Bí Mật Một Gia Tài

Chương 12


Chương trước Chương tiếp

Hôm sau, bà nghị như rơi từ trên mây xuống khi giáo sư nói với bà anh sắp tổ chức một cuộc đi chơi trong rừng miền Tuyringơ với nhiều người và mời bà cùng đi. Hai hôm sau họ ra đi. Anh là người đầu tiên bước lên xe ngựa với vẻ mặt và cử chỉ thể hiện rõ anh vừa trút đi một gánh nặng và sung sướng bỏ lại nó cho cái thành phố X... này. Người góa phụ ngồi trước mặt anh. Bà đã lao lên chỗ ấy với chiếc áo bồng bềnh như mây xanh, như một nàng tiên dưới chiếc mũ nam Ý, mặt rạng rỡ vì hy vọng, vì đã dự định rằng từ chuyến đi này bà sẽ mang về một niềm hạnh phúc mong ước từ lâu.

Đây là buổi chiều thứ hai Fêlixitê được phép ra vườn một mình với Annet, những giờ ấy còn đem lại cho cô một bất ngờ, có ý nghĩa tuyệt diệu. Vườn bên cạnh, chỉ ngăn cách với vườn nhà Hêluy bằng một hàng rào cây xanh, đã được gia đình Frăngcơ mua mấy hôm trước. Hôm qua, luật sư đã trò chuyện với cô thân mật như bạn bè, lịch thiệp. Và bỗng có một bà đứng tuổi nói chuyện với cô, bà mặc áo lụa đen, bộ mặt dễ mến và hoà nhã, đầu đội chiếc mũ mềm trắng. Bà là mẹ của luật sư Frăngcơ. Bà sống chỉ cho chồng và người con trai duy nhất, xa lánh mọi người, đây là một người rất được tôn trọng trong tỉnh. Nhân tiện cô sắp rời khỏi gia đình Hêluy bà đã khuyên nhủ và tỏ ý muốn giúp đỡ cô, thật là một tia mặt trời bất thường trong đời đứa con người diễn trò bị biết bao khinh bỉ!... Tuy nhiên, mải mê trong những suy tư quan trọng, cô gái dựa lưng vào cây hồ đào cổ thụ mỉm cười buồn bã. Tuổi trẻ ban đầu bị giày xéo lại hiện lên trước mắt cô. Nhưng cô có ngờ đâu rằng ngay lúc ấy định mệnh sắp sửa phá huỷ những hy vọng mong manh của cô.

Trước đấy không lâu cửa vườn đã mở và Hăngri bước vào. Lúc đầu bác có vẻ như muốn chạy lại chỗ cô, nhưng rồi bác đi khuất sau hàng thuỷ tùng. Rồi bác lại xuất hiện nhưng ngập ngừng. Vừa thoạt nhìn bộ mặt trung thực nhưng thất sắc kinh khủng, cô gái biết ngay bác đem tin xấu đến. Tin xấu về ai? Fêlixitê chạy đến nắm tay bác một cách lo lắng.

- Thật thế, Fê ạ, bác không thể làm gì được, cháu biết cho bác, – bác nói giọng thất thanh và nhìn đi chỗ khác, rồi đưa bàn tay nổi chai vuốt cái trán nóng hổi. – Thế đấy cháu yêu mến, tội nghiệp quá, đời là như thế đấy...

- Nói nhanh lên bác! – cô ngắt lời bác, giọng khàn lại, gần như kêu lên, rồi cô cắn răng lại.

- Đấy, đấy… Lạy Chúa nhân từ nếu cháu như thế thì bác báo cho cháu biết thế nào được? Bà cụ già…

- Chết rồi! – cô nói, giọng hét lên.

- Chưa, Fê ơi, chưa đâu. Nhưng cũng như đã hết, bà không nhận ra ai nữa… Bà bị gục ngay… Trời ơi, không một ai ở cạnh bà cả! Người đến dọn dẹp thấy bà ở trong chuồng chim, nằm dưới đất, bà vừa chăm sóc những con vật tội nghiệp ấy… – Bác nghẹn lời khóc hu hu như trẻ con.

Lúc đầu Fêlixitê rụng rời đứng lặng đi, mặt cô không còn giọt máu: như máy, cô áp hai tay vào thái dương đang đập dồn, nhưng không ứa một giọt nước mắt. Một lúc sau, cô mới nhếch môi mỉm cười cay đắng, rồi cầm mũ, bình tĩnh một cách đáng sợ, gọi Rôda đang làm việc ở dưới bóng cây râm bụt và giao đứa bé cho chị.

