Bạch Mã Hoàng Tử, Chàng Ở Đâu?

Chương 5


Chương trước Chương tiếp

Ariane yêu quý,

Tớ lại đang nghe Évita đây, nhưng lần này thì không có sake.

Tớ lại nghĩ tới chuyện đổi họ khi kết hôn và tớ đồng ý với cậu: chuyện này hơi man rợ. Nhưng tớ có thể làm chủ khá dễ dàng nếu có dịp.

Chuyện này khiến tớ nhớ lại chuyện về cái gã mà mùa hè nào tớ cũng gặp khi đi nghỉ mát. Một hôm, tớ thấy gã đi cùng một cô gái xinh đẹp và tớ bước tới chào họ. Gã không giới thiệu bọn tớ với nhau nên tớ quay về phía cô nàng để nói cho cô nàng biết họ của tớ, thế là cô nàng thì thầm: “Tôi là hôn thê của Joe.” Tớ bèn trả lời: “Vậy tên cô là...” Chưa gì cô nàng đã tự nhận dạng bản thân qua gã kia. Hai năm sau tớ gặp lại họ, gã đối xử với cô nàng như cái của nợ khiến tớ nghĩ: đáng đời!

Tớ không biết đã nói với cậu chưa nhưng một trong số các cô bạn thân của tớ sẽ tới sống ở Paris. Cô ấy rất thông minh và tài năng. Cô ấy nói trôi chảy tiếng Pháp và tiếng Anh, cô ấy đang theo học ở Oxford để lấy bằng... Tớ không tài nào nhớ nổi mọi người theo học ngành gì. (Tương tự như khi họ làm cố vấn, tớ chẳng bao giờ biết là cố vấn cái gì). Bỏ qua nhé.

Cô ấy đã kết hôn và có ba con: Candice, David và... Khốn kiếp! Tớ quên mất rồi. Tớ là đứa bạn tồi, thật đáng xấu hổ. Mà thôi, tớ sẽ nhớ ra ấy mà. Cô ấy chơi violoncelle và hát rất hay... Tớ không biết mình bị sao nữa, hình như một bà bạn của mẹ tớ sẽ thử sắp xếp một cuộc hôn nhân. Tóm lại là tớ sẽ cho cô ấy số điện thoại của cậu, tớ rất muốn cậu gặp cô ấy.

Lễ cưới của cô ấy diễn ra rất thân mật ấm cúng, chỉ có khoảng tám mươi người, và hai vợ chồng cô ấy đã quyết định tổ chức lễ cưới ở ngôi nhà nông thôn của bố mẹ cô ấy. Buổi lễ cảm động lắm, ai nấy đều khóc cả. Dĩ nhiên tớ thì không. Tớ được giao nhiệm vụ chụp ảnh nên quá bận bịu để có thể khóc lóc.

Cuối buổi lễ, lúc chuẩn bị lên xe với chồng, cô ấy đã tới gặp bọn tớ (nhóm bạn thân cũ của cô ấy) rồi bắt đầu thút thít. Bọn tớ hỏi cô ấy có gì không ổn à, cô ấy trả lời: “Tớ không muốn ra đi, tớ muốn ở lại rửa bát đĩa với các cậu.” Thế là tớ òa lên nức nở, mấy cô kia cũng òa lên theo. Tớ nhớ rõ chuyện đó như thể nó mới xảy ra hôm qua vậy.

Tớ vừa ngừng gõ một lúc để ăn ngũ cốc và giờ thì khá hơn nhiều rồi.

Tối qua tớ dùng bữa với một gã, kết quả từ sự can thiệp của bố tớ. Thường thì bố mẹ tớ tuyệt đối cấm mình nhúng mũi vào cuộc sống riêng tư của tớ và tớ ghét việc họ nói chuyện về tớ với bạn bè họ, nhưng bố tớ cam đoan là chuyện kia chỉ ngẫu nhiên xảy ra. Ông giải thích với tớ rằng ông gặp các bạn mình đi cùng con trai họ và họ nghĩ bọn tớ nên gặp nhau.

