Cẩm Khê Di Hận
Chương 8: Trứng rồng, lại nở ra rồng
Ở Lạc-dương, Mã thái-hậu cho cấm quân, thị-vệ, các cao thủ họ Mã mau chóng đánh chiếm điện Vị-ương, Ôn-minh, Đô-đường, Gia-đức. Lại sai Thị-vệ trấn đóng hết các cửa thành. Bà cho đánh trống, triệu các đại thần, thiết triều khẩn cấp ở điện Vị-ương. Bà tuyên bố truất phế Quang-Vũ về nhiều tội tưởng tượng, chiếu chỉ đang soạn. Giữa lúc thành công trong tầm tay, thì bà bị thất bại bởi một người con gái Việt, mà không bao giờ bà ngờ tới. Người đó là Chu Tường-Qui. Con gái anh hùng Chu Bá, Lê Thị-Hảo, cháu ngoại Lê Đạo-Sinh.
Nguyên Chu Tường-Qui xuất thân là đệ tử danh môn. Cháu của một trong Thái-sơn Bắc-đẩu của Lĩnh Nam. Cha, mẹ đều là đệ nhất cao thủ đương thời. Võ công của nàng tuy không bằng Nhị-Trưng, văn không bằng Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, song so với đám Hoàng-hậu, Phi-tần Quang-Vũ thì nàng bỏ xa.
Vốn dĩ có căn bản giáo dục. Nàng sớm gặp nghịch cảnh: Lấy chồng không ra gì. Mối tình tuyệt vọng của nàng với Đào Kỳ, làm nàng già dặn hơn lên. Được Quang-Vũ sủng ái, phong nàng làm Tây-cung quí phi hai tháng, thì nàng đụng độ với Hoàng-hậu. Nhờ võ công cao, nàng khuất phục được chính phi. Từ đấy nàng nghĩ:
– Muốn sống yên ổn ở Hoàng-cung thực khó. Vì vậy phải có vây cánh. Nhìn chung các bà Hoàng-hậu, Phi-tần đều có cha, anh làm quan đại thần. Ta thì cha đang phản Hán phục Việt. Chỉ có mẹ ta thương tình giả làm cung nữ, ẩn trong Tây-cung. Ta thấy bọn ngoại thích với hoàng thân đều không ít thì nhiều kình chống nhau. Vậy ta phải liên kết với phe hoàng tộc.
Xét trong triều có Hoài-nam vương, văn mô, vũ lược, võ công vô địch, lại là hoàng thúc. Nàng tìm cách kết thân với ông. Mở đầu, nàng viết thư mời Vương vào cung, thỉnh Vương giảng về lễ nghi triều Hán.
Theo chế độ bấy giờ, dù là chú vua, anh em vua, thấy các bà Phi tần đều phải phục xuống hành lễ. Chu Tường-Qui không muốn thế, nàng đón ông ở cửa cung, miễn mọi lễ nghi vì ông là thầy. Cứ mười ngày, nàng rước ông vào cung dạy văn, giảng luật lệ, lễ nghi. Nàng thường làm những món ăn Lĩnh Nam như: Gỏi cá, ám cá, chả rươi, cá nướng, sai Thái-giám dâng cho ông, dưới danh nghĩa đệ tử dâng sư phụ. Vì vậy giữa ông với nàng càng thân thiết.
Hoài-nam vương cũng cảm thấy mối nguy bọn ngoại thích. Song ông không có người làm tai mắt cho mình trong hoàng cung. Ông cũng không có cớ gì vào trong cung. Bây giờ được Chu Tường-Qui kính làm thầy. Ông liệt nàng vào loại có tư cách như Trưng Nhị, Phật-Nguyệt. Ông có cảm tình với nàng.
Ông khuyên nàng tuyển lấy cấm quân, thị vệ, cùng cử Vũ vệ hiệu úy riêng. Nàng trả lời:
– Phàm cái gì của sư phụ là của đệ tử. Của đệ tử là của sư phụ. Hoàng thúc là sư phụ của con. Xin hoàng thúc tuyển cho con.
Nhờ đó Hoài-nam vương đưa một số cao thủ hoàng tộc vào làm Vũ vệ hiệu úy, làm Cấm quân, thị-vệ trong cung, đề phòng mọi bất trắc của bọn ngoại thích. Đến nước này ông nói thực:
– Như Chu quí-phi thấy, thần là hoàng-thúc Thiên tử. Ngày đêm thần lo bảo vệ giang sơn nhà Hán. Thần biết quí phi muốn học văn thì ít, mà muốn giúp thần bảo vệ giang sơn nhà Đại-hán thì nhiều. Nhờ ơn qúi phi mà thần đã đưa được người vào hoàng cung. Vậy qúi phi muốn gì cứ nói ra. Sức thần làm được, thần xin hết lòng lo lắng.
Chu Tường-Qui thở dài:
– Sư phụ thực ngay thẳng. Sư phụ đã nói ra, không lẽ đệ tử không đáp ứng? Đệ tử chỉ mong sư phụ quan tâm đến một việc: Kết thân với anh hùng Lĩnh Nam. Nếu đại thần có bàn đến việc đánh Lĩnh Nam, xin sư phụ vì sinh linh hai nước, mà cản cho. Vì lỡ ra có chiến tranh, người chết không biết bao nhiêu mà kể.
Hoài-nam vương rung động tâm thần:
– Quí phi thực ôn nhu, trung hậu, không quên nguồn gốc. Thần xin hết sức vì quí phi.
Mã thái-hậu khinh thường Chu Tường-Qui. Bà không biết những gì diễn ra ở Tây-cung. Bởi vậy giữa lúc bà sắp thành công, thì Chu Tường-Qui suất lĩnh đội cấm quân, thị vệ riêng, trấn giữ Tây-cung, đánh chiếm cửa tây, báo cho Hoài-nam vương biết.
Khi Hoài-nam vương điểm quân tới, thì Chu Tường-Qui đã chiếm được điện Ôn-minh, đang giao chiến tại cửa Thanh-tỏa. Bọn phản loạn tuy đông nhưng địch sao lại Lê Thị-Hảo với Chu Tường-Qui? Bọn thị vệ thua chạy, rút về điện Gia-đức. Chu Tường-Qui xua quân vây kín. Đúng lúc đó Hoài-nam vương đã dẹp xong các đội phản loạn.
May cho Mã thái-hậu, giữa lúc bọn thị vệ tan rã, thì đội thị vệ do Tô Định gửi sang có Hoàng Đức-Phi Trịnh Quang, Nguyễn Ngọc-Danh, Hoàng Thị-Huệ xuất hiện.
Trong đám đó chỉ có Trịnh Quang là xuất thân đệ tử danh môn, võ công khắc chế võ công Trung-nguyên. Y đánh dạt bọn cấm quân của Chu Tường-Qui, rồi bắt một cung nữ, cho mặc quần áo Mã thái-hậu, treo cổ lên xà nhà, rồi phóng hỏa đốt điện. Trong khi Hoài-nam vương mải cứu hỏa. Y cùng đám thị vệ người Việt mở vòng vây, đưa Mã thái-hậu đi trốn. Hoàng Thị-Huệ ra cái vẻ ta đây đi cản hậu. Bị Chu Tường-Qui đánh một chưởng, phun máu miệng.
Sau khi dẹp loạn xong, Hoàng hậu, Phi tần đều nể mặt Tường-Qui. Trong lúc bọn Mã thái-hậu làm loạn, Hoàng Thị-Huệ vô lễ với hoàng hậu. Nên khi y thị bị giải giao. Hoàng-hậu truyền chặt chân, chặt tay, khoét mắt, cắt lưỡi, thả vào chuồng heo, sống lẫn với heo, mười lăm ngày sau, y thị mới chết. Hoàng-hậu sai đem thây vứt ra đồng cho quạ ăn thịt.
Quang-Vũ trở về Lạc-dương nghe báo cáo mọi truyện, càng sủng ái Tường-Qui hơn nữa. Nhân Mã thái-hậu mới về cung, thị vệ không còn, Quang-Vũ truyền dùng thị vệ của Chu Tường-Qui gác lầu Thúy-hoa. Đó là một phương thức giam lỏng Mã thái-hậu.
Đào Kỳ, Phương-Dung đến lầu Thúy-hoa. Bốn bề vắng lặng. Một toán thị vệ hơn mười người tuần tiễu xung quanh. Phương-Dung nói:
– Mã thái-hậu xin Quang-Vũ tha cho Trịnh Quang, Hoàng Đức-Phi, Nguyễn Ngọc-Danh. Mụ nói rằng chúng là thái giám. Sự thực trong ba tên, chỉ có Trịnh Quang xứng đáng là Thái-giám thôi. Còn hai tên kia thì không phải. Không biết giờ này chúng làm gì ở trên lầu Thúy-hoa?
Đào-Kỳ bàn:
– Chúng ta đã được Chu sư bá trao cho quần áo thị vệ, thẻ bài của Tường-Qui thì tha hồ đi lại. Ta muốn xưng gì chăng nữa. Sau này Tường-Qui cũng không trách ta đâu.
