Cẩm Tú Kỳ Bào
Chương 3: Ảo giác
Đêm hôm đó tôi ngủ không yên giấc, cơn mộng mị ấy cứ trở đi trở lại. Nhưng khi tỉnh dậy, cảm giác ký ức rất mơ hồ, nhất là cô dâu khóc lóc rồi nhảy xuống sông đó, cố thế nào cũng không thể nhớ ra khuôn mặt.
Trời vừa sáng tôi đã đến cửa hàng, đây là lần sớm nhất kể từ khi bắt đầu mở hiệu. Chưa tới mười giờ tôi đã khâu xong chiếc kỳ bào mà thiếu phụ họ Lạc kia mang đến. Làm thêm mấy việc lặt vặt khác nữa, cũng vẫn chưa tới mười hai giờ. Vì đêm qua ngủ không ngon giấc nên vừa làm được mấy việc tôi đã cảm thấy mệt mỏi, bèn pha một cốc trà rồi nằm xuống ghế mây. Ánh nắng mặt trời bên ngoài cửa hiệu chiếu thẳng vào trong, rải một lớp vàng trên quần áo. Tôi nhìn những bộ xường xám treo trên giá, liên tưởng tới những cảnh mộng còn lưu lại trong trí nhớ của mình, sau đó tôi lục tìm lại trong đống áo xống chiếc xường xám cổ trong truyền thuyết, lòng chợt dậy lên một cảm xúc vô cùng phức tạp.
Trước khi trông thấy nó, tôi từng mơ sẽ được nhìn thấy nó không biết bao nhiêu lần. Nhưng giờ phút này, khi nó được treo trong đống hàng mẫu kia, tôi lại nhận ra nó vốn không có điểm gì nổi bật. Nói về màu sắc, nó không tươi sáng bằng màu hồng đào, độ thuần khiết không bằng màu trắng bạc, độ nhã nhặn không bằng tím phớt. Luận về kiểu dáng cũng không thể bằng kiểu dáng tân thời, nhiều dáng xường xám ngày nay có thể coi là cổ kim kết hợp, những tấm áo dài được pha trộn với yếu tố hiện đại trông sinh động không hề ít. Nếu là áo dài thì mặc vào trông tao nhã, áo ngắn trông vui tươi, nhất là cũng không cầu kỳ về vóc dáng như khi trước. Dù là ở sân bay, cũng có thể tìm thấy một tấm xường xám phù hợp với vóc người mình, mặc vào cũng duyên dáng như thể được may đo.
Thế nên tôi mới thấy hơi thất vọng, nói cho cùng thì nó từng là mơ ước của ba thế hệ trong gia đình tôi, in dấu trong tâm trí chúng tôi suốt mấy chục năm. Nhìn thấy nó, tôi coi như đã hiểu được thế nào là hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Thứ mà nó hơn những chiếc xường xám khác có chăng chỉ là trải nghiệm thời gian. Cũng giống như tứ đại mỹ nhân thời cổ, người người đều gán cho họ những lời tán dương đẹp nhất, khiến các cô gái đẹp thời nay cũng không thể nào thoát được khỏi dấu ấn mà họ đã để lại với thời gian. Những từ ngữ mà người ta dùng để hình dung về những cô gái đẹp ngày nay cũng chỉ là cơm thừa canh cặn mà họ đã dùng qua. Có lẽ, nếu như bọn họ thực sự đi ra từ lịch sử, thì cũng chỉ trông hết sức tầm thường mà thôi.
Tôi ngồi tựa vào chiếc ghế mây bùi ngùi mất một lúc lâu. Nghĩ đến ông nội lại thầm cảm thấy sự ra đi của ông không chừng cũng có dính dáng đến chiếc áo xường xám này. Có thực là ông chưa từng trông thấy chiếc áo không? Nếu như một ngày ông nhìn thấy nó, liệu ông có cảm thấy sự theo đuổi suốt một đời mình quả là không đáng, như tôi đang cảm thấy lúc này hay không? Nghĩ tới những tháng năm uổng phí vì nỗi ám ảnh ấy, liệu ông có hối tiếc?
Tôi nhắm mắt lại, liền trông thấy đôi mắt hiền từ của ông. Dù rằng bà nội đã đốt hết tất cả các tấm ảnh cũ, nhưng tôi vẫn nhớ được khuôn mặt lẫn dáng vẻ của ông. Tôi tin chắc rằng ông vẫn đang sống trên thế gian này, cuối cùng cũng sẽ có một ngày ông quay về bên cạnh chúng tôi.
Chừng năm giờ chiều, cửa hàng vắng vẻ nên tôi bò toài trên quầy thu ngân ngủ gật.
