Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 12: Tần Hoài chi nguyệt


Chương trước Chương tiếp

" Phấn đại giang san, lưu đắc bình hồ yên vũ.

Vương hầu sự nghiệp, đô như nhất cục kỳ bình".1

Tống Bi Phong cùng nhóm vệ sĩ tùy thân quen thuộc của Tạ An đồng thời dừng bước, mỗi lần Tạ An tới tòa Vũ Bình đài nổi tiếng nhất trong Tần Hoài lâu này đều do dự cảm thán trước đôi liễn treo tại môn khẩu này.

Trong đám duy chỉ có Tống Bi Phong hiểu được nỗi niềm của Tạ An. Hắn theo Tạ An từ khi ông còn ẩn cư ở Đông Sơn, hiểu rõ tâm tình ông biến đổi ra sao, biết rõ thâm tâm ông không muốn xuất sơn mà chỉ muốn được vui hưởng lạc thú tiêu dao sơn thủy. Trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ở Đông sơn, tâm tư điềm tĩnh, cao nhã, nhàn hạ so với hiện thời tại triều đình lừa gạt lẫn nhau, mỗi ngày đều phải minh tranh ám đấu ngươi sống ta chết, thật quả chẳng còn gì để mà nói! Tạ An thấy đôi liễn này đương nhiên phát sinh cảm xúc.

Tống Bi Phong năm nay bốn mươi lăm tuổi, là đệ nhất cao thủ trong các gia tướng Tạ phủ, kiếm pháp không hề kém sút so với các Cửu phẩm cao thủ, chỉ vì xuất thân hàn môn mới không được liệt danh trên bảng, là một nhân tài đủ sức gào mưa thét gió thiên hạ, chỉ vì Tạ An có đại ân với gia tộc của hắn, cũng vì ngưỡng mộ nhân cách mà cam lòng trở thành cao thủ hộ vệ cho ông.

Nhiều năm qua, các phe phái cử thích khách tới hành thích Tạ An, tối hậu đều không qua được cửa quan của hắn, ba chữ Tống Bi Phong trong võ lâm Kiến Khang xác thực rất có cân lượng, không kẻ nào dám không kêu anh hùng hảo hán. Tống Bi Phong suốt đời chuyên chí kiếm đạo, tới giờ vẫn còn độc thân, sinh hoạt giản dị khắc khổ, rất được Tạ An coi trọng, xem như bằng hữu.

Quả nhiên Tạ An muốn đi lại dừng, ngưng thần ngắm đôi câu đối, phất tay áo than: " Thu phong xuy phi nhứ, linh lạc tòng thử thủy.

Phồn hoa hữu tiều tụy, đường thượng sanh kinh kỷ.

Tưởng đương niên Tần Hoàng Hán Võ, hoàng đồ bá nghiệp kim hà tại?".

(Tạm dịch: sợi tơ bông bay theo gió thu, bắt đầu kiếp lưu lạc từ đây. Cảnh phồn hoa rồi cũng thành hoang tàn, cỏ dại mọc trong cung điện. Nhớ Tần Hoàng Hán Vũ năm xưa, hoàng đồ bá nghiệp nay ở đâu?)

Tống Bi Phong hạ giọng nói: "Đại nhân đêm nay trùng trùng tâm sự, phải chăng vì thắng bại của cuộc chiến chưa tính được?".

Tạ An lui lại một bước, đưa tay đặt lên bờ vai rộng mạnh mẽ của Tống Bi Phong, trên mặt lộ ra vẻ mệt mỏi chưa từng thấy, cất giọng khàn đục nói riêng vào tai hắn: "Vừa rồi cưỡi thuyền tới đây, ngắm nhìn cảnh đèn lửa huy hoàng phồn hoa hai bên bờ, tự dưng cảm thấy vô cùng cô độc, Bi Phong! Ta già rồi chăng?".

Một ý nghĩ bất ổn lướt nhanh qua đầu Tống Bi Phong, hắn trầm giọng nói: "Đại nhân vĩnh viễn không già".

Tạ An cười ha hả, gật đầu nói: "Trừ phi đúng là có đan dược cải lão hoàn đồng, bằng không ai mà không già?".

