Bước Một Chân Vào Trái Tim Anh, Thế Có Được Không

Chương 6


Chương trước Chương tiếp

Bà ngoại Thái Vy là con của một nghệ nhân ca trù, thế nên từ nhỏ cô đã sớm quen với làn điệu của nó. Âm luật đều rành, nhưng do không thường xuyên luyện tập, nên bây giờ hát không được mượt mà cho lắm. Thái Vy cúi xuống ngắm ngía những bông hoa trắng ngần đang rung rinh trong gió, từ ngày đặt chậu cây này ở đây, trong phòng Thái Vy lúc nào cũng có một mùi hương thơm rất nhẹ, chỉ đủ kích thích khứu giác. Cái Tí cũng thích, nên hay ngắt vài bông về để dưới gối ngủ.

Hôm nay thầy kép không lại, Thái Vy mon men đến gần gian lầu chính, bọn hầu cũng đã quen mặt cô nên không cản. Cô đứng nép bên một gian ngó vào trong, có đào Hà đang biểu diễn, giọng ca, nhịp phách, tiếng đàn đệm, cả đôi mắt lúng liếng đưa tình, bộ dạng say như điếu đổ của đám đàn ông, không rõ say rượu, say giọng hát, hay say người…

“Non xanh xanh, nước xanh xanh

Sớm tình, sớm tình, tình sớm, trưa tình, tình trưa

Ấy ai tháng đợi năm chờ

Mà người ngày ấy bây giờ là đây

Hồng Hồng Tuyết Tuyết

Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì

Nghoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”

Đứng lâu cũng không hay, cô xoay người rời chỗ nép, đi loanh quanh xem xét rồi mới trở về. Sáu dãy nhà nhưng chỉ có hai cửa chính. Cửa lớn ban ngày thường đóng, đến đêm mới mở. Cửa phụ nhỏ, chỉ đủ hai người cùng đi, là nơi ra ra vào vào của đám tôi tớ lo việc bếp núc, đồng ruộng. Vào trong phòng, cô cài then lại, lôi bộ phách ra, bắt đầu nhẩm hát:

“Ngã lãng du thời khanh thượng thiếu

Khanh kim hứa giá, ngã thành ông

Cười cười nói nói sượng sùng,

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Riêng một thú Thanh Sơn đi lại

Khéo ngây ngây

Khéo ngây ngây dại dại với tình

Đàn ai một tiếng dương tranh?”

Hát một bài ca trù, cũng như trút hết tâm huyết vào một việc gì đó vậy, cảm thấy sau mỗi câu chữ đều nặng trĩu tâm tình, người hát như rơi vào không gian do chính mình tạo ra, rồi dẫn người nghe cùng đắm chìm trong đấy. Đến khi cảnh tan, lòng người luyến tuyến không nguôi. Cũng như trong một giấc mộng đẹp, có mấy ai muốn tỉnh dậy?

Thái Vy đưa tay ra nghịch những giọt mưa khuya rơi xuống từ mái gianh, hơi lạnh khiến cô nhảy mũi vài cái. Lại nhớ đến hình ảnh xiêu vẹo của mình trên sân thượng, mới đó mà tưởng như xa lắm rồi. Lúc xưa cô cũng rất thích ngắm mưa, thật ra mưa thì có gì đẹp đâu, nhưng nó lại giúp cho người ta có cái cớ để mà trầm ngâm, để mà buồn vu vơ. Với Thái Vy, mưa còn gắn liền với ký ức không vui thuở nhỏ, cha và mẹ cãi nhau, luôn luôn như thế, họ hễ đụng mặt là cãi nhau, Thái Vy cực ghét những âm thanh chát chúa làm tổn thương nhau ấy, nên cô thường bỏ ra khỏi nhà, đi lang thang, cho đến khi mỏi chân cô mới dừng lại và khóc, khi ấy trời cũng bắt đầu mưa, những giọt nước mưa lạnh ngắt hòa cùng nước mắt nóng hổi trên mặt cô, quyện lại và cuốn trôi đi. Lúc ấy, Thái Vy thấy tâm trạng thoải mái hẳn. Từ đó, nếu trời không mưa, mỗi khi có chuyện đau đầu, cô lại đứng dưới vòi hoa sen, cho đến khi cảm thấy ổn.

( Lời tác giả: Ta có một số vắn tắt cho những bạn nào thắc mắc

1. Ca trù là gì? Ca trù là một môn nghệ thuật rất kén người nghe, được xem là thú vui tao nhã, có phần thời thượng của người xưa.

2. Hát ca trù thực chất là hát ả đào . Trù là tên một thẻ làm bằng tre, dùng để thưởng cho các đào nương thay tiền mặt, sau đó các đào nương dùng thẻ này đổi ra tiền. Người ta gọi là hát thẻ ( ca trù )

3. Khi đào nương biểu diễn, sẽ vừa hát vừa gõ phách, được thầy kép đệm đàn và được cầm chầu gõ trống.

4. Thầy kép: là người gảy đàn giỏi, có uy tín, loại đàn sử dụng là đàn Đáy. Nếu người đánh đàn là con gái thì được gọi là Đào đàn

5. Cầm chầu: là người gõ trống

6. Khách nghe thường được gọi là quan viên. Con các quan Phủ, Huyện gọi là quan viên tử, được miễn tạp dịch trong làng. Xưa, người có thể trả tiền cho canh hát thường phải giàu có hoặc con nhà quan lại, gia thế.), sau đó người ta dùng chung để chỉ khách phong lưu.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...