"Kính coong!". Tiếng chuông gió vang lên giòn tan bên ngoài cửa. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, thấy một đôi trai gái đứng ngược sáng đang đẩy cửa đi vào. Nam thanh niên đó hất mái tóc buông rủ trước trán với điệu bộ hết sức cẩu thả.
"Chị, em đến mượn mấy chiếc xường xám!", nói rồi cậu ta tự mình lật giở hàng mẫu bầy bên trong cửa hiệu, thái độ không hề có vẻ khiêm nhường của người đến mượn, thậm chí còn tùy tiện hơn cả đến cửa hàng của chính mình.
Nó là đứa em trai cùng cha khác mẹ với tôi, An Úy Bân, chỉ nhỏ hơn tôi ba tháng tuổi, là con riêng của bố tôi, qua đó có thể đủ thấy bố tôi đa tình thế nào. Khi còn nhỏ tôi hận ông ấy vô cùng, nhưng lúc tôi được ba tuổi ông ấy đã chết trong một tai nạn máy bay, từ đó tôi không còn cảm giác thấy nỗi hận thù vốn chất đầy trong lồng ngực nữa, tôi cũng không biết trút bầu tâm sự ra đâu, đành uất ức tích lại trong lòng. Sự sống dù đã sớm kết thúc, song nỗi đau mà ông để lại cho tôi vẫn kéo dài tới tận bây giờ.
Người đi cùng ông trong chuyến bay đó là mẹ của đứa em này, khi đó là một minh tinh màn bạc nổi tiếng. Cho tới tận hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao bà ấy lại thích bố tôi, mặc dù ông cũng có thể coi là đẹp trai, nhưng lại không hề giàu có, chỉ là một nhà biên kịch giỏi ăn nói. Vậy mà bà ấy đã chấp nhận từ bỏ hết danh lợi để sinh con cho ông. Đó là tình yêu ư? Vậy thì mẹ tôi được coi là gì? Sau khi bố tôi chết, mẹ luôn chìm đắm trong buồn bã, cuối cùng mắc chứng trầm cảm rồi tự sát. Cho đến tận lúc chết bà vẫn yêu bố tôi – người đàn ông đã thay lòng đổi dạ ấy. Ba người bọn họ ai cũng yêu tới mức điên cuồng. Bố tôi và người phụ nữ kia thì bất chấp tất cả điều tiếng của thế tục để được ở bên nhau, còn mẹ tôi thì sao? Yêu tới mức nhẫn nhịn tất cả, yêu đến phát điên, đến ngay cả tôi, giọt máu duy nhất cũng không sao giữ nổi bà ở lại.
Bà nội rất mực yêu mến một người con dâu như mẹ tôi, thế nên khi biết đến sự tồn tại của đứa chái Úy Bân này, bà nhất quyết không đồng ý để nó bước vào cửa nhà họ Lý, thậm chí không cho phép nó mang họ Lý. Ngay đến cả bố tôi cũng bị bà đuổi khỏi nhà. Khi ấy, trong mắt những người cùng thế hệ, hành động đó được coi là không thể nào tưởng tượng nổi, bởi vì Úy Bân là đứa cháu trai duy nhất của bà, là người nối dõi tông đường nhà họ Lý. Thế nên hồi đó cũng có rất nhiều lời đồn đại, phổ biến nhất là luận điệu bố tôi không phải con đẻ của bà.
Thậm chí đến sau khi ông nội tôi bỏ nhà đi, cũng có rất nhiều lời đồn đoán được thêu dệt, chẳng hạn như ông bỏ đi vì không chịu được sự chuyên chế và lòng dạ rắn độc của bà. Sự phong lưu của bố tôi ban đầu bị người ta khinh rẻ sau cũng trở thành thứ để bọn họ cảm thông, nên đối tượng bị chỉ trích đã trở thành bà nội và mẹ tôi. Người đời thêm thắt đặt điều, thế nên hai năm sau ngày ông nội bỏ đi, bà mang theo tôi, dùng tiền tích cóp cả đời mua một căn nhà khác, tránh xa cái không gian sống quen thuộc cũ.
Hồi nhỏ tôi cực kỳ căm ghét đứa em trai này, bởi vì chính mẹ nó là người đã khiến gia đình tôi tan vỡ.
Khi bắt đầu đi học, bà nội lo tôi vì chuyện của gia đình mà bị người ta khinh rẻ ở trường, thế nên cố tình cho tôi theo học tại một trường trái tuyến không ai quen biết. Đúng là oan gia ngõ hẹp, tôi vô tình học cùng lớp với An Úy Bân, dường như đó là sự chủ định rằng cuộc đời tôi và nó sẽ còn dính dáng đến nhau.