- Cô ốm à? – người hầu phòng hỏi, hoảng sợ vì mặt cô đờ đẫn đến kinh khủng và tái nhợt như xác chết.

- Phải, cô ấy ốm. – Hăngri trả lời thay Fêlixitê đang bước nhanh ra cửa.

- Fê, bình tĩnh lại, – bác tớ già khuyên cô lúc đi cùng với cô một đoạn đường, – bà chủ đang ở bên bà cô… thật sung sướng vì bà cô không biết việc ấy!… Bác sĩ Buêơm đi rồi… ông ấy không làm gì được nữa… Ôi, tại sao lại là ngày hôm nay, đúng ngày hôm nay! Thật là rủi ro cho cháu!…

Fêlixitê không nghe thấy bác nói gì: Lời nói lao xao trong tai cô không sao hiểu được, cô không nhìn thấy người qua lại. Cô vào nhà không cho Vêrônic biết và bước lên thang. Đến đầu cầu thang tầng xép, cô ném mũ vào một xó. Cửa chuồng chim mở toang, những tiếng kêu náo loạn vang lên. Cái cửa ấy trước kia được chú ý cẩn thận biết chừng nào để không một con chim nào bay mất. Cô gái đi qua không giơ tay lên, những con vật nhỏ bị bỏ rơi này chỉ còn có việc đi tìm mồi dưới bầu trời của Chúa, chúng đã mất bà mẹ nuôi rồi.

Cô bước vào phòng lớn. Phòng ngủ kề bên vẳng ra giọng đều đều của bà Hêluy đang đọc một bài kinh tụng thông thường.

Fêlixitê như một cái bóng len vào phòng ngủ không một tiếng động, bà Hêluy tiếp tục đọc mà không nhìn thấy cô… Ở đằng kia, dưới các rèm giường trắng đang phồng lên, xẹp xuống trong gió từ cửa sổ thổi vào, tưởng chừng như những chiếc cánh sẵn sàng đón lấy linh hồn ra đi để đưa lên thiên đường, một bộ mặt xám như tro nằm bất động…

Nhưng mi mắt khép xuống vẫn chưa nhắm hẳn. Tròng mắt vẫn động đậy, không ngừng, đưa qua đưa lại, tiếng khò khè nhỏ kèm theo hơi thở nặng nề; thỉnh thoảng tay phải giơ lên quờ quạng rồi lại để rơi xuống những ngón tay co quắp bệch như sáp… Bức tranh kinh khủng biết bao đối với cô gái dang thấy tắt đi ở đấy tia sáng cuối cùng của lòng yêu thương trong cuộc đời khốn khổ của cô.

Fêlixitê lại gần giường. Bà Hêluy vô cùng ngạc nhiên ngước mắt khỏi cuốn kinh và nhìn chằm chằm vào khuôn mặt nhợt nhạt không có một giọt nước mắt đang cúi xuống giường.

- Mày đến đây làm gì hở con vô liêm sỉ kia? – bà to tiếng hỏi, không chút dè dặt. Bà giơ bàn tay to tướng lên và bằng một cử chỉ hách dịch chỉ ra cửa.

Fêlixitê không trả lời. Nhưng giọng đọc đều đều dừng lại hình như làm cho người hấp hối có cảm giác. Bà cụ cố giữ cho mắt dừng lại không đưa đẩy và bà nhìn thấy Fêlixitê. Trong ánh mắt lộ ra nét vui mừng vì nhận ra người ở cạnh, hai môi bà mấp máy, lúc đầu không có kết quả. Có một cái gì đau khổ trong sự cố gắng làm cho người ta hiểu mình, nhưng rồi tâm hồn có ý chí mạnh mẽ đã thắng và một lần nữa bắt bộ máy hỏng một nửa của cơ thể phải phục vụ. “Tìm cơ quan pháp luật!” – bà thốt ra với tiếng ọc ọc kỳ lạ nhưng rõ ràng. Cô gái rời buồng ngay. Không thể để mất một phút nào được. Cô chạy bay ra phòng trước, nhưng lúc đi qua chuồng chim, cửa chuồng mở rộng ra hơn nữa, hai bàn tay kếch xù túm lấy sau áo cô và lăng mạnh, ném cô vào giữa gian nhà rồi cửa đóng lại và khoá bên ngoài. Tiếng ầm ĩ dữ dội bung ra chung quanh cô; những con chim hoảng hốt bay lộn xộn và la réo om sòm đến phát điên lên.