Chợt có tiếng đàn sầm sập từ lầu cao truyền xuống, nhanh chậm nặng nhẹ như tới như lui, khi như từ ngàn dặm xa xôi vọng tới, khi như y phục lất phất trong gió nhẹ, biến ảo phong phú, như tiếng sóng xô trên dòng Tần Hoài đưa tới.

Tạ An yên lặng nghe một lát, gật đầu cười nụ nói: "Nữ nhi ngoan ngoãn của ta cầm kỹ đã đến mức tâm thủ như nhất rồi, giống như Triệu Tử Long trong đám thiên quân vạn mã khắc địch dễ như lấy đồ trong túi, tùy ý mà làm. Nếu Tần Hoài không có Kỷ Thiên Thiên, giống như đêm tối thiếu vầng trăng sáng, không còn cảnh sắc thiên hạ. Có ý nghĩa! Có ý nghĩa!".

Nói xong bước lên trước, trèo lên lầu.

Cổng thành mở rộng, Hoàn Huyền một mình cưỡi ngựa phi lên trước, năm trăm tinh kỵ ầm ầm theo sau, chuyển sang quan đạo dẫn tới Giang Lăng.

Một khi đã quyết tàn nhẫn, dã tâm như lang sói của Hoàn Huyền liền như thác núi đổ xuống, đã phát ra là không thể thu lại, dù nửa khắc thời gian cũng không thể chờ được, lập tức suốt đêm chạy tới Giang Lăng.

Từ nhỏ tới giờ, người hắn sùng bái nhất là phụ thân, lại càng hận vì chuyện ông ta mười phần được chín lại bỏ dở, không kịp nắm lấy cơ nghiệp từ trong tay họ Tư Mã.

Hoàn Ôn cao lớn uy vũ, văn võ toàn tài, phong tư hùng vĩ, đảm lược phi phàm, trước làm thứ sử Từ Châu, kế đó được phong làm An Tây tướng quân, Kinh Châu thứ sử, coi việc quân sự Kinh, Lương và Tứ Xuyên, lập tức đem theo một vạn quân xuất phát từ Giang Lăng, ngược dòng mà tiến, qua Tam Hiệp, thẳng tiến tới Thành Đô, lấy nhược thắng cường, năm đó đại phá quân Thục Hán, bình định đất Thục. Trận này khiến Hoàn Ôn vang danh thiên hạ, liền quyết thừa thế tiến quân bắc phạt.

Tháng hai năm thứ mười niên hiệu Vĩnh Hòa, Hoàn Ôn mang năm vạn quân xuất phát từ Giang Lăng, trực chỉ Quan Trung thảo phạt lực lượng mạnh nhất đương thời của Tần chủ Phù Kiện, chính là thúc phụ của Phù Kiên hiện nay. Người này tự mình phát triển thế lực, kiến lập Đại Tần, tự xưng là Thiên vương Đại Thiền Vu.

Uy thế của Hoàn Ôn quả bất khả đương cự, một mạch quá quan chém tướng, công chiếm Thượng Lạc, trực đáo Thanh Nê, đại phá quân Tần tới nghênh chiến, tiến tới đóng quân tại Bá Thượng. Phù Kiện bị bức bách phải lui về Trường An dựa vào thành cao hào sâu cố thủ.

Khi đó Hoàn Ôn bị Tấn thất cố ý gây trở ngại, không cấp đủ lương thảo, không thể không ban sư kéo về Tương Dương, công cuộc bắc phạt vĩ đại vì vậy đành phế bỏ. Sau đó hai lần nữa kéo quân bắc phạt nhưng không làm được chuyện gì đành kéo về.

Năm thứ mười hai niên hiệu Vĩnh Hòa, Hoàn Ôn do công lao được phong làm thị trung, đại tư mã, đô đốc quân sự cả trong lẫn ngoài, một mình coi việc triều chính, phế Tấn đế Tư Mã Dịch, lập Tư Mã Dục làm vua.

Niên hiệu Trữ Khang năm đầu tiên, Hoàn Ôn dâng sớ xin được gia lễ "cửu tích". Đây là vinh hiển mà quyền thần các triều trước từng được hưởng. Nhờ Tạ An, Vương Thản Chi tận lực trì hoãn, không lâu sau Hoàn Ôn vì bệnh mà chết, chuyện này liền bị bỏ mặc đấy. Sau khi Hoàn Ôn chết, dư thế vẫn còn, Hoàn gia vẫn hưng thịnh quý hiển vô luân, nắm giữ binh quyền ở Kinh Châu.

Trên Vũ Bình đài, Tạ An đứng tựa vào song cửa, mục quang hướng xuống dòng Tần Hoài chảy xuôi dưới chân lầu, hai bên bờ đèn lửa huy hoàng hắt lên những ngọn sóng lấp lánh.

Tiếng đàn Kỷ Thiên Thiên từ phía sau truyền lại, mang tới cảm giác dịu dàng chưa từng có, phảng phất như từ trong đám sương mù bao phủ dày đặc Tần Hoài, nhìn thấy quầng trăng vàng óng, vừa nhẹ nhàng thanh thản, lại như ngậm cười rơi lệ, Tạ An vốn tâm sự trùng trùng, Kỷ Thiên Thiên sao khác được.

Tiếng đàn cuồn cuộn xuyên thấu hư không thanh khiết đầy ắp thâm tình, thấp thoáng lãng đãng trôi xa, ung dung miêu tả vầng trăng sáng trong trời đêm, vằng vặc chiếu xuống hai bên bờ Tần Hoài phồn hoa mà tiều tụy.

Tạ An mở rộng cõi lòng, để mặc cho tiếng đàn ôn nhu của vị tuyệt thế mỹ nữ này tiến nhập vào nơi sâu thẳm trong trái tim, tâm tư nổi lên như triều dâng, tơ tình thật là khó dứt.

Còn nhớ sau khi Đông Sơn khởi phục, có người chê ông " xử tắc vi viễn chí, xuất tắc vi tiểu thảo" (tạm dịch: ở nhà mang chí cao xa, xuất thế lại như ngọn cỏ), câu phúng dụ này có xuất xứ từ một loại dược thảo, có phần thân ngầm dưới đất gọi là "viễn chí", phần lộ ra ngoài gọi là "tiểu thảo". Dùng lời này để ám chỉ Tạ An khi ẩn cư ôm chí lớn, khi ra làm quan cũng là hạng tầm thường như tiểu thảo, nhưng mà làm được gì chứ? Câu chuyện này ông chỉ coi như trò đùa, không để vào lòng mảy may. Không biết làm sao đêm nay lại nhớ đến nó, chẳng lẽ vì thời khắc để chứng minh ông là "tiểu thảo" hay là "viễn chí" đã đến rồi?

Bề ngoài tuy nói mạnh cuộc chiến này không cần quan tâm, sự thực là trong lòng ông ẩn chứa một trái tim nặng trĩu, chiến sự tuy do Tạ Thạch, Tạ Huyền phụ trách, ông vẫn là người có trách nhiệm tối cao và tối hậu đối với cuộc chiến này, vì chuyện này ông cần phải tiếp tục thi hành sách lược lấy hòa bình để trấn trị, sắp xếp thực hiện kế hoạch đã tính sẵn, tựa hồ mọi cái đều nằm trong dự liệu, dùng điều này cảm nhiễm Tạ Huyền, Tạ Thạch và cả quân dân triều đình nhà Tấn ở Kiến Khang thành. Dụng tâm của ông chỉ có vị nghĩa nữ hồng nhan tri kỷ Kỷ Thiên Thiên đang ngồi tấu đàn kia mới có thể minh bạch, sở dĩ vậy nên đêm nay tiếng đàn của nàng mới lộ xuất tình yêu thương chưa từng có trong dĩ vãng, tác động sâu sắc đến ông.

"Tranh, tranh, tranh, tranh!".

Cầm âm chợt biến đổi, biến thành lực đạo vạn quân, trầm hùng bi tráng, như thiên quân vạn mã trùng điệp chốn sa trường, trong ầm vang tiếng trống trận tiến công, Kỷ Thiên Thiên ca:

"Biên thành đa cảnh cấp, lỗ kỵ sổ thiên dị.

Vũ hịch tòng bắc lai, lệ mã đăng thành đê.

Trường khu đạo Hung Nô, tả cố lăng Tiên Ti.

Khí thân phong nhận đoan, tính mệnh an khả hoài?

