Bố Già (The Godfather)
Chương 30
Phải nói là hồi mới lấy nhau, Rita một lòng thần phục anh chồng trẻ tuổi hào hùng có sức mạnh như voi và tính nết thẳng như ruột ngựa. Có lẽ vì quá thẳng, quá thực đâm thiếu tế nhị, thô lỗ... nhưng không ai không ngán Albert ở chỗ phải trái phân minh, đã cho là đúng là nhất định phải làm kỳ được. Gặp chuyện trái ý lập tức ngậm miệng, nhưng đã mở miệng phản đối là lớn tiếng, là có chuyện ầm ĩ ngay. Khỏi có vụ ôn hoà từ tốn. Nói chung thì tính tình Albert Neri là thứ thuần tuý, chính hiệu Sicily... mỗi lần nổi giận ông trời coi cũng nhỏ. Tuy nhiên với con vợ Rita thì nó chưa bao giờ phải nặng lời.
Mới 5 năm khoác áo lính, Albert Neri đã nổi danh hung thần của đám bất lương cả Nữu-Ước biết tiếng và nghiễm nhiên được liệt vào hạng những thằng cớm sạch nhất nước. Lề lối làm việc của Albert đặc biệt dễ nể: mấy thằng du đãng, cao bồi, đầu trộm đuôi cướp nhè gặp nó là hết thời. Lập tức Albert đặt thành đối tượng triệt hạ ngay với cả một sức mạnh khủng khiếp trời cho. Nhiều khi chính nó cũng phải phát hoảng, không hiểu tại sao mình có thể xuống tay dữ dằn như vậy!
Một đêm ngồi xe tuần tiễu khu Central Park, nó bắt gặp một đám du đãng nhóc con 6 đứa đang giở trò mất dạy, phá làm phá xóm. Lập tức Albert vọt ngay xuống. Thằng đồng nghiệp biết tính nó quá rồi, ngồi lỳ trên xe, không muốn dính vô với Neri cho phiền phức. Chỉ một thoáng là nó đã nắm đầu đủ 6 thằng ranh diện áo vét lụa đen, chưa thằng nào quá 20 tuổi. Bọn này chưa phải thứ trộm cắp mà chỉ tụ họp nhau phá chơi... Đàn ông thì chúng nắm cổ lại hỏi "xin" tí thuốc, tí lửa mà đàn bà con gái thì chọc ghẹo buông ra những thứ ngôn ngữ, những cử chỉ mất dạy.
Nhờ khoẻ như voi Albert nắm đầu từng đứa, bắt đứng dựa lưng dọc bờ tường, đứng rõ thật thẳng. Thấy tay nó vung cây đèn pin tổ bố, mặt hầm hầm nạt nộ và khổ người đồ sộ hùng hổ trong bộ đồ lính là cả 6 đứa cùng run, ríu rít tuân lệnh.
Đi tuần thì súng luôn luôn đeo ngang hông nhưng chẳng bao giờ Albert phải dùng đến. Cây đèn pin quá đủ. Sau khi bắt 6 đứa sắp hàng một dài dài, nó cật vấn từng thằng một, hỏi tên tuổi rành rẽ. Thằng thứ nhất nghe tên có vẻ Ái-Nhĩ-Lan. Nó quát lên: "Đây là lần chót. Thấy mặt mày thò ra ngoài đường là tao treo cổ gấp. Cút mau!" Nó vung cây đèn pin chỉ đường cho thằng nhóc biến lè lẹ. Hai thằng sau cũng được đuổi về gấp. Nhưng thằng thứ 4 trông rò ràng gốc Ý... cũng như thầy đội Neri vậy. Do đó, cu cậu tưởng bở... gặp người cùng xứ sở "bồ bịch" chắc nên tự cho phép có quyền ngó lên và cười ngỏn ngoẻn. Chừng nghe hỏi "Mày người Ý hả" còn cười cầu tài, gật đầu một phát.
Thế là Albert vung tay, khện cho cu cậu một phát đèn pin giữa trán gục liền, máu đổ tùm lum. Không đến nỗi bể sọ nhưng máu có vòi coi ghê quá! Nó xách cổ lên nạt: "Mày làm nhơ danh dân Ý... Dân Ý đâu có thứ người như mày? Đứng thẳng lên coi." Cu cậu khom lưng thì lãnh nguyên một cú lên gối gập đôi người kèm theo một lời cảnh cáo: "Cút về nhà ngay. Cấm láng cháng ngoài đường. Lần sau gặp tao mà còn mặc cái thứ áo quái gở này thì đi nhà thương gấp. May cho mày không phải con cháu tao đó!"
Dĩ nhiên hai thằng còn lại sợ xanh mặt. Khỏi cần nạt nộ mà chỉ cần đá đít đuổi về, cấm không được đi thả rong ngoài đường.