Nó mang họ An của mẹ. Sau khi bà ấy chết, nó được gia đình nhà ngoại nuôi dưỡng, dù bên đó giàu có, nhưng lại thiếu thốn tình cảm. Chúng tôi vẫn biết thân phận của nhau, nó cũng luôn muốn tiếp cận với tôi, nhưng tôi thường xuyên gây mâu thuẫn. Tôi ghét xuất thân của mình, mỗi lần nhìn thấy bọn bạn học được bố mẹ yêu chiều đưa đón, sự căm ghét của tôi với nó lại tăng lên thêm một chút. Khi lớn hơn, mới chớm biết yêu, có đứa bạn cùng lớp trêu:
"Tiểu Ảnh, trông khuôn mặt cậu với Úy Bân nhang nhác giống nhau, cả hai lại cùng mồ côi cha mẹ, cũng coi như là môn đăng hộ đối, từ nhỏ hắn lại bám riết sau lưng cậu hệt như con ký sinh trùng, hê hê...".
Đứa bạn học đó cười đầy ý tứ sâu xa, còn chưa nói hết câu đã bị tôi lao đến nện cho một trận tơi bời. Từ đó trở đi, không đứa nào dám trêu chọc tôi nữa, còn nó, vẫn cứ lẵng nhẵng bám theo tôi như trước, có khi tôi tức điên lên được, những câu từ độc địa nhất đều nói ra miệng. Sau này nghĩ lại, vẫn còn may, nó không vì thế mà rời bỏ tôi.
Cho đến năm chúng tôi mười sáu tuổi, mới bước vào năm đầu trung học. Lần đó cả lớp đi chơi tết ở Hàng Châu, tôi và đứa bạn gái vì mải chơi, không cẩn thận nên ngã xuống Hồ Tây. Cả một đám trẻ mới lớn đứng đó bó tay không biết làm thế nào, chỉ có mình nó không kịp nghĩ ngợi gì đã nhảy ào xuống nước để cứu tôi, mà nó không những không biết bơi, lại còn mắc chứng sợ nước dạng nhẹ. Cuối cùng, chúng tôi được người qua đường cứu sống. Con người vốn là động vật có tình cảm, vào cái khoảnh khắc mà Úy Bân nhảy xuống nước ấy, tôi thực sự cảm động. Cũng bắt đầu từ khi đó, tôi mới thừa nhận nó là em mình, tình cảm cũng ngày càng tốt đẹp lên, tuy nhiên trong đám bạn thân, ngoài Hà Thanh Lâm ra thì không ai biết quan hệ giữa chúng tôi. Để bà nội cũng thừa nhận Úy Bân, tôi thường nói tốt cho nó những lúc thì thầm to nhỏ với bà, song đã gần mười năm rồi mà tất cả sự nỗ lực của tôi vẫn uổng công, bà không chịu coi nó là cháu nội. Hễ nói nhiều, bà sẽ sa sầm mặt xuống mà nói:
"Bà sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên được vì sao mà mẹ cháu lại ra đi".
Câu nói ấy đúng là thứ vũ khí giết người, là vết thương không bao giờ chữa khỏi trong tâm hồn chúng tôi. Khi bà nói ra, nó đau. Khi lọt vào tai tôi, lại càng đau. Thế nên tôi cũng không miễn cưỡng mong họ sẽ sống cùng với nhau trong phần đời còn lại nữa. Chỉ cần bọn họ đều sống khỏe mạnh đến trăm tuổi, là tôi đã cảm thấy thỏa mãn rồi.
Những lúc muốn tìm tôi, Úy Bân chỉ có thể đến cửa hiệu này.
Hồi đại học, Úy Bân học nhiếp ảnh, còn tôi học thiết kế. Hiện giờ nó cũng mở một studio ở nhà, thường đến đây mượn trang phục của tôi. Tuy nhiên cũng phải nói thực, tôi có thể mở cửa hiệu xường xám này, ngoài sự giúp đỡ của Thanh Lâm và Vân Phong, thì một phần khách đến đây cũng bắt nguồn từ nó.
Trừ bà nội ra, ba người này là ba người tốt nhất với tôi, cũng đồng thời là ba người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Tôi cười, nói đùa với Úy Bân: "Trang phục ở cửa hiệu này không cho mượn, chỉ bán. Tuy nhiên vì là chỗ người quen, nên chị sẽ cho em thuê, về giá cả thì cũng sẽ ưu đãi chút ít".
