Bảy Năm Sau

Chương 3


Chương trước Chương tiếp

Chiếc xe hai cửa với các ô kính nhuộm màu lao đi trên đại lộ Lexington rồi rẽ vào phố 73. Sebastian hạ tấm chắn nắng xuống cho đỡ chói mắt. Mùa thu năm 2012 này trời đẹp đến nao lòng. Vẫn còn choáng sau vụ cãi cọ với Camille, anh cảm thấy vô cùng chán nản. Đây là lần đầu tiên anh xuống tay với con gái. Thấu hiểu nỗi tủi hổ mà con bé hẳn đã cảm thấy, anh thực sự hối tiếc vì cái tát đó, nhưng mức độ bạo lực trong hành vi của Sebastian tỉ lệ thuận với nỗi thất vọng trong anh.

Việc con gái anh có khả năng đã quan hệ tình dục khiến anh sầu não. Như thế là quá sớm! Điều đó khiến kế hoạch chi tiết anh đã vạch ra cho con gái bị đảo lộn. Violon, việc học hành, vô số nghề nghiệp anh muốn định hướng cho con: tất cả đều đã được lập kế hoạch, sắp xếp đâu vào đấy như trên bản nhạc phổ, không thừa chỗ cho thứ gì khác nữa...

Gắng nguôi giận, anh hít một hơi thật sâu rồi nhìn qua cửa kính, tìm lại niềm an ủi từ khung cảnh mùa thu. Vào buổi sáng lộng gió này, vỉa hè các con phố ở khu Thượng Đông Manhattan được trải tấm thảm dệt nên từ đám lá khô rực rỡ. Sebastian rất thích khu phố sang trọng không có tuổi này, nơi sinh sống của tầng lóp thượng lưu New York. Ở khu dân cư biệt lập tiện nghi êm đềm này, tất cả đều nhã nhặn và đem lại cảm giác an lòng. Như có một bong bóng bao bọc nó khỏi mọi ồn ào và biến động.

Anh rẽ sang đại lộ 5 rồi đi dọc Công viên Trung tâm về phía Nam, vẫn mải miết theo dòng suy nghĩ. Rõ là anh có phần áp đặt, nhưng chẳng phải đó cũng là một cách – đúng là hơi vụng – để thể hiện tình yêu của anh đối với con gái hay sao? Liệu anh có thể cố giữ cân bằng giữa trách nhiệm bảo vệ con gái với khát khao được tự chủ mà con bé đang thể hiện không? Trong một lúc anh đã muốn nghĩ rằng mọi chuyện cũng đơn giản thôi và rằng anh sẽ thay đổi. Rồi anh lại nghĩ tới vỉ thuốc tránh thai và mọi giải pháp tốt đẹp đều bốc hơi sạch.

Từ khi ly hôn, anh một mình nuôi dạy Camille. Anh tự cảm thấy hãnh diện vì mình đã dành cho con tất cả những gì cần thiết: tình yêu thương, sự quan tâm, chuyện học hành. Anh luôn dành cho con ánh mắt ân cần và khích lệ. Luôn bên con, anh đã thực hiện vai trò của mình rất chỉn chu, không lơ là một ngày nào, từ việc theo dõi bài tập về nhà đến các giờ học violon hay các buổi học cưỡi ngựa.

Chắc chắn anh cũng bỏ sót một vài điều, đôi lúc còn vụng về, song anh đã làm điều tốt nhất trong khả năng của mình. Ở cái thời buổi suy đồi này, anh đã cố gắng hết sức dạy cho con hiểu các giá trị. Anh tránh cho con những mối giao du không tốt, thái độ kẻ cả, vô liêm sỉ và sự tầm thường. Suốt nhiều năm, mối quan hệ giữa cha con anh luôn bền chặt và thông hiểu nhau. Camille kể cho anh nghe mọi chuyện, thường xuyên hỏi ý kiến anh và luôn nghe theo lời khuyên của anh. Con bé là niềm tự hào của cuộc đời anh: một cô bé thông minh, tinh tế và chăm chỉ luôn tỏa sáng ở trường và có thể sẽ là một nghệ sĩ violon lớn trong tương lai. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, những xích mích ngày càng nhiều và anh buộc phải công nhận rằng càng lúc anh càng cảm thấy bất lực trong việc kèm cặp con gái vượt qua quãng đường hiểm nguy từ thế giới trẻ con bước vào thế giới người lớn như lúc này.

Một chiếc taxi bấm còi inh ỏi nhắc anh đèn đã chuyển xanh. Sebastian thở dài. Anh không còn hiểu nổi con người nữa, anh không còn hiểu nổi thế hệ trẻ nữa, anh không còn hiểu nổi thời đại anh đang sống nữa. Tất cả đều khiến anh thấy tuyệt vọng và hoảng sợ. Thế giới đang nhảy nhót bên rìa vực thẳm, còn hiểm họa thì trùng trùng.

Đúng là cần phải sống với thời đại của mình, phải đối mặt với nó, không được buông tay, nhưng không ai còn tin vào bất cứ điều gì nữa. Những giá trị cứ mờ nhạt dần, còn lý tưởng thì tàn phai. Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng xã hội. Cả hệ thống này đang suy tàn còn các thành phần chủ chốt của chúng: chính trị gia, phụ huynh, giáo viên đều đã buông vũ khí.

Sự việc xảy ra với Camille đã khiến anh phải kiểm điểm lại các nguyên tắc của mình và chỉ làm bản tính hay lo của anh thêm trầm trọng.

Sebastian thu mình lại, tự tạo ra một thế giới riêng theo tiêu chuẩn của anh. Giờ anh hiếm khi rời khỏi khu nhà mình càng chẳng mấy khi ra khỏi Manhattan.

Vì thích cô độc nên nghệ nhân làm đàn nổi tiếng này ngày càng thường xuyên giam mình trong xưởng. Suốt bao ngày trường, với âm nhạc là người bạn đồng hành duy nhất, anh đẽo tạc và chạm trổ các nhạc cụ, hiệu chỉnh âm sắc và độ vang để biến chúng trở thành những món đồ độc nhất vô nhị, vốn là niềm hãnh diện to lớn của anh. Xưởng chế tạo nhạc cụ của anh hiện diện ở cả Châu Âu và châu Á nhưng anh chưa từng đặt chân tới những nơi đó. Những cuộc thăm viếng của anh chỉ hạn chế trong phạm vi một số mối thân quen, chủ yếu là những người trong giới âm nhạc cổ điển, hoặc những người xuất thân từ các gia đình giàu có định cư ở Thượng Đông Manhattan đã nhiều thập kỷ.

Sebastian nhìn đồng hồ đeo tay rồi tăng tốc. Anh chạy xe ngang qua Grand Army Plaza, lướt qua mặt tiền màu xám nhạt của khách sạn cổ kính Savoy, luồn lách giữa đám ô tô con và xe ngựa chở khách du lịch để tới Carnegie Hall. Anh đậu xe trong bãi đỗ ngầm đối diện phòng hòa nhạc huyền thoại rồi đi thang máy lên xưởng đàn.

Công ty Larabee & Con trai được ông nội anh, Andrew Larabee, sáng lập vào cuối thập niên hai mươi thế kỷ trước. Qua bao năm tháng, hiệu làm đàn thủ công khiêm nhường ban đầu đã nổi tiếng trên khắp thế giới, trở thành một địa chỉ không thể bỏ qua trong lĩnh vực sản xuất và phục chế nhạc cụ cổ.

Vừa bước vào xưởng là Sebastian cảm thấy thư thái ngay tức khắc. Nơi đây luôn tĩnh mịch và khiến người ta yên lòng. Thời gian như ngừng đọng. Mùi hương dễ chịu của gỗ thích, liễu và vân sam hòa quyện với mùi hương nồng hơn của véc ni và các loại dung môi.

Anh yêu không khí đặc biệt của cái nghề thủ công mỹ nghệ xa xưa này. Vào thế kỷ XVIII, trường phái Crémone đã đưa nghệ thuật làm đàn lên đỉnh cao hoàn mỹ. Từ thời kỳ ấy, các kỹ thuật hầu như không phát triển thêm. Trong một thế giới biến động không ngừng, sự ổn định ấy đem lại cảm giác gì đó như là an tâm.

Sau mỗi bàn làm việc, các nghệ nhân làm đàn và thợ học việc miệt mài thao tác trên nhiều nhạc cụ khác nhau. Sebastian chào Joseph, viên quản lý xưởng, ông đang chỉnh trục cho cây alto.

- Người bên Farasio đã gọi hỏi về chiếc Bergonzi. Phiên bán đấu giá được đẩy sớm lên hai ngày, ông vừa giải thích vừa phủi đám vỏ bào bám trên chiếc tạp dề da đang đeo.

- Họ thật quá thể! Như thế chúng ta sẽ rất khó mà giao hàng đúng hạn được, Sebastian lo lắng.

- Nhân tiện, họ cũng muốn có bản xác thực của cậu trong ngày hôm nay. Cậu nghĩ chuyện đó có thể chứ?

Sebastian không chỉ là một thợ làm đàn tài ba mà còn là một chuyên gia đã được công nhận.

Anh bĩu môi nhún nhường. Đây là thương vụ quan trọng nhất trong năm. Không thể từ bỏ nó được.