Những mục cảnh cáo như trên Albert có lối làm thật lẹ, giải quyết gọn cái một. Bà con chung quanh chưa hay chuyện gì thì đã xong chuyện, có phản đối cũng chẳng kịp. Chỉ một loáng nó đã vọt lên xe để thằng đồng nghiệp nhấn ga tạt qua ngả đường khác. Lâu lâu cũng đụng ba thằng cô hồn dám giở võ hay rút dao hăm. Hầu hết đều hối tiếc vì chống cự chỉ tổ rước thêm tai hoạ: Albert đã điên lên thì chỉ có nước máu me đầy người, nằm xe về bót để sau đó còn ra toà lãnh thêm bản án đả thương nhân viên công lực! Mà thông thường còn nằm bệnh viện chán rồi mới được ra toà.
Có lần vì mất lòng xếp Albert bị đổi sang một khu suốt ngày chỉ có tuần tiễu quanh quanh trụ sở Liên Hiệp Quốc. Mấy bố có chân trong các phái đoàn Liên Hiệp Quốc ỷ quyền bất khả xâm phạm của ngoại giao đoàn nên có lối đậu xe kềnh càng, bạ đâu tấp đấy có coi luật lưu thông và lệnh Cảnh sát ra gì? Báo cáo về Ty thì được cấp trên ra lệnh xếp hồ sơ, đừng có dây dưa mất công. Albert đã bực nhè một đêm xe đậu ẩu quá nhiều, kẹt cứng lưu thông làm xe dồn lại cả đống. Nửa đêm rồi, biết mấy đấng chủ nhân ở đâu mà kêu phạt vạ, buộc xách xe đi chỗ khác? Nó bực bội vung cây đèn pin đập bể kính chắn gió, bao nhiêu xe đậu vi luật đập hết. Có tiền đưa sửa gấp cũng phải mất mấy bữa chờ đợi. Mấy ông ngoại giao phản đối tùm lum với ty Cảnh sát sở tại, yêu cầu trừng trị "bọn lưu manh phá hoại." Nạn bể kính xe kéo dài cả tuần cấp trên mới hay đó là công trình độc đáo của thầy đội tuần tiễu Albert Neri. Do đó đương sự bị tống về ty hắc ám Harlem.
Sau đó ít lâu một buổi sáng Chúa nhựt Albert đưa vợ đi thăm bà chị ở Brooklyn. Bà chị goá chồng nên đúng theo truyền thống Sicily, cậu em Albert có bổn phận gánh đỡ phần nào trách vụ của người quá cố nghĩa là lâu lâu xuống thăm một lần coi gia đình chị có chuyện gì không. Hồi này ông em cần xuống luôn vì thằng cháu 20 tuổi mồ côi cha, mẹ không dạy bảo nổi đã có triệu chứng hoang đàng, phá phách. Có lần ông cháu Thomas đua đòi chúng bạn đi hoang đã dám "ăn hàng" bậy một cú suýt ở tù, nếu cậu Albert không nhờ vả các anh em "bỏ qua cho nó một lần." Dĩ nhiên ông cậu cũng dằn lòng cho Thomas hưởng cái án treo với một lời cảnh cáo vắn tắt: "Tha cho mày lần này! Mày còn làm cho má mày buồn một lần nữa, một lần nữa thôi là tao đập chết!" Ở một gia đình nào khác có lẽ đó chỉ là một khuyến cáo cậu cháu thân tình, dằn mặt sơ sơ. Nhưng với ông cậu Albert thì phải hiểu là một đe doạ thiết thực vì tuy nổi danh sừng sỏ trong đám nhóc con khu Brooklyn, thằng Thomas xưa nay vẫn ngán ông cậu hung thần lắm lắm.
Đêm hôm trước – đêm thứ Bảy mà – Thomas theo mấy thằng bạn đi chơi gần sáng mới mò về nên ngủ miết đến trưa chưa thèm dậy. Má nó vô phòng khe khẽ đánh thức, dậy đi mặc quần áo đàng hoàng ra ăn cơm trưa, bữa nay Chúa nhật có cậu mợ Albert xuống chơi ở lại dùng bữa luôn. Nó càu nhàu: "Má để tôi ngủ. Ai cũng thây kệ họ!" Cửa phòng mở he hé nên ngôn ngữ của nó lọt sao nổi cặp tai ông cậu Albert? Nhưng thấy bà chị đi ra có vẻ sượng sùng Albert đành phải lờ đi như không nghe thấy gì để ngồi ăn cho vui vẻ cả nhà.
