Bóng Hình Của Gió

Chương 15


Chương trước Chương tiếp

TIỆM MŨ FORTUNY, HAY NHỮNG GÌ CÒN LẠI CỦA NÓ, suy tàn dưới chân một tòa nhà rệu rã, chật hẹp, đen kịt bồ hóng trên Đại lộ San Antonio ngay gần khách sạn Plaza de Goya. Ta vẫn những dòng chữ khắc in trên tấm cửa kính bẩn thỉu, một tấm biển hình chiếc mũ quả dưa vẫn đang treo lơ lửng phía trước tiệm, hứa hẹn những kiểu mũ làm theo số đo riêng và các mẫu thời trang nhất đến từ Paris. Cánh cửa được chốt kín bởi một bộ khóa ắt hẳn đã chiêm ngưỡng cả thập kỷ phục vụ an nhàn không bị quấy nhiễu. Tôi áp trán vào tấm kính trên cửa, cố nhướng mày nhòm vào khoảng tăm tối bên trong.

“Nếu cậu đến vì muốn thuê tiệm thì người quản lý mới đi rồi,” một giọng nói làu bàu phía sau lưng tôi.

Người phụ nữ vừa bắt chuyện với tôi trông phải tầm sáu chục tuổi, bà vận trên người bộ quốc phục của tất cả các bà góa sùng đạo. Đôi ba cái lô quấn tóc thò ra khỏi chiếc khăn trùm màu hồng bà dùng để phủ trên tóc, còn đôi dép lê lót thêm miếng đệm thì hợp tông với đôi vớ hồng hồng màu da người cao tới đầu gối. Tôi đoán chừng bà ta là người coi giữ trông nom tòa nhà.

“Vậy cửa tiệm này cho thuê ạ?”

“Cậu không đến vì muốn thuê à?”

“Không hẳn, ai mà biết được, không chừng cháu lại có hứng thú.”

Bà trông coi khu căn hộ nhíu mày, thầm cân nhắc liệu có nên cho tôi được phép ngờ vực hay không. Tôi chuyển sang nụ cười thánh thiện “độc chiêu” của mình.

“Tiệm này đóng cửa bao lâu rồi ạ?”

“Liên tục suốt mười hai năm nay rồi, kể từ khi ông chủ tiệm qua đời.”

“Señor Fortuny ạ? Bà có biết ông ấy không?”

“Ta sống ở nơi này đã bốn mươi tám năm rồi, chàng thanh niên ạ.”

“Vậy chắc bà cũng biết con trai của Señor Fortuny.”

“Julián? À, đương nhiên là biết chứ.”

Tôi lấy tấm cháy cạnh từ trong túi áo ra chìa cho bà xem. “Bà có thể cho cháu biết người con trai trong ảnh liệu có phải là Julián Carax không?”

Người phụ nữ nhìn tôi ra vẻ hơi ngờ hoặc. Bà cầm lấy tấm ảnh nhìn một hồi.

“Bà có nhận ra chú ấy không?”

“Carax là họ thời con gái của mẹ nó,” bà giải thích bằng cái giọng không có chút gì là khích lệ. “Đây là Julián, chắc rồi. Ta nhớ là tóc nó rất sáng màu, nhưng đây, trong tấm ảnh này, trông tóc nó thẫm hơn.”

“Vậy bà kể cho cháu về cô gái được không?”

“Mà cậu là ai mà hỏi thế?”

“Cháu xin lỗi, tên cháu là Daniel Sempere. Cháu đang cố tìm hiểu về Señor Carax, à, là về chú Julián.”

“Julián chuyển đến Paris, khoảng năm 1918 hay 1919 gì đó. Cha thằng bé muốn tống nó vào quân đội, cậu hiểu đấy. Ta nghĩ mẹ của Julián đem nó theo để nó được thoát khỏi cái vụ đó, tội nghiệp thằng bé. Señor Fortuny bị bỏ lại một mình, trong căn hộ áp mái.”

“Bà có biết chú Julián đã quay về Barcelona lúc nào không?”

Người trông coi khu nhà lẳng lặng nhìn tôi một hồi, chẳng nói gì.