Phụ mẫu thả bất cố, hà ngôn tử dữ thê.

Danh biên tráng sĩ tịch, bất đắc trung cố tư.

Quyên khu phó quốc nạn, thị tử hốt như quy".

(Tạm dịch: Biên thành nhiều tin báo khẩn cấp, kỵ binh của giặc đang ầm ầm di chuyển. Thư khẩn từ phương bắc đưa về, lập tức chuẩn bị ngựa sẵn sàng. Trước đạp nát Hung Nô, sau đuổi đánh Tiên Ti. Xả thân đầu mũi giáo, tính mệnh đâu mong toàn. Phụ mẫu còn không thể chiếu cố, nói chi đến thê nhi. Mang danh thân tráng sĩ, nào nghĩ chuyện riêng tư. Hy sinh vì quốc nạn, xem chết tựa như về ).

Sau mấy khúc huyền âm rung động lòng người, tiếng đàn bỗng ngừng lại, nhưng dư âm vẫn quanh quẩn không dứt.

Lời bài ca nói trên vốn là tác phẩm của thi sĩ nổi danh thời Tam quốc Tào Thực "Bạch mã thiên", miêu tả một vị du hiệp thiếu niên vũ công cao cường, tình hoài tráng nhiệt, lời ca mang đầy phong vận Dịch thủy bi ca, sung mãn hào tình tráng sĩ một đi không trở lại, qua giọng ca ngọt ngào của Kỷ Thiên Thiên uyển chuyển phóng túng diễn dịch hết sức trong sáng, khiến nơi nơi chứa chan tình cảm khích lệ, buồn mà không thương. Một cảnh tượng tráng liệt được nàng diễn tả lưu loát bằng phương thức độc đáo, bề ngoài cương quyết không nhượng bộ, lại mang theo tình thương yêu coi nhẹ nhàng mà kỳ thực hết sức sâu sắc.

Tạ An động dung quay người, vụt nói: "Hát hay lắm".

Bên trong sảnh đường bố trí cao nhã, Kỷ Thiên Thiên ngồi tĩnh tọa một bên, bàn tay ngọc thanh mảnh đẹp đẽ vẫn đặt trên cây đàn, cặp mắt sáng nhu mì mang chút vẻ hoang dã giống như những viên bảo thạch từ đại dương sâu thẳm chiếu ra những tia sáng long lanh đang nhìn ông, cầm khúc đắm đuối nức nở vừa rồi còn chưa lắng hẳn, dịu dàng nói: "Lão nhân gia, người khóc? Tại sao người phải khóc?".

Mỗi lần Tạ An nhìn thấy vị tài nữ được coi là đệ nhất Tần Hoài này, liền nhớ lại cảm giác kinh ngạc và hâm mộ lần đầu gặp nàng, hoàn toàn không liên quan đến tư dục nam nữ, mà lại giống như niềm hân hoan khi thưởng lãm danh sơn thắng cảnh, ngoại trừ thiên sinh lệ chất cùng tư dung tú mỹ không gì sánh bằng, ở Kỷ Thiên Thiên tính cách khí chất linh xảo hoạt bát càng làm xiêu lòng người. Nàng tuyệt không phải loại nữ tử

cần người khác thương xót, cần có nam nhân đùm bọc thương yêu, sự thực so với đại đa số tu mi nam tử còn kiên cường hơn, trời sanh tính cách quật cường vĩnh viễn không chịu cúi đầu, vĩnh viễn không thỏa hiệp thay lòng. Cầm kỹ của nàng cố nhiên danh lừng Giang Tả, kiếm thuật cũng đại đại hữu danh. Những kẻ quyền quý ở đô thành Kiến Khang muốn cùng nàng tương kiến, mặt nào đấy chỉ thấy được tâm tình tiểu thư của nàng.

Mỹ nữ không biết sợ trời sợ đất này, hoa dung tú lệ vô luân, mái tóc đen đẹp đẽ rủ xuống để lộ cặp mắt to sâu thẳm nhu mì, da trắng như tuyết, nhất cử nhất động đều biểu lộ muôn hình ngàn vẻ, có thể là nhiệt tình hăng hái, lại cũng có thể lạnh như băng sương. Tạ An mơ hồ cảm giác nàng hoàn toàn không như bề ngoài, cam lòng làm một danh kỹ đệ nhất Tần Hoài bán nghệ không bán thân để sinh nhai, mà vì mong chờ sự xuất hiện một nhân vật hay sự kiện kinh tâm động phách nào đó.