Lúc cho tớ hay ông đã đưa họ số điện thoại của tớ, ông bối rối tới mức khiến tớ mủi lòng. Nhất là khi ông bảo tớ với vẻ lúng túng ơi là lúng túng:“Con không bị buộc phải làm gì cả”. Rồi ông khiến tớ phát cáu lên với một tràng diễn văn kiểu: “Ngay cả khi có Hoàng tử bạch mã bấm chuông cửa nhà con thì con cũng sẽ làm như không nghe thấy gì. Còn nếu con có mở, thì con cũng sẽ sập cửa ngay trước mũi anh ta trước khi anh ta kịp cất lời chào con.” Sau chừng ấy thứ thì khó mà từ chối bố tớ được...

Tớ hỏi ông anh chàng đó có dễ thương không, ông trả lời ông chẳng biết gì về bọn con trai cả và ông quên mặt gã rồi.

Bố tớ nói dối trắng trợn.

Tớ đã tự nhủ như vậy lúc Benjamin Sherman đến đón tớ. Bố tớ mà quên được cái khuôn mặt kỳ cục kia ư!

Trước thái độ sửng sốt vô bờ của tớ, gã đưa tớ đến một nhà hàng Do Thái. Tớ bảo gã rằng tớ không nhớ là bố mẹ gã theo tôn giáo nào đó, thế là gã trả lời: “Đúng đấy, chỉ có tôi theo thôi.”

Rồi gã tràng giang đại hải về nguồn gốc và quá trình phát triển đức tin trong gã. Khi gã nói xong thì bọn tớ đã ngồi vào bàn được ít nhất một tiếng đồng hồ rồi. Và chẳng thèm chuyển tiếp gì, gã hỏi luôn tớ nghĩ gì về gã...

Tớ hơi luống cuống trước sự thẳng thắn trong câu hỏi ấy, nhưng cũng lại cảm thấy nhẹ nhõm vì chẳng việc gì phải tốn công gây hiểu lầm.

- Tôi nghĩ chúng ta sẽ chẳng hợp nhau đâu. Tôi không được sùng đạo cho lắm, và cứ xét đến tầm quan trọng của tôn giáo đối với cuộc sống của anh thì anh cần một phụ nữ cảm thông được với đức tin trong anh.

- Hoàn toàn đồng ý... Nhưng để phối đôi thì hẳn là hợp đấy.

- ... Không phải với tôi.

Tớ nói không chớp mắt và đã giữ được thể diện, nhưng tớ vẫn thấy sững sờ. Chết đứng luôn.

Cảm ơn, nhưng không muốn tráng miệng.

Rồi tớ tự nhủ rằng chuyện này dù sao cũng có mặt tốt của nó: nếu tớ kể cho bố mẹ tớ, họ sẽ không bao giờ dám gán ghép tớ với ai nữa.

Đến giờ tớ đi tập rồi. Nếu cô ả giáo viên kia còn mắng mỏ tớ nữa, tớ sẽ tống cô ả vào phòng tra tấn cùng Barbara và mấy cô nàng đi xăng đan cho mà xem.

Hôn cậu,

Justine

TB: tớ chẳng làm sao nhớ ra được tên của đứa thứ ba. Đúng là chết tiệt.

TTB: tuần tới tớ hẹn hò với ba gã, ai mà biết được...

Buổi tối vĩ đại; tôi hẹn gặp Julien để đi xem vở kịch mới của Sylvia và tôi đã làm đầy đủ bài tập của mình: tôi đã nhẩm thuộc lòng một loạt các tính từ mà người ta có thể sử dụng để miêu tả một vở kịch, một loạt các tính từ vô thưởng vô phạt. Tôi ghét phải nói dối, và tôi không bao giờ tâng bốc được thứ gì mà tôi ghét, nên danh sách tính từ của tôi sẽ là: “Đáng ngạc nhiên”, “độc đáo”, “có một không hai”, “bất ngờ”... Dù nghe thật ngu ngốc nhưng ít ra tôi cũng có gì đó để nói.

Giờ chúng tôi đang ngồi trong một nhà hát xứng tầm quy mô nhân loại và tôi có thể thở phào nhẹ nhõm vì chẳng nhận ra gương mặt quen nào cả.