“Cậu không biết sao? Cùng năm đó Julián chết tại Paris rồi mà.”

“Xin lỗi ạ?”

“Ta bảo Julián đã chết rồi. Tại Paris. Ngay sau khi nó chuyển đến đó. Đáng lẽ nó nên gia nhập quân đội thì hơn.”

“Liệu cháu có thể hỏi sao bà biết chuyện đó không?”

“Thế cậu nghĩ sao? của nó cho ta biết thôi.”

Tôi chầm chậm gật đầu. “Cháu hiểu rồi, ông ấy nói là chú Julián đã qua đời?”

“Thực ra thì ông già ấy chả bao giờ nói cho ta cụ thể điều gì. Một lần nọ, không lâu sau khi Julián đi, có một bức thư chuyển đến cho thằng bé, và khi ta nhắc đến chuyện đó với cha nó thì ông già bảo ta là thằng bé chết rồi, nếu có gì đi nữa gửi đến cho nó thì ta cứ việc vứt đi. Sao cậu lại nhìn ta như thế?’

“Señor Fortuny nói dối bà đấy. Chú Julián không hề chết vào năm 1919.”

“Cậu nhắc lại lần nữa?”

“Chú Julián sống ở Paris ít nhất cho đến năm 1935, rồi sau đó chú ấy chuyển về Barcelona.”

Khuông mặt bà trông coi khu nhà chợt bừng sáng. “Vậy Julián đang ở đây, tại Barcelona này? Thế là ở đâu?”

Tôi gật đầu lần nữa, hy vọng bà khuyến khích tôi kể thêm.

“Ôi đức Mẹ Mary... thật là một tin tuyệt vời. Hừm, đấy là nếu như nó còn sống. Nó là một thằng bé đáng yêu làm sao, hơi kỳ cục và hay mơ màng, quả là có vậy, nhưng có gì đó ở nó có thể chinh phục người ta. Nó sẽ chẳng ra cơm cháo gì nếu đi lính, cái đó thì quá rõ ràng. Con Isebelita của ta thật sự thích nó. Thử hình dung xem, đã có lúc ta nghĩ hai đứa nó sẽ cưới nhau. Ôi chuyện trẻ con.. Ta coi lại tấm hình đó được không?”

Tôi đưa lại bà tấm ảnh. Người phụ nữ ngắm nghía nó như thể ngắm bùa may mắn, chiếc vé giúp bà quay trờ về thuở thanh xuân. “Kỳ thật, cậu biết đấy, cứ như thể nó vừa ở đây ngay lúc này... vậy có nghĩa cái lão khốn đó đã nói dối là nó chết rồi. Ta phải thú thực, ta chẳng hiểu sao Chúa lại gửi những kẻ như vậy xuống trần thế này. Mà điều gì đã xảy ra cho Julián khi ở Paris? Ta dám cá nó đã kiếm được một khoản kếch xù. Ta luôn nghĩ rồi một ngày kia Julián sẽ trở nên giàu có.”

“Không hẳn, chú ấy trở thành nhà văn.

“Nó viết truyện ư?”

“Đại loại như thế ạ.”