Phương-Dung để ngón tay trỏ lên mũi trêu Đào-Kỳ:
– Đối với anh, thì anh muốn xưng là Ngọc-Hoàng đại đế, Diêm-La lão tử hay là… gì… gì đi thì Tường-Qui cũng không trách. Song đối với em, một con ngạnh đầu, một thứ phản Hán phục Việt, biết đâu nàng chẳng đem ra chặt đầu?
Hai người vừa định lên lầu, thì nghe tiếng Thần-ưng ré trên không. Một Thần-ưng từ trên cao lao xuống ngọn cây trong vườn Ngự-uyển. Đào Kỳ nói sẽ:
– Có người lạ ẩn ở đây bị Thần-ưng phát giác ra rồi. Chúng ta hãy ẩn thân xem cái gì sắp xảy ra?
Quả nhiên, lát sau, bốn bóng đen, vọt người đến chân lầu Thúy-hoa nhanh không thể tưởng tựơng được. Phương-Dung ngạc nhiên không ít. Nàng nói sẽ vào tai Đào-Kỳ:
– Mấy người này là ai? Mà khinh công ngang với bọn mình? Ngoài bọn mình ra chỉ còn Phật-Nguyệt, Khất đại phu mới có khinh công này mà thôi. Không lẽ Hoài-nam vương? Mã Vũ?
Bốn người đến chân lầu, nhấp nhô mấy cái đã leo lên tầng thứ nhì. Một trong bốn người bóp miệng hú lên. Cánh cửa lầu mở ra. Cả bốn người đều vào trong. Cửa đóng lại.
Đào-Kỳ, Phương-Dung theo sát bốn người, bám cửa sổ, ghé mắt vào kẽ hở, nhìn bên trong: Mã thái-hậu ngồi trên cái ghế, chạm con phượng rất đẹp. Phía sau là bọn đầu trâu mặt ngựa Trịnh Quang, Hoàng Đức-Phi, Nguyễn Ngọc-Danh khoanh tay đứng hầu. Phía trước là bốn người đàn ông, tuổi khoảng ba mươi lăm đến bốn mươi, thân hình to lớn, vẻ mặt uy nghi. Mã thái-hậu hỏi:
– Sáng nay ta nhận được mật tấu của Mã Viện gửi về rằng y cho bốn vị triều kiến ta. Xin bốn vị báo danh cho ta biết.
Người lớn tuổi nhất kính cẩn nói:
– Bốn anh em thần xuất thân từ phái Liêu-đông, đươc đời tặng danh hiệu Liêu-đông tứ hiệp. Bọn thần được Phục-ba tướng quân hậu lễ đến thỉnh. Bọn thần đã quyết theo Mã tướng quân lập công, mưu kiếm công danh.
Hoàng Đức-Phi lưu lạc lâu năm ở Trung-nguyên, văn dốt, vũ rát, nhưng được cái từng trải, nghe nhiều, biết rộng. Y bật kêu lên:
– Có phải bốn vị nổi danh Liêu-đông tứ vương đó chăng?
Người to lớn đáp:
– Không dám.
Hoàng Đức-Phi tâu với Mã thái-hậu:
– Tâu Thái-hậu, Liêu-đông tứ vương gồm bốn vị sư huynh đệ thuộc phái Liêu-đông.
Y chỉ vào người cao lớn, nói:
– Vị này chắc đại danh Đông-hải long vương họ Chu.
Chu Long đứng dậy vái Mã thái-hậu.
Đức-Phỉ chỉ vào người có búi tóc cao:
– Vị này chắc có đại danh Tây-sơn phụng vương họ Ngô.
Ngô Anh đứng lên vái Mã thái hậu.
Đức-Phi chỉ vào hai người trẻ. Một người da mặt dăn deo, một người mặt lầm lỳ nói:
– Vị này là Nam-sơn sư vương họ Trịnh. Còn vị trẻ nhất chắc đại danh Bắc-sơn hùng vương họ Vương.
Trịnh Sư, Vương Hùng đứng dậy vái Mã thái-hậu.
Hoàng Đức-Phi nói:
– Tâu thái-hậu, năm trước Bắc-Sơn hùng vương đã giao đấu với Xích-Mi trên bờ sông Trường-giang, đến long trời lở đất. Sau ba trăm hiệp hai người đành phải hòa nhau.
Đào-Kỳ nghe nói kinh hoàng:
– Xưa kia Xích-Mi là đệ nhất cao thủ Trung-nguyên. Đến Sầm Bành, Phùng Dị cũng không thắng được y. Thế mà Xích-Mi đấu với tên Vương Hùng đến ba trăm hiệp không phân thắng bại, thì võ công y phải cao lắm. Bấy giờ y mới hai mươi tuổi mà công lực đã đến dường ấy. Giờ đây, sau mười lăm năm, thì công lực y đã tiến đến mực nào ? Có lẽ y không thua gì Mao Đông-Các.
Chàng nhớ lại, một lần luận về võ công trong thiên hạ với Khất đại-phu. Ông nói:
– Trung-Nguyên có các phái võ lớn Thiên-sơn, Tương-dương, Quan-trung, Liêu-đông, Thái-sơn, Trường-bạch. Trong sáu phái, thì phái Trường-bạch thiên về âm nhu. Còn các phái khác đều thiên về dương cương. Hai phái Liêu-đông, Trường-bạch thuộc tà môn. Phái Trường-bạch luyện Huyền-âm độc chưởng. Còn phái Liêu-đông luyện Chu-sa chưởng. Võ lâm Trung-nguyên, nghe đến hai phái này đều kinh hồn động phách.
Đào Kỳ đã thấy cao thủ phái Thái-sơn như Hoài-nam vương, Ngũ-phương thần kiếm. Phái Thiên-sơn thì Thiên-sơn lão tiên, Thiên-sơn thất hùng. Phái Tương-dương thì Sầm Bành, Phùng-Dị. Phái Quan-trung thì Mã Vũ. Phái Trường-bạch thì Xích-Mi, Mao Đông-Các, Phan Anh. Bây giờ mới biết đến cao thủ phái Liêu-đông.
Mã thái-hậu nói:
– Ta hiện bị giam lỏng ở đây. Nhất cử nhất động đều phải đề phòng tai mắt của Hoài-nam vương và bọn Lĩnh Nam. Từ nay các vị cứ ở phía tây thành. Ta sẽ cho một trong ba người này liên lạc với các vị. Không biết hiện giờ các vị đã có chức tước gì chưa?
Chu Long đáp:
– Tâu Thái-hậu chưa.
Mã thái-hậu nói:
– Sau khi các vị lập công đầu, ta sẽ xuống chỉ phong làm Vũ vệ hiệu úy của ta. Điều quí vị làm ngay bây giờ là, phải giết chết Hoài-nam vương Lưu Quang. Tiếp đó, sau mỗi lần lập công, ta lại thăng chức tước cho quí vị. Thôi quí vị lui được rồi.
Bốn người thụp lạy, rồi lui ra. Trịnh Quang đóng cửa lại.
Phương-Dung hú lên gọi Thần-ưng, ra lệnh cho chúng theo bọn Liêu-đông tứ vương. Hai người xuống đất, trở về. Vừa đi được mấy bước, có luồng gió chụp xuống đầu. Áp lực làm hai người muốn ngộp thở. Đào-Kỳ ra một chiêu trong Thiết-kình phi chưởng đỡ. Bình một tiếng. Người kia lùi lại. Kêu lên tiếng Ái cha. Còn Đào-Kỳ thì thấy chưởng lực đối phương rất quen thuộc, công lực mạnh ngang với Vương Thường, Cảnh Yểm.
Đào-Kỳ lên tiếng nói:
– Cao nhân là ai? Có thể cho biết tên được không?
Người kia không nói, không rằng phóng chưởng đánh tới. Chưởng phong cực kỳ tinh diệu, hùng nạnh. Trong dương có âm, trong biến có động. Chàng không dám coi thường, phát chiêu Thiết kình phi thiên của Cửu-chân đỡ. Bình một tiếng, người kia lùi lại hai bước, kêu lên:
– Ngươi là người Lĩnh Nam!
Đào-Kỳ cũng nhận ra võ công người kia thuộc phái Thiên-sơn. Chàng nói:
– Ngươi là người phái Thiên-sơn?
Đào-Kỳ định đánh chưởng nữa, thì trong bóng tối gần đó, xuất hiện một người, dáng điệu nhẹ nhàng. Dù trong đêm Đào-Kỳ cũng nhận ra. Chàng kêu lên một tiếng nhỏ:
– Sa-Giang!
Sa-Giang lên tiếng:
– Ngừng tay, ngộ nhận rồi.
Bốn người cùng vọt vào giữa vườn Thượng-uyển. Bấy giờ Đào-Kỳ mới nhận ra người đấu chưởng với mình là Vương Phúc. Hai anh em lâu ngày không có tin tức nhau, bây giờ gặp lại. Đào Kỳ ôm chầm lấy Vương Phúc, cả hai nước mắt cùng chảy ra dàn dụa.
Phương-Dung nói:
– Chúng ta trở về rồi hãy nói truyện. Ở đây tai vách mặt rừng.
