Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 54: Giáo trường Kinh Bắc


Chương trước Chương tiếp

Đại Việt quốc từ khi thành lập đến nay cũng đã trải qua mấy nghìn năm, hệ thống hành chính, quân sự, giáo dục cũng theo thời gian mà được hoàn thiện. Hành chính Đại Việt quốc phân làm hai cấp chính là cấp Trung ương và cấp địa phương. Cấp Trung ương chủ yếu gồm các cơ quan đầu não của đất nước, có thể phân làm ba bộ phận chính, lần lượt là cơ quan trực tiếp giúp hoàng đế xử lý các công việc, cơ quan đầu não của triều đình và cơ quan trực thuộc triều đình. Mặc dù quyền lợi của mỗi cơ quan đều rất to lớn, nhưng chính vì hệ thống phân cấp chi tiết phức tạp, mặc dù vừa qua lại hỗ trợ lẫn nhau nhưng cũng đồng thời kiềm chế lẫn nhau, cho nên quyền hạn của hoàng đế không bao giờ bị lấn át, các quan lại cũng khó có cơ hội chiếm quyền đoạt lợi soán ngai vàng. Đây cũng là lí do tại sao trải qua hàng nghìn năm nhưng hệ thống quyền lực của Đại Việt vẫn nằm trong tay một dòng họ duy nhất.

Dưới cấp trung ương là cấp địa phương, được phân chia theo quy mô hành chính từ lớn đến nhỏ, lần lượt là: phủ, lộ, châu, trại, huyện, hương, giáp, phường, sách, động. Mặc dù phân chia ra nhiều cấp hành chính, nhưng trên thực tế thì những tên gọi hành chính này cũng chỉ sử dụng trên sách vở công văn là chính, còn nhân dân thường vẫn gọi theo cách quen thuộc từ xa xưa như làng, xã, thôn, ấp hoặc thành, trấn, tỉnh……. Cách gọi tuy khác nhau nhưng chỉ cần quy đổi một chút là có thể hiểu được, về cơ bản thì một trấn tương đương với một châu, ví dụ như trấn Kinh Bắc còn có tên gọi khác là Kinh Châu. Mà thành Kinh Bắc lại chính là tòa thành trung tâm của cả trấn Kinh Bắc này, chính vì vậy ở đây tập trung rất nhiều cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa đại biểu cho cả một vùng rộng lớn, bao gồm cả trường học lớn nhất trong toàn trấn Kinh Bắc.

Đám sĩ tử làng Vĩnh Thái dưới sự dẫn đường của Vũ Ngôn, sau hơn hai tiếng đồng hồ đi lòng vòng qua các con phố, đoạn đường giao nhau rối rắm, rút cục cũng đến được mục đích của họ. Giáo trường Kinh Bắc, không hổ danh là trường học lớn nhất trong toàn trấn Kinh Bắc này, từ xa nhìn lại cũng có thể thấy được quy mô vô cùng rộng lớn của cả trường học. Nếu chỉ xét riêng về diện tích, giáo trường Kinh Bắc đã chiếm diện tích tương đương với ba con phố lớn trong thành. Từ xa nhìn lại, có thể thấy được từng dãy nhà san sát nhau được dựng lên bên trong giáo trường, mái ngói đỏ tươi, tường trát vôi trắng bạch, tất cả đều cùng một kiểu dáng, hình thức, màu sắc tạo nên cho người nhìn một cảm giác nhất quán, đồng bộ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Có lẽ đây cũng là cái ý tưởng chung của tất cả những người trong hệ thống giáo dục ở nơi này, muốn tạo lên một môi trường bình đẳng cho tất cả học sinh học tập trong trường.

Nguyễn Phong ngắm nhìn cả tòa giáo trường, không hiểu tại sao lại có chút cảm giác thân quen, dường như đã nhìn thấy ở đâu đó. Suy ngẫm một hồi, Nguyễn Phong mới nhận ra thì ra là giáo trường này xây dựng theo cùng một phong cách với Văn Miếu Quốc Tử Giám. Một suy nghĩ kỳ quái chợt nảy ra trong đầu Nguyễn Phong: lẽ nào hắn không phải người duy nhất xuyên việt đến nơi này. Từ khi bắt đầu tiếp xúc với nền văn hóa ở thế giới này, Nguyễn Phong đã tìm thấy rất nhiều điểm chung trong các điển tích, cổ văn. Những truyền thuyết về Lạc Long Quân, Âu Cơ, về bọc trăm trứng, về Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh…… Tất cả đều tạo nên một cảm giác quen thuộc, giống hệt như những gì hắn đã từng tiếp thu tại kiếp trước. Chính vì những điểm chung này mới tạo thành suy nghĩ lầm tưởng của Nguyễn Phong lúc đầu là hắn đã xuyên qua thời gian về thời phong kiến.