“Có phải viết truyện cho đài truyền thanh không? Ôi đáng yêu làm sao. Hừm, ta chẳng ngạc nhiên đâu, cậu biết không. Hồi bé tí nó vẫn thường kể đủ các truyện cho đám trẻ con trong khu. Vào mùa hè, đôi khi tối tối con Isabelita của ta và anh chị em họ nó kéo cả hội trèo lên sân thượng nghe thằng bé kể chuyện. Mấy đứa bảo rằng Julián chẳng bao giờ lặp lại một câu chuyện tới lần thứ hai. Nhưng quả là mấy chuyện đó toàn về người chết và các linh hồn. Ta phải nói, nó là một thằng bé hơi kỳ quặc. Mặc dù, với một người cha như thế, thật lạ kỳ là nó chưa hoàn toàn bị điên. Ta chẳng ngỡ ngàng gì khi rốt cuộc vợ ông ta cũng bỏ đi, bởi ông ta đúng là một sản phẩm khủng khiếp. Nghe này: ta chưa từng xen vào chuyện riêng của người khác, ta thì sao cũng được, nhưng cái ông già đó không phải là người tốt.Trong một khu căn hộ chung cư chẳng gì giữ bí mật mãi được đâu. Ông ta đánh đập vợ, cậu biết không? Lúc nào ta cũng nghe được tiếng kêu thét từ căn hộ gia đình nhà họ, và cảnh sát đã phải đến nhiều lần. Ta có thể hiểu chuyện đôi khi một ông chồng phải đánh vợ hòng khiến cô ta tôn trọng mình, ta không có ý rằng họ không nên thế; đời đầy những ả lẳng lơ, và những cô gái trẻ chẳng còn được nuôi dạy cẩn thận như ngày xưa. Nhưng trường hợp này khác, hừm, ông ta chỉ đơn thuần muốn đánh vợ mà thôi, đấy là nếu cậu hiểu ý ta. Người bạn duy nhất mà người phụ nữ khốn khổ ấy từng có là một cô gái trẻ, tên Viçenteta, sống ở phòng 4-2. Thi thoảng bà ấy trốn nhờ trong căn hộ nhà Viçenteta, để tránh bị ông chồng đánh đập. Và bà ấy kể những chuyện...”

“Những chuyện như thế nào ạ?”

Người trông coi khu nhà bỗng ra vẻ rất bí mật, bà nhướng mày nhìn quẩn quanh hết trái phải rồi nói. “Kiểu như thằng bé chẳng phải con lão bán mũ đâu.”

“Chú Julián ấy ạ? Ý bà là chú Julián không phải con của ông Fortuny?”

“Đó là những gì bà người Pháp đó kể cho Viçenteta, ta chẳng rõ đó là do quá đau đớn mà thành căm hận hay là có trời mới biết được. hiều năm sau Viçenteta mới kể lại cho ta chuyện đó, khi mà gia đình nhà làm mũ chẳng còn sống ở đây nữa.”

“Vậy ai là cha đẻ của chú Julián?”

“Cái bà người Pháp ấy chẳng bao giờ hé răng về chuyện đó. Có thể bà ấy cũng chả biết. Cậu biết người nước ngoài họ thế nào rồi đấy.”

“Vậy bà có cho rằng đó là lý do mà ông Fortuny đánh vợ không?”

“Chúa may ra mới biết. Đã ba lần người ta phải đưa bà ấy vào bệnh viện đấy cậu biết không? Những ba lần. Đã thế kẻ bạo hành kia còn dày mặt nói với mọi người rằng vợ mình mới là kẻ có lỗi, rằng bà ấy là đồ nghiện rượu, lúc nào cũng dật dờ quanh nhà vì uống quá nhiều. Nhưng ta chẳng tin. Lão còn gây gổ với khắp làng xóm láng giềng. Lần nọ lão còn tới cảnh sát tố cáo ông chồng quá cố của ta, Chúa phù hộ linh hồn ông ấy, là ăn trộm ở tiệm của lão. Lão quan niệm rằng bất cứ ai dân miền Nam đều là đồ ăn không ngồi rồi và trộm cướp, cái đồ lợn đó...”

“Bà có nhận ra cô gái bên cạnh chú Julián trong tấm ảnh không?”

Người trông coi khu nhà chăm chú nhìn bức hình lần nữa. “Chưa thấy con bé bao giờ. Rất xinh đấy.”

“Nhìn trong bức hình, trông có vẻ như họ là một đôi,” tôi gợi ý, cố gắng lay động ký ức của bà.

Bà đưa tôi lại tấm hình, lắc đầu. “Ta chẳng biết gì về ảnh ót cả. Theo như ta được biết thì Julián chưa từng có bạn gái, nhưng ta cũng hiểu là nếu có, nó cũng chẳng nói cho ta đâu. Biết được con bé Isabelita nhà ta từng dính líu với thằng nhóc ấy cũng đã khó khăn lắm rồi... Ta biết tụi trẻ chẳng bao giờ chịu nói điều gì. Còn cánh già nua bọn ta thì không biết làm sao mà ngừng kể lể.”

“Bà có nhớ bạn bè của chú ấy, ai đó đặc biệt thường hay lui tới đây?”

Bà bác coi giữ khu nhà chỉ nhún vai. “Hừm, lâu quá rồi còn gì. Với cả, những năm cuối còn sống tại đây Julián chẳng mấy khi về nhà, cậu hiểu không. Nó đánh bạn ở trường, một cậu chàng có xuất thân từ gia đình rất khá, dòng họ nhà Aldaya - chà, nhà ấy thì oách đấy. Hiện nay chẳng ai về họ nữa, nhưng hồi đó thì nhắc đến họ chẳng khác gì nhắc về hoàng gia. Vô khối tiền. Ta biết là bởi thi thoảng họ lại cho xe đến đón Julián. Cậu mà thấy cái xe đó thì... Thậm chí Quốc trưởng Franco cũng chẳng có nổi một chiếc như thế. Có hẳn tài xế, và tất thảy đều sáng loáng. Thằng Paco nhà ta, vốn biết chút ít về xe cộ, bảo ta đó là một chiếc rollsroi hay cái gì đó từa tựa thế. Xe cho hoàng đế đấy.”

“Bà có biết danh xưng của người bạn đó không?”

“Nghe này, với một cái họ như Aldaya, cần quái gì tới tên gọi nữa. Ta cũng nhớ còn một cậu bạn khác, hơi bị loạn óc một chút, tên nó là Miquel. Ta nghĩ hẳn thằng bé đó là bạn cùng lớp với Julián. Nhưng đừng hỏi ta xem họ của nó là gì hay trông nó ra làm sao.”

Chúng tôi dường như đang tiến vào ngõ cụt, và tôi dần sợ rằng người phụ nữ già bắt đầu vơi dần hứng thú. Tôi quyết định hỏi theo cảm tính. “Vậy giờ còn ai sống trong căn hộ gia đình nhà Fortuny không ạ?”

“Không. Ông già kia chết mà chẳng để lại di chúc gì, còn bà vợ, theo như ta được biết, hiện giờ vẫn đang ở tận Buenos Aires, đám tang chồng cũng không thèm về. Cũng chẳng trách.”

“Sao lại là Buenos Aires?”

“Vì bà ấy chẳng tìm được nơi nào xa hơn nữa, ta đoán chừng vậy. Bà ấy phó thác tất cả vào tay một gã luật sư, một kẻ rất quái đản. Ta chưa từng gặp hắn, nhưng con gái ta Isabelita, nó sống trên tầng năm, ngay dưới căn hộ nhà họ, kể rằng thi thoảng, do có trong tay chìa khóa, hắn thường đến lúc về đêm và dành hàng giờ đi đi lại lại trong căn hộ rồi mới bỏ đi. Một lần nọ con bé còn kể nó thậm chí nghe được cả tiếng giày cao gót của phụ nữ. Ta phải nói gì đây...?”

“Cũng có thể là tiếng do cà kheo gậy chống gì đó.”

Bà ngây ra nhìn tôi. Hiển nhiên đó là chủ đề nghiêm trọng với người coi sóc khu nhà.

“Vậy ngoài ra không có ai khác từng thăm viếng căn hộ đó trong suốt bao năm nay?”

“Lần nọ có một cá nhân dơm nào đó đến đây, một trong số những kẻ chẳng bao giờ ngưng cười, một kẻ hay cợt nhả, nhưng y thì dễ nhận ra lắm. Y bảo mình đến từ đội Điều tra Tội phạm. Y muốn xem bên trong căn hộ.”

“Ông ta có nói lý do không?”

Bà trông coi khu nhà lắc đầu.

“Vậy bà có nhớ tên ông ta không.”

“Thanh tra viên hay gì đó. Ta chẳng tin y là cảnh sát đâu. Y bốc mùi giả tạo lắm, hiểu ý ta không? Sặc mùi gì đó rất cá nhân. Ta đuổi y đi và bảo là chẳng có chìa khóa căn hộ đâu, nếu y muốn làm gì thì hãy đi mà gọi cho tay luật sư. Y bảo sẽ còn quay lại, nhưng đến giờ cũng chẳng thấy tăm hơi. Nhẹ nợ.”

“Liệu bà có tình cờ biết được tên và địa chỉ của vị luật sư kia không?”

“Cậu nên hỏi ông quản lý tòa nhà này, Señor Molins. Văn phòng của ông ấy ở khá gần đây, số nhà hai mươi tám, Floridablanca, tầng trệt. Bảo ông ấy là ta giới thiệu cậu đến - ta là Aurora, cần gì cứ gọi.”

“Cháu rất cảm tạ. Vậy, xin cho cháu biết, thưa Doña Aurora, hiện giờ có phải là căn hộ nhà Fortuny hoàn toàn trống không?”

“Không, chẳng trống không đâu, vì trước giờ chẳng ai đến đó lấy bất cứ thứ gì đi từ khi ông già kia lìa đời. Thi thoảng nó còn bốc mùi nữa. Ta dám chừng trong căn hộ đấy đầy chuột, tin ta đi.”

“Bà có nghĩ ta nên vào đó ngó qua không? Không chừng lại tìm được thông tin gì đó gợi mở về tình trạng hiện tại của chú Julián.”

“Ôi không, ta không thể làm thế. Cậu phải xin phép Señor Molins, ông ấy mới là người phụ trách.”

Tôi láu lỉnh cười với bà. “Nhưng hẳn là bà vẫn giữ chìa khóa chính, cháu đoán chừng. Tuy bà bảo người kia là bà không muốn vào đó... nhưng đừng nói với cháu là bà không tò mò muồn biết trong đó có gì.”

Doña Aurora liếc mắt nhìn tôi.

“Cậu đúng là đồ quỷ sứ.”

***

CỬA CĂN HỘ CỌT KẸT MỞ RA NHƯ TẢNG ĐÁ BỊT HẦM MỘ với một tiếng rên rỉ bất chợt, phì ra một luồng khí hôi hám tối đen. Tôi đẩy cánh cửa trước vào trong phòng, phát hiện ra ở đó một hành lang ngập trong bóng tối. Nơi này thật ngột ngạt và nồng vị ẩm ướt. Những sợi tơ nhện nặng trĩu cáu bụi bẩn lửng lơ khắp trên trần nhà như những mảng tóc bạc. Gạch lát nền vỡ nát bao phủ bởi thứ gì đó trông giống như tro tàn. Tôi cũng để ý tới những dấu vết trông giống dấu chân người hướng vào bên trong căn hộ.

“Ôi đức Mẹ lòng lành!” bà bác coi giữ khu nhà làu bàu. “Ở đây còn nhiều phân hơn cả trong chuồng gà nữa.”

“Nếu bà ngại, thì để cháu đi một mình,” tôi nói.

“Thế thì chẳng vừa ý cậu quá rồi còn gì. Thôi nào, cậu đi trước, ta theo sau.”

Hai chúng tôi đóng cửa lại phía sau lưng và đứng đợi tại tiền sảnh một lúc cho tới khi mắt quen dần được với bóng tối. Tôi có thể nghe được sự run sợ trong hơi thở của bà coi giữ khu nhà và ngửi ra mùi chua từ mồ hôi của bà. Tôi thấy mình chẳng khác gì một tên trộm mộ, linh hồn bị đầu độc bởi lòng tham và dục vọng.

“Này, đó là tiếng gì thế?” bà trông coi khu nhà e ngại cất tiếng hỏi. Có con gì đó vỗ cánh trong bóng tối, như bị làm phiền bởi sự hiện diện của chúng tôi. Tôi nghĩ mình vừa thoáng thấy một cái bóng trắng nhờ đu đưa ở nơi cuối hành lang.

“Chim bồ câu,” tôi nói. “Có lẽ chúng vào qua chỗ bị vỡ trên kính cửa sổ và làm tổ ở đây.

“Cái thứ chim xấu xí đó khiến ta ghê người,” bà bác coi giữ thốt lên. “Mà chúng nó thải phân cứ như chẳng còn có ngày m

“Đừng lo, Doña Aurora, chúng chỉ tấn công ta khi đói thôi.”

Chúng tôi đánh bạo dấn thêm vài bước cho đến khi tới được gần hết hành lang, nơi có một phòng ăn mở ra phía ban công. Còn nhìn rõ được một chiếc bàn tồi tàn trên phủ lớp vải tả tơi trông giống vải liệm hơn là khăn trải bàn. Bốn chiếc ghế để đó như để canh xác chết, cùng với vài ba tủ kính cáu bụi đang canh giữ bộ đồ ăn: cốc chén và bộ uống trà. Trong góc phòng là một chiếc piano tủ đứng cũ kỹ trước đây từng thuộc về mẫu thân của Carax. Các phím đàn đã đen kịt vì cáu bẩn, những mấu nối hầu như chẳng thấy đâu dưới từng mảng bụi. Một chiếc đi văng có vỏ bọc dài, mòn xơ chỉ đang dần mục rỗng nằm ngay cạnh ban công. Kế đó là một chiếc bàn cà phê bên trên yên vị một đôi kính đọc sách và cuốn Kinh Thánh bọc da sáng màu, bốn góc dát vàng, loại ấn bản thường dùng để làm quà cho trẻ nhỏ vào lần đầu tiên nó được ban thánh lễ. Cuống Kinh Thánh vẫn còn đang kẹp dở dây đánh dấu sách, một mẩu dây màu đỏ thẫm.

“Nhìn kìa, cái ghế đó là nơi ông già được tìm thấy sau khi chết. Bác sĩ bảo ông ta ở đó cũng phải hai ngày rồi. Ra đi như thế thật là buồn, như một con chó ấy, chỉ có một mình. Không hẳn là ông ta chẳng đáng bị thế, nhưng mà dù sao…”

Tôi tiến đến gần chiếc ghế nơi ông Fortuny đã qua đời. Kế bên cuốn Kinh Thánh là một chiếc hộp nhỏ đựng những tấm ảnh đen trắng, ảnh chân dung studio kiểu cũ. Tôi quỳ xuống để nhìn cho rõ, hơi sợ không muốn chạm phải những tấm ảnh đó. Dù cảm thấy mình như đang báng bổ ký ức của một ông già đáng thương, nhưng sự tò mò trong tôi đã chiến thắng. Tấm ảnh đầu tiên chụp đôi vợ chồng trẻ với một đứa con trai chừng bốn tuổi là cùng. Tôi nhận ra cậu bé qua ánh mắt.

“Nhìn nay, họ đây rồi. Señor Fortuny hồi còn trẻ, và đây…”

“Chẳng phải chú Julián không có anh chị em gì hay sao?”

Bà trông coi khu nhà nhún vai, đoạn thở dài. “Ta nghe nói bà vợ bị sẩy thai một lần vì những trận đòn của ông chồng, nhưng ta chịu không biết đâu. Người ta thích đồn thổi mà, nhỉ? Nhưng ta thì không. Ta chỉ biết là có lần Julián kể với bọn trẻ trong khu nhà là nó có một đứa em gái chỉ mình nó thấy được. Rằng thằng bé thấy em mình từ trong gương đi ra cứ như được tạo bằng không khí ấy, và con bé sống cùng với quỷ Satan trong một cung điện ở tận dưới đáy hồ. Con Isabelita nhà ta vì thế mà mơ thấy ác mộng cả tháng trời. Đầu óc thằng bé đó đôi khi thực là thiếu lành mạnh.”

Tôi liếc sang phía bếp. Trên cánh cửa sổ nhỏ nhìn vào phía sân trong khu nhà, có một chỗ kính bị vỡ, tôi nghe rõ mồn một tiếng vỗ cánh run rẩy đầy thù địch của bọn bồ câu ở bên kia tấm kính.

“Tất cả các căn hộ ở đây đều có cấu trúc như nhau chứ ạ?” tôi hỏi.

“Những phòng nhìn ra phố thì giống nhau. Nhưng cái phòng này ở trên tầng áp mái, nên nó hơi khác một chút. Có bếp và phòng giặt quay ra nhìn vào phía sân trong. Xuôi hành lang này có ba phòng ngủ, và một phòng tắm ở tận trong cùng. Trang trí qua loa thêm một chút, trông sẽ vừa mắt lắm, tin ta đi. Căn hộ này trông từa tựa như chỗ con Isabelita nhà ta đang ở - nhưng đương nhiên, giờ nó y hệt một cái nhà mồ.”