Phải nói rằng để phá lên cười như điên thì thực sự phải gàn dở lắm, bởi vở kịch nói về một ông già hấp hối thổ lộ hết mọi bí mật của mình cho cô y tá nghe trước lúc chết. Cảnh diễn rất đơn giản, ông già không lúc nào rời khỏi giường mình và mọi hành động của Sylvia chỉ dừng lại ở việc cho ông già uống nước và đưa thuốc cho ông già dưới chiếc đèn ngủ nhỏ là nguồn sáng duy nhất trên sân khấu.

Julien và tôi âm thầm chịu đựng, dĩ nhiên chúng tôi có bừng tỉnh đôi chút khi sân khấu bỗng chìm trong bóng tối và chúng tôi căng mắt tập trung chờ được xem diễn biến tiếp theo. Nhưng một kỹ thuật viên đã tế nhị chạy ra sau cánh gà thay bóng cho chiếc đèn ngủ khiến chúng tôi buộc phải ngầm hiểu rằng bóng tối ấy đơn thuần chỉ là tai nạn giữa chừng, và sự đơn điệu tiếp tục phát huy.

Hai giờ sau, chúng tôi đến chết vì buồn ngủ và hoàn toàn suy sụp tinh thần; ông già nói lời ăn năn và ra đi thanh thản; dù sao cũng thật đúng lúc vì tôi đói lắm rồi.

Không thể ra về mà chưa ôm hôn Sylvia.

Tôi ngập ngừng nói với cô vài lời vô nghĩa mà tôi đã thay đổi đôi chút cho hợp hoàn cảnh (“Đọc kịch bản ấy chắc hẳn thú vị lắm”), sau đó tôi nhường lời cho Julien.

Đúng là đồ đểu giả, suốt buổi diễn, cậu xem đồng hồ phải tới hơn mười lăm lần, vậy mà cậu vẫn thốt ra được cả đống lời khen. “Tuyệt vời, tớ thích lắm, thực sự là một vở kịch rất hay...” Tôi sửng sốt quá đỗi! Sylvia phải ở lại nói chuyện với đạo diễn, nhưng cô hỏi chúng tôi định ăn tối ở đâu phòng trường hợp cô có thể đến chỗ chúng tôi.

Khi còn hai người với nhau, tôi gọi Julien là đồ xảo trá và đạo đức giả, cậu chống chế rằng cậu chỉ đơn giản là tỏ ra lịch sự mà thôi và chúng tôi đi đến nhà hàng. Hai mươi phút sau, nằm ngoài những gì chúng tôi mong đợi, Sylvia xuất hiện. Vẻ phấn khích tột độ, cô cho chúng tôi hay là một kênh truyền hình cáp đã ghi hình vở kịch.

Tôi hân hoan trả lời:

“Cậu nhớ báo cho Julien ngày chiếu nhé vì cậu ấy thích vở kịch lắm nên sẽ xem lại đấy.”

Tôi cứ ngỡ mình khiến cậu ấy bối rối, nhưng cậu ấy lại kéo áo vest lên và đáp lời không chút đắn đo:

“Đúng đấy, nếu hôm đó tớ không ở nhà thì tớ sẽ thâu lại vào băng.”

Sylvia rất vui sướng, lúc nào cũng thế. Trước vẻ mặt ngơ ngác của tôi, cậu ấy còn nói thêm.

“Cậu cũng nên báo cho cả Ariane nữa để cậu ấy thâu băng, tốt nhất là thâu hai băng cho nó an toàn.”

Thế là xong, tràng cười như điên chực phá lên trong tôi tan thành mây khói, tôi buộc phải lục lọi túi của mình để trốn xuống gầm bàn.

Thêm một lần nữa tôi về nhà trong trạng thái sung sức.

Tôi yêu nhà hát kịch.

- Ambre đây. Cậu sẽ không bao giờ đoán nổi cuối tuần tớ đi chơi với ai đâu... Guillaume! Guillaume làm ở phòng Marketing ấy. Anh chàng mà tớ...

- Tớ biết rõ đó là ai mà, đó là anh chàng từng cảm nắng Léa.