Chỉ là càng tiếp xúc nhiều với thế giới này, Nguyễn Phong càng cảm thấy nơi đây không giống với những gì lịch sử trên Trái Đất ghi chép. Chỉ đơn giản như cái tên Đại Việt vương triều, mặc dù nó đã từng xuất hiện rất nhiều trong sử sách Việt Nam, nhưng lại không có một triều đại nào trong lịch sử Việt tồn tại được hơn một nghìn năm chứ đừng nói là mấy nghìn năm như vương triều Đại Việt này. Hay như Phong Thiên, một con Phong sí hổ bằng xương bằng thịt được Nguyễn Phong thuần hóa, thế nhưng nếu tra xét trong toàn bộ tư liệu về động vật học ở Trái Đất, chắc chắn sẽ chẳng thể tìm được một manh mối nào về loài hổ có cánh này cả. Toàn bộ kiến thức tiếp thu được từ Trái Đất dường như đều sai lệch so với thế giới này, chính vì vậy mà nhận thức của Nguyễn Phong đối với thế giới này càng thêm có phần mù mờ khó hiểu. Chỉ là Nguyễn Phong biết rõ một điều: nếu hắn có thể đạt đến đẳng cấp cao trong việc tu luyện, hắn sẽ có thể xé rách không gian, đi tìm câu trả lời cho bản thân mình, chính vì vậy nên những điều khó hiểu kia đều đã được Nguyễn Phong tạm gác sang một bên.

Quay lại với kiến trúc của tòa Giáo trường này, ngay từ ngoài nhìn vào đã thấy trước Giáo trường có một hồ nước nhân tạo được xây dựng kì công, hình dạng tròn trịa viên mãn giống như mặt trăng đêm rằm. Giữa hồ được đắp nổi một gò đất rộng rãi vô cùng, bên trên có xây dựng một toà văn đường thoáng mát, ngoài cửa có trên biển đề ba chữ Phán Nguyệt Đường. Từ bên bờ đi ra gò đất có bốn cây cầu, được xây dựng ở bốn phía đông tây nam bắc, chiều rộng đủ cho ba người sóng vai cùng đi, thành cầu đều sơn một màu đỏ, bên trên còn phân ra từng ô đề chữ, tạo thành đôi câu đối hai bên thành cầu.

Theo giải thích của Vũ Ngôn, tòa thủy đường này được xây dựng, mục đích là để cho học sinh mỗi đêm trăng thanh đều đến đây bình luận văn thơ, trao đổi thi từ, trau dồi kiến thức. Đi qua hồ nước sẽ đến trước cổng chính của Giáo trường. Trước cổng có tứ trụ nghi môn, cùng hai tấm bia “Hạ mã” phân định ranh giới chiều ngang của cổng. Theo truyền thống tôn trọng giáo dục của Đại Việt, bất cứ ai khi đi qua trước cửa giáo trường đều phải xuống ngựa đi bộ, ít nhất là cho đến hết khoảng cách ranh giới của hai tấm bia thì mới có thể lên ngựa đi tiếp. Điều này phần nào cho thấy tư tưởng trọng đạo của người dân Đại Việt. Tứ trụ được gọt đẽo trực tiếp từ những tảng đá nguyên khối mà tạo thành, trên hai trụ giữa có dựng tượng hai con nghê đá chầu phục, hai trụ bên ngoài có đắp nổi hình bốn con khổng tước xòe cánh chắp đuôi vào nhau. Cổng Giáo trường bao gồm ba kiến trúc xây thành một hàng tạo thành, kiến trúc hai bên là hai cánh cửa nhỏ hơn, chính giữa là một cánh cửa gỗ đỏ to, được xây hai tầng, bên trên còn đề ba chữ thật to “Giáo trường môn”.