Bốn người trở về Bắc cung. Sún-Rỗ đã gặp Vương Phúc, Sa-Giang trong lần hội quân Dương-bình-quan. Giữa Tây-vu Thiên-ưng lục tướng với Sa-Giang ngang tuổi nhau. Một bên ít đọc sách, hằng ngày sống bằng kinh nghiệm thực tế. Một bên xuất thân danh gia,văn hay, chữ tốt, âm nhạc giỏi. Hai bên mới gặp nhau đã thân với nhau. Hồi ấy Sa-Giang chế ngạo Lục Sún có tài mà không biết chữ, chẳng khác người mù. Lục Sún cho rằng cái gì quyết tâm là được. Chúng hẹn chỉ trong ba tháng đến sáu tháng là đọc được Tôn-tử binh pháp. Sa-Giang không tin. Cuối cùng đi đến đánh cuộc. Nếu trong sáu tháng Lục Sún chưa đọc được Tôn-tử binh pháp, thì phải làm nô bộc cho Sa-Giang. Ngược lại Lục Sún đọc được Tôn-tử binh pháp, thì Sa-Giang phải về Lĩnh Nam đánh giặc Hán, phục quốc với Lục Sún. Bây giờ gặp nhau, mừng chi xiết kể.
Sún Rỗ reo lên:
– Hôm trước nghe Trưng sư tỷ nói rằng Vương đại ca với Sa-Giang tỷ tỷ hiện ở hồ Động-đình, chuẩn bị đại hội anh hùng Lĩnh Nam. Sao cũng có mặt ở đây? Lại ở Hoàng-thành này?
Đào-Kỳ giới thiệu:
– Sún Rỗ mới được bố anh thu làm đệ tử.
Sa-Giang nheo mắt cười. Nàng là người ca hát lâu năm, cái nheo mắt của nàng đầy tình tứ, thu hút người ta:
– Đào đại ca thật bất công. Đào Nhị-Gia da mặt hồng hào, răng trắng đều thế kia mà bảo là Sún Rỗ, thì còn trời đất nào nữa?
Sún Rỗ cười:
– Sư tỷ không biết đó thôi. Hồi còn bé tiểu đệ bị lên đậu, mặt có mấy mụn rỗ, răng thì sún, nên sư tỷ Hồ Đề gọi là Sún Rỗ riết rồi thành tên. Cãi không được nữa.
Vương-Phúc suýt xoa nói:
– Anh em mình đi Lạc-dương chuyến này thực không uổng công. Thứ nhất gặp lại Đào đại ca. Thứ nhì được gặp một trong Tây-vu Thiên-ưng lục tướng. Sư bá Công-tôn-Thiệu không ngớt lời ca tụng: Anh hùng, hiệp nghĩa, hào sảng.
Đào-Kỳ nói:
– Hai em đi Lạc-dương có việc gì, mà lại đến lầu Thúy-hoa?
Sa-Giang nói:
– Chúng em điều khiển quân mã xây đài, đóng cột cờ, chuẩn bị đại hội hồ Động-đình với sư tỷ Phật-Nguyệt, thì Thần-ưng mang thư của sư bá Công-tôn Thiệu báo cho biết: Tế tác Thục được tin Lê-đạo-Sinh dẫn đệ tử bí mật nhập Thục. Mặt khác Mã Viện mới thu được Liêu-đông tứ vương, thường gọi là Liêu-đông tứ ma. Mã sai bốn tên này khẩn cấp giải cứu Mã thái-hậu. Đào lão bá muốn cử người báo tin này cho đại ca. Hai đứa chúng em tình nguyện đi. Giữa đường, chúng em gặp bọn nó, theo sát tới Lạc-dương. Không ngờ gặp đại ca với tỷ tỷ ở lầu Thúy-hoa.
Năm người ngồi nói truyện. Sún Rỗ với Sa-Giang tuổi ngang nhau, truyện trò tương đắc. Sa-Giang thì nhu mì, thanh lịch, Sún Rỗ thì hào sảng đầy kinh nghiệm.
Phàm trai gái, hễ sở trường, hoàn cảnh trái ngược nhau, dễ thông cảm với nhau. Sa-Giang sinh ra làm con một vị tể tướng của Ngỗi-Hiêu, cành vàng lá ngọc, âm nhạc tinh thông. Sún Rỗ thì mồ côi, sống với rừng núi, hàng ngày huấn luyện thú vật làm lẽ chính. Hai mái đầu xanh gặp nhau trong hoàn cảnh ưu tư quốc sự. Một Hán, một Việt, truyện trò không dứt, mối tình của họ nảy nở, mà chính họ cũng không biết.
Phương-Dung, Đào Kỳ, Vương Phúc nói truyện riêng. Sa-Giang, Sún Rỗ ra sân, leo lên cây, điều khiển Thần-ưng theo dõi canh phòng. Chúng nói truyện với nhau bằng cử chỉ nhiều hơn là lời nói, vì Sa-Giang mới học tiếng Việt. Còn Sún Rỗ cũng mới học tiếng Hán. Sún Rỗ chỉ về phía Nam:
– Kìa! Khất đại phu với Trần Năng sắp trở về. Thần-ưng bảo vệ họ cũng đang bay về đây với chúng ta.
Quả nhiên, lát sau Khất đại phu với Trần Năng về tới. Sa-Giang hỏi:
– Đào Nhị-Gia! Trong đêm tối, tại sao đại ca biết cặp Thần-ưng này của Khất đại phu, mà không phải của Hoàng sư tỷ?
Sún Rỗ cười:
– Tôi nuôi dạy tụi nó lâu rồi, nhận ra thói quen của từng cặp một. Cũng như chúng ta ở với nhau lâu rồi, nhận ra thói quen, khuôn mặt của nhau. Chỉ cần chúng lượn một cái, tôi đã nhận ra chúng.
Sa-Giang chỉ lên trời:
– Kìa hai cặp nữa trở về kìa.
Sún Rỗ nói:
– Cặp bay trước của Tiên-yên nữ hiệp. Cặp bay sau của Đào tam sư huynh với sư tỷ Phương-Dung.
Một lát Tiên-yên nữ hiệp, Chu Bá trở về.
Phương-Dung bảo Sún Rỗ:
– Sư đệ! Liệu không cần em điều khiển, Thần-ưng có thể canh phòng được không? Chị muốn em đi ngủ, sáng mai có nhiều việc phải làm.
Sún Rỗ cười:
– Cũng được. Em phải truyền lệnh cho chúng: Có người lạ, thì con đầu đàn bay vào phòng báo hiệu.
Phương-Dung bảo Sún Rỗ:
– Sư đệ lệnh cho Thần-ưng canh chừng bọn Liêu-đông tứ ma. Bất cứ chúng đi đâu, thì một Thần-ưng bay theo, một Thần-ưng khác trở về báo cho chúng ta biết.
Phương-Dung hỏi Khất đại phu:
– Lão tiên với Trần Năng thám thính Tây-cung có gì lạ không?
Khất đại phu cười:
– Chả có gì lạ cả. Ta lên lầu gặp Lê Thị-Hảo. Chu-Tường-Qui lấy rượu mời ta uống. Nó nói: Dù nó là một thứ Mị-Châu, nhưng quyết đem tài năng, võ công, nhan sắc ra làm lợi cho Lĩnh Nam. Hiện nó đã liên kết được với tất cả hoàng tộc. Bất cứ hoàng thân quốc thích gặp truyện khó khăn gì, nó hết sức giúp đỡ. Ngược lại hoàng thân, quốc thích phải trở thành bạn của Lĩnh Nam, ngăn cản mọi âm mưu gây chiến giữa hai nước.
Phương-Dung nói:
– Chưa chắc như vậy đâu. Cần xét lại.
Khất đại phu vuốt râu cười:
– Ta đã bảo nó: Trên thế gian này, không phải cầm gươm giết giặc mới là anh hùng. Anh hùng có muôn vẻ. Việc cháu liên kết với Hoài-nam vương, dẹp bọn họ Mã làm loạn, đó là một việc chưa ai làm được. Cháu tuy là Tây-cung quí phi của Quang-Vũ mà lòng để ở Lĩnh Nam, như vậy cháu xứng đáng anh hùng như Tây-Thi xưa kia... Nó nghe ta nói vậy thì vui vẻ lắm. Nhân đó, ta dạy cho nó mười tám chiêu Phục-ngưu thần chưởng nữa. Mẹ nó xin học, ta cũng dạy luôn. Có ai ngờ sư đệ ta xấu xa như vậy, mà lại có con gái, cháu ngoại thành liệt nữ anh hùng Lĩnh Nam.
Còn Tiên-yên nữ hiệp với Chu Bá cho biết: Phủ Hoài-nam vương canh phòng nghiêm mật quá, không lọt vào được. Đành trở về.
Đến lượt Vương Phúc, Phương-Dung tường thuật tin tức Liêu-đông tứ ma. Khất đại phu nói:
– Chúng ta phải thông báo cho Tường-Qui ngay. Tường-Qui sẽ báo cho Hoài-nam vương đề phòng. Như vậy khiến Hoài-nam vương càng thêm nể phục Tường-Qui. Bây giờ ai đi được?