Fêlixitê ngã xuống đất; trong lúc loạng choạng về phía trước cô đã níu lấy cây tùng nhỏ giữa phòng và lôi nó đi… Điều gì xảy ra nhỉ?… Cô đứng lên vén mớ tóc bị tuột, xoã xuống ra đằng sau. Cô không trông thấy gì cả, vậy mà có người đã ra sau lưng cô và túm lấy cô mạnh khủng khiếp vào lúc phải thực hiện ý muốn cuối cùng của người hấp hối, lúc mỗi phút chậm trễ càng làm cho tâm hồn cô nặng trĩu vì trách nhiệm đáng sợ.

Cô lao ra cửa, cửa khoá ngoài. Tiếng đập, tiếng lay cửa của cô chìm trong những tiếng xôn xao dễ sợ lại ồn lên; lũ chim kinh hoàng bay lượn trên đầu cô, va loạn xạ vào tường và cũng không chịu yên lặng khi cô chán nản, thất vọng, buông tay xuống. Ai sẽ mở cửa cho cô? Những bàn tay đã xô đẩy cô ư? Chắc chắn là không rồi… cô quá biết cái nắm tay sắt ấy… Đấy chính là bàn tay lúc trước đã cầm quyển sách kinh; bà ta đã vứt sách đi để có thể bạo hành, và bây giờ cái bộ mặt ghê rợn ấy lại đến ngồi bên giường người chết và tiếp tục giọng đọc đều đều. Bà ta sẽ để mặc cho người hấp hối kéo dài với một nghị lực siêu phàm cuộc chống chọi với thần chết, trong ảo tưởng là còn có thể làm được một việc hữu ích ở dưới trần thế này, dù chỉ trong vài phút. Tội nghiệp bà cô Coocđula! Bà ra khỏi cái thế giới mà bà đã cô độc đi qua với sự tỉnh mộng chua chát… Cảm tưởng cuối cùng của linh hồn bà mang theo là sự cuồng tín trong tôn giáo dưới hình dáng của người đàn bà ghê tởm và sự vô ơn đã thành ngạn ngữ của con người mà Fêlixitê có vẻ như đã mắc phải – ý nghĩ ấy làm cho máu nóng như dồn lên đầu cô gái. Tức uất lên, cô lại chạy mọi phía và đập cửa với một sức mạnh mới… Vô ích… Tại sao cô lại bị nhốt? Có phải đi tìm pháp luật, bà cô Coocđula đã ra lệnh… Phải chăng đây là một sự thú nhận cuối cùng – Không, không, bà cô không có lỗi gì mà phải thú nhận! Nếu bà đã phải mang suốt đời gánh nặng của một lỗi lầm nào đó, thì lỗi lầm ấy xa lạ với bà và bà đã hiểu điều ấy qua một quá trình, bà cô Coocđula biết rõ mình vô tội, và không hề đồng loã với một bí mật tội lỗi nào. Có thể bà phân chia tài sản của bà. Và ý muốn ấy vừa bị huỷ bỏ vì sự can thiệp tàn bạo của người đàn bà hộ pháp. Nếu bà cô Coocđula chết không để lại chúc thư thì toàn bộ gia sản của bà sẽ thuộc về nhà Hêluy… Ai biết được rằng bao nhiêu người bần cùng và khốn khổ đã mất đi trong lúc này sự cứu giúp có lẽ đem lại hạnh phúc suốt đời cho họ, trong khi gia đình thương gia mà ai nấy đều tán dương sự giàu có lại chất thêm của cải đầy hòm, đầy tủ nhờ sự quỷ quyệt của một người đàn bà.

Fêlixitê đến gần cửa sổ nhìn xuống các nhà bên cạnh. Cô tìm xem có thấy người nào có thể kêu cứu được, nhưng các ngôi nhà ấy ở phía dưới rất xa nên không ai trông thấy và nghe thấy cô. Trong lúc đau khổ ấy, mạch máu cô đập như muốn vỡ. cô gieo mình xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng và oà khóc vì thất vọng… Bây giờ, trong mọi trường hợp, mọi sự đều quá chậm, dù cô lấy lại được tự do ngay lúc này. Có lẽ đôi mắt thân yêu ở nơi kia đã nhắm rồi, có lẽ trái tim kia cũng đã ngừng đập, cái trái tim mà lúc cuối cùng đã hy vọng vô ích, lo âu mong chờ Fêlixitê kịp quay trở lại.

