Bộ Sưu Tập Tội Ác

Chương 5


Chương trước Chương tiếp

Đúng 6 giờ rưỡi một buổi sáng trời trong và mát mẻ ở Washington, cửa trước ngôi nhà ba tầng của Jonathan DeHaven bật mở, ông ta bước ra trong một chiếc áo khoác len màu xám, cà-vạt xanh nhạt và quần đen. Người đàn ông giữa độ tuổi năm mươi và một cái đầu bạc chải chuốt thẳng thớm, DeHaven hít thật sâu không khí trong lành, dành vài phút ngó nghiêng dãy biệt thự cổ kính lộng lẫy trên con đường nhà mình.

DeHaven bỏ xa kẻ giàu nhất khu này, nơi giá trung bình của một cấu trúc gạch cao chót vót trên mái nhà mà người mua phải trả là vài nghìn đôla. May thay, ông ta thừa kế ngôi nhà này từ bố mẹ - hai người đủ khôn ngoan để trở thành những nhà đầu tư sớm nhất trong thị trường bất động sản quận Columbia. Dù phần nhiều tài sản của họ đã được quyên cho mục đích từ thiện, đứa con trai độc nhất của dòng họ DeHaven cũng được để dành một số tiền khổng lồ để phụ thêm cho đồng lương nhà nước và cũng để nuôi dưỡng vài sở thích cá nhân.

Đống tài sản từ trên trời rơi xuống này cho phép DeHaven theo đuổi cuộc sống mà không phải ưu tư phiền muộn về việc kiếm sống bằng mọi cách, nhưng điều này không đúng với những người khác đang sống trên con đường Good Fellow này. Sự thật là một trong những người hàng xóm của ông ta là một người buôn bán cái chết - tuy nhiên DeHaven cho rằng thuật ngữ chính trị chính xác phải là “nhà thầu buôn vũ khí phòng thủ”.

Tên hắn là Cornelius Behan, thích được gọi là CB, sống trong một nơi nguy nga tráng lệ được nhập lại từ hai ngôi nhà. DeHaven đã nghe đồn rằng việc có được ngôi nhà như thế trong một khu vực lịch sử được kiểm soát chặt chẽ là nhờ vào những món hối lộ được lên kế hoạch kỹ càng. Tin đồn thổi không những về cái thang máy chứa được bốn người và một khu vực riêng biệt cho người hầu sống và sinh hoạt ở đó.

Behan còn đem những hạng đàn bà đẹp lố lăng vào nhà vào những giờ kỳ cục, nhưng tên này vẫn còn đủ lịch sự để chờ đến khi bà vợ đi vắng, thường là mấy chuyến vung tiền mua sắm ở châu Âu. DeHaven tin rằng người đàn bà bị lừa dối đó hẳn cũng đang hưởng thụ thú chim chuột suồng sã của mình ở phía bên kia Đại Tây Dương. Điều này gợi lên trong đầu ông hình ảnh một người phụ nữ quyến rũ thanh lịch đang cùng gã nhân tình trẻ trung người Pháp đùa giỡn bên chiếc bàn ăn thời vua Louis thứ XVI trong điệu nhạc Bolero. Vàhoan hô cả hai ông bà,DeHaven nghĩ.

Ông xua đi ý nghĩ về những lầm lỗi của gia đình hàng xóm bằng một cú nhảy bật ra khỏi bậc thềm nhà. Jonathan DeHaven là một người vô cùng tự hào về kho sách quý hiếm và khu các bộ sưu tập đặc biệt ở Thư viện Quốc hội, có thể nói là bộ sưu tập sách quý hiếm lớn nhất thế giới. À, người Pháp, người Ý và người Anh có thể tranh cãi về vấn đề này, nhưng DeHaven, người rõ ràng thiên vị, biết rằng bộ sưu tập của Mỹ này là đầy đủ nhất.

Ông đi bộ khoảng gần nửa dặm dọc theo lề đường bằng gạch cũ nhàu, chính xác từng bước chân giống như mẹ ông, người luôn cẩn thận với mỗi bước chân trong đời bà. Vào cái ngày trước khi bà mất, DeHaven không hoàn toàn chắc chắn rằng người mẹ nổi tiếng độc đoán của mình lại không bỏ qua đám tang và thẳng tiến đến cửa thiên đường, đòi vào ngay để bà còn bắt đầu điều hành công việc. Đến một góc đường, ông lên chuyến xe buýt đông người đến trung tâm, ngồi chung băng ghế với một chàng trai trẻ người đầy bụi với một thùng nước đá chêm giữa hai chân. Hai mươi lăm phút sau xe buýt thả DeHaven xuống một ngã tư nhộn nhịp.