"Xì, chị gái của em mà lại nhỏ nhen đến thế à? Cứ như trong mắt chỉ có tiền thôi ấy!". Vừa nói, nó vừa đi đến giá treo xường xám để chọn đồ, sau đó tiếp tục ba hoa:
"Gần đây không biết ở đâu ra cái mốt phục cổ, bao nhiêu người đến studio chụp ảnh đều nói muốn mặc xường xám, y phục đời Đường hay xiêm áo trong cung cái gì gì đó. Chị, lúc nào rỗi may cho em mấy bộ đời Đường có được không? Ừm, còn cả xiêm áo trong cung cũng cần, con mắt nghệ thuật và tay nghề của chị thì em yên tâm rồi".
"Em đừng có mà lừa gạt chị, lúc này cần giúp thì mới gọi một tiếng chị, còn khi không có việc gì lại Đại Ảnh, Tiểu Ảnh gọi bừa ra. Hơn nữa, chỗ chị là cửa hiệu xường xám, may những thứ đó ra rồi lại đủ thể loại đến tìm, thượng vàng hạ cám hỗn loạn cả lên. Chỉ được cái xúi giục người ta!".
Tôi đứng dậy đi ra bình đun nước, pha hai cốc trà đưa cho Úy Bân và cô gái đi cùng với nó: "Em uống nước đi, cứ xem thoải mái! Trong cửa hiệu hơi lộn xộn, ngày thường có mỗi mình chị lo liệu nên cũng chẳng có thời gian rỗi để thu dọn, em chịu khó một chút nhé!".
"Chị, gọi cô ấy là Tiểu Cổ được rồi!", Úy Bân ngước mắt lên, tiếp lời tôi:
"Hơn nữa, kinh doanh gì mà lại cứng nhắc thế này. Cũng là may áo xống, khả năng thì vẫn vậy, giờ chỗ nào chẳng treo đầu dê bán thịt chó, chị làm sao mà phải thật thà đến vậy?".
Nghe xem, nói năng kiểu gì thế? Tính cách của nó vẫn thẳng thắn như thế, có việc đến tìm tôi giúp mà cũng chẳng thèm nói mấy câu dễ nghe hơn một chút, khiến tôi dở khóc dở cười. Tuy nhiên ai bảo tôi chỉ có một đứa em trai này cơ chứ? Tôi cười lắc đầu, không thèm để ý đến nó nữa.
"Cảm ơn chị!". Tiểu Cổ nhận lấy cốc trà rồi nhìn tôi cười. Cô ấy trông rất đẹp, dáng người thanh tú, mái tóc dài mềm mại buông trên vai, nhìn hết sức dịu dàng, đúng là kiểu người mà Úy Bân thích. Tiểu Cổ đưa cốc trà lên mũi hít hai hơi, sau đó khen: "Trà thơm quá! Đây là trà gì hả chị?".
"Trà Phổ Nhị của Vân Nam đấy, uống nhiều có thể giảm cân, cũng có nhiều công dụng tốt cho dạ dày nữa".
Thực ra trà Phổ Nhị vốn không thơm mấy, khi pha, nước trà có màu hơi giống thuốc bắc, tuy nhiên khi uống thì lại cực kỳ vừa miệng. Nghe thấy Tiểu Cổ hỏi vậy, tôi biết ngay cô ấy cũng là một người khéo léo nhanh nhẹn, ra ngoài xã hội chắc chắn rất được chào đón, cũng coi như bù đắp được những chỗ thiếu sót trong tính cách của Úy Bân.
"Nếu vậy em cũng sẽ đi mua một ít trà về uống". Tiểu Cổ nhấp một ngụm, lông mày hơi chau lại. Thấy ngay là bình thường cô ấy rất ít khi uống trà, chắc chắn là một cô gái làm hư dạ dày bằng nước ép trái cây với sữa bò mất rồi.
"Dòng trà này cũng chia thành hai loại ngon dở, loại trung bình thì khoảng hơn một trăm tệ nửa cân, loại thượng hạng thì đắt hơn thế nhiều, tuy nhiên uống quen trà ngon rồi thì loại bình dân rất khó lọt miệng. Uống trà cũng có thể mắc nghiện đấy, mua trà này cũng phải xem cho kỹ, có loại dù bán giá cao nhưng chưa chắc đã là hàng tốt. Còn nữa, uống trà cũng phải nắm vững được trình tự, pha trà vào cốc như chúng ta đây là kiểu cho trâu bò uống, cũng khiến giá trị của trà bị giảm đi nhiều...". Bình thường tôi ít nói, nhưng khi nhắc đến chủ đề trà, đều không kìm nổi muốn ba hoa mấy tiếng.
"Ôi, chị đừng có làm hại cô ấy. Trà ngon thế này!", Úy Bân chen miệng vào nói tiếp: "Cô ấy chỉ quen uống những thứ đồ đóng chai thôi, từ nhỏ tới giờ đã uống trà này bao giờ đâu, có lần em mua cho một chai trà xanh còn kêu đắng cơ mà".