“Bà có biết phòng nào là phòng của chú Julián không?”

“Phòng đầu tiên là phòng ngủ lớn. Phòng tiếp theo thì nhỏ hơn. Có lẽ căn phòng ấy, đoán chừng là vậy.”

Tôi đi dọc theo hành lang. Lớp sơn trên tường đã bong tróc từng mảng nhỏ. Ở nơi cuối hành lang, cửa phòng tắm đang hé mở. Một người mặt trông cứ như chằm chằm nhìn tôi. Đó có thể là gương mặt tôi, hoặc cũng có thể là gươ mặt người em gái đang sống trong gương của Julián. Khi tôi đến gần hơn, khuôn mặt ấy rút lui về với bóng tối. Tôi cố sức mở cánh cửa thứ hai.

“Nó khóa rồi,” tôi nói.

Người coi giữ nhìn tôi. “Những cửa này không thể nào có khóa,” bà nói.

“Cái này thì có.”

“Vậy hẳn là ông già Fortuny đã đặt thêm một cái khóa vào đây rồi, bởi vì tất cả các căn hộ khác trong tòa nhà này đều…”

Tôi nhìn xuống và chú ý thấy có dấu chân dẫn đến cánh cửa bị khóa. “Có ai đó đã tới căn phòng này,” tôi nói, “dạo gần đây thôi.”

“Đừng dọa ta,” người coi giữ khu nhà nói.

Tôi đi tới cửa phòng tiếp theo. Nó không có khóa. Cánh cửa mở ra kèm theo một tiếng cọt kẹt gỉ sét ngay lúc tôi vừa chạm vào. Giữa căn phòng là một cái giường cũ nát rộng khoảng bốn tấm poster, vẫn còn bừa bộn. Ga trải giường đã ngả vàng, y chang một tấm vải liệm, một cây thánh giá đặt ngay trên đầu giường. Căn phòng cũng có tủ gồm nhiều ngăn kéo bên trên đặt một chiếc gương nhỏ, một chậu rửa mặt, bình đựng nước, và ghế ngồi. Một cái tủ bày đồ, cửa để hé, đứng dựa sát vào tường. Tôi đi vòng qua giường, tiến tới chiếc bàn mặt thủy tinh đặt ngay cạnh đó , dưới lớp thủy tinh là ảnh chụp của ông bà, cố cụ, những tấm thiệp đám tang, và cả vé số. Trên bàn đặt một chiếc hộp nhạc bằng gỗ được khắc chạm và một đồng hồ bỏ túi, vĩnh viễn đông cứng vào lúc tám giờ năm phút. Tôi thử lên dây cót chiếc hộp nhạc, nhưng chạy được sáu nốt nhạc thì giai điệu tắt nghẽn. Mở ngăn kéo của chiếc bàn cạnh giường, tôi tìm được một bao kính trống rỗng, một cái bấm móng tay, một chai rượu bẹt, và một cái mề đay hình Đức Mẹ Lộ Đức. Chẳng còn gì khác.

“Chắc chắn đâu đó phải có chìa khóa vào phòng bên

“Chắc là ông quản lý giữ thôi. Này, ta nghĩ tốt nhất chúng ta nên đi ra.”

Đột nhiên tôi nhìn xuống cái hộp nhạc. Tôi liền mở tung nắp hộp ra, và tại đó, chèn cứng giữa cơ cấu bánh răng, tôi tìm thấy chiếc chìa khóa óng vàng. Tôi lấy chìa khóa ra, hộp nhạc lập tức khôi phục lại giai điệu leng keng của nó. Tôi nhận ra đó là một bản của Ravel.

“Đây chắc hẳn là chìa khóa phòng bên.” Tôi cười với bà coi giữ khu nhà.

“Nghe này, nếu căn phòng ấy bị khóa, hẳn phải có một lý do nào đó. Thậm chí cũng là vì tôn trong những ký ức của...”

“Nếu bà muốn thế, xin cứ đợi cháu ở dưới căn hộ của bà, Doña Aurora.”

“Cậu đúng là quỷ sứ mà. Được rồi. Muốn thì cứ mở đi.”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...