Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 59: Khúc hát cuối của bàl thơ tình


Chương trước Chương tiếp

Ngay hôm sau, nhà đám đã thấy ùa tới tất cả giới quý tộc vùng chung quanh trong tỉnh, ở mọi nơi kịp mang tin đến báo.

D Artagnan lánh mình không tiếp ai cả. Hai cái chết nặng nề trút xuống mình người chưởng quan sau cái chết của Porthos đã dồn dập xô đổ con người đến lúc này chưa hề biết mệt mỏi. Trừ Grimaud mỗi ngày vào phòng ông một lần, còn thì không có người hầu cận, không có thực khách nào hết. Nghe tiếng động bên ngoài, ông hình dung được cảnh ra vào tấp nập để tiễn đưa Bá tước.

Ông xin phép Nhà vua cho được gia hạn phép nghỉ.

Grimaud bước vào, ngồi trên chiếc ghế bành bên cửa, trầm tư xa vắng, rồi đứng lên ra dấu cho d Artagnan đi theo.

Hai người lẳng lặng đi đến phòng khách, nơi đặt áo quan cho mọi người đến viếng trước khi thân xác Bá tước bị vĩnh viễn chôn vùi, d Artagnan ngạc nhiên thấy có đến hai cái áo quan và bước tới theo hiệu ngầm của Grimaud. Ông thấy trong một quan tài Athos vẫn đẹp và oai hùng cho đến lúc chết, nơi quan tài kia, Raoul mắt nhắm, gò má trắng nhợt và vẫn còn nụ cười trên đôi môi tím.

Ông rùng mình khi thấy người con và người cha hai linh hồn đã bay bổng mà còn để lại ở trần thế này hai cái xác u buồn, thật gần nhau mà không thể tiến sát bên nhau. Ông lẩm bẩm: "Ô, Raoul ở đây, thế mà Grimaud không cho ta biết!

Grimaud lắc đầu, không đáp nhưng nắm tay d Artagnan dắt tới chỗ quan tài chỉ cho ông cái vết thương xạm đen chết người.

Người chưởng quan quay mặt không nhìn, không hỏi vì biết Grimaud sẽ không trả lời. Ông nhớ lại những gì người sĩ quan thư ký của ông De Beaufort viết ra mà ông không có can đảm hiểu thêm. Ông nhớ lại câu cuối cùng của bức thư nhắc lại cái chết của Raoul.

"Ngài Hầu tước ướp xác ngài Tử tước theo lối người A-rập thường làm khi họ muốn đem xác về quê hương và ngài Hầu tước cũng cho sắp trạm để một người hầu tin cẩn từng nuôi chàng thanh niên từ nhỏ có thể chuyển quan tài về cho ngài Bá tước De La Fère".

D Artagnan nghĩ thầm: "Như thế là ta một người già, không có nghĩa gì nữa trên cõi đời này, ta lại đi đưa đám con và ta phải phủ đất lên trên cái trán mà hai tháng trước đây ta còn hôn lên đấy. Chúa đã muốn như thế rồi. Con cũng đã muốn thế. Ta không còn quyền để khóc vì con đã chọn cái chết hơn là cuộc sống này rồi"

Rồi cũng đến lúc hai thân xác lạnh lẽo của hai nhà quý tộc phải trả về cho đất.

Athos, đã chọn nơi yên nghỉ cuối cùng là một góc của nhà nguyện này do ông xây cất nơi tận cùng lãnh địa của ông. Ông đã cho khuân đến đấy những tượng đá chạm năm 1550 lấy từ một nhà xưa kiểu gô-tic nơi ông sống qua thời thanh xuân.

Ngôi nhà nguyện xây lại như thế, chuyển đi như thế bây giờ rạng rỡ dưới đám bạch dương.

Phía sau nhà nguyện là một mảnh đất nhỏ, chung quanh có hàng rào cây phỉ, sơn trà, hương mộc và một vành hố sâu. Khoảng đất không trồng trọt gì, nhưng trong sự cằn cỗi ấy có một vẻ tươi vui vì lớp rong rêu mọc cao lên, vì các cây quỳ hoang, cây đinh hương vàng trộn lẫn mùi hương, vì dưới đám cây lật có một con suối rì rào chảy quanh trong bờ đá cẩm thạch và trên các cây bạch lý hương, đàn ong từ các vùng chung quanh đổ tới trong lúc bầy chim đỏ cổ đến hót líu lo, trên các rào cao đầy hoa, chính nơi này là chỗ hai chiếc quan tài được đưa đến, giữa một đám đông im lặng và trầm ngâm.