- Cảm ơn vì nhắc tớ nhé. Được rồi, trong lúc chờ đợi thì dĩ nhiên chuyện đó phải xảy đến với anh ấy chứ, hôm qua tớ gặp anh ấy ở thang máy, anh ấy rủ tớ đi uống cà phê, rồi từng chút từng chút một, cuối cùng bọn tớ ở bên nhau suốt buổi tối. Và cậu biết gì không? Lúc ra về anh ấy đã ôm hôn tớ!

- Rồi sao?

- Rồi thế thật tuyệt chứ sao! Nhưng chưa hết đâu nhé: thứ Sáu anh ấy đi Bruxelles tham dự một buổi hòa nhạc, anh ấy muốn tớ đi cùng để bọn tớ có thể nghỉ cuối tuần ở Amsterdam.

- Ôi trời! Sao nhanh thế!

- Cậu cũng thấy vậy à? Nhưng tớ sợ bỏ lỡ cơ hội nếu bắt anh ấy phải chờ đợi.

- Nếu anh ta thích cậu thì anh ta sẽ đợi.

- Ôi nghe này, chúng ta thường nói thế khi còn học cấp ba, nhưng giờ không còn như thế nữa: chúng ta lớn cả rồi. Chúng ta làm cho nhau thỏa mãn mà không cần phải thắc mắc gì.

- Vậy đấy, thế cậu định nghĩa lớn là thế nào? Đừng quên cảnh báo tớ nếu cậu định soạn hẳn một cuốn từ điển nhé...

- Đừng có nói với tớ về từ điển, chuyện ấy lại khiến tớ nhớ đến trang 39. Cậu đừng kiếm chuyện mất vui, tớ chỉ đơn giản muốn thỏa mãn bản thân thôi.

- Vậy thì cậu cứ tự mà thỏa mãn bản thân, bạn yêu quý ạ.

- Tớ đã gọi Léa để hỏi cậu ấy tên khách sạn mà cậu ấy từng rất thích, cậu ấy trả lời “Tớ quên rồi, cậu hỏi Ariane đi, cậu ấy là từ điển sống của tớ”.

- Cậu ấy cường điệu đấy, tớ chưa bao giờ tới đó cả! Nhưng tớ nghĩ tên khách sạn đó là Tuy líp Xanh hay cái gì đó tương tự.

- Chính xác! Được rồi, tớ gọi tới đó ngay đây, hẹn cậu sau.

Sáng thứ Bảy, Ambre rạng ngời lên tàu TGV đến Amsterdam.

Guillaume đón cô ở ga và họ dành cả buổi chiều lang thang quanh thành phố, thanh thản dạo chơi dọc theo những con kênh, những khu chợ và từ cửa hàng này sang khu triển lãm khác.

Tối thứ Bảy, họ trở về khách sạn và lên phòng đã đặt trước tại tầng trên cùng. Ambre đến bên cửa sổ và phát hiện ra tầm nhìn tuyệt đẹp đang chờ đón họ chiêm ngưỡng. Cô ra hiệu cho Guillaume lại gần.

- Anh đến xem đẹp chưa này! cô thì thầm.

- Mút anh đi! Guillaume trả lời.

- Đoán xem ai quay về này?

- Mẹ ạ?!

- Về nhà mình thật thoải mái làm sao!

- Lẽ ra mẹ phải báo trước cho con chứ, con sẽ ra đón mẹ. Pedro có đi cùng mẹ không?

- Không, ông ấy ở lại đó, mọi chuyện kết thúc rồi, mẹ quá già để có thể hợp với các thi sĩ lỡ làng, lần tới chắc mẹ phải kiếm ai đó thong dong hơn. Ghé qua thăm mẹ đi, mẹ có cả đống chuyện muốn nói với con.

“Lần tới”. Mẹ không nghi ngờ gì cả. Điều tồi tệ là bà có lý.