Hỏi bà chị "hồi này thằng Tommy có láo lếu gì không" thì bà ấy lắc đầu. Nhưng không may cho thằng khốn là lúc vợ chồng Albert sắp sửa ra về thì nó ở trong phòng khật khưỡng mò ra, lừng khừng chào một phát lấy lệ rồi mò xuống bếp và sau đó ré lên:
- Coi, đói bụng quá xá mà má không để phần cơm hả? Có cái gì ăn đâu?
- Cơm thì có bữa, dậy mà ăn. Không có lệ để phần những thằng ngủ nửa ngày mới dậy! Thực ra sự cằn nhằn mất nết của Thomas chỉ có tính cách "ngôn ngữ thời đại" chớ chẳng phải nó dám hạch sách bà mẹ hay cố tình làm xấu mặt cả nhà. Nhưng có lẽ vì ngủ chưa đã giấc hay đói bụng đâm cáu kỉnh sao đó nên lỡ buột miệng chửi thề một câu, quên béng ngay sự hiện diện của ông cậu Albert nãy giờ đang hầm sẵn:
- ĐM... không để phần thì thôi! Đây đi ăn nhà hàng... thiếu gì...
Nó vừa buột miệng có thế chưa kịp hối tiếc thì đã bị ông cậu Albert chồm tới vồ cứng... như mèo vồ chuột vậy. Ra thằng này bây giờ mất dạy quá. Dám chửi thề, dám đối đáp với mẹ nó hỗn láo tới cỡ này sao? Hàng ngày nó vẫn mở miệng ăn nói với mẹ nó như vậy chắc? Chẳng cần biết là bữa nay nó mới trở chứng hỗn láo... hay ăn nói mất dạy đã quen nhưng trừng trị một trận ngay tại chỗ là việc phải làm ngay. Phải nhìn nhận là Thomas gặp ngày xui xẻo nên lãnh nguyên vẹn một trận đòn trừng trị đích đáng, thẳng tay và đúng phương pháp. Hai người đàn bà đứng ngoài sợ hết hồn, không dám lên tiếng can ngăn khi hung thần Neri quần thằng cháu. Nó đập cách nào mà cu cậu mới đâu còn chống đỡ qua loa... nhưng liền sau đó chỉ có lạy.
Môi, má, mặt, chỗ nào cũng sưng phồng, đổ máu... Đầu bị dộng vào tường cồm cộp. Người gập đôi lại sau mỗi cú thôi sơn vào bụng. Cuối cùng nằm bò càng cũng vẫn bị dộng sấp mặt huỳnh huỵch xuống sàn nhà. Sau đó Albert biểu: "Đợi tôi một chút" và xách cổ thằng cháu xuống đường, tống vô xe nạt cho một hồi nữa:
- Mày nhớ nghe... tao mà nghe mày ăn nói mất dạy với mẹ mày một lần nữa là mày sẽ bị tao lôi cổ đi cho một trận nhớ đời chớ không phải nhẹnhàng, đồ bỏ như trận vừa rồi đâu nghe? Mày không đàng hoàng là biết tay tao. Bây giờ lên nói với vợ tao là tao chờ dưới này, mau!
Hai tháng sau, một đêm đi trực về Albert không thấy con vợ đâu. Ra Rita lén mang hết đồ đạc, quần áo dông về nhà ông già nó! Ông bố vợ đau khổ cho chàng rể hay tại nó quá sợ, quá khiếp hãi sự dữ dằn của Albert nên không dám sống chung chớ không phải vì một nguyên do nào khác hết. Lời giải thích làm Albert há miệng ngạc nhiên. Nó có bao giờ đụng đến con vợ, nó có nói nặng hay xử tệ với Rita một lần nào đâu? Trái lại một mực yêu quý, cưng chìu hết mình. Thái độ Rita làm nó chưng hửng nên Albert tính đợi một vài hôm nữa, chờ cho tình hình lắng dịu đã... rồi thế nào cũng phải gặp mặt con vợ một lần hỏi cho ra lẽ.
Sự đời trớ trêu ở chỗ ngay đêm sau đi tuần tiễu như thường lệ trong khu Harlem thì Albert gặp chuyện rắc rối. Xe tuần tiễu của nó 12 giờ khuya thình lình nhận được tín hiệu cấp cứu phải phóng ngay tới nơi can thiệp một vụ đổ máu. Về vụ này Albert lẹ lắm: xe chưa ngừng hẳn nó đã phóng xuống, tay vung vẩy chiếc đèn pin. Nó hối hả rẽ đám đông, xông thẳng vô phạm trường, theo tay chỉ của một mụ già da đen: "Nó ở trỏng... nó rạch mặt con nhỏ coi ghê quá!"
Mới vô đến hành lang, thấy chỗ ánh sáng đèn hắt ra là tai Albert đã nghe thấy tiếng người rên rỉ. Tay còn cầm đèn pin, nó nhảy vô căn phòng xém đụng 2 thân hình nằm ngã nghiêng trên nền nhà. Hai con đen, một cỡ 25 tuổi, một con 12 tuổi là nhiều đang nằm chịu hình phạt rạch mặt, rạch thân bằng lưỡi dao cạo máu tuôn đỏ người. Hung phạm khỏi cần chạy, thấy thày đội Albert nó vẫn đứng như trời trồng. Nó là thằng ma cô Wax Baines, khách hàng quen của Albert.
Dân Harlem còn ai không biết thằng dân chơi ngỗ ngược ghiền nặng ma tuý này? Nó dắt gái, bắt mối bạch phiến và đâm chém cũng lỳ lắm. Thấy mặt người nhà nước nó giương mắt ngó, cặp mắt phi ma tuý đỏ ngầu dễ sợ, tay lăm lăm con dao bén dính đầy máu. Mới 2 tuần trước Albert vừa túm cổ nó về bót về tội hành hung một trong những con điếm "bồ bịch" của nó ngay ngoài đường. Thằng khốn Wax Baines bữa đó điềm nhiên la: "Ê... không phải việc mấy ông nghe!" Thằng đồng nghiệp đi cùng với Albert thực sự cũng nghĩ vậy. Mấy thằng đen thì thây kệ cho chúng lụi nhau, thịt nhau chết bỏ dính vô làm cho cho mất công? Đâu được, Albert nhất định xúc nó về bót lập biên bản truy tố ra toà. Có điều chưa đầy 24 giờ sau đã có luật sư đóng tiền thế chân cho nó tự do tạm rồi!
Xưa nay Albert đâu có cảm tình với bọn đen? Phụ trách tuần tiễu trong khu Harlem, có dịp đụng chạm nhiều nó còn tối kỵ. Thứ người gì đâu chỉ biết ăn nhậu và chơi bạch phiến cho đã, vợ con đi làm ************** thây kệ! Mấy thằng khốn đó quả hết xài. Vậy mà thằng Wax Baines chó chết này dám công khai phạm pháp, rạch mặt hành hạ hai con ghê tởm gớm ghiếc đến thế kia? Được rồi, lần này khỏi xúc về bót mất công ra toà rồi về... nó lại nhởn nhơ coi pháp luật chẳng ra gì!
Thực tình Albert đã nghĩ vậy. Nó tính ra tay thì mấy người lối xóm kéo vô chật nhà. Thằng đồng nghiệp của Albert cũng bỏ xe tuần tiễu chạy vô coi nữa. Albert nhìn thằng ma cô quát lớn: "Buông đao ra! Mày phạm pháp quả tang hết chối cãi." Thằng Baines cười hềnh hệch: "Mày bắt tao? Muốn bắt tao... phải rút súng ra kìa... Hay mày muốn nếm thử một mũi này?"
Thằng khốn đưa con dao lên hăm he... Nhanh như cắt Albert xông tới làm thằng bạn chới với, không kịp rút súng ra. Đâu phải doạ miệng, Baines ngang nhiên sấn tới, lia nhanh một đường dao nhưng Albert còn nhanh hơn nhiều. Chỉ một cái gạt tay chính xác đã cho nó hụt đã... rồi thuận tay mặt dộng cho nó một cú đèn pin tàn nhẫn cái đốp vào đầu. Cú quật ngắn, gọn vào một bên sọ làm thằng khốn chới với như người say rượu loạng choạng, khuỵu đầu gối xuống dao văng cấp kỳ. Chỉ một cú này cũng quá đủ. Nhưng hăng máu lên Albert thật lực bồi cho nó một phát nữa vào đúng giữa đỉnh đầu cực kỳ ác độc. Nghe cái "rốp"... (Mãi sau này khi ra toà, mấy nhân chứng và ngay thằng đồng nghiệp của nó cũng phải khai là Albert đã ra tay một cách quá hung hãn, độc ác và thực sự là không cần thiết.)
Kết quả là chiếc đèn pin bằng nhôm đồ sộ và chắc chắn như vậy mà phần đầu văng rời ra, bể kính bóng đen tan tành từng mảnh vụn văng tùm lum. Cả cây đèn cứng rắn như vậy mà đập một cú cong vòng, nếu không có mấy cục pin lót trong đã gẫy rời mấy mảnh.
Một cú như vậy giáng ngay đỉnh đầu thì xương cốt nào chịu cho nổi? Gã nhân chứng da đen ra toà khai thằng Baines quả thực cũng là týp vô cùng cứng đầu nhưng gặp thày đội Albert Neri chơi quá cứng, và cây đèn pin còn cứng nữa nên cái sọ của nó chịu không nổi. Nó vỡ toang ra nên nạn nhân lãnh đủ và đưa vô nhà thương Harlem cấp cứu tức khắc cũng chỉ sống thêm được có hai giờ.