Có lẽ cô đã phải trải qua hơn hai giờ đồng hồ bị giam hãm, những suy nghĩ u ám và những cố gắng vô vọng để tự giải thoát nối tiếp nhau. Ngày muộn dần, hoàng hôn đã đến. Nỗi đau buồn vì bị mất một người thân yêu như thế mỗi lúc càng làm cho cô cháy ruột cháy gan. Tình thế có thể phát điên lên được! Cô lại chạy ra cửa một lần nữa. Cô vô cùng kinh ngạc, ổ khoá bật ngay ra… Bên ngoài trong phòng phía trước, lặng lẽ như tờ. Fêlixitê tưởng như một giấc chiêm bao hành hạ nếu phòng khách không bị khoá chặt. Cô nhìn qua lỗ khoá, gió lùa vào mặt cô; dây trường xuân đu đưa trên các vách tường, người ta đã mở cửa sổ… đúng thế, tất thảy đã chấm dứt, chấm dứt…

Ở dưới kia, trong ngôi nhà phía trước, bác bếp ngồi đan trên bậc. Từ bếp đưa lên mùi bánh ngọt vừa làm, bác vừa lấy ra khỏi lò một khay đầy bánh quy giòn mà bà Hêluy thường dùng với cà phê. Như vậy là ở dưới ấy người ta vẫn sinh hoạt như thường, trong khi ở trên kia một bậc bề trên của gia đình Hêluy rời khỏi thế giới trần gian.

Fêlixitê đến phòng gần bếp. Ngay sau đó Hăngri bước vào. Bác im lặng treo mũ lên móc rồi đến chìa tay cho Fêlixitê mà không nói gì cả. Cái nhìn buồn rầu ở khuôn mặt già nua, nhăn nheo ấy thấm vào tâm hồn đau đớn của cô gái như lời an ủi, cô đứng lên, ôm lấy cổ bác và ứa nước mắt khóc.

- Cháu không thấy mặt bà nữa, phải không cô bé Fê?- một lúc sau bác mới hỏi – Vêrônic nói bà nhà đã vuốt mắt cho bà cụ. Ôi tại sao lại phải chính những bàn tay ấy! Sao không phải là cháu. Cháu đã chui vào chỗ nào thế?

Fêlixitê thôi khóc ngay lập tức. Mắt như rực lửa, cô kể lại điều đã xảy ra. Bác chạy quanh phòng như người điên.

- Có thể như thế được sao, hả trời! – Bác kêu lên nhiều lần và thọc hai tay vào mớ tóc hoa râm. – Thế mà Chúa nhân từ bỏ qua việc ác ấy? Lạy Chúa!… Bây giờ đi tố cáo họ, kể lại sự việc ư? Các quan toà sẽ tống cổ đi, vì không ai làm chứng. Và cả thành phố sẽ không tin, bởi vì đấy là bà Hêluy công bình và sùng kính, còn cháu thì là gì… Vì bà ấy đã hành động hiểm độc – bác ngắt lời và thốt ra một tiếng cười gằn, – bà ấy tất phải lợi dụng lúc chim kêu ầm ĩ để lén mở khoá cửa… Bác đã bảo cháu rồi, đấy là một con người tồi tệ nhất… cháu Fê ạ, bà ta đã lột của cháu đấy! Sáng hôm nay bác được giao nhiệm vụ đi mời các ông ở toà án đến chỗ bà cô… Bà muốn làm chúc thư vào chiều mai… cho cháu… “Đúng thế, ai biết được tôi sắp đến ngày cuối cùng rồi”, bà nói thế. Và dù bà minh mẫn lạ kỳ, thông minh đặc biệt, bà đã để quá chậm!

Hôm sau, đầu buổi sáng, bà Hêluy xuất hiện ở sân trước. Đáng lẽ đội chiếc mũ trắng quen thuộc kiểu bất di bất dịch trong bao nhiêu năm qua thì chiếc khăn đăng-ten đen đã choàng lên đôi má xệ của bà. Con người bất hạnh thường xúc phạm thánh thần ngày chủ nhật bằng những bài ca tà giáo và các điệu nhạc vui bây giờ đã chết rồi, dấu vết cuối cùng của cuộc đời bị đày đoạ của bà cũng bị xoá bỏ trong ngôi nhà quý tộc cổ xưa này, ngay tối hôm qua, người ta đã chuyển thi thể bà vào hầm mộ tạm thời… Dù như thế, vì người chết đã mang họ Hêluy nên bà đã để tang bằng đăng-ten đen và dải nhiễu đen thay thế cho cái cổ vải hồ cứng chỉnh tề trên cổ bà.

Bà mở cái cửa mà trước kia Fêlixitê đã trông thấy bà Coocđula đi vào. Ngoài cầu thang quen thuộc ở sau cửa sơn còn có một cầu thang khác hẹp, xoáy ốc, đưa đến tầng xép nó đi thẳng từ con đường dốc nhỏ; đấy là lối Hăngri và người đàn bà quét dọn vẫn đi, cửa sân cũng mở ra lối ấy.

Bà Hêluy bước vào gian phòng vắng vẻ. Bà cầm chùm chìa khoá để trên bàn ngủ và mở ngăn bàn viết, rõ ràng đây là thứ gỗ quý bà chú ý nhất. Trong các ngăn sắp xếp rất trật tự. Từng ngăn được lần lượt rút ra. Những tập giấy để ố vàng buộc bằng những dải băng phai màu cũng như các cuốn sổ tay viết chi chít xuất hiện. Hai bàn tay trắng trẻo nhưng thô thiển nóng nảy trả chúng về các ngăn đáng tôn trọng của chúng, bà thiết gì những dòng nguệch ngoạc ấy; người đàn bà to lớn này không tò mò… bà cư xử với cái tráp đầy ắp giấy tờ ân cần hơn nhiều, bà rất thận trọng mở từng tờ, mặt bà lộ rõ vẻ cực kỳ hài lòng. Bà đếm rất giỏi, trong thời gian không đáng kể và đã tổng cộng được một số tiền lớn qua nhiều loại vốn đặt trong các điều kiện chắc chắn và có lợi. Món tiền ấy vượt quá sự mong đợi của bà.

Tuy vậy việc tìm tòi còn lâu mới kết thúc. Đến lượt các tủ áo và rương gỗ, và bà càng lúc càng nóng nảy, vội vàng. Mặt bà mỗi lúc một đỏ bừng, thân hình nặng nề của bà đi từ phòng này qua phòng khác linh hoạt lạ thường, tay bà đảo lộn không dè dặt các tủ đồ vải, xô đẩy đồ thuỷ tinh và đồ sứ trong cái tủ ăn sâu vào tường… cái bà tìm vẫn chưa thấy.

Bà réo gọi Vêrônic đang cho gà ăn, ra lệnh cho bác gọi người tớ già lên ngay lập tức.

Hăngri lên không chậm trễ. Bà Hêluy phán:

- Anh có biết bà cô đã quá cô để đồ đạc ở đâu không? Phải có nhiều lắm, bà mẹ chồng ta nói thế. Bà ấy có ít nhất là hai tá thìa canh to, một số thìa cà phê đẹp mạ vàng, cả những cây đèn nến bằng bạc, các bình nước, bình cà phê và bình sữa. – Danh mục ghi bằng trí nhớ trung thành kỳ diệu từ miệng bà tuôn ra như một bài tập đọc. – Ta không tìm được một thứ gì cả, những thứ ấy giúi ở đâu?

- Thưa bà tôi không rõ, – Hăngri nói. Bác bước đến bên một chiếc bàn, mở ngăn kéo lấy ra hai bộ dao dĩa bạc.

- Đây là tất cả những đồ bạc tôi đã thấy ở nhà bà cô đã mất, tôi thường được giao việc đánh cho bóng lên, vì chị giúp việc làm không tốt.

Bà Hêluy đi đi lại lại và cắn môi tức giận. Bà đã buông lơi mất một lúc sự giữ ý nghiêm ngặt của bà trước kẻ hầu người hạ.

- Thật là một việc tốt đẹp, một vụ bê bối thực sự nếu mụ già đã bán mất hay đem cho mất những thứ đồ cổ quý báu của gia đình, điều ấy thật giống mụ! – bà lẩm bẩm, nói một mình thì đúng hơn – Phải chỉnh đốn lại, ta sẽ không thư thái trước khi làm được việc ấy!… Mụ có cả kim cương, các nữ trang cực đẹp. Tất cả những thứ gia đình Hêluy có thuộc loại ấy đều chia cho mụ và mẹ chồng ta. – Bà không đi lại nữa. Mắt bà vừa nhìn thấy cái tủ kính đựng sách nhạc. Bà chưa lục soát nó.

Mắt kính được lắp trên một chiếc rương to, dày dặn, có mấy cửa gỗ chạm trổ. Bà giật mạnh cửa tủ. Nhiều chồng tạp chí chất đầy hai ngăn. Bà lần lượt lôi từng bó ra quăng xuống đất làm cho các tập giấy tung ra tứ phía.

- Chúng tụ họp tất cả ở đây rồi, những kẻ thù của thánh đường! – Bà lẩm bẩm – Những tờ giấy vô liêm sỉ. Những thứ bôi bác của địa ngục! Đúng thế, mụ gái già đồi bại là kẻ tội lỗi biết chừng nào! Thế mà ta phải chịu đựng bao nhiêu năm trời cái linh hồn bẩn thỉu ấy dưới mái nhà của ta.

Bà đứng lên và nhìn vào phía sau các tấm kính. Nhìn thấy những vở nhạc, một tiếng cười gằn ngắn ngủi và tàn nhẫn thốt ra môi bà. Bà mở cửa kính và bảo Hăngri đi lấy một cái sọt. Bằng cái sọt này bác phải tống hết đi các sách, vở nhạc chất đống trên các giá. Bác thầm hỏi mình không biết số phận của những cuốn sách đẹp đẽ ra sao, những cuốn sách này thường đặt trên dương cầm và bà cô đã diễn đạt thành các giai điệu du dương.

Người đàn bà to lớn đứng ngay bên cạnh bác canh không để một tờ nào sót lại. Chính bà ta không mó vào cái gì, hình như bà ta sợ chạm vào sẽ bị cháy tay.

Sau cùng bà ra lệnh cho người đầy tớ đem cái sọt vào nhà phía trước.

Bà cẩn thận khoá hết các cửa ở gian phòng ấy rồi đi theo Hăngri. Bà đi vào bếp, bất chấp Vêrônic mà những lúc đến thăm như thế này làm bác không hài lòng. Hăngri phải đặt sọt xuống và đi lấy kéo để cắt giấy ở phòng ăn. Bác bếp già vừa nhóm lửa cháy rừng rực để quay thịt.

- Hôm nay chị sẽ tằn tiện củi, Vêrônic ạ! – Bà Hêluy nói và ném vào lửa một quyển vở đã mở ra. Các hộp bìa đẹp đẽ đựng bộ sưu tập thư bút quý giá để ở trên mặt sọt. Những núi băng lụa buộc được gỡ ra dưới ngón tay kiên trì của người đàn bà to lớn…Chà, cái này cháy mới tốt chứ! Ở chỗ này, còn loé sáng lần cuối tên của Gluck rồi cháy đỏ lên, chỗ kia những đầu nốt nhạc của âm điệu huy hoàng kết thúc Ximarosa sáng loé lên như những hạt ngọc trai bằng lửa để sau đó biến vào trong cái áo choàng lửa đã ngấu nghiến không phân biệt người Ý, người Pháp và người Đức.

Thoạt đầu, Hăngri sửng sốt chứng kiến vụ hoả thiêu. Bác tức giận đến nghẹn họng.

- Nhưng, thưa bà, – sau đó bác nói – có thể có chúc thư trong ấy.

Bà Hêluy ngẩng bộ mặt đỏ rực vì hơi lửa toả ra, trên bộ mặt ấy hiện lên vẻ chua cay và bất mãn pha trộn nhau.

- Ta cho phép anh nói với ta những nhận xét khôn ngoan ấy từ bao giờ thế? – bà hỏi giọng châm biếm. Bà đang cầm trên tay đúng bản thảo tiểu ca khúc của Bach. Bà xé mạnh gấp bội, cắt nhỏ những tờ giấy ấy ra và đút vào lò quay.

Lúc ấy có người giật chuông cổng rất mạnh. Một nhân viên toà án bước vào cùng với người thừa phái. Ông cúi chào bà chủ nhà vừa vội vã bước ra khỏi bếp, và tự giới thiệu là người đại diện pháp luật được uỷ nhiệm đến niêm phong tài sản của bà Coocđula đã tạ thế.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, bà Hêluy mất thái độ bình tĩnh không nao núng của bà.

- Niêm phong ư? – Bà ấp úng.

- Có chúc thư trình toà.

- Đây là sự nhầm lẫn – bà cãi – tôi biết rất rõ là theo di mệnh của người cha, bà ấy không được làm chúc thư, tất cả đều thuộc về nhà Hêluy.

- Rất tiếc, thưa bà! – người viên chức nhún vai nói, – dù tôi rất tiếc sẽ phải buộc làm phiền bà, nhiệm vụ của tôi bắt phải tiến hành ngay việc niêm phong.

Bà Hêluy cắn môi cầm chìa khoá tầng xép và đi trước người đại diện. Hăngri đắc thắng lên chỗ Fêlixitê vừa nhận lại nhiệm vụ trông trẻ, trước sự kinh ngạc của Annet, cô ngồi im lặng và cứng đờ như một pho tượng bên cạnh con bé nói liến thoắng.

Hăngri kể cho cô nghe việc vừa xảy ra. Khi nghe tả lại vụ đốt cháy cô giật nảy lên:

- Bà ấy chỉ đốt mấy tờ rời thôi chứ? – cô hỏi giọng nghẹn lại.

- Ừ, những tờ rơi đựng trong các hộp giấy đỏ, có dây lụa đẹp rủ xuống…

Cô không nghe thêm nữa và vội vàng vào bếp. Các sọt còn đựng nhiều vở nhạc nhưng các hộp đều mở và vứt lung tung trên nền gạch, không còn một tờ giấy nào trong ấy, gió lùa đã kéo theo một mẩu giấy vào trong góc lò. Fêlixitê nhặt lên: “Khúc nhạc do chính tay Johann – Sebastien Bach viết, chính nhạc sĩ tặng để kỷ niệm năm 1707. Gôđơroy Đờ Xécbông”, đấy là điều cô đọc được, hai mắt mờ đi vì nước mắt… Đấy là tất cả những gì còn lại của bản thảo bí mật kia.

Trong khi giáo sư vắng mặt, bà cô bị chôn cất không có một người mang họ Hêluy đi theo quan tài.

Fêlixitê chịu đựng nỗi buồn sâu sắc ấy một cách lặng lẽ và với sự cứng cỏi chỉ có ở những tính cách độc đáo. Từ tuổi thơ ấu, cô đã có thói quen đơn độc chống chọi với những trớ trêu của số phận và để cho các vết thương trong trái tim rỉ máu mà không người nào ở ngay bên cạnh ngờ đến. Cô không tìm cách nhìn lại người chết. Cái nhìn nhận biết sau cùng người hấp hối như một lần nữa nói với cô lời vĩnh biệt cuối cùng rồi. Nhưng chiều hôm đưa tang, khi bà Hêluy ra khỏi nhà, cô cầm một chiếc chìa khoá treo trong nhà gần bếp, chìa khoá hành lang trong đó có buồng chứa đồ. Mỗi năm bà chủ nhà càng béo phệ ra nên bà hết sức tránh lên cầu thang, và vì lý do ấy, bác bếp đã từ lâu được tự do ra vào những nơi ở trên tầng thượng.

Bà cô Coocđula chắc vẫn còn hoa tươi trên mộ trong ngày hôm ấy, nhưng không có loại hoa nào khác do chính tay bà đã trồng. Chỗ ở trên tầng xép đã bị niêm phong, không thể vào đấy để đi vào vườn treo mà vị đại diện pháp luật đã sơ suất không có một biện pháp phòng ngừa thận trọng nào… Sau chín năm trời, Fêlixitê mới lại dứng bên cửa sổ tầng xép nhìn cái mái nhà phủ đầy hoa… Biết bao sự việc đã diễn ra trong khoảng thời gian giữa ngày hôm nay và cái ngày khốn khổ mà tâm hồn trẻ thơ của cô, nạn nhân của những ngược đãi đã nổi loạn với con người và với Chúa! Nơi kia mới chính là tổ ấm của cô!… Ở nơi ấy bà già cô đơn đã ôm vào tấm lòng độ lượng và cao quý của bà đứa con gái của người diễn trò bị trục xuất để an ủi nó, ở đấy bà đã dùng mọi vũ khí tinh thần của bà để đẩy lùi mọi mưu toan tàn hại tâm hồn con người bà che chở. Chính ở đấy đứa bé đã nỗ lực học tập không ngừng và cũng là bắt đầu sống thực sự. Còn anh ta, lúc này anh ta đang hưởng thú vui dạo chơi trong những cánh rừng xán lạn ở Tuyringơ với phu nhân đẹp, anh ta không ngờ rằng kế hoạch giáo dục của anh ta căn cứ trên thành kiến và tư tưởng cuồng tín ảm đạm, đã thất bại nhờ có mấy bước chân ngẫu nhiên trên hai lòng máng lung lay dưới kia.

Cần phải đi một lần nữa trên con đường này. Fêlixitê chui ra ngoài cửa sổ và vượt qua các mái nhà; cô đi nhanh và dễ dàng, chỉ giây lát sau cô đã đặt chân xuống nền hành lang bằng phẳng.

