Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi
Chương 17: Mối tình khuynh thành
(Trương Ái Linh ngữ lục)
Nhân duyên giữa thời loạn, giống như sóng to gió lớn, rốt cuộc không phải do chúng ta có thể quyết định được. Trương Ái Linh chỉ muốn bước trên hoa nhặt năm tháng như gấm, gối lên mộng kiếm tìm an ổn tốt lành. Cô không hỏi thế sự, thế sự sẽ truy hỏi đến cô. Cô không quan tâm chính trị, chính trị cũng sẽ quan tâm đến cô. Những việc mà cô quyết định, chưa bao giờ thay đổi. Cô nguyện gánh chịu tình yêu, quyết chí không sờn.
Có lẽ, Trương Ái Linh sẽ không thừa nhận mình yêu nhầm người, nhưng đây là một sự thực không cần nghi ngờ. Mối tình khuynh thành này của cô và Hồ Lan Thành, không biết bắt đầu từ khi nào, đã trở thành đề tài bàn tán không ngớt của mọi người ở Thượng Hải. Nhưng cô không để tâm, trước sau cô vẫn cùng Hồ Lan Thành sống những ngày tháng nam nữ vui vầy, ngắm mặt trời từ từ nhô lên, rồi lại chầm chậm lặn xuống.
Trương Ái Linh vẫn không thích giao thiệp với người ngoài như cũ, bạn bè mà Hồ Lan Thành kết giao ở bên ngoài, cô hầu như không gặp. Cô gọi tất cả những sự việc liên quan đến thế giới bên ngoài là lộn xộn. Dẫu cho lúc bấy giờ đứng trên núi kiếm, thì lòng cô cũng không kinh không sợ. Hồ Lan Thành là người đã đi qua hết nỗi bể dâu, anh thích sự phóng khoáng của Trương Ái Linh, bởi anh không muốn vì mối tình khó lường này, mà phải trải qua quá nhiều thực tiễn và trách nhiệm. Thậm chí anh không cho rằng, trên thế gian nay sẽ không có ai khác yêu cô như anh đã yêu cô. Cho nên, sự qua lại tình nồng ý đượm giữa anh và Trương Ái Linh như thế, chưa từng khiến anh nảy sinh tâm lý tội lỗi.
Hồ Lan Thành từng hỏi Trương Ái Linh, cô suy nghĩ về hôn nhân như thế nào, và Trương Ái Linh đã đáp cô chưa từng tưởng tượng đến điều đó. Cô cũng chưa từng nghĩ quá khứ đã yêu ai, và đến cả người theo đuổi cô, dường như cũng chưa từng có, cho dù là có, cô cũng không thích họ. Thế nhưng, khi tình yêu đến, đúng là cô chưa từng kén chọn. Mà hôn nhân cũng như vậy, nó đến một cách lặng lẽ âm thầm.
“Tôi và Ái Linh chỉ là như thế này, cũng đã đủ để thế gian nghĩ là tình cảm sâu như biển, cao như núi, thế nhưng núi cao biển sâu dường như lại không thể đại diện cho chuyện nhi nữ tình trường. Hai người chúng tôi đều hiếm khi nghĩ đến chuyện kết hôn. Nhưng Anh Đệ lại ly hôn với tôi, nên tôi và Trương Ái Linh mới lấy nhau. Năm đó tôi ba mươi tám tuổi, cô ấy hai mươi bốn tuổi. Vì không muốn thời cuộc biến dộng sau này làm liên lụy đến cô ấy, nên tôi không tổ chức nghi lễ sang trọng, mà chỉ viết giấy kết hôn làm chứng, viết rằng: ‘Hồ Lan Thành – Trương Ái Linh ký kết trọn đời, kết làm chồng vợ, nguyện khiến năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên’. Hai câu trên là Trương Ái Linh soạn, hai câu dưới là tôi soạn, bên cạnh viết Viêm Anh là người làm chứng”.