Phương-Dung nói:
– Để cháu đi! Nhân tiện cháu xin lỗi Chu sư tỷ. Vì từ trước đến giờ, cháu với Chu sư tỷ vẫn không hòa với nhau.
Đào Kỳ biết Phương-Dung hối hận vì nàng thường tỏ ý khinh rẻ Chu Tường-Qui. Bây giờ để nàng đi, thì hai người thêm thân mật, như vậy Lĩnh Nam mới dễ thành công.
Phương-Dung lấy kiếm đeo vào lưng. Nàng hú lên một tiếng, lao người vào đêm tối.
Khất đại phu nói:
– Thôi ta đi ngủ!
Mọi người đang yên giấc, thì tiếng Thần-ưng ré lên liên tiếp trên không. Sún Rỗ vọt người dậy đầu tiên. Nó ra sân nhìn: Trên trời Thần-ưng chia nhau thành từng đoàn năm con một đang lao xuống tấn công ba người. Ba người dùng vũ khí múa trên đầu phòng vệ.
Trần Năng nhấp nhô mấy cái, đã tới nơi: Thì ra Hoàng Đức-Phi, Nguyễn Ngọc-Danh, và Trịnh Quang.
Thần-ưng thấy có người tiếp viện. Chúng bay lên không lượn thành vòng tròn canh chừng. Trần Năng đến trước mặt ba người hỏi:
– Các người đến đây có việc gì? Hãy theo ta vào trong này.
Trịnh Quang phóng chưởng tấn công Trần Năng. Nàng không thèm đỡ, xuyên tay túm ngực y, liệng xuống đất. Y chết ngất tức thời. Nàng chụp Hoàng Đức-Phi, Nguyễn Ngọc-Danhh ném ra xa. Chúng đau quá không ngồi dậy được nữa.
Sún Rỗ túm cổ ba đứa, đem vào trong. Nó hỏi Chu Bá:
– Sư bá! Cháu khoét mắt bọn chúng, liệng cho chim ưng ăn quách. Để làm gì những giống dơ bẩn này trên thế gian!
Chu Bá biết Sún Rỗ dọa, ông cười:
– Tùy cháu.
Tên Hoàng Đức-Phi vốn hèn hạ nổi tiếng. Yù kêu van:
– Xin tiểu anh hùng tha mạng! Tôi được lệnh Mã thái-hậu sai đến đây dọ thám động tĩnh của các vị. Chứ không có ý gì khác.
Chu Bá bảo Sún Rỗ:
– Cháu tha chúng ra.
Sún Rỗ dẫn ba tên ra cửa nói:
– Chúng mày về đi.
Ba tên lưu manh ôm đầu bỏ chạy. Sa-Giang ghé vào tai Sún Rỗ nói nhỏ:
– Sư bá bảo thả, thì đại ca cứ thả. Đợi chúng nó rời khỏi đây, đại ca cho chim ưng đuổi theo xơi thịt chúng cho bõ ghét. Sư bá đâu có biết mà trách phạt đại ca ?
Sún Rỗ cười gật đầu. Nó hú lên một tiếng dài, ba tiếng ngắn. Đoàn Thần-ưng bay theo ba tên lưu manh. Chúng nhào xuống tấn công. Ba tên không kịp trở tay, mắt bị khoét mất con ngươi. Đoàn Thần-ưng xúm lại rỉa thịt ăn. Một lát chỉ còn lại ba đống xương.
Đợi cho mọi người đi ngủ. Sa-Giang xui Sún Rỗ:
– Đại ca với tôi đem ba bộ xương này đến lầu Thúy-hoa, bỏ vào phòng Mã thái-hậu cho y thị kinh hoàng chơi.
Hai người ngang tuổi, tính tình cùng tinh nghịch, chúng gói ba bộ xương lại, đeo kiếm vào lưng hướng lầu Thúy-hoa đi tới. Đứng dưới chân lầu, Sa-Giang chỉ vào phòng có ánh sáng nói:
– Phòng kia chắc là chỗ Mã thái hậu đang ngồi chờ tin tức ba tên lưu manh. Chúng ta mau lên đó đi.
Hai người theo cầu thang lên lầu một. Tới trước cửa phòng Mã thái-hậu, Sa-Giang đem ba bộ xương trải ra rồi cùng Sún Lé đi xuống.
Sa-Giang hỏi:
– Đào Nhị-Gia, đại ca có thể sai Thần-ưng gõ cửa không? Thần-ưng gõ cửa. Mụ mở cửa ra, thấy ba bộ xương cho mụ chết khiếp một bữa.
Lần đầu tiên trong đời, Sún Rỗ được làm quen với một cô gái xinh đẹp, linh lợi. Nó thấy nàng tinh nghịch như mình, thì sướng quá. Nó bóp miệng gọi hai Thần-ưng đến ra lệnh. Hai Thần-ưng bay lên phòng Mã thái-hậu, dùng mỏ gõ vào cửa mấy cái, rồi bay đi.
Quả nhiên, cánh cửa mở rộng. Mã thái-hậu trông thấy ba bộ xương, mụ hét lên một tiếng kinh hoàng rồi chết ngất. Đám thị vệ canh phòng dưới nhà vội vã đốt đuốc chạy lên. Đây là đám người thân tín của Hoài-nam vương đưa vào làm thị vệ hầu Chu Tường-Qui. Nàng sai chúng gác Mã thái-hậu.
Chúng thấy cảnh khủng khiếp như vậy, chạy đến Tây-cung báo với Chu Tường-Qui. Chu Tường-Qui đang nói truyện với Lê Thị-Hảo, Phương-Dung, nàng vội lấy ngựa tới nơi coi.
Sún Rỗ nghe lời Sa-Giang nghịch ngợm. Song nó vẫn còn sợ oai Phương-Dung. Nó nói với Sa-Giang:
– Chúng ta trốn ngay. Nếu không, sư tỷ Phương-Dung mà biết thì tôi chết đòn.
Chu Tường-Qui, Phương-Dung lên lầu Thúy-hoa: Mã thái-hậu nằm chết ngất ở đó. Ngoài cửa, ba bộ xương người còn tươi, lẫn máu. Phương-Dung cúi xuống nhìn. Nàng biết ngay đây là đại kiệt tác của cậu sư đệ Sún Rỗ. Nàng đã từng thấy các Sún cho Thần-ưng ăn thịt bọn ác nhân, nên thoạt trông nàng nhận ra: Bộ xương bị rỉa hết, không còn một chút thịt. Nếu bộ xương đó, do người cầm dao lóc, cũng không tinh vi sạch sẽ như vậy.
Nàng cúi xuống, lục túi áo của ba bộ xương, được ba tấm thẻ bài đề tên Trịnh Quang, Nguyễn Ngọc-Danh, Hoàng Đức-Phi. Nàng không biết Sún Rỗ ở đâu? Nó cho Thần-ưng ăn thịt ba người bao giờ? Tại sao ba bộ xương lại ở đây? Nàng nói với Lê Thị-Hảo:
– Sư bá có nội công dương cương, xin sư bá truyền chân khí vào người thái hậu, cứu bà tỉnh dậy.
Lê Thị-Hảo mới được Khất đại phu dạy Lĩnh Nam chỉ. Bà vận khí về Đốc-mạch, chỉa ngón tay, điểm véo một tiếng vào huyệt Bách-hội. Mã thái-hậu tỉnh dậy. Bà thấy Chu Tường-Qui, thì hỏi:
– Quí phi! Ngươi đã đuổi được ba con quỉ đi chưa?
Phương-Dung dọa:
– Tâu thái hậu, ba con quỉ bị thần đuổi đi rồi. Nó tên Mao Đông-Các, Mao Thanh-Hoa, Mao Hồng-Hoa. Chúng đến tìm Thái-hậu không thấy, đã ăn thịt ba tên Trịnh Quang, Nguyễn Ngọc-Danh, Hoàng Đức-Phi. Chúng nói: Ngày mai chúng trở lại đòi đơn thuốc giải Huyền-âm độc chưởng.
Mã thái-hậu cầm cái áo Hồ-cừu đưa ra:
– Đơn thuốc chép trong này. Vương-phi mau đem trả chúng.
Phương-Dung càng dọa già:
– Tôi có nói như vậy. Chúng bảo thái-hậu chép không đúng.
Mã thái-hậu run lập cập nói:
– Đúng thế! Ta chép thiếu ba vị: Hà-thủ-ô, Mộc-hương, Xạ-hương. Ba thứ, mỗi thứ đều một lượng.
Phương-Dung nói:
– Chúng bảo Thái-hậu phải đốt áo đi, thì oan hồn chúng mới siêu thoát được.
Mã thái-hậu nói:
– Được, Vương-phi đốt dùm ta đi.
Phương-Dung lấy đá lửa ra đánh, định đốt, thì trong bóng tối hai người cùng xuất hiện, phát chưởng tấn công nàng. Nàng buông áo đỡ. Hai người thu chưởng lại chụp áo Hồ-cừu phóng rồi vào đêm tối. Phương-Dung hô:
– Mau đuổi theo!