- Tôi phải viết nốt nhận xét và cũng phải viết báo cáo, nhưng nếu tôi bắt tay ngay vào việc thì họ sẽ có tờ xác thực trước tối nay.

- Nhất trí. Tôi sẽ báo trước với họ.

Sebastian đi vào căn phòng tiếp khách rộng thênh thang với những bức tường phủ nhung màu tía. Với khoảng năm mươi chiếc đàn violon và alto treo trên trần, căn phòng mang một vẻ đẹp rất riêng. Được thiết kế với chất lượng âm hưởng tuyệt vời, căn phòng này đã đón tiếp rất nhiều nghệ sĩ diễn tấu danh tiếng đến từ khắp nơi trên thế giới tới mua hay sửa sang nhạc cụ.

Sebastian ngồi vào bàn làm việc và đeo đôi kính gọng mảnh lên rồi cầm lấy nhạc cụ anh phải giám định. Đó là một món đồ khá hiếm: nó từng thuộc về Carlo Bergonzi, học trò tài năng nhất của Stradivari. Được làm ra từ năm 1720, nó còn được bảo quản tốt đến mức đáng kinh ngạc và nhà đấu giá danh tiếng Farasio quyết tâm phải thu về hơn một triệu đô la trong vụ đấu giá mùa thu hoành tráng sắp tới.

Là chuyên gia nổi tiếng toàn cầu, Sebastian không thể cho phép mình mắc bất kỳ sai sót dù là nhỏ nhất nào khi giám định một đồ vật có mặt trong sự kiện tầm cỡ như vậy. Cũng như một chuyên gia rượu hay một nghệ nhân nước hoa, anh lưu lại trong trí nhớ hàng nghìn đặc trưng của mỗi trường phái làm đàn: Crémone, Venise, Milan, Paris, Mirecourt... Nhưng, cho dù kinh nghiệm dày dạn như vậy, anh vẫn thấy gian nan khi cần chứng nhận chính xác tính xác thực của một nhạc cụ và, trong mỗi cuộc giám định, Sebastian lại đánh liều danh tiếng của mình.

Rất cẩn thận, anh kẹp nhạc cụ giữa xương đòn và cằm, nhấc cây vĩ lên rồi chơi những khuôn nhịp đầu tiên trong một bản partita của Bach. Âm thanh thật tuyệt hảo. Chí ít là cho đến khi một dây đàn bất ngờ đứt phựt rồi, như một sợi dây cao su, nó quất mạnh vào mặt anh. Sững sờ, anh đặt cây đàn xuống. Toàn bộ sự kích động và căng thẳng của anh đều bộc lộ qua vài phút chơi đàn vừa rồi! Anh không thể tập trung nổi. Sự cố lúc sáng đã làm vẩn đục tinh thần anh. Những lời trách cứ của Camille lại vang vọng và ong ong trong đầu anh. Anh buộc lòng phải thừa nhận rằng có một phần sự thật trong những điều con gái nói. Lần này, anh đã làm hơi quá. Hoảng sợ trước ý nghĩ sẽ mất con, anh biết mình phải bắt chuyện lại với con gái càng sớm càng tốt, nhưng anh đồ rằng chuyện đó sẽ chẳng dễ dàng gì. Anh nhìn đồng hồ, rồi rút di động ra. May ra giờ học vẫn chưa bắt đầu... Anh cố gắng gọi cho con, nhưng lần nào cũng phải nghe hộp thư thoại.

Mơ mộng hão huyền...

Lúc này, anh nhận ra rằng chiến lược đối đầu trực diện đã khiến anh thất bại thảm hại. Anh phải nới lỏng vòng kiểm tỏa, chí ít là vẻ bề ngoài. Và để làm được điều đó, anh cần có một đồng minh. Một ai đó giúp anh lấy lại niềm tin nơi Camille. Khi đã gây dựng lại được mối quan hệ mật thiết trước đây, anh sẽ thu xếp để làm rõ sự việc và đưa con gái trở lại con đường đúng đắn. Nhưng anh phải yêu cầu ai giúp đỡ đây?

Anh lướt qua trong đầu một loạt các phương án. Bạn bè ư? Đúng là anh có một số “mối quan hệ” nhưng không ai trong số họ đủ thân thiết và tin cậy để anh đề cập một chuyện tế nhị như vậy. Bố anh đã qua đời từ năm ngoái; còn mẹ anh, đó thực sự không phải là một mẫu người cấp tiến. Còn Natalie, bạn gái anh? Cô ấy đã chuyển tới Los Angeles với Đoàn ba lê New York rồi còn đâu.

Chỉ còn lại Nikki, mẹ của Camille...


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...