Đó là lý do Albert Neri bị đưa gấp ra toà và có lẽ cũng chỉ một mình nó ngạc nhiên khi thấy mình bị nhà nước truy tố về tội "sử dụng bạo lực một cách quá đáng, không có lý do giải thích cần thiết." Tội nặng như vậy thì máng áo là chuyện tất nhiên, còn bị toà ghép tội sát nhân là khác. Từ 1 đến 10 năm tù giam chắc!
Lúc bấy giờ 1 năm hay 10 năm Albert cũng bất kể! Nó sôi sục căm thù cả cái xã hội đểu giả, dám nghiễm nhiên truy tố một thằng hành xử công quyền như nó về tội giết người, nghĩa là xúc phạm đến sinh mạng của một thằng người đốn mạt hạ cấp cùng cực là thằng ma cô Wax Baines! Lại máng áo lính, lại ra thân phận tù tội nữa mới đau. Pháp luật là như vậy đó. Pháp luật đâu cần biết đến số phận của 2 nạn nhân của thằng khốn, 2 đứa con gái mang thương tật vĩnh viễn trên mặt và còn nằm nhà thương vì sự hành hạ của chính thằng Wax Baines đó?
Albert Neri thực sự không ngán tù tội. Chẳng gì nó cũng từng khoác áo lính và có lỡ can án sát nhân cũng chỉ vì đã quá mạnh tay trong khi hành sự. Đâu có ai nồ nạt, trừng trị mà lo? Mấy thằng đồng nghiệp bồ bịch của nó cũng rỉ tai cứ yên chí, thế nào cũng có lời gởi gấm. Nhưng có một người thực sự không yên chí chút nào.
Người ấy là ông già vợ của Albert, một chủ vựa cá gốc Ý có cửa hàng ở khu Bronx, một tay sành đời quá xá. Ổng biết chắc một thằng tính tình như Albert sơ sẩy lọt vô tù một năm cũng đủ chết mất xác. Nóng tính, thẳng ruột ngựa như nó nhè ở vào những chỗ bất lương trắng trợn như nhà tù thì không giết người cũng bị người giết... dễ chết như chơi!
Vì vậy ông chủ vựa cá quyết định phải can thiệp cho thằng rể. Con gái mình đã ngu dốt, không biết người biết của... nên làm khổ một thằng chồng đàng hoàng như nó thì lẽ nào để nó bỏ mạng oan trong ngục mà không cứu? Nghĩ vậy ông già vợ Albert bèn chạy ngay lại gia đình Corleone nhờ cậy. Lâu nay ổng vẫn nạp đều lệ phí bảo vệ cho cánh nhà này và lâu lâu có của ngon vật lạ đều mang tới biếu người cùng xứ sở mà?
Dĩ nhiên người cùng xứ sở với nhau thì gia đình Corleone có xa lạ gì Albert Neri? Bà con đều biết nó xưa nay nổi danh một thằng cớm sạch, dám làm dám chịu và thuộc vào một số ít những tay chớ có coi thường mà mang hoạ. Một týp người hùng gan dạ, bặm trợn như Albert Neri thì chỉ cá nhân nó cũng làm nhiều thằng phát khiếp chớ chưa cần đến bộ đồ lính và khẩu súng nhà nước vội! Cánh Corleone luôn luôn coi trọng và đặc biệt lưu ý đến những thằng dám chơi và chơi ngon như vậy. Nó có lỡ mặc áo lính cũng chẳng sao. Thiếu gì thằng vào đời chọn lầm nghề, không đi đúng con đường của vận mạng? Chỉ cần một cơ hội tốt sau này là cuộc đời thay đổi cái một chớ gì?
Người có công phát giác và giới thiệu trường hợp của Albert Neri cho Tom Hagen còn ai ngoài lãocaporegime Peter Clemenza? Xưa nay lão mập đánh hơi nhân tài lẹ lắm! Tom Hagen cũng từng biết tiếng Neri và tin ở sự giới thiệu của lão lắm... nhưng vẫn cứ phải cho lệnh điều tra mật hồ sơ nội vụ ở ngay văn khố Cảnh sát cái đã. Sau cùng Hagen bỗng có linh tính không biết chừng dám có 1 thằng Luca Brasi nữa lắm. Nó lẩm bẩm:
- Thằng này in hệt Luca Brasi hồi đó...
Lão mập nhanh nhẹn gật đầu như máy, tuy người bề bộn mà cử động của lão chẳng chậm chạp chút nào:
- Thì tao cũng nghĩ in hệt! Để biểu thằng Michael lo cái vụ này coi?