Đây là nguyên văn lời của Hồ Lan Thành, quả đúng là khi đã yêu ai đó, thì người từng cho rằng hôn nhân là phải thận trọng, lại coi đó là chuyện thường. Hồ Lan Thành nhắc đến việc ly dị với Anh Đệ, không biết cô Toàn Tuệ Văn kia thì được sắp xếp ra sao? Thế giới tình cảm của anh quá hỗn độn, đừng nói là người bên cạnh, có lẽ đến chính anh cũng chẳng thể hiểu rõ thế giới đó. Thế nhưng, dù vậy, Trương Ái Linh cũng chẳng tính toán so đo. Sự kết hợp của họ dường như là lẽ đương nhiên. Chẳng cần phí tâm sức để tranh đoạt, cũng chẳng làm hại đến ai, thậm chí đến nghi lễ cũng chẳng cần, chỉ viết giấy kết hôn mà thôi.
Rốt cuộc, Trương Ái Linh muốn gì? Kiêu ngạo như cô, lẽ nào lại chỉ muốn một danh phận suông như thế? Lại chỉ muốn một lời hứa hẹn chẳng chắc chắn như thế? Hay là cô thực sự có thể chắc chắn, cô sẽ là chốn về cuối cùng của Hồ Lan Thành? Hoặc có lẽ căn bản cô chẳng để ý đến những điều ấy. Thiên hoang địa lão xưa nay vốn chỉ là một thần thoại, còn nam nữ dưới ngòi bút của cô, đã từng có mấy ai có kết cục viên mãn? Nắm tay là một loại hình thức, bình thản nắm tay là để sau này buông tay một cách tự nhiên thoải mái.
Dẫu Trương Ái Linh tỉnh táo, nhưng cô hà tất phải lấy sự thanh bạch một đời để đổi lấy cuộc hôn nhân sai lầm này? Trong Mối tình khuynh thành cô từng viết như thế này: “Lúc tử sinh hay khi cách biệt, chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi. ‘Cầm tay nàng hẹn mấy lời/ Sống bên nhau mãi đến hồi già nua’[1]. Anh thấy đây là một bài thơ đau buồn nhất, sống chết và ly biệt, đều là việc lớn mà chúng ta không thể quyết định được. So với sức mạnh của thế giới bên ngoài, con người chúng ta rất nhỏ bé, thực sự rất nhỏ bé! Nhưng ta vẫn nói rằng: Ta sẽ mãi mãi ở bên nhau, đời này kiếp này không chia lìa – cứ như bản thân ta làm chủ được vậy!” (Trần Quang Đức dịch)
[1] Thơ Kích cổ trong phần Bội phong, Kinh thi, bản dịch của Tạ Quang Phái.
Đúng thế, sống chết và ly biệt đều không do con người quyết định. Đường đời mênh mang, phóng tầm mắt nhìn ra xa, hết thảy đều là gió trăng tình thù chẳng thể phân biệt nổi. Người chầm chậm dạo bước tiến về phía trước, tự mình không biết tiếp sau sẽ là nơi nào. Hồ Lan Thành nói: “Tuy chúng tôi đã kết hôn, nhưng vẫn như chưa kết hôn. Tôi không muốn cuộc sống của cô ấy vì tôi mà thay đổi, dù chỉ một chút. Hai người chúng tôi nhìn thế nào cũng không giống một đôi vợ chồng, mà vẫn giống như một cặp kim đồng, ngọc nữ hơn”.
Quả đúng là chỉ có Trương Ái Linh không chịu thay đổi bản thân vì bất kỳ người nào. Dẫu đã yêu đến mức cuồng si, yêu đến mức trầm mình xuống bùn đất, nhưng với tính cách bẩm sinh của mình, cô thề chết cũng không thay đổi. Chính một Trương Ái Linh như thế, đã khiến Hồ Lan Thành lần nữa nhìn thấy bản thân và vạn vật trời đất từ trên người cô. Không đơn điệu như trước đây, nhìn núi là núi, nhìn sông là sông, mà là một loại nhận thức thấu triệt và sáng tỏ hơn. Nếu không có Trương Ái Linh, sau này Hồ Lan Thành cũng không thể viết nên áng văn Sơn hà tuế nguyệt như thế.
Hồ Lan Thành nói: “Trương Ái Linh là hoa soi bóng nước thời Dân Quốc. Đọc văn chương của cô ấy, sẽ cảm thấy cái gì cô ấy cũng biết, thực ra kinh nghiệm về thế sự của cô ấy rất ít, dường như tất cả những gì của thời đại này đều tự tìm đến giao lưu với cô ấy, giống như hoa rơi tay áo, lá rụng trong đầm”. Còn Trương Ái Linh lại cực kỳ tôn trọng vạn vật trên thế gian này. Cô không phải là một cô gái ghét đời ganh thế. Cô nói: “Những thứ hiện đại dẫu có muôn vàn kiểu dáng khác nhau, thì rốt cuộc nó vẫn là của chúng ta, thân thuộc với chúng ta”.
Dẫu sóng gió cuộn trào, cũng nguyện thế sự hài hòa. Sau khi kết hôn, hai người bên nhau giống như “Chiếu hoa tiền hậu kính/ Hoa diện giao tương ánh” (Rọi hao sau trước kính/ Hoa mặt cùng rọi ánh)[2]. Chính là cùng ở cùng tu, cùng duyên cùng tướng[3], cùng gặp cùng biết như thế. Hồ Lan Thành thích cùng Trương Ái Linh đọc, thảo luận sách, ở chỗ của Trương Ái Linh, những việc bình thường đều có thể trở nên mới mẻ, đáng kinh ngạc. Người xưa nói, vợ chồng hòa hợp như sắt cầm hòa tấu, Hồ Lan Thành từ khi gặp Trương Ái Linh mới có thể so dây chỉnh trục được.
[2] Bồ Tát Man, Ôn Đình Quân, Nguyễn Chí Viễn dịch.
[3] Nguyên văn “đồng tướng”: Là một trong lục tướng. Theo quan niệm của Phật giáo, lục tướng gồm: Tổng tướng, biệt tướng, đồng tướng, dị tướng, thành tướng, hoại tướng. Những thứ/ người có cùng tướng, thì giống như ngói gạch cột kèo cùng ở chung với nhau, không thể trái ngược nhau.
Thế nhưng, dường như cô trăm điều đều nghe theo anh cả trăm, nhưng những lúc không nghe theo vẫn là không nghe theo, nhưng lại không ngang ngạnh, chỉ yên lặng lắng nghe. Trương Ái Linh thích đứng bên ngoài phòng, lén lút nhìn trộm Hồ Lan Thành ở trong phòng. Cô viết: “Anh ấy ngồi một mình trên ghế sofa, trong phòng tĩnh lặng như chìm sâu giữa phấn vàng và cát vàng, bên ngoài gió mưa lung linh, khắp núi đầy nội đều là ngày hôm nay”.
Sự nặng tình của cô, khiến sông núi trở nên tráng lệ khôn tả. Nhưng cô bình tĩnh và tỉnh táo như thể nắm vững trong lòng bàn tay thế thái nhân tình, khiến Hồ Lan Thành cảm thấy sợ hãi bất an. Cho dù đối đãi cái gì, cô đều không dùng tình cảm. Người khác sắp rơi lệ, còn cô thì không thể sa nước mắt. Khi dùng đến tình cảm, thì cô cũng rất mực lý trí như thế. Cho nên, cô luôn bị khốn đốn, khó khăn bởi những sự việc không tên.
Dù như thế, thì cô vẫn không thể làm người đứng ngoài cuộc, rốt cục vẫn vì anh mà sa sút tinh thần đến mức biến thành bụi trần. Khi tình đã sâu nặng, người khác sao có thể cản lại? Trương Ái Linh bằng lòng giữa non trắng nước đen, vì anh mà bừng nở, hướng về chỗ chết để kiếm tìm nơi sống. Nếu như có một ngày, anh bạc tình, cô cũng sẽ dứt khoát quay mình, không còn bất cứ liên hệ nào với anh.
Hồ Lan Thành một nửa thỏa mãn, một nửa lại lo sợ. Anh đã biết Trương Ái Linh vì mình nhảy vào núi đao biển lửa cũng chẳng từ nan, cũng biết cô tâm tính cô độc lạnh lùng, sẽ không mù quáng theo đuôi anh. Cho nên, khi còn ở bên nhau, luôn có trăm ngàn mùi vị khác nhau, khó có thể tả thành lời. Một ngày, hai người cùng ngồi trên một chiếc xe kéo Hoàng Bào trong màn mưa. Trương Ái Linh ngồi trên đùi Hồ Lan Thành, cô cao lớn như thế, lại mặc áo mưa, anh ôm cô chỉ cảm thấy rất bất tiện, nhưng lại có một cảm giác chân thực đến khó quên. Có lẽ những khi bên nhau, Trương Ái Linh đã đem lại cho Hồ Lan Thành cảm giác, luôn có muôn vàn điều khó chịu, nhưng thực sự không thể lãng quên.