Lễ hạ huyệt cử hành xong, mọi người chào vĩnh biệt người chết lần cuối cùng rồi tản ra, vừa đi trên đường vừa bàn tán về những đức hạnh và cái chết êm đềm của người cha, về những triển vọng trong cuộc sống của người con và cái chết buồn thảm trên bờ biển Châu Phi.

Rồi dần dần, các tiếng động tắt đi như những cây đèn trong cánh nhà nguyện. Người hành lễ chào những người mới nằm xuống lần cuối cùng rồi dẫn người phụ tá tay rung chiếc chuông rè trở về tu viện.

D Artagnan còn lại một mình, nhận ra là đêm đã đến.

Ông nghĩ đến những người nằm kia mà quên cả thời gian.

Ông nhổm mình dậy khỏi chiếc ghế gỗ sồi và cũng muốn như người giáo sĩ đến nói lời vĩnh biệt cái hố đôi chứa hai người bạn thân đã ra đi.

Một phụ nữ đang quỳ trên đất ẩm, cầu nguyện.

D Artagnan dừng lại nơi bệ cửa nhà thờ để khỏi làm kinh động người đàn bà ấy và cũng muốn để xem mặt người bạn thành tín nào đã đến làm phận sự một cách tận tâm và kiên nhẫn đến thế.

Khách lạ úp mặt trong đôi bàn tay trắng như thạch cao.

Nhìn trang phục đơn giản một cách trang nhã như thế, người ta đoán rằng người đàn bà thuộc lớp thượng lưu. Phía bên ngoài, có nhiều người hầu cận ngồi trên ngựa và một chiếc xe đang đợi bà quý phái nọ.

D Artagnan nghĩ mãi không ra.

Nàng vẫn cầu nguyện, thường lấy chiếc khăn tay đưa lên mặt.

D Artagnan hiểu rằng nàng đang khóc. Ông thấy nàng đấm ngực thình thình theo kiểu người có đạo. Nhiều lần ông nghe thấy tiếng kêu phát ra từ trái tim rướm máu: "Xin tha thứ, xin tha thứ cho em!"

Và khi nàng buông thả hết mực mặc cho nỗi đau khổ lôi đi, khi người sắp ngã ra ngất xỉu trong lúc cầu nguyện, thì d Artagnan thấy cảm động vì tình nàng đối với những người bạn khuất bóng, liền đi tới vài bước để ngăn nàng thôi than khóc.

Tiếng chân giẫm lên trên cát khiến người ấy ngẩng đầu lên cho d Artagnan thấy một khuôn mặt đẫm nước mắt.

Đó là Tiểu thư De La Vallière. Nàng lẩm bẩm:

- Ông d Artagnan.

Người lính ngự lâm sa sầm nét mặt:

- Ô bà ở đây à? Tôi thà mong thấy bà được nằm khoác đầy hoa trong trang viên của Bá tước De La Fère còn hơn.

- Ôi, thưa ông! - Nàng thổn thức không nên lời.

Người bạn của những người mới chết nói bằng giọng tàn nhẫn:

- Bởi vì chính bà đã khiến cho hai người kia chết đi.

- Ôi xin ông tha cho, tránh cho tôi nỗi đau lòng.

- Thưa tiểu thư, Chúa cũng không bằng lòng tôi xúc phạm đến một phụ nữ hay làm cho người ấy phải khóc vô duyên cớ. Nhưng tôi cho rằng, kẻ giết người không nên đến ở trên nấm mồ của nạn nhân!

Nàng chắp hai tay lại nói:

- Tôi biết Tử tước De Bragelonne chết vì tôi.

- Bà biết điều đó sao?

- Tin về đến triều ngày hôm qua. Từ hai giờ đêm tôi đã vượt qua bốn mươi dặm đường để xin Bá tước tha lỗi cho tôi, để được đến bên nấm mồ của Raoul, xin Chúa giáng họa cho tôi những gì tôi xứng đáng nhận lãnh, trừ một điều. Nhưng bây giờ tôi biết rằng cái chết của người con đã lôi theo cái chết của người cha. Tôi mắc hai tội ác, tôi phải chịu hai hình phạt của Chúa.

D Artagnan nói:

- Thưa tiểu thư, tôi nhắc lại cho tiểu thư những điều ông De Bragelonne đã nói tới tôi ở Antibes, khi ông đã nghĩ đến cái chết: "Nếu do lòng kiêu ngạo và sự làm dáng lôi kéo nàng hành động như thế thì tôi tuy khinh miệt nhưng sẽ tha lỗi cho nàng. Nếu do tình yêu gây nên sự phản bội thì tôi cũng tha lỗi cho nàng và thề với nàng rằng trên đời này không ai yêu nàng bằng tôi"

- Đến hôm nay thì tôi không còn mong ước gì hơn nữa. Cái chết của chàng đã lôi tất cả mọi niềm vui sướng của tôi xuống dưới mộ chàng rồi. Bởi vì từ nay, tôi sẽ không bao giờ dám yêu nữa. Tôi cảm thấy hối hận, người tôi yêu, - ôi, đó là luật vay trả - sẽ bắt tôi chịu đựng những đau khổ mà tôi đã khiến người khác phải chịu lúc trước.

