Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi
Chương 5: Trở về trên biển
(Trương Ái Linh ngữ lục)
Ngày xuân muộn màng, tháng ngày cứ chậm rãi trôi đi như thế. Rất nhiều thời điểm đáng để ngẫm nghĩ, cuối cùng cũng giống như nước ngọt khói xanh, mơ hồ không rõ. Những thứ có thể ghi nhớ, chỉ là những tình cảm mà chắc chắn không thể nào quên trong những tháng năm cuộc đời. Kỳ thực, thứ đẹp nhất trên thế gian, không gì ngoài bốn mùa luân chuyển, khiến chúng ta được ngắm hết thảy hoa xuân tươi thắm, trăng thu mông lung.
Đến nay nhớ lại, những di thiếu tiền triều sống ở thời đại Dân Quốc đều không cần oán trời hận người, sống say chết mộng. Phải biết rằng, giang sơn đổi chủ vô số lần, biển xanh biến thành nương dâu biết bao bận, chỉ là vừa khéo mà bạn gặp gỡ thời điểm đó mà thôi. Biết bao nhiêu người bị lịch sử thiêu đốt nung nấu đến thương tích trầm trọng, nhưng vật đổi sao dời, thời gian sẽ hồi phục mọi vết thương. Khi ấy, núi sông yên ổn, thời thế thái bình.
Chim hải âu giữa mênh mông trời đất, nhỏ nhoi như những hạt cải. Cha của Trương Ái Linh – Trương Đình Trọng – chìm đắm trong khói thuốc thời loạn, tự ruồng rẫy bản thân. Mẹ của Trương Ái Linh – Hoàng Dật Phạn – lại vùng vẫy bứt ra khỏi rào cản của cuộc sống, lên thuyền đi xa. Cuộc đời giống như một giấc mộng, chỉ là tỉnh mộng chẳng dễ dàng. Cho dù lựa chọn con đường mình muốn đi nhất, cũng không thể được giải thoát hoàn toàn.
Khi Hoàng Dật Phạn ra nước ngoài, tuy mới chỉ có bốn tuổi, nhưng sự thương cảm lúc ly biệt của Trương Ái Linh đối với mẹ lại để lại dấu ấn ký ức vô cùng rõ rệt: “Mẹ tôi và cô tôi cùng lúc đi ra nước ngoài. Ngày lên thuyền, bà nằm gục khóc nức nở trên chiếc giường tre, những miếng sắt đính trên bề mặt bộ váy áo màu xanh lục run rẩy phát sáng. Người làm mấy lần giục giã đến giờ rồi, bà vẫn như không nghe thấy. Họ không dám mở miệng nhắc nữa, bèn đẩy tôi lên phía trước, dặn tôi nói: “Thím ơi, không còn sớm nữa” (Tôi coi như được cho làm con nuôi một nhà khác, cho nên gọi cha mẹ là chú thím). Bà không đoái hoài đến tôi, mà chỉ khóc. Bà ngủ ở đó giống như mặt biển được phản chiếu lên tấm thủy tinh trên khoang thuyền thành những mảnh nhỏ màu xanh lục, nhưng lại mang nỗi buồn xao động vô cùng vô tận như đại dương”.
Có thể thấy sự ra đi của Hoàng Dật Phạn không phải quá đoạn tuyệt, bởi vì bà không nỡ, sự ra đi của mẹ, khó tránh khỏi mang đến ít nhiều nuối tiếc cho cuộc sống thời thơ ấu của Trương Ái Linh, nhưng lâu dần cô cũng quen. Sau khi Hoàng Dật Phạn đi, người thiếp được Trương Đình Trọng bao nuôi ở một căn nhà riêng, đã đường hoàng trở về ở cùng. Bé Trương Anh gọi người thiếp này là dì hai. Ngay từ khi ở căn nhà riêng, Trương Đình Trọng đã thường xuyên dẫn cô bé qua đó chơi, cho nên khi cô ta chuyển đến, với bé Trương Anh cũng chẳng có gì xa lạ.
Cuộc sống khi có dì hai chuyển đến đã được Trương Ái Linh mô ta một cách ngắn ngủi trong cuốn Chuyện riêng: “Sau khi mẹ đi, dì hai chuyển về nhà. Trong nhà rất náo nhiệt, thường xuyên mở tiệc, gọi kỹ nữ đến góp vui. Tôi trốn đằng sau rèm nhìn trộm, đặc biệt chú ý đến hai chị em chừng mười sáu, mười bảy tuổi cùng ngồi trên một chiếc sofa, tóc để mái, cũng mặc quần áo màu trắng như ngọc, ngồi nép vào nhau, trông giống như song sinh vậy”.
©STENT
Trương Anh thơ dại vẫn không thể hiểu được cảnh tượng phong trần như thế, chỉ cảm thấy tò mò, tham dự vào bữa tiệc của bon họ bằng thân phận của một chủ nhân nhỏ. Hơn nữa dì hai lại không thích cậu em trai Trương Tử Tĩnh, nên lại càng yêu quý Trương Anh. Mỗi tối dì hai đều dẫn cô bé đến một nhà hàng phương Tây tên là Kissling để xem khiêu vũ, cho cô bé ăn bánh kem trắng muốt, đến khi trăng nhô cao, mới để người làm cõng cô bé về nhà.
Dì hai còn may cho cô bé Trương Anh một bộ áo ngắn và quần dài bằng vải nhung màu trắng xanh, tươi cười nói với cô bé rằng: “Xem ta đối với con tốt chưa này! Mẹ con may cho các con quần áo, nhưng lại sửa bằng vải cũ, đâu có dùng nguyên cả tấm vải nhung như thế này? Con thích ta hay là thích mẹ con?”. Một đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên, đâu thể phân biệt được tình cảm phức tạp giữa người với người. Cô bé lòng đầy thích thú trả lời: “Thích dì”. Sau khi trưởng thành, Trương Ái Linh vẫn cảm thấy khi ấy mình không nên thấy lời mà quên nghĩa như vậy. Thế nhưng, đây là suy nghĩ thành thực của một cô bé, rốt cuộc dì hai may áo cho cô bé, cũng không nằm ngoài mục đích lấy lòng con trẻ.
Nhưng dì hai và Trương Đình Trọng sau cùng chỉ là tình duyên bèo nước, không thể dài lâu. Tuy Trương Đình Trọng thích hái hoa thơm nơi chân trời, nhưng khi chúng tàn úa, thì sẽ tiện tay vứt đi, không hề quyến luyến. Trong lòng ông, e rằng không có ai có thể thay thế địa vị của Hoàng Dật Phạn. Đáng tiếc là ông vốn có lòng gửi trăng sáng, nào hay trăng sáng chiếu kênh ngòi. Hoàng Dật Phạn không thể nào trao tình cảm đẹp đẽ dịu dàng của mình cho một người đàn ông không hiểu tâm lý phụ nữ như thế.
Dì hai ra đi, nguyên nhân là vì khi cãi nhau với Trương Đình Trọng, dì hai đã lấy cái ống nhổ đập vào đầu ông. Thế nên trong tộc có người ra mặt nói, đuổi dì hai ra khỏi nhà. Vốn chẳng phải là mai mối cưới xin đàng hoàng, kết cục này của dì hai đã sớm có thể dự đoán ngay từ khi chuyển đến. Sống trong căn nhà Tây hào hoa xa xỉ coi như dì hai cũng được sống một quãng thời gian vẻ vang, bị đuổi đi cũng không có gì đáng tiếc. Ngày dì hai ra đi, cô bé Trương Anh ngồi ở ban công trên gác, nhìn hai chiếc xe ba gác chầm chậm đi ra khỏi cánh cửa lớn, trên đó đều là những đồ dùng bằng bạc mà dì hai mang đi. Đám gia nhân đều nói: “Lần này thì hay rồi!”.
Có thể thấy, trong phủ, dì hai đã không được lòng người, năm này qua năm khác, tương lai khó đoán, nhưng cuộc đời về sau của dì hai chưa chắc đã quạnh quẽ. Sự rời xa của mẹ chưa từng làm gợn nhiều sóng trong tâm hồn của bé Trương Anh, cho nên, chuyến ra đi của dì hai càng không đáng kể gì. Cảm giác ly biệt, có lẽ phải về sau này, khi đã trưởng thành cô mới có thể thấu hiểu một cách sâu sắc. Có những người đi rồi, giống như một cơn gió mát, không gì níu kéo, không có gì cản trở. Có những người ra đi, lại giống như rút hết linh hồn, đau thấu tâm can. Dì hai thuộc về loại thứ nhất, đối với bé Trương Anh, cảnh tượng xe đi chầm chậm ngày hôm đó bình thường như thể nhìn thấy cảnh mặt trời lặn.
Sau khi dì hai đi, không khí huyên náo hỗn tạp trong nhà bỗng nhiên yên tĩnh vắng lặng. Còn Trương Đình Trọng cũng nhờ rất nhiều tiếng xấu như hút thuốc phiện, chơi kỹ nữ, đánh vợ lẽ… trong mấy năm gần đây, mà nổi tiếng khắp nơi. Ở Thiên Tân, ông tự cảm thấy cuộc sống vô vị, nhớ lại chuyện xưa, nỗi tiếc nuối trào dâng trong lòng, thế là ông kiên quyết sửa đổi sai lầm. Ông viết thư cho Hoàng Dật Phạn đang ở nước Anh, nhận sai, đồng ý cai thuốc phiện, từ đây sẽ không bao giờ nạp thiếp nữa, chỉ mong bà về nước, cả nhà lại chuyển về Thượng Hải.