Nàng với Lê Thị-Hảo có khinh công cao, cùng xuống lầu đuổi theo. Vừa tới vườn Thượng-uyển, nàng vội kéo Lê Thị-Hảo dừng lại: Phía trước Thần-ưng đang lao xuống tấn công hai người cướp áo. Họ gồm một nam, một nữ.
Nguyên hai người đó là Phan Anh và Trần Nghi-Gia. Từ khi rời Trường-sa, hai người trở về Lạc-dương, tìm Mao Đông-Các giết y để trả thù cho cha, cùng đào kho tàng ở dưới nền điện Vị-ương. Chúng nghĩ rằng: Cần nhất tìm ra được thuốc giải Huyền-âm độc chưởng, thì có thể tái phục hồi phái Trường-bạch. Chúng ẩn thân rình rập đã mấy tháng, đến bây giờ mới ra manh mối, thì Phương-Dung định đốt áo Hồ-cừu, phía trong chép đơn thuốc giải.
Hai người nhảy vào cướp được áo rồi phóng mình chạy. Sún Rỗ cho Thần-ưng tấn công bao vây. Hai người không sao thoát khỏi. Lát sau Phương-Dung, Lê Thị-Hảo, Tường-Qui tới. Thị vệ bao vây kín như nêm. Đèn đuốc thắp sáng rực.
Hoài-nam vương đã tới. Ông nói với Chu Tường-Qui:
-Xin quí phi ra lệnh cho Thần-ưng mở vòng vây.
Tường-Qui nhìn Phương-Dung ngụ ý nhờ nàng nói với Sún Rỗ. Sún Rỗ biết ý, cầm tù và thổi lên một hồi. Thần-ưng bay lên trời tuần phòng. Hoài-nam vương đến trước mặt Phan Anh. Ông nhận diện được y. Ông nói:
– Thì ra ngươi là Thái-tử Phan Anh con trai Xích-Mi đấy. Ta tưởng trong trận Trường-sa, ngươi chết cùng với cha giữa loạn quân. Không ngờ ngươi còn sống đến ngày nay.
Công-chúa Vĩnh-Hòa cũng đã đến. Nàng nói với Hoài-Nam vương:
– Hoàng thúc! Xin Hoàng thúc bắt sống y, trả thù cho phụ hoàng cháu.
Phan Anh biết không thoát được. Y nói:
– Ta nghe Thái-sơn thần kiếm Lưu Quang, tước phong Hoài-nam vương, là một nhân vật văn tài không thua Khổng-tử, võ công không sút Hạng vương. Nào ngờ hôm nay lại cậy đông người bắt ta. Ta chết mà không nhắm mắt được. Ta không phục ngươi.
Hoài-nam vương cười ha hả:
– Ngươi không cần khích ta. Ngay tên Xích-Mi còn bị bại dưới kiếm của ta, huống hồ nhà ngươi. Nào ngươi muốn đấu văn hay đấu võ? Đấu kiếm hay đấu chưởng?
Phan Anh nói:
– Dĩ nhiên ta muốn đấu chưởng với ngươi. Vợ ta là đàn bà. Ngươi phải có nữ nhân đấu với nàng.
Hoài-nam vương nghe Phan Anh nói, ông lặng thinh, vì hiện xung quanh ông, không có một cao thủ nữ nào khả dĩ đấu được với Trần Nghi-Gia. Ông đã nghe công chúa Vĩnh-Hòa nói Nghi-Gia xuất thân đệ tử phái Khúc-giang,võ công thị khắc chế với võ công Trung-nguyên. Hôm đấu ở đồi Vương-sơn, Trần Năng phải khó nhọc lắm mới ngang tay với thị. Sau nhờ Tăng-giả Nan-Đà đọc kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã, nàng áp dụng Thiền-công, mới thu thập được thị.
Ông đang luống cuống chưa biết trả lời sao, thì Tường-Qui bước ra nói:
– Sư phụ! Đệ tử nghĩ thân phận sư phụ, là Thái-sơn thần kiếm mà đấu với con trai tên giặc cướp tàn ác Xích-Mi thì e nhẹ thể. Vả lại sư phụ là Thái-sơn Bắc-đẩu kiếm thuật Trung-nguyên, mà đấu với Phan Anh chẳng hóa ra lớn hiếp nhỏ ư? Với bản lĩnh của y, chỉ đáng để một cung nữ của đệ tử cũng đủ kiềm chế. Xin sư phụ cho phép.
Phan-Anh liếc nhìn Tường-Qui. Y bủn rủn cả chân tay nghĩ thầm:
– Cha mẹ ơi! Sao trên đời có người đẹp thế kia. Ta đã thấy hoàng hậu Chu Mẫu-Đơn của Cảnh-Thủy hoàng đế! Công chúa Vĩnh-Hòa, Thái-hậu Hàn Tú-Anh, song tất cả còn thua người này xa. Y thị mặc theo lối Phi tần, không lẽ một cung phi mà dám đấu với ta? Y thị gọi Lưu Quang bằng sư phụ, ta há sợ sao?
Hoài-nam vương nghe Quang-Vũ nói võ công Chu Tường-Qui cao cường. Tuy vậy ông không tin nàng có thể thắng được Trần Nghi-Gia, Phan-Anh.
Có tiếng tung hô vạn tuế, vạn tuế. Một đoàn thị vệ hộ tống Quang-Vũ tới. Cạnh Quang-Vũ có Hàn thái-hậu, Trần Tự-Sơn, Hoàng Thiều-Hoa, rồi Khất đại phu, Tiên-yên nữ hiệp, Trần Năng, Đào Kỳ v.v. đều đến đông đủ.
Trần Năng bước ra nói với Phan Anh:
– Phan Anh, Nghi-Gia! Các vị có muốn tái đấu với ta không?
Phan Anh cười:
– Hùng phu nhân! Ta đã bại dưới tay phu nhân từ lâu rồi. Hôm nay chúng ta muốn lĩnh giáo võ công của vua, quan, Hoàng-hậu, Phi tần nhà Hán, chứ không muốn đấu với Lĩnh Nam nữa.
Trần Tự-Sơn chỉ mặt Phan Anh:
– Xích tiểu vương! Ngươi vẫn chưa chết sao? Trong trận chiến Trường-sa, ngươi đấu ngang tay với Phùng Dị, rồi mất tích. Ta tưởng ngươi chết trong quân, không ngờ hôm nay lại gặp ngươi.
Quang-Vũ nghe Nghiêm Sơn nói, trong lòng lo lắng:
– Tương-dương cửu hùng của ta đã bị Lĩnh Nam giết mất năm người. Mã Vũ hiện ở tại triều. Lưu Long, Đoàn Chí, Phùng Tuấn thì trấn ở ngoài. Vậy lấy ai đấu với Phan Anh bây giờ?
Nội giám thống lĩnh cấm quân An Đức-Huy mới được phong chức, thay thế Chu Hựu. Y muốn hiển lộ võ công trước Hoàng-đế, bước ra nói:
– Ta, Nội-giám thống lĩnh cấm quân. Ta bắt ngươi đây.
Đức-Huy phóng chưởng tấn công liền. Phan Anh phất tay đỡ chưởng nói:
– Ngươi hãy báo tên họ cho ta biết. Ta không muốn giết kẻ vô danh.
An Đức-Huy nói:
– Ta là An Đức-Huy, thuộc phái Tương-dương.
Phan Anh cười:
– Ta tưởng ai hóa ra bọn Tương-dương. Hãy tiếp chiêu của ta.
Y phóng chưởng đến véo một cái. Tay phải đánh thẳng vào ngực Đức-Huy. Tay trái biến thành đao, chém từ trái sang. Đức-Huy vọt người lên cao tránh. Từ trên cao y đánh xuống một chưởng. Phan Anh biến chiêu, hướng chưởng lên trời. Bốn chưởng gặp nhau. Đức-Huy bay vọt lên cao. Phan Anh cùng vọt lên theo. Trên không hai người chiết với nhau năm chiêu. Chiêu nào cũng mạnh long trời lở đất.
Trần Năng thuật cho mọi người biết nguồn gốc của vợ chồng Phan Anh và những việc đã xảy ra trên đồi Vương-sơn thành Trường-sa.
Đấu được trên năm mươi chiêu, Phan Anh yếu thế dần. Trần Nghi-Gia đứng ngoài thấy vậy, phát một trảo, tấn công Đức-Huy.
Hàn Tú-Anh nói với Chu Tường-Qui bằng ngôn từ bình dân:
– Con Hôm trước Má má bị hai đứa này làm nhục ở Trường-sa không ít. Con hãy bắt y thị cho Má má.
Tường-Qui Dạ một tiếng, nàng phát quyền đẩy lui Nghi-Gia:
– Trần nữ hiệp. Nữ hiệp xuất thân là đệ tử danh gia. Tại sao lại đánh trộm người ? Tôi nghe Khúc-giang Ngũ hiệp danh trấn thiên hạ về võ đạo, nữ hiệp nên học lấy uy đức đó mới phải chứ?
Lời nói của nàng đúng ra vẻ bậc vương phi, một đệ tử danh gia, đem võ đạo ra dạy dỗ người.