D Artagnan không đáp lại; ông cảm thấy là nàng nói đúng.

Nàng tiếp:

- Thế nên, thưa ông d Artagnan thân mến, ông chớ hành hạ tôi nữa. Tôi bây giờ như hoa đã lìa cành, tôi không còn bấu víu vào đâu nữa trên cõi đời này, vật vờ trôi giạt không biết ghé vào đâu. Tôi đang yêu điên cuồng, yêu đến mức biết mình là kể không xứng đáng mà cũng đến đây kẻ lể với người chết. Có điều, sau này ông sẽ thấy tôi đơn độc, bị quên lãng, bị khinh miệt, bị trừng phạt, nên lúc này đây xin ông cho tôi hưởng một phút hạnh phúc phù du. Để đấy cho tôi trong vài ngày, trong vài phút. Không biết chừng ngay lúc tôi đang nói với ông, niềm hạnh phúc ấy cũng không còn nữa rồi. Ôi có lẽ cái án giết hai người của tôi đã được Chúa tha xong!

Nàng còn muốn nói thêm thì có tiếng người và bước chân ngựa tiến đến gần. Một quan hầu, ông De St. Aignan theo lệnh Nhà vua đến tìm La Vallière nói rằng Nhà vua đang ghen tức và lo lắng.

De St. Aignan không thấy được d Artagnan lúc này đang nấp nửa mình sau một cây lật tỏa bóng xuống hai nấm mồ.

Louise cảm ơn ông kia và vẫy tay bảo ông đi. Người chưởng quan chua chát nói:

- Thưa bà, bà thấy rồi đó, hạnh phúc của bà vẫn còn đấy.

Người đàn bà trịnh trọng đứng thẳng người nói:

- Có một ngày nào đó ông sẽ hối hận là đã xét lầm tôi.

- Thưa ông, ngày hôm đó, chính tôi sẽ cầu xin Chúa quên lỗi ông đã bất công với tôi. Tôi sẽ còn đau khổ cho đến khi ông là người đầu tiên không chịu nổi sự đau khổ của tôi nữa. Thưa ông d Artagnan xin ông chớ trách, niềm hạnh phúc mà ông nói đó khiến tôi phải trả giá quá đắt, đến bây giờ vẫn chưa trả hết nợ.

Nói xong, nàng lại nhẹ nhàng kính cẩn quỳ xuống:

- Xin tha thứ cho em lần cuối, hỡi Raoul của em. Em đã làm đứt mối tình của chúng ta. Hai chúng ta đều bị định mệnh bắt phải chết đau khổ, anh đã là người ra đi đầu tiên, em sẽ theo anh xin anh đừng ngại. Anh phải thấy là em không hèn nhát, em đến đây để nói lời vĩnh biệt thiêng liêng này, Raoul ơi, xin đấng Tối cao chứng giám cho là nếu cần cuộc sống của em để tái sinh cho anh, em sẽ không ngần ngại gì để hy sinh cho anh. Một lần nữa, xin anh tha thứ cho em.

Nàng bẻ một cành cây, cắm chặt trên đất rồi gạt nước mắt chào d Artagnan, bước đi.

D Artagnan nhìn theo những người kỵ sĩ, xe cộ đi xa dần rồi khoanh tay ép trên lồng ngực chất chứa đầy thương đau:

- Bao giờ thì đến lượt ta đây? Có còn gì cho con người, sau tuổi thanh xuân, sau khi tình yêu đến sau vinh quang, tình bạn, sau lúc khỏe và giàu sang đạt được? Chỉ còn tảng đá kia làm nơi yên nghỉ cho Porthos sau khi đã có những thứ ta vừa nói! Chỉ có lớp rêu phong cho Athos và Raoul, những người còn giàu sang hơn thế nữa."

Ông lưỡng lự một lúc, đôi mắt không còn tinh anh nữa, rồi đứng dậy nói: "Thôi, cứ bước mãi trên đường đời. Đến lúc nào phải dừng thì có Thượng đế báo cho ta hay cũng như ngài đã từng bảo người khác"

Ông chạm đầu ngón tay trên nền đất đẫm sương tối, làm dấu thánh giá rồi lên đường về Paris, một mình, vĩnh viễn còn lại một mình.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...