Câu Chuyện Phù Sinh
Chương 3
Liêu không biết chữ. Nó học liền tù tì bảy năm tiểu học, từ bảy tuổi tới mười bốn tuổi vẫn không biết chữ, ngoài cái tên của chính mình.
Những giáo viên đã từng dạy nó đều cảm thấy bất lực, đến cả thằng nhóc đầu trọc ngô nghê lúc nào cũng ròng ròng nước dãi trong lớp còn biết viết được mấy chữ xiêu vẹo “Đầu giường ánh trăng sáng”, mà Liêu vẫn không viết nổi. Chữ dạy nó hôm nay, ngày mai đã quên sạch sành sanh.
Ngoài cái tật không biết chữ, Liêu quả thực là một học sinh ngoan ngoãn. Nhà trường không có lý do để đuổi học nó. Năm nay là năm thứ hai nó học lớp sáu, trở thành bạn học với các em lớp dưới.
Giáo viên chẳng ai thích nó, bạn cùng lớp chưa bao giờ ngớt chê cười nó. Đi học tới bảy năm mà vẫn mù chữ, không phải bại não thì là gì? Nhưng Liêu không hề để tâm, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, ánh mắt sáng trong, rạng rỡ như một đoá hướng dương tươi tắn.
Thế là, nó lại có thêm một biệt danh nữa là con ngốc.
Đối với Liêu, thời gian vui vẻ nhất là sau khi tan học, ngồi tựa lưng vào gốc cây ngân hạnh, ăn kem đậu xanh, mắt nhìn về phía xa xăm.
Nó yêu từng cành cây ngọn cỏ, từng con chim, thậm chí từng con kiến nhỏ nơi đây, ngay cả cây ngân hạnh cũng trở nên thú vị và đáng yêu. Còn có một con chim không biết tên gọi là gì, lưng trắng cánh đen, đậu giữa những cành cây xanh rợp, cất tiếng hót líu lo. Nó thích dựa lưng vào gốc cây mà ngủ. Sự nâng đỡ vững chải phía sau lưng đem lại cho nó một cảm giác yên ổn khó diễn tả bằng lời. Tiếng chim lảnh lót lại mang đến cho nó một niềm hạnh phúc bình dị.
Tuy nhiên, sự vui vẻ cũng phải trả giá. Thường là khi Liêu tỉnh lại sau giấc ngủ, mới phát hiện chiếc xe đạp đã không cánh mà bay. Tới nay, chắc nó phải mất tới mười mấy chiếc xe rồi.
Có thể người khác cần chúng hơn mình, Liêu lần nào cũng tự nhủ với bản thân như vậy, sau đó đi bộ suốt một tiếng rưỡi đồng hồ theo con đường nhỏ giữa ruộng lúa mạch, băng qua một vạt rừng cây ngân hạnh nhỏ, hớn ha hớn hở trở về ngôi nhà trên một sườn núi thấp.
Trong thị trấn nhỏ này, ngân hạnh được trồng khắp nơi. Cứ mỗi độ đầu thu, Liêu lại nhìn thấy khắp đầu phố cuối ngõ là những người tay cầm cây gậy trúc dài ngoẵng, đứng trong đủ mọi tư thế tức cười, khều lấy thật nhiều những quả chín tròn vo từ tán cây ngân hạnh. Họ nói rằng đó là bạch quả, hay còn gọi là hạt ngân hạnh, vừa giàu dinh dưỡng lại có thể chữa bệnh, mang về hầm canh gà ngon tuyệt cú mèo.
Một buổi chạng vạng vào tuần trước, trên đường tan học về nhà, Liêu bỗng thấy một ông già tóc bạc mặc bộ áo kiểu Mãn Châu đen kịt, đứng dưới cây ngân hạnh mà ngày nào nó cũng đi qua, ngửa mặt nhìn lên tán lá. Trên khuôn mặt hằn đầy vết phong sương, là một nỗi sầu khổ không thể nói bằng lời.
– Đại hạn… – Ông lão lắc đầu lẩm bẩm.
– Ông ơi, cháu có thể giúp gì cho ông không? – Liêu tiến lên phía trước.
Ông lão quay đầu lại nhìn, những nếp nhăn trên khuôn mặt đột nhiên giãn ra – Liêu!
– Ồ, ông biết tên cháu?
– Ông thường thấy cháu đi qua dưới tán cây này! – Ông lão hiền từ xoa đầu Liêu – Nhưng, về sau sẽ không nhìn thấy được nữa!
Liêu ngạc nhiên hỏi lại:
– Sao cháu không nhìn thấy ông nhỉ?
– Cháu đã nhìn thấy rồi đấy thôi. – Ông lão cười, ân cần lau đi vệt kem đậu xanh còn dính bên khoé miệng Liêu – Ngày nào tan học cũng không về nhà đúng giờ, cứ phải ăn kem đậu xanh, rồi còn dựa vào gốc cây ngủ một giấc xong mới chịu về.
Liêu ngượng nghịu, gãi đầu cười hì hì.
– Được sống thật là tốt. – Bàn tay ông lão từ từ buông thõng, đôi mắt đang nhìn Liêu lộ ra niềm ngưỡng mộ.
– Vậy thì hãy tiếp tục sống đi! – Liêu không hiểu việc này thì có gì đáng ngưỡng mộ, có gì đáng cảm động.
Ông lão khẽ lắc đầu:
– Ông mắc bệnh rồi, không sống được bao lâu nữa.
– A! – Liêu kinh ngạc – Thế thì ông hãy mau đến bệnh viện đi! – Nó ngừng lại một chốc, đột nhiên sực nhớ ra điều gì, bèn chỉ vào cây ngân hạnh, nói – Ông ăn bạch quả hay là hạt ngân hạnh đi. Cháu nghe rất nhiều người nói là nó có thể trị bách bệnh. Hình như đợi thêm một tháng nữa là nó sẽ có kết quả!
– Hạt ngân hạnh? – Ông lão ngẩn ra một lát, lẩm bẩm – Kể ra đúng là cũng có tác dụng với kiếp nạn này, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được…
– Đầy một phố kia mà! – Liêu hấp tấp nói – Đến khi đó, cháu sẽ giúp ông hái xuống, để ông mang về hầm canh gà…
– Ha ha, con bé ngốc này! – Sắc mặt ông lão trở lại bình thường, cười nói – Không còn sớm nữa, mau về nhè đi! – Nói xong, đẩy khẽ vào lưng nó.
Liêu cảm thấy thân mình bỗng nhẹ bẫng, “bay” đi một đoạn xa đến vài bước chân. Tới khi nó quay đầu nhìn lại, dưới gốc cây ngân hạnh đã không một bóng người.