Mẹ tôi đã năm mươi lăm tuổi, bà từng kết hôn hai lần và kể từ đó bà chẳng bao giờ sống cuộc đời độc thân quá vài tháng. Đời sống tình cảm của bà không vướng chút gì đau khổ, hoặc có lẽ bà biết cách giấu nhẹm mấy thứ đau khổ đi. Bà chào đời và trưởng thành tại New York, điều này khiến ai cũng thấy giọng nói của bà nghe thật đáng yêu. Được cưng chiều từ thuở bé vì là con gái viên chức cấp cao, bà vẫn giữ sở thích công khai dành cho sự xa xỉ và nét tính cách hết sức táo bạo luôn khiến tôi bối rối từ hồi tôi chào đời.

Trong lúc đi thẳng một mạch đến căn hộ của bà, tôi tự hỏi sao với bà mọi việc lại luôn đơn giản như vậy còn với tôi mọi việc lại luôn phức tạp như vậy.

Tôi từng thường xuyên chỉ trích bà, nhưng tôi cũng tự nhủ mình còn phải học bà nhiều điều.

Đầu tiên là vẻ thoải mái đến khó tin trong từng hành động của bà.

Liệu có học được điều đó không? Không, đó là năng khiếu bẩm sinh. Ta có hoặc không có nó. Tôi thì tôi không có nó, rõ là thế.

Thí dụ khả năng mặc toàn đồ trắng mà không bao giờ bị giây bẩn, tôi chẳng bao giờ có thể làm được.

Ngay khi có thể là bà chỉ mặc mỗi đồ trắng. Bà tự cho phép mình có thói quen xa xỉ là ngồi trên máy bay suốt mười hai tiếng đồng hồ trong bộ lanh trắng toát và lúc tới nơi, quần áo của bà không những vẫn sạch sẽ mà còn chỉ hơi nhàu chút xíu, đúng những gì cần để có thể giữ được vẻ thoải mái.

Làm thế thì tôi đến chết mất. Tôi ngưỡng mộ lắm nhưng làm thế thì tôi đến chết mất.

Căn hộ nơi bà sống là một mớ hỗn tạp kỳ quặc đủ loại phong cách, sắc màu và các vật dụng được mang về từ khắp nơi trên thế giới, chúng hòa quyện vào nhau nom cũng khá có gu.

Bà hối hả chuẩn bị trà và ríu rít trò chuyện... nom bà thật vui vẻ và mọi thứ dường như rất dễ dàng.

Bà hỏi thăm tin tức Vincent, bố tôi và bà nội tôi trong cùng một câu rồi như mọi khi, lơ đãng nghe những gì tôi trả lời. Chính vì thế mà lúc nào tôi cũng cảm thấy khó tâm sự được với bà. Chưa kể mọi ý định của tôi bao giờ cũng kết thúc trong thất bại thảm hại. Nhưng có gì đó trong tôi không chịu lui bước, nên lần này tôi muốn thử.

- Mẹ biết không, con đã gặp một cơn ác mộng kỳ lạ trong thời gian mẹ đi vắng. Với mẹ và những bông hoa nhựa.

- Con kể đi.

- Lễ cưới của con. Rất đông người tới dự nhưng chẳng ai mặc quần áo, cả con cũng vậy. Tất cả mọi người đều bệnh. Nhưng đó chưa phải cơn ác mộng. Đột nhiên, giữa đám hỗn loạn, con nhận ra toàn bộ đám hoa đều bằng nhựa. Con tìm mẹ khắp nơi để nói với mẹ điều đó. Cuối cùng con tìm thấy mẹ, con đã gắt um lên và hỏi sao mẹ lại có thể làm thế với con. Mẹ làm gì vậy?

- Mẹ xin lỗi, đến giờ chiếu bộ phim truyền hình của mẹ rồi.

- Mẹ thật quá đáng, con kể chuyện cho mẹ nghe còn mẹ lại đi bật ti vi! Con đã kể xong đâu, không có chú rể!...

- Con yêu, những giấc mơ ấy mà, chúng chẳng có nghĩa gì đâu, và giấc mơ của người khác thì lại càng không thú vị. Lại đây xem ti vi với mẹ đi, con sẽ thấy mọi thứ vui lắm.

- Nhưng mẹ xem mấy bộ phim ngu ngốc kia từ khi nào vậy?

- Mẹ có thói quen này từ hồi ở Achentina, họ chiếu những bộ phim truyền hình tệ nhất thế giới. Mà suy cho cùng thì là những bộ phim hay nhất. Suỵt, bắt đầu rồi kìa.