Đó là lúc Albert Neri đang nằm khám tạm chờ ngày gởi đến một trung tâm cải hối và được cho hay hồ sơ của nó vừa được Toà mang ra tái thẩm trên căn bản của nhiều sự kiện mới mà các giới chức Cảnh sát cao cấp vừa đệ trình. Quả nhiên bản án bị huỷ bỏ. Được hưởng án treo nên Albert được trả tự do cấp kỳ.
Albert đâu phải là thằng ngây thơ đi tin ở chuyện đèn trời soi xét? Phải có một thế lực nào đó can thiệp ngầm và vụ này chắc phải có ông già vợ nó dính vô. Đúng vậy, sau khi dò hỏi ra nó bèn tới cảm ơn ổng và ký giấy thoả thuận ly dị vợ để gọi là đền ơn. Sau đó mới nhờ người đánh tiếng trước và sắp đặt để nó sang tận cư xá Long Beach cảm ơn gia đình Corleone. Dĩ nhiên nó được Michael đích thân đón tiếp niềm nở trong văn phòng. Mới đầu nó còn khách sáo nhưng nghe Michael thân mật nói chuyện, Albert chịu ngay. Và nó cảm động thực tình. Không cảm động sao được khi nỗi lòng oan khuất được người cởi mở? Hôm ấy Michael nói thẳng:
- Chú khỏi phải cám ơn cái điệu khách sáo. Mình người cùng xứ sở với nhau mà? Không biết thì thôi... mà đã biết thì đâu thể chấp nhận để cho họ hành hạ, ngược đãi chú vô lý như vậy? Thay vì tù tội... họ phải gắn huy chương cho chú mới đúng. Mà mấy ông nhà nước thì vậy đó, chỉ ngán có áp lực mà thôi! Sự thực tôi không dính vô chuyện này đâu, nếu tôi không cho đi điều tra cặn kẽ về tình trạng kẹt oan cũng như tư cách đàng hoàng của chú xưa nay. Đối với bà chị và thằng cháu cũng như đối với ông bố vợ, chú đã cư xử rất chững chạc, chính họ công nhận vậy.
Dĩ nhiên Michael vô cùng tinh tế, cố tình lờ tuốt cái vụ vợ bỏ nên xưa nay Albert rất ít nói, có thể gọi lì lợm mà bữa đó hai người chuyện trò rất hạp. Chưa bao giờ Albert cởi mở như vậy và cũng chẳng hiểu sao Michael hơn nó có 5 tuổi mà trong cung cách đối xử nó sẵn sàng chấp nhận như một anh lớn, một bậc chú. Nghĩa là già dặn hơn nó nhiều! Sau cùng Michael mở đường cho nó:
- Dĩ nhiên đã can thiệp cho chú khỏi tù tội thì tôi đâu có tiếc gì một công việc làm? Sẽ có công việc thích hạp cho chú, một chân phụ trách an ninh cho lữ quán dưới Las Vegas chẳng hạn. Nếu chú muốn ra làm ăn, cần đến một số vốn thì cũng dễ, tôi có thể giới thiệu một nhà băng... Albert Neri nói thẳng:
- Về vụ công việc làm hay... mượn vốn thì tôi cảm ơn ông nhiều. Nhưng tôi xét chưa thể được nên tôi chưa dám nhận lời. Tôi muốn đền ơn ông lắm... nhưng còn cái án treo đó, tôi còn phải tự đặt mình dưới sự giám hộ của pháp luật. Vậy làm ăn không tiện chút nào...
- Ồ, cái vụ án treo thì huỷ bỏ đâu khó? Được, tôi sẽ có cách thu xếp cho cái "sổ vàng" của chú biến luôn... để sau này có làm ăn gì cũng dễ.
Bao nhiêu năm làm lính Albert còn lạ gì sự tai hại của "sổ vàng" cũng như tệ nạn đút lót để tiêu huỷ bằng hết án tích ghi trong tư pháp lý lịch? Trước khi tuyên án, ông toà nào chẳng lo đếm từng "phích" do Cảnh sát đệ nạp theo hồ sơ nên công việc hối lộ để tẩy uế sạch sẽ tư pháp lý lịch quả là một "ma nớp" sơ đẳng bậc nhất. Vấn đề làm nó bận tâm là không ngờ có người vui lòng chiếu cố đến nó, vận động, lo lót dùm nó. Vì vậy Albert cảm động nhận lời:
- Dạ, nếu vậy thì chừng nào cần đến... tôi sẽ nói để ông lo dùm.