Ông băng qua đường đến tiệm cà phê nhỏ, nhấm nháp một cốc trà, bánh sừng trâu và đọc tờ Thời báo New York. Mấy tít báo, như thường lệ, làm độc giả rất nản lòng. Chiến tranh, bão, dịch cúm có thể bùng phát, khủng bố, đủ để làm bạn bò vào nhà và đóng kín cửa. Có một câu chuyện về những việc làm trái luật trong vũ đài hợp đồng vũ khí phòng thủ. Có những luận điệu hối lộ và tham nhũng giữa các chính trị gia và nhà sản xuất vũ khí. Quả là một cú sốc! Một vụ bê bối về dùng tiền để gây ảnh hưởng đã hạ bệ vị cựu Chủ tịch Hạ viện. Rồi sau đó người kế nhiệm của ông ta, ông Robert Bradley, lại bị thảm sát ở câu lạc bộ Federalist. Vụ án vẫn chưa giải quyết xong mặc dù một nhóm khủng bố trong nước, trước đây vô danh tiểu tốt, tự cho mình là Nhóm chống lại người Mỹ năm 1984 - liên quan đến tuyệt tác về chủ nghĩa phát-xít của nhà văn Orwell - đã đứng ra nhận trách nhiệm. Việc điều tra của cảnh sát không suôn sẻ cho lắm, ít nhất là theo nguồn tin trên báo.

DeHaven thỉnh thoảng đưa mắt ra ngoài cửa sổ quán cà phê để nhìn đám công nhân viên chức vì mục đích cao cả đang sải bước xuống phố sẵn sàng gánh vác thế giới, ít nhất là có một hay hai Thượng nghị sĩ trong đó. Một nơi bất thường nhất, ông nghĩ. Ở đây ông có những cuộc thập tự chinh sử thi khiêu vũ cùng với những kẻ đầu cơ trục lợi nhếch nhác bẩn thỉu đi cặp với cặp hình mẫu kẻ ngu ngốc - người trí thức, không may loại trước lại thường giữ vị trí quyền cao hơn loại sau trong xã hội này. Nó là thành phố duy nhất trong toàn nước Mỹ có thể tuyên bố chiến tranh, nâng thuế thu nhập liên bang hoặc giảm các phúc lợi xã hội của bạn. Quyết định nằm trong diện tích vài dặm vuông toàn đài kỷ niệm và những trò hề giả tạo này có thể làm cho vô số người hoặc giận dữ hoặc phởn phơ, và cả hai mặt ấy cứ đổi chỗ cho nhau liên tục tùy thuộc vào ai đang điều hành chính quyền vào một thời điểm nhất định. Và đối với các cuộc chiến, phong trào và âm mưu được dựng lên để thực hiện mưu đồ nắm giữ hay giành lại quyền lực đã tiêu tốn từng chút từng chút một năng lượng của những con người tài năng. Vòng xoáy ấy như bức tranh khảm đá có quá nhiều mảnh đá di chuyển điên cuồng đến nỗi người ngoài cuộc khó mà dám đến gần để tìm hiểu chuyện gì đang thật sự diễn ra bên trong.

Vài phút sau DeHaven thong thả bước lên bậc tam cấp rộng của tòa nhà Jeferson mái vòm đồ sộ thuộc Thư viện Quốc hội. Ông ký nhận chùm chìa khóa cửa từ phòng cảnh sát thư viện và thẳng tiến lên tầng hai, nhanh chóng bước đến phòng LJ239. Phòng đọc Sách Quý Hiếm hình vòm để giữ an toàn cho rất nhiều văn kiện quý giá của quốc gia. Kho báu này bao gồm cả bản gốc Tuyên Ngôn Độc Lập mà những người sáng lập nước Mỹ đã viết nên ở Philadelphia trong chặng đường hành quân đến tự do, thoát khỏi chế độ thực dân của Anh.Họ sẽ nghĩ gì về nơi này nhỉ?

