Bản Năng Gốc (Phản Diện)
Chương 1
Một cái xe cảnh sát không huy hiện, không có cả đèn hiệu còi hụ hay bất cứ thứ gì, đến độ người ta thấy là biết ngay xe cảnh sát, đậu lại ở góc đường trước cả lũ xe xộ và cớm. Hai người từ đó bước ra và ngắm nghía những mặt tiền thanh nhã của các toà nhà.
Tay lớn tuổi hơn, tên là Gus Moran, gật gù tán thưởng:
- Một khu đẹp thế này mà lại có án mạng...
- Vụ này coi bộ xôm đây - Tay đi cùng nói - Chỉ tổ tăng thêm du khách.
Trong tướng hai cha nội đó thiệt trái ngược nhau. Y hệt như chiếc xe, Gus Moran đơn sơ là biết ngay thứ cảnh sát già đời của sở cảnh sát San Francisco, rất đạt tiêu chuẩn. Nhưng đôi mắt ông ta lộ ra quá trình hai mươi năm trong nghề, không còn biết ngạc nhiên trước cái gì cả. Ông ta rõ ràng là mệt mỏi.
Còn tay kia, Nick Curran, trẻ hơn, và khó đoán hơn. Ăn mặc bảnh bao, hợp thời trang khiến bạn thoạt nhìn thì khó mà nghĩ rằng hắn là cớm. Nhưng hắn cũng có góc cạnh, một vẻ lăn lóc hè phố, chai đi vì cuộc đời và một cái tướng tự tin, phóng túng của một kẻ ngày đêm sống với một khẩu súng kè kè trong nách. Không như ông bạn lão nghề, đối với Nick Curran, cuộc chơi này còn rất nhiều hào hứng, luật chơi còn thay đổi từng ngày. Hầu như quy luật duy nhất chỉ là: chẳng có luật gì cả. Đường phố ngày càng bất trắc, nhưng Curran vẫn còn chơi được, trị được. Hắn chưa bỏ cuộc. Mà cũng không định bỏ cuộc, ít nhất cho đến lúc này.
Hai người len qua đám cảnh sát, vô cửa và bước vào căn nhà thanh lịch. Moran khịt khịt mũi đánh hơi như một con chó săn xịn và gã gãi mũi. Trong nhà này có cái mùi ông đã từng gặp nhiều phen, không thường lắm, nhưng nhận ra ngay một khi mình đã hiểu mùi đó có nghĩa là gì.
- Tiền rừng biển bạc - Ông nói và nhìn quanh.
Trong nhà toàn đồ đạc và món trang trí cao cấp, có thẩm mỹ: thảm dày cui, các bức tranh trên tường.
- Đẹp lắm - ông ta nói - Thằng cha chủ nhà này là ai vậy?
- Dân nhạc rock, Johnny Boz.
- Chưa từng nghe.
Nick cười. Nếu cha Gus này từng nghe đến tên Johnny Boz thì quả là chuyện đáng ngạc nhiên. Gã nghe nhạc của Gus Moran, cũng dễ đoán thôi, là thứ nhạc đồng quê miền Tây.
- Tay này ở thời sau ông. Cỡ giữa thập niên 60. Ông nhớ không: thời Hippy, làm tình phản chiến. Hồi đó chắc ông làm cớm rồi, đang chịu huấn luyện khùng luôn.
- Thời đó coi vậy mà ngon - Moran đáp.
- Boz thành danh cỡ đó. Có năm ba bài lên lớp top-hit. Cũng được trọng vọng, về mặt âm nhạc thôi. Y có cái câu lạc bộ ở trung tâm, Fillmore gì đó - Nick liếc một bức Picasso trên tường - Nhưng bây giờ thì lên trời cả đám rồi.
Moran bước vào cái phòng ngủ bê bếch máu.
- Còn đây. Chưa lên trời đâu - Gus phát biểu.
Xác Boz vẫn còn nằm trên giường. Có những mẫu thịt văng ra bám vào những thanh đồng. Moran khó mà tưởng tượng nổi một cảnh giết người với nhiều vết đâm hơn vào cổ họng như vậy, nhất là ở một kẻ từng sôi nổi với khoái lạc và ma túy như Johnny Boz. Lớp vải trải giường đắt tiền đầy vệt máu khô bầm. Máu thấm tận xuống lớp lò xo nệm.
Curran nhìn cái xác đăm đăm, cứ như đang ghi hình ảnh ấy vào trong óc rồi quay đi, lắc đầu nhìn những cảnh sát khác trong phòng.
- Tụ họp ở đây đông dữ - Hắn lầm bầm.
Có một toán pháp y, một nhóm phụ trách hiện trường lo thu nhặt mọi thứ, lục lọi, săm soi kỹ đến độ viết tiểu sử cho từng món một, một bác sĩ đang khám nghiệm tử thi sơ khởi và hai cảnh sát chuyện về ám mạng. Harrigan và Andrews. Hai gã này thật xui khi vụ án mạng xảy ra vào cuối ca trực của họ và đến ca của Curran và Moran. Một vài nhân viên đang chụp ảnh hiện trường. Tóm lại là một lô một lốc những tay lúc này cũng phải xảy ra án mạng.
Ngoài ra còn có hai chief, vốn thuộc loại ít ló mặt tới hiện trường, Curran lui vô góc phòng ngủ khinh khỉnh nhìn hai chief đó, trung úy Pil Walker và đại úy Mark Talcott. Walker là trưởng phòng án mạng của Sở cảnh sát San Francisco nên hoàn toàn có thể có mặt, nhưng Curran nực cười một điều là với cái chết của một tay nhạc sĩ thì chief mò tới, còn một ai khác chết, như một bà seour chuyên làm việc từ thiện chẳng hạn, thì đời nào chief ló tới. Còn thằng cha Talcott, phụ trách cảnh sát trưởng, hồi xưa từng cắp xách cho thị trưởng, lại có mặt ở đây nghĩa là cha đang chuẩn bị cho cái gì đó. Nick Curran biết cái đó chắc chẳng dính gì tới chuyện an ninh hình sự mà phải dính tới chuyện chính trị ở cái thành phố này kìa.
Gus Moran cũng không ngu, ông liếc hai chief và nháy mắt với Curran.
- Đừng bao giờ để bị ám sát nghe Nick. Người ta sẽ bới tung đời tư của mày lên cho coi.
- Câu đó làm danh ngôn được đó - Curran đáp.
- Mấy anh biết đại úy Talcott chứ? - Walker hỏi Gus và Nick.
- Biết chớ - Curran đáp - Đọc thấy ông này trên báo hoài, tranh chính trị hậu trường.
- Diễu hay lắm, Nick - Talcott nói.
- Các chief thì cần gì ở đây, đại úy? - Moran coi bộ biết lịch sự hơn Curran một chút.
Talcott khoanh tay lại và nhìn quanh phòng, ra cái vẻ chỉ huy lắm. "Quan sát thôi" y nói nghe nghiêm trang gớm.
Gus Moran toét miệng cười làm Nick Curran bật cười theo. Walker phải lừ mắt nhìn như thầm nói: đừng có chọc vô ổ kiến lửa, đồ ngốc á.
Bác sĩ pháp y rút từ lá gan của Johnny Boz một cái giống như nhiệt kế to đùng. Rút khỏi thịt nó kêu cái xịt nghe gớm bỏ mẹ.
- Chết hồi nào? - Walker hỏi.
Thầy pháp y coi nhiệt kế.
- 91 độ F, xác đã lạnh đi sơ sơ rồi... chết cách đây chừng 6 giờ - Ông ta liếc đồng hồ - Tức là cỡ bốn giờ sáng.
Toán khám nghiệm bày ra một mớ trang bị điện cứ như cái máy hút bụi có gắn đèn tùm lum. Ngọn đèn rọi ra một tia nhỏ xanh lè. Đó là thiết bị mới của Sở cảnh sát, một máy quét ghi nhận mọi dấu vết của con người trong phòng: dấu vân tay, vệt máu, sợi lông, hay mẩu da.
- Chuyện xảy ra tại sao? - Talcott hỏi.
- Bà người hầu đến làm việc cách đây một tiếng và phát hiện - Walker đáp - Bà ấy mỗi ngày tới làm rồi về.
- Sáng sớm mà gặp cảnh này thì ghê thiệt - Có ai đó nói.
Cái máy quét laser đã sẵn sàng. Một tay phụ trách máy kêu:
- Ai kéo dùm rèm cửa lại coi.
Một cảnh sát kéo rèm lại, căn phòng tối sầm. Cái máy chiếu ra một tia xanh lè ma quái, hắt lên những khuôn mặt trong phòng một vẻ âm u.
- Có thể chính con mụ người hầu giết chăng? - Curran nói.
- Mụ đó năm mươi tuổi, nặng hơn bốn tạ.
- Không phải bà người hầu đâu - Gus nói - Mày muốn vậy cho dễ hả? - Boz rời câu lạc bộ nửa đêm tối qua - Andrews nói - Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy hắn, tức là nhìn thấy còn sống.
- Hắn rời một mình hả? - Curran hỏi.
- Tôi đoán không - Moran nói.
Nick nhìn cái xác:
- Cái gì đâm hắn vậy?
- Dao cạy đá - Harrigan đáp và chìa cái bao nhựa đựng tang vật. Trong đó là một con dao cạy đá tủ lạnh dính đầy máu khô.
- Phải rất thân mật với hắn. Thuộc cỡ ngửi quen mùi, nằm quen hơi chứ không phải chơi. Bao nhiêu vết?
