Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 22: Lướt qua hồng trần


Chương trước Chương tiếp

Từ anh, em mới học được cách yêu, yêu thật nghiêm túc… Rốt cuộc tình yêu thực sự tuyệt vời, dù có đau khổ, nhưng về sau vẫn sẽ yêu…

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Cuộc đời của mỗi con người, đều có một hoặc vài mối tình khắc cốt ghi tâm đến thế, có một hoặc vài người nắm tay đi trong mưa gió như thế. Có lẽ sẽ có một ngày, năm tháng sẽ làm nhạt nhòa tất cả, cái mà chúng ta có chỉ là chính bản thân mình. Trở về chốn non sông tháng năm thuộc về chúng ta đó, một mình tiếp tục bước đi đến chân trời, chỉ là chúng ta không còn cô đơn nữa.

Khi thế giới bắt đầu huyên náo, những gì bạn có thể làm, chỉ là im lặng. Thế là Trương Ái Linh đã dứt khoát chia tay với Hồ Lan Thành bạc tình bội tín, dẫu cho mối tình khuynh thành này đã hóa thành tro bụi, nhưng vết thương lòng của Trương Ái Linh vẫn cần một thời gian dài mới có thể nguôi ngoai, thậm chí cả đời cũng không thể nào khôi phục hoàn toàn. Cô không để ý những điều này, mà chỉ coi đó là điều tất nhiên của cuộc đời.

Trong Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch, Trương Ái Linh viết: “Đời một người bình thường may mắn tý chút thì cũng chỉ đến mức chơi ‘quạt hoa đào’, cũng là đụng vỡ cả đầu ra, máu thấm lên quạt, rồi chính những vết máu lấm tấm ấy trông lại giống cánh hoa đào”[1]. Hồ Lan Thành, chính là vết máu thấm trên chiếc quạt đó, nhuộm đỏ giang sơn của cô.

[1]”Chơi quạt hoa đào” trong câu văn trên là cách gọi việc chơi gái thời đó.

Mấy năm chạy trốn, Hồ Lan Thành vẫn luôn có người đẹp đi cùng, còn Trương Ái Linh lại vì anh mà chịu áp lực lớn chưa từng có. Kháng chiến chống Nhật thắng lợi, sự phẫn nộ mà dân chúng phải kìm nén bấy lâu nay, trong khoảng khắc này bắt đầu vỡ òa như băng tan. Họ đòi nghiêm khắc tố cáo những tên Hán gian bán nước, báo chí khi ấy như tuyết bay lả tả, trên báo nêu đích danh những tên Hán gian bị lọt lưới, đòi chính phủ nghiêm trị không tha. Trương Ái Linh là thiếp của tên Hán gian vô liêm sỉ Hồ Lan Thành, nên phải hứng chịu vô số tiếng hò hét chửi bới.

Khi chính quyền hạch tội cô, không một ai tin rằng cô vô tội. Những thành tựu trước đây của cô ở Bến Thượng Hải, hiện đã trở thành nỗi ô nhục không thể nào tẩy rửa nổi. Người con gái tài tình này chưa từng hại ai, sai lầm duy nhất của cô chính là yêu lầm người. Sự bực dọc của dân chúng cần được giải tỏa, Hồ Lan Thành bỏ trốn, để lại Trương Ái Linh đứng mũi chịu sào, trước đầu sóng ngọn gió, một mình chịu đựng muôn lời phỉ nhổ gièm pha của dân chúng.

Trương Ái Linh tài hoa tuyệt đỉnh, trong chốc lát đã thành thân bại danh liệt. Đối diện với thời cuộc biến động đột ngột này, cô đành gác bút câm lặng. Rất nhiều người nói, thời đại của Trương Ái Linh đã hoàn toàn lùi vào dĩ vãng. Đúng vậy, một diễn viên có giỏi hơn thế nữa, đổi sang một vở kịch không hợp vai, chắc chắn cô ấy cũng không thể diễn vai chính.