Bà độc đoán nắm lấy tay tôi rồi kéo tôi ngồi sát gần bà.

Tôi ở lại đó, tôi không muốn hai mẹ con cãi vã, mà nhất là tôi nhận thấy đã lâu lắm rồi mẹ con tôi chẳng chia sẻ gì với nhau cả. Nên dẫu đó có là một bộ phim truyền hình ngu xuẩn thì dù sao cũng đáng để xem.

Trên màn hình, một cặp đôi đẹp đến gớm ghiếc và trau chuốt đến hoàn hảo đang nhìn vào mắt nhau.

“Nhưng Ridge, anh biết là em yêu anh mà!

- Có thể, nhưng mẹ anh sẽ không chịu nổi điều đó đâu...

- Em sẽ biết cách thuyết phục bà!

- Không đời nào. Bà không còn tin nữa kể từ sau lần em tìm cách giết anh...”

Mẹ tôi rúc rích cười thích thú. Có lẽ đó là điều duy nhất tôi phải học ở bà: để niềm vui ào tới và trở nên nhẹ nhõm hơn.

Tôi để tay tôi nằm im trong tay bà.

- Bố rất tiếc, con yêu. Thực sự là rất tiếc, bố cứ đinh ninh hai bố con mình ngồi cùng bàn cơ...

Bố mẹ Claire tổ chức đám cưới hoành tráng quá, có tới tận năm trăm khách mời nên bố tôi phải mất ít nhất hai mươi phút mới tìm ra tôi ngồi ở đâu.

- Không sao đâu bố, mọi chuyện ổn cả.

- Con có làm quen được với ai không?

Ánh mắt chế giễu của các khách mời khác. Cảm ơn bố, vì đã nhắc con nhớ lại thời xa xưa tốt đẹp khi bố về sớm hơn dự định đúng ngày con tổ chức tiệc nhảy tại nhà và bâng quơ thốt ra một câu vui vẻ “Bố chỉ tạt qua thôi!” nhưng một giờ đồng hồ sau bố vẫn cứ giữ rịt đám bạn của con để dốc bầu tâm sự...

- Vâng bố ạ, bố nên quay trở lại dùng bữa tối thì hơn, con sẽ ra gặp bố khi ăn xong.

Tôi phải ngồi ở một cái bàn mục rữa gồm những ả độc thân chải chuốt đầy cảnh giác, một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi nhìn chúng tôi trịch thượng và một gã đực rựa duy nhất trong bàn chưng ra nụ cười ghê tởm vẻ chiếu cố.

Tôi nhìn quanh mình để xem có bỏ lỡ gì không và nhận ra cô em họ Bérénice ngồi cách tôi vài bàn. Nhưng con bé ngu ngốc ấy làm gì ở đây mới được chứ? Không nên để nó thấy tôi, nếu không nó sẽ đến ra vẻ nọ kia mà nó thì đặc biệt xuất sắc trong vụ này.

Thế là tôi ngồi thẳng lưng, tập trung vào bàn mình và có lẽ như vậy tôi sẽ quên được sự hiện diện của nó.

- Đám cưới này đẹp quá, người phụ nữ bốn mươi tuổi thốt lên, từ sau đám cưới của tôi đến giờ, tôi chưa dự đám cưới nào đẹp như đám cưới này!

- Chồng chị không tới ạ? cô gái ngồi cạnh bà ta lịch sự hỏi, đó là một cô gái xinh đẹp khoảng hai mươi tuổi có khuôn mặt tròn xoe.

- Chúng tôi ly dị rồi.

Chị ta nói rất to. Bức thông điệp được truyền đi, độc thân đấy nhưng rất có kinh nghiệm, để không lẫn lộn với bất cứ ai khác.

- Tôi rất lấy làm tiếc, cô gái trẻ trả lời.

- Còn tôi thì không! Điều duy nhất tôi đánh giá cao ở cuộc hôn nhân này là viễn cảnh chừng nào còn sống tôi sẽ vẫn quấy rối người đàn ông đó!

Cô bé mắt tròn mắt dẹt.

- Thế còn chủ nghĩa lãng mạn thì sao?

Người phụ nữ nhoài về phía trước để đọc tên cô bé trên tấm thẻ các tông rồi nói:

- Élodie thân mến, cô có biết chồng cũ của tôi đã làm gì khi tôi trách ông ta không tình cảm không? Ông ta cặp luôn một cô nhân tình mới. Cô thấy lãng mạn đấy chứ?

Élodie co rúm người vào thấy rõ, chắc phải kê thêm một đôi bốt dưới mông cô bé để nom cô bé được rõ hơn.

- Nhưng ban đầu hẳn anh chị cũng hạnh phúc chứ ạ?

- Chỉ lúc cả hai còn sáng suốt thôi. Chắc cô cũng biết là tình yêu mù quáng thế nào rồi đấy... Nhưng hôn nhân thì giúp tình yêu được mở mắt.

- Tôi tin chắc vẫn có những thời điểm tốt đẹp, tôi không biết nữa... những bữa sáng trên giường chẳng hạn...

- Ồ, tôi thì tôi đã cảnh báo chồng mình: nếu anh muốn ăn sáng trên giường thì anh cứ việc ngủ dưới bếp!

Tay đực rựa liền xen vào, gã thấy vui vì rốt cuộc cũng có lý do chính đáng để cười khùng khục.

- Một người theo thuyết nữ quyền, cũng dễ thương đấy... Chị cứ độc lập đi nhưng rồi chị sẽ suy sụp thôi vì chị chỉ có một mình và không thiết kế nổi cuộc sống nếu thiếu đàn ông.

Thế là xong: gã ta đã đổ dầu vào lửa. Người phụ nữ lớn tiếng tự vệ, chị ta đã uống nhiều và rõ là đang trở nên hiếu chiến. Rốt cuộc gã đực rựa nói:

- Chị đừng có kêu lên như vậy, thật là khó chịu! Chị hãy mỉm cười đi, đó là công việc tốt đẹp thứ nhì chị có thể làm với cái mồm của chị đấy.

Gã cười khẩy và rõ là đang chờ được tất cả những người còn lại trong bàn hùa theo, nhưng chúng tôi ai nấy đều rầu thối ruột trước màn diễn của hai người họ nên bao trùm chỉ là bầu không khí im phắc.

Đúng khoảnh khắc ấy thì Claire và chồng cô đến hỏi chúng tôi xem mọi chuyện có ổn không. Chúng tôi đồng thanh trả lời “rất ổn cám ơn!”, rồi chúng tôi cùng mỉm cười khi chụp ảnh và ngay lúc vợ chồng họ quay lưng đi thì bầu không khí đối nghịch lại bao trùm.

Tôi quan sát toàn bộ chuyện này mà không dám nói gì, bởi nếu tôi thú nhận với mấy kẻ độc thân và con mụ ác mỏ kia rằng tôi đã kết hôn thì tôi có nguy cơ bị hành hung lắm.

May thay rốt cuộc gã đực rựa cũng rời khỏi bàn và người phụ nữ quay sang trút hận lên Élodie bằng cách khuyên cô bé mấy thứ kiểu “Cô đừng mong có thể thay đổi được một gã đàn ông, trừ phi gã vẫn còn mang bỉm”, hoặc “Cứ ở cùng những gã bằng tuổi cô ấy bởi dù sao thì những gã năm mươi tuổi cũng vẫn ấu trĩ như vậy thôi”.

Cô bé có vẻ xúc động tột độ vì chưa bao giờ bị tan vỡ nhiều ảo mộng đến vậy chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, tôi e là cô bé sẽ òa lên khóc mất. Tôi kéo cô ra chỗ bàn tráng miệng; ở đó cô gặp lại bố mẹ mình và thở phào nhẹ nhõm.

Tôi gặp bố tôi trước cửa nhà vệ sinh dành cho phụ nữ, ông đi nhầm vào đó, tôi nài nỉ ông về và ông chỉ chấp nhận với điều kiện tôi giải thích cho ông hiểu tại sao phụ nữ lại luôn há hốc miệng khi họ chải mascara.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...