Nghi-Gia bỏ Đức-Huy, thị quay lại thấy một thiếu nữ mặc quần áo theo lối phi tần, nhan sắc cực kỳ diễm lệ, lời nói ôn nhu. Thị quát:
– Được, ta đấu với ngươi !
Thị phát chưởng mạnh như vũ bão phản công. Chưởng hai người chạm nhau đến binh một tiếng. Nghi-Gia bật lùi lại ba bước, cánh tay tê liệt. Y thị kinh hoàng nói:
– Ngươi là Tây-cung quí phi, nhan sắc có một không hai. Ngươi học đâu được võ công dương cương này?
Chu Tường-Qui nói:
– Ta học ở song thân ta! Học ở Thái sư phụ ta, chứ còn học ở đâu nữa.
Nàng phát chiêu Ngưu hổ tranh phong trong Phục-ngưu thần chưởng. Chưởng phong ào ào chụp xuống. Hoàng hậu đứng ngoài kinh hãi nghĩ thầm:
– Hôm trước ta không biết con Nam man này, gây với nó. Cũng may nó không thù oán, chứ không, đêm nó vào cung giết ta, thì mạng ta ắt ô hô ai tai rồi.
Quang-Vũ thấy võ công Tường-Qui tiến mau kỳ lạ, thì ngẩn người ra. Y đưa mắt hỏi Hoài-nam vương. Vương đáp:
– Tâu bệ hạ! Trước đây võ công quí phi vốn đã có căn bản. Trong những ngày quốc cữu Chu Bá đến Lạc-dương trị bệnh cho bệ hạ. Người dạy dỗ Quí-phi hàng ngày. Quí-phi còn được Trần Đại-Sinh tiên ông dạy dỗ nữa. Hiện bản lĩnh Quí-phi không thua gì thần.
Quang-Vũ hỏi:
– Ta thấy Quí-phi gọi Hoàng-thúc bằng sư phụ. Ta tưởng nàng học võ với hoàng thúc?
Hoài-nam vương lắc đầu:
– Quí phi học văn với thần mà thôi.
Trong lịch sử Trung-nguyên, có hai Hoài-nam vương. Một sống vào thời Tây-Hán, một sống vào thời Đông-Hán. Cả hai cùng văn tài lỗi lạc, trước tác nhiều sách khảo cứu, triết học để lại. Hoài-nam vương thời Tây-Hán tên Trương. Hoài-nam vương thời Đông-Hán tên Quang. Lưu Quang văn võ kiêm toàn.
Bỗng Phan Anh phát ra năm chưởng, dũng mãnh. An Đức-Huy đỡ được hai chưởng. Y cảm thấy có gì kỳ lạ. Trong chưởng phong có mùi tanh hôi khủng khiếp. Trần Năng quát lớn:
– Phan Anh! Mi lại xử dụng Huyền-âm độc chưởng! An Vũ vệ, phải cẩn thận đấy.
Song đã trễ, tay An Đức-Huy mất hết kình lực, y loạng choạng muốn ngã. Phan Anh cười khảy:
– Ngươi chết đến nơi rồi. Ta không đấu với ngươi nữa.
Phan Anh quay lại thấy vợ đấu với Chu Tường-Qui. Trong lòng y bồi hồi, khó tả. Y không biết chính mình là mong cho ai thắng. Vì Tường-Qui thắng, thì vợ y tất bị bắt, bị giết. Còn vợ y thắng, thì người đẹp như thế kia phải mất mạng thực đáng tiếc.
Lê Thị-Hảo mặc giả cung nữ, đứng cạnh Chu Tường-Qui. Bà bước ra chỉ vào mặt Phan Anh:
– Ta là cung nữ Tây-cung. Ta muốn được lĩnh giáo Huyền-âm độc chưởng phái Trường-bạch.
Phan Anh kinh hoàng nghĩ:
– Một cung nữ ở Tây-cung mà cũng biết đến Huyền-âm độc chưởng thì lạ lùng thực. Lạ hơn nữa, y thị còn dám thách ta đấu. Được! Ta cho mi chết.
Y hít hơi phóng chưởng tấn công. Chưởng của y không có gió, vì thuộc âm nhu. Lê Thị-Hảo là con gái Lê Đạo-Sinh, được rèn luyện từ nhỏ. Võ công bà còn cao hơn Song quái, Đào Thế-Kiệt nhiều. Bà vận khí phát chiêu Thanh ngưu nhập điền trong Phục-ngưu thần chưởng tấn công. Bộp một tiếng, hai chưởng chạm nhau. Phan Anh lùi lại một bước. Còn Lê Thị-Hảo thì đứng im. Phong thái ung dung nhàn nhã.
Phan Anh thấy cánh tay tê buốt. Y kinh hoàng nghĩ:
– Ủa, sao võ công con tiện tỳ này giống võ công của Trần Năng như vậy?
Y hít hơi phóng liên tiếp mười chưởng. Lê Thị-Hảo không đỡ, đánh thẳng vào người y. Hai bên cùng đang ở tuổi cường tráng, cùng kinh nghiệm chiến đấu. Chưởng lực phát ra ào ào. Những người công lực yếu, phải lui lại, vì áp lực chưởng phong hai người.
Quang-Vũ hỏi Hoài-nam vương:
– Hoàng thúc! Cung nữ đang đấu với Phan Anh tên gì vậy?
Hoài-nam vương nói nhỏ:
– Tâu bệ hạ! Bà là phu nhân của quốc cữu Chu Bá, giả làm cung nữ đấy.
Từ hôm Tường-Qui vào cung, tư thái của nàng khác phàm: ôn nhu, nhã nhặn với tất cả phi tần khác. Rộng lượng, khoan thứ với cung nữ. Không ghen tương, đố kị với bất cứ ai. Nàng lại mua được lòng hai hoàng thúc Tần vương, Hoài-nam vương. Trong khi Mã thái-hậu phản loạn, các phi-tần khác án binh bất động, hoặc tê liệt, duy mình nàng dám tuốt gươm chống lại. Nàng chọn Hoài-nam vương làm thầy dạy văn, khiến hoàng tộc đều muốn tôn nàng làm Hoàng-hậu. Bây giờ trong cung có thích khách. Một cung nữ của nàng xuất chiến, bản lĩnh ngang với bọn Tương-dương cửu hùng.
Quang-Vũ đưa mắt nhìn Trần Tự-Sơn. Y nghĩ thầm:
– Anh hùng Lĩnh Nam nhiều như thế. Không biết Trần hiền đệ làm thế nào thu phục được họ? Ta thấy Tường-Qui xinh đẹp, phong làm Tây-cung quí phi. Ta đâu có ngờ võ công nàng cao cường thế ? Còn thân mẫu của Tướng-Quy, võ công đến trình độ này thì tướng sĩ của ta bì thế nào được ? Không biết Trần hiền đệ có hòa giải giữa ta với Lĩnh Nam được không? Nếu Lĩnh Nam trở mặt hướng lên Bắc ăn thua với ta, thì ta làm sao chống nổi?
Khất đại phu đã cứu Mã thái hậu tỉnh dậy. Mụ cũng đứng lược trận.
Hai bên đấu với nhau được trên trăm hiệp. Phan Anh chỉ còn thở mà thôi. Bỗng y quát lên một tiếng phát ra một chưởng rất thô kệch. Trong chưởng có mùi hôi khủng khiếp. Hoài-nam vương nói lớn:
– Huyền-âm độc chưởng, phải cẩn thận đấy.
Chu Thị-Hảo nghe vậy, nàng nhảy sang trái tránh né, không dám đỡ chưởng của y. Được thể, Phan Anh tấn công liên tiếp mười chưởng. Lê Thị-Hảo tránh được cả. Đến chưởng thứ mười một, bất đắc dĩ bà phải vận sức đỡ vào chưởng của y. Binh một tiếng. Phan Anh bay vọt về phía sau. Còn Lê Thị-Hảo vẫn đứng nguyên. Phan Anh nhăn nhó đứng dậy cười ha hả:
– Con tiện tỳ kia! Mi trúng Huyền-âm độc chưởng của ta rồi. Hãy ngồi xuống vận công, nếu không, chất độc nhập tim, thì không cách gì chữa được.
Lê Thị-Hảo ngửa tay lên nhìn: Bàn tay bà có vết xanh. Cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu. Bà vốn can đảm, nghiến răng quát:
– Đàng nào cũng chết! Ta hãy giết ngươi trước đã.
Bà vận khí phát chưởng. Biết rằng nếu trong vòng mười chiêu, không giết được y, thì chất độc ngấm vào người, kình lực không còn nữa. Chưởng của bà mạnh như thác đổ. Binh một tiếng Phan Anh bật lùi lại. Bà phóng chưởng thứ nhì, thứ ba. Người y bay bổng xuống hồ đến bòm một tiếng. Bà vọt người theo. Còn lơ lửng trên không, thấy y đang lóp ngóp dưới nước, bà phóng chưởng thứ tư. Y vội lặn xuống nước tránh. Chưởng của bà trúng mặt hồ. Nước bắn lên trắng xóa. Bà rơi xuống hồ. Không ai hiểu những gì đang xảy ra. Chỉ thấy sóng hồ nổi lên cuồn cuộn, rồi một lát sau, sóng nước tung tóe. Lê Thị-Hảo túm tóc Phan Anh vọt lên cao. Bà đá gió một cái, người đáp xuống đất.
Trần Nghi-Gia muốn cứu chồng, nhưng bị Tường-Qui tấn công ráo riết, y thị bị trói tay, không sao được.
Lê Thị-Hảo trao Phan-Anh cho Hàn thái-hậu:
– Tâu Thái-hậu! Đây tên là khâm phạm. Xin Thái-hậu phát lạc.
Hàn Tú-Anh vẫy tay gọi công chúa Vĩnh-Hòa:
– Cháu lại đây! Ta trao y cho cháu, để cháu trả thù cho phụ hoàng cháu và sư tỷ của ta.
Công chúa Vĩnh-Hòa chắp tay hành lễ:
– Đa tạ Thái-hậu giúp thần trả thù.
Độc chất ngấm dần, Lê Thị-Hảo cảm thấy đau đớn, ngứa ngáy khó chịu. Bà ngồi xuống đất vận công chống Ngũ độc. Mồ hôi bà vã ra như tắm.
Khất đại phu bảo Trần Năng:
– Con bé cứng đầu đâu. Hãy trị Ngũ-độc chưởng cho sư tỷ.
Trần Năng dạ một tiếng. Nàng đến bên Lê Thị-Hảo, vận Thiền-công phát một Lĩnh-nam chỉ, điểm vào huyệt Bách hội, Đại trùy, Nội quan, Đản trung của bà. Chỉ phong rít lên veo véo.
Lê Thị-Hảo cảm thấy người nhẹ lâng lâng. Nàng gật đầu:
– Sư muội! Thiền-công của ngươi mạnh thực. Ta e, thân phụ ta giờ này chưa chắc đã hơn ngươi.
Nàng đến bên Phan Anh, cởi bọc hành lý của y ra, lấy chiếc áo Hồ-cừu của Mã thái-hậu, rồi gọi Phương-Dung:
– Phương-Dung, cháu hãy giữ lấy cái áo này.
Bà trao áo cho Phương-Dung rồi đứng nhìn trận đấu giữa Chu Tường-Qui với Trần Nghi-Gia đang diễn ra ác liệt.
Chu Tường-Qui đấu với Trần Nghi-Gia được trăm chiêu. Công lực nàng giảm lần. Dầu sao Nghi-Gia đã ở tuổi ba mươi lăm, ba mươi sáu, lại xuất thân danh môn. Y thị có gần hai mươi năm công lực. Trong khi đó, Tường-Qui mới có chín, mười năm công lực.
Trần Năng nói với Khất đại phu:
– Sư phụ! Xin sư phụ giúp Tường-Qui. Nếu không e nàng bị bại mất.
Khất đại phu mỉm cười:
– Ta muốn để Tường-Qui thua cho Nghi-Gia thoát thân. Chứ giúp Tường-Qui, thì tội nghiệp cho Nghi-Gia quá.
Bên này Phương-Dung nói với Đào-Kỳ:
– Anh giúp Tường-Qui một tay! Nếu không em phải giúp... Như vậy coi không tiện.
Đào-Kỳ thấy Tường-Qui nguy đến nơi, chàng cũng muốn ra tay trợ giúp, ngặt một điều Phương-Dung đứng bên cạnh. Nếu chàng có hành động gì giúp Tường-Qui, e Phương-Dung khó chịu. Càng nhìn trận đấu, lòng chàng càng bứt rứt. Khi nghe Phương-Dung nói, chàng tự chửi thầm:
– Phương-Dung là người quảng đại, mà mình coi thường nàng quá.
Chàng cúi xuống nhặt mấy viên sỏi nhỏ, dùng âm kình, búng một viên hướng cùi chỏ Nghi-Gia, trong lúc y thị vận chưởng định đánh bay Tường-Qui xuống hồ. Tự nhiên y thị cảm thấy tay tê dại, kình lực phát không ra. Giữa lúc đó Tường-Qui đánh chiêu Ngưu thực ư dã. Y thị kinh hoàng nhảy vọt lên cao tránh. Tuy thoát chết, nhưng Nghi-Gia cảm thấy hai chân như bị cây gậy đập trúng. Đúng ra, Nghi-Gia trúng một chưởng bình thường của Tường-Qui cũng đủ bỏ mạng. Sở dĩ y thị trúng chưởng, chỉ cảm thấy đau đớn, vì Tường-Qui úy kị độc chưởng của Nghi-Gia, nên phát từ xa đánh lại.
Y thị đau quá, hét lên be be, quay người một vòng rồi phát liên tiếp hai chiêu Hồi-phong cước vào đầu Tường-Qui. Tường-Qui trầm người xuống, đợi cho cước qua đầu, nàng mượn sức đẩy ra một chưởng. Nhưng khi chân Nghi-Gia mới quay được nửa vòng, thì Đào Kỳ búng một viên sỏi trúng vào đầu gối y thị. Chân thị mất kình lực, trong khi chưởng của Tường-Qui đổ ập đến. Binh một tiếng, y thị bị đánh bay đi hơn trượng, ngã ngửa mặt lên trời, không bò dậy được nữa.
Khán giả có hàng ngàn người, nhưng chỉ Khất đại phu, Phương-Dung, Trần Năng, Chu Bá biết Đào Kỳ giúp Tường-Qui mà thôi.
Hoài-nam vương truyền trới vợ chồng Phan Anh giam vào ngục. Ông đến trước Khất đại phu cung kính nói:
– Tiên ông. Xin tiên ông ban phúc cứu An Đức-Huy. Y bị trúng Huyền-âm độc chưởng nặng qúa.
Khất đại phu nhìn An Đức-Huy. Y đang ngồi dưới gốc cây nghiến răng vận công chống đau. Ông vẫy ttay gọi Trần Năng:
– Con bé cứng đầu đâu? Cứu người đi chứ!
Trần Năng dạ một tiếng, nàng vận Lĩnh-nam chỉ phóng vào huyệt Bách-hội, Đại-trùy của An Đức-Huy. Hai tiếng véo rít lên, người Huy rung động thực mạnh. Y rùng mình một cái, mồ hôi vã ra như tắm, mùi tanh hôi nồng nặc bốc ra, nhiều người chịu không được, buồn nôn.
Khoảng nhai dập miếng trầu, bao nhiêu cái đau đớn biến đi mất. Huy đứng dậy tạ ơn Khất đại phu, Trần Năng, rồi theo Hoài-nam vương lên lầu Thúy-hoa. Quan sát mấy bộ xương người, máu còn tươi, thịt bị đẽo hết, y ngơ ngác:
– Vương gia! Không lẽ ba người này bị yêu tinh ăn thịt?
Đám anh hùng Lĩnh Nam nhìn qua ba bộ xương, họ biết ngay đây là tác phẩm của Sún Rỗ. Bất giác họ cùng đưa mắt nhìn nó. Sún Rỗ thấy việc đùa nghịch của mình bị bại lộ, nó lấm lét nhìn Phương-Dung, lo lắng trong lòng:
– Thế này thì chết rồi. Lát nữa mình làm sao trả lời với bà chị dâu khó tính này đây? Không chừng bà còn đem quân luật ra khép tội mình cũng nên. Chi bằng ta ra tay trước.
Nó nghĩ được một kế, đến trước mặt Hoàng Thiều-Hoa hỏi:
– Tam sư tỷ. Em muốn hỏi sư tỷ về một vài luật lệ võ đạo bản môn.
Thiều-Hoa xoa đầu Sún Rỗ:
– Sư đệ cứ hỏi.
– Nếu như có bọn khi sư, diệt tổ, bán nước hại dân, em giết đi thì có tội không?
Thiều-Hoa không ngờ Sún Rỗ mượn mình làm mộc đỡ đòn của Phương-Dung, nàng đáp:
– Không những không có tội, mà còn được thưởng nữa.
Sau khi trả lời Sún Rỗ, chợt động tâm cơ, nàng hiểu rõ thâm ý của sư đệ, đưa mắt nhìn Phương-Dung. Trong khi đó Phương-Dung nghĩ:
– Hỏng bét. Bọn Sún hành động táo bạo, vô thiên vô pháp, mình chỉ là chị dâu thôi, quyền hành đâu có thể sánh kịp chị gái? Khi sư tỷ Thiều-Hoa bảo nó có công, thì mình không còn lý do gì trách phạt được nữa. Song nếu cứ để vậy, nó lộng hành thành quen, e sau này không điều khiển được nữa.
Nàng chợt thấy sóng mắt Sún Lé, Sa-Giang trao cho nhau đầy tình tứ, thì hiểu ra:
– Có thể như thế này: Sa-Giang xui Sún Lé làm. Chứ bản tâm mình nó, khó có thể nó giám qua mặt mình.
Bao nhiêu tức giận tan biến, nàng nhìn cặp thiếu niên lòng tràn đầy vui vẻ:
– Hai đứa này, một đứa tinh nghịch, một đứa thông minh lanh lợi mà nên đôi vợ chồng thì tuyệt. Mình là chị, phải tác thành cho chúng.