Hoàng Dật Phạn bất ngờ đồng ý, còn vì nguyên nhân nào, thì đến nay vẫn không rõ. Có lẽ là mấy năm phiêu dạt, bà đã có chút mệt mỏi, muốn quay về chốn cũ nghỉ ngơi một thời gian ngắn; cũng có thể là muốn quay về để cắt đứt lần cuối với Trương Đình Trọng; hoặc là do nhớ hai đứa con, quay về để nối lại tình thân. Tóm lại, bà đã đồng ý. Sau này, bà từng nói với bé Trương Anh: “Có những chuyện lớn lên con tự nhiên sẽ hiểu. Lần này mẹ về là để giảng hòa với cha con, chứ không phải về quản lý gia đình thay ông ấy”.
Năm đó Trương Anh lên tám, thời thơ ấu vui vẻ ở Thiên Tân đến đây bỗng nhiên ngừng lại. Cô của khi ấy không hề biết mình sắp đi đến thành phố được gọi là Bến Thượng Hải, và cũng không hề biết, có một ngày, ở đại đô thịnh vượng này, cô sẽ dấy lên dàn sóng văn học ào ạt xô bờ. Đó là vận may của cô, vận mệnh đã vô tình cho cô một cơ hội để chọn lựa, tạo thành tương lại phi phàm của cô. Bến Thượng Hải vì có người con gái khuynh thành này mà càng thêm mỹ lệ tuyệt vời.
Hành trình đến Thượng Hải đã đem đến cho cô bé Trương Anh một niềm vui khó có thể diễn tả thành lời: “Ngồi thuyền đi qua vùng biển nước đen và vùng biển nước xanh, đúng là đen như sơn, xanh như ngọc, tuy không cảm thấy choáng ngợp vì nhìn thấy đại dương mênh mông như miêu tả trong sách, nhưng cũng có một cảm giác vui sướng khôn tả. Nằm trong khoang thuyền, tôi đọc lại tác phẩm Tây du ký mà mình đã đọc vô số lần”.
Sau khi đến Thượng Hải, cô bé thấy đại đô thị quốc tế này rõ ràng phồn hoa tựa gấm hơn Thiên Tân: “Đến Thượng Hải, đi xe ngựa, tôi vô cùng bỡ ngỡ nhưng sung sướng, trên váy áo màu hồng phấn bằng lụa Tây biết bao bươm bướm xanh phấp phới tung bay. Chúng tôi ở trong một căn hộ rất nhỏ ở Thạch Khố Môn, ván gỗ sơn đỏ. Đối với tôi, đó cũng là một kiểu niềm vui dồn dập và đặc biệt”.
Sau khi đến Thượng Hải, Trương Đình Trọng không hề có được cảm giác tái sinh. Ngược lại, vì tâm lực mỏi mệt, lại thêm đường xa vất vả, ông đã tiêm morphine quá nhiều, dẫn đến tình trạng cận kề cái chết. Khi ngồi một mình trên ban công, lắng nghe tiếng mưa tí tách bên ngoài song cưa, không biết ông đã nói lung tung những gì, khiến bé Trương Anh cảm thấy sợ hãi. Tất cả những điều này đều khiến người ta giật mình sợ hãi nhưng không nguy hiểm gì. Thượng Hải tuy không thể thay thế ông cứu vãn gia tộc thịnh vượng của ngày xưa, nhưng lại viết tiếp cuộc đời ông.
Khi đến Thượng Hải, từ kinh ngạc vui mừng chuyển sang sợ hãi, người hầu mới nói với Trương Anh, mẹ và cô sắp về rồi, cô bé chắc chắn sẽ vui mừng. Đúng vậy, chuyến đi không hề có sự chuẩn bị trước này đã khiến cô gái nhỏ cần một chỗ dựa tình cảm, cho dù cá tính mạnh mẽ quật cường khiến cô không khiếp sợ trước những điều lạ lẫm, nhưng rốt cuộc thì cô vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Hoa nở trên biển, hoa tàn trên biển. Thành phố này tuy không có không khí ngày xuân muộn màng như Thiên Tân, nhưng lại định đoạt vận mệnh một đời của cô. Câu chuyện truyền kỳ nhất của cô, bắt đầu vì bến Thượng Hải, và cũng kết thúc vì bến Thượng Hải. Lúc này tiếng sóng bên hông Hoàng Phố vẫn như xưa, sóng gợn lăn tăn, xô dạt vô số chuyện cũ của các triều đại cũ. Từ không đến có, từ chậm đến nhanh. Nó biết những gì? Và có thể nói cho chúng ta biết những gì?
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp