp chị ấy hôm con đi Nongkhai,” tôi kể với thầy Wa-thin.
“Nó thế nào rồi?” thầy hỏi nhiệt tình. “Nó còn học vĩ cầm nữa không?”
“Con nghĩ là từ lúc đi Anh chị ấy đã bỏ đàn rồi.”
“Vậy sao?” Thầy Wa-thin thở dài tiếc nuối. “Con bé có tài, nó giỏi hơn rất nhiều so với bạn cùng lứa.”
“Nhiều khi, người giàu không quan tâm lắm đến bất cứ thứ gì.”
“Nghe giọng con có vẻ coi thường,” thầy Wa-thin nhận xét.
“Không, không ạ,” tôi cuống cuồng chối. “Con chỉ nói chung thôi.”
“Con có muốn gọi điện cho con bé hỏi xem nó thế nào không?”
“Không ạ... chắc chị ấy vẫn ổn.”
“Tùy con thôi.” Thầy Wa-thin không ép. “Nhưng nếu con có gặp lại Jom, hãy nói là thầy nhớ con bé.”
Nhưng thầy Wa-thin không hề biết là phải mất hai năm sau những lời của thầy mới đến tai chị ấy.
Sau bữa tối hôm đó, tôi bỏ thầy và Wi ở nhà để đi dạo. Tôi bước vô định dọc theo những con phố, mặc cho những ý nghĩ trong đầu tự do lang bạt. Tôi nghĩ về Porm và Jom. Một người vì lý tưởng mà đấu tranh cho công lý của những người mình không quen biết, người còn lại chiến đấu bằng tình yêu và thù hận để bảo vệ bản thân và người phụ nữ sinh ra mình. Không ai có thể phân định điều mà cả hai người con gái ấy làm là đúng hay sai và cuộc đấu tranh của ai cao cả hơn. Nhưng theo những gì tôi biết lúc ấy, cả hai đều là những con mồi của số phận, dù cho những kẻ đằng sau trò chơi cuộc sống ấy đang chơi trên sân chính trị hay gia đình.
Tôi dừng lại ở một ngã tư không xa bưu điện và đứng đó lưỡng lự, rồi quyết định hướng về phía tòa nhà lờ mờ trong ánh chiều đang tắt nhanh. Tôi đi qua cổng ngoài, lên một đoạn cầu thang ngắn, tiến thẳng đến chỗ người trực điện thoại đang ngồi sau quầy. Tôi điền vào giấy đăng ký, nộp giấy rồi ngồi chờ ở ghế băng góc phòng cho đến lúc được gọi tên.
Tôi không khỏi tự hỏi bản thân một lần nữa xem tôi sẽ nói gì với chị nếu như chị nhấc máy. Ngực tôi nhói đau khi nhớ lại dáng chị đi bên gã đàn ông đó trên con đường nhỏ trong khuôn viên nhà chị.