Ông mở khóa cửa vòng ngoài và đẩy hai cánh cửa nặng chịch sát vào tường. Rồi ông thực hiện các động tác bấm phím phức tạp để vào phòng đọc. DeHaven luôn là người đầu tiên đến đây mỗi ngày. Trong khi nhiệm vụ đặc thù của ông khiến ông phải có mặt trong phòng đọc sách thì mối quan hệ cộng sinh giữa DeHaven với những cuốn sách cũ khó mà giải thích tường tận cho một người bình thường hiểu, thế nhưng mối ràng buộc này lại hoàn toàn có thể hiểu được thậm chí đối với một người chỉ đam mê sách có chừng mực.

Phòng đọc không mở cửa vào các ngày cuối tuần, thế nên DeHaven có thời gian để chạy xe đạp, sưu tầm những cuốn sách quý hiếm cho bộ sưu tập riêng của mình và chơi đàn dương cầm. Ông học đàn dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cha, người có tham vọng trở thành một nghệ sĩ dương cầm trong dàn nhạc giao hưởng nhưng nhận ra sự thật phũ phàng rằng ông không đủ giỏi. Chẳng may con trai ông cũng không đủ giỏi để thực hiện tham vọng ấy cho ông. Kể từ sau cái chết của cha, DeHaven tự nhiên lại thích thú với việc chơi đàn. Trước kia dù thỉnh thoảngcưỡng lạisự hà khắc của cha mẹ còn ông hầu như nhất nhất vâng lời họ.

Ông chỉ thực hiện một điều đi ngược lại mong ước của cha mẹ, mà đó cũng là sự vượt qua giới hạn khá lớn. Ông đã kết hôn với một người phụ nữ trẻ hơn mình đến hai mươi tuổi, một phụ nữ khá xa lạ với vị thế của ông trong xã hội. Cũng vì thế mà mẹ ông đã nhai đi nhai lại cái điệp khúc đó cho đến khi ông thấy phiền phức đến độ phải ly hôn một năm sau đó. Tuy nhiên, chẳng có người mẹ nào có thể ép buộc con trai mình từ bỏ người đàn bà anh ấy yêu, ngay cả bằng cách đe dọa cắt nguồn viện trợ tài chính. Mẹ ông đã hạ mình đến độ bà bảo bà sẽ bán hết số sách quý mà bà đã hứa sẽ để lại cho ông. Lẽ ra ông phải đứng về phía người phụ nữ mình yêu, bảo cô ấy không cần phải lo lắng gì cả. Ông nghĩ điều đó giờ đây dĩ nhiên đã quá muộn rồi. Phải chi nhiều năm trước ông có nghị lực để vượt qua.

DeHaven thở dài tiếc nuối khi ông cởi nút áo khoác và vuốt phẳng cà-vạt của mình lại. Có lẽ khoảng thời gian ấy là mười hai tháng hạnh phúc nhất của đời ông. Trước đây ông chưa bao giờ gặp được người phụ nữ nào như thế, và ông chắc rằng ông sẽ không bao giờ có thể gặp người thứ hai.Nhưng tôi đã để cô ấy ra đi chỉ vì mẹ tôi bắt tôi làm thế.Ông đã viết thư cho cô ấy nhiều năm sau đó, xin lỗi bằng nhiều cách. Ông gửi tặng tiền, trang sức và những sản vật ông mua trong các chuyến du lịch vòng quanh thế giới của mình, nhưng ông chưa bao giờ van xin cô ấy quay lại với mình. Không, ông chưa bao giờ làm thế, đúng không nhỉ? Cô viết thư trả lời ông một vài lần, rồi từ đó các gói quà và thư của ông bắt đầu bị hoàn trả lại mà chưa hề được mở ra, sau khi mẹ ông mất, ông có nghĩ đến việc cố gắng đi tìm cô ấy, nhưng cuối cùng lại cho rằng chuyện đã quá muộn màng. Nói thật thì ông đâu còn xứng đáng với cô ấy nữa.

Ông hít một hơi thật sâu, bỏ chìa khóa vào trong túi và nhìn quanh phòng đọc trang hoàng tráng lệ gần giống ở dinh Độc Lập, không gian nơi đây tĩnh lặng. DeHaven đặc biệt thích những chiếc đèn có chụp đèn bằng đồng để trên các bàn đọc sách. Ông âu yếm lướt ngón tay qua một cái đèn, và cảm giác thất bại khi vuột mất người phụ nữ duy nhất cho ông thấy hạnh phúc trọn vẹn bỗng nhiên vơi đi.