Trương Tử Tĩnh nói: “Một năm sau kháng chiến chống Nhật, có thể nói chị tôi mất tăm tích trên văn đàn Thượng Hải. Những báo chí ấn phẩm thường hẹn chị ấy giao bản thảo nay cũng đóng sập cửa, có người sợ bị gán cho tội danh Hán gian văn hóa, nên cũng không dám đòi bản thảo của chị ấy nữa. Chị ấy vốn kín tiếng, nhốt mình trong nhà trầm ngâm. Đối với chị ấy không phải là không chịu đựng nổi. Có điều, cuộc hôn nhân với Hồ Lan Thành không được rõ ràng dứt khoát, có thể là nỗi giày vò sâu kín nhất trong thời gian đó của chị ấy”.

Trương Ái Linh không bán nước, đến nay cô vẫn chỉ là vì tình yêu không hợp thời, mà phải gánh chịu tất cả mọi sai lầm tội lỗi. Ngọn sóng của lịch sử sẽ vùi lấp tất cả, may mắn và bất hạnh, vui vẻ và khổ đau, rồi một ngày cũng sẽ đột ngột ngừng bặt. Khi chuyện đã qua, về sau, nhân cơ hội tái bản kiêm có sửa chữa cuốn Truyền kỳ, trong lời tựa, lần đầu tiên Trương Ái Linh đã phản bác những dư luận không tốt mà Hồ Lan Thành gây ra cho cô.

“Bản thân tôi xưa nay chưa từng nghĩ đến việc cần phải thanh minh. Nhưng một năm nay thường bị bàn tán, dường như liệt tôi vào một trong những tên Hán gian văn hóa, bản thân cũng thành ra mơ hồ không rõ. Văn chương mà tôi viết ra chưa từng đề cập đến chính trị, cũng chưa từng cầm bất cứ đồng trợ cấp nào… Có vô số lời lăng mạ không có căn cứ, thậm chí can thiệp vào đời sống riêng tư của tôi, vốn dĩ có vô vàn điểm để phản bác. Hơn nữa dù cho đó có là sự thật, cũng không liên quan đến nghi vấn tôi có phải là Hán gian hay không; huống hồ chuyện riêng tư căn bản không phải để cho mọi người soi mói…”. Hồ Lan Thành đã khiến Trương Ái Linh chịu nhiều thiệt thòi, ấm ức đến vậy, trước đây có lẽ cô còn cảm thấy buồn bã, cảm thấy không cam tâm, nhưng sau này, đến cảm xúc buồn bã và không cam tâm cô cũng không còn nữa. Người đàn ông này, cô đã khinh bỉ đến cùng cực.

Vận mệnh đã mang đến cho Trương Ái Linh một sự bù đắp khác, sau khi Mối tình khuynh thành được công diễn, cô quen biết một quý nhân quan trọng trong cuộc đời – đạo diễn Tang Hồ. Sự xuất hiện của Tang Hồ, khiến Trương Ái Linh nhìn thấy ngọn đèn sáng tỏa hương trong đêm tối mịt mù. Thoạt đầu, trước lời mời của Tang Hồ, Trương Ái Linh cảm thấy bối rối khó xử. Tiểu thuyết của cô trước đây tiêu thụ rất tốt, nhưng cô lại chưa từng làm công việc cải biên tiểu thuyết thành kịch bản phim điện ảnh. Nhưng cô cũng muốn bản thân bước ra khỏi bùn lầy, bắt đầu tìm lại ánh dương thuộc về mình. Thêm nữa, cô cũng luôn túng thiếu, nhuận bút hai bộ phim mà cô hợp tác với Tang Hồ sau này, cô đều đưa cả cho Hồ Lan Thành.

Bộ phim đầu tiên mà Trương Ái Linh hợp tác với Tang Hồ là Mối tình bất diệt, nam diễn viên chính là Lưu Quỳnh, nữ diễn viên chính là Trần Yến Yến, đây đều là những minh tinh đang nổi, dàn diễn viên có thực lực hùng hậu đã tạo nên cơn chấn động lớn. Trên gương mặt trầm mặc đã lâu của Trương Ái Linh bắt đầu xuất hiện nụ cười của một người trải qua hết mọi sương gió. Thành công như thế, khiến lòng tin của Tang Hồ tăng lên bội phận, anh lại mời Trương Ái Linh viết tiếp Thái Thái vạn tuế, bộ phim này quy tụ những diễn viên tài danh khắp Bến Thượng Hải bấy giờ. Bộ phim này cùng lúc công chiếu ở bốn rạp phim lớn của Thượng Hải là Hoàng Hậu, Kim Thành, Kim Đô và Quốc Tế, trong suốt hai tuần lễ, buổi chiếu nào rạp nào cũng chật kín chỗ ngồi.