Cô gái tỳ trán vào kính cửa và nhìn vào phòng phía trước. Ở đây vẫn có chiếc bàn một chân, trên để cuốn sách và trên trang sách mở là chiếc kính, Fêlixitê cảm động đọc mấy dòng… niềm vui trí tuệ cuối cùng mà bà cô đã thưởng thức ở trần thế này là diễn từ của Angtoan trong vở Juylơ Xêda của Sêchxpia… Kính tủ sáng lấp lánh ở chỗ kia, trong phòng khách. Nhìn qua kính thấy các tầng gỗ trống rỗng, cái đồ gỗ cổ xưa ấy đã bị đốt ra tro, nhưng nó giữ lại được những thứ khác chắc chắn hơn… Bà Hêluy đã uổng công tìm kiếm đồ bạc của bà Coocđula… Lúc này, cô gái giật mình. Ngăn bí mật trong rương không chỉ đựng nữ trang và đồ bạc, trong góc ngăn còn có một chiếc hộp nhỏ bằng bìa cứng màu xám. “Nó phải chết trước ta!” bà Coocđula đã nói thế. Chiếc hộp ấy đã được huỷ chưa?… Bằng bất cứ cách nào phải ngăn không cho nó rơi vào tay những kẻ hưởng gia tài, tuy nhiên bà cô chưa bao giờ có can đảm huỷ bỏ nó. Có nhiều khả năng nó vẫn tồn tại. Nếu di chúc chỉ chỗ giấu đồ bạc thì phải thấy ngay rằng bí mật mà bà già cô đơn có sức giấu mọi người sẽ bị bộc lộ. Dứt khoát không thể để cho điều ấy xảy ra được.

Cửa kính được chốt bên trong. Không lưỡng lự, cô gái đập vỡ một ô kính và thò tay vào chốt. Chốt không đóng, người ta đã khoá và rút thìa. Cô gái nổi giận và định mệnh khốc liệt đã cản đường cô khi cô hy vọng sẽ hành động được vì bà cô Coocđula. Với nỗi buồn vì bà đã qua đời, giờ đây phải suy tính xem điều gì sắp xảy ra. Nội dung cái hộp xám có bác bỏ được tiếng đồn đại liên quan đến một khuyết điểm của bà cô không?

Cô hái vội một bó hoa đẹp, đặt hai chậu hoa bông tai – loại hoa thích nhất của bà cô – vào giỏ và trở về bằng lối đi trên mái nhà lòng buồn rười rượi, buồn hơn lúc đến đây.

Bây giờ cô có ba ngôi mộ để trông nom trong nghĩa trang rộng và im lìm: Đất đã phủ lên những người yêu qúy nhất của trái tim cô. Cô ngước mắt nhìn lên trời, cái nhìn đắng cay vô tả, khi cô rải hoa lên mộ bà Coocđula. Trời không thể cướp của cô một người nào nữa! Cha cô mất tích đã bao nhiêu năm rồi, có lẽ ông đã tan rữa trong một mảnh đất xa lạ. Phía kia, trên một khối đá hoa cương lộng lẫy, trên nấm mộ mẹ cô, nhờ sự quan tâm của bà Coocđula trong chín năm qua ngôi mộ lúc nào cũng đầy hoa đẹp. Hôm ấy, bia mộ đi sang bên cạnh rồi. Bác Hăngri nói cần phải làm rõ lại chữ khắc trên bia đang mờ dần. Chắc bia đã được chuyển dịch theo ý bác. Lúc trước bia lún xuống đến chỗ khắc tên người quá cố. Bây giờ tên đã lộ ra đầy đủ: “Mêta Đ’Ooclôpxca” . Fêlixitê đọc, nhưng ở dưới còn một cái tên mà trước kia đất đã phủ kín: sinh trong gia đình Xécbông ở Kien.

Fêlixitê rơi vào những suy nghĩ sâu thẳm… Tên này có ghi trên bản thảo tiểu ca khúc của Bach; ông thuộc dòng dõi quý tộc cổ xưa miền Tuyringơ. Gia huy vẫn còn trang trí trên các bức tường trong ngôi nhà cổ của thương gia… Cái dấu nhỏ bằng bạc để trong chiếc túi bé cũng có hình con hươu đang nhảy chồm lên… Một câu đố kỳ lạ!

Những người ruột thịt của mẹ cô còn tồn tại không? Cô gái tự trả lời câu hỏi này và mỉm cười chua chát: Dù thế nào đi nữa, họ không tồn tại với Mêta Đờ Xécbông.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...