- Cỡ chục - Tay pháp y nói - Ba hay bốn mũi sợt da thôi, nhưng bảy tám mũi còn lại cái nào cũng chí mạng. Bị trói hai tay như tế, chỉ vài phút là chảy hết máu mà chết. Bị lủng cứ như cái rỗ, còn cái cổ thì khỏi nói.
Cái máy quét phát hiện gì đó trên giường, những đốm ướt ố màu.
- Cái này đầy giường - một nhân viên nói - Cỡ cả lít.
- Hay à nghe - Nick nói.
- Hắn đã bị phê quá mức trước khi bị giết - Gus Moran phát biểu.
- Tới chỉ rồi đi luôn - Harrigan cười khục khục.
- Đủ rồi đó - Talcott nghiêm giọng xen vào - Quý vị, vụ này tế nhị lắm. Ông Boz là tay đóng góp đáng kể cho quỹ tranh cử của thị trưởng, lại là chủ tịch điều hành cung nghệ thuật...
- Tôi nghĩ hắn chỉ là ngôi sao nhạc rock thôi chứ - Gus nhíu mày.
- Ngôi sao đã giã từ sân khấu rồi - Walker chen vào.
- Ở San Francisco này, nhạc rock cũng là nghệ thuật Gus - Nick nói.
- Ông Boz là ngôi sao nhạc rock có tinh thần công dân rất đáng kính - Talcott nói nghiệm trang.
Điều đó quả là đúng dù câu lạc bộ của hắn nằm trong khu Fillmore nổi tiếng bất hảo. Có thời đó là khu của nhạc jazz, rock and roll nặng. Bây giờ đó là khu của giới trẻ mới giàu với những câu lạc bộ và nhà hàng sang trọng chuyên phục vụ thức ăn và rượu hảo hạng.
Mọi gã cớm trong phòng đều nghĩ cái tên nằm chết ở đây chẳng có gì đáng gọi là "ông" cả, đừng nói tới cái vụ đáng kính với "tinh thần công dân" mẹ gì cả.
- Cái gì đây ta? - Gus săm soi mớ bột trắng trên mặt gương của cái bàn cạnh giường ngủ.
- Á, à - Curran nói - Coi qua là tôi biết ngay đó là thứ ma túy rất có tinh thần công dân và đáng kính. Tức là, tôi nhận xét như thế. Có thể là tôi lầm...
Talcott đâu dễ quê. Ông ta nói bình thản, thong dong nhưng nghe là thấy lạnh:
- Nghe nè, Curran. Tôi rất quan tâm đến vụ này. Tôi không muốn xảy ra lầm lẫn gì nghe chưa.
Lầm lẫn, theo ngôn ngữ của Talcott, chẳng phải là lỗi lầm trong công việc của cảnh sát, mà là những sự vụ tai hại về mặt chính trị cho Sở và Giám đốc Sở cảnh sát.
- Nghe chưa Gus - Curran nhắc lại - Không được lầm lẫn đó.
- Tụi tôi sẽ cố hết sức - Moran đáp - Vậy là đẹp rồi phải chưa?
- Phải. Cô bạn gái của hắn là ai vậy?
- Catherine Tramell, số 2235 đường Davisadero.
- Khu đó cũng bảnh nữa - Moran nhận xét - Có điều tới đó hơi xa.
- Thôi đi Gus - Curran nói và ra cửa.
Tới cầu thang, không sợ bên trong nghe lọt. Gus mới nói:
- Cha Talcott coi bộ hăng máu trong vụ này dữ, mọi khi đâu có như thế.
- Johnny Boz chắc rất thân cận với thị trưởng - Curran nói.
- Nick.
Cả hai quay lại và thấy trung úy Walker ở đầu cầu thang.
- Chuyện gì vậy chief - Curran hỏi - Bộ ra ngoài cũng xin phép hả?
- Anh có cái hẹn ba giờ chiều nay đó, ráng nhớ nghe.
- Xin lỗi chief, nhưng mình vừa dính vụ này. Chief muốn tôi lơ điều tra hay ghé lại phòng bác sĩ tâm lý của Sở?
- Ghé bác sĩ tâm lý và tiếp tục điều tra. Nhưng anh làm ơn đừng có thái độ bực bội như thế.
- Tôi không khám đúng giờ thì sao? - Nick cười.
- Nếu anh còn muốn làm việc ở đây, thì tới khám cho đúng giờ. Hiểu không, Nick?
- OK, Chief. Tôi sẽ ráng.
- Vậy tôi mới yên tâm - Phil Walker nói - Rồi tới anh chắc cũng vậy.
- Trời đất - Gus nói - Mày hay thiệt Nick. Tới đâu là có chuyện vui tới đó.
- Dẹp. Bây giờ đi Divisadero nghe?
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp