Cổ Chung Trường là trung tâm Dạ Oa Tử, cũng là chốn náo nhiệt nhất, đó là một quần thể kiến trúc quây quanh lầu chuông thành ra một đại quảng trường, nơi hợp điểm của bốn đường phố lớn. Tiền thân của Biên Hoang Tập là Hạng thành trước kia không có quảng trường này, là do Trác Cuồng Sinh thuyết phục các đại bang hội dỡ bỏ xung quanh lầu chuông hơn chục tòa nhà gác, đem lát lại bằng đá hoa cương, Cổ Chung Trường bèn trở thành trung tâm của Biên Hoang Tập, thành ra thánh địa của những kẻ lưu lãng thiên hạ và những hoang nhân có máu mặt ở Biên Hoang Tập.
Đám lãng nhân kiếm sống nhờ bán nghệ, nếu chưa một lần qua Cổ Chung Trường bán nghệ kiếm tiền, coi như còn chưa đủ tư cách đàm luận.
Cổ Chung Trường đèn lồng treo cao, trong ánh sáng rực rỡ của hàng vạn ngọn đèn màu, chẳng ai còn thiết nhìn ánh trăng sao mờ nhạt.
Hơn mười tòa lều trướng lớn giống như những tòa núi nhỏ làm tăng thêm cảm giác mênh mông của quảng trường. Vô số hàng quán sắp đặt tề chỉnh, bày bán đủ thứ hàng hóa kỳ hình quái trạng, lại còn các loại nghệ nhân lang thang một mình hoặc tập hợp thành nhóm nhỏ biểu diễn các trò vui, người xem xúm xít, chỉ trỏ khen ngợi hàng hóa hay trò diễn, đông như nêm cối, cứ như toàn thể dân chúng Biên Hoang Tập đều đã kéo cả tới đây, nhộn nhịp còn hơn tiết xuân Nguyên tiêu.
Yến Phi than: "Nếu không chính mắt chứng kiến, chắc chắn không ai tin là Biên Hoang Tập lại sôi động đến như thế này".
Cao Ngạn lên mặt lão luyện, với giọng dạy dỗ hậu bối: "Có gì kỳ quái chứ? Phàm đã có chỗ kiếm tiền, tất sẽ có người bu tới. Huống chi dân Biên Hoang lại hào sảng chịu chi nhất trong thiên hạ, bổn nhân đây chính là loại người như thế đấy. Không đến đây thì đến đâu hơn chứ?".
Hai người theo làn sóng người đưa đẩy dần dần đi đến lầu chuông, Yến Phi như đã quen với sự náo nhiệt của Cổ Chung Trường, nhạt giọng nói: "Nghe nói ngươi khi không còn tiền đi thanh lâu thường đến đây bày bán cổ tịch cổ ngoạn đưa từ phương Bắc về phải không?".