Sảnh đường rộng rãi sang trọng chỉ có hai người họ để hết tâm trí nghe tiếng sóng vỗ êm êm hai bên bờ Tần Hoài.

Vẻ đẹp như chim sa cá lặn mà chính nàng không để ý, cùng với sống mũi thẳng tắp rất quý tộc của Kỷ Thiên Thiên khiến cho bất kỳ nam tử nào cũng tự thẹn hình dung xấu xí, giống như cặp môi thơm đầy đặn hồng thắm có khả năng câu hồn nhiếp phách kẻ ngưỡng mộ, những bước chân nhàn nhã hữu lực, thần thái cao ngạo mà tha thướt yêu kiều lại khiến người ta cảm giác nàng tới lui tự do tùy tiện, chẳng hề thuộc về bất kỳ một cá nhân nào.

Y phục của nàng gồm áo vạt bên phải, tay áo rộng, quần dài màu hoàng yến, lưng thắt một dải bạch đới, tóc búi cao, không chút son phấn và đồ trang sức, thế nhưng hình thể tươi đẹp của Kỷ Thiên Thiên lại khiến nàng có thể ngạo thị quần phương, vượt hẳn tục nhân.

Tạ An tới gần bên nàng, chợt ngồi xuống, không trả lời thẳng vào vấn đề mà nói: "Trị thế chi âm an dĩ nhạc, kỳ chính hòa; loạn thế tri âm oán dĩ nộ, kỳ chính quai; vong quốc chi âm ai dĩ tứ, kỳ dân khốn" (tạm dịch: âm nhạc trị thế an lạc, mong chính sự hòa, âm nhạc loạn thế thì giận dữ, cầu chính sự đảo ngược, âm nhạc vong quốc buồn nhớ, làm dân khốn cùng), những điều này chỉ là thiên kiến của lũ hủ nho. Nghĩa phụ lại cho rằng nhạc khúc chỉ cần xuất phát từ tình cảm đã thành giai phẩm, giống như điệu đàn tiếng hát của Thiên Thiên, căn bản không phải để ai bình phẩm, mà thuộc về Tần Hoài đêm trăng sáng, lời ca tiếng đàn gợi nên tình cảm mênh mang, trong sóng nước ôn nhu âm thầm và mạnh mẽ vỗ vào đôi bờ phồn hoa, dư âm còn phảng phất như chiếu lên bờ sông, ánh xạ trên từng ngọn sóng".

Kỷ Thiên Thiên đứng dậy, rót rượu vào ly cho Tạ An, một nét cười tựa như ánh dương quang thấu qua mây đen xuất hiện, vui vẻ nói: "Nghĩa phụ nói thật là hay, để chúng ta quên đi mọi phiền não trên thế gian này, Thiên Thiên kính lão nhân gia người một chén".

Hai người chạm ly đối ẩm.

Tạ An cười ha ha, đặt ly xuống, hân hoan nói: "Ta thường hoài nghi, thế gian chẳng lẽ có nhân vật khiến nhi nữ ngoan của ta xiêu lòng sao?".

Kỷ Thiên Thiên bất ngờ mở to mắt, kiều mị tới mức khiến con tim ông nảy lên, nhẹ nhàng nói: "Chí ít cũng có nghĩa phụ khiến nữ nhi khuynh tâm mà. Cần gì bắt Thiên Thiên tìm kẻ nào cao không với tới phải không?".

Tạ An tức cười nói: "Nếu thời gian quay trở lại, nghĩa phụ vẫn còn trẻ tuổi tuấn tú, nhất định không chịu bỏ qua mà bái dưới quần hồng của Thiên Thiên".

Đi sau thống khổ là tư vị của khoái lạc. Hầu như trong đám vương tôn công tử phát điên phát rồ vì Thiên Thiên trong thành Kiến Khang, cho đến hiện giờ vẫn chưa có kẻ nào lọt vào mắt xanh của nàng. Nghe đâu ngày hôm qua bọn Tư Mã Nguyên Hiển vì làm náo loạn gây phiền phức cho Thiên Thiên, kết quả là không còn chút mặt mũi nào bỏ đi, trở thành chuyện đàm tiếu ở Kiến Khang.