Những ngày tháng có Hồ Lan Thành ở bên, Trương Ái Linh lười sáng tác, dường như cô rất khó có thể viết được những tác phẩm ưu tú như trước đây nữa. Khi ấy, Trương Ái Linh đang đăng Chuỗi liên hoàn, Phó Lôi từng có lời bình về tác phẩm này, ông nói: “Chuỗi liên hoàn không tránh được số mệnh vừa tiếp đất đã bị bóp chết non”. Ông cảm giác, ngoài chuyện nam nữ ra, thế giới vẫn còn rất rộng lớn.
Hồ Lan Thành cũng cảm thấy, tài năng của Trương Ái Linh cần có một chặng nghỉ ngơi. “Nếu một ngày, mối tình đầu của cuộc đời trở thành quá khứ, cô ấy sẽ có một cảm giác mất mát đau thương khó có thể giải tỏa nổi, và tài hoa của cô ấy sẽ lụi tàn”. Lụi tàn thì không đến nỗi, nhưng một người đã nảy sinh ám ảnh, nếm trải khói lửa, nhất định sẽ không thể điềm tĩnh an nhiên như thế. Hơn nữa, dù là lụi tàn thì cũng có làm sao, non sông đổi dời, chuyện đời vô thường, ai có thể vẫn mãi như ngày xưa giữa cuộc đời sóng cuộn gió trào này?
Trương Ái Linh đều không sợ những điều ấy. Trong thời loạn, tất cả những gì chạm vào được, những gì xa xôi, đều là mây trôi thoảng qua. Hồ Lan Thành có dự cảm, thời cuộc mà anh đang sống là thời cuộc biến động bất định, sẽ có một ngày, khi đại hạn tới, vợ chồng cũng phải tan đàn xẻ né. Nhưng anh nói: “Tôi nhất định tránh không nổi, chỉ trong có hai năm mà phải thay tên đổi họ, dù trong tương lai, tôi và em phải cách nhau một dòng Ngân Hà, nhưng tôi chắc sẽ nhìn thấy em”. Ái Linh nói: “Khi đó, anh thay tên đổi họ, có thể gọi là Trương Khiên, hoặc là Trương Chiêu, chân trời góc bể sẽ có em đang vẫy anh gọi anh”[4].
[4] Khiên, Chiêu có nghĩa là vẫy gọi.
Quả thật, anh sắp phải đi. Sau khi kết hôn chưa đầy vài tháng, anh phải đi đến nơi chân trời. Ngày 10 tháng 11 năm 1944, Uông Tinh Vệ bệnh chết. Hồ Lan Thành nhận lời mời của người Nhật Bản là Ikeda, cùng với bọn Thẩm Khải Vô, Quan Vĩnh Cát đến Hán Khẩu tiếp nhận Đại Sở báo. Chuyến đi lần này, không phải đơn thuần vì tin tức văn nghệ, mà là mong chờ thế lực quân Nhật sẽ có hỗ trợ lớn. Con người luôn song hành với thời đại như Hồ Lan Thành sao có thể cam chịu cảnh thế lực cô lẻ đây?
Những ngày đàn ông bỏ cày, đàn bà bỏ cửi ấy sẽ đi đâu? Những ân tình ngô đồng thơm vạn dặm đường, lời chung liên miên chẳng dứt ấy sẽ đi đâu? Xét đến cùng, bạn không thể sống một cuộc đời năm tháng tĩnh lặng, an ổn nguyên sơ, vậy thì trái tim khao khát bay cao ấy chưa từng mất hẳn. Anh sắp đi, cô sẽ không giữ lại, đến một câu yếu đuối mềm mỏng cũng chẳng nói ra.
Dọn dẹp hành trang, cầm chắc chiếc vé tàu trong tay. Mặc lên người chiếc sườn xám mà cô yêu thích nhất, cùng anh đi qua buổi hoàng hôn, sương gió mông lung giăng mắc ngập trái tim. Anh đi từ đây, không hẹn gặp lại. Cô viết, thời gian dễ dàng làm thay đổi một người. Cô sẽ không đòi hỏi anh hứa hẹn thề thốt, bởi vì bất cứ lời hứa nào cũng đều là lời hứa trong nháy mắt. Nhưng cách dòng Ngân Hà xa vời, trái tim của cô, cuối cùng vẫn sợ hãi không được an giấc.