Sa Giang, Sún Rỗ trong cái chập chờn say men tình, đâu còn biết gì xung quanh. Họ say đắm nhìn nhau. Hai người chợt nhìn lại, thấy Phương-Dung đang quan sát. Cả hai cùng xấu hổ, đỏ mặt lên. Trong khi Phương-Dung ngửa mặt lên nhìn trời mỉm cười.
Sang canh năm, mặt trời ló dạng. Phương-Dung nói với Trần Tự-Sơn:
– Tỷ phu, chúng ta lên đường đi hồ Động-đình thôi. Ngày mai đại hội rồi, đi càng sớm càng tốt.
Tự-Sơn đưa thẻ bài cho Phương-Dung:
– Sư muội dẫn mọi người lên đường trước. Sư muội với Hoàng-thượng như nước với lửa. Sư muội không cần vào giã từ nữa. Ta phải vấn an má má, rồi cùng Hoàng sư tỷ lên đường sau. Chúng ta sẽ gặp nhau ở Nghi-dương.
Chàng nói nhỏ:
– Ta có đôi lời cần nói trước với em. Mong em để tâm.
Gần Tự-Sơn lâu ngày, Phương-Dung biết mỗi lần ông anh rể nhắc câu Em để tâm là tiếp theo một lời trách cứ. Thái độ của Tự-Sơn quang minh lỗi lạc. Khi chàng không vui lòng, dù đối với ai, chàng cũng nói thẳng ra. Phương-Dung kính cẩn:
– Em nghe đại ca nói.
Tự-Sơn nhấn mạnh:
– Ta với hoàng thượng tuy ân đọan, nghĩa tuyệt cái gọi là nghĩa huynh với nghĩa đệ. Song chúng ta còn một tình thương nữa là hai chúng ta cùng mẹ. Mẹ nuôi, mẹ đẻ đều là mẹ. Ta khác Quang-Vũ ở điểm: Hiếu thảo, trung thực. Thà Quang-Vũ phụ ta, chứ ta không phụ Quang-Vũ. Kỳ này đi hồ Động-đình tất phải qua Kinh-châu, là nơi Công-tôn-Thiệu đang chiếm đóng. Ta không muốn gặp mặt y. Mong sư muội xếp đặt trước cho ta. Dù thế nào chăng nữa, ta là Tả tướng quốc, tước phong Lĩnh-nam vương, cầm quân Thiên-hạ đánh Thục. Ta đang thắng, vì sự vụng về, Quang-Vũ giam ta, làm anh em Lĩnh Nam phản Hán. Ta mất Kinh-châu, Hán-trung, Trường-an. Trước mắt ta Thiệu vẫn là tên giặc.
Phương-Dung nói nhỏ:
– Tiểu muội hứa điều đó.
Nghe Khất đại phu, Trần Năng về Lĩnh Nam, trên từ Thái hậu, Tam-công, Thượng thư cho tới triều thần đều tiễn đưa. Vì trong những ngày ở Lạc-dương, hai thầy trò đã trị bệnh cho không biết bao nhiêu người trong bọn họ. Người nào cũng dâng lễ vật trân qúi.
Những người thân Lĩnh Nam nhất là Hoài-nam vương, Tần-vương, Mã Vũ. Ba người mặc quần áo đại triều, theo tiễn đưa. Tới cửa nam thành, Hàn thái-hậu nói:
– Ngày đêm tôi cầu liệt tổ Lĩnh Nam phù hộ cho tiên ông. Tiên ông cứu Hoàng-thượng thoát khỏi cái chết. Ơn này xin ghi lòng, tạc dạ. Khi nào gót hạc vân du qua Trung-nguyên, xin tiên ông ghé Lạc-dương để chúng tôi được đón tiếp.
Bà sai cung nữ dâng lên một hộp lớn. Khất đại phu mở ra, trong có hơn trăm cây Nhân-sâm với hai mươi cặp Lộc-nhung.
Trong khi mọi người bịn rịn, đâu đó tiếng tiêu trầm bổng vọng lại. Khi cao như gió rít ngoài song, khi thấp như tiếng nỉ non của cặp tình nhân không trọn vẹn. Tiên-yên nữ hiệp đưa mắt tìm xem ai thổi tiêu, thì ra Sa-Giang. Nàng đang ngồi trên mình ngựa cạnh Sún Rỗ.
Đến trưa, tới Nghi-Dương. Phương-Dung hỏi Chu Bá:
– Sư bá. Sao bá mẫu không đi cùng chúng ta ?
Chu Bá nắm tay Phương-Dung thở dài:
– Như cháu biết, Tường-Qui với cháu đều là con giòng, cháu giống. Cháu sớm gặp Đào Kỳ, đi theo con đường chính nghĩa. Còn ta, được nhạc phụ ưu ái nhất trong các đệ tử, nhưng người đi ngược lại với dân tộc. Khi đấu võ với Kỳ, ta bại dưới tay y. Y khuyên ta trở về với Lĩnh Nam. Ta tỉnh ngộ, nhưng phải đợi đến khi sang Trung-nguyên ta mới thực hiện được.
Ông nhìn trời nắng vàng chiếu xuống êm dịu, giọng buồn buồn:
– Còn Tường-Qui thì duyên tình trắc trở. Hiện nó được Quang-Vũ sủng ái, mà trong lòng vẫn tủi hổ vì là một thứ Mỵ-Châu. Ta phải để phu nhân ở Lạc-dương giúp đỡ nó. Hy vọng cạnh nó còn Hoài-nam vương,Tần-vương, Mã Vũ, Đặng Vũ, có thể kiềm chế quần thần nhà Hán bỏ ý định đánh Lĩnh Nam. Chỉ cần năm năm, chúng ta có thời giờ kiến thiết đất nước, thì không sợ gì Trung-quốc nữa.
Thái thú Nghi-dương nghe Hán-trung vương và vương phi đến. Y vội đem rượu thịt ra dâng. Y là người của Bô-lỗ đại tướng quân, nên rất thân Lĩnh Nam.
Giữa lúc mọi người đang uống rượu vui vẻ, thì đội Thần-ưng đang tuần tiễu kêu ré lên. Lập tức cả đoàn cùng kêu theo, rồi cất cánh bay về khu rừng phía trước. Mọi người đưa mắt hỏi Sún Rỗ. Sún Rỗ ứng dậy nói:
– Chúng ré lên như vậy là có một chúa tướng Tây-vu lâm nạn, nên đi tiếp cứu.
Chàng cầm tú và thổi lên, ra lệnh thu quân, nhưng đoàn Thần-ưng như không nghe thấy, chúng vẫn bay về phía thung lũng.
Khất đại phu, Đào-Kỳ, Phương-Dung là những người có khinh công tuyệt đỉnh. Cả ba cùng chạy theo đoàn chim ưng.
Rừng Nghi-dương đầy cây rậm rạp, ba người phải truyền trên cành mà đi. Phút chốc đã thấy đoàn Thần-ưng đậu trên mấy cây cao trên bờ suối. Chúng cúi đầu xuống ủ rũ, kêu lên những tiếng khắc khoải.
Đào Kỳ để ý, thấy dưới thung lũng, bên bờ suối, có phiến đá lớn. Trên phiến đá, một người nằm dài, mắt nhắm, thân thể gầy gò xanh xao. Chàng định thần nhìn kỹ, thì ra Sún Cao. Cạnh Sún Cao có một người mặc áo mầu vàng, tay để lên ngực nó, như hành hạ.
Quá kinh hoảng, Đào-Kỳ phóng chưởng hướng lưng người kia tấn công bằng chiêu Ác ngưu nan độ. Vì là chưởng cứu sư đệ, nên chàng vận tất cả chân khí ra Thủ-tam-dương kinh. Chưởng phong như thác đổ ụp xuống. Đào Kỳ tưởng người kia sẽ tan xương nát thịt. Không ngờ chưởng chạm vào lưng người kia, bị mất tăm mất tích.
Đào Kỳ kinh hãi, vì với công lực hiện thới của chàng, e rằng chỉ có Khất đại phu đỡ được mà thôi. Thế mà người này không đỡ, cũng hoá giải được chiêu chưởng ác nhất của chàng.
Thông thường thì Đào Kỳ trầm tĩnh. Nhưng tước sự nguy nan trong chớp mắt của sư đệ, chàng không suy nghĩ, phát chiêu Loa thành nguyệt hạ đánh vào lưng người kia. Nhưng cũng như chiêu trước, chạm vào người kia lại mất tích.
Đào-Kỳ lui lại, vận khí ra kinh mạch, tay phải phát chiêu Hải triều lãng lãng, tay trái phát chiêu Ngưu hỗ tranh phong vận âm kình. Người kia không quay lại, vung tay về sau khoa mấy cái, người y rung động mạnh.
Tiên-yên nữ hiệp, Trần Năng đã tới. Hai người hô lớn:
– Cháu Kỳ ngừng tay!
– Sư thúc ngừng tay. Đánh lầm người rồi.