Ông nán lại ít phút trong khu vực thiêng liêng của phòng Jefferson để đọc lướt qua một tác phẩm của Tacitus, nhà sử học người La Mã mà ngài tổng thống thứ ba của Mỹ rất ngưỡng mộ. Kế đó ông dùng chìa khóa để đi qua dãy rào chắn Lessing J. Rosenwald*, nơi những cuốn sách in đầu tiên trước năm 1500 và sách chép tay do ông Rosenwald, cựu chủ tịch chuỗi cửa hàng bán lẻ Sears, Roebuck hiến tặng, được xếp cạnh nhau trên các kệ kim loại trong căn phòng được mở điều hòa nhiệt độ rất tốn kém suốt hai mươi tư giờ trong ngày, bảy ngày trong tuần. Mặc dù thư viện hoạt động bằng một ngân sách eo hẹp, nhưng nhiệt độ phải ổn định trong phòng là 600F** và độ ẩm tương đối là sáu mươi tám phần trăm để giữ được đống sách quý này thêm vài thế kỷ nữa. [* Lessing J. Rosenwald (1891-1979) là một thương gia người Mỹ có sở thích sưu tập sách quý hiếm và tranh nghệ thuật; ** F: đơn vị đo nhiệt độ (10F = -17,2220C). 600F = 15,50C.]

Đối với DeHaven, việc liên bang tốn thêm khoản tiền phụ trội để bảo vệ bộ sưu tập quý này là vô cùng xứng đáng vì cái ngân sách liên bang luôn luôn chi tiền cho chiến tranh nhiều hơn cho bất cứ mục đích hòa bình nào khác. Chỉ cần một phần nhỏ số tiền chế tạo một quả tên lửa thôi là ông đã có thể mua ngoài chợ trời bất cứ tác phẩm nào thư viện cần bổ sung vào bộ sưu tập sách quý. Nhưng các chính trị gia tin rằng tên lửa mới đảm bảo an toàn cho chúng ta, trong khi thật ra những cuốn sách mới làm được điều ấy vì một lý do đơn giản: Sự ngu dốt là nguyên nhân gây ra chiến tranh, và những ai đọc nhiều thì hiếm khi nào ngu dốt. Có lẽ nhận định này là một triết lý đơn giản quá mức, nhưng DeHaven vẫn nhất mực tin tưởng vào nó.

Lúc ông nhìn lướt qua đống sách trên kệ, DeHaven ngẫm lại bộ sưu tập sách của mình ở nhà dưới tầng hầm. Đó chẳng phải là một bộ sưu tập lớn nhưng vẫn cứ thỏa mãn niềm đam mê của ông. Ai cũng nên sưu tầm một thứ gì đó, DeHaven cảm thấy thế; thú đam mê này khiến bạn cảm giác mình còn tồn tại và kết nối với cả thế giới.

Sau khi kiểm tra vài cuốn sách vừa mới được chuyển về từ ban bảo quản, ông đi lên cầu thang đến hàng rào trải suốt chiều dài phòng đọc. Chính nơi đây là nơi lưu trữ bộ sưu tập sách đầu tiên viết về y khoa Mỹ. Và ở kệ trên là dãy sách thiếu nhi đều tăm tắp. Ông dừng lại vỗ vào đầu một bức tượng bán thân nam đặt trên một chiếc bàn nhỏ ở góc phòng một cách âu yếm.

Một khắc sau đó Jonathan DeHaven ngã gục trên một chiếc ghế và bắt đầu giãy chết. Đấy chẳng phải là một cái chết dễ chịu không đau đớn, bằng chứng là cơ thể ông co giật liên hồi và những tiếng kêu thét chìm trong cổ họng. Ba mươi giây sau ông nằm duỗi dài bất động trên sàn nhà cách nơi ngã xuống co giật khoảng sáu mét. Nét mặt ông có vẻ như đang nhìn chằm chằm vào bộ sưu tập những câu chuyện kể với hình hai cô gái mặc váy xòe đội nón rộng vành trên bìa sách.

Ông chết mà không biết cái gì đã giết mình. Cơ thể ông đã không phản bội lại ông; ông đang trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo. Không ai tổn thương ông, và ông không bị đầu độc; sự thật là ông hoàn toàn chỉ có một mình trong thời điểm đó.

Nhưng Jonathan DeHaven đã chết.

Cách đó khoảng hai mươi lăm dặm, điện thoại nhà Roger Seagraves đổ chuông. Dự báo thời tiết hôm nay trời trong và có nắng. Seagraves kết thúc bữa ăn sáng của mình, chộp lấy cặp táp và bắt đầu đi làm. Hắn thích bắt đầu một ngày mới bằng một dấu hiệu tích cực.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...