Michael "OK" và dợm nhìn đồng hồ. Nó tưởng đâu đó là dấu hiệu "Hãy từ biệt là vừa" nên mau mắn đứng dậy, xin phép ra về. Nào ngờ Michael giữ lại:
- À, giờ cơm rồi. Tiện bữa chú dùng cơm với gia đình tôi chớ? Ông già tôi chắc muốn gặp chú lắm. Mà bà già tôi làm mấy món truyền thống Sicily thì phải biết, hôm nay chắc có món hột gà chiên xúc-xích rắc tiêu lên, thật nhiều tiêu! Cơm gia đình, chú chẳng phải vẽ vời từ chối. Mình chỉ bước mấy bước là tới phòng ăn, ở ngay nhà bên cạnh đây. Có lẽ chẳng bao giờ Albert Neri quên được bữa cơm đầu tiên trong gia đình Corleone. Lâu lắm rồi nó chưa được ăn một bữa cơm gia đình thân mật sung sướng như vậy. Có lẽ từ năm mồ côi cha mẹ, từ hồi nó 15 tuổi. Đâu thể ngờÔng-Trùm Corleone vui tính, tử tế đến thế? Làm như ổng vô cùng khoái chí nghe ông Albert kể lại gốc tích ở quê nhà: thì ra làngÔng-Trùm với làng ông già nó ở kề nhau, đi bộ cũng chỉ vài phút là tới!
Cơm ngon, rượu chát đúng gu, trò chuyện như pháo rang... điều làm Albert Neri cảm động nhất là cảm giác "đây mới đích thực là gia đình mình". Rõ ràng nó có cảm giác người nhà, con cháu nhà chớ chẳng phải là một người xa lạ, mới gặp gỡ lần đầu. Rõ ràng nó có ấn tượng có thể ở lại với gia đình này lâu dài, sung sướng... Khi về đích thânÔng-Trùm đưa nó ra xe, có Michael đi một bên. Ổng nắm tay nó nói:
- Mày được lắm, cháu! Thằng Michael đây... tao đã truyền nghề cho nó và bây giờ tao già rồi, tao muốn về hưu nghỉ ngơi. Nó có nói với tao chuyện "tai nạn" của cháu, nó muốn can thiệp dùm cháu. Tao bảo nó hãy cứ lo chuyện làm ăn buôn bán của mình cho xong đi đã thì nó có trình bày rõ ràng về trường hợp cháu bị chúng bỏ rơi, bội bạc tàn tệ như thế nào. Nó cứ nài nỉ nói mãi rốt cuộc chính tao cũng phải để ý đến. Nói vậy cho cháu hiểu là Michael đã biết người, lựa đúng người. Chừng gặp cháu tao thấy ngay là nó nhìn không lầm và sự can thiệp của tao không uổng, biết chưa? Vậy cháu muốn gì cứ việc nói ra, tao và Michael thế nào cũng giúp cháu thực hiện ý nguyện. Cháu hiểu chưa? Đã biết nhau thì cái gì cũng xong hết.
(Nhớ những lời ân cần, tử tế củaÔng-Trùm bữa đó, Albert Neri cứ tiếc hùi hụi. Phải chi trời cho ổng sống thêm ít ngày thì khoái biết mấy? Nó sẽ có dịp chứng minh là chính ổng nhìn người cũng không lầm và "đã biết nhau thì cái gì cũng xong hết!" Hẳn ổng sẽ khoái lắm thấy nó làm xong hết công việc, gọn ghẽ nội trong ngày hôm nay.)
Nội 3 ngày là Albert có quyết định dứt khoát. Làm gì nó chẳng biết gia đình Corleone kết týp người như nó? Cùng lúc đó nó cũng hiểu là hành động của nó bị xã hội lên án nhưng vói gia đình này thì đó lại là một việc nên làm, đáng làm. Xã hội đó coi nó ra gì đâu? Nhưng ở "giang sơn" nhà Corleone nó được trọng vọng, nó được hưởng thụ đích đáng. Vả lại xã hội Corleone tuy nhỏ bé nhưng có thực lực hơn nhiều.
Bữa sang thăm Michael, nó cho biết ý kiến ngay. Nó nhận làm, nhưng không phải ở Las Vegas mà ở ngay Nữu-Ước này. Vấn đề trung thành thì khỏi nói vì Michael biết rồi. Công việc làm được bàn tính xong ngay... nhưng trước khi làm nó được lãnh lương trọn tháng, xuống Miami ở lữ quán nhà ăn chơi miễn phí cho thoả thích đã. Đời nó có bao giờ được hưởng những ngày sống hách như vua chúa cỡ đó? Chỉ cần nói "bạn ông Michael" là được tôn xưng như thượng khách. Ăn ở miễn phí thật nhưng chẳng phải bị tống vô một căn phòng "bà con nghèo" bằng lỗ mũi mà là cả một dãy phòngdeluxe. Ông chủ câu lạc bộ trực thuộc lữ quán còn vui lòng giới thiệu cho vài ba em thật chiến cho nên du hý ở Miami về là Albert nhìn đời tươi đẹp hẳn lên.