Trương Ái Linh sống cô độc lặng lẽ một thời gian, nay dường như đã tìm thấy đạo trường thích hợp để mình tu hành. Chỉ là trải qua hết mọi dâu bể, cô không còn thể hiện sự sắc sảo như xưa nữa. Văn đàn tịch mịch, có những lúc không thể nào chịu được quá nhiều tiếng vỗ tay hoan hô và sự ồn ã. Cho nên, khi hai bộ phim này của Trương Ái Linh nhận được những tràng pháo tay và hoa tươi, thì cũng cùng lúc những lời phê bình và châm chọc xuất hiện.

Hàng nghìn năm quá, lẽ đời đều như vậy, thành và bại, vui và buồn chỉ cách nhau một khoảng khắc. Trương Ái Linh cơ hồ đã yên tĩnh hơn rất nhiều, cô biết rõ ràng những độc giả đó yêu thích cô nồng nhiệt, cô tươi sáng diễm lệ và khiêu khích, nhưng trái tim mỏi mệt của cô cần được nghỉ ngơi, cần được bình yên.

Vì mấy bộ phim, Trương Ái Linh có giao lưu qua lại với một số người bạn trong giới điện ảnh. Trong quá trình quay phim, đạo diễn Tang Hồ phải thường xuyên đến nơi ở của Trương Ái Linh, trao đổi với cô một số vấn đề liên quan đến phim ảnh. Cứ như thế, sự qua lại giữa hai người cũng mật thiết hơn rất nhiều. Tang Hồ là người trung hậu, tính tình cẩn thận, anh tài hoa, nhưng lại không biết nói lời ngon ngọt với nữ giới. Nhân phẩm và sự lương thiện của anh, vượt xa Hồ Lan Thành, còn sự phong lưu thì đương nhiên không sao sánh kịp.

Khi đó, công chúng cảm thấy Trương Ái Linh và Tang Hồ rất đẹp đôi, một người độc thân, một người duyên tình trước kia đã dứt. Tang Hồ là đạo diễn lớn, Trương Ái Linh là nhà văn lớn, nếu hai người ở bên nhau, há chẳng phải là trời tác thành sao? Những người bạn nhiệt tình vun vén cho Trương Ái Linh, muốn làm mối Tang Hồ cho cô. Nhưng Trương Ái Linh nghe xong, không nói gì cả, chỉ một mực lắc đầu. Cô dùng cách im lặng để cự tuyệt tình duyên này, rất nhiều người đều không thể hiểu nổi, tại sao cô lại cố chấp kiên định như vậy. Nhưng Trương Ái Linh đã bỏ lỡ Tang Hồ như thế, cô lựa chọn sự ra đi một cách lý trí, bởi cô biết, nếu họ ở bên nhau, cũng không thể hạnh phúc.

Rất nhiều người đều muốn biết, rốt cuộc Tang Hồ có từng yêu Trương Ái Linh hay không, và phải chăng Trương Ái Linh cũng yêu Tang Hồ? Chủ đề giống như câu đố này, sau khi cuốn Tiểu đoàn viên của Trương Ái Linh được xuất bản, cơ hồ đã được xác nhận. Trong Tiểu đoàn viên, Cửu Lị nói với Yến Sơn: “Sẽ không có người nào yêu em như tôi yêu em”. Câu cuối cùng trong tiểu thuyết Trương Ái Linh là: “Nhưng chuyện Yến Sơn chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc, là khi đó may mắn đã có anh”.

Trương Ái Linh yêu Tang Hồ, và Tang Hồ cũng yêu Trương Ái Linh. Chỉ là cơ duyên họ quen biết nhau không đúng lúc, cho nên số phận đã định tình yêu của họ có nhân mà không có quả. Trương Ái Linh vốn là người không dễ dàng nói lời yêu, tổn thương mà Hồ Lan Thành gây cho cô vẫn còn nguyên trước mắt. Khi vẫn còn chưa thể quên hẳn Hồ Lan Thành, Trương Ái Linh không dám bắt đầu lại từ đầu. Cô mới nói với Hồ Lan Thành, “Em cũng không thể lại yêu người khác, em chỉ tự tán úa”, thì sao có thể trong một thời gian ngắn, lại dễ dàng bừng nở vì Tang Hồ? Trên phương diện tình cảm, tuy Trương Ái Linh dám yêu dám hận, nhưng cô cũng có sự tôn nghiêm và tiêu chuẩn riêng.