Bước qua cổng chính của Giáo trường sẽ tiến vào khu “Nhập đạo”, kỳ thực chính là một con đường trải dài, hai bên có trồng các loại cây xanh mát, tạo nên khung cảnh tĩnh lặng, thanh bình, khiến cho người ta khi bước qua tâm tình cũng từ từ mà bình lặng lại. Nhập đạo kéo dài, nối thẳng đến Đại Trung môn, hai bên còn có Thánh Đức môn và Đạt Tài môn, tiếp theo kéo dài nối thẳng đến Khuê Văn Các, chính là nơi bình phẩm những bài văn hay của sĩ tử trong trường.

Kiến trúc của Khuê Văn Các cũng vô cùng độc đáo, bên dưới bao gồm bốn trụ đá cao chừng một mét, được trạm trổ điêu khắc vô cùng tinh xảo nâng đỡ cả tầng lầu bên trên, cũng chính là nơi mà thầy giáo trong trường ngồi để bình phẩm văn thơ của sĩ tử. Lầu bên trên được dững từ gỗ quý, sơn son thếp vàng, mái lầu được lợp ngói đỏ tươi, bốn góc được điêu khắc tạo hình như đuôi rồng uốn lượn, vô cùng kì công. Bốn phía tường lầu có bốn cửa sổ hình tròn, khung viền cũng một màu đỏ tươi, sát cạnh lầu lại có giếng Thiên Quang vuông vức, nước giếng trong xanh tươi mát, trong giếng lại trồng hoa sen gần gũi mà thanh nhã. Tất cả những chi tiết kiến trúc này đều ẩn chứa dụng tâm của người xây dựng, cửa sổ tròn đỏ đại biểu cho mặt trời, giếng Thiên Quang vuông đại biểu cho mặt đất, tất cả tổng hợp lại tạo thành khung cảnh trời cao đất rộng, linh khí tụ tập, càng thêm đề cao ý nghĩa của văn chương thư pháp.

Đoàn sĩ tử theo sự dẫn dắt của Vũ Ngôn, cảm xúc cũng thay đổi vô cùng, càng ngày càng hòa nhập vào khung cảnh mang đậm tính sư phạm của giáo trường. Đi qua Khuê Văn Các, đoàn người tiến vào một khoảng sân rộng, bốn phía được xây dựng những tòa sảnh đường thật to, bên trong có bày các tấm bia đề tên những người đỗ công danh khoa cử từ khi triều đình bắt đầu chiêu mộ hiền tài, bên phải là khoa văn, bên trái là khoa võ, mục đích chính là để vinh danh những người đỗ đạt, đồng thời cũng khơi dậy ý chí phấn đấu của những sĩ tử khác. Hơn bốn mươi sĩ tử của làng Vĩnh Thái, ai cũng chăm chú đọc một lượt những cái tên được lưu trên bảng kia, trong lòng vừa ngưỡng mộ các bậc hiền tài này, lại có một ham muốn gắng sức rèn luyện, hy vọng một ngày được lưu tên trên bia đá kia, làm rạng danh dòng họ.

Sau khu vực giếng Thiên Quang, kiến trúc trong Giáo trường đã bắt đầu có sự đổi khác so với Văn Miếu, nối tiếp không phải là khu vực thờ phụng những vị thánh hiền, mà lại là một quảng trường dạy học rất rộng lớn, bên cạnh là một sân luyện võ cũng rộng không kém. Đây chính là nơi mà sĩ tử thường đến để nghe giảng bài, cũng để rèn luyện bản thân, trao đổi với đồng bạn. Sau khu vực học tập này là một dãy kiến trúc phòng ốc xây dựng đồng đều, chính là nơi ở của sĩ tử khi nhập học trong trường. Ở cuối cùng trong khuông viên của Giáo trường chính là nơi ở của các vị giáo viên, đồng thời cũng là nơi làm thủ tục nhập học. Vũ Ngôn sau khi dẫn các học trò đi đến khu vực cuối cùng này, thì liền ra hiệu cho bọn họ chờ đợi, còn bản thân thì trực tiếp đi vào căn phòng lớn nhất, chuẩn bị làm thủ tục đăng kí cho các sĩ tử.
...



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...