"Người ta không biết cách học uống hay sao?". Tiểu Cổ đưa tay trái ra kéo kéo cánh tay Úy Bân. Nhìn bộ dạng thân thiết của hai người đó, biết ngay Tiểu Cổ là bạn gái mới của Úy Bân. Đứa em trai này của tôi điểm gì cũng tốt, song lại mang cái tính phong lưu di truyền của bố tôi, rất dễ thay lòng đổi dạ. Nó thay bạn gái nhanh như thay áo, khi tôi chê trách nó cũng chẳng buồn phản đối, chỉ bảo vẫn chưa gặp được người phù hợp với mình. Nhìn bộ dạng cuống lên của Tiểu Cổ cũng biết cô ấy đang cố tìm cách lấy lòng tôi, chắc chắn là rất yêu Úy Bân rồi. Úy Bân đưa tay ra cọ cọ vào mũi cô bé, rồi ôm luôn vào lòng. Đây là lần đầu tiên Úy Bân thân mật như vậy với một cô gái trước mặt tôi, những cô bạn gái trước đây nó thường tỏ vẻ thờ ơ. Xem ra, lần này đã thực sự gặp được người hợp ý rồi.
Tôi cười, nói đỡ cho Tiểu Cổ: "Những người biết thưởng trà không phải là loại trà nào cũng thích, người không uống trà không có nghĩa là loại trà nào cũng không thích uống. Cũng như hứng thú và sở thích, thường chỉ có một hai thứ phù hợp với sở thích của mình".
"Đúng vậy, đúng vậy, em thích uống loại trà này mà!". Tiểu Cổ ra sức gật đầu phụ họa.
"Reng reng...".
Đúng lúc đó, chuông điện thoại vang lên.
"Xin chào, đây là cửa hiệu Cẩm tú kỳ bào!". Tôi nhấc điện thoại lên.
"Đừng có mà chuyên nghiệp thế có được không? Tiểu Ảnh, mấy giờ thì cậu đến? Bọn họ sắp đến đông đủ cả rồi", là Thanh Lâm gọi đến thúc giục tôi.
"Đại tiểu thư, sáu giờ tôi đóng cửa có được không?".
"Được được, cậu nhanh lên nhé! Mình bảo lão Vương đến đón cậu nhé?". Lão Vương là lái xe của nhà Thanh Lâm.
"Không cần đâu, phiền phức quá. Mình tự gọi xe đến được rồi".
"Vậy thì ok! Cậu nhanh lên một chút, biết chưa? Bye bye!".
Gác máy xong tôi giục Úy Bân: "Em đã chọn xong chưa? Chị sắp đóng cửa rồi, hôm nay là sinh nhật mẹ Thanh Lâm, cô ấy đang giục đấy!".
"Xong rồi, lấy mấy chiếc này, cứ để em tự gấp được rồi". Úy Bân xếp từng chiếc vào trong túi xách mà nó mang theo.
"Em đừng làm nhăn đấy!".
Bởi vì mấy chiếc treo trên giá đều là hàng mẫu, lại thêm Thanh Lâm đang thúc giục gấp quá nên tôi cũng không kịp xem Úy Bân lấy những chiếc nào, quay đầu lại nói với nó và cô bé đi cùng: "Tiểu Cổ, không phải chị đuổi bọn em đi đâu nhé! Hôm qua đã hẹn với đứa bạn là hôm nay tới nhà cô ấy chơi, thật là ngại quá, lần sau em đến chị sẽ chuyện trò với em sau!".
"Không sao, chị bận việc mà. Bọn em đi trước đây!". Tiểu Cổ nhìn tôi cười hết sức ngọt ngào, cô bé này quả là biết nghĩ cho người khác. Tôi không khỏi thấy mừng thầm cho Úy Bân.
"Vậy thì hẹn gặp sau nhé. Có thời gian rảnh thì ghé chơi".
"Tạm biệt chị!".
Tôi chuyển cô manơcanh bằng nhựa bên ngoài cửa hiệu vào trong, sau đó dọn dẹp gọn gàng mọi thứ. Cốc trà Phổ Nhị trên bàn Tiểu Cổ chỉ uống có một ngụm nhỏ, trà vẫn còn chưa nguội hẳn, thoang thoảng mùi hương như có như không. Phải mang đi đổ, tôi thấy đau lòng mãi.
