Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 44: Minh tranh ám đấu


Chương trước Chương tiếp

Cung thành nam Tấn nằm ở khu bắc đông thành thuộc Kiến Khang, còn gọi là Đài Thành, có câu "Thiên tử cư xứ cấm giả vi đài", nghĩa là nơi thiên tử cư ngụ không được dựng đài, từ đấy có tên Đài Thành.

Đài Thành lưng tựa vào núi Phục Chu, Kê Lung, phía trước nhìn ra Ngưu Thủ sơn, có hai lớp tường thành, vòng tường nội cung dài năm dặm, ngoại cung dài tám dặm, cung Kiến Khang nằm bên trong.

Vòng quanh thành có hào, rộng năm trượng, sâu bảy thước. Đại môn ở chính giữa tường ngoài gọi là Đại tư mã môn, những người có việc tâu lên, đều phải quỳ tại đây chờ, vì vậy cũng gọi là Chương môn.

Đại tư mã môn đối xứng với nam đại môn của đô thành tên gọi là Tuyên Dương môn, nối liền bằng ngự đạo, hai bên đường ngự đạo đào hai dòng kênh, gọi là ngự câu, trên bờ trồng hòe liễu.

Từ Tuyên Dương môn về phía nam, một đường ngự đạo khác dài năm dặm nối với Chu Tước kiều. Bảy dặm đường ngự đạo nối thông trục đường chính của đô thành, ngoài ra đường ngang ngõ tắt cứ dựa vào đó mà phát triển.

Đô thành nam Tấn bất luận cung thành hay những chốn thấp kém khác, cho đến cả thành bảo vệ như Thạch Đầu Thành, đều lợi dụng đồi núi thiên nhiên hay thủy đạo, phát huy cao nhất khả năng phòng ngự, điều này cũng phản ánh hoàn cảnh nam Tấn đang đối kháng với bắc phương Hồ tộc, lại thêm đấu tranh nội bộ kịch liệt cùng tình hình hỗn loạn trong xã hội.

Tư Mã Diệu cư trú trong cung thành này, xa xa là khu cung điện, càng có thể phát huy lực lượng phòng thủ đến mức tối đa trong chiến tranh.

Sự an nguy của Đài Thành quan hệ đến toàn bộ sự tồn vong của chính quyền.

Đối với Hoàn Huyền mà nói, nếu có thể xâm nhập vào Đài Thành, coi như đã khống chế thiên hạ của nam Tấn, phối hợp với lực lượng hai châu Kinh, Dương, Bắc Phủ binh của Tạ Huyền khi đó muốn làm gì cũng chẳng đủ sức.

Nếu ở địa vị Tạ Huyền, tất nhiên cần phải tận lực ngăn không để Kiến Khang rơi vào tay Hoàn Huyền.

Trong tình hình như vậy, Tạ Huyền ngược dòng công đả Kinh Tương thì rất khó khăn, Hoàn Huyền thuận dòng tiến công Kiến Khang thì thuận lợi, cho nên từ thời nam Tấn trở lại đây, nhìn chung quyền chủ động nằm trong tay quân phiệt tại Kinh Châu, Kiến Khang nằm ở hạ du lại bị hãm vào thế kém, bị động.

Tạ An cùng với xe ngựa và đám tùy tùng mặc toàn y phục đen, ruổi ngựa chạy thẳng vào Đại tư mã môn, địa vị của ông tôn kính, không cần chờ ở Đại tư mã môn, tự khắc có người phi báo cho Tư Mã Diệu.

...



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...