So với Hồ Lan Thành, Tang Hồ yếu đuối hơn rất nhiều. Anh chôn giấu tình cảm ngưỡng mộ với Trương Ái Linh ở tận sâu thẳm trái tim, những khi cùng nhau trao đổi, anh chỉ nói tới phim ảnh, còn những chuyện riêng tư liên quan đến tình yêu, người cẩn thận tế nhị như anh lại chưa từng nhắc đến. Bạn bè mai mối cho lại bị cự tuyệt, Tang Hồ càng không dám đả động tới. Trong lòng anh thầm hiểu, Trương Ái Linh bị tổn thương, cô vẫn chưa hoàn toàn bước ra khỏi mối tình đó. Sự xuất hiện của anh chỉ có thể làm giảm bớt nỗi đau đớn của cô, nhưng lại không thể là phương thuốc chữa lành vết thương đó.

“Tiếng mưa rào rào, giống như đứng bên bờ suối. Thà nguyện ngày ngày trời đổ mưa, để cho rằng vì trời mưa nên em không tới”. Trong Tiểu đoàn viên, Cửu Lị là hóa thân của Trương Ái Linh, còn “em” ở đây chính là Yến Sơn. “Cái ngày sinh nhật thứ ba mươi, trong màn đêm, nằm trên giường nhìn thấy ánh trăng rải trên ban công, lan can bằng xi măng giống như một tấm bia bị đổ đang nằm ngang ở đó, tắm trong ánh trăng màu lam của thời Vãn Đường. Ánh trăng của hơn một nghìn năm trước, nhưng lại xuất hiện quá nhiều trong ba mươi năm cuộc đời của cô, giống như một tấm bia mộ nặng nề đè trên trái tim”.

Đoạn tình duyên này của Trương Ái Linh và Tang Hồ, đã kết thúc như thế. Dường như căn bản nó chưa từng bắt đầu mà đã đi qua. Nhưng khúc nhạc nền này, lại thực sự lưu lại dấu ấn trong cuốn sách cuộc đời của Trương Ái Linh. Thứ mà Tang Hồ đem đến cho Trương Ái Linh, hẳn là một thứ tình cảm ấm áp đến suốt đời. Anh không làm tổn thương, mà chỉ trong lúc cô cô đơn nhất, khẽ khàng đến bên, rồi lại nhẹ nhàng rời đi.

Sau này, Tang Hồ kết hôn với một cô gái ngoại quốc, hai bên tương kính như tân. Có lẽ cuộc sống như thế hợp với Tang Hồ hơn, với cá tính của mình, anh sẽ không kìm chế được những con sóng tình cảm, mà Trương Ái Linh chắc chắn không phải là một cô gái bình thường, cô không thể mang lại thứ hạnh phúc êm đềm như khói bếp cho Tang Hồ. Sự mâu thuẫn và cô độc lạnh lẽo trong nội tâm của cô, không phải là thứ mà Tang Hồ có thể chịu đựng nổi. Đóa hoa nở ra từ giữa bụi trần này, chỉ thích hợp để lặng lẽ thưởng ngoạn từ xa. Anh không có dũng khí hái hoa, và cũng thiếu cả tư cách hái hoa.

Năm sau, Trương Ái Linh từ Thượng Hải đi Hương Cảng. Sau đó, cô và Tang Hồ cũng chưa từng gặp lại. Năm 1995, khi Trương Ái Linh qua đời, rất nhiều người đến viết văn tưởng niệm Trương Ái Linh, duy chỉ có Tang Hồ vẫn giữ im lặng. Có lẽ từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, tình yêu của anh dành cho Trương Ái Linh đều dùng sự im lặng để đối đãi.

Bởi vì thấu hiểu, cho nên lặng im. Tang Hồ cũng giống như Trương Ái Linh, là một đóa hoa trôi trên biển, đến và đi như gió, chớp mắt thôi đã thành mây trôi ngang trời, năm tháng cẩm sắt, đôi bên cùng lãng quên nhau.
...


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...