Lúc sắp đi chợt nhớ ra người thiếu phụ họ Lạc kia vẫn chưa đến lấy áo, lúc ấy cũng năm giờ bốn mươi rồi, dù gì cũng là sinh nhật của người lớn, đến muộn thì hơi thất lễ, song cũng ngại chị Lạc khi đến sẽ nghi ngờ về thái độ làm ăn của tôi. Vậy nên tôi đành viết một mảnh giấy nhỏ dán trước cửa, hẹn chị ấy ngày mai đến lấy.
Nhà Thanh Lâm là một nhà giàu có điển hình, chỉ riêng phòng khách thôi cũng đã lớn hơn cả nhà tôi.
Khi tôi đến biệt thự nhà họ Hà, đã sáu giờ mười lăm. Thanh Lâm cũng không mấy khi sống ở nhà, cô ấy bảo ở đó xa xỉ quá, lại lắm quy tắc này nọ. Bà ngoại Thanh Lâm là một nhân vật có tiếng trong giới thượng lưu ở Thượng Hải, trong mấy chục năm Trung Quốc rơi vào những biến cố rối ren lớn nhất đó, bà ấy vẫn có thể chèo lái cơ nghiệp nhà họ Hà vượt được qua hết mọi cửa ải khó khăn, đủ thấy tài năng đến cỡ nào.
Tuy ở trên thương trường thì thét ra lửa, nhưng khi về nhà bà lại rất dịu dàng mềm mỏng. Chỉ có điều từ trước đến nay bà vẫn quen gò ép người khác, giờ tuổi tác đã cao, song vẫn đặt ra vô số quy tắc, nhất là một loạt quy tắc với đứa cháu gái duy nhất, lúc nào cũng cái này không được, cái kia không được. Hà Thanh Lâm thì tùy tiện cẩu thả, làm sao chịu nổi sự trói buộc đó? Theo như cách nói của cô ấy, ở trong ký túc xá đại học là một cách để thoát khỏi móng vuốt của ma quỷ, nên sau khi tốt nghiệp dù có phải nhảy vào hố lửa, Thanh Lâm cũng nhất quyết không chịu quay về nhà ở nữa. Công việc cũng tự mình tìm lấy, làm phiên dịch cho một doanh nghiệp nước ngoài, cô ấy bảo là để trải nghiệm cuộc sống ngoài xã hội. Nào có ai biết nó lại là người thừa kế của tập đoàn Hà Thị?
Thanh Lâm đợi tôi ở cổng từ trước. Thực ra tôi rất thích tòa biệt thự của nhà Thanh Lâm, nhất là bụi trúc Tương Phi ngay trước cổng, gió thổi trúc reo, lắc lư nhảy múa, bất kể ngày hay đêm đều mang đầy phong vị. Còn nhớ lần trước khi tôi nói với Thanh Lâm về cảm nhận đó của mình, cô ấy đã làm mặt quỷ với tôi rồi nói mình sợ nhất bụi trúc đó, ban đêm nhìn hệt như bóng ma, mỗi khi có gió thổi qua là lại lao xao như tiếng quỷ gào. Khi lên tám tuổi, cô ấy nghịch ngợm chui vào bụi trúc này chơi trốn tìm với mẹ, đã từng nhìn thấy một người con gái mặc áo trắng, nhưng bà ngoại lẫn mẹ đều không tin. Thanh Lâm bảo rằng sau lần ấy, dù là đi qua đó vào ban ngày nhưng cô ấy vẫn cảm thấy chỗ này ảm đạm làm sao.
Thanh Lâm mang họ mẹ, con rể của nhà họ Hà đã năm đời ở nhà vợ, mỗi thế hệ cũng chỉ sinh được một người con gái. Còn nhớ mẹ Thanh Lâm từng đẻ được một đứa con trai, song không may chết yểu. Năm cô ấy mười lăm tuổi, người bố cũng qua đời vì xuất huyết não. Người già đều nói năm đó xấu, đó cũng là năm ông nội tôi mất tích.
Mẹ Thanh Lâm vừa trông thấy tôi đã kéo tay một cách thân tình rồi nói:
"Ôi, Tiểu Ảnh lâu rồi không đến chơi, càng ngày càng xinh ra đấy! Bà ngoại của Thanh Lâm cũng thường xuyên nhắc đến cháu với cô".
Tôi cười, đưa chiếc hộp đang cầm trong tay cho cô ấy: "Chúc cô sinh nhật vui vẻ!".
"Đến chơi là được rồi, còn phải tặng quà nữa". Mẹ Thanh Lâm cười rồi nhận lấy.
"Không có quà thì lấy gì để mẹ của con vui lòng đây? Mẹ mình yêu thương cậu cứ như cậu mới là con gái của bà ấy vậy. Hễ nhìn thấy mình thì lại nói mình không tốt điểm này, không được điểm kia". Thanh Lâm giật lấy hộp quà trong tay mẹ, nhanh tay mở ngay ra.