Thoạt đầu Michael gởi nó vô băng Clemenza để lão xếp mập thử thách đã. Phải cải tạo kỹ càng, thận trọng huấn luyện lại lề lối làm ăn của nó vì lẽ giản dị Albert gốc cớm. Từ bên kia chiến tuyến nhảy qua bên này cú một chẳng phải chuyện dễ dàng nhưng với týp người bặm trợn của nó thì bên nào xét ra cũng vậy, nó vẫn là một thằng chơi dữ, xuống tay mạnh không hề ngần ngại. Chưa đầy một năm nó đã lập xongđầu danh trạng để chẳng bao giờ quay cổ trở lại nếp sống cũ được.
Còn "huấn luyện viên" nào cừ khôi bằng Clemenza? Lão hết lời ca ngợi và theo lão đánh giá thì Albert Neri quả là một "của hiếm", một phát giác thời buổi này không dễ gì kiếm! Nó không thua Luca Brasi ở điểm nào và còn có thể bảnh hơn nhiều! Nội sức mạnh tuyệt vời và phản ứng thần tốc, chính xác của nó cũng đã ngon lành không thua vuabaseball Joe DiMaggio. Nó là thứ ngựa hay, nhưng cũng là ngựa chứng mà xếp Clemenza tự nhận là cầm cương không nổi. Phải đặt nó trực thuộc Michael, với Tom Hagen làm trái độn.
Vì là thứ nhân viên đặc biệt nên Albert cũng lãnh lương thật đặc biệt, dù chưa phải cỡ được chia chác cơ sở làm ăn riêng là một sòng bài, bao đề hay một cơ sở để lãnh "tiền bảo vệ". Đối với ông chủ Michael, nó cho thấy cả một sự ngưỡng mộ thực tình nên có lần Tom Hagen đã nửa đùa nửa thực bảo:
- Ông già có Luca Brasi... thì mày có Albert Neri rồi đó!
Michael gật đầu. Albert Neri là thằng nó không đào tạo ra nhưng chắc chắn sẽ trung thành cho đến chết. Đó là bí quyết đích truyền củaBố-Già! Những ngày theo bố "học nghề" có lần Michael hỏi thẳng:
- Tại sao bố có thể dùng một thằng hung ác như Luca Brasi? Tại sao nó thần phục bố đến thế? Ông-Trùmkhông ngần ngại cắt nghĩa cho thằng con:
- Trên đời này có những thằng liều mạng đến độ chỉ mong có người ra tay giết dùm. Mày phải để ý. Đó là những thằng vô đám bạc là gây gổ đập lộn, lỡ bị đụng xe sây xát cây cản chút xíu cũng nhào xuống đòi ăn thua đủ, chưa biết đối phương là ai thế lực cỡ nào cũng cứ hạ nhục bừa, hùng hổ láo. Đã trơ thân cụ lại cố tình chọc giận cả đám cô hồn. Làm như nó chơi vậy để thử coi có dám giết nó không vậy! Dĩ nhiên là trước sau thế nào chẳng có thằng sẵn lòng cho nó được như ý? Những thằng muốn chết cách đó xã hội này không thiếu. Đó là những phần tử nguy hiểm... làm hại lây nhiều người khác.
Thằng Luca Brasi ngang ngược vậy đó... mà bao nhiêu lâu sau chẳng thằng nào giết được nó. Vì nó hung dữ đặc biệt thiên hạ lo né không! Dùng được nó như một món võ khí thì còn gì lợi hại bằng? Bí quyết là ở chỗ nó đã không sợ chết, nó đã dám coi chết như không thì mày phải làm cách nào cho nó tin rằng mày là người duy nhất trên đời này không muốn giết nó, dù có thể giết được! Nó không sợ chết... nhưng chỉ sợ mày ra tay giết nó. Cái đó nó sợ nhất. Chừng đó thì nó hoàn toàn là người của mày.
Bí quyết đóÔng-Trùm truyền cho Michael trước khi chết và sau đó nó đã ứng dụng liền để có một Albert Neri.
Cũng vì bí quyết đó nên Albert Neri hoan hỷ ngồi nhà, cắm cúi chải rõ sạch bồ đồ lính lâu không rớ tới. Chải quần áo xong mới tới dây lưng bao súng. Cái nón kết cũng phải chùi cho láng chỗ vành, rồi mới đến đôi giày da đen thô lỗ. Công việc thật giản dị nhưng Albert để hết tâm trí vô. Vì nó cho là đã chọn đúng người đúng việc. Trên đời này mấy ai tin nó bằng Michael Corleone? Hôm nay nó sắp chứng minh ai tin nó sẽ không thất vọng.