Tư Mã Nguyên Hiển là trưởng tử của Tư Mã Đạo Tử, cậy vào kiếm thuật được chân truyền từ Tư Mã Đạo Tử, gia thế hiển hách, kéo bè kết đảng hoành hành bá đạo ở Kiến Khang, người người đều nể sợ.

Kỷ Thiên Thiên nét mặt lộ vẻ coi thường, như không có chuyện gì nói: "Đa tạ nghĩa phụ quan tâm Thiên Thiên, xin người đừng nhắc đến tên gã để khỏi làm mất hứng đêm nay".

Tạ An cười nhẹ: "Ngày mai ta sẽ sai người tới bảo Tư Mã Đạo Tử, nói hắn phải quản giáo nhi tử, không được quấy rầy con gái ngoan của Tạ An ta".

Kỷ Thiên Thiên cúi đầu không nói gì.

Tạ An ngạc nhiên nói: "Thiên Thiên còn có tâm sự gì sao?".

Kỷ Thiên Thiên ngẩng đầu nhìn lên, trong mắt hiện vẻ u buồn, nhẹ nhàng nói: "Thiên Thiên đang lo lắng rồi đây! Nghĩa phụ xưa nay chưa từng bao giờ trực tiếp xen vào công chuyện của Thiên Thiên, lần này khiến nữ nhi cảm thấy chuyện không phải tầm thường".

Tạ An cười nhẹ: "Người ta ai cũng muốn có sự thay đổi, sẽ tùy thời thế mà thay đổi. Nhiều năm nay, nghĩa phụ luôn theo đuổi hoàng lão chi thuật, thanh tĩnh chí hư, giữ

mình khiêm cung, không ngờ hiện tại lại thành ra tập trung quân chính đại quyền vào tay, quyền lực là thứ vô cùng nguy hiểm, thịnh quá rồi sẽ đến suy, không có lấy một ngày yên ổn, vì vậy mới nhân cơ hội hiện tại còn chút năng lực vì Thiên Thiên làm bớt đi chuyện nhọc lòng".

Kỷ Thiên Thiên tấm thân mảnh dẻ khẽ run rẩy, trầm ngâm khá lâu, thổn thức nói: "Nghĩa phụ chẳng lẽ muốn nhắc nhở nữ nhi sao?".

Tạ An gật đầu nói: "Trận này nếu bại thì chẳng nói làm gì, nhược may mắn mà thắng, Kiến Khang sẽ biến thành nơi không ở lâu được, với ta và con đều như thế. Ngày trước nghĩa phụ rời Đông Sơn trở lại triều đình, đành từ giã đời sống tiêu dao nơi sơn dã, cũng chỉ vì không có chọn lựa nào khác. Hiện tại vì quyền vị tối cao mà nhụt chí muốn lui, nhưng cũng không thể như ý, là vì vinh nhục của gia tộc".

Kỷ Thiên Thiên lộ vẻ sùng bái trong cặp mắt đẹp, dịu dàng nói: "Nghĩa phụ là người phi thường, tất có trí tuệ phi thường, Thiên Thiên đã thụ giáo rồi! Nhất định không dám sơ thất".

Tạ An khẽ than: "Bất luận kẻ nào đương chính, cũng không dám bắt bí Tạ gia chúng ta, một ngày Tạ Huyền còn tại vị, kẻ nào to gan bằng trời trước khi đối phó Tạ gia cũng phải suy đi nghĩ lại kỹ càng. Ta chỉ duy nhất không an tâm về cô con gái ngoan ngoãn này thôi".

Kỷ Thiên Thiên hai mắt hồng lên, cúi đầu nói: "Nghĩa phụ không cần lo lắng, ngày mà lão nhân gia người ly khai Kiến An, cũng là lúc nữ nhi thượng lộ. Không có nghĩa phụ, Kiến Khang chẳng còn gì khiến nữ nhi lưu luyến nữa".

Ngữ điệu trong giọng nói của Tạ An, phảng phất có tư vị của lời di ngôn, khiến con tim nàng run lên, khơi lên một cảm giác hết sức bất tường. truyện được lấy tại TruyenFull.vn

Sau khi Đại Tấn nam thiên, Vương Đạo và Tạ An là hai vị lưỡng triều hiền tướng, cùng nhau vì Đại Tấn kiến lập cục diện ổn định, trong thời gian phát sinh loạn Vương Đôn và loạn Tô Tuấn, từng mang quân vây công Kiến Khang, gây ra nạn lớn, tuy rằng đã dẹp được loạn, nhưng Tấn thất nguyên khí thương tổn nặng nề, toàn là do Tạ An rời nơi ẩn dật, làm chủ triều chính, làm cho Tấn triều đạt được cục diện trên dưới một lòng đoàn kết chưa từng có, tình huống phát triển tốt đẹp này lại vì đại quân Phù Kiên kéo đến, Tấn thất đối với quyền thần đại tướng mang lòng nghi kỵ mà tan vỡ hoàn toàn. Tạ An là người nhìn xa trông rộng hiếm có trong gần trăm năm nay, mặc dù dự kiến Tần quân Phù Kiên nam lai, cũng hiểu rõ hình thế biến hóa sau chiến cục thắng hoặc bại, sớm đã có dự liệu, không hề kỳ vọng, cũng không mất hy vọng, chỉ cứ người thực việc thực nói điều đáng nói.

Kỷ Thiên Thiên đối với tâm sự của ông còn hiểu rõ hơn Tạ Huyền hay Tạ Thạch, cũng cảm thấy nỗi bi ai và sự bất lực của ông đối với Đại Tấn.

Nàng hạ giọng nói: "Nghĩa phụ với việc Đông Sơn tái phục phải chăng có điều hối hận?".

Tạ An mỉm cười: "Nhiều năm nay, mới có người dám hỏi ta câu này. Ta hối hận chăng?".

Song mục lộ vẻ xa xôi, thở dài, ngưng lại trong im lặng.

Đúng như Tạ An đã nói, ông căn bản không được chọn lựa, năm đó mấy người anh em họ của ông Tạ Thượng và Tạ Dịch kế tiếp nhau qua đời, thân đệ Tạ Mặc binh bại bị phế thành thứ dân, Tạ Thạch quyền vị không cao, nếu lấy tài năng của ông ta mà xét, sợ cũng khó làm nên chuyện lớn, nếu ông không chịu đại biểu cho Tạ gia ra làm quan, Tạ gia sẽ thiếu người kế tiếp, trở thành suy môn, vì toàn thể Tạ gia vinh nhục thăng trầm, ông không thể đứng ngoài.

Kỷ Thiên Thiên nhẹ nhàng: "Để nữ nhi lại tấu một khúc cho nghĩa phụ giải sầu được không?".

Tạ An đang muốn kêu "hảo", còn muốn uống thêm mấy ly, thanh âm Tống Bi Phong đã từ ngoài cửa vọng vào: "Bẩm đại nhân, Tư Mã Nguyên Hiển cầu kiến Thiên Thiên tiểu thư".

Thiên Thiên nghe vậy, lông mày nhăn tít. Tạ An không vui nói: "Hắn chẳng lẽ không biết ta đang ở đây?".

Tống Bi Phong nói: "Thẩm lão bản đã nói rất rõ ràng, Nguyên Hiển công tử vẫn kiên trì đòi mang một phần lễ vật dâng lên Thiên Thiên tiểu thư, nói là để bồi tội".

Tạ An lạnh lùng nói: "Nếu hắn không chịu mang lễ về, hãy mời đám người mang lễ của hắn bò ra ngoài. Ngươi hãy nhớ một điều, nhắc lại thật rõ không được để thiếu một lời nào ta đã nói, ngoài ra tất cả do ngươi lo liệu, chỉ cần đừng đả thương tính mệnh hắn là được".

Tống Bi Phong không nói một lời, lãnh mệnh đi ra.

---

1Tạm dịch: giang sơn gấm vóc đọng lại trong cảnh mưa bụi trên mặt hồ yên tĩnh, vương hầu sự nghiệp thảy đều giống như một cuộc cờ.




Bình luận
Sắp xếp
    Loading...