"Thanh Lâm, không có quy củ gì cả, để bà ngoại con nhìn thấy rồi lại mắng cho đấy!". Mẹ Thanh Lâm rất chiều con gái, dù ngoài miệng nói lới trách cứ, song trong giọng điệu lại chứa đầy sự thương yêu. Cả tính cách lẫn tướng mạo của cô ấy đều giống nhau, mềm mại tới mức không có một chút góc cạnh nào.
"Mình biết ngay là áo dài xường xám mà. Đẹp quá! Mẹ, màu này rất hợp với mẹ đấy. Mẹ đừng có mặc mãi những áo quần màu trắng nữa, thử màu này xem sao, lát nữa lên nhà thay đi nhé!". Thanh Lâm lấy tấm kỳ bào bên trong hộp ra. Mẹ Thanh Lâm xưa nay vẫn thích mặc màu nhạt, quần áo đều là màu trắng sữa, trắng bạc. Tôi vốn định tặng cô ấy một chiếc xường xám màu trắng, nhưng màu trắng lại không đủ vui vẻ, nên chuyển thành màu phấn hồng, màu này không quá rực rỡ mà cũng không tới nỗi trầm.
"Cháu vẫn sợ cô sẽ không thích nó".
"Sao thế được? Chiếc áo đẹp thế này. Đi thôi, chúng Tiểu Ảnh vào nhà đi!". Thanh Lâm khoác tay mỗi người một bên rồi đi vào phòng khách.
Tiểu Ngọc, Tiểu Xuyến, Vỹ Hào đã đến trước rồi. Trong đám khách khứa, tôi thấy Vân Phong cũng ở đó, cánh tay bị một cô gái xinh đẹp giữ chặt lấy, khuôn mặt lộ ra vẻ đắc ý. Tôi chỉ đứng từ xa nhìn họ, vụ cãi lộn mấy ngày trước khiến tôi không thể không xem xét lại tình cảm giữa hai bên, xem tình yêu bắt nguồn từ đâu? Có lẽ tôi ngày càng xa trái tim anh ấy, vốn tưởng rằng anh ấy sẽ gọi điện xin lỗi hoặc cũng nhờ Thanh Lâm làm thuyết khách, nhưng anh ấy không hề làm bất cứ điều gì.
Nhớ năm thứ tư đại học, có lẽ là mùa đông nhỉ? Không biết khi đó chúng tôi cãi nhau vì chuyện gì, nhưng tôi có thể nhớ rõ rằng mình đã gây hấn một cách vô lý, kiên quyết bắt anh ấy phải xin lỗi mình ngay trên đường. Sau đó, vì không thỏa mãn với thành ý của anh ấy, tôi giận dỗi bỏ về ký túc xá. Khi ấy hình như là thời điểm lạnh nhất của Thượng Hải, để tôi tha thứ, anh ấy đã đứng bên dưới khu nhà suốt cả buổi tối. Thời đó tình yêu còn cháy bỏng đến vậy, anh ấy có thể bỏ qua tất cả sự im lặng lầm lì, sự điên cuồng quá khích và cả sự ồn ào vô lý của tôi.
Tình cảm mãnh liệt ngày ấy đã bị thời gian dần dần gặm nhấm, chỉ còn lại sự mục ruỗng, không biết rồi còn giữ được bao lâu.
Có lẽ do cảm nhận được ánh mắt của tôi, anh ngước lên nhìn, sau khi thấy tôi, anh bèn buông tay cô gái đó ra và đi đến. Trái tim tôi chợt ấm lên, nhưng khi nhìn thấy bóng dáng anh mỗi lúc một gần, tôi đột nhiên ấm ức tới mức muốn trốn đi. Tôi đứng dậy đi ra ban công, anh rảo bước nhanh hơn rồi giữ lấy tay tôi từ phía sau, hơi thở phả lên cổ tôi: "Ảnh, đã hết giận chưa?".
"Không đi với bạn gái mới của anh à?", tảng băng cứng ngắc ở đáy lòng tôi tan chảy vì cái ôm khẽ của Vân Phong. Cảm thấy trong giọng điệu của mình mang đầy ý vị ghen tuông, tôi thầm chửi mình yếu đuối. Có lẽ tình cảm suốt ba năm trời không chỉ đơn thuần là yêu, mà còn là một thói quen nữa. con người có những lúc chẳng thể thay đổi được thói quen, không phải cứ nói "không cần" là từ bỏ được. Con người vẫn yếu lòng như vậy, có những khi, dù rất tức giận nhưng trong đầu luôn nghĩ đến những điểm tốt của người kia.
"Em định đi đâu? Cô ấy chỉ là con gái của bạn bố anh thôi, anh vẫn xem như em gái. Ảnh! Em nhìn anh đi, không cho em nghĩ ngợi lung tung. Hồi đó anh phải vất vả mới theo đuổi được em, làm sao có thể dễ dàng từ bỏ như vậy được?".
Anh khẽ khàng quay đầu tôi lại để tôi nhìn vào mắt anh, ánh mắt anh thành thực tới mức khiến cho mọi nghi ngờ trong tôi tan biến. Tôi còn đang muốn vặn lại thì...
"Anh Phong, đây là chị dâu đúng không? Đẹp quá!", là người con gái đi cùng Vân Phong đến đây, tay cô ấy bê một chiếc khay, bên trên đặt mấy chiếc đĩa đựng đồ ăn nhẹ. Cô ấy cười nhẹ nhàng với Vân Phong nhưng khi nhắc đến tôi, cũng không hề nhìn thẳng vào tôi. Miệng nam mô bụng một bồ dao găm, tôi cảm thấy buồn nôn, liền sa sầm mặt, ngay cả một nụ cười cũng tiếc không thèm cười với cô ta.
"Miệng lưỡi ngọt thật đấy!". Vân Phong đón lấy chiếc khay đựng đồ điểm tâm, cảm giác thấy tôi không thoải mái, nên bàn tay đang đặt ở eo tôi cũng siết chặt hơn: "Đây là em gái anh, Ngưng Hương".
"Chào em, chị là Lý Ảnh!". Cố gắng nén sự khó chịu trong lòng xuống, tôi gật đầu với cô ta.
"Chào chị, chị Lý! Thôi, em không làm phiền hai người nữa nhé. Anh Vân Phong khéo đang mắng em không biết tế nhị là gì rồi đấy". Ngưng Hương mím môi cười, vừa nó vừa nháy mắt với Vân Phong, nói xong mới mang chiếc khay trống quay lại phòng khách.
Vân Phong nói một tràng những lời tốt đẹp, chúng tôi lại vui vẻ như thường.
Vì lại hòa giải với Vân Phong nên cả buổi tối hôm đó tôi thấy rất vui.
Dù là tiệc sinh nhật của mẹ Thanh Lâm, nhưng đến cuối cùng lại trở thành vũ hội của đám thanh niên chúng tôi. Cả buổi tối không thấy bóng dáng bà ngoại Thanh Lâm đâu, Thanh Lâm nói bà bị cảm nhẹ, đã đi ngủ từ sớm rồi. Khi ra khỏi nhà Thanh Lâm đã là một rưỡi sáng, Vân Phong đưa tôi về, lúc đi qua bụi trúc rậm rì ấy, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng giày cao gót, còn tưởng rằng Thanh Lâm đi theo tiễn chúng tôi, nhưng khi quay đầu nhìn lại chỉ thấy một bóng người màu trắng đứng ở đầu bên kia vườn trúc, trông hơi quen nhưng không phải Thanh Lâm, cũng không phải Hà phu nhân. Vân Phong thấy tôi quay đầu lại, cũng quay theo nhìn ra đó: "Em nhìn gì thế? Có ai đâu".
Tôi giật mình, sao anh ấy lại không trông thấy ai? Ra sức chớp mắt, đến lúc định thần, tôi nhìn lại thì chỉ thấy bên đó vắng tanh, đúng là không có ai thật. Bóng trúc lắc lư, gió thổi qua nghe tiếng lá kêu xào xạc, như tiếng rầm rĩ của linh hồn.
Tôi sợ tới mức bám vội lấy tay Vân Phong: "Phong, em quả thực có nhìn thấy người, một người phụ nữ mặc áo trắng!".
"Chắc chắn là em uống nhiều rượu nên hoa mắt rồi. Đi thôi. Không còn sớm nữa đâu!".
Vân Phong tỏ ra hơi thiếu kiên nhẫn, đưa tay lên nới bớt cà vạt, kéo tôi đi thẳng ra cổng chính.
Tôi còn quay đầu lại mấy lần, song không nhìn thấy bóng người đó nữa. Lẽ nào đúng là tôi đã nhìn nhầm?
Sau khi ra khỏi nhà họ Hà, mặt Vân Phong luôn xầm xì, lẽ nào chuyện nhỏ mới rồi đã khiến anh ấy không thoải mái? Cả hai người đều khó chịu, thế nên suốt dọc đường không ai nói một lời.
Khi về đến nhà, bà nội đã ngủ say, tôi nhón chân đi vào phòng mình. Vừa nhắm mắt lại, lập tức rơi ngay vào mộng cảnh, giấc mơ quái dị ngày hôm qua lại xuất hiện như một bộ phim nhiều tập.